Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn (phần 2)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi

Tháng 7 năm 2010

Loạt bài về vai trò của think tanks trong quy trình xây dựng chính sách được đăng lần đầu trên tạp chí Tuần Việt Nam vào tháng 7 năm 2010. 

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn 

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

II. Bản chất của think tanks

3. Think tanks như một giai tầng xã hội  

Ngày nay, thế giới có thể biết đến tên tuổi của khoảng 5.500 think tanks ở khoảng 170 quốc gia.

Về tài chính, có những think tanks được tài trợ ngân quỹ lên đến nhiều chục triệu USD, có Nhóm chỉ vận hành theo tinh thần tình nguyện của các thành viên. Về tầm vóc, có think tanks nghiên cứu những vấn đề vĩ mô ở phạm vi toàn cầu, có Nhóm chỉ quan tâm đến tầm khu vực, có Nhóm chỉ nghiên cứu những vấn đề của nước mình, hoặc nhỏ hơn nữa, phục vụ cho những mục tiêu giới hạn của một doanh nghiệp, một trường đại học, hay một Nhóm xã hội.

Về đối tượng nghiên cứu, có những think tanks chú tâm vào nghiên cứu chính sách, hỗ trợ cho quá trình làm luật và ban hành quyết sách, như Rand Corporation của Mỹ (là nhóm dân sự, nhưng có tài trợ từ chính phủ, từng thu hút sự cộng tác của hàng chục nhà khoa học đạt giải Nobel), hay Nhóm dân sự Overseas Development Institute (ODI) của Anh, chuyên về chính sách nhân đạo và phát triển quốc tế.

Hoặc, có các think tanks thiên về phục vụ cho các đảng phái chính trị, hoạch định các hướng đi chiến lược, tạo môi trường sinh hoạt tri thức cho cả các lãnh đạo chính trị lão luyện lẫn những tài năng chính trị kế cận. Ví như Heritage Foundation của Mỹ. Một trường hợp tương tự Heritage Foundation của Mỹ là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nơi mà ngày nay, các Ủy viên Bộ chính trị của nước này thỉnh thoảng đến ngồi nhiều ngày, vừa uống trà vừa lắng nghe các học giả tranh luận, cũng là nơi đẻ ra những “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”“xí nghiệp hương trấn” thời Giang Trạch Dân hay “xã hội hài hòa” thời Hồ Cẩm Đào.

Và, đặc biệt là các think tanks độc lập với các đảng phái, chuyên về nghiên cứu những chương trình hành động, đề xuất những sáng kiến, làm cơ sở cho các chương trình nghị sự ở tầm toàn cầu của quốc gia. Lực lượng tư duy chiến lược của thế giới thường nhìn họ như là những “ngôi sao” trong giới của mình. Chẳng hạn, Broookings Institute của Mỹ hay Royal Institute of International Affairs của Anh. Đặc biệt có thể kể đến Council Foreign Relations của Mỹ. Trong lịch sử, đây là think tank đã hoạch định sách lược của nước Mỹ khi đối phó với thế chiến thứ 2, nghiên cứu các sách lược làm nền tảng cho Kế hoạch Marshall và xây dựng NATO sau đó.

Think tanks không phải là sở hữu riêng của các chính khách. Think tanks là hiện tượng phổ biến của “xã hội công dân”. Trong những xã hội có một nền văn hóa dân chủ phát triển cao, các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ không thể triệt hạ các Nhóm yếu hơn bằng những trò đê hạ. Tất cả phải dùng đến tư duy chiến lược, thông qua những nghiên cứu chiến lược trên tinh thần khoa học, đối thoại với nhau bằng tinh thần duy lý theo nguyên tắc “tất cả cùng thắng”.

Trong môi trường kinh tế, các think tanks, từ chỗ chỉ tồn tại như là bộ phận hoạch định chính sách trong một công ty, phát triển thành một lực lượng kinh tế độc lập, ở dạng thức các công ty tư vấn, tư vấn trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ tài chính đến kỹ thuật. Cái mà họ bán ra là ý tưởng. Ở Mỹ, riêng thung lũng Silicon có 47 think tanks về Khoa học công nghệ, thu nhập hàng năm hơn nửa tỷ USD [1].

Những think tanks trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ở bộ phận tiên phong của thế giới, đã đưa các nước này vượt qua giai đoạn mà những phát minh công nghệ xuất hiện như là những ngẫu nhiên trong dòng chảy lịch sử, đi đến giai đoạn có thể kiến thiết những “thời đại mới” trong công nghệ, chủ động như thực hiện một dự án.

Ở Nhật Bản, do “văn hóa hiệp hội” phát triển cao, các think tanks thường tập trung lại với nhau thành các Hiệp hội. Chẳng hạn, Hiệp hội “Chihou Thinkutanku Kyougikai” (Hiệp hội các Think tanks Địa phương), quy tụ 4 Nhóm vùng Hokkaido, 9 Nhóm vùng Tohoku và Kanto, 6 Nhóm vùng Hokuriku, 17 Nhóm vùng Chubu, 31 Nhóm vùng thủ đô, 12 Nhóm vùng Chugoku, 11 Nhóm vùng Kyusiu, hoặc một Hiệp hội lớn khác là “Nihon Thinkutanku Kyoukai” (Hiệp hội các Think tanks Nhật Bản), quy tụ 10 Nhóm doanh nghiệp và dân sự.

Tóm lại, do được tách ra thành một lực lượng chuyên nghiệp, đóng vai trò là bộ phận thiết kế một tiến trình hành động cụ thể cho tổ chức, là cái đầu “tư duy thay” cho bộ phận chỉ huy trong bộ máy, các think tanks là hình thức tồn tại của một giai tầng xã hội riêng biệt, tầng lớp tư duy chiến lược trong xã hội hiện đại.

Ở Trung Quốc, năm 2009, vừa ra đời một think tank mới, nửa dân sự nửa nhà nước, nhưng đã được thế giới chú ý, China Center for International Economic Exchanges (CCIEE),[2] bởi nó quy tụ những tên tuổi lớn, như Zeng Peiyan, nguyên Phó Thủ tướng, Liu Zunyi, Hiệu trưởng của Chinese University of Hong Kong, Chen Yuan, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Qian Yingyi, Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa…

Ngay sau khi thành lập, CCIEE đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Think tanks toàn cầu (Globle Think tank Summit) vào 7/2009. Hội nghị này, cho thấy ba điều sau.

  • Một là, Chính phủ Trung Quốc hôm nay đối đãi các Think tanks của đất nước mình không kém gì Trần Hưng Đạo của Việt Nam đối đãi các tỳ tướng 700 năm trước.
  • Hai là, các Think tanks hàng đầu Trung Quốc đang muốn tìm kiếm vai trò toàn cầu.
  • Và cuối cùng, quan trọng nhất, cho thấy vị trí quan trọng của lực lượng tư duy chiến lược trong đời sống hiện đại của nhân loại.

Ở Trung Quốc ngày nay, thời đại của những quân sư phe phẩy quạt mo như Gia Cát Lượng đã chấm dứt, mà là thời đại của các think tanks. Về số lượng, họ đã phát triển đến trên 2000 nhóm, nhiều nhất thế giới, thuộc đủ các thành phần, dân sự, nhà nước, đại học, doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý là, các think tanks ở Trung Quốc có một sự “phân công lao động” tự nhiên khá bài bản. Các Nhóm của Chính phủ thì nghiên cứu những ý tưởng lớn, thiết kế những chương trình hành động ở tầm vĩ mô cho trung ương, các Nhóm dân sự thì chủ yếu thiết kế chiến lược hành động cho các doanh nghiệp và đại học, đồng thời kết nối môi trường “xã hội công dân” sơ khai [3] với chính quyền. [4]

Think tanks hoàn toàn không phải là điều xa lạ ở Trung Quốc. Hiện tượng xã hội này đã có từ thời cổ đại. Tuy vậy, trong lịch sử, ở Trung Quốc, sự ra đời và biến mất của một Nhóm tư duy chiến lược nào đó, thường có tính ngẫu nhiên, phụ thuộc vào khả năng và sở thích của người lãnh đạo, do đó, “bại – thành, được – mất” theo nhau hoán đổi liên tục. Ngày nay, một khi lực lượng tư duy chiến lược đã phát triển thành một giai tầng xã hội, trở thành bộ phận bất khả khuyết trong quá trình ra quyết sách, thì thành phần xã hội này sẽ được duy trì trong mọi hoàn cảnh. Đất nước càng khủng hoảng, càng được trọng dụng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, các think tanks cũng mang tính toàn cầu hóa, không chỉ trong tư duy mà cả trong hành động. Các cuộc hợp tác quốc tế được phát triển, hình thành những think tanks liên quốc gia, và các vấn đề chung của nhân loại cũng trở thành đối tượng chung, từ hiện tượng biến đổi khí hậu đến đại dịch AIDS, từ chống đói nghèo đến chống khủng bố.

Chú thích

[1] Nonprofits are true powerbrokers

[2] Website của CCIEE

[3] Xã hội công dân, tức “Civil Society”, ở Việt Nam gần đây thường dịch là “xã hội dân sự”.

[4] Xem: China’s Think Tank Proliferate

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ