Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946, Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản, Bài 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời, Bài 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Ngày 1/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 91-SL hợp nhất hai cơ quan “uỷ ban kháng chiến” và “uỷ ban hành chính”, gọi chung là “uỷ ban kháng chiến hành chính”. Hai cơ quan này vốn được thành lập sau 2/9/1945, hoạt động độc lập. 

Từ ngày 25 đến 27 tháng 2 năm 1948, ngành tư pháp tổ chức Hội nghị tư pháp toàn quốc. Nội dung chính của hội nghị là xác định “vị trí của ngành tư pháp” trong hệ thống chính trị, sau khi có quyết định hợp nhất các “uỷ ban kháng chiến” và “uỷ ban hành chính”. 

Hội nghị này có hầu hết lãnh đạo ngành tư pháp như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hoè (Chủ tịch hội nghị), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường (Phó Chủ tịch), Giám đốc Tư pháp khu 10 Vũ Trọng Khánh, Giám đốc tư pháp khu 12 Phạm Ngọc Hải,  Giám đốc tư pháp khu 3 Trần Chánh Thành, Giám đốc tư pháp khu 1 Nguyễn Huy Đẩu, và hơn mười vị là giám đốc, phó giám đốc tư pháp các khu và liên khu khác. 

Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị, chỉ đạo một quan điểm chống lại “tư pháp độc lập”, trong đó “tư pháp” bắt đầu bị buộc vào “hành chính”. Ông viết: 

Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc… Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.

Trong lá thư này, Hồ Chí Minh triển khai chiến lược diễn ngôn theo hai bước. Bước thứ nhất, ông tái định vị khái niệm “trí thức”, vốn để chỉ những người được đào tạo một lĩnh vực chuyên môn nhất định, thành một khái niệm mang hàm nghĩa người quân tử của Nho giáo, có “trách nhiệm nặng nề và vẻ vang” là “làm gương cho dân”. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đi tiếp bước thứ hai, sử dụng các khái niệm hoàn toàn thuộc phạm trù đạo đức như “đoàn kết”, “hợp tác”, “quyền lợi nhỏ và riêng”, “quyền lợi to và chung”… áp vào phạm trù tư pháp, để buộc tư pháp vào hành chính. 

Ông tránh sử dụng chính các khái niệm của ngành tư pháp để nói chuyện với các chuyên gia được đào tạo bài bản về tư pháp. Cơ quan tư pháp phải “đoàn kết” và “hợp tác chặt chẽ” với cơ quan hành chính nghĩa là thế nào? Từ góc độ của ngành tư pháp được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc tư pháp độc lập, đây là những khái niệm vô nghĩa. Nhưng ai cũng có thể hiểu ngay thâm ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “đoàn kết” được ông diễn giải là “tránh những mối xích mích lẫn nhau”, vậy nó chỉ có nghĩa là tư pháp phải “tuân thủ” quyết định của phía hành chính. 

Để hiểu ý nghĩa “bước ngoặt” của quan niệm “đoàn kết” tư pháp với hành pháp trong lá thư chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 2 năm 1948, chúng ta cần nhìn lại cách hiểu của thế hệ chí sỹ cách mạng tiền bối thời Pháp thuộc về vai trò của sự “xung đột” giữa ba nhánh hành pháp – tư pháp – lập pháp trong việc xây dựng nền dân chủ.  

Huỳnh Thúc Kháng, cựu chí sỹ phong trào Duy tân, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, Quyền chủ tịch nước trong thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, đã nhận xét trong Bài diễn văn phát biểu tại Viện Dân biểu Trung kỳ, ngày 1/10/1928, rằng nếu Viện Dân biểu (lập pháp) luôn đồng thuận với Toà Khâm sứ Trung kỳ (hành pháp) thì “tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới(In trong: Nguyễn Q. Thắng, “Huỳnh Thúc Kháng – Con người và thơ văn”, Sài Gòn, 1972,, tr. 324.). Sau đó, ông giải thích thêm về bản chất của “xung đột” giữa các nhánh quyền lực trong bài “Mấy lời tâm sự” trên báo Tiếng Dân sau khi từ chức: 

Nghị trường là một sân khấu, nhân dân cùng Chính phủ xung đột nhau, nước nào cũng thế. Nước nay thưở nay ở dưới chính thể độc tài, phong khí chưa được mở mang, chưa từng được thấy tấn kịch đó. Dầu có Hội đồng tư phỏng nọ kia, người  mình cũng xem như một nơi nhóm họp lại mà tán dương ca tụng và nói chuyện hão. Mới ba năm nay, theo một tờ hiệp ước mới, nhân dân được quyền tham chính, mà phiên bảo cứ năm 1926 có vẻ hoạt động, thật là một sự mới mẻ ở xứ này (In trong: Nguyễn Q. Thắng, sách đã dẫn, tr. 330.)

Như vậy, đối với Huỳnh Thúc Kháng, “xung đột” quan điểm giữa ba nhánh quyền lực độc lập, tư pháp-hành pháp-lập pháp, là một trong những tiêu chí để phân biệt một thể chế chính trị dân chủ (“nhân dân đại biểu”) và một chế độ phong kiến trá hình (“quan trường”). Những lập luận của Huỳnh Thúc Kháng, một nhà khoa bảng của nền cựu học, ở cuối thập niên 1920 cho thấy tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam đương thời đã thay đổi khá triệt để về tư duy so với thời phong kiến. Sự thay đổi này về tư duy khiến họ không thể hiểu và không còn chấp nhận tư duy của các thế hệ trước đó.

Câu trả lời của ngành tư pháp: tiếp tục “độc lập”

Bất kể có lá thư chỉ đạo tư pháp “đoàn kết” với hành pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2/1948 vẫn ra quyết nghị khẳng định tính độc lập của hệ thống tư pháp. Trang web Bộ Tư pháp Việt Nam đăng lại quyết nghị này trong bài Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư (tháng 2/1948) đã “tuyên thệ” gì sau khi nhận được Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh(đăng ngày 16/6/2014, truy cập ngày 1/11/2019). Theo Quyết nghị ghi lại, ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc tư pháp khu 12, đã đặt vấn đề như sau: 

Từ trước đến nay, khi Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến riêng biệt, mọi người đồng ý về nguyên tắc Tư pháp phụ thuộc vào Kháng chiến, song độc lập đối với Hành chính. Nay theo Sắc lệnh số 91, điều 2, thì các Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính hợp nhất. 

Vậy làm thế nào để nguyên tắc tư pháp độc lập đối với hành chính được tôn trọng? 

Về thực tế, ông ủy viên hành chính trong Ủy ban kháng chiến hành chính, thay mặt ủy ban này, đôn đốc tất cả các công việc, kiểm soát tất cả các cơ quan trong khu.

Đối với các cơ quan chuyên môn khác, không thành vấn đề, vì các các cơ quan chuyên môn phụ thuộc vào hành chính. Song đối với tư pháp, việc ông ủy viên hành chính kiểm soát tòa án làm tư pháp phụ thuộc hành chính, trái với nguyên tắc nói trên. 

Vậy vấn đề này nên giải quyết ra sao?”

Để giải quyết vấn đề ông Phạm Ngọc Hải đặt ra, toàn thể Hội nghị đã quyết định phương án sau: 

1) Cơ quan tư pháp dưới quyền kiểm soát của Ủy ban kháng chiến hành chính, chứ không phải dưới quyền kiểm soát của ông Ủy viên hành chính của Ủy ban này. Vì vậy, chỉ có ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, đại diện cho ủy ban mới có quyền kiểm soát cơ quan tư pháp.

2) Kiểm soát là xem xét cách làm việc về đại cương, về chính trị, chứ không phải can thiệp vào phạm vi chuyên môn của cơ quan tư pháp”.

Như vậy, các lãnh đạo ngành tư pháp chấp nhận quyền kiểm soát của Uỷ ban kháng chiến hành chính, nhưng chỉ là kiểm soát “cách làm việc” một cách “đại cương” trên phương diện “chính trị”, chứ không chấp nhận cơ quan tư pháp bị can thiệp vào “phạm vi chuyên môn”. 

Quyết nghị này của Hội nghị ngành tư pháp đã không đi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư pháp phải “đoàn kết” và “hợp tác chặt chẽ” với cơ quan hành chính. Ở đây, chúng ta đã thấy mầm mống của sự xung đột tư tưởng đầu tiên. Tuy vậy, chỉ hơn một tháng sau, sự xung đột nhỏ bé này chính thức bị đẩy đến chỗ không thể hoà giải.

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ