Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Virus corona đã phơi bày sự sụp đổ của lãnh đạo toàn cầu như thế nào?

Nguyễn Tiến Trung

Published on

Virus corona đã phơi bày sự sụp đổ của lãnh đạo toàn cầu như thế nào?
Đại dịch đòi hỏi phối hợp hành động. Không ai trả lời. 
Author: JAMES CRABTREE, National University of Singapore
15/4/2020
Translator: Nguyễn Tiến Trung

SINGAPORE — Cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình đối với Bruce Aylward vừa đau đớn vừa tiết lộ nhiều điều. Vào cuối tháng ba, Aylward, một nhà dịch tễ học người Canada và cũng là cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã được phóng viên Yvonne Tong của đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (Radio Television Hong Kong), hỏi liệu Đài Loan có tiếp tục bị từ chối quy chế thành viên của WHO hay không, do sự phản đối từ lâu nay từ Trung Quốc. Đầu tiên ông ta ngập ngừng, cho rằng mình không thể nghe rõ câu hỏi. Sau đó đường truyền của ông ta không hoạt động. Và rồi Aylward trở lại với cuộc gọi và từ chối trả lời.  
Đoạn phim đã lan truyền nhanh chóng, một phần vì sự lúng túng [của Aylward], nhưng cũng bởi vì nó đã minh họa cho một sự thật sâu sắc hơn — đó là rạn nứt địa chính trị, và cụ thể là mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đã làm tổn hại một cách tồi tệ những nỗ lực quốc tế để đối phó với đại dịch virus corona từ sớm. Và người ta bắt đầu nghi ngờ WHO, nhưng mối nghi ngờ không dừng lại ở đó.   
Giữa những ngón tay đổ lỗi chỉ trỏ qua lại giữa Bắc Kinh và Washington, ở phương Tây, nhiều người giờ đây tuyên bố rằng sự bùng nổ [dịch bệnh] đã vượt ngoài tầm kiểm soát bởi vì cơ quan y tế toàn cầu đã chấp nhận những lời trấn an từ Bắc Kinh về tầm nghiêm trọng của giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán. “@WHO là đồng phạm với kế hoạch che giấu rộng lớn dịch Covid-19 của Trung Quốc”, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton, đã nói như vậy trên Twitter gần đây. Như để nhấn mạnh tầm nghiêm trọng của sự đổ vỡ niềm tin, ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump đã hứng chịu chỉ trích từ khắp nơi vì thông báo kế hoạch chấm dứt hoàn toàn tài trợ của Hoa Kỳ cho WHO, tố cáo tổ chức này đã lan truyền “tin tức sai lạc” của Trung Quốc về đại dịch. 
Các quan chức Trung Quốc đã cố gắng để gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc của con virus, với việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) viết trên Twitter vào ngày 12/3 rằng “có thể là quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh này tới Vũ Hán,” dù sau đó ông đã rút lại một phần tuyên bố giống như thế. 
Các tố cáo qua lại như vậy chỉ là một phần nhỏ của các mối lo lắng lớn hơn về sự phản ứng chậm chạp từ các định chế quốc tế mà chúng được trông đợi là sẽ thúc đẩy cuộc phản công của thế giới [đối với dịch bệnh này], rõ ràng nhất là qua các nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm nhóm G20. 
Cách đây hơn một thập kỷ một chút, các lãnh đạo G20 đã tập trung tại London, cùng với những người đứng đầu các định chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng tồi tệ và trở thành một cuộc suy thoái toàn cầu. Bây giờ, đối diện với cái mà bà Kristalina Georgieva, giám đốc quản lý của IMF, miêu tả là cuộc khủng hoảng “tệ hơn nhiều” năm 2008, những định chế đó đã rất lúng túng. Và thay vì cùng soạn thảo ra một kế hoạch toàn cầu mới, Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã nhắm bắn lẫn nhau từ bên lề. 
“Theo bất kỳ quy chuẩn nào, cả về y tế công cộng và chính sách kinh tế, phản ứng toàn cầu đã chậm chạp và vô tổ chức một cách không thể chấp nhận được”, Kevin Rudd nói. Ông là Thủ tướng Úc trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã tham gia sâu vào [việc hoạch định] phản ứng quốc tế. Trong khi các chính phủ quốc gia đã đưa ra những giải pháp chưa từng có để làm chậm lại [tốc độ lây lan] dịch bệnh và chuẩn bị cho hậu quả kinh tế của nó, hành động quốc tế đã bị trì hoãn vì sự tranh cãi và tính lãnh đạo hạn chế. “Điều cốt lõi là vào năm 2008, chúng ta đã xây dựng được một cỗ máy để quản lý khủng hoảng. Nhưng ở đại dịch này, cho đến hiện tại, không ai đứng ra để lái cỗ máy này.

Kìm chế khủng hoảng

Tại một mức độ nào đó, phản ứng yếu ớt này rất dễ hiểu: Các lãnh đạo ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng giống như hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, đã chỉ bận tâm với việc quản lý khủng hoảng. Khi số người chết trên toàn cầu vượt qua 100,000, cá nhân các lãnh đạo đã vội vàng áp đặt phong tỏa, bảo vệ ngành y tế không bị quá tải và đưa ra các giải pháp tài khóa táo bạo để bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương. Một vài định chế quốc tế cũng đã hành động, với việc Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết sử dụng 160 tỷ đô-la vào năm tới, và các kế hoạch chi tiêu nhiều hơn nữa từ IMF, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và những cơ quan khác. 
Khi các lãnh đạo G20 họp từ xa vào cuối tháng ba, bản tuyên bố đã cam kết đưa năm nghìn tỷ đô-la vào kinh tế toàn cầu, gấp khoảng năm lần số tiền mà nhóm đã cam kết tại cuộc họp ở London năm 2009, dẫn đầu bởi Thủ tướng Anh lúc đó là Gordon Brown. “Năm nghìn tỷ đô-la là rất nhiều”, Bert Hofman, nguyên là người đứng đầu Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc và bây giờ là giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng “đó là kiểu cái lai quần cũng đánh, sẵn sàng đánh lại Coronavirus đến khô máu”
Tuy nhiên, với tất cả số tiền ấn tượng đó, thông báo từ các lãnh đạo G20 thật ra chỉ là các biện pháp đã được thông báo trước đó từ các chính phủ quốc gia. Trong một loạt các lĩnh vực khác đòi hỏi phải hành động toàn cầu, có rất ít thứ được đưa ra. Hạn chế du lịch quốc tế và thương mại tiếp tục được đưa ra mà không có phối hợp, chưa nói tới suy xét xem làm thế nào để các biện pháp đó cuối cùng sẽ được dỡ bỏ. Nỗ lực để gây quỹ cho việc tìm kiếm vắc-xin, dù rất khẩn cấp, chỉ là nhỏ giọt. Các quốc gia sản xuất dầu lớn đã đạt được thỏa thuận để cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng một ngày, có thể chấm dứt cuộc chiến tranh giá dầu đầy tổn hại giữa Saudi Arabia và Nga – mặc dù vẫn còn chưa rõ ràng liệu G20, vốn ủng hộ thỏa thuận này, sẽ có thể đảm bảo rằng nó sẽ được thực hiện. 
Mặt khác, chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương và các kế hoạch chi tiêu tài khóa khẩn cấp quốc gia đã được đưa ra độc lập lẫn nhau. Trong khi các biện pháp chính sách tiền tệ khổng lồ đã được công bố bởi Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác, có giới hạn rõ ràng cho tính hiệu quả của chúng trong một môi trường mà lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến lớn đã gần với không. 
Đối mặt với sự suy giảm chưa từng có trong thương mại quốc tế, mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng có thể giảm một phần ba vào năm tới, các lãnh đạo thế giới cũng đã thất bại trong việc đồng ý về các giới hạn của các biện pháp bảo hộ gây tổn hại trong những lĩnh vực như lương thực và thiết bị y tế, như là họ đã làm được trong cuộc khủng hoảng 2009. Nó đã mở đường cho một làn sóng thuế quan mới nặng nề hơn và các rào cản khác, cũng như có khả năng làm tồi tệ thêm căng thẳng thương mại đã có sẵn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 
Cũng không có nhiều biện pháp để giúp các quốc gia ở những khu vực như Nam Á và Mỹ Latinh, nơi mà dân số đông và hệ thống y tế ọp ẹp hiện có nguy cơ bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Đối mặt với làn sóng vốn bị rút đi, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đòi hỏi được tiếp cận với nguồn vốn mà không cần điều kiện, nhà kinh tế Arvind Subramanian, nguyên cựu cố vấn kinh tế của quốc gia này, đề nghị. 
“Các quốc gia đang phát triển cần tiền giá rẻ, tiền được giải ngân nhanh và không kèm điều kiện, và họ cần nó ngay bây giờ,” ông nói. “Các định chế quốc tế lớn chưa làm đến mức này, bởi vì không có nhiều sự lãnh đạo từ các ông lớn.”
Thay cho các biện pháp có sự phối hợp, ngoại giao virus corona gần đây rất thường xuyên có những công kích thụ động lẫn lộn với việc tranh giành nguồn lực, nhất là với những nỗ lực tìm kiếm nguồn thiết bị y tế đang có nhu cầu rất cao. “Một cách trung thực, điều đó giống như bạn phải giành giật bất cứ thứ gì có thể trước khi những người khác làm điều đó,” một nhà ngoại giao phương Tây ở châu Á nói. Thậm chí dường như những nỗ lực đầy ý nghĩa cũng đến với những ngụ ý chính trị đằng sau. Đầu tháng tư, Nga đã đưa một máy bay quân sự chở đầy các dụng cụ y tế khẩn cấp tới New York, trong một nhiệm vụ được nhiều người xem là một hành động chọc tức, giả dạng là một nhiệm vụ đầy lòng thương xót từ Tổng thống Vladimir Putin. 
Một vài vấn đề lãnh đạo này đến từ chính bản thân G20. Chủ tịch hiện tại là Saudi Arabia đã thành công trong việc tổ chức một cuộc họp trực tuyến dù chỉ với một thông báo trước đó không lâu, nhưng cuộc họp tiếp theo với đầy đủ các lãnh đạo lại không được lên kế hoạch cho tới tận tháng mười một. Nhóm đang được dẫn dắt bởi Riyadh hầu như không giúp được gì, do kinh nghiệm hạn chế của Saudi Arabia trong việc phối hợp các cơ chế như vậy, và việc lãnh đạo của Saudi Arabia Mohammed bin Salman vẫn còn phải đấu tranh cho tính chính danh sau sự kiện ám sát nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi năm 2018. 
Quan trọng hơn là những căng thẳng đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khiến những nỗ lực để có được sự phối hợp quốc tế trở thành đặc biệt khó khăn. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi qua điện thoại vào cuối tháng ba, đưa ra những tuyên bố thân thiết cam kết làm việc cùng nhau, ngay cả khi bằng chứng cho sự hợp tác như thế rất khó để thấy. Các bộ trưởng ngoại giao từ nhóm các nền kinh tế phát triển G7 đã thất bại ngay cả trong việc cùng ký tên vào một thông cáo báo chí ở cuộc họp mới nhất của họ, theo thuật lại là do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh trong việc phải có thêm cụm từ “virus Vũ Hán” — mặc dù trong cuộc phỏng vấn sau đó với Nikkei, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã bác bỏ rằng đó là lý do các cuộc đàm phán đổ bể. 
Trước khi thông báo chấm dứt tài trợ, ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên đã đe dọa chấm dứt tài trợ cho WHO, ngầm ý tố cáo tổ chức này đã giới hạn các biện pháp phản ứng với đại dịch do lo sợ làm Trung Quốc giận dữ, nguồn tài trợ lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Những người hiểu rõ WHO nói rằng Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, thực tế là đã bị sa vào vũng lầy rộng lớn hơn gây ra bởi địa chính trị chứ không phải sự lan truyền dịch bệnh, do những bất đồng cơ bản giữa các thành viên quan trọng nhất của WHO.  
Trong lúc đó, bất kỳ sự gia tăng ảnh hưởng nào của Trung Quốc ít nhất đến một phần từ khoảng trống lãnh đạo, do cách mà Hoa Kỳ đã từ chối đảm nhận vai trò truyền thống lãnh đạo WHO và các định chế tương tự, và phải trả giá với việc này. “Đây là một tổ chức chính trị, và những nhà nước thành viên, đặc biệt là những nước đóng góp nhiều tiền, rất quyền lực,” một cựu quan chức WHO nói với Nikkei Asian Review. “Rất khó khăn cho việc lãnh đạo hành động ở Geneva mà không có sự ủng hộ từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Trung Quốc.” 
Hầu hết các định chế toàn cầu đã hoạt động từ cuối chiến tranh lạnh với sự ngầm định Hoa Kỳ là lãnh đạo. Gần đây nhất là năm 2014, Hoa Kỳ đã dẫn dắt việc dập tắt dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, cũng như Hoa Kỳ đã làm như vậy trong cuộc khủng hoảng tài chính và hằng hà sa số thời điểm hỗn loạn quốc tế. Cuộc khủng hoảng virus corona chỉ làm rõ hơn một điều rằng, dưới thời Trump, Hoa Kỳ cho thấy ít có hứng thú trong việc đảm nhận vai trò này, ngay cả trong nhóm G20. Được thành lập chỉ từ năm 1999, đầu tiên việc lập nhóm chỉ giới hạn ở việc tập hợp các bộ trưởng tài chính và ngoại giao, cho tới khi cuộc khủng hoảng tài chính đã biến nó thành diễn đàn yêu thích bởi các nhà lãnh đạo quốc tế. “Cả [George W.]Bush và [Barack] Obama đã làm việc cùng nhóm G20 trong cuộc khủng hoảng đó,” Kevin Rudd nói. “Trump đã chọn lựa không làm việc [cùng G20] vào thời điểm này.” 
Mặc dù ác cảm của Trump đối với chủ nghĩa đa phương đã được biết đến rộng rãi, Trung Quốc cũng cho thấy không muốn đóng vai trò gì trong việc phối hợp toàn cầu. Ở một mức độ, cuộc khủng hoảng đang diễn ra dường như đã cung cấp cho Chủ tịch Tập Cận Bình một cơ hội hoàn hảo để chứng minh khả năng của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Và dù sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán đã được kiểm soát, Tập trên thực tế đã tích cực ở nước ngoài, gửi khẩu trang và dụng cụ bảo hộ tới hơn 100 quốc gia — nhất là các quốc gia có quan hệ hữu hảo với những sáng kiến như chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường. 
Tuy nhiên ở đây Trung Quốc cũng phải đối mặt với những hạn chế. Các rắc rối vì dịch bệnh trong nước còn lâu mới chấm dứt, với làn sóng nhiễm bệnh thứ hai tiềm tàng khi các hạn chế được dỡ bỏ. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản vẫn lo lắng về dư luận trong nước, giới hạn khả năng của họ gửi hỗ trợ tài chính ra nước ngoài trong khi nó có thể được sử dụng để tài trợ cho sự phục hồi trong nước. Thêm nữa, Trung Quốc chưa bao giờ hình dung nó sẽ thay thế vai trò lịch sử của Hoa Kỳ, cựu nhân viên ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani cho ý kiến. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Trung Quốc đã chiến thắng?” [Has China Won?], một cuốn sách mới về quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ. “Trung Quốc không có mong muốn vận hành thế giới theo cách mà người Mỹ hay phương Tây đã làm,”ông nói. “Người Trung Quốc hạnh phúc khi đóng vai của họ, nhưng đa phần họ chỉ muốn quan tâm tới chính Trung Quốc.” 

‘Một thế giới nhỏ hơn, nghèo hơn’

Vậy một câu trả lời mạch lạc hơn của quốc tế đối với dịch bệnh sẽ trông như thế nào? Và, với tất cả những hạn chế này, làm sao để nó thực sự thành hiện thực? Sau cuộc họp trực tuyến mờ nhạt của nhóm G20 vào tháng ba, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown bắt đầu suy nghĩ về các biện pháp mà các lãnh đạo quốc tế có thể xem xét, và sau đó làm thế nào để tạo áp lực nhằm thúc đẩy chúng được thực hiện. Ông bắt đầu gửi thư điện tử và gọi điện cho các cựu lãnh đạo thế giới, nhiều người trong số họ đột nhiên bị kẹt trong nhà, bị phong tỏa ngay trong chính quốc gia của họ. 
Các cuộc trò chuyện ban đầu với những người như Kevin Rudd và cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero đã nhanh chóng phát triển thành một bản tuyên ngôn mini kêu gọi sự hợp tác chống đại dịch ở cấp độ toàn cầu.  
“Ý tưởng của Gordon là tập hợp một vài người trong nhóm đã có mặt vào năm 2008, nhưng nó đã nhanh chóng phát triển lên từ đó,” Tom Fletcher nói, một cựu phụ tá ở Downing Street và là một nhà ngoại giao Anh hiện đang ở Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), người đã làm việc trong một đội ngẫu hứng để phối hợp các chữ ký. Kết quả đã được công bố như một thư ngỏ tới các lãnh đạo G20 vào ngày 6/4, ký bởi 165 cựu lãnh đạo thế giới, quan chức quốc tế và người đứng đầu các tổ chức từ thiện. 

(Dịch bảng)

Cạnh tranh lành mạnh 
Do số lượng nhiễm bệnh gia tăng đe dọa làm quá tải các hệ thống y tế trên toàn cầu, Trung Quốc – tỷ lệ lan truyền bệnh có vẻ đã được khống chế – nay lại tăng lên. 
TỪ TRUNG QUỐC  TỪ HOA KỲ
Nói rằng họ đã tặng các thiết bị thiết yếu và gửi chuyên gia tới 120 quốc gia, bao gồm 2 triệu khẩu trang tới châu Âu, nơi mà Ý và Tây Ban Nha đang vật lộn với số lượng các ca nhiễm đang tăng lên Đã thông báo khoản tăng thêm 225 triệu đô-la viện trợ nước ngoài nhắm đến virus corona (“Không quốc gia nào có thể so sánh về mức độ hào hiệp,” Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói)
Người sáng lập Alibaba, Jack Ma, đang gửi 500,000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang tới Hoa Kỳ.  Các doanh nghiệp tư nhân và các nhân vật nổi tiếng đã tham gia vào theo lời kêu gọi 
Bang New York đang nhận 1,000 máy trợ thở từ chính phủ Trung Quốc
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã gửi trả lại 9,000 bộ xét nghiệm nhanh bị lỗi
Chính quyền biên giới Úc đã phát hiện ra các bộ đồ bảo hộ giả hoặc lỗi 
Quỹ Bill và Melinda Gates tặng 100 triệu đô-la, bao gồm cả việc phát triển phương pháp chữa trị và vắc-xin
Apple cũng đã tặng 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đô-la) để hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc, bao gồm 20 triệu nhân dân tệ để xây dựng bệnh viện tỉnh Hồ Bắc
Nguồn: nghiên cứu của Nikkei Asian Review

Đề xuất trọng tâm của Brown là tạo ra một quỹ toàn cầu có 193 tỷ đô-la, như là một phần của các nỗ lực quốc tế mới nhằm đối phó với sự sụp đổ xã hội và tài chính do đại dịch, vượt xa khả năng hiện tại của các định chế quốc tế đang tồn tại.” Tám tỷ đô-la sẽ được dùng riêng vào việc nghiên cứu phát triển vắc-xin, một phần bằng cách tăng thêm ngân sách của WHO. Một phần lớn hơn của 35 tỷ đô-la sẽ cung cấp các thiết bị y tế khẩn cấp tới các quốc gia đang vật lộn để tìm ra nguồn hàng. Nguồn tiền cũng sẽ bổ sung cho hệ thống bảo hiểm xã hội đang dễ bị tổn thương ở các nền kinh tế mới nổi, giúp cung cấp trợ cấp thất nghiệp và các hỗ trợ rất cần thiết khác — tất cả như là một phần của cuộc chiến rộng lớn hơn để chặn đứng tâm dịch di chuyển từ các nền kinh tế giàu có tiên tiến sang các quốc gia mới nổi nghèo hơn ở châu Á và châu Phi. 
Các đề xuất của Brown làm nổi lên một loạt các ý tưởng khác, nhiều ý tưởng tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản đối với các định chế quốc tế đang tồn tại để bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính toàn cầu, ví dụ như bằng cách mở rộng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho những thị trường mới nổi đang khó khăn. 
Khoảng 600 tỷ đô-la có thể đến từ hệ thống Quyền Rút vốn Đặc biệt (Special Drawing Rights) của IMF, một dạng tiền ảo gồm nhiều loại tiền tệ khác, trong khi các luật lệ chi phối việc cho vay từ các định chế như IMF, Ngân hàng Thế giới và AIIB có thể nới lỏng, đặc biệt là khi các cổ đông lớn cung cấp thêm tiền. “Mục đích của chúng ta nên là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản trở thành một cuộc khủng hoảng khả năng thanh toán, và một cuộc trì trệ toàn cầu trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu,” lá thư viết.  
Có lý do để tin rằng các biện pháp như vậy thực sự là có thể, Fletcher cho biết. Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo rõ ràng từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc, cỗ máy G20 có thể được chế tạo để hoạt động nếu một số lãnh đạo đáng tin cậy bắt đầu tập trung vào những gì ông miêu tả như là “phỉnh phờ nhau, thương lượng và đụng đầu đằng sau hậu trường.” Do sự bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia đang dần được kiểm soát, lãnh đạo của một vài nền kinh tế lớn có thể từ từ tìm ra không gian để chiến đấu với các giai đoạn tiếp theo của đại dịch, khi sự phối hợp quốc tế bền vững có thể sẽ trở nên quan trọng hơn. 
Các ứng cử viên tiềm năng cho vai trò lãnh đạo này có thể bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Fletcher đề nghị, và Nhật Bản đặc biệt thích hợp do vai trò của nó như là một phần của “nhóm ba người” trong G20 – một hội đồng gồm ba quốc gia thành viên trong G20 thỏa thuận về các chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh trước đây, hiện tại và sau này.
Lãnh đạo từ các quốc gia đã làm tốt trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, bao gồm Đức, Hàn Quốc, và Singapore, vốn tham dự các hội nghị G20 với tư cách là một quan sát viên, cũng có thể có ảnh hưởng. Các định chế như IMF và Ngân hàng Thế giới cũng có thể đóng một vai trò tích cực hơn, có khả năng không bị cản trở bởi các ràng buộc từ các thành viên quyền lực hơn, Arvind Subramanian đề nghị: “Trong môi trường này, các lãnh đạo quốc gia ở chế độ quản trị khủng hoảng sẽ dễ nói ‘tốt, tuyệt vời, nghe rất tuyệt, cứ làm đi’ hơn là ngăn chặn các ý tưởng táo bạo.” 
Phác thảo các thỏa thuận quốc tế cần thời gian. Cuộc họp G20 ở London năm 2009 đã diễn ra sau sụp đổ của Lehman Brothers hơn nửa năm, trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại chỉ mới diễn ra có ba tháng. Mặc dù một cuộc họp toàn bộ G20 sẽ không diễn ra cho tới tháng mười một, các cuộc họp trực tuyến hoặc các nhóm họp cần thiết có khả năng chỉ là tạm thời, như cuộc họp của các bộ trưởng dầu mỏ G20 đã diễn ra vào ngày 10/4, để cố gắng đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. 
Vẫn có khả năng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ bước lên nhận lãnh trách nhiệm. Mặc dù nghi ngờ chủ nghĩa đa phương, Trump đang đối mặt với một cuộc chiến bầu cử sít sao, và có thể cuối cùng sẽ thấy được một số lợi thế chính trị trong việc tạo ra một vai trò toàn cầu nổi bật hơn.  
Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế rõ ràng trong việc khởi động lại nền kinh tế đang bị trì hoãn, một điều dường như không thể cho tới khi nhiều quốc gia đang mua hàng hóa của nó có thể kiểm soát dịch bệnh tại chính nước họ. Wang Huiyao, Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization) http://en.ccg.org.cn/about/about-ccg.html đặt ở Bắc Kinh, nói rằng ngay cả khi Trung Quốc không có vẻ muốn dẫn dắt một phản ứng toàn cầu với bệnh dịch, sự lãnh đạo của nó có thể làm việc và hợp tác với các quốc gia khác để phác thảo một phản ứng như thế.
“Trung Quốc không muốn đóng vai trò lãnh đạo, nhưng nó muốn một vai trò tích cực,” ông nói. “Đặc biệt các hành động của Trung Quốc sẽ là trụ đỡ để đảm bảo chuỗi giá trị thương mại toàn cầu không bị sụp đổ hoàn toàn.
Mặc dù vậy, lợi ích kiểu này còn lâu mới được đảm bảo. Sự hợp tác Hoa Kỳ – Trung Quốc gần như vắng bóng trong những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, mà hiện tại dường như sẽ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai quốc gia hơn là mang chúng lại với nhau. Giai đoạn sau của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy các quốc gia đang đối mặt với suy thoái và sự lo âu của người dân rất thường xuyên viện tới chủ nghĩa bảo hộ, làm trầm trọng thêm hoàn cảnh kinh tế của chính họ và cả các quốc gia láng giềng. “Đã có một sự đổi hướng vào bên trong, một cuộc truy tìm sự tự chủ và kiểm soát số phận riêng của mỗi quốc gia,” như cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivhankar Menon nói gần đây. “Chúng ta đang hướng tới một thế giới nghèo hơn, tầm thường hơn, và nhỏ hơn.” 
Tuy nhiên, có thể lý do chính để hi vọng là các hành động quốc tế đổi mới là sự hoàn toàn cần thiết phải phối hợp. Do cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, dịch bệnh sẽ lan tới các xã hội dễ bị tổn thương hơn, và những quốc gia đã kiểm soát được sự bùng nổ dịch bệnh sẽ tiếp tục vật lộn với việc làm thế nào để trở lại trạng thái kinh tế và xã hội bình thường một khi con virus được kiểm soát.  
Việc có một vắc-xin ngừa virus corona chắc chắn sẽ đòi hỏi sự hợp tác khoa học quốc tế nhanh nhạy. Nhưng hơn thế nữa, việc mở cửa và phục hồi lại mạng lưới thương mại và du lịch quốc tế sẽ là không thể nếu thiếu các thỏa thuận rộng lớn giữa hàng chục chính phủ, một phần để đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế được phục hồi sẽ không dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh trở lại. 
Điều đó cũng đúng với các nỗ lực để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế toàn diện, do tác động trong nước ban đầu của cuộc khủng hoảng tiếp tục làm xáo trộn thị trường những tháng sắp tới. Thật khó để xem phần nào của thế giới các ngân hàng và công ty toàn cầu sẽ bị sức ép lâu dài trước, nhưng bất kỳ sự hỗ trợ nào sau đó hoặc các kế hoạch giải cứu chắc chắn sẽ bị trục trặc khi không có một kế hoạch quốc tế được soạn thảo cẩn thận.  
Qua vài tuần gần đây, một số ít quốc gia, gồm Trung Quốc và Singapore, đã thành công trong việc giảm các ca nhiễm COVID-19 nội địa, chỉ để thấy sự tăng đột biến các ca nhiễm khi những người khác quay về từ nước ngoài. Kinh nghiệm của họ cho thấy các nỗ lực để khống chế dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào sẽ không thành công nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở nơi khác. Do thực tế này, hi vọng rằng những nỗ lực quốc tế đang chững lại sẽ nhanh chóng lấy lại sức mạnh. “Đại dịch này đã chứng minh rằng không quốc gia nào là một hòn đảo, và chúng ta phải chiến đấu cùng nhau,” Wang Huiyao nói. “Cho đến nay điều đó đã không diễn ra như nhiều người hi vọng, nhưng thà trễ còn hơn không.” 

(Dịch biểu đồ)

Chiến lược kiểm soát dịch bệnh
Do tâm dịch đã chuyển từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, cả hai chính phủ đã thay đổi chiến thuật đưa tin giữa chối bỏ, trấn an và đổ lỗi.
Ngày Số người nhiễm ở Trung Quốc Số người nhiễm ở Hoa Kỳ Thông điệp
Ngày 20 tháng 1 Trên đài truyền hình quốc gia, nhà dịch tễ học Trung Quốc Trung Nam Sơn thông báo có sự lây nhiễm từ người sang người.
Ngày 22 tháng 1 526 1 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: “Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Đó là một người đến từ Trung Quốc, và chúng tôi đã kiểm soát được. Mọi việc đang rất tốt.”
Ngày 23 tháng 1 623 1 Trung Quốc đóng cửa tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc, cùng với các tỉnh lớn khác
Tổ chức Y tế Thế giới cho ra virus corona là một “tình huống khẩn cấp ở Trung Quốc”
Ngày 30 tháng 1 7,734 5 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Ngày 3 tháng 2 17,211 11 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Từ ngày đầu tiên của năm mới âm lịch cho đến hiện tại, việc dự phòng và kiểm soát tình hình dịch bệnh là vấn đề mà tôi quan tâm nhất.”
Ngày 28 tháng 2 78,927 60 Trump: “Nó sẽ biến mất. Một ngày nào đó, như một phép mầu, nó sẽ biến mất.”
Ngày 10 tháng 3 80,879 754 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả sự bùng phát dịch bệnh quốc gia đã được kiểm soát về căn bản. 
Ngày 11 tháng 3 80,908 1,025 WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu 
Ngày 12 tháng 3 80,932 1,312 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: “Có thể Quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh tới Vũ Hán” (tuyên bố mà sau đó ông ta chối)
Ngày 13 tháng 3 80,954 1,663 Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Ngày 14 tháng 3 80,973 2,174 Trump: “Chúng tôi đã sử dụng toàn bộ quyền lực của chính phủ liên bang để đánh bại con virus này, và đó là cái mà chúng tôi đang làm.”
Ngày 17 tháng 3 81,063 4,661 Trump: “Tôi đã cảm nhận đây là một đại dịch từ rất lâu trước khi nó được gọi là một đại dịch.”
Ngày 22 tháng 3 81,346 26,747 Tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước Trung Quốc sở hữu: “Ý đã có thể có một dòng virus gây viêm phổi chưa được giải thích xuất hiện từ tháng mười một… với các triệu chứng nghi ngờ cao là #COVID-19”
Ngày 25 tháng 3 81,631 55,231 Thông cáo của nhóm G7 bị trì hoãn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được tường thuật là nhấn mạnh phải bao gồm cụm từ “virus Vũ Hán”
Ngày 27 tháng 3 81,827 85,991 Trump: “Tôi vừa mới kết thúc một cuộc trò chuyện tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc. … Chúng tôi đang làm việc sát sao cùng nhau. Với rất nhiều sự tôn trọng!”
Ngày 7 tháng 4 82,698 368,196 Người đứng đầu giới khoa học châu Âu, Chủ tịch của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, Mauro Ferrari, từ chức
Ngày 8 tháng 4 82,784 398,809 Dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán sau 76 ngày
Đến ngày 10 tháng 4 Nguồn: Đại học John Hopkins 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ