Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Phát Triển Thư Viện Tại Việt Nam Cộng Hòa Trước Ngày 30-4-1975 (kỳ 1)

Lâm Vĩnh Thế

Published on

G.S. Lâm Vĩnh Thế, M.L.S.

Cưu Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam

Cựu Trưởng Ban, Ban Thư Viện Học, Đại Học Vạn Hạnh

Librarian Emeritus, University of Saskatchewan, Canada 

Bài viết nầy phần lớn dựa vào ký ức của người viết vì tài liệu chính thức cũng như các thống kê về thư viện của VNCH hiện nay phần lớn không còn tìm thấy nữa.  Rất may là phần lớn những số báo của Thư Viện Tập San, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN) của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), xuất bản trước ngày 30-4-1975, vẫn còn giữ được nên người viết cũng nắm được một số dữ kiện và số liệu về tình trạng thư viện tại Miền Nam.  Người viết rất mong được độc giả bổ túc những thiếu sót cũng như giúp đính chính những lầm lẫn.  

  1. Giai Ðoạn Trước 1967

Trước năm 1967, hệ thống thư viện của VNCH tương đối yếu kém về mọi mặt, từ số lượng thư viện, cơ sở vật chất và sưu tập cho đến nhân viên chuyên môn.  Tờ báo Thư Viện Tập San, số Ðặc Biệt năm 1960, chỉ liệt kê được tất cả là 30 thư viện công và tư trên toàn quốc (25 thư viện tại Nam Phần, và 5 thư viện tại Trung Phần), chia ra như sau:

thư viện công cộng: 4

thư viện đại học: 6

thư viện chuyên môn: 5

thư viện chính phủ: 5

thư viên tư: 2

thư viện ngoại quốc: 8

Ðặc tính rõ nét của giai đoạn nầy là việc phát triển hoàn toàn không theo một kế hoạch nào cả.  Lý do chính là thiếu lãnh đạo; trong cả hai lãnh vực công và tư mà đại diện là Thư Viện Quốc Gia và HTVVN đều không có một chính sách cho việc phát triển thư viện cho VNCH.    

Hệ thống thư viện công cộng (public libraries) gần như không có tại Miền Nam.  Ngoài Thư Viện Quốc Gia ở số 34 đường Gia Long (gồm khoảng 70.000 cuốn sách và 620 nhan đề tạp chí) và Tổng Thư Viện trong khu vực trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký (đây là Thư Viện Ðông Dương từ Hà Nội dọn vào trong cuộc di cư năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Genève; sưu tập gồm khoảng 3.000 cuốn sách và 110 nhan đề tạp chí) tại thủ đô Sài Gòn tương đối có bề thế, tại các tỉnh và thị xã các thư viện công cộng rất nghèo nàn, phần đông chỉ đóng vai trò một phòng thông tin hay phòng đọc sách với một số lượng sách báo không đáng kể.  

Riêng trong khối thư viện công cộng tại Sài Gòn thì cần phải kể đến ba thư viện nước ngoài có tầm vóc sau đây: 

* Thư Viện Abraham Lincoln (đặt theo tên vị Tổng Thống Hoa Kỳ trong thời Nội Chiến) trực thuộc Cơ Quan Thông Tin (USIS – United States Information Service) của chính phủ Hoa Kỳ; thư viện nầy lúc đầu tọa lạc tại trung tâm thành phố Sài Gòn, bên cạnh rạp chiếu bóng Rex, trước Toà Ðô Chánh; sau dời về số 8 đường Lê Quý Ðôn, và sau cùng dọn về bên trong trụ sở của Hội Việt Mỹ, ở số 55 đường Mạc Ðĩnh Chi, thuộc Quận I; thư viện nầy có sưu tập vào khoảng 10.000 quyển sách và 210 nhan đề tạp chí Anh ngữ, ngoài ra thư viện nầy cũng có một số sách Pháp và Việt ngữ.  

* Thư Viện của Phái Bộ Văn Hóa Pháp, bên cạnh nhà thương Ðồn Ðất, số 31 đường Ðồn Ðất, với khoảng 20.000 sách và tạp chí đủ các loại Pháp ngữ.  

* Thư Viện của Hội Ðồng Minh Pháp Văn (Alliance Française) tọa lạc tại số 22 đường Gia Long, gần góc đường Tự Do.  

Ba thư viện nầy có cơ sở vật chất rất tốt, với phòng đọc khang trang và trang bị máy điều hòa không khí với một bộ sưu tập khá phong phú nên rất được thành phần sinh viên học sinh ưa chuộng.

Trong khi khối thư viện công cộng rất èo uột thì hệ thống thư viện chuyên ngành (special libraries) tương đối khá hơn, trong số nầy phần lớn là các thư viện chính phủ (government libraries) và thư viện của các cơ quan nghiên cứu (research libraries).  Gần như mỗi Bộ của chính phủ đều có một thư viện, đáng kể nhứt là Thư viện của Bộ Thông Tin ở đường Phan Ðình Phùng.  Về cơ quan nghiên cứu thì phải kể đến: 1) Thư viện của Viện Khảo Cổ, ở số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước Sở Thú, dời trụ sở nhiều lần, và sau cùng dọn về đường Gia Long, với sưu tập gồm khoảng 15.000 quyển sách về sử ký, địa lý, địa phương chí, xã hội học, với nhiều cổ thư Hán Nôm, và một số tạp chí và vi phim;[1] 2) Thư viện của Hội Nghiên Cứu Ðông Dương (Société des Etudes Indochinoises), nằm trong Viện Bảo Tàng trong Sở Thú; và 3) Thư viện Trường Viễn Ðông Bác Cổ, tại số 37 đường Trương Minh Ký.

Về mặt thư viện đại học (academic libraries), mỗi trường đại học đều có thư viện.  Riêng tại Sài Gòn, trong khối đại học công, tức là các phân khoa trực thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn, phần lớn các thư viện của các Phân Khoa Luật, Khoa Học, Văn Khoa và Sư Phạm đều bé nhỏ, cơ sở vật chất chật hẹp, và sưu tập không đáng kể.  Chỉ riêng có Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là có thư viện tương đối có tầm vóc với cơ sở vật chất khang trang và sưu tập đáng kể vì trường đại học nầy có được hỗ trợ trực tiếp từ trường Ðại Học Michigan State University, với một quản thủ thư viện được đào tạo tại Hoa Kỳ là Bà Tăng Thị Tị.  Trong khối đại học tư thì thư viện của Viện Ðại Học Vạn Hạnh là lớn nhứt với cơ sở vật chất đồ sộ và sưu tập rất phong phú do tài trợ của Cơ Quan Văn Hóa Á Châu – Asia Foundation.  Thư viện nầy cũng có một Giám đốc được đào tạo tại Hoa Kỳ là Sư Cô Thích Nữ Trí Hải.  Ở các tỉnh thì phải kể đến thư viện của các viện đại học Huế, Ðà Lạt và Cần Thơ, tuy nhiên các thư viện nầy cũng rất nghèo nàn.   

Hệ thống thư viện học đường (school libraries) cũng rất yếu kém.  Chỉ có một số trường trung học có thư viện; trường tiểu học thì hoàn toàn không có thư viện.  Tại Sài Gòn, các trường trung học lớn như Pétrus Ký, Gia Long, Chu Văn An và Trưng Vương đều có thư viện nhưng các thư viện nầy phần lớn không có phòng đọc, gần như chỉ là kho sách chứa sách giáo khoa để phân phối cho các lớp vào đầu năm học và thu hồi lại cuối năm học; phòng tham khảo thì hoàn toàn không có.  Chỉ có một trường hợp ngoại lệ duy nhứt và đó là Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức.  Trường nầy do ngân sách ngoại viện của Hoa Kỳ tài trợ để xây dựng.  Nó được xây cất để thử nghiệm chương trình giáo dục tổng hợp (học sinh vừa học văn hóa vừa học chuyên môn).  Trường có một thư viện khá lớn, có phòng tham khảo, phòng đọc sách, và áp dụng kho sách mở (open shelves) để học sinh tự do chọn lựa sách, theo lối các thư viện của các trường trung học Hoa Kỳ.  Ðây cũng là thư viện học đường duy nhứt tại VNCH mà quản thủ thư viện là một vị tốt nghiệp Cao Học [trong nước hiện nay gọi là bằng Thạc sĩ] về thư viện học (Master of Library Science—MLS) từ một trường đại học thư viện của Hoa Kỳ (đó là Giáo sư Nguyễn Ứng Long, tốt nghiệp MLS tại Ðại Học Peabody ở tiểu bang Tennessee; về sau Giáo sư Long được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Ðốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia của VNCH vào năm 1970).

Tuyệt đại đa số những người làm công tác thư viện trong giai đoạn nầy, kể cả các vị quản thủ thư viện, đều không được đào tạo về chuyên môn.  Những trường hợp như Giáo sư Nguyễn Ứng Long và bà Tăng Thị Tị là những ngoại lệ rất hiếm hoi. 

Trong hoàn cảnh khó khăn như đã nói trên, kỳ lạ và may mắn thay, về phương diện tài liệu chuyên môn, giai đoạn nầy lại sản sinh được mấy quyển sách có giá trị và được những người làm công tác thư viện và văn khố sử dụng nó trong một thời gian khá dài do ở sự cố gắng của một vài hội viên có tâm huyết.  Ðó là quyển Cataloging and Classification of Books = Phương Pháp Tổng Kê và Phân Loại Sách, do ông Richard K. Gardner, Cựu Cố Vấn Thư Viện, Phái Ðoàn Cố Vấn của Ðại Học Michigan tại Việt Nam biên soạn, và bà Nguyễn Thị Cút, Phụ Tá Thư Viện, Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn phiên dịch; quyển Lưu Trữ Hồ Sơ của Nguyễn Hùng Cường; và quyển Mục Lục Phân Tích Tạp Chí Việt Ngữ, 1954-1964 của Trần Thị Kim-Sa.  Quyển sách thứ nhứt được Cơ Quan Văn Hóa Á Châu (Asia Foundation) tài trợ trong việc xuất bản; nó được ấn hành hai lần, lần đầu vào năm 1959 và lần thứ nhì vào năm 1966.  Ở ấn bản lần thứ nhứt, quyển sách nầy là song ngữ (Anh-Việt) với một Phụ Lục gần 300 trang là bảng phân loại thập phân Dewey trình bày bằng ba ngôn ngữ: Anh-Pháp-Việt.  Ở ấn bản lần thứ nhì, quyển sách trở thành đơn ngữ (Việt); phần Phụ Lục vẫn là bảng phân loại thập phân Dewey nhưng chỉ là song ngữ thôi (Anh-Việt). Hai quyển kia đều do Học Viện Quốc Gia Hành Chánh xuất bản năm 1965.

  1. Giai Ðoạn 1967-1973

Ðặc điểm của giai đoạn nầy là sự phát triển bắt đầu có kế hoạch.  Lý do: sự ra đời của Cơ Quan Phát Triển Thư Viện–CQPTTV (Library Development Activity), một bộ phận của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ (USAID = United States Agency for International Development).  Vị Cố vấn đứng đầu CQPTTV là ông John Lee Hafenrichter (mà chúng tôi thường gọi tắt là ông Haf).  Giúp đỡ cho ông Hafenrichter trong cơ quan nầy có 2 người Việt Nam là bà Lưu Chiêu Hà và ông Nguyễn Tĩnh Thuật, về sau có thêm cô Lê Thu Nguyệt tốt nghiệp về thư viện ở Úc về.  

CQPTTV có một chương trình hoạt động với những mục tiêu cụ thể trên ba lãnh vực : 1) Về cơ sở vật chất, thực hiện một hệ thống thư viện cho VNCH gồm đầy đủ các khối thư viện công cộng, học đường, đại học và chuyên ngành theo một mô hình kim tự tháp với Thư Viện Quốc Gia ở trên đỉnh; 2) Về nhân sự, đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên môn về công tác thư viện gồm 2 luồng: nhân viên sơ cấp và trung cấp đào tạo ngay tại trong nước, và nhân viên cao cấp đào tạo tại Hoa Kỳ; và 3) Về mặt chuẩn hóa, phiên dịch và ấn hành các tài liệu chuyên môn về thư viện, phổ biến các tài liệu nầy cho toàn bộ hệ thống thư viện, tiến đến thống nhứt về danh từ chuyên môn, quy tắc biên mục và hệ thống phân loại.  Ông John Hafenrichter đã thuyết trình tại Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên vào năm 1968 về mục tiêu phát triển thư viện cho Việt Nam.  Năm 1969, nhân dịp khai mạc Tuần Lễ Văn Hóa tại Vĩnh Long, ông Hafenrichter cũng đã đến dự và phát biểu về ảnh hưởng của thư viện học đường đối với các bộ môn được giảng dạy tại trường, xác định vai trò của thư viện trường trung học trong việc hỗ trợ chương trình học và cải tiến phương pháp giảng dạy.

2.1. Hệ Thống Thư Viện

Trong lãnh vực hệ thống, ưu tiên phát triển được dành cho thư viện học đường.  Lý do của quyết định nầy là sự phát triển vượt bực của giáo dục tại Miền Nam trong giai đoạn nầy mặc dù cuộc chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt.  Trong khoảng thời gian 10 năm (từ niên học 1957-58 đến niên học 1966-67), tổng số học sinh (mẫu giáo, tiểu học và trung học) đã tăng từ 1.011.355 lên đến 2.264.479, tức là trên 100%.  Tổng số trường trung học (gồm cả đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp) đã tăng lên từ 363 (niên học 1958-59) đến 644 (niên học 1966-67); trong số nầy, riêng số trường đệ nhị cấp đã tăng từ 78 lên đến 267 (Niên Giám Thống Kê của VNCH).  Thời gian nầy Bộ Giáo Dục cũng đã quyết định mở rộng việc áp dụng chương trình trung học tổng hợp cho toàn quốc.  Một số trường trung học phổ thông đã có sẵn tại các tỉnh được lựa chọn để cải biến thành trường trung học tổng hợp.  Một phái đoàn gồm các vị hiệu trưởng của các trường nầy được cử đi Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 4 năm 1967 để quan sát và học hỏi kinh nghiệm của các trường trung học tổng hợp của Hoa Kỳ.  Về sau, một số trường mới được xây cất để làm trường trung học tổng hợp, thí dụ như hai trường Nguyễn An Ninh (cho nam sinh) và Sương Nguyệt Anh (cho nữ sinh) tại Sài Gòn, và trường Chưởng Binh Lễ ở Long Xuyên, v.v…[2]   Dĩ nhiên tất cả các trường trung học tổng hợp nầy đều có thư viện với trang thiết bị khá đầy đủ.  Các trường trung học phổ thông cũng được Nha Trung Học khuyến khích cố gắng dành phòng ốc để làm thư viện.  Ðến khoảng đầu thập niên 1970, một số rất lớn các trường trung học (phổ thông và tổng hợp) trên toàn quốc đã có thư viện; theo ước tính có khoảng trên dưới 100 thư viện học đường.  Ðây là một bước phát triển rất đáng kể.  Sau đây là một vài số liệu về vấn đề phát triển thư viện của các trường trung học tại Miền Nam:

  • Về đào tạo nhân viên sơ cấp, trong thời gian 1968-1971, CQPTTV đã phối hợp với Nha Trung Học và tổ chức được tất cả 12 khóa huấn luyện sơ cấp với tổng số giáo sư trung học được huấn luyện như sau:

Năm 1968:   4 

Năm 1969: 22 

Năm 1970: 28  

Năm 1971: 20 

Tổng cộng: 74       

      Sau khi CQPTTV giải thể, Nha Trung Học cũng đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện sơ cấp vào Hè 1973 (38 học viên) và Hè 1974 (40 học viên), nâng tổng số giáo sư trung học được huấn luyện lên đến 152 (74 + 38 + 40 = 152). Về đào tạo nhân viên trung cấp, Trường Ðai Học Sư Phạm Sài Gòn đã tổ chức được hai khóa huấn luyện trong hai niên học 1972-1973 và 1973-1974, mỗi khóa có 26 học viên, tất cả đều là giáo sư trung học đệ nhị cấp. Ngoài ra còn có 11 giáo chức thuộc các trường trung học và sư phạm được Bộ Giáo Dục cử đi Úc tu nghiệp một năm về ngành thư viện vào Hè 1972. 

  • Về mặt phát triển sưu tập cho các thư viện của các trường trung học, ngoài các ngân khoản của chính quyền địa phương, các thư viện trung học còn được Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để mua sắm sách báo, học liệu với ngân khoản được phân phối như sau:[3]

Năm Sách Việt Sách Anh

1967   350.000 đồng VN           28.000 USD

1968   500.000      – 12.000    –

1969 3.000.000      – 12.000    –

1970 2.300.000      – 11.000    –

1971 5.000.000      – 20.000    –

1972 6.000.000      – 25.000    –

1973 7.000.000      – 25.000    –

1974 7.000.000      – 30.000    –

Tổng cộng      31.150.000      –           163.000    –

Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Oánh, chuyên viên thư viện của Nha Trung Học, người trực tiếp phụ trách chương trình phát triển thư viện học đường của Nha, chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các khâu công tác gồm lập kế hoạch, dự trù ngân sách, trang thiết bị, thanh tra, các trường trung học sau đây đã thiết lập được thư viện rất tốt: Trường Nữ Trung Học Gia Long (ở Sài Gòn) với quản thủ thư viện là Cô Lê Khắc Ngọc Mai; Trường Trung Học Vũng Tàu với quản thủ thư viện là ông Nguyễn Duy Hy; và Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực (ở Rạch Gía) với quản thủ thư viện là ông Nguyễn Nhựt Quang.  

Trong giai đoạn nầy, không những giáo dục trung học phát triển mãnh liệt như vừa trình bày, mà giáo dục đại học cũng phát triển không kém.  Tổng số sinh viên đại học tăng từ 4.364 (niên học 1957-58) lên đến 32.393 (niên học 1966-67), tức là gần 800% (Niên Giám Thống Kê VNCH).  Về trường công, ngoài hai viện đại học Sài Gòn và Huế, chính phủ cho thành lập thêm một viện đại học mới cho Miền Tây tại Cần Thơ vào năm 1966.  Về trường tư, sau viện đại học Ðà Lạt được thành lập từ năm 1958, là các viện đại học Vạn Hạnh (1964), Minh Ðức, Cao Ðài (Tây Ninh) và Hòa Hảo (An Giang).  Kể từ năm 1972 chính phủ còn cho thành lập một loạt các đại học cộng đồng (community colleges), cụ thể là Ð.H Tiền Giang (ở Mỹ Tho), Ð.H. Duyên Hải (ở Nha Trang) và Ð.H. Quảng Đà (ở Đà Nẵng).[4] Tất cả các cơ sở giáo dục đại học nầy đều có thư viện; tuy nhiên, như đã trình bày bên trên, phần lớn các thư viện nầy (trừ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Ðại Học Vạn Hạnh) vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất và sưu tập.  Trong giai đoạn nầy, phải kể đến sự phát triển vượt bực của riêng Thư viện Ðại Học Y Khoa Sài Gòn.  Với sự tài trợ của Hội Y Khoa Hoa Kỳ (American Medical Association – AMA), Thư viện nầy đã liên tiếp được điều hành bởi một loạt các quản thủ thư viện người Mỹ sau đây: bà Eleanor Johnson (tháng 8/1967 – tháng 6/1969), ông John I. Patton, Jr. (tháng 6/1969 – tháng 6/1972), và ông Thomas Cassidy (tháng 9/1972 – tháng 7/1974).  Trong khoảng thời gian giữa tháng 6 và tháng 9 năm 1972, Bác sĩ Nguyễn Ðức Nguyên, trong ban giảng huấn, trước đó có một thời gian làm Tổng Thư Ký và kế đó là Phụ Tá Ðặc Biệt của Khoa Trưởng trường Ðại Học Y Khoa, được bổ nhiệm làm Giám Ðốc Thư Viện Y Khoa.  Dưới quyền lãnh đạo của Bác sĩ Nguyên, Thư viện Y Khoa đã có những phát triển rất tốt đẹp.  Tháng 7/1973 Thư viện Y Khoa có thêm một quản thủ thư viện mới người Việt là cô Nguyễn Thị Nga, tốt nghiệp trường thư viện của Ðại Học North Carolina-Chapel Hill.  Cô Nga đã cùng với ông Thomas Cassidy thiết lập các tiêu chuẩn biên mục cũng như lưu hành cho Thư viện nầy.  Ðến đầu năm 1974, Thư viện Y khoa đã có một sưu tập gồm 16.355 nhan đề sách và trên 300 nhan đề tạp chí.[5]    

Về thư viện công cộng, Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia đã có kế hoạch xây dựng cơ sở mới cho Thư Viện Quốc Gia.  Tòa nhà mới của Thư Viện Quốc Gia, tọa lạc tại số 69 đường Gia Long, được khởi công xây cất vào ngày 28-12-1968 trong một buổi lễ trọng thể đặt dưới quyền chủ tọa của Thủ Tướng Trần Văn Hương.[6] Trước khi tòa nhà mới của Thư Viện Quốc Gia được khánh thành, ông Nguyễn Ứng Long, Giám đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia, đã khéo vận động để Cơ Quan Văn Hóa Á Châu (Asia Foundation) tài trợ cho hai dự án lớn.  Dự án thứ nhứt là việc mua tủ đựng thẻ thư mục cho TVQG; những tủ này được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn thư viện và được nhập cảng từ Hoa Kỳ.  Chúng được sử dụng cho đến những năm cuối của Thế kỷ 20 khi công nghệ thông tin được phổ cập ở Việt Nam và được thay thế bằng mục lục trực tuyến. Dự án thứ nhì là xây dựng một xưởng vi phim cho Thu Viên Quốc Gia.  Asia Foundation đã liên lạc với cơ sở của hảng Kodak tại Tân Gia Ba.  Hảng Kodak đã cử đại diện sang Sài Gòn để giới thiệu các máy sản xuất vi phim, và đích thân ông Long đã chọn máy cho thích hợp với nhu cầu của Thư Viện Quốc Gia.  Cũng giống như với dự án thứ nhứt, Asia Foundation đã đảm trách tất cả các khâu ký kết hợp đông và thanh toán tài chánh.  Theo hợp đồng nầy, Kodak phải huấn luyện nhân viên cho dự án, vì vậy trước khi máy được giao và ráp tại một phòng tại tầng trệt của Thư Viện Quốc Gia, một nhân viên tân tuyển đã được cử đi huấn luyện 3 tháng tại Tân Gia Ba.  Cơ sở mới nầy của Thư Viện Quốc Gia, với kho sách cao 14 tầng có khả năng chứa đến 1 triệu quyển sách, với Phòng Ðọc Sách, Phòng Tham Khảo rộng rãi, khang trang và đúng tiêu chuẩn quốc tế, đã được long trọng khánh thành vào ngày 23-12-1971 dưới sự chủ tọa của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu [7] Trong thời gian Thư Viện Quốc Gia mới nầy được xây cất, Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia đã tổ chức một khóa huấn luyện cho nhân viên thư viện của Nha và của các Bộ khác vào đầu năm 1971.  Ngoài ra, với sự phối hợp và tán trợ của CQPTTV, Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia cũng đã soạn thảo kế hoạch huấn luyện dài hạn 10 năm theo đó sẽ đào tạo tại Hoa Kỳ 10-12 Cao Học (MLS) và 1-2 Tiến sĩ (Ph.D.) về thư viện học.  Nhân viên Thư Viện Quốc Gia đầu tiên được gửi đi Mỹ học Cao Học (MLS) là cô Trần Thị Thuần.  Ông Long cũng quyết định thay đổi hình thức của tiêu đề tên tác giả Việt Nam trong Thư tịch quốc gia.  Trước đó, trong Thư tịch quốc gia, tiêu đề tên tác giả Việt Nam được làm theo lối đảo ngược, với tên riêng (hay tên gọi), để lên phía trước như sau:

  • Linh, Nguyễn Ngọc
  • Thiện, Phạm Công

Điều nầy không đúng theo truyên thống Việt Nam; ở Việt Nam bao giờ người ta cũng gọi tên các tác giả theo trọn tên, chứ không đơn thuần gọi bằng họ hay gọi bằng tên riêng; điều nầy càng đúng với các bút hiệu của những tác giả mà ta không tìm ra được tên thật.  Do đó, đối với Thư tịch quốc gia, từ giữa năm 1970, ông Long đã chỉ thị trình bày tên tác giả Việt Nam theo thứ tự tự nhiên như sau:

  • Nguyễn Ngọc Linh
  • Phạm Công Thiện

Quyết định này là một bước tiến đến gần với Bộ Quy Tắc Biên Mục Anh-Mỹ, ấn bản thứ 1, 1967 (Anglo-American Cataloging Rules, 1967) theo đó tên tác giả Việt Nam được trình bày như sau:

  • Nguyễn, Ngọc Linh
  • Phạm, Công Thiện

Cùng với quyết định quan trọng về tiêu chuẩn biên mục nầy, ông Long cũng quyết định thực hiện Thư tịch hồi tố quốc gia Việt Nam bằng 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Pháp (Thư tịch hồi tố quốc gia Việt Nam = Retrospective national bibliography of Vietnam = Bibliographie nationale rétrospective du Vietnam). Bộ Thư tịch hồi tố nầy, cho giai đoạn 1936-1967, được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản vào năm 1971, và gồm 4 quyển như sau: 

  • Quyển 1: 1963-1967
  • Quyển 2: 1954-1963
  • Quyển 3: 1945-1954
  • Quyển 4: 1936-1945

Bộ Thư tịch hồi tố nầy đã tiếp nối cho bộ thư tịch Bibliographie de l’Indochine (1913-1935) do Paul Boudet thực hiện. (Những thông tin nầy do chính ông Nguyễn Ứng Long cung cấp cho người viết trong ba điện thư gửi từ Paris, Pháp, vào các ngày 6-1-2007, 7-2-2007, và 17-2-2007). Ðồng thời Nha cũng đã có kế hoạch giải thể Tổng Thư Viện ở khu trường Pétrus Ký và sáp nhập sưu tập của Tổng Thư Viện vào sưu tập của Thư Viện Quốc Gia mới đang cất.   Sự phát triển hệ thống thư viện công cộng đang có triển vọng tốt đẹp như thế đã bị chết yểu vì Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia bị tách làm đôi vào năm 1972 thành hai cơ quan riêng biệt: Thư Viện Quốc Gia và Văn Khố Quốc Gia; ông Nguyễn Ứng Long chỉ còn giữ chức vụ Giám Ðốc Văn Khố Quốc Gia; ông Phan Văn Hữu, đang phục vụ tại Thư viện Ðại Học Cần Thơ được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Ðốc Thư Viện Quốc Gia.  Việc phát triển hệ thống thư viện công cộng mất đi một quản thủ thư viện có tầm vóc và hoàn toàn bị ngưng trệ cho đến ngày 30-4-1975.  Sau 1975, ông Nguyễn Ứng Long đã định cư tại Pháp, và mới qua đời vào ngày 22-09-2018 vừa qua, để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình, thân hữu và đồng nghiệp trong ngành thư viện.

Về thư viện chuyên ngành thì Thư Viện của Viện Khảo Cổ được dời từ cơ sở cũ ở khu vực Sở Thú về đường Gia Long, quản thủ thư viện vẫn là Ông Ðỗ Văn Anh, một quản thủ kỳ cựu rất được kính nể trong giới nghiên cứu Việt học tại Sài Gòn.  Một sự kiện nữa cũng đáng lưu ý trong lãnh vực thư viện chuyên ngành là sự xuất hiện của một số thư viện quân sự do nhu cầu của chiến tranh trong giai đoạn nầy.  Hai thư viện quân sự có tầm vóc về cả cơ sở vật chất và sưu tập là Thư viện của Trường Võ Bị Quốc Gia ở Ðà Lạt và Trường Cao Ðẳng Quốc Phòng ở Sài Gòn.  Thư Viện Trưởng của Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt là ông Phan Ðình Công cùng tốt nghiệp Cao Học TVH (MLS) tại Ðại Học Syracuse, N.Y., là huynh đệ đồng môn với người viết.  Thư Viện Trưởng của Trường Cao Ðẳng Quốc Phòng là ông Hoàng Ngọc Hữu, về sau là Ủy Viên Thư Viện Chuyên Môn của Ban Chấp Hành HTVVN nhiệm kỳ 1975.      

2.2. Huấn Luyện Nhân Sự

2.21. Nhân Viên Sơ Cấp

CQPTTV đã tổ chức rất nhiều khóa huấn luyện sơ cấp, căn bản thư viện tại cơ sở của cơ quan ở số 1 Ðại lộ Thống Nhứt, ngay trước cửa Sở Thú.  Học viên phần lớn là các giáo chức của các trường trung tiểu học đã được chỉ định phụ trách thư viện của các trường nầy.  Bản thân người viết bài nầy cũng đã từng tham gia một trong các khóa huấn luyện nầy.  Mỗi năm CQPTTV tổ chức 4 khóa huấn luyện, mỗi khóa kéo dài 3 tuần lễ, giảng viên chính là ông Cố Vấn John Hafenrichter với bà Lưu Chiêu- Hà phụ trách phiên dịch.  (John Hafenrichter, Lưu Chiêu Hà chuyển dịch, Nhận xét về Cơ Quan Phát Triển Thư Viện USAID và về việc mở mang thư viện tại Việt Nam, Thư Viện Tập San, số 5-6, Ðệ 3-4 TCN (1969), tr. 28-30).  Số học viên của mỗi khóa chỉ vào khoảng trên dưới 10 người.[8,9] Sau khóa huấn luyện mỗi học viên đều được phát cho một cuốn Phương Pháp Tổng Kê và Phân Loai Sách để mang về sử dụng trong thư viện của mình.  Một số học viên xuất sắc, có nhiệm sở tại Sài Gòn và có trình độ khá về Anh ngữ, được ông Haf mời tham gia vào các công tác dịch thuật các tài liệu thư viện từ Anh ngữ sang Việt ngữ.  Nhờ chương trình huấn luyện nầy, được thực hiện liên tục trong thời gian 5 năm, đến đầu năm 1973, phần lớn các quản thủ thư viện học đường đều đã có được kiến thức căn bản về thư viện học.  Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết vào cuối tháng Giêng năm 1973, CQPTTV được lệnh chuẩn bị giải thể.  Công tác huấn luyện nầy được chuyển sang cho Nha Trung Học lúc đó đã có 2 chuyên viện về thư viện được huấn luyện ở ngoại quốc, đó là các ông Lê Ngọc Oánh tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, và Ðoàn Huy Oánh tốt nghiệp ở Úc.  Nha Trung Học đã tổ chức tại Sài Gòn nhiều khóa huấn luyện dựa trên chương trình mẫu của CQPTTV.  Ở các tỉnh thì Nha phối hợp với các Khu Học Chánh (thành lập từ tháng 10-1972 do cải tổ Hành Chánh Công Vụ) [10] để tổ chức các khóa huấn luyện nầy.  Bản thân người viết, sau khi tốt nghiệp Cao Học (MLS) ở Ðại Học Syracuse, New York, Hoa Kỳ về nước vào cuối tháng 5-1973, đã tham gia giảng dạy tại một số các khóa huấn luyện nầy ở Sài Gòn và Vĩnh Long.

2.22. Nhân Viên Trung Cấp

Với số nhân viên sơ cấp đã được huấn luyện khá nhiều cho các thư viện học đường (phần lớn là thư viện các trường trung học, kể cả phổ thông và tổng hợp) tốt nghiệp từ các khóa huấn luyện của CQPTTV và của Nha Trung Học, trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, với sự đồng ý của Bộ Giáo Dục, đã tiến hành mở khóa huấn luyện trung cấp.  Học viên hoàn toàn tình nguyện và phải hội đủ 3 điều kiện sau đây: 1) Ðã tốt nghiệp đại học sư phạm, tức là ở trong ngạch Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp; 2) Ðã có ít nhứt là 2 năm thâm niên công vụ; và 3) Ðã tốt nghiệp một khóa huấn luyện sơ cấp do CQPTTV hay Nha Trung Học tổ chức.  Mỗi khóa huấn luyện trung cấp nầy kéo dài một năm với 26 học viên; giảng viên là các vị đã tốt nghiệp Cao học (MLS) từ các đại học của Hoa Kỳ.  Khi tốt nghiệp học viên sẽ đương nhiên được thăng một trật trong ngạch Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp.  Trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện trung cấp như thế.  Bản thân người viết đã tham gia giảng dạy khóa thứ nhì (niên học 1973-74).  Khi chương trình huấn luyện nầy được công bố thì số người gởi đơn về xin học rất đông nên Ðại Học Sư Phạm phải xếp ưu tiên theo thứ tự thời gian thâm niên công vụ.  Vì thế ở cả 2 khóa nầy các học viên đều có thời gian thâm niên công vụ đáng kể.  Khi người viết tham gia giảng dạy khóa thứ nhì thì trong số học viên có 2 người là bạn học ra trường cùng Khóa 1963 (thâm niên công vụ đã được 10 năm) với người viết ở Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn là chị Ðặng Thị Thảo và anh Cao Ðình Vưu.

2.23. Nhân Viên Cao Cấp

CQPTTV cũng đã thiết lập và thực hiện một dự án đào tạo nhân viên thư viện cấp cao cho VNCH.  Dự án nầy có mục tiêu đào tạo tất cả độ 30-40 nhân viên với bằng Master và độ 2-3 nhân viên với bằng Ph.D. về môn Thư viện học.  Tất cả ứng viên đều phải đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và phải có đủ trình độ Anh ngữ đòi hỏi của các trường đại học Hoa Kỳ (cụ thể là phải thi TOEFL được trên 550 điểm; TOEFL = Test of English as a Foreign Language).  Tất cả đều được cơ quan USAID cấp học bổng để học trong 2 năm tại các trường thư viện của các viện đại học Hoa Kỳ.  Trừ một số ít, các ứng viên, sau khi tốt nghiệp bằng Cao Học TVH (Master of Library Science (MLS)) đều đã về nước phục vụ.  Sau đây là một số ứng viên mà người viết còn nhớ được:

Cô Ðào Thúy, Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn

Ông Ðỗ Viết Cửu, Ðại Học Cần Thơ

Ông Lâm Vĩnh Thế, Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức (sau chuyển về làm Thư Viện Trưởng trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn từ ngày 1-1-1975)

Ông Lê Ngọc Oánh, Nha Trung Học

Cô Mai Thị Nhung, Thư Viện Quốc Gia

Cô Nguyễn Ngọc Sương, Ðại Học Cần Thơ

Cô Phạm Thị Lệ-Hương, Ðại Học Vạn Hạnh

Ông Phan Ðình Công, Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt

Ông Phan Hoàng Quý, Ðại Học Huế

Ông Phan Văn Hữu, Ðại Học Cần Thơ (sau chuyển về Sài Gòn, làm Giám Ðốc TV Quốc Gia) 

Ông Tôn Thất Viễn Bào, Ðại Học Huế

Ông Tống Văn Diệu, Thư Viện Quốc Gia

Ông Trần Anh Liễn, Thư Viện Quốc Gia

Ông Trần Chính Liên, Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn

Cô Trần Thị Thuần, Thư Viện Quốc Gia

Ông Trần Văn Thông, Ðại Học Cộng Ðồng Quảng Ðà 

Theo dự án của CQPTTV, 2-3 người trong số các vị đã tốt nghiệp Cao Học (MLS), sau khi về nước phục vụ từ 2 tới 5 năm, sẽ được tuyển chọn để sang Hoa Kỳ học tiếp lên bậc Ph.D.  Biến cố 30-4-1975 khiến cho dự kiến huấn luyện ớ cấp tiến sĩ thư viện học nầy không bao giờ thành sự thật. 

2.3. Soạn Thảo và Ấn Hành Tài Liệu Chuyên Môn

Với phương tiện dồi dào của mình, CQPTTV đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuẩn hoá công tác thư viện cho VNCH.  Ông Cố Vấn Hafenrichter đã có công trong việc tập họp được một số học viên đã tốt nghiệp các khoá huấn luyện sơ cấp của CQPTTV để thực hiện một số công tác phiên dịch, soạn thảo và ấn hành các tài liệu chuyên môn.  Những người đã đóng góp nhiều nhứt trong các công tác nầy là các ông Hồ Văn Dõng, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Văn Thước, Nguyễn Nhựt Quang và Nguyễn Ngọc Hoàng; các vị nầy lúc đó đều đang theo học khoá huấn luyện trung cấp đầu tiên của Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn.  (người viết xin mở dấu ngoặc ở đây để có đôi giòng giới thiệu với độc giả các vị nầy: Ông Hồ Văn Dõng là quản thủ thư viện Trường Trung Học Kiến Phong; người viết mất liên lạc với ông Dõng sau ngày 30-4-1975; Ông Nguyễn Văn Hường là quản thủ thư viện của Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu ở Mỹ Tho, về sau chuyển về Sài Gòn làm Chuyên Viên cho Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục, và là Tổng Thư Ký của Hội Thư Viện Việt Nam trong hai nhiệm 1974 và 1975; ông Hường mới mất cách đây mấy năm tại quê nhà ở Mỹ Tho.  Ông Nguyễn Văn Thước là bạn cùng lớp với người viết tại Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Ðịa, khóa 1963; ông là quản thủ thư viện của Trường Trung Học Hùng Vương (tức trường Yersin cũ) ở Ðà Lạt; ông Thước cũng mới mất cách đây mấy năm tại Hoa Kỳ.  Ông Nguyễn Nhựt Quang là quản thủ thư viện của Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá; người viết mất liên lạc với ông Quang sau ngày 30-4-1975.  Ông Nguyễn Ngọc Hoàng tốt nghiệp thủ khoa Ban Sử Ðịa, Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, khóa 1969; ông Hoàng là người thay thế người viết làm quản thủ thư viện Truờng Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức trong thời gian người viết đi du học tại Hoa Kỳ; về sau ông Hoàng là Ủy Viên Kế Hoạch của Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ 1974 và 1975; ông Hoàng hiện cư ngụ tại Totonto, tỉnh bang Ontario, Canada).     

Các tài liệu do CQPTTV phiên dịch, soạn thảo và ấn hành gồm có:

Danh từ thư viện và những danh từ chọn lọc trong các lãnh vực liên hê

      dịch từ cuốn ALA Glossary of Library Terms with a Selection of Terms in Related       

      Fields / by Elizabeth Thompson.  Chicago: American Library Association, 1943); in  

      bằng Ditto, xuất bản tháng 4/1973, gồm 30 tr.

Tự điển Thư Viện Học, in Ditto, xuất bản tháng 9/1973, gồm 126 tr., có bảng dẫn (Index) Anh-Việt, tr. 99-126.

Bộ Quy Tắc Tổng Kê Anh Mỹ (biên mục), in Ditto, xuất bản 1973.  

Cũng cần ghi nhận là trong giai đoạn nầy, HTVVN cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại (xin xem thêm về hoạt động của HTVVN ở phần sau) và cũng đã có xuất bản được một số tài liệu chuyên môn quan trọng như sau:

Niên Giám Thư Viện = Directory of Libraries, 1970.

Niên Giám Thư Viện Tại Việt Nam = Directory of Libraries in Vietnam, Nguyễn Thị Cút biên soạn, 1973.

Tiểu Dẫn về Tổ Chức và Hoạt Ðộng Hội Thư Viện Việt Nam, 1971.

Tổ Chức và Ðiều Hành Thư Viện, Nguyễn Thị Cút và Lê Thị Lệ-Chi biên soạn, 1971.

Thư Viện Cho Mọi Người, Nguyễn Thị Cút, Hồ Văn Quang và Nguyễn Ứng Long dịch từ nguyên tác Libraries for All của tác giả Martha T. Boaz, 1971.

Cách Tìm Sách Trong Thư Viện.

Tiêu Ðề Môn Loại, 1973.

Thư Viện Tập San cũng bắt đầu được xuất bản đều đặn trở lại từ ngày 1 tháng 6 năm 1968, và được gọi là Bộ Mới, mỗi tam cá nguyệt (3 tháng) một số.    

 (Còn tiếp)

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ