Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn (phần 1)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi

Tháng 7 năm 2010

Loạt bài về vai trò của think tanks trong quy trình xây dựng chính sách được đăng lần đầu trên tạp chí Tuần Việt Nam vào tháng 7 năm 2010. 

Xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp để sinh tồn 

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng của chất lượng chính sách, đối mặt với nhiều thử thách lớn, trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng vẫn chưa thể định hình những chính sách có tính chiến lược một cách khoa học. Con đường để thoát hiểm phải bắt đầu bằng việc tái cấu trúc tiến trình xây dựng sách lược, trong đó có việc xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp dưới hình thức các think tanks.

I. Think tank(s) là gì?

Khái niệm “think tank(s)” gần đây được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều cách: “(Các) Vựa tư tưởng”, “(Các) Tổ tư duy”, “(Các) Bồn tư duy”, “Túi khôn”, “Nhóm tư duy chiến lược”… Người Trung Quốc dịch là “Trí khố” (智库 – zhì kù). Người Nhật Bản thì dùng luôn từ “Think tank(s)” trong tiếng Anh, phiên âm sang chữ Katakana (シンクタンク). Trong bối cảnh chưa có khái niệm thống nhất trong tiếng Việt, bài viết này giữ nguyên từ “Think tank(s)”.

Nói một cách khái lược, think tank là một “vựa”, một “ổ”, “tổ”, “nhóm”, hay nói chung, là một tổ chức nghiên cứu chính sách, sách lược, lúc đầu vốn hình thành trong lĩnh vực quân sự, sau đó lan rộng sang các lĩnh vực khác, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế…

Ngày nay, phương thức kết hợp “lãnh đạo” với “trí tuệ” thông qua các think tanks là điều hiển nhiên của một nước có trình độ tổ chức cao. Thế giới đã bước sang giai đoạn mà trong cấu trúc của quá trình ra quyết sách (của Nhà nước, Đại học, Doanh nghiệp…), “Con người lãnh đạo”, “Con người thừa hành” và “Con người tư duy” đã được tách ra, như một hình thức phân công lao động chuyên biệt.

Think tanks là một góc tam giác cấu thành nên tam giác “chỉ huy – tư duy – hành động” của xã hội hiện đại.

II. Bản chất của think tanks

  1. Think tanks không phải là Viện hàn lâm

Xét về bản chất, do nằm ở vị trí có tính then chốt trong tiến trình ra quyết định của lãnh đạo, các think tanks khác các viện nghiên cứu hàn lâm.

Khả năng hàng đầu cần có của các think tanks là nghiên cứu để xây dựng các chiến lược làm cơ sở cho hành động. Con người của các think tanks trước hết là con người mà tư duy của họ đặt trong hành động, không phải là những người mưu cầu kiến thức hàn lâm để viết những chuyên khảo kiểu hàn lâm.

Tri thức hàn lâm có một khoảng cách rất xa với các chính sách, cho nên, nói như James G. McGann, các think tanks chuyên nghiệp là cây cầu kết nối giữa tri thức hàn lâm và chính sách [1]. Những cây cầu ấy, ở đầu cầu bên này thì kết nối với bến bờ của trí tuệ hàn lâm, và, ở đầu cầu bên kia thì kết nối với bến bờ của sách lược. Và đến lượt mình, nhà lãnh đạo trở thành một cây cầu kết nối “trí” và “trị”: đầu cầu bên này kết nối với trí tuệ của các think tank(s), và đầu cầu bên kia kết nối với quyền lực.

  1. Think tanks – yếu tố cơ sở trong cấu trúc tiến trình ra quyết sách

Ngày nay, khoa học về tư duy đã nhận ra rằng, thế giới thực chất là một mô hình có tính hỗn độn, vận động bằng những hệ động lực phi tuyến, thì tư duy của con người cũng phải tiến hóa để thích ứng, hình thành hệ hình tư duy phức hợp, có khả năng nắm bắt những quy luật phi quy luật như đường chạy của một bờ biển.

Các think tanks, trước thách thức của yêu cầu tiến hóa tư duy để thích ứng với thực tiễn như trên, trở nên hết sức cần thiết để không chỉ nghiên cứu để định hướng cho những quyết định có tính phản ứng nhanh của bộ phận chỉ huy, phát hiện các nguy cơ và phát kiến các đối sách ứng phó, giúp người lãnh đạo luôn nắm lấy thượng nguồn của dòng chảy vận động của thực tiễn, tránh dạng lãnh đạo “theo đuôi”, mà còn hơn thế nữa, phải tư duy theo hướng phát kiến những tiền đề của một trật tự mới nảy nở từ đáy sâu của trạng thái vô trật tự, tạo cơ hội để kiến thiết những sáng tạo để dòng chảy mới ấy vận hành.

Nghiên cứu chính sách bằng tư duy phân tích thuần túy đã gây ra vô số bất cập. Chúng ta phân tách cuộc sống với vô số những mối liên hệ tương hỗ và đa chiều thành từng mảng nhỏ – kinh tế, giáo dục, xã hội, văn hóa… – làm như thể những bộ phận “rời rạc” bị tư duy của chúng ta chia cắt này không có mối liên hệ trên thực tế.

Do đó, tư duy chiến lược có tính phức hợp, dựa trên cơ sở tri thức đa ngành, đã là một yêu cầu bức thiết trong tiến trình hoạch định chính sách. Và mặt khác, cùng với sự tích lũy tri thức khổng lồ của thời đại ngày nay, thời đại của những nhà chiến lược – bác học có thể tinh thông và xử lý vấn đề ở mọi lĩnh vực đã chấm dứt. Vì vậy, những think tanks tập hợp chuyên gia từ tất cả các lĩnh vực liên quan đến đến một chiến lược, một quyết sách, trở thành nhu cầu có tính tất yếu của các nước có trình độ tổ chức cao.

Một phần vì lý do này mà xã hội càng văn minh, quá trình ra quyết sách càng khó khăn. Ở những xã hội có nền văn hóa dân chủ phát triển cao, nói như Gs. Bernhard May, ở Free University of Berlin, quá trình ra quyết sách đích thực, nhất là với những quyết sách lớn, thì giống như một sự hỗn độn vì những cuộc thử thách. Bởi lẽ có nhiều giai tầng xã hội, nhiều chính trị gia quan trọng, những con người có ảnh hưởng lớn…, nói chung là, tất cả những ai cảm thấy mình có liên quan đến quyết sách, đều được quyền tham gia vào. Không ai bị loại bỏ tiếng nói vì bất cứ lý do gì. Tình trạng này thì rất khác với sự dễ dàng khi tiến hành một quyết định theo lề thói quan liêu trong một xã hội chưa trưởng thành. [2]

Trước thực tiễn đó, “con người chỉ huy” (các chính trị gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và đại học…) và “con người tư duy” (các nhóm tư duy chiến lược chuyên trách), trong quá trình ra quyết sách, buộc phải được chuyên môn hóa.

Hơn thế nữa, ngày nay, họ còn phát triển thành một tầng lớp xã hội đặc thù.

Chú thích

[1] Xem: James G. McGann, THE GLOBAL “GO-TO THINK TANKS”, The Leading Public Policy Research Organizations In The World, Think Tanks and Civil Societies Program, University of Pennsylvania, 2008

[2] Bernhard May, Think Tanks in ASEAN-EU Relations: European Perspective, Tạp chí Panorama, 1/2000. p. 40

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ