Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Độc quyền thông tin – Việt Nam đã chặn đứng ứng dụng Airvisual trong 1 ngày như thế nào

Nguyễn Thị Thủy

Published on

Sự độc quyền về quyền lực đi đôi với sự độc quyền về thông tin. Đối với hầu hết mọi người, logic này có vẻ thuyết phục. Tuy nhiên, kể từ khi internet xuất hiện trong đời sống dân sự từ ba mươi năm trước, nhiều người cho rằng việc chính phủ độc quyền về thông tin trong chế độ độc tài sẽ gặp nhiều trở ngại. Điều đó có thể đúng ở nhiều nơi. Nhưng những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong tuần này có thể khiến lập luận đó lung lay. Trong trường hợp này, sự độc quyền về quyền lực đã giành chiến thắng.
Gần đây, cư dân tại khu vực đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nơi có một phần tư dân số đất nước sống, đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất. Sự phản đối công khai đã đạt đến đỉnh điểm vào tuần trước khi AirVisual, một ứng dụng giám sát môi trường cung cấp số liệu đo lường chất lượng không khí theo thời gian thực, cho thấy mức độ độc hại không khí ở các thành phố này.

Chỉ số AQI trên AirVisual liên tục có màu đỏ (có hại cho sức khỏe) hoặc màu tím (rất độc hại). Cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách về chất lượng không khí bẩn. Tại một số thời điểm, PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn quốc gia 11 lần hoặc 25 lần so với [tiêu chuẩn] WHO.

Chỉ số ô nhiễm không khi trước và ngay sau khi ứng dụng Airvisual ngừng cung cấp ở Việt Nam do sự cố bị chấm 1 sao hàng loạt.

Khi tin tức như vậy nhiều hơn, nhiều người đã nhận thức hơn về hậu quả chết người của không khí độc hại. Tin không mới này đã lan truyền khi mọi người đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin và đặc biệt là đặt câu hỏi về việc chính phủ Việt Nam đã xử lý các đòi hỏi của công chúng như thế nào.

Các cuộc thảo luận chia theo nhiều hướng, bao gồm cả việc công dân Indonesia kiện chính phủ của họ như thế nào vì ô nhiễm không khí nghiêm trọng, hoặc cách chính phủ Thái Lan đang cố gắng đối phó với thảm họa không khí.

Ba ngày trước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho lãnh đạo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Chiều cùng ngày, thứ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên đã nói chuyện với báo chí rằng Bộ có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm quan trắc [không khí] để thông tin tốt hơn cho công chúng.

Thật bất ngờ, AirVisual, từ một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Việt Nam trong vài tuần qua, đã không còn khả dụng cho các địa chỉ IP từ Việt Nam. Những người biết cách truy cập IP từ một quốc gia khác (sử dụng VPN hoặc các phương tiện khác) thì vẫn có thể tải xuống được. Đối với những người đã cài ứng dụng đó trên điện thoại thì kết quả sẽ vẫn được cập nhật. Tuy nhiên, kết quả sẽ chỉ bao gồm dữ liệu do chính phủ Việt Nam cung cấp, không bao gồm thông tin được tạo ra từ các trạm giám sát như Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

AirVisual đã nhận được rất nhiều đánh giá 1 sao [đánh giá thấp] dành cho tất cả những dịch vụ thông tin họ đã cung cấp người dân Việt Nam về những gì họ đang hít vào. Tuy nhiên, một lực lượng đông đảo đã cố gắng giết ứng dụng này và nhà cung cấp về mặt thương mại.

Cộng đồng mạng đã xác định được một bài viết quan trọng, được cho là đã khởi động cho chiến dịch đánh giá 1 sao cho ứng dụng này:

Mình không biết mấy thằng chủ của AirVisual có biết tiếng Việt không, nhưng hẳn là tuần qua chúng nó phải hả hê, sung sướng lắm khi chứng kiến sự ngu dốt của người Việt Nam ta: 1,3 triệu lượt tải app, chắc phải 10,000 lượt likes page (cả page có 13,000 likes) và hàng khẩu trang với lọc không khí thì tha hồ CHÁY  
Việc của chúng ta bây giờ là phải chứng minh cho chúng nó thấy: “Người Việt hơi ngu nhưng méo hiền”. Những việc các bạn có thể làm là:
1 – Report fanpage, vote 1* cho chết cụ chúng nó đi  
2 – Gỡ app, report app.
3 – Gây sức ép bắt chúng nó phải xin lỗi  
Ngoài ra, tất cả các bài báo, các post đã giật tít “Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới” phải bị report, cải chính hết”

Sau khi ứng dụng AirVisual bị chặn, màu sắc [trên ứng dụng] biểu thị chất lượng không khí ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chuyển sang màu vàng, đôi khi là màu xanh lá cây, nói với độc giả rằng ô nhiễm không khí ở hai thành phố ít nghiêm trọng hơn.

Việt Nam kiên định bảo vệ độc quyền nhà nước đối với các luồng thông tin. Trong một cuộc nói chuyện vào năm 2013, người đứng đầu Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản tại Hà Nội tuyên bố rằng thành phố đã tạo ra một lực lượng gồm khoảng 900 dư luận viên trên mạng để xông lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch [với đất nước]. Số lượng dư luận viên được cho là đã tăng mạnh trong vài năm qua, dành riêng cho việc theo dõi, chống lại và báo cáo đối với những cư dân mạng viết những điều bất lợi về đảng.

Tính đến năm 2019, Việt Nam có 859 báo in và 135 báo và tạp chí trực tuyến và 67 đài phát thanh và truyền hình. Tất cả được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương đảng. Gần đây, Việt Nam đã củng cố bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của mình nhắm vào cộng đồng mạng, theo tiết lộ của việc thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Công an năm 2017.

Đối mặt với các đối tượng được thông tin tốt hơn, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải tiến để trở thành một người kiểm soát hiệu quả hơn, và cuộc đua trên không gian mạng trở nên khó khăn hơn.

Thuy Nguyen

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ