Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Henry Kissinger: di sản chính trị và học thuật 

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng 

Henry Kissinger là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Trong chiến tranh Việt Nam ông bị chỉ trích từ nhiều phía: Việt Nam Cộng Hoà trách ông phản bội họ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghét ông vì những cuộc dội bom B-52 ngoài Bắc. Phe phản chiến chống ông vì đáng lẽ phải chấm dứt chiến tranh từ 7 năm trước khi bắt đầu có hòa đàm Paris. Tuy nhiên, để hiểu các quyết định của Kissinger thì cần đặt ông vào đúng vị trí, tầm nhìn và quốc gia mà ông phục vụ, ngoài ra, cũng cần nắm các khái niệm then chốt trong lý thuyết của ông về bang giao quốc tế đương thời. 

Về chính sách của Henry Kissinger đối với chiến tranh Việt Nam 

Có điểm cần lưu ý khi đánh giá chính sách của Henry Kissinger đối với chiến tranh Việt Nam khi ông bắt đầu có quyền lực từ 1969. 

Một là, Kissinger làm chính sách để phục vụ quyền lợi nước Mỹ, theo quan điểm ông, chứ không phải để phục vụ cho Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoặc để vừa lòng phe phản chiến. 

Hai là, chính John F. Kennedy (người gửi lực lượng đặc biệt vào Miền Nam Việt Nam) và Lyndon Johnson (tham chiến ồ ạt và bỏ bom Bắc Việt) là những người khởi đầu tiến trình leo thang. Khi Kissinger có quyền lực thì Mỹ đã có 500,000 quân ở miền Nam rồi. Vấn đề đối với Kissinger là tiếp tục chiến tranh hay rút đi. 

Ba là, khi thương thuyết với Lê Đức Thọ, Kissinger muốn dùng áp lực quân sự (leo thang chiến tranh) và ngoại giao (điều đình với Nga Xô và Trung Quốc) để đạt giải pháp chính trị. Nhưng tương quan lực lượng quân sự trên chiến trường và chính trị nội bộ của Mỹ không cho phép Mỹ tiếp tục chiến tranh mà như ông đã tiên đoán, trong bài viết từ tháng Giêng năm 1969 trên tạp chí Foreign Affairs, rằng Mỹ không thể thắng “trong khoảng thời gian hay với số quân mà người dân Mỹ có thể chấp nhận về mặt chính trị” (the United States would not win the war “within a period or with force levels politically acceptable to the American people”). Ông cũng tính sai khả năng chịu đựng (breaking point) của Bắc Việt. 

Bốn là, mục đích của Kissinger là rút quân an toàn và duy trì tính khả tín của Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Người ta chê Kissinger nói dối và lừa đảo khi thi hành chính sách ngoại giao bí mật (secret diplomacy). Nhưng nếu không điều đình bí mật để tránh phản ứng tức thời của quần chúng và đối lập thì làm sao “mở cửa” được Trung Quốc với Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972? 

“Hiện thực luận” của Kissinger 

Kissinger còn bị chỉ trích vì chủ trương chính trị thực tiễn (realpolitik), chỉ để ý đến quần bình quyền lực giữa các đại cường mà không quan tâm đến những giá trị dân chủ/nhân quyền, nền tảng của xã hội Mỹ. 

Ông đặc biệt bị chỉ trích về việc làm ngơ và về hùa với Pakistan trong cuộc “diệt chủng” (genocide) người theo Ấn Độ giáo ở Đông Pakistan (East Pakistan) trước khi nước này tách ra thành Bangladesh năm 1971. 

Trước kia cũng có việc “diệt chủng” người Tàu ở Indonesia năm 1965, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương năm 2017, nhưng Mỹ không có khả năng áp lực hữu hiệu chính quyền Indonesia và Trung Quốc, vì họ không phải là đồng minh phụ thuộc vào sư trợ giúp của Mỹ. Pakistan khi đó cũng vậy. Mỹ không có công cụ hữu hiệu để tác động đến chính sách của nước này.

So sánh như vậy để thấy vào thời đại của mình, Kissinger không hẳn có đủ công cụ để có thể tác động thành công đến chính sách của những nước không phải là đồng minh của Mỹ. 

Henry Kissinger và chính sách về vũ khí nguyên tử 

Khó có thể phủ nhận vai trò làm thay đổi bộ mặt thế giới có lợi cho Mỹ của Kissinger, khi mà, cùng với Nixon, ông tạo ra thế tam phân thiên hạ (Nga Xô – Trung Quốc – Hoa Kỳ) và hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử chiến lược (SALT). Hai thành tích này giữ được hòa bình và ổn định thế giới trước hiểm họa chiến tranh tận diệt trong một thời gian khá dài. 

Thập niên 1960’s khi tôi theo học cao học ngoại giao ở trường Đại học Virginia, giáo sư bắt đọc “Nuclear Weapons and Foreign Policy” của Kissinger xuất bản năm 1957, cuốn sách làm ông nổi danh và, nhu đời ông, cũng gây nhiều tranh cãi. Cuốn sách này nói về khả năng dùng vũ khi nguyên tư chiến thuật (tactical nuclear weapons) để đối phó vơi ưu thế quân sự của khối liên minh Warsaw so với sức mạnh quy ước của NATO (gấp 2 về quân số và gâp 7 về lượng chiến xa), đồng thời để làm các đồng minh châu Âu, nhất là Pháp, an tâm tin tưởng vào cái dù nguyên tử (nuclear umbrella) của Mỹ trước sự đe dọa của Nga Xô.

Những cuốn sách như “Nuclear Weapons and Foreign Policy” (1957) của Henry Kissinger, “On Thermonuclear War”” (1960) và Thinking about the Unthinkable” (1962) của Herman Khan, cùng với tiểu thuyết giả tưởng “Fail Safe” của Eugene Burdick và Harvey Wheeler (1962) giúp cho cả thê hệ sinh viên chúng tôi bước vào tiên trình tìm hiểu về các loại vũ khi nguyên tử, hiểm họa và cách sử dụng nó, về thế cân bằng nguyên tử khủng khiếp (balance of terror) giữa các siêu cường, về các điều kiện của chiến lược răn đe (deterrence) nhằm tránh “chiến tranh tận diệt” (mutual suicide) với những khái niệm liên hệ, như khả năng (capability), quyết tâm (determination/will), mức khá tín (credibility), khả năng sống sót (survivability), v.v…

 

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ