Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Thất bại Việt Nam 2020 – nhìn lại và suy nghĩ 

US Vietnam Review

Published on

Trung tâm nghiên cứu Việt Mỹ, ĐH Oregon

Mười năm sau đổi mới 1986, năm 1996, Đại hội lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu kế hoạch xây dựng Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp  hóa – hiện đại hóa vào năm 2020 (xem “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”, mục III và IV). 

Từ 1996 đến gần đây, mục tiêu hoàn thành sự nghiệp “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” vào năm 2020 được tuyên truyền mạnh mẽ, bao gồm đưa cả vào Sách Giáo khoa lịch sử lớp 12, trang 215. Năm 2011, tại Đại hội XI, Đảng lặp lại mục tiêu nói trên một lần nữa. 

Tuy nhiên, năm 2018, sau khi cuộc “đổi mới” đã diễn ra 32 năm, Đảng công bố nghị quyết số 23-NQ/TW, dời mục tiêu “hiện đại hóa – công nghiệp hóa” thêm 10 năm nữa: 2030. Như vậy, có thể nói, mục tiêu 2020 đã được thừa nhận là thất bại. 

Chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa 1996 – 2020 có những thành công nhất định. Những thành công này đã được báo chí, sách vở ở Việt Nam nói nhiều. Cái chúng ta cần làm rõ là Việt Nam đã thất bại những gì, tại sao thất bại. Trên cơ sở đó, suy nghĩ về tương lai của chúng ta: chúng ta cần làm gì, và sẽ đi về đâu.  

Đảng Cộng sản Việt Nam không công bố các cuộc thảo luận nội bộ liên quan đến việc đánh giá chiến lược công nghiệp hoá hay lý do dời mục tiêu đến năm 2030, chỉ đơn giản là ra một nghị quyết dời mục tiêu thêm 10 năm, nhưng giới nghiên cứu không thể làm như vậy. 

Điều kiện đầu tiên để vượt qua những thất bại đã mắc phải là nhận thức sáng rõ những thất bại ấy. Nghiên cứu những thất bại của Việt Nam khiến nó không thể trở thành quốc gia “công nghiệp – hiện đại” vào năm 2020, do đó, trở thành một điều cần thiết. Điều đó không chỉ có ý nghĩa thực tiễn với chính con đường hiện tại và tương lai của Việt Nam từ 2020 trở đi, mà còn quan trọng đối với hoạt động trí tuệ trong môi trường học thuật, bởi lẽ, nó cung cấp cho giới làm chính sách nói riêng và giới khoa học xã hội nói chung một trường hợp điển hình để đóng góp về mặt lý thuyết.

Chúng tôi mời các chuyên gia tham gia thảo luận về một hay nhiều câu hỏi liệt kê dưới đây, với hy vọng các câu trả lời khác nhau có thể góp vào cách nhìn đa chiều về một vấn đề quan trọng hàng đầu đối với tương lai Việt nam.

  1. Mục tiêu công nghiệp hoá 2020 đề ra có hiện thực vào thời điểm đó? Cơ sở đặt ra mục tiêu là gì? Vì sao chọn 2020 mà không phải 2025? Định nghĩa “công nghiệp hoá” trong mục tiêu như thế nào? Có tham khảo mô hình phát triển nào không? Mục tiêu và các giai đoạn phát triển được chia nhỏ như thế nào? Thước đo nào được dùng để đánh giá mục tiêu có đạt được hay không?
  2. Chiến lược công nghiệp hoá đề ra có thích hợp không? Có ưu điểm và khuyết điểm gì? Các bước đi cụ thể là gì? Dựa vào nội lực hay ngoại lực? Vào xuất khẩu hay vào phát triển công nghiệp nội địa? Vào công ty nhà nước, tư nhân hay công ty vốn nước ngoài? Vào cơ chế thị trường hay vào công cụ quản lý Nhà nước? Những ngành nào được xem là chủ lực? Tại sao? Vị trí, địa bàn phát triển công nghiệp đặt ở đâu, và tại sao?
  3. Tổ chức thực hiện chiến lược ra sao? Cơ quan nào là nòng cốt và có những quyền lực gì? Cơ quan nào đóng vai trò hỗ trợ? Vai trò của các lãnh đạo cao nhất như Thủ tướng và Phó Thủ tướng là gì? Uỷ viên nào của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản tham gia vào quá trình lập và thi hành chiến lược? Các nguồn lực (resources) nào được dành cho việc triển khai chiến lược này, và từ đâu mà có? Giới quản lý khu vực nhà nước tham gia vào quá trình lập chính sách thế nào? Ý kiến phản biện của chuyên gia vào thời điểm đó ra sao?
  4. Quá trình thực hiện chiến lược thế nào? Bộ máy nhà nước (trung ương, tỉnh/thành phố) và khu vực sản xuất nhà nước (tập đoàn, xí nghiệp, công ty) đã tham gia vào quá trình này như thế nào? Quan hệ giữa cơ quan thi hành chính sách và đối tượng của chính sách ra sao? Có lobby chính sách không? Việc theo dõi kiểm tra thi hành chính sách được thực hiện thế nào? Việc phân bổ các nguồn lực có theo kế hoạch không? Các hội thảo và hội nghị Đảng và Nhà nước có sự quan tâm nào đến việc thực thi chính sách này?
  5. Các ngành công nghiệp chủ lực thực tế đã phát triển ra sao? Các mối liên kết giữa các ngành và trong một ngành có phát triển không? Các khu vực kinh tế (quốc doanh, tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài) liên kết thế nào? Các trung tâm công nghiệp đã phát triển ra sao và dựa trên yếu tố nào? Tăng trưởng cung của nền kinh tế đến từ khu vực nào, và sự đóng góp của các ngành công nghiệp theo định hướng của chính sách ra sao? Các giai đoạn tăng trưởng nhanh hay chậm diễn ra thế nào?
  6. Vai trò của luật (ví dụ Luật Doanh Nghiệp, Luật Đất Đai sửa đổi) trong quá trình này thế nào? Các định chế hay hiệp ước kinh tế Việt nam tham gia (như Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO) đóng vai trò gì? Các đối tác chính của Việt nam (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc, các nước Đông Nam Á) có ảnh hưởng nào đối với việc thực hiện quốc sách công nghiệp hoá 2020 của Việt nam?
  7. Yếu tố nào khiến Đảng Cộng sản quyết định dời mục tiêu chính sách công nghiệp hoá đến 2030? Cuộc tranh luận bên trong Đảng, Nhà nước diễn ra thế nào? Giới chuyên gia trong và ngoài Nhà nước đánh giá chính sách công nghiệp hoá 2020 thành công hay thất bại ở đâu và tại sao? Bài học nào có thể rút ra từ những thành công hay thất bại đó? Có thể hy vọng Việt nam sẽ đạt được mục tiêu công nghiệp hoá vào năm 2030 không, và tại sao?

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ