Nguyễn Lương Hải Khôi
Tháng 7 năm 2010
Loạt bài về vai trò của think tanks trong quy trình xây dựng chính sách được đăng lần đầu trên tạp chí Tuần Việt Nam vào tháng 7 năm 2010.
Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn
Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6
Think tanks trong cấu trúc mới của tiến trình ra quyết sách
Để tiến hóa từ một quốc gia “hạng ba” lên quốc gia “hạng nhất”, cấu trúc quá trình xây dựng chính sách của Việt Nam phải tiến hóa trước. Trong cấu trúc này, xây dựng lực lượng tư duy chiến lược, thông qua chính sách khoa học và dân chủ để xây dựng các think tanks, là điều đầu tiên phải làm.
Kenichi Ohno đề xuất cho Việt Nam một quy trình soạn thảo chính sách, theo đó, Thủ tướng sở hữu trực tiếp một (hoặc nhiều) “Nhóm kỹ trị”. (Các) Nhóm này toàn quyền nghiên cứu chiến lược, hoạch định chính sách, Thủ tướng là người ra quyết định cuối cùng và là người tổ chức tiến trình hành động thông qua bộ máy (là các Bộ, Ngành…) [1]
Trong tình thế lực lượng hoạch định chính sách ở các Bộ đã trở nên hoạt động phân tán và thiếu chuyên nghiệp trong tư duy chiến lược, Chính phủ có thể tham khảo cách tổ chức của Nhật Bản, thành lập “Bộ hoạch định sách lược”, đảm nhiệm chuyên trách chức năng xây dựng chính sách, thông qua việc tập hợp các chuyên gia đa lĩnh vực và kết nối mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng chính sách cho từng lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam, để đủ khả năng thẩm định các chính sách mà Chính phủ trình lên, thì cần thành lập một cơ quan nghiên cứu chính sách chuyên nghiệp, được đầu tư phương tiện nghiên cứu đầy đủ, trong đó dĩ nhiên không thể thiếu “Thư viện Quốc hội”, một cơ quan mà hầu hết Quốc hội ở các nước tiên tiến đều có.
Quốc hội Việt Nam phải đạt đến trình độ mà mỗi Đại biểu Quốc hội, hoặc một nhóm Đại biểu, nhất là những đại biểu chuyên trách, sở hữu think tank của riêng mình. Cách tổ chức này giúp Đại biểu Quốc hội, một mặt, có thể sử dụng sức mạnh tri thức của xã hội để tự mình tiến hành nghiên cứu, phát hiện, lý giải các vấn đề quốc tế, kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội, văn hóa…, phục vụ cho sứ mệnh kiểm tra, thẩm định, giám sát hoạt động của Nhà nước, và mặt khác, không chỉ chờ Chính phủ đề xuất chính sách luật, mà còn có thể tự mình xây dựng, đề xuất và bảo vệ tính khoa học của nó trước Quốc hội để được Quốc hội thông qua, nhằm trở thành luật để quốc gia thực thi.
Việc các Nghị sĩ Quốc hội có thể tự mình tổ chức điều tra xã hội học và nghiên cứu chính sách, từ lâu, đã là điều bình thường ở các nước tiền tiến. Trí tuệ là Quyền lực. Điều này không chỉ đến thời đại ngày nay mới đúng. Và để thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội Việt Nam cũng phải được tái cấu trúc sao cho “Trí tuệ” (tức “Quyền lực”) được triển khai đến mức tối đa trong cấu trúc vận hành của mình. Nếu bắt đầu bằng việc xây dựng và sử dụng think tank(s) thì đạt đến trình độ này không phải là điều quá khó khăn.
Phát triển đến trình độ tích hợp “Trí tuệ” và “Quyền lực” ngay trong cách thức tổ chức, là bước phát triển có tính khách quan của Quốc hội Việt Nam. Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh, bằng những điều tra nghiên cứu của riêng mình, đã phản biện những con số trong báo cáo của Chính phủ về thực trạng các địa phương cho thuê rừng đầu nguồn ở những vị trí xung yếu về mặt quân sự, hoặc, Đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đã tự tổ chức hội thảo khoa học, ngày 23/6/2010, với chủ đề đi tìm mô hình phát triển của kinh tế Việt Nam, quy tụ được nhiều chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước. Như vậy, Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những yếu tố phản ánh cái mới tất yếu này. Đó là những nền tảng đầu tiên để Quốc hội tái cấu trúc một cách “đột biến” để “tiến hóa”, để Việt Nam có thể thích ứng với thời đại mới, thời đại của Tri thức và Minh triết.
Chừng nào chưa tổ chức được lực lượng con người và vật chất như trên, chừng đó thì các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ vẫn còn phải “than vãn” là thiếu thông tin để nghiên cứu, phản biện, mỗi khi Chính phủ trình chính sách.
Tuy vậy, lời khuyên trên chỉ là lời khuyên cho cấp trung ương. Trong thời đại mà lực lượng tư duy chiến lược, ở hầu hết các nước lớn, đều đã phát triển thành một giai tầng xã hội, Việt Nam không thể sinh tồn nếu chỉ có một vài think tanks của nhà nước.
Việt Nam cần phải cho lùi vào dĩ vãng cái thời mà nhà lãnh đạo “gần dân”, “sâu sát với dân”, hoặc “đi sâu vào quần chúng” để “hiểu quần chúng”, chỉ đơn giản bằng cách thỉnh thoảng đến nhà những người nghèo tặng quà, lội xuống vũng sình khi thăm dân bị lũ…, mà là dựa trên nghiên cứu của những think tanks lấy quyền lợi nhân dân làm mục tiêu, chế ngự các “Nhóm lợi ích” (thực chất, cũng hoạt động như các think tanks), để hoạch định chính sách cho hợp lý.
Trong kỷ nguyên của văn minh dựa trên sáng tạo, xây dựng được hay không một văn hóa dân chủ như là nguyên tắc quan hệ giữa người với người, mở được hay không một chân trời tự do cho một lực lượng tư duy chiến lược tài năng, chính là cội nguồn của sự giàu và nghèo của các dân tộc trên địa cầu.
Để lực lượng tư duy chiến lược của Việt Nam phát triển thành một giai tầng xã hội, một quyết định hành chính không có tác dụng. Chính phủ có thể, trong một ngày, ký quyết định thành lập 2.000 think tanks. Nhưng phát triển về số lượng thì vẫn chỉ là bắt chước cái vẻ bề ngoài của tính hiện đại. Cái quan trọng là chất lượng. Và vì thế, cần một chiến lược, chiến lược này cần được cụ thể hóa ở luật pháp.
Việt Nam khó có thể nhanh chóng xây dựng được một lực lượng tư duy chiến lược hùng mạnh trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, con người của tư duy chiến lược không phải có thể đào tạo qua trường lớp, sách vở. Họ cần được Chính phủ trọng dụng, cần một môi trường tôn trọng văn hóa dân chủ để trưởng thành. Văn hóa dân chủ là huyết mạch, là hồng cầu giữ gìn sự sống nơi những neuron thần kinh của bộ não một dân tộc, là hệ động lực để những con người tư duy chiến lược của đất nước có thể phát triển thành một giai tầng xã hội.
Lực lượng tư duy chiến lược, như cách người Trung Quốc hôm nay dùng từ “Trí khố” để dịch từ “Think tank”, chính là “kho tàng tài nguyên trí tuệ của quốc gia”. Loại tài nguyên này khác tài nguyên tự nhiên ở chỗ, nó không phải là cái có sẵn để khai thác mà là cái phải được tạo ra, và mặt khác, càng khai thác thì nó càng không mất đi mà lại càng thêm giàu có. Quốc hội và Chính phủ cần (ít nhất) một think tank để nghiên cứu lộ trình sinh thành tầng lớp tư duy chiến lược cho Dân tộc một cách cụ thể.
Chú thích
[1] Xin xem: “VN có quy trình làm chính sách có một không hai“,