Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Có lẽ nhiều người ngày nay không biết rằng, tại Việt Bắc vào cuối thập niên 1940, trong nội bộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có một cuộc tranh luận về lựa chọn giữa hai con đường – chế độ cộng hoà hay cộng sản cho nền tư pháp Việt Nam.

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946, Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản, Kỳ 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời, Kỳ 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Khảo sát cách người cộng sản và cộng hòa nửa đầu thế kỷ 20 mong muốn nước Việt Nam hiện đại có một nền pháp quyền như thế nào sẽ giúp chúng ta hiểu nguồn gốc của những sự lựa chọn chính trị của các lực lượng xã hội ở Việt Nam trong thế kỷ 20, hiểu bản chất của thực trạng nền “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam ngày nay. 

Những mảnh vỡ của một “đại tự sự”

Hơn bảy thập niên qua, ở Việt Nam, có một cách kể chuyện được xác quyết là “chân lý” không thể thay đổi: “cách mạng vô sản” (hay con đường cộng sản chủ nghĩa) là một “lựa chọn tất yếu của lịch sử”. 
Từ thập niên 1990, sau khi những người cộng sản Việt Nam buộc phải từ bỏ con đường kinh tế cộng sản chủ nghĩa, người ta vẫn tiếp tục cách lập luận ấy, mặc dù phải nói thêm là trong tiến trình cách mạng thì có “một số sai lầm”. 

Câu chuyện quen thuộc được kể là: sau khi Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại trong khởi nghĩa Yên Bái (1930), không còn lực lượng nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho “độc lập tự do”, vì vậy, “con đường cộng sản” của Việt Nam từ thập niên 1950 đến cuối thập niên 1980 là tất yếu. Lịch sử chính trị là bộ khung cho lịch sử các lĩnh vực khác. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn thấy cách viết lịch sử như vậy xuất hiện trong mọi lĩnh vực: ngoài chính trị, nó xuất hiện trong lịch sử kinh tế, xã hội, văn hoá, văn học, tư tưởng, giáo dục. 

Cách kể chuyện “cách mạng vô sản là tất yếu lịch sử” này chỉ có thể đứng vững được khi và chỉ khi người ta chỉ tập trung vào lịch sử chiến tranh, loại bỏ lịch sử tư tưởng và xã hội, bất kể một sự thực là mọi cuộc chiến tranh đều được thực hiện bởi một lực lượng xã hội nào đấy với một hệ tư tưởng nhất định. 

Đại tự sự “cách mạng vô sản là tất yếu lịch sử” để lại rất nhiều mảnh vỡ không thể giải thích được. Khi lấy lịch sử tư tưởng soi vào lịch sử chính trị, kinh tế và văn hoá, chúng ta sẽ thấy bức tranh lịch sử có tính “giáo khoa” nói trên ở Việt Nam không còn nguyên vẹn nữa.  

Trong số các phương diện khác nhau của cách thức tổ chức đời sống xã hội, tư tưởng pháp quyền và tổ chức nền pháp quyền là vấn đề cốt lõi, vì nó quyết định cách thức vận hành của hệ thống chính trị, các lực lượng kinh tế và xã hội, và trên cơ sở đó, quyết định cách vận hành nền giáo dục để đào tạo những con người tương ứng với nó. 

Loạt bài viết này giới thiệu ngắn gọn tư tưởng cộng hoà đối với pháp quyền ở Việt Nam sau cuộc cách mạng tháng Tám 1945, cuộc tranh luận về sự lựa chọn hai con đường cộng sản – cộng hoà cuối thập niên 1940 trong nội bộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự lựa chọn mô hình tư pháp cộng sản chủ nghĩa đầu thập niên 1950.

Chúng tôi cho rằng lịch sử biến đổi từ tinh thần cộng hòa sang tinh thần cộng sản của tư tưởng pháp quyền giai đoạn 1945 – 1954 là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những biến động khốc liệt về mặt chính trị và xã hội Việt Nam giai đoạn này, kéo theo những diễn biến lịch sử của giai đoạn tiếp theo. Ở những bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích những diễn biến của tư tưởng pháp quyền. Sau đó, ở những bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ khảo sát các mối quan hệ quốc tế và lực lượng chính trị ở Việt Nam đã thúc đẩy sự biến đổi đó của tư tưởng pháp quyền.  

Sắc lệnh 13 và tính tự trị của nền tư pháp

Ngay sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bài định hướng xây dựng bộ máy hành pháp của chế độ mới: “Chính phủ là công bộc của dân”. Bài viết khẳng định: 

Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Uỷ ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống. (Báo “Cứu quốc” số 46, ngày 19/9/1945)

Một lẽ tất yếu, chỉ có thể xây dựng được một hệ thống hành pháp không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng” bằng cách xây dựng hệ thống tư pháp độc lập. 

Ngày 24/1/1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 13, trong đó khẳng định tính tự trị của nền tư pháp: 

“Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính.” (Điều 47)

Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án. (Điều 50) 

Điều 25 quy định lời thề nhậm chức của các Phụ thẩm toà án: 

“Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi, vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc.”

Như vậy, khác với quan niệm tư pháp phục vụ “đấu tranh giai cấp” của những người cộng sản từ 1948, giới hạn chức năng của tư pháp trong phạm vi “trừng phạt”, Sắc lệnh 13 năm 1946 này đã nhấn mạnh chức năng của quan toà (tư pháp) không chỉ là “trừng phạt” mà phải rộng hơn thế: bảo vệ công lý. Về mặt ngôn ngữ, trong lời thề nói trên, “Công lý” được đặt trước “nhân dân”. 

Điều thứ 47 của Sắc lệnh đã nói lên đầy đủ tinh thần tư pháp cộng hoà giai đoạn 1946 này: 

Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. 
Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp.”

Sau đó, Hiến pháp 1946 (Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 9/11/1946) nhấn mạnh hệ thống tư pháp độc lập: 

Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. (Điều 69) 

Vũ Đình Hoè, 1912 – 2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ 1946 đến 1960. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp Việt Nam)

Tư pháp độc lập và tinh thần cộng hoà

Những trí thức cộng hòa tham gia bộ máy Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nắm ngành tư pháp, đặc biệt là Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu tiên, chính là tác giả thực sự của Sắc lệnh 13 và là người chấp bút phần lớn của Hiến pháp 1946 kể trên. 

Tinh thần cộng hòa đối với nền tư pháp đã tạo ra diện mạo dân chủ cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cấp cho người Việt Nam đương thời một nền tư pháp bảo vệ công lý cho họ trong hoàn cảnh chiến tranh. 

Ngày 15 tháng 2 năm 1948, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè, trong “Báo cáo về một năm hoạt động kháng chiến của Bộ Tư pháp”, cho biết trong hoàn cảnh chiến tranh, ở một số địa phương, có những quan chức hành chính lạm quyền, bắt người vô tội, tra tấn, giam giữ không xét xử…

 

Báo cáo dẫn trường hợp khi quân Pháp tấn công phía nam Hà Đông vào tháng 4 năm 1947, nhiều quan chức chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền hạn hoặc lợi dụng tình huống chiến tranh để trả thù cá nhân, bắt giam người trái phép, tra tấn và thủ tiêu người rất dã man, tàn ác. 

Nhưng Toà án liên khu 2 và 11 đã lập lại công lý, tha bổng nhiều người bị bắt giữ trái phép, trừng phạt những quan chức bắt giam trái phép và tra tấn bị can. Theo Báo cáo, Toà án liên khu 2 và 11 đã tuyên 15 án tử hình, gồm một vài uỷ viên kháng chiến xã, dân quân tự vệ, bộ đội và đặc biệt trong đó tử hình cả quan chức cấp cao như Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến phủ Ứng Hoà. 

Báo cáo cũng cho biết Bộ tư pháp đã nghiêm cấm việc tra tấn, kiểm sát chặt chẽ các trại giam nên không có nhà giam giữ bí mật ở các khu và liên khu. 

Những công tác này, Báo cáo cho biết, giúp nhân dân tin tưởng vào việc bảo vệ công lý và tái lập uy tín cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

Tuy nhiên, tinh thần cộng hoà đối với nền tư pháp đã không thể kéo dài lâu. Mười ngày sau Báo cáo nói trên, ngày 25/2/1948, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tư pháp toàn quốc, và trong hội nghị này đã xuất hiện chỉ đạo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống lại tư pháp độc lập. 

Như vậy, trong hai năm đầu sau khi ra đời, Việt nam Dân chủ Cộng hoà đã chấp nhận tư pháp độc lập và tinh thần tôn trọng pháp quyền của chế độ cộng hoà. Nếu tiếp tục lựa chọn này, Việt nam đã có một nền tư pháp độc lập để bảo đảm cơ quan hành pháp không được lạm quyền, Dân quyền và Nhân quyền được tôn trọng, tạo nền tảng chính trị để xây dựng một xã hội mở. Tuy nhiên, sau đó lịch sử đã rẽ sang hướng khác…

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ