Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)

Vũ Quang Việt

Published on

Vũ Quang Việt

28/08/2023

Tóm tắt

Phần A. Sự khác biệt giữa số liệu GDP mới và cũ của Việt Nam

Phần B Những nét lớn trong chính sách công nghiệp hóa ở Việt Nam

Phần C Những vấn đề lớn cần giải quyết để phát triển

B. Những nét lớn trong chính sách công nghiệp hóa ở Việt Nam

1. Giai đoạn khởi sắc ngắn nhất so với nền kinh tế rồng cọp ở khu vực châu Á

Sau khi đổi mới vào cuối những năm 80’s, chấp nhận kinh tế thị trường nhiều thành phần, nền kinh tế tăng trưởng khá với tốc độ bình quân hàng năm là 7.4 trong những năm 1990’s và có lúc được hy vọng thành con rồng con cọp.

Sau thành công trên, Đại hội Đảng X năm 2006 và sau đó là Đại hội XI 2011 nhấn mạnh đến công nghiệp hóa nhưng với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được hiểu như thế nào? Nếu hiểu chủ đạo là can thiệp để tạo cơ sở về giáo dục, nghiên cứu đi vào và phát huy và thu hút tri thức, công nghệ tiên tiến, cũng như xây dựng hạ tầng cơ sở, chống độc quyền nhằm tăng cường tính cạnh tranh của thị trường hoặc nâng cao tính phục vụ,  vô tư không tham nhũng của hệ thống công quyền, kể cả phân phối lại lợi tức xã hội để giải quyết nghèo đói thì thật đáng hoan nghênh, nhưng tiếc thay thực chất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không may đã đi qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1. Chủ đạo vào thập kỷ 2000’s được hiểu là nhà nước bỏ tiền xây dựng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Giai đoạn 2 và gần đây.  Giai đoạn này là tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, dù đáng hoan nghênh, nhưng thực chất là chỉ chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài nhằm sử dụng lao động cơ bắp giá rẻ trong nước làm hàng gia công cho các nước khác như Hàn Quốc và Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ và các nước Tây phương khác.

Thậm chí ở giai đoạn 2, Bộ Chính trị của Đảng năm 2018 đã chỉ thị cho chính phủ đưa ra quốc hội đề xuất luật cho phép thiết lập các khu kinh tế tự do (FEZ) trên ba địa điểm cụ thể: Vân Đồn, một thị trấn ở phía bắc giáp Trung Quốc, Bắc Vân Phong ở miền Trung Việt Nam, và Phú Quốc, một hòn đảo gần Vịnh Thái Lan. Đề xuất cho phép hợp đồng thuê đất 99 năm đối với nhà đầu tư nước ngoài, miễn thị thực cho người nước ngoài, đồng thời cho phép dùng ngoại tệ trong trao đổi, điều sau này có nguy cơ làm mất quyền kiểm soát tiền tệ của ngân hàng trung ương. Các đặc khu trên không gần bất kỳ trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nào có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và lao động tay nghề cao cho FEZ. Sau sự phản đối dữ dội của công chúng, quốc hội đã quyết định không bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự thúc đẩy đằng sau sáng kiến trên hình như là tạo cơ hội và động lực cho nhóm lợi ích nhà đất phát triển làm giầu, và dù không thế, nó  phản ánh một cách tiếp cận hết sức đơn giản trong mục đích thu hút sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài mà rõ ràng là không phải phát huy công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây là Trung Quốc đã làm.

Chính vì thế, thành tích của đổi mới đạt tăng trưởng bình quân năm 7% trở lên chỉ kéo dài được một thập kỷ vào những năm 90’s so với bốn thập kỷ tăng trưởng của Hàn Quốc và 5 thập kỷ của Trung Quốc với tốc độ tăng đạt được cao hơn hẳn Việt Nam từ 8-10% (coi bảng B14). Thành tích tăng trưởng cao thời kỳ 90’s ở Việt Nam đã gần như bị phá vỡ với chiến lược tập trung xây dựng các siêu tập đoàn quốc doanh như Vinashin – tập đoàn đóng tàu, Vinalines – tập đoàn vận tải biển và PetroVietnam, mỗi tập đoàn cho ra hàng trăm các vệ tinh gần như tư nhân với quyền sử dụng miễn phí đất công, các khoản tín dụng từ ngân hàng nhà nước và các khoản vay từ thị trường quốc tế đã làm giàu cho những người có liên quan.

B14. Tốc độ tăng GDP bình quân năm của từng thập kỷ của một số nước

1960’s 1970’s 1980’s 1990’s 2000’s 2010’s
Hàn Quốc 9.5 10.5 8.8 7.1 4.7 2.6
Trung Quốc 3.4 7.4 9.7 10.0 10.4 8.3
Việt Nam 4.3 7.4 6.6 6.2

Nguồn: với VN, số liệu trước năm 2010 là số liệu cũ, nhưng có lẽ cũng như thời 2010’s tốc độ tăng trưởng không thay đổi đáng kể.

2. Lạm phát cao: Kết quả của chính sách coi kinh tế quốc doanh là quả đấm thép

Sự tập trung xây dựng các tập đoàn nhà nước đã đưa nền kinh tế đến mức khủng hoảng với lạm phát cao trong giai đoạn 2007-2013  với tỷ lệ cao nhất trên 23% (coi bảng B15), nợ trong nước và quốc tế cao, thâm hụt ngân sách chính phủ cao, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn và tất nhiên là tham nhũng. Cuộc khủng hoảng đã được tác giả này phân tích trong một bài báo năm 2009. [1]

Thời kỳ 2008-2014 có thể coi là thời khủng hoảng, tốc độ tăng GDP giảm xuống dưới 6% và nhiều năm chỉ cao hơn 5% một chút trong khi giá tiêu dùng tăng cao: cao nhất là 23% năm 2008 và 18.6% năm 2011.

Tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ 2014-2019 đã trở lại ổn định hơn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm 7% và lạm phát bình quân năm ở mức 3%.

B17. Lãi suất ngắn và trung hạn: danh nghĩa và thực[2]

2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022
Lãi suất danh nghĩa ngắn và trung hạn 13.1% 17.0% 13.5% 10.4% 8.7% 7.1% 7.0% 7.1% 7.4% 7.7% 7.6% 7.8% 7.8%
Tăng CPI (%) 9.2% 18.6% 9.2% 6.6% 4.1% 0.6% 2.7% 3.5% 3.5% 2.8% 3.2% 1.8% 4.6%
Lãi suất thực 3.9% -1.6% 4.3% 3.8% 4.6% 6.5% 4.3% 3.6% 3.9% 4.9% 4.4% 6.0% 3.2%

Từ sau năm 2015, lạm phát giảm xuống mức dưới 4% năm rõ ràng là do chính sách tăng lãi suất hơn là giảm cung tiền M2 (coi bảng B16) vì không thấy có sự quan hệ rõ ràng giữa tốc độ cung tiền và tốc độ lạm phát, dù có thể cần có sự phân tích sâu hơn của các nhà kinh tế. Và các nhà làm chính sách Việt Nam cũng  nên phân tích kỹ để rút kinh nghiệm về chính sách phản xạ giảm cung tiền (M2) quá mức cần thiết kể từ 2014 trở đi, lãi suất cho vay ngắn và trung hạn quá cao so với mức lạm phát đã rõ ràng giảm, đưa lãi suất thật (lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát) lên mức 4-6% đã làm giảm tiềm năng phát triển của nền kinh tế, và chính sách này vẫn tiếp tục cho đến nay có thể đã đẩy nhiều doanh nghiệp phá sản ở giai đoạn Covid 2020-2022.  Việc giảm lưu lượng tiền M2 quá đáng có thể gây khó khăn cho nền kinh tế. Ngoài ra, chính sách từ năm 2019 giữ lãi suất cao trong khi giá tiêu dùng giảm có thể đã gây thêm khó khăn cho nền kinh tế nhất là trong thời Covid. Năm 2022 GDP tăng 8% chỉ là việc trở lại tình trạng bình thường chứ không có gì đặc biệt.

3. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sau sự thất bại của quả đấm thép

Từ năm 2018, Bộ Chính trị ĐCSVN dường như có cách tiếp cận khác để đạt được mục tiêu tương tự về công nghiệp, nhưng lùi lại 10 năm đến năm 2030. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021, năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành một chỉ thị quan trọng về công nghiệp, đưa ra một số ý kiến ​​hợp lý nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân, ưu tiên công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và kinh tế xanh, lấy khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo làm mũi nhọn tạo đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia. Sau đó, chỉ thị nêu rõ rằng đến năm 2030, ngành sản xuất sẽ chiếm 30% GDP, trong đó 20% sẽ thuộc về các ngành công nghệ cao.

Tuy nhiên thực tế lại là chỉ thị yêu cầu chính phủ trình quốc hội đề xuất luật các khu kinh tế (FEZ) trên ba địa điểm cụ thể với hợp đồng thuê đất 99 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài và miễn thị thực cho người nước ngoài: tại Vân Đồn, một thị trấn ở phía bắc giáp Trung Quốc, Bắc Vân Phong ở miền Trung Việt Nam và Phú Quốc, một hòn đảo gần Trung Quốc. Vịnh Thái Lan.  Chỉ thị dường như thiếu sự ủng hộ chính trị thống nhất vì đã đi theo hướng ngược lại nội dung của mục tiêu công nghiệp hóa. Các điểm du lịch trên không gần bất kỳ trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nào có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và lao động tay nghề cao cho FEZ. Sau sự phản đối dữ dội của công chúng, quốc hội đã quyết định hoãn quyết định của mình, “xin lùi thông qua luật về đặc khu để có thêm thời gian nghiên cứu”.[3]  . Tuy nhiên, sự thúc đẩy đằng sau sáng kiến ​​sai lầm này đang bộc lộ. Đặc biệt, nó phản ánh một cách tiếp cận hết sức đơn giản trong việc sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong hơn 10 năm qua, tính từ năm 2010 so với năm 2021, Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, hiện đại hóa theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam dường như chủ yếu tập trung vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sử dụng lao động giá rẻ không chuyên để xuất khẩu.  Số liệu ở B18.2 cho thấy, Việt Nam quá dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI). FDI chiếm trung bình gần 15% tổng tích lũy của nền kinh tế, tỷ lệ này gần gấp đôi mức cao nhất ở Trung Quốc thời năm 2000 là 8% tổng tích lũy và cao hơn rất nhiều tỷ lệ ở  Hàn Quốc  .

Nhưng có thể nói chính sách kinh tế đã chuyển hướng dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thập niên 2010-2020, cơ cấu lao động FDI tăng 2.7 lần, chiếm 9.3 thị trường lao động năm 2020 nhưng cơ cấu góp vào GDP chỉ tăng 1.3 lần, chiếm 20% GDP (coi B18.2). Có thể nói đầu tư nước ngoài chủ yếu dựa vào lao động không chuyên và giá rẻ của Việt Nam. Tính FDI/GDP thì gần 10 năm tỷ lệ này là 5%, so với cao điểm 4.6% ở Hàn Quốc năm 1972, 2.2% năm 1999 và chỉ xảy ra 1 năm, còn luôn thấp hơng 1% GDP.

B18.1. GDP, tích lũy của nền kinh tế và FDI tính theo tỷ USD[4]

  2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021
GDP (tỷ US) 147.2 172.6 195.6 213.7 233.5 239.3 257.1 281.4 310.1 334.4 346.6 366.1
Tích lũy FDI (tỷ US) 8 7.4 8.4 8.9 9.2 11.8 12.6 14.1 15.5 16.1 15.8 15.7
FDI/GDP 5.4 4.3 4.3 4.2 3.9 4.9 4.9 5.0 5.0 4.8 4.6 4.3
Tổng tích lũy (tỷ USD) 54.6 55.9 59.8 64.6 70.7 76.8 81.6 90.9 99.3 106.9 110.6 122.5
Tích lũy FDI/Tổng tích lũy 14.6 13.3 14.0 13.8 13.0 15.4 15.4 15.5 15.6 15.1 14.3 12.8

B18.2. Đóng góp của FDI trong cơ cấu lao động và GDP trong nền kinh tế(%)

2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021
Lao động của FDI 3.5 4.2 4.4 4.8 5.4 6.0 6.7 7.8 8.4 8.7 8.8 9.3
GDP của FDI 15.1 15.4 15.6 17.0 17.4 17.5 17.8 18.6 19.5 19.9 20.0 20.0
Tích lũy FDI/Tổng tích lũy 14.6 13.3 14.0 13.8 13.0 15.4 15.4 15.5 15.6 15.1 14.3 12.8

Do đó có thể thấy ngoại thương phát triển rất mạnh, thoạt nhìn, Việt Nam có vẻ là một câu chuyện thành công về FDI và xuất khẩu, và ở một số khía cạnh thì đúng như vậy. Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Singapore về tỷ lệ ngoại thương về hàng hóa trên GDP (163%) và tỷ lệ vốn FDI trên GDP cũng rất cao so với các nước khác chỉ sau Singapore (coi B19). Ở Việt Nam, năm 2021, tỷ lệ ngoại thương/GDP tiếp tục tăng, lên tới 183% GDP.

B19.  Tỷ lệ ngọai thương và đầu tư nước ngoài (FDI) tính trên GDP (%), 2020

Việt Nam Trung Quốc Hàn Quốc Nhật Lai Thái Lan Philippines Singapore Thế giới
Ngoại thương/GDP (%) -2020 163 35 69 31 117 98 58 332 52
FDI/GDP (%) 2018 4.6 1.7 0.8 0.5 2.4 2.6 3.0 25.0 1.6

Có một sự liên hệ đặc biệt giữa FDI và ngoại thương từ Việt Nam. Đó là nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu hàng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm từ nước họ để gia công thêm làm hàng xuất khẩu xâm nhập vào thị trường Mỹ và Châu Âu.  Bảng B20 cho thấy tính gia công của ngành may mặc và nhất là máy móc điện tử. Nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan để làm hàng xuất sang Mỹ và Liên hiệp Châu Âu.

Bảng 21 cho thấy rõ điều này: Việt Nam có số dư rất lớn trong cán cân xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ và Châu Âu và với Mỹ thì ngày càng tăng. Ngược lại, Việt Nam có thiếu hụt rất lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Bảng 20. Xuất nhập khẩu hàng hóa theo từng loại hàng năm 2020 (tỷ US)

Như đã  nói, đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào lao động tay chân do đó có năng suất lao động thấp. Bảng B22 cho thấy vào năm 2017 tình trạng doanh nghiệp FDI có tỷ lệ lao động trên vốn rất cao, cao nhất trong nền kinh tế.  Đây là những ngành sử dụng công nghệ thấp và lao động phổ thông như may mặc và lắp ráp điện tử.

Những ngành này, với đặc trưng là tỷ lệ lao động trên vốn rất cao, mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đóng góp rất ít vào quá trình công nghiệp hóa hoặc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam. Số liệu năm 2016 (rất tiếc chỉ biết được 1 năm) là năng suất lao động của FDI thấp hơn  năng suất lao động  doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân trong nước.  Không những thế,  trong thời gian dài năng suất trung bình khu vực FDI  giảm so với năng suất lao động tăng mạnh ở khu vực nhà nước, cũng như so với cả khu vực ngoài nhà nước trong nước, chủ yếu là hoạt động sản xuất hộ gia đình (coi B23 và B24).

Một lý do đáng lo ngại hơn là FDI mà Việt Nam thu hút vẫn chủ yếu tập trung vào may mặc và hàng điện tử (xem B18). Trong khi đó, Việt Nam đạt được rất ít tiến bộ trong việc thu hút FDI vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn, phần lớn là do nhà nước Việt Nam thất bại trên nhiều phương diện.

B22.  Vài chỉ tiêu cơ bản về doanh nghiệp ở Việt Nam, 2017

Hệ số lao động trên vốn (tỉnh theo 10 tỷ đồng))  Lợi nhuận trước thuế/Vốn sở hữu (%) Nợ trên vốn chủ sở hữu (%)
Doanh nghiệp đăng ký 5.0 8.4                      231.2
     Nhà nước 1.6 10.7                      331.6
     Tư nhân trong nước 5.7 4.1                      225.4
     FDI 8.2 16.2                      152.3

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Kết quả Tổng điều tra Kinh tế Năm 2017: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/TDTKT-2017.pdf

Để so sánh quốc tế, có thể tập trung vào xem xét năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng mà một lao động tạo ra trong khu vực công nghiệp (bao gồm công nghiệp khai khoáng, chế biến, điện nước và xây dựng). Có thể  thấy ở Bảng B25, năng suất lao động công nghiệp ở Việt Nam dù có tăng vẫn chỉ tương đương với Ấn Độ và thấp xa so với Trung Quốc hay Phiippines. Năm 2019 tính theo đồng USD của  năm 2015, Việt Nam là $6,800 so với Ấn Độ là $6,000, Indonesia và Philipines là $14,000, còn Trung Quốc là $27,000, dù Trung Quốc vẫn còn thấp xa so với Hàn Quốc là $75,000 (vào năm 2015).  Năng suất lao động trong công nghiệp trong thời kỳ 2010-2021 tăng trung bình 4.2% một năm, nhưng thấp xa so với bình quân năm 7.4% ở Trung Quốc. Năng suất lao động của khu vực FDI giảm nên không đóng góp gì vào việc tăng năng suất lao động công nghiệp nói chung ở trên.[5]

Điểm cuối cùng cần nói về đầu tư trực tiếp nước ngoài là các nhà đầu tư FDI đã được hưởng lợi rõ ràng từ khoản đầu tư của họ vào Việt Nam với tỷ suất lợi nhuận trước thuế so với vốn sở hữu (ROE) là 18%[6]  và như thế là khá cao so với tỷ suất trung bình trên thế giới là 13% và 14% ở Mỹ.[7]

Dòng thu nhập phát sinh từ đầu tư nước ngoài được chuyển ra  nước ngoài là 16 tỷ US  lần đầu tiên vào năm 2018 vượt qua 14.9 tỷ dòng vốn FDI chuyển vào (xem B26).  Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại chính sách trong đầu tư nước ngoài.

B26.  Đầu tư nước ngoài chảy vào so với thu nhập đầu tư chuyển ra, 2000-2018 [8]

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ