Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 1)

Ngô Thị Quý Linh

Published on

Ngô Thị Quý Linh

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 1)

Người Việt từ thế kỷ thứ 19 trở về trước thường tin rằng bệnh tật là do giới “vô hình”  hoặc “siêu hình” gây ra. Người ta tin rằng bệnh tật sinh ra vì chạm vía, tà ma yêu quái, thần  thánh quở phạt, gặp năm sung tháng hạn, động chạm mồ mả, không đúng phong thủy, bị trù ếm,  bị bỏ bùa, v.v… Cũng vì nghĩ như thế cho nên các cách chữa bệnh tùy theo trường hợp mà người  ta tìm cách trấn áp. Ví dụ trẻ sơ sinh có người dữ vía tới thăm mà khóc không ngừng, người nhà phải đốt vía, dùng lá nón mê hoặc cây chổi cũ vừa đốt vừa đọc câu chú đuổi vía dữ. Người mẹ mới sinh con mà bị băng huyết cũng cho là vì gặp vía dữ. Trường hợp hay thấy là dùng tàn  hương nước thải cho người bệnh uống. Những người bị bệnh đi nhờ các ông đồng bà cốt cầu xin  thần linh cấp bùa để đeo hoặc cho bùa để người bệnh đốt hòa với nước thải rồi uống. Nếu cho  rằng bệnh vì tà ma yêu quái thì người mình lo sửa lễ cúng vàng mã, hương hoa, xôi rượu, hoặc  mời thầy trừ tà ma trị quỷ. Có một số bệnh dùng phương pháp cổ truyền như đánh gió, xông, bôi  dầu nóng, chườm, dùng lá cây, thuốc nam hoặc thuốc bắc để chữa trị. Thuốc nam là các lá cây có sẵn ở Việt Nam đã được dùng chữa một số bệnh như bó xương, rắn cắn, chó dại, sốt rét, đi tả,  đầy bụng; thuốc bắc là những phương thuốc được cho rằng là do các danh y Trung-Hoa như Hoa  Đà, Biển Thước soạn ra và truyền lại. Bệnh chia ra hai loại nội thương và ngoại cảm. Cách định bệnh gồm có vọng (quan sát), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch).  

Vị danh y Hải-thượng Lãn-ông Lê Hữu Trác (1720-1791) nghiên cứu y học thời đó để tự chữa bệnh cho mình, nhờ đó đã để lại cho đời sau bộ sách “Y-tông Tâm-lĩnh”. Bộ sách của ông  được nhiều nhà làm thuốc dùng đến. Thời Minh-Mệnh (1820-1840) có ông Trạch Viên người  Bắc-Ninh, thời Tự-Đức (1847-1883) có ông Đỗ Văn Tuyển người Hưng-Yên nổi tiếng danh y. Sang đến đầu thế kỷ thứ 20, cách chữa bệnh bằng thuốc nam vẫn còn được dùng. Năm 1939,  Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người khai sáng Phật-giáo Hòa-Hảo, trị bịnh bằng nước lã, bùa uống  bằng giấy báo hay giấy vàng, thuốc bằng lá cây (xoài, ổi, mít, bưởi, v.v…) hoặc bông (bông trang, bông vạn thọ) hoặc rễ (rễ tranh, rễ chòi-mòi). 

Ngày nay hãy còn tài liệu cho biết các bệnh dịch từng xảy ra ở Việt-Nam mà người Việt  không biết làm sao chữa trị, vẫn chỉ nghĩ là do “trời” gây ra, hoặc do “âm binh”, yêu ma. “Năm 1840, Nam kỳ bị trận dịch tả (choléra) khốc liệt, Sa Đéc bị vạ lây, dân  mười hao bảy tám. Dân bỏ làng, nhà cửa xịch xã, lòng người ly tán… thảy đều thúc thủ. Năm 1841, trong xứ xảy ra trận giặc trời, hao nặng hơn giặc người, và trận dịch  hạch (peste) năm ấy làm chết dân các làng ở Sốc Trăng hao gần ba phần tư (3/4), nạn đói  tiếp theo dữ tợn, ruộng bỏ hoang không người cày, cơm gạo không còn, đến nỗi nghe nói  một đứa con đổi lấy một thúng lúa.” (Vương Hồng Sển, Bên Lề Sách Cũ

Năm 1849 ở các tỉnh Nam-kỳ như An-Giang, Thất-Sơn, Bến-Tre phát bệnh dịch tả. Làng  nào cũng có người nhiễm bệnh. Hương chức làng làm lễ “tống gió”, lấy gà heo làm lễ cúng.  “Bấy giờ bịnh dịch lan tràn dữ dội. Đầu trên xóm dưới chết. Đau một giây một  giờ rồi chết. Mà chết nhiều không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ. Bè tống ôn tống gió bềnh  bồng đầy sông. Ngoài đường vắng người đi. Ban đêm chó không dám sủa. Mà thỉnh  thoảng có vài tiếng chó sủa thì người ta tưởng tượng là có âm binh về. Hễ nghe tiếng lộp  cộp là ớn da gà, biết rằng trong xóm có một nắp quan tài vừa đậy lại.” (Nguyễn Văn Hầu,  Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An

Vì chưa có Tây-y và chưa có chích ngừa, không hiểu biết về vệ sinh nên 4/10 dân chúng  chết vì bệnh dịch.  

Hậu bán thế kỷ thứ 19, khi người Pháp đến, dân chúng hãy còn rất dè dặt với cách chữa  trị Tây phương, nhất là cách dùng kim để chích thuốc. Họ đồn nhau “chích chết”, cho nên khi  cần chích ngừa bệnh dịch tả hay những bệnh thiên thời, họ cố trốn tránh. 

Cùng với tổ chức về hành chánh, giáo dục và kinh tế, dịch vụ y-tế tại Đông-Dương nhận  được sự quan tâm của giới chức trách. Ở các thành phố lớn, sau khi chiếm Đông-Dương, các y sĩ đầu tiên là những quân-y-sĩ. Tuy nhiên nhiệm vụ ưu tiên của họ là phục vụ các quân binh, các  đơn vị và các quân y viện, và số lượng ít ỏi y sĩ đó không thể cung cấp nổi dịch vụ y tế cho hai  mươi triệu dân Đông-Dương. Để chữa trị bệnh, người dân Đông-Dương chỉ nhờ vào các ông  lang ta hay Tàu. Công chức hay dân Pháp ở thuộc địa nếu có bệnh cần chữa trị thường phải đi cả 

ngày đường hay có khi mất 48 tiếng đồng hồ, qua bao nhiêu sông lạch, đường đất mới đến được  quân y viện. Nếu bị bệnh cần cấp cứu ngay thì bệnh nhân chỉ có thể trông đợi vào thiên nhiên  hay là sức lực của chính họ.  

Người dân Việt lúc đó chưa có hiểu biết căn bản về khoa học, chưa biết là vi trùng sinh  sôi nảy nở trong môi trường thiếu vệ sinh và gây ra bệnh tật. Những món ăn của người Việt lúc  ấy như thịt trâu bò ăn tái, thịt lợn luộc chần, tiết canh vịt, … từ gia súc và gia cầm nuôi ở nhà, hoặc cua ốc, cá tôm bắt ngoài ruộng, không qua sự khám xét của sở vệ-sinh y-tế về thực phẩm,  nên ăn vào có thể bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh nơi người. Thức ăn nấu xong, không đậy  điệm kỹ, không có tủ lạnh mà cất, để ruồi bâu nên thức ăn bị nhiễm vi trùng. Cả làng có một cái  ao mà việc giặt giũ, tắm rửa, vo gạo, rửa rau, v.v…, việc gì cần đến nước cũng lấy nước từ ao.  Nước uống, thường không biết là cần phải đun sôi hay lọc nước. Quần áo tốt thì không giặt, chỉ phơi ngoài nắng rồi cất vào rương hòm. Tóc thường để dài, đàn ông thì búi tó, đội khăn bịt ra ngoài, đàn bà Bắc-kỳ thì cuộn tóc trong khăn, vấn tròn trên đầu rồi để đuôi gà rủ xuống, phụ nữ Nam-kỳ và Trung-kỳ bới tóc như đàn ông Bắc-kỳ. Việt-Nam là xứ nóng, ẩm, mồ hôi ra nhiều,  chậm gội đầu thì đầu tóc hôi hám, không năng chải thì chấy làm tổ trong tóc.  

Việt-Nam là xứ nhiệt đới, mưa nhiều, nơi nào nước đọng là có chỗ cho muỗi sinh sôi nảy  nở gây bệnh sốt rét. Đi vào rừng, thấy suối nước mà uống rồi bị bệnh chết thì người dân cho là tại sơn lam chướng khí, không biết rằng lá rụng, cây rừng có thể thôi chất độc vào trong nước.  

Về nhà ở, đa số chật hẹp. Nhà ở thành thị, nơi phố xá đông đúc, nhà hẹp bề ngang và dài  bề dọc nên phải xây thêm gác, tầng dưới để ở, tầng gác để bàn thờ và chứa đồ đạc. Nhà ở đã chật  hẹp, lại thêm vừa buôn bán vừa ở, nên càng chật chội hơn. Chỗ ngủ, chỗ ăn, nấu nướng quanh  quẩn ở cùng một nơi. Nhiều khi chủ nhà cho thuê, năm bảy gia đình ở chung một căn. Mỗi gia  đình chắn riêng một cái phên hay treo cái màn chỗ nằm để giữ sự cách biệt. Phần nhiều nhà ở nhà quê lợp lá gồi hoặc cỏ gianh, rơm rạ, nhà khá giả mới lợp ngói. Nhà có năm sáu hàng cột,  chia làm ba gian, gian giữa để bàn thờ, gian bên cạnh làm buồng ngủ thì che kín, bốn bề ít cửa,  bít bùng, không thoáng khí. Các phòng không phân biệt cách sử dụng, một phòng vừa là chỗ ăn  chỗ ngủ, làm việc ngồi chơi tiếp khách cũng tại một nơi. Do đó, việc dọn dẹp, giữ vệ-sinh rất  khó. 

“Các nơi nhà quê, nhiều nhà nào trổ nào chạm, chẳng qua chỉ để cho dện [nhện] dễ trăng  [chăng] võng, kê lắm giường lắm phản, chẳng qua chỉ cho mối xông đất, mái tụp hụp như  chuồng ngựa, buồng kín bít như buồng tắm, chẳng qua chỉ để cho chuột bọ rúc rích ra vào, gớm  ghê bẩn thỉu, như thế thì sao cho sạch sẽ được.” (Phan Kế Bính, Việt Nam PhongTục, 1915) 

Nói về công việc thì đời sống người nhà quê làm ruộng rất cực khổ. Khi tát nước, khi làm  cỏ, lúc nào cũng đầu đội trời chân đạp đất, trên trời nắng chang chang, xém cả da thịt, dưới chân  dầm trong nước, lom khom cặm cụi ở giữa nơi đồng ruộng mênh mông, không bóng cây. Mùa  đông, trời rét lạnh căm, không đủ áo mặc cho ấm, trời mưa thì chỉ có áo tơi, không đủ chống lại  cái lạnh rét mưa dầm. Trẻ con cũng phải theo cha mẹ để phụ giúp, chăn trâu chăn bò, mò cua bắt  ốc, thiếu dinh dưỡng vì không ăn uống đủ. 

Thức ăn của người dân đa số là cơm với cà muối, rau muống luộc chấm tương, may mắn  hơn thì có canh tôm nấu bầu bí hay canh cua nấu khoai sọ. Những lúc trước mùa gặt, hầu hết dân  quê ăn củ hoặc cháo với rau mọc quanh nhà. Gạo là một thứ thực phẩm xa xỉ mà họ chỉ có được  sau mùa gặt khi mà giá gạo thấp nhất. Các thức ăn như bắp, củ mì, khoai lang, khoai môn là thực  phẩm chính suốt năm. Hầu hết dân làng chỉ ăn hai bữa một ngày. Bữa ăn của họ thường thiếu  chất đạm, thỉnh thoảng được bồi bổ bởi ít cá con, tôm, tép, cua, còng, rạm. Vì thiếu chất đạm,họ còn phải ăn thịt chó, nhộng, ốc, ếch, hến, rươi, v.v… Sau những mùa gặt, vợ chồng ra đồng nhặt  mót hạt thóc rơi rớt, củ khoai còn sót đem về ăn. Thức ăn mua cho gia đình thường là gạo đen,  gạo hẩm, rau già héo, buồng chuối xanh, quả mít xanh. Ngày giỗ tết mới ăn thịt cá. Đối với  người dân quê, “nhịn đói là lẽ thường, ăn no là một sự bất thường”. (Hoàng Đạo, Bùn Lầy Nước  Đọng, 1938) Cũng vì đói mà họ không thể sống cho sạch sẽ vệ sinh, không giữ được sức khoẻ cho họ và gia đình, không biết đến những sinh thú ở đời. 

Đầu thế kỷ thứ 20, theo điều tra và thống kê thì tuổi thọ trung bình của người dân quê Việt-Nam vào khoảng 25, 26 tuổi, vào lúc mà người ấy có thể có sức lực đóng góp nhiều nhất cho xã hội và gia đình. Bệnh tật, sự chết yểu ảnh hưởng rất lớn đến tương lai dân tộc, mà bệnh  tật, chết yểu chỉ vì “mê muội”, không được học không được biết để bảo vệ mạng sống. Nhờ vào các cố gắng phổ biến hiểu biết y tế và vệ sinh của chính quyền và giới hữu  trách, dân chúng dần dần tin tưởng vào y khoa Tây phương, nhất là giới tân học. Nếu bị đau ốm,  họ đến bác sĩ chứ không để cho các “ông lang ta” chữa. Nếu có sinh con thì họ tìm đến các bà đỡ tốt nghiệp trường thuốc Đông-Dương. 

Sự tin tưởng vào y khoa Âu Tây có thể hiểu được nhờ công cuộc phát triển y tế công  cộng của chính phủ thuộc-địa tại Đông-Dương. Vấn đề vệ sinh và phòng ngừa bệnh được phát  triển dần vào các vùng quê. Mỗi phủ hay huyện có một người y tá trong nom về y tế và vệ sinh.  Con số tử vong vì bệnh đậu mùa và dịch tả giảm đi rất nhiều.  

Nhà thương đầu tiên ở Nam-kỳ là nhà thương Chợ-Quán do các giáo sĩ thành lập năm  1862 với sự hỗ trợ tài chánh của các nhà tư sản Nam-kỳ. Dần dần với sự hiểu biết về y học Tây  phương gia tăng, nhiều nhà thương được thành lập: nhà thương Triều Châu (1885), Hôpital indigène de Cochinchine (1900), Y viện Quảng-Đông (1903), nhà thương Drouhet (1908) – đặt  theo tên của Frédéric Drouhet là thị trưởng Chợ-Lớn – , Bảo sanh viện Chợ-Lớn (1909),  Maternité Indochinoise-Bảo sanh viện Đông-Dương (1937), … 

Bác sĩ Drouhet lập Hội Bảo-sanh Chợ-Lớn năm 1901: “Association Maternelle de  Cholon”. Cũng năm này, có lớp đầu tiên dạy làm cô đỡ. Năm 1902, Hội Bảo-sanh Chợ-Lớn lập  một nơi trú ngụ cho trẻ em bịnh và bị bỏ rơi. Năm 1903, bác sĩ Déjean khám miễn phí cho bệnh  nhân bản xứ Nam-kỳ ngay tại phòng mạch tư của ông.  

Từ năm 1871, dân Nam-kỳ bị bắt buộc phải chủng ngừa đậu mùa bằng phương pháp  Jennerian. Năm 1908, toàn thể dân Đông-Dương được chủng ngừa miễn phí. 

Năm 1891, Viện Pasteur tại Sài-Gòn được thành lập với sự điều hành của bác sĩ Albert  Calmette, và Viện Pasteur ở Nha-Trang năm 1895 do bác sĩ Alexandre Yersin điều hành. Việc  chủng ngừa đã ngăn chặn sự lan tràn của các bệnh dịch và công trình y tế công cộng đã giúp  được phương cách phòng chống bệnh sốt rét. Để chữa trị bệnh tật, chính phủ lập ra bệnh viện,  những trại chữa bệnh phung (cùi). Để ngăn ngừa bệnh tật, chính phủ chú ý vào công tác vệ sinh,  giữ gìn sạch sẽ thành phố, nhà ở, lọc nước uống, chăm sóc trẻ con từ khi lọt lòng mẹ để tránh  những bệnh tật nguy hiểm cho hài nhi. 

Thập niên 1900, chính phủ bảo hộ cho mở nhà thương đầu tiên dành cho người dân bản  xứ ở Hà-Nội: Hôpital indigène du Protectorat. Năm 1911, chính phủ cho thành lập bệnh viện ở Cống Vọng để thu nhận và điều trị bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm. 

Năm 1905, toàn quyền Paul Beau và bác sĩ thanh tra (médecin-inspecteur) Grall lập nền  tảng cho việc tổ chức y tế cho người bản xứ: “Assistance Médicale Indigène” (AMI), một hệ thống tổ chức y tế miễn phí phục vụ các công chức và người bản xứ. Lúc này, chỉ riêng Nam-kỳ đã có 72 cơ sở y tế như nhà thương, bảo sanh viện. 

Một nghị-định ban hành năm 1905 cho thành lập “Ủy-ban khuyến-cáo thượng-đẳng về vệ-sinh”: “Conseil supérieur d’hygiène”. Ủy ban này có nhiệm vụ khuyến cáo vị toàn-quyền về tất cả các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh và bảo vệ sức khoẻ của dân chúng Đông-Dương. Ủy ban này gồm có vị toàn-quyền là người chủ tọa, tổng thư ký và những thành viên của Ban Cố vấn chính phủ, có thêm giám đốc Trường Y-Dược và trưởng ban dược-phòng quân-sự. Ủy-ban có nhiệm vụ xác định những phương sách tổng quát để ngăn ngừa sự lan truyền các bệnh dịch,  tuyên bố việc sử dụng công cộng những nguồn nước có thể dùng để ăn uống, hoặc là việc phá sập một bất động sản nào, v.v… 

Nghị định ngày 27-6-1914 cho phép thành lập bên cạnh vị toàn-quyền “Cơ quan thanh tra  các Sở Vệ-sinh và Y-tế”: “Inspection générale des Services Sanitaires et Médicaux” do giám-đốc  Sở Vệ-sinh quản trị với chức vụ Tổng Thanh-tra các Sở Vệ-sinh và Y-tế: Inspecteur Général des  Services Sanitaires et Médicaux. Vị tổng thanh-tra này được một bác sĩ và hai thư ký phụ tá, có 

nhiệm vụ trông chừng công việc của các sở vệ sinh và y tế tại Đông-Dương và giúp toàn-quyền  trong việc thực hiện mọi vấn đề liên quan đến vệ sinh và bảo đảm y tế công cộng: trợ giúp về y  tế, canh chừng vệ sinh vùng duyên hải, kiểm soát các bệnh viện thuộc mọi ngành chuyên môn,  v.v… Vị tổng thanh-tra có quyền kiểm soát về kỹ thuật các trung tâm y khoa, các viện bào chế và các trung tâm giáo dục y học đang có ở Đông-Dương ngoại trừ các Viện Pasteur ở Sài-Gòn và Nha-Trang. Trong thập niên 1930, ở Đông-Dương có bốn viện Pasteur: Hà-Nội, Sài-Gòn, Nha Trang, Đà-Lạt.










Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ