Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946, Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản, Kỳ 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời, Kỳ 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Hơn một tháng sau Hội nghị tư pháp toàn quốc ngày 25-27/2/1948, những người cộng sản viết bài báo đầu tiên tấn công quan điểm tư pháp độc lập của ngành tư pháp, trên báo “Sự thật”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, vào ngày 15/4/1948. 

Các lãnh đạo ngành tư pháp đã phản biện quan điểm của những người cộng sản trên tờ báo “Độc lập”, một cơ quan của Đảng Dân chủ, hai tháng sau đó. Cuộc tranh luận kéo dài đến hết năm 1948. 

Tầm quan trọng của cuộc tranh luận 

Cuộc tranh luận này tuy bắt đầu tập trung vào chủ đề tư pháp cần phải “độc lập” hay “phụ thuộc” vào hành pháp, nhưng ngay từ đầu, đã được những người cộng sản đặt vấn đề bằng một chủ đề khác: đi theo hay không đi theo con đường “đấu tranh giai cấp” của “nhân dân”. 

Cuộc tranh luận này, do đó, mang một hàm ý vượt ra ngoài vấn đề tư pháp. Nó đánh dấu bước ngoặt trong việc xác định mục đích của cuộc cách mạng, tức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đương thời: kháng chiến để xây dựng nền “độc lập dân tộc” hay để đi theo con đường “cộng sản chủ nghĩa”. 

Đông đảo các nhân vật chủ chốt của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đương thời theo dõi sát sao cuộc tranh luận, bởi lẽ, ai cũng biết rằng kết quả cuộc tranh luận quyết định con đường tương lai của Việt Nam: cộng sản hay cộng hoà. 

Đại diện phía những người cộng sản là nhà báo Quang Đạm, lúc ấy là biên tập viên của báo “Sự thật”. Ông tên thật là Tạ Quang Đệ, trước 1945 là một thừa phái (nhân viên trong toà án) huyện Thiệu Hoá (tỉnh Thanh Hoá), sau đó được thăng làm tri huyện Hà Trung (cũng ở tỉnh Thanh Hoá). Sau 1945, ông theo Việt Minh, đầu năm 1947, ông lọt vào mắt xanh Tổng bí thư Đảng Trường Chinh và được bổ nhiệm vào báo “Sự thật”. 

Nhà báo Quang Đạm 

Quang Đạm là một nhà báo phụng sự lãnh đạo của mình đến hơi thở cuối cùng. 

Ông dịch nhiều tác phẩm của Mao Trạch Đông sang tiếng Việt, trong đó có “Luận trì cửu chiến” (bàn về chiến tranh trường kỳ) giúp Trường Chinh phóng tác thành tiểu luận “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” năm 1947. 

Năm 1948, ông được giao nhiệm vụ viết bài tấn công tư tưởng tư pháp độc lập của các trí thức – chính khách trong chính phủ để chuyển hóa nền tư pháp đó thành tư pháp cộng sản chủ nghĩa. Sau 1954, ông được giao nhiệm vụ viết bài tấn công tư tưởng tự do sáng tạo của các văn nghệ sỹ Nhân văn – Giai phẩm (bài “Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ”, báo Nhân dân, ngày 1/10/1956). Đến đầu thập niên 1960 ông được giao nhiệm vụ viết bài tấn công các chính khách ôn hoà ở Hà Nội với bài mở đầu “Đập nát chủ nghĩa xét lại hiện đại” (Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm “chủ nghĩa xét lại” được sử dụng). 
Chính vì viết như một công cụ chính trị cho lãnh đạo, trong bài viết mở đầu cuộc tấn công tinh thần tư pháp độc lập vào 15/4/1948, mặc dù chỉ là một biên tập viên của tờ báo “Sự thật”, Quang Đạm viết như thể ông là người phát ngôn không chính thức cho lãnh đạo Đảng. 

Tư pháp là một bộ phận của hành pháp  

Quan niệm nền tảng của Quang Đạm và báo “Sự thật” là phủ nhận tính độc lập của nền tư pháp. Để biện minh cho điều này, ông xếp tư pháp vào phạm trù “các ngành của chính phủ”, chung nhóm với “khoa học”, “giáo dục” “y học”, “văn nghệ”… tức như một bộ phận chịu quản lý của hành pháp (chính phủ). Quang Đạm đặt vấn đề trong đoạn mở đầu như sau: 

Tư pháp là một ngành của nhà nước. Nhà nước như một cái máy và nói chung tư pháp là một bô phận trong cái máy đó.”

Đây không phải là quan điểm cá nhân của Quang Đạm. Báo “Sự thật”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, đã giành phần “Lời giới thiệu” để giới thiệu bài của Quang Đạm như sau: 

Tất cả mọi ngành chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá năm nay theo chị thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ đang gắng sức thi đua để phục sự đầy đủ cho kháng chiến. Để góp một phần nào cho phong trào thi đua toàn quốc, báo “Sự thật” chúng tôi dành riêng một mục để đăng những bài về các ngành chuyên môn, khoa học, tư pháp, giáo dục, y học, văn nghệ.

Như vậy, bài viết biểu đạt quan điểm của cả Đảng Cộng sản chứ không phải của cá nhân Quang Đạm. 

Tư pháp phục vụ đấu tranh giai cấp 

Để biện hộ cho việc trói buộc tư pháp vào hành pháp, Quang Đạm lập luận: 

Từ khi xã hội thành giai cấp và nhà nước, tư pháp cũng theo đó mà có, để trấn áp đối phương và bảo vệ thế lực kẻ thống trị. Trên tiền đồ tiến bộ sau này, một khi xã hội loài người đã xoá hết dấu vết giai cấp, bộ máy nhà nước được “cất vào viện bảo tàng” như lời Ăng-ghen, thời tư pháp cũng chỉ còn giá trị như một món đồ cổ mà thôi“. 

Như vậy, Quang Đạm, hay Đảng Cộng sản, sử dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác Lenin về tư pháp. Tiền đề thứ nhất cho quan điểm tư pháp này là không có gì nằm ngoài cuộc đấu tranh giai cấp, và, tư pháp cũng vậy. Trên cơ sở đó, “Quang Đạm” nêu tiền đề thứ hai: 

Bởi vậy, ý nghĩa, hình thức và tác dụng của tư pháp phải tuỳ thời đại và chế độ xã hội mà thay đổi. (…) Cũng vì lẽ ấy, bộ máy dân chủ cộng hoà Việt Nam sau ngày 2-9-45 không thể lập y bộ phận tư pháp trước ngày 19-8-45, và các ý thức, quan niệm, tư tưởng của những người có thẩm quyền pháp lý theo học thuyết cũ nhất định phải sửa đổi lại cho hợp với chính thể dân chủ mới”

Như vậy, tư pháp độc lập là sản phẩm của chế độ cũ, không phù hợp với “chế độ dân chủ mới”. Trong bài, tác giả không định nghĩa thế nào là “chế độ dân chủ mới”, tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, đây là khái niệm được những người cộng sản sử dụng sau 1945 để chỉ “chế độ cộng sản chủ nghĩa”. 

Trên chính tờ báo “Sự thật” số 91 này, ngay bên cạnh bài viết “Tư pháp với Nhà nước” của Quang Đạm, tờ báo cho in bài “Ghi những bước tiến của lực lượng dân chủ”, trong đó ca ngợi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tiến hành đảo chính tháng 2 năm 1948 dưới hỗ trợ của Liên Xô, đã “tẩy trừ phản động, xây dựng dân chủ mới”. 

Cụ thể, bài báo ca ngợi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, sau đảo chính giành chính quyền, về kinh tế, đã tịch thu “những xưởng máy lớn, nhà băng, cải cách chế độ ruộng đất, tiêu diệt phản động”, “tính tới 93% kỹ nghệ ở Tiệp được quốc hữu hoá”, về chính trị, đã loại bỏ Đảng Xã hội dân chủ là tay sai chính của phản động Mỹ”“mạnh bạo tiến, ăn nhịp với những nước dân chủ bình dân theo bước đường của Liên Xô” (trang 9).  

Tóm lại “chế độ dân chủ mới” chính là “chế độ cộng sản chủ nghĩa”. Như vậy, thông điệp của Quang Đạm, tức những người cộng sản, ở đoạn trích nói trên rất rõ ràng: tư pháp độc lập là sản phẩm của thời đại tư sản, không thể tồn tại trong thể chế cộng sản chủ nghĩa. 

Sau đó, tác giả phân tích sự khác nhau giữa thể chế chính trị và học thuyết tư pháp “cũ” và “mới” bằng cách viết lịch sử của chủ nghĩa Mác Lenin: 

  • “Thuyết độc lập và phân quyền [tức tư pháp độc lập trong thể chế tam quyền phân lập] với tất cả vẻ đẹp trừu tượng của nó” có thể từng có giá trị trong quá khứ vì giúp cho giai cấp tư sản châu Âu hạn chế quyền lực của giai cấp phong kiến để làm cách mạng tư sản, đoạt lấy chính quyền. 
  • Sau khi chiếm được địa vị thống trị, giai cấp tư sản chỉ dùng “tam quyền phân lập” như một huyền thoại che đậy bản chất áp bức, bóc lột của mình. Theo tác giả, thực tế, nền tư pháp dưới chế độ tư sản chỉ là “độc lập giả vờ” chứ không được thực sự độc lập như họ “bô bô”, mà chỉ là công cụ của giai cấp tư sản để nô dịch quần chúng. 
  • Chiếu lịch sử của tinh thần “tam quyền phân lập” ở các nước tư bản vào lịch sử hiện đại Việt Nam, tác giả cho rằng từ thập niên 1920, khi “làn sóng dân chủ [tức chủ nghĩa cộng sản] tràn qua Đông Dương”, thực dân Pháp cho lập những “Viện dân biểu bù nhìn” và “trưng bày nhãn hiệu tư pháp độc lập”. Theo tác giả, tính độc lập ấy của tư pháp Việt Nam thời Pháp thuộc chỉ là giả dối. 

Một khi đã thừa nhận rằng, trong lịch sử, việc tư pháp – hành pháp – lập pháp tập trung vào tay nhà vua và bộ máy quý tộc đã gây ra những cảnh “áp bức tàn bạo” trong chế độ phong kiến, thừa nhận rằng thể chế “tam quyền phân lập” của chế độ tư bản có một “vẻ đẹp trừu tượng” và có những giá trị nhất định trong giai đoạn đấu tranh chống chế độ phong kiến, vậy thì khi phê phán chủ nghĩa tư bản chỉ xây dựng mô hình tam quyền phân lập một cách giả dối, tư pháp độc lập chỉ là “độc lập giả vờ”, thì xét về mặt logic ngôn ngữ, tác giả Quang Đạm sẽ tất yếu phải cho rằng chế độ “dân chủ mới”, tức cộng sản chủ nghĩa, sẽ thực thi chế độ “độc lập thực sự” của nền tư pháp. 

Nhưng không, một khi chế độ tư bản chỉ xây dựng nền “độc lập giả vờ” của nền tư pháp, chế độ cộng sản chủ nghĩa, theo Quang Đạm, sẽ không xây dựng nền tư pháp “độc lập thực sự” mà… kiểm soát nó. 
Như vậy, chế độ “dân chủ mới” chỉ khác với chế độ phong kiến ở lớp vỏ khái niệm? Làm thế nào để chế độ “dân chủ mới” này kiểm soát nền tư pháp mà vẫn khác với chế độ phong kiến? Quang Đạm giải thích bằng các lập luận của chủ nghĩa Mác Lenin: 

Dưới một chính thể phản động, tư pháp phải đứng vào lập trường dân chúng mà biệt lập và phân quyền với Nhà nước trong những điều kiện có thể. Nhưng trong một chế độ dân chủ mới như nước ta hiện nay, Nhà nước đã là của nhân dân tiến bộ, thời tư pháp phải kết hợp với Nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại chính quyền. Như vậy mới thật là có nhận định thiết thực và tiến bộ về vấn đề độc lập và phân quyền.

Quang Đạm vẫn sử dụng khái niệm “độc lập và phân quyền”, nhưng đã tái diễn giải chúng, khiến cho các khái niệm này bị trượt nghĩa sang một địa hạt hoàn toàn khác. Tư pháp phải độc lập, thậm chí đối lập, nhưng là độc lập, đối lập với kẻ thù của “Nhân dân”. 

Ở đây, tác giả không giải thích “nhân dân” là gì, nhưng khẳng định “dưới chế độ dân chủ mới, Nhà nước đã là của nhân dân tiến bộ”. Do đó, tư pháp phải độc lập, đối lập với kẻ thù của “nhân dân” cũng có nghĩa là nó phải độc lập, đối lập với kẻ thù của “Nhà nước”. 

Nói cách khác, tư pháp không được độc lập với hành pháp, mà phải chịu sự lãnh đạo của hành pháp để tấn công kẻ thù của nó. Tác giả giải thích rõ hơn ở đoạn cuối: 

Độc lập phải phối hợp với thống nhất, nghĩa là phải đứng vào một mặt trận chung của nhân dân và Nhà nước của nhân dân mà chống lại các mưu mô phá hoại của quân thù, chống lại ý thức và quan niệm sai lầm của chế độ và học thuyết cũ còn để sót lại trong đầu óc mình.

Phân quyền phải phối hợp với tập quyền, nghĩa là phải phân quyền theo lối phân công phụ trách trong phạm vi chuyên môn dưới một sự chỉ huy tập đoàn về nguyên tắc căn bản.

Ở đây, tác giả biểu đạt rõ ràng rằng, việc buộc tư pháp trở lại với hành pháp là một cuộc cải tạo tư tưởng để chống lại “ý thức và quan niệm” của “học thuyết cũ” còn “sót lại trong đầu óc” của người trí thức. 

Sự nhấn mạnh đến khía cạnh cải tạo tư tưởng của việc xoá bỏ tư tưởng tư pháp độc lập, để đặt tư pháp dưới sự kiểm soát, “sự chỉ huy tập đoàn” [tức lãnh đạo toàn diện] của hành pháp, được tác giả khẳng định như là một bước để tiến tới xây dựng “chế độ  dân chủ mới”:

Đây không phải là một sự nhượng bộ trong thời kháng chiến, mà chính là một nguyên tắc trọng yếu trong chế độ dân chủ mới.

Như vậy, đối với tác giả, việc các trí thức của ngành tư pháp phải chấp nhận sự lãnh đạo toàn diện của hành pháp, tức cơ quan hành pháp mà Đảng Cộng sản đã hoá thân vào, không phải là một sự “nhượng bộ” tạm thời trong bối cảnh kháng chiến, mà một bước tất yếu phải làm để xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa, tức một nguyên tắc mà những người cộng sản không thể nhân nhượng.

Có thể nói, bài viết này đã biểu đạt đầy đủ ý thức hệ của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1948: Việc xoá bỏ tư pháp độc lập, tác giả Quang Đạm nhấn mạnh, như thể không muốn các trí thức ngành tư pháp hiểu nhầm rằng đó chỉ là giải pháp tình thế và bắt buộc trong bối cảnh chiến tranh, là để đi tới thế giới cộng sản chủ nghĩa. 

Tấn công cá nhân đối với các chính khách ngành tư pháp 

Đồng thời với việc khẳng định xoá bỏ tư pháp độc lập để xây dựng nền chính trị cộng sản chủ nghĩa, tác giả đồng thời dùng biện pháp tấn công cá nhân đối với các trí thức tư pháp. Ông nói về tinh thần của các trí thức ngành tư pháp như sau: 

Một số phần tử trí thức vào ngạch tư pháp, ngắm nhìn thân thế bạc bẽo của mình bên cạnh uy quyền hống hách của các quan phụ mẫu, luôn cố tìm an ủi trong lý tưởng độc lập. (…) Cách mạng tháng Tám bùng nổ, chính quyền nhân dân thành lập, các phần tử ấy được bổ dụng, vì lòng tự ái và chủ nghĩa tự do của giới trí thức, vì ý thức xã hội và quan niệm theo học thuyết, vì ganh tị địa vị và quyền hạn, một số trí thức đó vẫn giữ khư khư thái độ riêng rẽ với chính quyền nhân dân, chủ trương “tư pháp độc lập để bảo vệ tự do cá nhân” được xem như là một chân lý vĩnh viễn tuyệt đối (…) nhiều khi công việc trấn áp các lực lượng phản động đã vấp trở lực nghiêm trọng về thái độ ý thức và quan niệm sai lầm ấy.”

Ở đây, tác giả chỉ đơn giản mượn các lý luận Mác Lenin về “bản chất tiểu tư sản” của “tầng lớp trí thức” để chụp lên đầu “đối tượng”. Lý giải tinh thần tư pháp độc lập của các trí thức tư pháp bằng cách mô tả tính cách của họ như “ngắm nhìn thân thế bạc bẽo”, “tự ái”, “ganh tị địa vị và quyền hạn”, lần đầu tiên biện pháp đấu tố được thể nghiệm công khai ở cấp nhà nước. 

Biện pháp đấu tố này, như chúng ta đã biết, sẽ được sử dụng đại trà từ hai năm sau đó trong các chiến dịch tố khổ, kể khổ, phê bình và tự phê bình, cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, cải tạo tư sản miền Nam (sau 1975) và vẫn còn được sử dụng trong các diễn ngôn chính trị và thậm chí cả trong diễn ngôn học thuật ở Việt Nam ngày nay… mỗi khi có điều kiện. 

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ