Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn (phần 5)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi

Tháng 7 năm 2010

Loạt bài về vai trò của think tanks trong quy trình xây dựng chính sách được đăng lần đầu trên tạp chí Tuần Việt Nam vào tháng 7 năm 2010. 

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn 

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

Xây dựng các think tank(s): nhu cầu bức thiết của Việt Nam

  1. Một khiếm khuyết trong cấu trúc quá trình xây dựng chính sách

Xét về mặt tổ chức quá trình ra quyết sách, nguyên nhân đầu tiên khiến Việt Nam khủng hoảng trong việc hoạch định chính sách trước hết là sự vắng bóng lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp của Dân tộc.

Ở một số nước phát triển, chính trị trên đỉnh chóp lúc nào cũng náo loạn và căng thẳng, như trong trường hợp Nhật Bản, thường khoảng một năm thì thay một thủ tướng. Thế nhưng, chính sách của họ thì luôn minh bạch, khoa học và nhất quán. Đó là nhờ lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp và đội ngũ quản lý kỹ trị của chính phủ làm việc độc lập với các động hướng chính trị trên đỉnh chóp.

Việt Nam có một “lợi thế” là chính trị trên đỉnh chóp thì “ổn định”, nhưng do thiếu các think tanks chuyên trách và được đãi ngộ xứng đáng, nên chất lượng chính sách không cao, thường thiếu nhất quán, dễ gây tâm lý bất an cho xã hội, đặc biệt là ở những lĩnh vực liên quan đến đông đảo nhân dân.

Ở các nước phát triển nói trên, trong cấu trúc của tiến trình xây dựng chính sách, những thành tố sau là không thể thiếu:

  • Lực lượng nghiên cứu chính sách chuyên nghiệp (think tanks) của chính phủ
  • Các think tanks của xã hội dân sự (bao gồm các cơ sở nghiên cứu phi chính phủ và các Nhóm lợi ích)
  • Các think tanks địa phương

Trong cấu trúc của quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam hiện nay, lực lượng tư duy chiến lược quá ít. Theo tiêu chí và đánh giá của J.G. McGann, chủ nhiệm trương trình nghiên cứu “Các think tanks và những xã hội công dân”, Đại học Pennsylvania, Việt Nam hiện nay chỉ có 9 think tanks [1].

Mặt khác, lực lượng tư duy chiến lược của Việt Nam không chỉ quá ít, mà còn có một vị trí quá mờ nhạt trong quá trình hoạch định chính sách, nhất là những chính sách lớn. Họ tồn tại như một đồ trang sức. Một số người trong số họ thường lên tiếng phản biện chính sách, nhưng trong tình trạng “sự đã rồi”.

Bản thân các nhà lãnh đạo ở hàng chính khách của đất nước dường như đang đảm nhiệm rất nhiều chức năng một lúc: vừa tư duy chiến lược, vừa tổ chức hành động để thực thi chiến lược đó, vừa phải đảm nhiệm một số công việc hành chính then chốt của người quản lý.

Còn ở hàng chuyên gia, về mặt đãi ngộ, các chuyên gia tại các Bộ, Ngành trung ương đang được đối đãi theo cách này:

“Một thứ trưởng xin giấu tên kể rằng, ông chỉ được cấp 7 triệu đồng để soạn thảo và lấy ý kiến cho một thông tư, 15 triệu đồng cho một nghị định (…). Trong khi đó, một số chuyên viên chính có trình độ cao có thể giúp ông soạn thảo những văn bản quan trọng đó lại hưởng lương tháng vỏn vẹn có 2 triệu đồng/tháng, khó mà nuôi thân chứ đừng nói đến gia đình. Một số người đã có ý định ra đi. Để giữ lại những nhân viên này, ông thứ trưởng đã phải dựa vào mối quan hệ riêng để xin việc cho vợ của những chuyên viên đó. Ông nói: “Cho nên đừng trách những chính sách của chúng tôi, nếu có gì chưa đúng” [2]

Không chỉ về mặt đãi ngộ mà cả về mặt tính chuyên nghiệp của lực lượng hoạch định quyết sách cũng có bất cập.

Một mặt, họ cũng phải đảm nhiệm chức năng của “những con người tư duy”: tư duy chiến lược, soạn thảo chính sách, nghiên cứu khoa học, tham mưu cho lãnh đạo, nhưng mặt khác, vẫn là một khâu mắt trong chuỗi hành chính, họ phải thực hiện chức năng vận hành các thủ tục trong công việc bình thường của các Bộ.

Đó là chưa kể đến mức đãi ngộ què quặt như trên, họ không thể không “làm thêm bên ngoài” để hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Họ gần như bỏ rơi quản lý chiến lược, sa vào quản lý từng dự án cụ thể.

Khi viết các dự án chiến lược, họ gần như chỉ biết đến Bộ của mình mà không tham vấn ý kiến của các Nhóm xã hội có liên quan (và mặt khác, các Nhóm xã hội này cũng đang gặp vấn đềm cần được cấu trúc lại), không tham vấn ý kiến của Bộ, ngành khác, không tham vấn ý kiến từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đó là lí do Việt Nam bị lâm vào khủng hoảng ở khâu hoạch định chính sách, khâu mắt cốt tử. Ở hầu hết những chiến lược quan trọng của Việt Nam, như chiến lược biển, chiến lược công nghiệp, chiến lược giáo dục…, chúng ta có thể thấy, Việt Nam chưa thoát khỏi tư duy kế hoạch, tư duy trên cở sở những chỉ tiêu thay vì những mục tiêu, loại tư duy gắn liền với bản chất của thể chế xã hội chủ nghĩa, một trong những nguyên nhân làm hệ thống ấy sụp đổ.

Nói đến tính cấp thiết của việc tái cấu trúc tiến trình ra quyết sách ở Việt Nam, GS. Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam, phát biểu:

“Việt Nam có quá nhiều chiến lược ngành. Mỗi chiến lược chỉ do vài người làm, trong thời gian ngắn, với chất lượng không cao. Chính phủ lựa chọn ưu tiên và quyết định kế hoạch.

Ở bất kì chính sách nào, việc xây dựng đều quá phân tán, và có quá nhiều sự chồng lấn (…) và không một cơ quan nào chịu trách nhiệm chủ đạo” [3]

Để thấy hết hậu quả tất yếu của tất cả những điều trên, không sử dụng lực lượng nghiên cứu chiến lược chuyên nghiệp và không xây dựng lực lượng này, chỉ cần nhìn vào một vài “mẫu nghiên cứu” điển hình. Ví dụ tiêu biểu, Đề án 112, “Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005”. Đề án này làm Việt Nam tiêu tốn 1.159,6 tỷ đồng, nhưng kết quả duy nhất thu được là những người quản lý đề án phải vào tù.

Không có một think tank nào đảm nhiệm khâu đầu tiên, khâu nghiên cứu sách lược, cho nên, như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Trọng – nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, “những vấn đề của hệ thống lớn không được phân tích”, “triển khai một việc lớn mà không chuẩn bị kỹ về mọi mặt” [4].

Hệ quả là, người quản lý Đề án 112, đương thời là Chánh Văn phòng Chính phủ, xài tiền quốc gia không giống cách của một nước văn minh, mà giống kiểu xài tiền của những ông hoàng Ả Rập trong truyện “Nghìn lẻ một đêm” [5], còn cách tổ chức tiến trình ra quyết định của họ thì hơi giống… một hội kín [6]

Hãy thử thống kê lại từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có bao nhiêu cái 112 như vậy.

Một khi đã không xây dựng lực lượng tư duy chiến lược cho Dân tộc, thì hệ quả tất yếu là quá trình xây dựng chính sách bị lệ thuộc vào ngoại bang. Ví dụ tiêu biểu là chiến lược phát triển giao thông vận tải của Việt Nam.

Trong suốt 10 năm qua, kẻ xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam là JICA của Nhật, từ Vitranss 1 đến Vitranss 2. Và cũng chính JICA đề xuất cho Việt Nam vay ODA để xây dựng từng tiểu mục trong cái tổng thể chung ấy. Như vậy, họ kiểm soát từ A đến Z: không chỉ vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, mà cả tri thức, hiểu biết về thực tiễn của chính Việt Nam, từ kế hoạch tổng thể chung đến từng dự án cụ thể.

Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vào tờ giấy vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên.

Chức năng của JICA là thúc đẩy “hợp tác quốc tế”. Điều này là sự thật. Không ai phủ nhận những đóng góp hiển nhiên của JICA cho các nước đẳng cấp thấp, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ có vậy. Trong bài viết “ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?” [7], trên cơ sở trình bày nghiên cứu của chính các học giả Nhật Bản, người viết đã chỉ ra rằng, JICA đã đóng vai trò là đội quân tiên phong trong “binh pháp” ODA của Nhật Bản. JICA đề xuất các dự án là với mục đích cho vay. Vì vậy, tư duy dự án, nhắm đến mục đích “gắp từng món trên mâm”, là kiểu tư duy chủ đạo. Nếu họ có vạch ra cho ta một “hệ thống” thì cái “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng.

Đồng bằng sông Hồng và Miền Tây Nam bộ là 2 vùng sông nước chằng chịt, rất nên khai thông sông ngòi và phát triển hệ thống giao thông thủy. Nhưng trong Vitranss 1 và 2, giao thông thủy gần như mờ nhạt. Không phải các chuyên gia của JICA không nhìn thấy điều này, mà vì các công ty xây dựng Nhật không có kinh nghiệm ở lĩnh vực giao thông thủy trong đồng bằng. Họ lẫy lừng thế giới ở lĩnh vực cầu đường và các dự án ODA cầu đường cứ nối nhau mọc lên.

Đây là một “mẫu nghiên cứu” điển hình để Việt Nam nhận thức chính xác thực trạng của chính mình. Ngay cả trong trường hợp JICA nghiên cứu một cách khoa học, đạt đến những kết quả nghiên cứu công tâm, thực sự vì lợi ích của “dân bản xứ”, thì điều này vẫn không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, điều này không gì khác hơn là sự cô lập và nô lệ về mặt trí tuệ của Việt Nam.

Việt Nam cần đến lực lượng think tanks của Dân tộc để tự chủ trong hoạch định chính sách. Các cơ quan tư vấn nước ngoài không thể được phép là kẻ trực tiếp tạo ra những quyết định của các nhà quản lý của Chính phủ, mà chỉ được phép tư vấn trực tiếp cho các Think tanks riêng của Việt Nam. “Thế trận” này sẽ giúp Việt Nam có thể giao lưu với dòng chảy tri thức tiên tiến của thế giới, có thể tự mình trưởng thành cùng quá trình hoạch định ấy, đồng thời vẫn giữ vững sự độc lập trong hoạch định chính sách. Và hơn nữa, trong tương lai, khi đã trưởng thành, các think tanks của Việt Nam phải trả ơn người đi trước bằng cách cống hiến những hiểu biết của riêng mình cho sự phát triển chung của nhân loại.

Không một dân tộc chậm tiến nào có thể hiện đại hóa thành công bằng “cái đầu” của kẻ khác mà không có “bộ não” của riêng mình.

Tự chủ trong trí tuệ là cơ sở để tự chủ trong kinh tế, và tự chủ trong kinh tế là nền tảng của độc lập chính trị, cho nên sự nô lệ trong trí tuệ phải được chấm dứt.

Chú thích

[1] Xem: James G. McGann, THE GLOBAL “GO-TO THINK TANKS”, The Leading Public Policy Research Organizations In The World, Think Tanks and Civil Societies Program, University of Pennsylvania, 2008, p. 15

[2] Tư Giang, Bất ổn vĩ mô và cơ hội tái cơ cấu (Bài gốc trên “Sài Gòn tiếp thị”, có thể đọc trên VN Economy, 26 tháng 3, 2010)

[3]. Xin xem: “Việt Nam có quy trình làm chính sách có một không hai“,

[4]  Xem: Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng

[5]  Xem: Những chiêu ‘xài tiền như nước’ của Đề án 112

[6] Xem: “Vua” thao túng trong Đề án 112

[7] Xem Nguyễn Lương Hải Khôi, “ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?

 

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ