Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

ĐẠI VIỆT DUY DÂN ĐẢNG

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

 

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Quyển II. Việt Nam Quốc Dân Đảng

Quyển III. Đại Việt Duy Dân Đảng

Đại Viêt Duy Dân Đảng, còn được gọi là Đại Việt Duy Dân Cách Mệnh Đảng hay Việt Duy Dân Đảng, có nhiều huyền thoại.  Đảng trưởng Thái Dịch Lý Đông A, tên thật Nguyễn Hữu Thanh, là một nhân vật kỳ bí.  Ngày thành lập đảng cũng không rõ rệt.

Những người thân cận và hoạt động trực tiếp với ông Lý, như Nghiêm Xuân Hồng, và Nguyễn Đức Thụ, cho rằng ông lập đảng bên Trung Hoa năm 1942 trong giai đoạn ông sang đó lánh nạn sau cuộc khởi nghĩa bất thành của Phục Quốc Quân ở Lạng Sơn.

Tuy nhiên, trang nhà của Học Hội Thắng Nghĩa, trong phần tiểu sử Đảng Trưởng, ghi rõ ông “lập Đảng Đại Việt Duy Dân tại núi Yên Tử. Tiểu tổ hạch tâm đầu tiên họp ngày 15/9/1937.  Lý Đông A đứng ra tuyên thệ chịu trách nhiệm lãnh đạo Đảng Duy Dân.”  Nhưng cũng cùng trong một trang, tài liệu này lai ghi ngày 1/1/1943 là ngày “ra mắt Tuyên Ngôn Thành Lập Tổng Đảng Bộ Đảng Đại Việt Duy Dân tại Hoà Bình”

Ngoài Lý Đông A, các ủy viên khai sáng ngày nay đã khuất gồm Tư Long, Thái Kim, Việt Bằng, Hoài Nam, và Đỗ Khuê.

Đảng tổ chức theo kiểu hội kín.  Bên cạnh Đảng Trưởng là Biệt Lập Cơ Quan thay thế khi ông vắng mặt. Trong số đó có Nguyễn Đức Chiêu, Lê Quang Luật, và có lẽ cả Nghiêm Xuân Hồng.  Ngoài Trung ương Đảng bộ còn có Lưu hậu Đảng bộ đề tiếp nối hoạt động khi Trung ương Đảng bộ giải tán.

Lý Đông A được các đảng viên coi như một nhân vật xuất chúng, thông

kim bác cổ, kiến thức gồm cả Đông lẫn Tây, và hành tung bí ẩn, biến hiện khôn lường.  Vì thế, không ai giữ được hình ảnh của ông.

Toàn bộ quan điểm chính trị của đảng Đại Việt Duy Dân xoay quanh Chủ nghĩa Duy Dân do Lý Đông A hoàn tất trong giai đoạn ông lưu vong bên Trung Hoa, lấy tên Việt Duy Dân Quốc Sách Đại Cương Thảo Án Toàn Pho.

Chữ Duy Dân bắt nguồn từ câu nói của Phan Bội Châu: “Ta chẳng duy vật, ta chẳng duy tâm, ta chỉ duy dân.”

Chủ thuyết Duy Dân tổng hợp cả Duy tâm, Duy vật, và Duy sinh, gọi là “Tập Đại Thành Đông Tây Kim Cố.”

Theo Nghiêm Xuân Hồng, Chủ thuyết Duy Dân gần với chủ thuyết dân chủ, nhưng có cái nhìn “cao viễn” hơn, vươn lên đến nhân sinh quan, nhận thức quan, vũ trụ quan, nhưng tiếc rằng ông Lý Đông A “không triển khai kỹ càng” những cái đó.

Năm 1940, trước khi sáng lập Duy Dân, Lý Đông A tham gia cuộc khởi nghĩa đánh vào Lạng Sơn của Phục Quốc Đồng Minh Hội, với tư cách Ủy viên Chính trị cho Kiến Quốc Quân của Viêt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội.  Cuộc khởi nghĩa thất bại vị Nhật phản bội, một số tàn quân chạy sang Tàu, tập hợp dưới sự chỉ huy của Lý Đông A.

Tại Hòa Bình, năm 1943 Lý Đông A công bố thành lập Tổng Đảng Bộ Đại Việt Duy Dân Đảng.  Hô hào kháng Pháp, kháng Nhật và phục hưng Việt.

Năm 1945, Duy Dân thành lập trường đào tạo cán bộ và Chiến khu Nga My (Ninh Bình), tức Làng Mơ.  Việt Minh Cộng Sản cho quân đến bao vây và đánh chiếm.  Trường huấn luyện tan vỡ, rất nhiều đảng viên đã hy sinh.

Đầu 1946, phe quân sự của đảng Đại Việt Duy Dân chủ trương lập chiến khu tại Hòa Bình để vừa đánh Cộng Sản, vừa đánh Pháp.  Ở đây, ngày 12/2/1946 Lý Đông A, với tư cách Thư ký trưởng đảng Duy Dân ký Hiệu Triệu Kháng Chiến cam kết:

“Chúng tôi thề đứng lên cùng quốc dân kháng Pháp, và cùng quốc dân, nghĩa là tất cả các giai tầng, các đảng phái, các thế hệ, các tôn giáo, các đoàn thể dân chúng, bất cứ mầu sắc nào mà giờ này cùng đứng lên kháng Pháp.  Chúng tôi thề hy sinh những kiến giải riêng biệt có thể gọi là hẹp hòi được, phục tòng ý chí chung để thành lập một hàng ngũ liên hiệp của dân tộc kháng chiến, chính phủ dân tộc kháng chiến, cùng chọn một ước pháp hợp lý mà chủ nghĩa Duy Dân chỉ là một đề án, không hơn là một đề án.”

Tháng 4 năm 1946, sau khi ký kết Hiệp định Sơ bộ cho Pháp đổ bộ Bắc phần, Việt Minh tấn công Chiến khu Hòa Bình. Chiến khu tan vỡ, nhiều đảng viên Duy Dân tử trận, Lý Đông A mất tích.

Trước đó, ông đã ra lệnh giải tán Tổng Đảng Bộ, chủ yếu là để bảo toàn chủ lực.  Lý Đông A ra lệnh cho toàn bộ đảng viên “chìm vào đáy tầng”, thực hiện công việc “xây dựng chủ lực dân tộc.”.  Đại đa số đảng viên Duy Dân không tin là ông Lý bị chết, nhưng từ năm 1946 ông không xuất hiện nữa.

Sau khi ông “mất tích,” Duy Dân không có chỉ huy thống nhất, nên chia thành ba nhóm.  Nhóm Tổ Đảng của cụ Lang Nhân tự Thái Nhân, Cán sự trưởng của cán sự bộ 002, chủ trương đóng kín để huấn luyện, nhóm Việt Duy Dân Lưu hậu Đảng bộ do Thái Lăng Nghiêm làm Bí thư trưởng lo chuyện hoằng pháp và hoạt động chính trị, nhóm Quang Khàn ở giữa và không muốn vào cơ cấu nào.

Sau 1975, Trần Thanh Đình thuộc nhóm Phan Sào Nam ở lại Việt Nam, chuẩn bị lập chính phủ Duy Dân, mưu đảo chính thì bị Cộng Sản bắt, giết.  Đoàn Viết Hoạt, con trai cụ Lang Nhân, sau khi ra khỏi nhà giam Cộng Sản, sang Hoa Kỳ lập Học Hội Thắng Nghĩa, tập trung vào việc “bảo vệ tài liệu, phổ biến tài liệu và chuyển tài liệu Duy Dân cho những người của thế hệ 2000 như dự liệu của ông Lý Đông A.”  Học Hội lập trang nhà Thắng Nghĩa Lý Đông A cho mục đích ấy:

Giới Thiệu | THẮNG NGHĨA (thangnghia.org)

Cuối sách là phần phụ lục gồm 1) Tiểu sử Đảng Trưởng Lý Đông A; 2) Tuyên ngôn thành lập Tổng Đảng Bộ; 3) Hiệu triệu kháng chiến; và 4) Hoạt động của Duy Dân từ 1946.

Năm 1986, với sự hỗ trợ của Social Science Research Council, chúng tôi khởi sự phỏng vấn và ghi âm những câu trả lời của một số nhân vật Đại Việt Duy Dân Đảng.  Những cuộc phỏng vấn đó được in trong cuốn sách này, theo thứ tự ngày phỏng vấn như sau:

Tên                                          Ngày phỏng vấn                      Links bài

Nghiêm Xuân Hồng                27/08/1986                                 Xem tại đây

Nguyễn Phương Minh            08/1986                                      Xem tại đây

Nguyễn Đình Thư                  12/12/1986                                 Xem tại đây

Nguyễn Đức Thụ                   11/10/1987                                  Xem tại đây

Trần Thanh Hiệp                    09/04/1988                                 Xem tại đây

Đoàn Viết Hoạt                      16/08/2021                                 Xem tại đây

Trịnh Đình Thắng                   11/09/2021                                 Xem tại đây

Phụ lục: Các tư liệu về Đại Việt Duy Dân Đảng 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ