Connect with us

Kinh tế - Chính trị

LÃNH ĐẠO VIỆT NAM SỢ GÌ – NHÌN TỪ SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG 2019

Vũ Tường

Published on

(Diễn tập chống khủng bố ở thành phố lớn nhất Việt Nam, tháng 12 năm 2019)

Vũ Tường, Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ, ĐH Oregon

Nhiều nhà quan sát đã nhận xét rằng Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam tránh nói đến các vấn đề quan trọng và truyền tải không nhiều những tư duy mới. Có thể các nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ đơn giản là cố gắng ẩn đi suy nghĩ thực sự của mình và đánh lạc hướng kẻ thù bằng cách không tiết lộ quá nhiều. Nhưng điều này lại đặt ra câu hỏi về mục đích của tài liệu ấy. Để đánh lạc hướng và gây nhầm lẫn cho địch, tốt hơn là không phát hành cuốn Sách trắng nào cả. Sách trắng này đánh lạc hướng không chỉ kẻ thù mà cả bạn bè của họ.

Một khi nhận ra rằng Sách trắng Quốc phòng mới của Việt Nam thực sự nhắm đến đối tượng trong nước chứ không phải đối tượng nước ngoài, chúng ta sẽ hiểu tại sao nó được phát hành vào tháng 11 năm 2019. Mặc dù việc phát hành tài liệu này nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị, nó phản ánh phần nào sự nhận thức của các nhà lãnh đạo Việt Nam về thế giới cũng như về mối đe dọa đối với họ vào thời điểm này.

Đọc kỹ văn bản, như chúng tôi phân tích Phần 1 của Sách trắng Quốc phòng mới dưới đây, chúng ta sẽ thấy một số manh mối để trả lời các câu hỏi quan trọng như: Các nhà lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì về vị trí của Việt Nam trên thế giới? Họ định hướng tư duy của mình về quá khứ, hiện tại, hay tương lai? Các vấn đề an ninh cấp bách nhất đối với họ là gì? Họ sợ điều gì nhất cho tương lai của mình?

Ảo tưởng về một Việt Nam ổn định và được tôn trọng trên thế giới

Phần 1 của Sách trắng tập trung vào bối cảnh chiến lược mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay. Bài viết đầu tiên khẳng định rằng trong các vấn đề quốc tế thì xu hướng hòa bình và hợp tác vẫn được tiếp tục. Sau đó, nó thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau kể từ thế kỷ 21 như xung đột lãnh thổ quốc gia, xung đột sắc tộc và tôn giáo, sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị của các quốc gia có chủ quyền, khủng bố, chiến tranh cục bộ và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Sách trắng sau đó tiếp tục thảo luận về các xu hướng cụ thể hơn, bao gồm sự gia tăng nhanh chóng của một trật tự đa cực trong chính trị thế giới; chính sách gần đây của các cường quốc để khẳng định lợi ích quốc gia của họ; sự tăng cường của một số xu hướng như toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh kinh tế và sự xuất hiện của các loại vũ khí mới cũng như chiến tranh mạng.

Đối với châu Á-Thái Bình Dương, Sách trắng ghi nhận các yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn gây ra bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Người ta dự đoán rằng xung đột lãnh thổ sẽ trở nên phức tạp hơn, dẫn đến khả năng xảy ra đụng độ và chạy đua vũ trang. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo Sách trắng, đã đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình, phát triển, an ninh và hợp tác quốc tế, và hợp tác với Trung Quốc để tạo ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông.

Quay sang Việt Nam, Sách trắng khẳng định rằng Việt Nam chiếm vị trí địa lý “quan trọng” trong khu vực và thế giới, nằm trên các tuyến đường biển quan trọng nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và đóng vai trò là “cửa ngõ cho thương mại toàn cầu và khu vực”, là “cầu nối châu Á với Đông Nam Á”.
Sách trắng tiếp tục ca ngợi Việt Nam đã đạt được thành tựu có tính “lịch sử” trong cải cách kinh tế và mở rộng quan hệ đối ngoại. Việt Nam hiện thuộc nhóm các “quốc gia có thu nhập trung bình”. “Nền kinh tế năng động” của nó hưởng lợi từ sự ổn định kinh tế vĩ mô, còn “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đang được xây dựng và hoàn thiện. Xã hội Việt Nam bây giờ được ổn định; mức sống người dân được cải thiện; dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo được tôn trọng; các sắc tộc trong nước thì thống nhất.

Sách trắng sau đó tiếp tục câu chuyện về những thành tựu trong các vấn đề quốc phòng và quan hệ quốc tế, nào là quốc phòng Việt Nam thì phát triển mạnh mẽ, nào là các mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng với tư cách là một thành viên “năng động”, “có trách nhiệm” và “được tôn trọng” trong cộng đồng quốc tế, nào là Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Campuchia và Lào cũng như với Trung Quốc về biên giới trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ, trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

Hợp tác với Trung Quốc vì Đại cục

Sách trắng cảnh báo rằng tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc về các quyền chủ quyền ở Biển Đông cần được xử lý hết sức thận trọng và tỉnh táo, không để vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục, tình hữu nghị, và hợp tác giữa hai nước. Hai bên nên hợp tác để có giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS 1982), nên tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, và không nên sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Các đoạn cuối của phần này chuyển sang những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.  Đầu tiên, Sách trắng chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam với năng suất lao động thấp vẫn bị tụt hậu so với các nước láng giềng, chủ nghĩa bảo hộ và cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đang gây ra những mối đe dọa cho nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của nó.

Hai là âm mưu của các thế lực thù địch có ý định thông đồng với các phần tử phản động và cơ hội trong nước, nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, lật đổ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo Sách trắng, những thế lực thù địch đó tìm cách chia rẽ Đảng, quân đội và nhân dân. Các thế lực thù địch cũng bị cáo buộc là đã lợi dụng công nghệ mới để tiến hành một cuộc chiến tranh trên mạng chống lại cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, “mặc dù có những diễn biến tích cực gần đây”, tình hình ở Biển Đông vẫn đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Có một hoặc một vài quốc gia nào đó đã có những “hành động đơn phương dựa trên vũ lực”, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe doạ lợi ích các nước khác cũng như an ninh hàng hải và hàng không. Sách trắng cảnh báo: sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường cũng là một mối nguy hiểm khác đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tự hào về quá khứ và lạc quan về một tương lai đầy bất trắc

Việc phân tích chính trị thế giới và vị trí Việt Nam trong Phần 1 của Sách trắng quá trừu tượng và có nhiều sai lệch so với thực tế. Cái trật tự thế giới đa cực không liên quan tới Việt Nam nhiều bằng sự căng thẳng và cạnh tranh đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây không phải là “yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn định” mà đã thực sự tạo ra bất ổn. Trong vấn đề này, không giống như những gì Sách trắng tuyên bố, ASEAN không đóng một vai trò quan trọng nào, và trong một số trường hợp, đã thất bại trước áp lực của Trung Quốc và không hỗ trợ Việt Nam.

Việt Nam cũng không phải là cầu nối từ châu Á đến Đông Nam Á vì nó nằm hoàn toàn trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù là “cửa ngõ của thương mại toàn cầu và khu vực”, nhưng Việt Nam xếp hạng thấp trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập “trung bình thấp”, chứ không phải là “thu nhập trung bình”. Nền kinh tế của nó phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc, và đã không đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Hệ thống chính trị của nó thì độc tài, hồ sơ nhân quyền thì bị đánh giá thấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đọc kỹ Sách trắng Quốc phòng, chúng ta thấy rằng về tổng thể, nó lạc quan nhưng thiếu tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Tài liệu này chìm đắm rất sâu vào quá khứ, truyền tải một niềm tự hào lớn về di sản cách mạng và thành tựu kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, cũng như tự tin quá mức về tầm quan trọng của bản thân trong trật tự toàn cầu.

Sợ chính người dân của mình hơn bất kỳ người ngoài nào

Diễn tập chống khủng bố tại TpHCM tháng 12 năm 2019

Các nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với hiện tại mặc dù có ý thức về những mối đe dọa đối với chế độ. Trong số các mối đe dọa, vấn đề kinh tế được liệt kê đầu tiên, tiếp theo là đe dọa từ các thế lực thù địch trên mạng với các phần tử phản động và cơ hội trong nước. Tình hình Biển Đông và sự cạnh tranh giữa các siêu cường được đặt cuối cùng.

Tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông, một mối đe dọa an ninh truyền thống đến từ một cường quốc bên ngoài, do đó dường như không quan trọng bằng các yếu kém về kinh tế và chính trị nội bộ. Sách trắng thậm chí còn đề cập đến “những phát triển tích cực gần đây” của mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, khiến các nhà quan sát bối rối không biết đấy là những sự kiện tích cực nào.

Rõ ràng là, đối với tất cả những căng thẳng gần đây với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm vẫn tuân thủ cam kết lâu nay của họ là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, cái mà họ gọi là “đại cục”. Dù cho có những va chạm gần đây trên Biển Đông, họ tiếp tục biểu đạt niềm hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giữ mối quan hệ tốt với Việt Nam. Họ vẫn còn mơ hồ về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Họ không nhắc đến Mỹ dù chỉ một lần trong toàn bộ phần này.

Khi chế độ đang chịu áp lực mạnh mẽ cả từ bên trong lẫn bên ngoài, có thể hiểu được (ngay cả khi điều này là không chính đáng theo quan điểm của nhiều người Việt Nam) rằng nhu cầu sinh tồn của chế độ ngày càng định hình nhận thức về mối đe dọa của các lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc không đe dọa sự sống còn của họ nhưng các lực lượng trong nước thì có đấy. Gần đây chính quyền Việt Nam tổ chức các cuộc tập trận chống khủng bố ở nhiều thành phố lớn và huy động hàng ngàn người dân tham gia. Người ta có thể không đồng tình với ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của bệnh hoang tưởng, nhưng những sự kiện này lại xác nhận phân tích ở đây của chúng tôi về Sách trắng Quốc phòng mới. Các nhà lãnh đạo Việt Nam bây giờ dường như sợ người dân của họ hơn bất kỳ lực lượng nào từ bên ngoài.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ