Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn (phần 4)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi

Tháng 7 năm 2010

Loạt bài về vai trò của think tanks trong quy trình xây dựng chính sách được đăng lần đầu trên tạp chí Tuần Việt Nam vào tháng 7 năm 2010. 

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn 

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

III. Vai trò của think tanks

  1. Tiên phong trong cuộc đua trí tuệ giữa các dân tộc

Ngày nay, lực lượng tư duy chiến lược của các quốc gia nằm ở vị trí then chốt trong cuộc tranh đua trí tuệ giữa các dân tộc. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của Việt Nam hôm nay, xây dựng được một lực lượng tư duy chiến lược hùng mạnh là điều kiện tiền đề về mặt cơ cấu và tổ chức xã hội để Việt Nam thay đổi số phận.

Lịch sử tranh sống để sinh tồn giữa các dân tộc, xét đến cùng, là đua tranh về trí tuệ. Và cuộc đấu trí giữa các quốc gia cũng đồng thời là cuộc đấu trí giữa lực lượng tư duy chiến lược của họ.

Điều này không chỉ đúng trong thời đại “kinh tế tri thức” mà còn đúng trong các thời đại trước đây. Một ví dụ tiêu biểu là “Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu” của Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Theo giáo sự Kobayashi Hideo, Đại học Waseda, khi được thành lập năm 1907, nhiệm vụ của think tank này là hoạch định kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt ở Mãn Châu và Hoa Bắc, trên cơ sở đặt dự án này trong nghiên cứu chiến lược toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội, dân tộc học, các vấn đề tổng hợp Nga – Trung Quốc [1]

So sánh với dự án “đường sắt cao tốc” của Việt Nam năm 2010, xét ở tính khoa học – dân chủ – trí tuệ trong cấu trúc của tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định, Việt Nam vẫn chưa trưởng thành bằng Nhật Bản hơn 100 năm trước.

Đến giai đoạn Nhật tấn công quân sự ra toàn bộ Trung Quốc và Đông Nam Á, think tank nói trên đã phát triển đến quy mô hơn 2.000 chuyên gia. Vẫn giữ lại cái tên là “Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu”, think tank này đã đóng vai trò là “bộ não” của Nhật Bản, nghiên cứu toàn diện từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á, chuẩn bị nền tảng khoa học cho các các chiến lược kinh tế, quân sự và chính trị của Nhật Bản giai đoạn này đối với Liên Xô và Châu Á. Những chính sách này, ngày nay ai cũng biết, đem lại nguồn lợi vô cùng lớn cho Nhật Bản và tai họa khủng khiếp cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đương thời, cả Châu Á không có một lực lượng trí thức nào đủ tầm vóc trí tuệ và quy mô tổ chức để có thể đối địch với think tank này của Nhật Bản. Bước chân của Nhật chỉ bị chặn lại khi giới quân sự của họ bỏ quên tư duy chiến lược của các chuyên gia, ngông cuồng tấn công Trân Châu cảng của Mỹ.

Think tanks, như trên đã nói, không phải là điều xa lạ đối với văn hóa Trung Quốc. Trong cách tư duy của họ, vì lực lượng tư duy chiến lược có vai trò then chốt quyết định sự thành bại, tồn vong của các quốc gia trong cuộc đua tranh trí tuệ, cho nên, triệt tiêu lực lượng tư duy chiến lược của đối phương là một trong những chiến lược chủ chốt và xuyên suốt.

Cơ đồ nước Sở của Hạng Vũ bắt đầu sụp đổ khi Lưu Bang lừa cho Hạng Vũ đuổi nhà tư duy chiến lược thiên tài của mình là Phạm Tăng. Cục diện của trận chiến Xích Bích bắt đầu ngã ngũ khi phía Thục – Ngô bày mưu cho nhà tư duy chiến lược giỏi nhất phía Tào Tháo là Từ Thứ lui về hậu tuyến. Có thể tìm thấy vô số những câu chuyện như vậy trong lịch sử tư duy của Trung Quốc.

Loại tư duy này không hề có trong lịch sử tư duy Châu Âu. Phương thức tiến hành chiến tranh nổi bật của Phương Tây là dàn trận và triển khai tối đa sức mạnh của binh lực. Ở Trung Quốc, loại tư duy nổi bật là “tướng giỏi là tướng không đánh mà thắng”. “Không đánh” không có nghĩa là không động binh, mà là làm cho đối phương tan rã và sụp đổ trước khi ra đòn quyết định cuối cùng. Trong loại tư duy này, chiến trường không chỉ là một đại dương, một thảo nguyên để hai bên dàn trận. Trong đầu óc của Câu Tiễn, chiếc giường mà nàng Tây Thi ngủ với Ngô Phù Sai cũng là một phần chiến trường.

Trong chiến tranh Châu Âu, phân định thắng bại rất nhanh chóng. Bởi cuộc chiến kết thúc sau khi người lính cuối cùng gục ngã. Trong tư duy Trung Quốc, ngay cả khi đã thâu tóm được đối phương, việc kiểm soát sao cho nó không thể phục hồi vẫn luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thành ra, cuộc sống là một “cuộc chiến” vĩnh viễn.

Đối đầu với loại tư duy này là điều không đơn giản. Người ta buộc phải bắt kịp mọi diễn biến trong tư duy của họ. Những quốc gia không có lực lượng tư duy chiến lược, hoặc có nhưng què quặt, khó có thể là đối thủ của Trung Quốc.

Vấn đề biển đảo hiện nay là một ví dụ. Nó không đơn giản là một vụ “lình xình” ngắn hạn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phương hướng giải quyết chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng nếu đặt vấn đề ấy trong bối cảnh cuộc tranh sống để sinh tồn của Việt Nam trước người khổng lồ. Bản chất của tranh chấp Biển Đông là cuộc so tài về phương thức tư duy, về giáo dục và văn hóa, về khoa học kỹ thuật, về khả năng sáng tạo, về cách cách tổ chức đời sống xã hội, về quan hệ quốc tế, về… mọi mặt.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã có nhiều think tanks, cả “chính phủ” lẫn “phi chính phủ”, chuyên trách về vấn đề Biển Đông, cho nên nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á hải đảo chỉ có các chính trị gia ngồi lại với nhau “bàn mưu tính kế” thì Việt Nam không thể là đối thủ của họ, ngay từ trong khâu chiến lược.

Chiến lược “không đánh mà thắng” của Trung Quốc dựa trên một phương thức tư duy chiến lược đặc biệt, “tư duy cờ vây”.

Nguyên tắc thời gian trong chơi cờ vây là không quan tâm đến thời điểm thắng, chỉ cần biết sẽ thắng. Áp dụng nguyên lý cờ vây vào đời sống thực tại, họ nhìn quả địa cầu này như một bàn cờ vây vĩnh viễn. Người chơi cờ vây phải có một năng lực tư duy toàn cục rất cao để có thể tính trước được xu thế vận động của nhiều nhóm quân cùng một lúc, không chỉ nhóm quân của mình của cả nhóm quân của đối phương, nhằm bành trướng diện tích trên bàn cờ.

Được rèn luyện trí tuệ bằng tư duy cờ vây, người Trung Quốc là bậc thầy của khả năng đưa quân cờ của mình tiến vào cấu trúc của đối phương để thay đổi từng yếu tố trong cấu trúc đó, dần dần tiến tới phá vỡ toàn bộ cấu trúc. Họ là bậc thầy trong việc hoạch định những nước cờ “tầm thường” để di chuyển những quân cờ “tầm thường” đến những vị trí “tầm thường” – “tầm thường” trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ trở thành một quả đấm thép trong một cục diện mới. [2]

Ở Việt Nam gần đây, việc giải thể Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Trung tâm nghiên cứu Saigon Times (STR), Viện Nghiên cứu và Phát triển (IDS), là những điều đáng tiếc. Đối thủ duy nhất của tư duy cờ vây là chính nó. Ngày nay, để hiện thực hóa phương thức tư duy ấy, thì một cá nhân không thể làm được. Nếu người “đồng chí” khổng lồ của Việt Nam đã có trên 700 think tanks, có tài liệu của Trung Quốc nói là trên 2000 think tanks, cả ở cấp nhà nước lẫn tư nhân, lại có một truyền thống tư duy chiến lược đặc biệt, thì Việt Nam để có thể tìm được một “cửa sinh” giữa muôn vàn “cửa tử” của thế giới này, cần ít nhất 1/10 số đó.

Chú thích

[1] 小林英夫、「満鉄調査部 – 元祖のシンクタンクの誕生と崩壊」、東京印書館、2005

(Kobayashi Hideo, “Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu – sự hình thành và tiêu vong của ông tổ think tank Nhật Bản””, Tokyo Inshokan, 2005)

[2] Tư duy này càng nổi bật trong lịch sử thôn tính và đồng hóa các dân tộc trước đây và trong quan hệ quốc tế ngày nay của họ. Mặt khác, tư duy này cũng có phần tiêu cực rất lớn. Nó biến xã hội Trung Quốc thành một bàn cờ vây, làm cho người chơi cờ cũng tha hóa thành một quân cờ trên bàn cờ. Nó mang bản chất của một Vạn Lý Trường Thành trong tư duy, chắn ngang con đường đi tới Tự do của con người.

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ