Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

VNCH, kinh nghiệm kiến quốc: Đối phó với thay đổi và chiến tranh, xây dựng nền tảng cho tăng trưởng

Nguyễn Đức Cường

Published on

Lời toà soạn: Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu một tư liệu tổng quan về chính sách kinh tế và việc thực thi chính sách thời Việt Nam Cộng Hoà, qua hồi tưởng của một người tham gia xây dựng và thực thi chính sách đó, Tiến sỹ Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ VNCH. Đây là bài phát biểu của tác giả tại hội thảo về lịch sử VNCH năm 2016 ở University of California at Berkeley. Các bài phát biểu trong hội thảo này sau đó được in thành sách “The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building” do Đại học Cornell xuất bản năm 2019. Bản dịch tiếng Việt được Văn Học xuất bản năm 2022 tại Mỹ. Bản dịch dưới đây được trích từ cuốn sách tiếng Việt nói trên.

Bài liên quan: Góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa: kinh nghiệm kiến quốc 

Nguyễn Đức Cường tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật  điện năm 1963 hạng xuất sắc (Summa Cum Laude) tại  Đại học New Hampshire, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ Kỹ thuật điện và hoàn tất những lớp cần thiết để lấy bằng tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (Massachusetts  Institute of Technology). Ông Cường đã có một sự nghiệp lâu dài trong cả hai lĩnh vực chính phủ và doanh  nghiệp. Sự nghiệp mười năm của ông với chính phủ Việt  Nam Cộng Hòa (VNCH) bắt đầu vào tháng Sáu năm  1965. Ông được thăng chức Thứ trưởng Bộ Thương mại  năm 1970 và Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ năm 1973. Ông từ chức vào tháng 11 năm 1974. Sau  tháng Tư năm 1975, ông định cư tại Mỹ và bắt đầu làm  việc trong ngành tài chính với Tập đoàn Exxon, có trụ sở tại New York. Sau 29 năm phục vụ cho Exxon Mobil  Corporation và các chi nhánh của tập đoàn này, ông  về hưu và mở một nhà hàng Việt Nam ở khu vực Silicon Valley, chuyên về phở, món ăn yêu thích của ông.

Tôi trở về Sài Gòn vào mùa hè năm 1965 sau sáu năm học đại học và cao học ngành Kỹ thuật điện ở Mỹ. Tôi bắt đầu  làm kỹ sư phụ trách dự án tại Trung tâm Phát triển Kỹ nghệ,  và một năm sau đó chuyển sang Bộ Kinh tế. Tôi bỏ nghề kỹ sư và  chuyển sang làm về kinh tế và tài chính, một lĩnh vực mà tôi chưa bao giờ được đào tạo ở trường, nhưng tôi không bao giờ hối tiếc. Dù rằng phải học hỏi thêm về kinh tế và tài chính trong mười  năm phục vụ chính phủ, tôi nhận thấy rằng kiến thức về kỹ thuật  hóa ra rất hữu ích cho công việc của tôi vì nó hướng nhiều vào  phương pháp định lượng và mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tế.  Tuy nhiên, quan trọng hơn là những người tôi đã gặp trong thời kỳ này cùng với các sự kiện ngẫu nhiên đã giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp công chức, từ chuyên viên qua Phụ tá Tổng trưởng Thương  mại, rồi cuối cùng đến chức Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ vào năm 1973. 

Trong 15 năm đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1955  đến năm 1970, chúng tôi thường xuyên phải đối đầu với sự cố và  phải uyển chuyển để tránh những va chạm đáng tiếc. Cường độ chiến tranh ngày càng tăng; sự tràn ngập của quân đội Mỹ và ngoại  viện đã gây áp lực đáng kể trên các nguồn lực ít ỏi trong nước. Kết  quả là lạm phát cao gần đến mức không kiềm chế nổi và nạn chợ đen đồng đô la rất phồn thịnh. 

Nhưng đến năm 1970, Bộ Kinh tế đã có thể đưa ra những chính  sách quan trọng và thiết lập một khung pháp lý mới để phát triển nền  kinh tế, đặc biệt là trong hai lãnh vực nông nghiệp và tài nguyên thiên  nhiên. Chúng tôi đã cải cách tỷ giá hối suất, lãi suất, và thuế má, cũng  như phát triển tổ chức mới và củng cố tổ chức hiện hữu. Mục tiêu của  chúng tôi là xây dựng một nền kinh tế thị trường dựa vào khu vực tư nhân và bốn trụ cột là luật pháp, thể chế, chính sách, và phương pháp  quản lý hữu hiệu, để đáp ứng với hai thách thức là cuộc chiến tranh  không ngừng và tình hình suy giảm viện trợ nước ngoài. 

Chương này nhằm cung cấp một tầm nhìn bao quát về phát triển  kinh tế dưới hai nền Cộng hòa. Cần có tầm nhìn xa để hiểu được  những thành tựu và thất bại của VNCH trong hơn hai thập kỷ. Một  số hoạt động do các đồng nghiệp của tôi chịu trách nhiệm trực tiếp  lúc bấy giờ, họ sẽ kể lại với nhiều chi tiết hơn trong các chương kế tiếp. Tôi sẽ đi sâu hơn về các hoạt động mà chính tôi đã tham gia từ giữa thập niên 1960. 

Phát triển kinh tế ở Việt Nam Cộng Hòa 

Chế độ Cộng hòa bắt đầu với nhiều hy vọng sau khoảng 80 năm  Pháp thuộc. Không khó để dự đoán những khó khăn ban đầu như:  lòng trung thành của quân đội với chính phủ mới, kho bạc trống  rỗng, những xung đột nội bộ, nổi dậy của các phe phái vũ trang  khác nhau, và hơn 800.000 người di cư từ miền Bắc vào cần phải  giải quyết. Nhờ sự lãnh đạo vững chắc của tân Thủ tướng Ngô Đình  Diệm và cũng nhờ viện trợ Mỹ nên những khó khăn này đã được  chế ngự. 

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã thành công thương lượng việc chuyển  giao thẩm quyền về tiền tệ và tài chính từ chính phủ Pháp sang quốc  gia mới. Vào thời điểm đó đất nước vừa thoát khỏi ách thực dân và  kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh. Thu nhập bình quân đầu người  một năm ước tính khoảng 75 đô la Mỹ vào năm 1955. Nông nghiệp  chiếm khoảng 25% nền kinh tế, tiếp theo là khu vực dịch vụ của  chính phủ (dân sự và quân sự) với 35%. Ngành công nghiệp không  đáng kể. Xuất cảng gồm cao su và lúa gạo đạt khoảng 80 triệu USD  so với nhập cảng 250 triệu USD vào năm 1955. Tình trạng mất  thăng bằng cán cân thương mại này sẽ tiếp tục xấu đi khi các hoạt  động quân sự leo thang. 

Cả hai nền Cộng hòa phải dồn hầu hết nỗ lực cho các hoạt động  quân sự, bắt đầu từ đối phó với chiến tranh du kích và sau đó là chiến tranh quy ước tổng lực, với hơn 1,5 triệu quân đội Quốc gia.  Nếu không có viện trợ nước ngoài, đây là một gánh nặng không  thể chịu được cho một quốc gia nghèo với 17 triệu dân. Tuy nhiên,  chúng tôi đã đạt được một mức độ ổn định và tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu của nền Cộng hòa nhờ vào sự trợ giúp đáng  kể của Mỹ. Chỉ riêng trong tài khoản năm đầu tiên, viện trợ từ Hoa  Kỳ lên tới 320 triệu đô la, khoảng 35% tổng sản phẩm quốc gia  (GNP). Phần lớn số tiền này dùng cho việc định cư người tị nạn từ miền Bắc.  

Trong thập niên đầu tiên (1955-1965), viện trợ kinh tế Mỹ đạt  mức trung bình 210 triệu đô la mỗi năm, hay khoảng 15% tổng sản  phẩm quốc gia. Khi các hoạt động quân sự gia tăng trong mười năm  kế tiếp, viện trợ kinh tế bắt đầu tăng lên đáng kể, trung bình 620  triệu đô la Mỹ mỗi năm, tương đương khoảng 20% tổng sản phẩm  quốc gia. Trong suốt 2 thập niên, viện trợ kinh tế tổng cộng lên đến  8,5 tỷ đô la.[1] 

Viện trợ quân sự của Mỹ còn nhiều hơn. Hoa Kỳ đã hỗ trợ tất cả khoảng 1,5 tỷ đô la cho chính phủ Pháp trong chín năm chiến tranh  Đông Dương khi Pháp chống lại Việt Minh.[2 ] Khi quân đội Mỹ bắt  đầu vào miền Nam năm 1965, số lượng viện trợ quân sự cũng tăng  lên, trung bình 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm  1965 đến năm 1975, với tổng số là 16,8 tỷ đô la. 

Mục đích của số tiền viện trợ nước ngoài lớn lao là đem lại sự ổn  định kinh tế trong thời gian ngắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho  việc thực hiện kế hoạch chính trị và quân sự của chính phủ. Nhưng  không có cách nào để đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc vào viện trợ 

nước ngoài trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Mặc dù như vậy,  trong năm năm cuối của chiến tranh chính phủ của chúng tôi đã thực  hiện một số chương trình quan trọng để tạo cơ sở cho đầu tư và tăng  trưởng dài hạn. 

Thập kỷ đầu tiên, 1955-1965 

Việt Nam được thừa hưởng từ Pháp một nền kinh tế hoạt động  khá tốt. Không có cảnh đổ xô đến ngân hàng để rút tiền, không có  lạm phát bất trị mặc dù kho bạc trống rỗng. Hối suất đồng bạc vẫn  cố định và các giao dịch được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Tuy  nước Cộng hòa non trẻ bắt đầu với một kho bạc rỗng, viện trợ của  Mỹ sớm chảy vào với 320 triệu đô la Mỹ trong tài khóa năm 1954  như trên đã trích dẫn. 

Biện pháp đáng chú ý đầu tiên của chính phủ mới là việc chuyển  giao thẩm quyền tài chính và tiền tệ từ Pháp sang Việt Nam. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã tham dự Hội nghị Bốn bên ở Paris vào cuối năm  1954 để thảo luận và đưa ra các khuyến nghị về tài chính và tiền tệ liên quan đến ba nước Đông Dương và Pháp. Phái đoàn đưa ra một  số khuyến cáo vào ngày 30 tháng 12. Chúng đã được chấp thuận  và ban hành ngay sau ngày đó. Công việc chuyển giao diễn ra một  cách êm đẹp và hữu hiệu, mở ra phương hướng cho đường lối của  chính phủ về tài chánh và kinh tế trong những năm tới: dựa trên sự tôn trọng luật lệ, tôn trọng quyền tư hữu, và nguyên tắc liên tục của  luật pháp trong quá trình chuyển tiếp.  

Người Pháp đã đưa ngân hàng hiện đại vào Việt Nam để phục  vụ lợi ích kinh tế của họ. Hệ thống này có phần lỗi thời vì dựa trên  các nguyên tắc và quy định cũ. Tất cả mọi vấn đề đều phải báo cáo  trực tiếp về cho Bộ Tài chính ở Paris. Các ngân hàng tư nhân lớn  lại thuộc chủ nước ngoài. Hoạt động của họ tập trung ở khu vực Sài  Gòn-Chợ Lớn và hoàn toàn không phục vụ nông thôn. 

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1955, việc thành lập Ngân hàng Quốc  gia Việt Nam (NHQG) đã mở ra một kỷ nguyên ngân hàng mới.  Vũ Quốc Thúc là Thống đốc đầu tiên, và ông sớm thành lập Ngân  hàng Việt Nam Thương tín (VNTT), chịu trách nhiệm thực hiện các  chính sách tín dụng và ngân hàng của Bộ Tài chính và Ngân hàng  Quốc gia, và tuân theo các thủ tục nhập cảng phục vụ cho chương  trình viện trợ của Mỹ. Nghĩ cho tận cùng thì các ngân hàng tư nhân  ở Sài Gòn thời đó không được trang bị để đối phó với những thủ tục  phức tạp của chương trình ngoại viện Hoa Kỳ.

Ảnh hưởng và uy tín của VNTT tăng lên nhiều dưới sự lãnh  đạo năng động của Giám đốc Nguyễn Hữu Hanh, người tốt nghiệp  trường Hautes études commerciales (HEC) nổi tiếng của Pháp. Ông  Nguyễn Hữu Hanh đã có thời gian làm giám đốc của cả NHQG và  VNTT với cấp phó là ông Phạm Kim Ngọc. VNTT trở thành ngân  hàng được lựa chọn cho các nhà nhập cảng địa phương, dẫn đầu về 

chi phí, khả năng tài chính, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Và như vậy, ngân hàng thương mại hiện đại ở Việt Nam đã ra đời. Nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lãnh vực kinh tế trong những năm  tới, để đón nhận nguồn tiền viện trợ của Mỹ. 

Việc định giá quá cao cho đồng bạc Việt Nam gây ra khó khăn  thường xuyên cho chúng tôi. Vấn đề này không bao giờ được giải  quyết hoàn toàn vì về mặt chính trị, để đồng tiền mất giá luôn luôn  là một quyết định rất khó khăn và không Tổng trưởng Kinh tế hay  Tài chính nào muốn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến năm 1962, sự khác biệt giữa hối suất giá thị trường chợ đen là 80 đồng cho 1 đô la  Mỹ và hối suất chính thức là 35 đồng cho mỗi đô la, đã trở nên quá  lớn nên không thể bỏ qua. Để tránh gây ra phản ứng tiêu cực nếu  dùng từ “phá giá đồng tiền”, việc điều chỉnh giá hối suất được ngụy  trang dưới dạng Thuế phân suất quân bình, biến đổi một cách hiệu  quả hối suất chính thức từ 35 đến 60 đồng mỗi đô la cho tất cả các  dịch vụ thương mại. 

Trong khi ấ y Tổng nha Kế hoạch được thành lập dưới sự quản  trị trực tiếp của Văn phòng Tổng thống để thêm quyền thế và ảnh  hưởng. Tuy nhiên, nha này không có thẩm quyền trực tiếp đối với  các xí nghiệp quốc doanh, là di sản của chánh phủ Pháp, chẳng hạn  như Nhà máy Xi măng Hà tiên, Công ty Chế biến đường mía, Công  ty Giấy báo, và Công ty Khoáng sản An hòa-Nông sơn. Chánh phủ đã bổ sung vài khoản đầu tư nhỏ để nâng cấp các doanh nghiệp  này. Tuy nhiên, vì thiếu ngân sách và vì có những vấn đề khẩn cấp  khác, nên các công ty quốc doanh nầy không nhận được khoản đầu  tư đáng kể nào.  

Mặt khác, chúng tôi đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong lĩnh  vực phát triển tài nguyên nhân lực, đặc biệt là giáo dục cấp đại học, đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai và trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhiều  cơ sở giáo dục bậc cao được thành lập và liên tục được nâng cấp.  Một ví dụ là trường nông nghiệp 2 năm ở Blao. Được thành lập vào  năm 1955, trong vòng chưa đầy hai thập niên, trường này được nâng  cấp liên tục và cuối cùng được đạt đến bậc đại học vào năm 1974.  Có nhiều ví dụ khác như Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Phú thọ,  Học viện Quốc gia Hành chánh, Cao đẳng Sư phạm, Học viện Quân  sự cũng được nâng cấp lên đại học quân sự bốn năm. 

Học bổng do Chương trình Fulbright, Chương trình Colombo,  Quỹ Rockefeller hay chương trình được USAID tài trợ, đã đẩy mạnh  việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai tại các trường đại học ở nước  ngoài. Quả thật, có nhiều tác giả trong sách này đã hưởng được lợi  của những chương trình này. Ước tính có khoảng 350 sinh viên đã  học tại Hoa Kỳ và quay trở lại Việt Nam để làm việc cho chính phủ hoặc trong khu vực tư nhân.  

Một thách thức khác là tái định cư cho hơn 800.000 người di cư từ miền Bắc, tương đương với tám phần trăm tổng dân số miền Nam  tại thời điểm đó. Thành công trong việc này đã mang lại cho miền  Nam một nguồn nhân lực sản xuất ngay lập tức và đáng kể. Nhìn  chung, không có trại tị nạn và không có nhân lực nhàn rỗi nào ngồi  chờ đợi hưởng trợ cấp của chính phủ. 

Chi phí của chương trình tái định cư này ước tính khoảng 100  triệu đô la và được Mỹ tài trợ trực tiếp, bao gồm 34 triệu đô la được  chuyển thẳng vào Ngân hàng Trung ương để tài trợ cho các khoản  thanh toán cá nhân cho mỗi gia đình di cư đặt chân vào miền Nam.  Gia đình năm người của tôi nhận được 25 đô la mỗi người sau khi  chúng tôi đến bến tàu Sài Gòn. Phần còn lại của tài trợ bao gồm chi  phí đi lại bằng đường hàng không và đường biển do chính phủ Hoa  Kỳ trả cho một số nhà thầu. 

Những thách thức khác tỏ ra khó khăn hơn để giải quyết. Nỗ lực  đầu tiên trong cải cách ruộng đất vào năm 1956 đã đạt được thành  công rất hạn chế. Việc tiến hành chương trình này quá tập trung và  hệ thống quản trị của nó rất nặng nề. Hầu hết các công việc được  thực hiện thủ công và do đó rất chậm. Tệ hơn nữa, các chủ đất lớn được phép giữ 150 ha mỗi người, và kết quả là 80% những cánh  đồng lúa tốt nhất vẫn nằm trong tay của họ. Nông dân chỉ có thể mua đất bằng các khoản vay dài hạn, và tỷ lệ không trả được nợ rất  cao. Khi Tổng thống Diệm bị lật đổ vào năm 1963, chương trình bị đình trệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh  tế thực tế là 8,5% vào năm 1958 và 9,6% vào năm 1959, một thành  tựu khá lớn đối với một quốc gia mới độc lập phải đối mặt với một  cuộc nổi loạn võ trang.  

Cần lưu ý rằng đồng thời với chương trình cải cách ruộng đất  của chính phủ VNCH, có một chương trình tương tự do cộng sản  thực hiện trong khu lãnh thổ do họ kiểm soát. Họ phân phối đất  miễn phí cho những người nông dân đang thuê đất, mặc dù không  hoặc hiếm khi cấp giấy tờ sở hữu. Điều này làm cho vấn đề khá  phức tạp sau khi quân đội của chúng ta giành lại quyền kiểm soát  và chủ sở hữu vắng mặt đã cố gắng đòi tiền thuê. Cuối cùng, chúng  tôi đã thực hiện một chiến dịch cải cách ruộng đất mới, Chương  trình Người Cày Có Ruộng. Chương trình này bắt đầu từ năm 1970  đã cách mạng hóa kinh tế nông thôn (xem chương 4 trong tập này). 

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi từ chính quyền Pháp sang  cộng sản ở Bắc Việt tương đối suông sẻ. Chính quyền cộng sản  đã kiểm soát hầu hết miền Bắc trước khi tiếp quản, với ảnh hưởng  của Pháp tập trung xung quanh hành lang đồng bằng Hà Nội-sông  Hồng. Họ đã có Ngân hàng Trung ương của riêng mình và bắt đầu  phát hành tiền tệ từ năm 1946. Người dân buộc phải đổi tiền của  Pháp lấy tiền Hồ Chí Minh hoặc vứt bỏ tiền Hồ Chí Minh đi nếu họ di cư vào Nam năm 1954. 

Nền kinh tế miền Bắc Việt Nam ở trong tình trạng tồi tệ với mức  sống của dân chúng rất thấp (nguyên văn: “at subsistance level”).  Sản xuất nông nghiệp sụt giảm mạnh do ảnh hưởng tai hại của cuộc  cải cách ruộng đất trong những năm 1954-56 với hàng ngàn nông  dân vô tội bị trừng trị và xử tử. Nhà nước thực hiện một chương  trình cải tổ kinh tế rộng lớn (nguyên văn: “sweeping”), thay thế hệ thống thị trường bằng nền kinh tế kế hoạch tập trung và tập thể hóa  hoặc loại bỏ kinh doanh tư nhân. Đến cuối những năm 1960, nhà nước kiểm soát phần lớn thương mại liên quan đến nông sản và sản  phẩm công nghiệp. Theo lời của một chuyên gia, chính sách này đã  dẫn đến sản xuất nông nghiệp suy thoái, kinh tế đình trệ, và nạn đói  kinh niên tại Bắc Việt trong hai thập kỷ sau đó.[3] Mặc dù vậy, chính  phủ Hà Nội vẫn lên kế hoạch thúc đẩy cuộc cách mạng cộng sản ở miền Nam, với sự hỗ trợ kinh tế và quân sự đáng kể từ Trung Quốc  và Nga Sô. 

Quay trở lại miền Nam, thập kỷ đầu tiên của VNCH có thể được  mô tả như một giai đoạn chuyển tiếp, từ chế độ thực dân sang một  nền kinh tế độc lập có nhiều hứa hẹn. Trong thời gian này, Nam  Việt Nam đã có nhiều năm tương đối hòa bình và thịnh vượng, và  đạt được mức tăng trưởng kinh tế khá tốt ở mức 6% mỗi năm trong  khoảng thời gian từ 1955 đến 1962.[4] Nhóm kỹ sư, nhà giáo dục, nhà  khoa học và nhà kinh tế đầu tiên của chúng tôi trở về nước sau khi  được đào tạo đã hết sức nhiệt thành và ấp ủ nhiều hy vọng. Và mặc  dù tình hình bất ổn sau cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm, vẫn có  lý do để tin rằng chúng tôi có thể đi theo bước chân của Hàn Quốc,  Đài Loan, hoặc Singapore. 

Thập kỷ thứ hai, 1965-1975 

Trong thời kỳ này, chúng tôi phải đối mặt với sự thay đổi liên  tục, thường là do các yếu tố hoặc sự kiện ngoài tầm kiểm soát hoặc  thậm chí hiểu biết của chúng tôi. Ba ngàn lính thủy quân lục chiến  Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà nẵng vào tháng Ba năm 1965, mở đường  cho hơn nửa triệu lính Mỹ theo sau. Thực sự là đất nước chúng tôi  không có khả năng để tiếp nhận số quân lính và thiết bị đổ vào một  cách bất ngờ và ồ ạt như vậy. 

Gần như ngay lập tức, chúng tôi phải đối mặt với một số thách  thức nghiêm trọng, bao gồm lạm phát lên tới 63% vào năm 1966;  các hải cảng thường xuyên tắc nghẽn; các loại hàng thiết yếu như gạo và vật liệu xây cất bị thiếu hụt; và nạn đầu cơ tiền tệ và hàng  hóa lan tràn trên thị trường chợ đen mới mọc lên. 

Tình trạng tắc nghẽn tại thương cảng Sài Gòn đã được nhắc đến  trong nhiều báo cáo của Đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker. Sài Gòn  là cửa khẩu nhập cảng chính của chúng tôi và được thiết kế để nhận  tổng khối lượng thương mại khoảng 330 triệu đô la mỗi năm. Đến  năm 1966, con số này đã tăng gấp đôi do sự gia tăng nhanh chóng  của viện trợ thương mại Mỹ. Về trọng tải, nó có thể quán xuyến  100.000 tấn hàng nhập cảng mỗi năm, nhưng “vào năm 1967, một  triệu tấn hàng tiếp liệu đổ vào mỗi tháng để hỗ trợ lực lượng của  Mỹ.”5 Rõ ràng năng lực của thương cảng này không đủ sức để tiếp  nhận số lượng hàng khổng lồ đó. 

Tình trạng tắc nghẽn thương cảng đã hạn chế nghiêm trọng  dòng vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến tình trạng khan hiếm  trong khi giá cả và lạm phát tăng vọt lên. Nó cũng góp phần vào  hình ảnh của một chính quyền thiếu khả năng khi tình trạng tham  nhũng nở rộ tại các thương cảng và khi không thể tránh khỏi nhiều  loại hàng hóa xa xỉ miễn thuế được nhập khẩu để dành riêng cho  lính Mỹ sử dụng được tuồn ra tiêu thụ ở chợ đen Sài Gòn. 

Chúng tôi đã phải bằng mọi giá tìm cách giảm bớt tình trạng  thương cảng bị tắc nghẽn. Quân đoàn Kỹ sư Công binh Hoa  Kỳ được huy động khẩn cấp để vét sâu lòng sông và xây dựng  đường, cầu, và thậm chí cả cảng nước sâu mới ở Sài Gòn, Vịnh  Cam Ranh, và những nơi khác. Họ dựng lên các kho nhiên liệu,  nhà kho, bãi đáp trực thăng, và sân bay rải rác khắp các tỉnh để chứa máy bay phản lực. Ngay cả những vùng xa xôi của đất nước  cũng được kết nối với một mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại.  Dù vậy phải mất hơn ba năm để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn  cảng. Được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự rất cao bất kể chi  phí tốn kém, hạ tầng cơ sở này sẽ trở nên rất có giá trị trong quá  trình tái thiết hậu chiến.

Tại Bộ Kinh tế, chúng tôi sớm phải đối mặt với một tình trạng  tồn đọng đáng kể của các hồ sơ xin nhập cảng. Đây không phải là  vấn đề nhỏ: chúng tôi rất cần hàng nhập cảng vào nhanh để giảm  bớt tình trạng thiếu hụt gây ra lạm phát và cũng để giảm thâm hụt  ngân sách thông qua việc sử dụng Quỹ đối giá bằng tiền Việt Nam  mà các công ty nhập cảng trả để mua đô la Mỹ dùng vào tài trợ dịch  vụ nhập cảng hàng hóa. 

Mức gia tăng đáng kể của ngoại viện cùng với việc chúng tôi  không quen thuộc với các thủ tục của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới số lượng hồ sơ bị tồn đọng trong giai đoạn chờ cứu xét để cấp phép.  Các nhà nhập cảng của chúng tôi, đã quen với Bộ Luật thuế quan  Brussels của Châu Âu, không biết các mã số thuế quan của Chương  trình Nhập cảng Thương mại Mỹ. Là một chuyên viên tại Tổng nha  ngoại thương của Bộ Kinh tế, tôi đã chứng kiến sự hỗn loạn vào mùa  hè năm 1967. Nhờ biết tiếng Anh tôi giúp được nhiều việc. Trong  quá trình đó, tôi biết nhiều về những khó khăn gặp phải khi nhập  cảng một khối lượng viện trợ to lớn như vậy, cũng như về những rắc  rối do Quốc hội Hoa Kỳ quy định. Phái đoàn USAID chỉ định một  nhân viên toàn thời gian chỉ để giúp chúng tôi giải quyết mau các  thủ tục giấy tờ và đảm bảo cho chúng tôi tuân thủ các điều lệ và thủ tục của Chương trình Viện trợ Hoa Kỳ.  

Nhưng tắc nghẽn giấy phép nhập khẩu chỉ là triệu chứng của  một vấn đề lớn hơn. Để phù hợp với truyền thống quản lý kinh tế và tài chính của Pháp, kiểm soát cấp phép tại Việt Nam luôn là một  công cụ của Bộ Kinh tế. Nhưng trong một môi trường với tiền đồng  bị định giá quá cao và lạm phát tăng vọt làm cho ngân khoản ngoại  tệ vốn đã hạn chế càng hạn chế hơn, nhu cầu của người tiêu thụ tăng  hay giảm do sự kết hợp giữa thương nhân đầu cơ thao túng và chính  sách không phù hợp.  

Bộ Kinh tế quản lý việc cung cấp ngoại tệ cho những nhà nhập  cảng theo hối suất chính thức. Việc này có thể trở nên khó khăn,  hoặc thậm chí gây tranh cãi, khi có sự khác biệt đáng kể giữa hối  suất chính thức và hối suất thị trường chợ đen. Các nhà nhập cảng  nào được vận may sẽ thu lợi nhuận lớn khi đơn xin nhập cảng của họ dùng hối suất chính thức được chấp thuận. Có ba cách để đối  phó với tình trạng mất cân bằng này: đánh thuế lợi nhuận, một kịch  bản không thực tế; đưa hối suất chính thức lên cho phù hợp với hối  suất thị trường bằng cách phá giá tiền Việt Nam, một biện pháp  rủi ro về mặt chính trị; hoặc áp đặt kiểm soát giá đối với hàng hóa  nhập cảng, một biện pháp phù hợp với truyền thống được thừa kế từ bộ máy quan liêu của Pháp, do đó an toàn về mặt chính trị nhưng  không hiệu quả. 

Mặc dù có một đợt phá giá vào tháng Mười năm 1961, hối suất  đô la trên thị trường chợ đen vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, dù gây  nhiều dư luận bất bình, Tổng trưởng Tài chính Âu Trường Thanh  đã phá giá một lần nữa vào tháng Mười năm 1966, lần này được  ngụy trang dưới dạng thuế “Phân suất quân bình” trên hàng nhập  cảng. Sau đó không có thêm biện pháp nào trên thị trường ngoại  hối cho đến năm 1971, khi Quốc hội trao cho Tổng thống thẩm  quyền ấn định thuế, lãi suất, và hối suất. Chúng tôi phải chờ đến  năm 1973 để rút chính phủ ra khỏi (nguyên văn: “liberalize”) việc  cấp phép nhập cảng thông qua ủy quyền cho các ngân hàng thương  mại, và nhờ vậy hối suất chính thức trở nên gần sát với hối suất  trên thị trường tự do. 

Sự ra đời của nền Đệ nhị Cộng hòa vào tháng Mười năm 1967  đã mở ra những cơ hội mới cho đất nước sau bốn năm bất ổn chính  trị. Hiến pháp mới cho phép chúng tôi tạo ra một khung pháp lý mới  để thu hút vốn nước ngoài và kỹ thuật về quản trị, đồng thời cập  nhật các luật và quy định liên quan đến cải cách ruộng đất, chính  sách tiền tệ và tài chính, hối suất, và đặc biệt là thăm dò dầu khí và  tài nguyên thiên nhiên.  

Hai thủ tướng đã đến và đi trong khoảng thời gian từ năm 1967  đến 1969, với rất ít thành quả trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.  Lạm phát vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát và thị trường chợ đen đô la  Mỹ vẫn phát triển mạnh. Hiện tượng này có phần khó hiểu (nguyên  văn: “counterintuitive”) vì ngoại tệ rất dồi dào trong nền kinh tế.  Tổng số viện trợ của Mỹ kết hợp với số tiền mà quân đội Hoa Kỳ chi ra trung bình lên đến khoảng 700 triệu đô la mỗi năm trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1968, gấp ba số tiền trong ba năm  trước. Nguyên nhân cơ bản của thị trường chợ đen này là đồng bạc  Việt Nam được định giá quá cao. 

Một nội các mới được thành lập vào tháng Mười năm 1969 dưới  sự lãnh đạo của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, một vị tướng bốn  sao, người sẽ giữ chức vụ đứng đầu chính phủ trong 5 năm rưỡi tới.  Điều này tạo sự liên tục và ổn định rất cần thiết để chúng tôi đưa ra  quyết sách trong các lãnh vực kinh tế, tài chánh và đầu tư dài hạn.  Chính phủ chịu áp lực rất lớn để giải quyết nạn lạm phát phi mã và  thâm hụt ngân sách. 

Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp tiền tệ, tài chính hoặc hối suất nào  cũng cần được Thượng viện và Hạ viện phê chuẩn. Làm việc với  cơ quan lập pháp trở thành một phần trách nhiệm của Bộ chúng  tôi. Kết quả là vô số cuộc họp mệt mỏi giữa các nhân viên tại Ngân  hàng Quốc gia, Bộ Kinh tế và Tài chính và các Ủy ban lập pháp  khác nhau. 

Để đối phó với lạm phát và nhằm giảm thâm hụt, chúng tôi có  một loạt các cuộc họp với cơ quan lập pháp để thảo luận và thống  nhất về mức thuế nhập cảng mới. Các phiên họp kín này diễn ra  trong Hội trường Hạ viện và tốn rất nhiều thời giờ. Trong thực tế,  kết quả các cuộc đàm phán không được giữ bí mật và thuế suất mới  không đem lại hiệu quả trong việc tăng doanh thu. Kết quả cuối  cùng là một thảm họa sau khi chính phủ công bố chương trình kiệm  ước vào tháng Mười năm 1969. Theo Tổng trưởng Kinh tế Phạm  Kim Ngọc (xem chương 3 trong tập này), doanh thu tăng lên ít dù  giá hàng hóa nhập cảng tăng lên một cách đáng kể. Một giải pháp  cần thiết là phá giá tiền tệ nhưng theo Hiến pháp mới tổng thống  không được phép ban hành điều này. 

Phá giá tiền tệ, tăng lãi suất, và tăng thuế không có lợi về mặt  chính trị vì làm nhiều thành phần dân chúng bất bình. Và mặc dù  các nhà lập pháp tuyên bố ủng hộ chống lạm phát nhưng không ai  trong số họ muốn làm điều đó thông qua những biện pháp trên. Cuối  cùng, tổng thống và cơ quan lập pháp đã đạt được thỏa hiệp dưới  hình thức Luật Chương trình năm 1970.

Luật Chương trình ủy quyền cho tổng thống ấn định tỷ giá hối  đoái, lãi suất hoặc thuế suất trong một khoảng thời gian nhất định.  Do đó, việc quản lý thâm hụt giờ đây nằm trong thẩm quyền của  Hành pháp, một trách nhiệm mà cơ quan lập pháp không thực sự 

muốn đảm nhận. Về bản chất, thâm hụt ngân sách đã vượt khỏi tầm  kiểm soát do tiền lương trả cho hơn 1.4 triệu nhân viên chính phủ và quân nhân, có lúc đã tiêu tốn 80% tổng ngân sách. Để đối phó  với thách thức tài chính này, chúng tôi cần giải quyết ba vấn đề: hối  suất xác định mức ngoại viện trợ qua Quỹ đối giá; lãi suất xác định  mức tiết kiệm của khu vực tư nhân để thanh khoản dư thừa; và thuế suất của chúng tôi. 

Khi áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi vào tháng Bảy năm 1971,  chúng tôi quyết định bỏ qua các yếu tố chính trị. Theo cách làm  mới, Ngân hàng Quốc gia công bố điều chỉnh nhỏ giọt tỷ giá hối  đoái cứ sau vài ngày, tùy thuộc vào điều kiện thị trường và lạm phát.  Nhưng tỷ giá hối đoái vẫn khá ổn định, giữ khá tốt cho đến vài tuần  trước khi VNCH sụp đổ. Tương tự, chúng tôi cũng thực hiện chính  sách lãi suất thả nổi phản ảnh các điều kiện thị trường. Điều này  cung cấp một động lực cho khu vực tư nhân để tiết kiệm hoặc mua  công khố phiếu, thu dọn thanh khoản dư thừa. Đến năm 1974, mua  trái phiếu của khu vực tư nhân chiếm 12% ngân sách quốc gia.  

Cuối cùng, để giải quyết khó khăn tài chính, chúng tôi phải tăng  doanh thu thuế nội địa. Chúng tôi cần những sắc thuế mới, cải thiện  thuế suất, và làm tốt hơn việc quản trị và thu thuế. Mặt khác, thật là  một điều phi thực tế nếu hy vọng miền Nam Việt Nam sẽ có thể chịu  trọn gánh nặng của cuộc chiến mà không có một giai đoạn chuyển  tiếp đủ dài để cho phép ngoại viện được loại bỏ dần.  

Chúng tôi phải gánh chịu rủi ro chính trị lớn khi áp dụng thuế giá trị gia tăng (TGTGT, nguyên văn “value-added tax”/VAT).  Thuế này có hai tính năng hấp dẫn. Đầu tiên, TGTGT có thể được  công bố bằng nghị định của tổng thống theo Luật Chương trình mà  không phải tham khảo ý kiến của cơ quan lập pháp. Thứ hai, gánh  nặng TGTGT được chia sẻ rộng rãi trong xã hội. Quan trọng nhất,  theo ước lượng của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách có thể được giảm một cách đáng kể chỉ bằng những điều chỉnh nhỏ của thuế suất  TGTGT. 

Có lẽ VNCH là quốc gia duy nhất ở châu Á có thuế TGTGT vào  thời điểm đó. Nó đã được giới thiệu ở một số nước châu Âu. Pháp đã  thử nghiệm TGTGT một cách hạn chế bắt đầu từ năm 1954, nhưng  không mở rộng đến phạm vi của ngành bán lẻ cho đến năm 1968.  Đan Mạch là quốc gia châu Âu đầu tiên giới thiệu đầy đủ, với một tỷ 

lệ duy nhất vào năm 1967. Còn ở Mỹ thì ít người biết đến TGTGT. Tuân thủ TGTGT và thực thi cũng tương đối đơn giản. Các  doanh nghiệp được yêu cầu lưu giữ hồ sơ mua hàng và bán hàng, và  các khoản thuế được trả hoặc thu, trong khi các nhà bán lẻ chỉ cần  ghi lại các giao dịch mua và thuế của họ. Sau khi điện toán hóa dữ liệu môn bài bán lẻ, phát hiện gian lận sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều  và TTGGT cũng sẽ hữu ích trong việc cải thiện tập quán tuân thủ thuế kinh doanh.  

TGTGT ban đầu thực hiện có phần vội vàng. Nó gây ra một sự náo động chính trị đáng kể, và có thể làm cho một tổng trưởng bị cách chức. Tuy nhiên, theo thời gian nó đã chứng tỏ là một nguồn  thu thuế đáng kể. Sau những biện pháp trên, chúng tôi có thể đại tu  hệ thống thuế nội địa. Luật mới được ban hành vào năm 1972 và  đến năm 1974, cấu trúc thuế nội địa gần như được hiện đại hóa hoàn  toàn. Đến năm 1973, chúng tôi đã thu thuế cao hơn 70% so với năm  trước, mặc dù chỉ tăng 17% khi điều chỉnh theo lạm phát. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đối mặt với một số loại khủng  hoảng giá khác nhau trong thập niên này, đáng chú ý nhất là hai vụ liên quan đến mua bán lúa gạo và cung cấp các sản phẩm dầu khí.  Các cuộc khủng hoảng giá gạo nói riêng diễn ra nhiều lần, do một  loạt các yếu tố như tích trữ đầu cơ gây tình trạng khan hiếm giả tạo; hoạt động quân sự liên tục làm gián đoạn phân phối; thương  cảng tắc nghẽn gây chậm trễ trong vận chuyển; hoặc vì kẻ thù phá  hoại mùa màng. Các biện pháp thông thường để đối phó với khủng  hoảng giá lúa gạo là cử thanh tra đi điều tra và áp đặt hình phạt.  Nhưng cách tiếp cận này không bao giờ đạt hiệu quả cao vì nạn  tham nhũng. Chúng tôi giải quyết vấn đề này bằng một cách tiếp cận mới hoàn toàn: đó là loại bỏ các trạm kiểm soát, bỏ việc kiểm  soát giá cả, và thiết lập một kho chiến lược dự trữ gạo ở các vùng  thiếu lương thực. Đến năm 1975, chúng tôi đã chuẩn bị xuất cảng  gạo trở lại sau mười hai năm chỉ nhập cảng.  

Trong khi đó, liên quan đến dầu mỏ, chúng tôi đã phải đối mặt  với một cuộc khủng hoảng vào năm 1973 gây ra bởi hai sự kiện.  Thứ nhất là hỏa tiễn của kẻ thù đã phá hủy gần 50% trữ lượng dầu  mỏ của chúng tôi đang lưu trữ tại kho xăng dầu Nhà Bè, đúng vào  lúc giá dầu tăng gấp bốn lần sau khi tổ chức OPEC (tổ chức của các  nước xuất khẩu dầu mỏ) phản ứng với chiến tranh Yom Kippur giữa  Do Thái và các nước Ả Rập. Để giữ cho quân đội của chúng tôi được  cung cấp đầy đủ, chúng tôi phải giảm ngay lập tức và giảm đáng kể mức tiêu thụ xăng dành cho dân sự, dẫn đến giá xăng và dầu hỏa ở miền Nam Việt Nam lên đến mức cao nhất thế giới. Nhưng không ai  trong chúng tôi nghĩ đến việc phát phiếu mua xăng hạn chế.  Một tình huống khác làm chúng tôi luôn lo lắng là việc người  gửi tiền rút tiền ồ ạt từ ngân hàng vì điều này sẽ làm tổn hại đến  niềm tin của nhà đầu tư và kinh doanh. Vì rủi ro của việc rút tiền  như vậy luôn cao trong thời chiến nên phải tìm cách ngăn chặn điều  đó xảy ra. Để đề phòng trường hợp này, Ngân hàng Quốc gia Việt  Nam duy trì một bộ đầy đủ giấy bạc Việt Nam hoàn toàn mới được  lưu trữ trong kho để đưa ra lưu hành hoặc bảo lãnh cho các ngân  hàng trong trường hợp họ bị khách hàng rút tiền ồ ạt. Điều chúng tôi sợ nhất đã xảy ra vào đầu năm 1975, khi hàng  loạt dân thường chạy trốn cộng sản lúc họ trên đường từ miền  Trung tiến công vào Sài Gòn. Chúng tôi biết chiến lược của cộng  sản là gieo rắc sự hoảng loạn về tài chính, thậm chí có thể làm sụp  đổ chính quyền trước khi bắn những phát súng đầu tiên. Trong  mọi trường hợp, cảnh tượng hàng ngàn người tị nạn đến Sài Gòn  và ồ ạt rút tiền đã gây ra tâm lý hoảng hốt, lo sợ ở thủ đô, dẫn đến  việc dân chúng bắt đầu xếp hàng dài tại mỗi chi nhánh ngân hàng  ở Sài Gòn. 

Không ngân hàng nào có thể tồn tại trong trường hợp khách  hàng rút hết tiền ký gửi, do vậy Ngân hàng Quốc gia là định chế cho vay cuối cùng phải dốc toàn lực can thiệp. Sử dụng loại tiền  giấy mới trong kho chưa được lưu hành, Thống đốc Ngân hàng  Quốc gia Lê Quang Uyển đã nới rộng hạn mức tín dụng cho vay  không giới hạn cho tất cả các ngân hàng thương mại với điều kiện  họ phải thỏa mãn mọi yêu cầu rút tiền của khách hàng không bị cản trở hay phải theo thủ tục hành chánh phức tạp. Sau nhiều ngày  rút tiền mặt ra, khách hàng của ngân hàng đã phải đối mặt với một  vấn đề mới: làm thế nào để giữ cả đống tiền mặt trong bối cảnh  chiến tranh đang diễn ra. Vì vậy hầu hết tiền mặt rút ra đã được  gửi lại ngân hàng ngay sau tuần đầu. Chúng tôi tránh được sự sụp  đổ có khả năng tàn phá ngân hàng mà không cần nỗ lực nhiều, và  cuối cùng, Ngân hàng Quốc gia thậm chí không cần phải dùng đến  số tiền giấy đã dự trữ của mình. 

Ngoài việc vật lộn với khủng hoảng triền miên, chúng tôi cũng  nỗ lực để đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai dựa trên đánh  giá thực tế về những điểm mạnh, điểm yếu, và cơ hội lâu dài. Các  mục tiêu phát triển dài hạn của chúng tôi dựa trên các đặc tính như 

khung pháp lý vững chắc, thể chế mạnh mẽ, chính sách hợp lý, và  quy trình minh bạch. Chúng tôi đã cố gắng vượt qua các thách thức  của nền kinh tế như thiếu động lực đầu tư, rủi ro chiến tranh cao,  chuyên môn kỹ thuật hạn chế, và tình trạng thiếu nhân lực. 

Hai dự án thành công nổi bật đối với tôi: Chương trình Người  Cày Có Ruộng, và tìm kiếm trữ lượng dầu ngoài khơi. Chương trình  Người Cày Có Ruộng, được ban hành năm 1970, có bốn yếu tố thuận lợi (xem chương 4 trong tập này). Đầu tiên là niềm tự hào của  người nông dân về quyền sở hữu sau khi chúng tôi cấp miễn phí cho  họ mảnh đất mà tổ tiên họ đã làm tá điền (mảnh đất họ được cấp có  thể rộng đến ba mẫu tây (hecta) ở đồng bằng sông Cửu long và một  mẫu tây ở miền Trung). Tiếp theo là sự ra đời của lúa Thần nông có  thể tăng năng suất lúa lên tới 400%, một bước đột phá công nghệ trong sản xuất lương thực. Yếu tố thứ ba là chính sách mới tạo sự hình thành thị trường tự do (nguyên văn: “market pricing”) bằng  cách loại bỏ kiểm soát giá cả và khai thông mạng lưới phân phối  gạo trên toàn quốc. Và cuối cùng, chương trình thành công nhờ vào kiến thức và kinh nghiệm trồng lúa của người nông dân trên mảnh  đất của họ không ai giỏi hơn họ trong việc đánh giá rủi ro trong  vụ mùa. Đến năm 1974, chúng tôi đã đạt được mục đích tự cung tự cấp gạo và đang chuẩn bị xuất cảng lại vào năm sau. Đối với dầu, không thể chối cãi rằng yếu tố may mắn đóng một  vài trò trong tìm kiếm dầu thành công. Rất hiếm khi tìm được dầu  chỉ sau vài giếng đầu tiên, nhưng trong vòng một năm sau khi ký  thỏa thuận thăm dò và nhượng bộ, chúng tôi đã khám phá một mỏ dầu khổng lồ (đặt tên là “Voi”). Phải kể đến công trạng của Tổng  trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, Tổng giám đốc Cục Dầu khí Quốc  gia Trần Văn Khởi, và các thành viên của Ủy ban Dầu khí Quốc gia.  Sau khi Luật Dầu khí Quốc gia được thông qua vào năm 1970, các  vị nêu trên đã đưa ra một loạt các quyết định sáng suốt, bao gồm  việc sử dụng các chuyên gia kỹ thuật của Iran; việc đạt được một  thỏa thuận hợp tác cân bằng lợi ích của các bên; một quá trình đấu  giá minh bạch thu hút các công ty quốc tế lớn nhất và đáng tin cậy  nhất; và sự lựa chọn khôn ngoan không thành lập công ty khai thác  dầu quốc doanh. Chúng tôi sẽ phải trả giá rất lớn về thời gian và  tiền bạc, nếu cố gắng tự mình chiết xuất dầu, và luôn có khả năng  không tìm thấy dầu. Thêm nữa, việc bán quyền khai thác dầu ngoài  khơi nơi mà rủi ro xảy ra giao tranh rất thấp dẫn đến việc tăng  ngân khoản ngoại tệ ngay lập tức lên tới 47 triệu đô la Mỹ chỉ sau  hai vòng đấu giá. 

Cuối cùng, tôi muốn thừa nhận tác động của những đóng góp  viện trợ của Mỹ đối với các cơ hội phát triển lâu dài của chúng  tôi. Tài chính cho các dự án như Quỹ Phát triển Kinh tế Quốc gia,  Chương trình Người Cày Có Ruộng, và Dự trữ lúa gạo chiến lược  là rất cần thiết. Ngoài ra, không nên bỏ qua giá trị của hạ tầng cơ sở do Quân đoàn Kỹ sư Công binh xây dựng. Tôi có thể ước tính rằng  chi phí cho các hoạt động trên để tạo điều kiện cho sự tham gia của  quân đội Hoa Kỳ lên tới khoảng 3,2 tỷ đô la, tức là khoảng 20%  tổng số hỗ trợ quân sự của Mỹ trong giai đoạn này. 

Các chương trình phát triển hậu chiến cũng nhận được nhiều  sự quan tâm ở cấp cao nhất của cả hai chính phủ Việt-Mỹ. Trong Hội nghị thượng đỉnh Manila năm 1966, Tổng thống Johnson và  Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ xác định rằng “người Việt và người  Mỹ cần phải làm việc cùng nhau để xem xét các vấn đề và cơ hội  trong thời kỳ hậu chiến, và thiết lập các chính sách và chương  trình để khôi phục và phát triển nhanh chóng nền kinh tế Việt  Nam bất cứ khi nào và nơi nào có thể.”[6] Theo kết quả của Hội  nghị thượng đỉnh, một nhóm phát triển hỗn hợp Hoa Kỳ-Việt  Nam được thành lập và soạn thảo “Báo cáo phát triển hậu chiến  Thuc-Lilienthal”. Thật không may, báo cáo đã nằm hứng bụi  trên kệ của Bộ Kế hoạch, có thể là do không đủ thời gian để xem  xét các đề nghị. Giả định về một kịch bản hậu chiến cũng còn  quá sớm và không thực tế. 

Vào thời điểm này ta có thể thấy rõ hơn khuyến nghị về phát  triển nông nghiệp trong Báo cáo là hoàn toàn không thực tế. Theo  khuyến nghị này, sự phân mảnh các thửa ruộng lớn (khi chia ruộng đất), bất kể có  làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nhà nông hay không,  không phải là một điều mong muốn. Có nhiều loại cây cần được  trồng trên diện tích quy mô lớn mới mang lại lợi nhuận, và không  nên tiến hành cải cách ruộng đất tới mức cản trở sự hình thành và  hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Để giải quyết tình trạng nghèo  đói ở nông thôn tại một số khu vực, chúng ta có thể sử dụng một lực  lượng lao động nông nghiệp làm việc có hiệu quả, thay vì để nông  dân chỉ trông cậy vào mấy thửa ruộng nhỏ.[7]

Mục tiêu của chương trình cải cách ruộng đất của chúng tôi  hoàn toàn ngược lại; mục tiêu đó tạo ra một giai cấp chủ đất nhỏ bằng cách cấp miễn phí cho họ mảnh đất mà họ đã canh tác qua  nhiều thế hệ. Vì đề xuất của Thuc-Lilienthal không chỉ khiến họ không có đất mà còn lâm vào cảnh thất nghiệp. Dĩ nhiên họ sẽ được bồi thường theo chương trình này, nhưng số tiền nào có thể biện  minh cho những thay đổi lớn lao trong đời sống của họ như vậy? 

Hồi tưởng lại 

Nhìn lại, chúng tôi không có vốn để phung phí vào các dự án  lớn. Chúng tôi không có nhân lực hoặc tổ chức để phát triển chuyên  môn trong bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào. Đôi khi chúng tôi cố gắng can  thiệp vào thị trường với giả định sai lầm rằng chúng tôi có thể kiểm  soát giá cả, ngăn chặn đầu cơ, và ngăn thực phẩm không đến tay kẻ thù. Nhưng thường thì chúng tôi cố gắng thuyết phục các nhà lãnh  đạo của mình để cho thị trường vận hành dù nó có thể không hoàn  hảo. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ đơn giản là thiết lập nền tảng pháp  lý vững chắc, thúc đẩy các thể chế mạnh mẽ, thực hiện các chính  sách hợp lý, và quản trị cho tốt. 

Chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm của các quốc gia khác với các hình thức kinh tế và chính phủ tương tự. Công thức bao gồm nền kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phát triển, và chính sách hợp  lý đã làm nên kỳ tích tại các nước nhỏ ở châu Á như Hồng Kông,  Singapore, Đài Loan và Đại Hàn. Và chúng tôi tin rằng ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh, các biện pháp và chính sách tương tự cũng có thể thành công ở Việt Nam.

Chú thích 

  1. Douglas C. Dacy, Foreign Aid, War, and Economic Development, South  Vietnam, 1955-1975 (New York: Cambridge University Press, 1986), 200.
  2. Hugues Tertrais, La piastre et le fusil, le coût de la guerre d’Indochine 1945- 1954 (Paris: Comité pour l’histoire éonomique et financière de la France, 2002).
  3. Xem Tuong Vu, Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of  Ideology (New York: Cambridge University Press, 2017), tr. 20.
  4. Dacy, Foreign Aid, tr. 40, bảng 3.1.
  5. Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: The Viking Press, 1983), tr.  436.
  6. Vũ Quốc Thúc and David Lilienthal, “The Postwar Development of the  Republic of Vietnam: Policies and Programs” (Saigon: Joint Development  Group, Postwar Planning Group, Development and Resources Corp., 1969)  tập 2, tr. ix-x.
  7. Như trên, tập 2, tr. 30.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ