Connect with us

Tư liệu lịch sử

PHỤ LỤC TƯ LIỆU VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Quyển II. Việt Nam Quốc Dân Đảng

 

Phụ Lục I

TIỂU SỬ ĐẢNG TRƯỞNG
Nguyễn Thái Học cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Thái Học sinh năm 1904 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).  Xuất thân trong một gia đình nông dân nho học.  Thuở nhỏ, ông được bố mẹ cho theo học chữ Hán rồi lên Vĩnh Yên học chữ Pháp sau đó về Hà Nội theo học trường cao đẳng thương mại.  Và cũng chính tại nơi này, Nguyễn Thái Học đã không trở thành một thương gia hay một công chức trong bộ máy chính quyền thực dân mà lại trở thành lãnh tụ cách mạng đã từng làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam trong suốt những năm 1927-1930.  Những yếu tố nào đã làm nên một Nguyễn Thái Học – một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ông được nghe cha mẹ, dân làng kể về gương chiến đấu hi sinh anh dũng vì nước quên mình của những người con của quê hương Thổ Tang – Vĩnh Tường.  Hơn thế gia đình Nguyễn Thái Học lại sống ngay cạnh đình Thổ Tang – nơi thờ một vị tướng tài có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.   Nhưng có lẽ, yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, căm thù giặc của Nguyễn Thái Học chính là tấm gương chống Pháp của Đội Cấn – người lãnh đạo khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.  Bởi lẽ, Đội Cấn là người làng Vũ Di – ngay cạnh Thổ Tang quê hương ông.  Mặt khác, từ nhỏ Nguyễn Thái Học đã theo học chữ Hán.  Học chữ hán chính là học nho học, chắc chắn tư tưởng “Trung quân ái quốc” của nho giáo không thể không tác động đến một người như Nguyễn Thái Học.

Như vật, có thể nói: Truyền thống quê hương, tư tưởng nho giáo cùng chính sách thống trị của thực dân Pháp là những yếu tố cơ bản tạo nên một Nguyễn Thái Học – yêu nước, căm thù giặc và thôi thúc ông hành động.

Trong những ngày học tập ở Hà Nội – Trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của Bắc Kì lúc bấy giờ, được tiếp xúc với nhiều xu hướng chính trị của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, nhiều sách báo giúp ông hiểu rõ hơn nỗi khổ của người dân mất nước, tình cảnh của tầng lớp tiểu tư sản thành thị và chính sách kìm hãm kinh tế của chính quyền thực dân. Vì vậy, ông đã đề nghị Pháp tiến hành một số cải cách thúc đẩy nền kinh tế bản xứ phát triển để người dân thuộc địa dễ sống hơn. Vì vậy, năm 1925 Nguyễn Thái Học gửi thư cho toàn quyền Pháp bày tỏ nguyện vọng bênh vực, che chở cho nền công thương bản xứ và xin lập trường cao đẳng công nghệ ở Bắc Kì. Không được phúc đáp, năm 1926 ông lại gửi một bức thư nữa cho toàn quyền Đông Dương.  Trong đó, ông đề xướng một dự án mở mang kinh tế, giúp đỡ dân nghèo. Những vẫn bị từ chối.  Không nản, 6-1927 Nguyễn Thái Học lại gửi đến thống sứ Bắc Kì xin phép ra tờ Bán Nguyệt San Nam Thanh với mục đích nâng cao dân trí, khuyến khích phát triển nền kinh tế thuộc địa. Nhưng vẫn không được chấp nhận. Từ đó, Nguyễn Thái Học nhận ra nằng: Thực dân Pháp đem sắt máu đô hộ Việt Nam, chúng ta không thể nào dùng lối khoanh tay đối phó với súng đạn được. Vậy, muốn cứu nước chỉ có con đường vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp.

Khi đã xác định con đường cứu nước là vũ trang khởi nghĩa, Nguyễn Thái Học đã nhanh chóng cùng một số thanh niên trí thức cùng chí hướng thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào ngày 25-12-1927.  Đây là một chính đảng yêu nước đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Có thể nói, hầu hết đoàn quân tham gia và lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đều đang ở độ tuổi thanh xuân.  Họ đã lấy ngay trái tim mình để đốt lên thành những bó đuốc. Những bó đuốc lấy lửa từ những trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đó là những bậc anh hùng, anh thư như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang …

Trong bản chương trình hành động của Việt Nam Quốc Dân Đảng công bố năm 1929 đã nêu lên nguyên tắc tư tưởng là tự do, bình đẳng, bác ái.  Chương trình của Đảng chia thành 4 thời kì.  Thời kì cuối cùng bất hợp tác với chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.

Quốc Dân Đảng chủ trương tiến hành cách mạng bằng bạo lực, chú trọng lấy lực lượng binh lính người Việt trong quân đội Pháp giác ngộ làm lực lượng chủ lực.  Địa bàn hoạt động của Quốc dân đảng diễn ra tại nhiều nơi ở Bắc Kì, một số ở Trung Kì và Nam Kì.

Hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng gắn liền cuộc khởi nghĩa Yên Bái: 2-1929 Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức vụ ám sát tên trùm mộ phu Ba Danh ở Hà Nội.  Nhân sự kiện này thực dân Pháp tiến hành một cuộc khủng bố dã man.

Bị động trước tình thế, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định dốc hết lực lượng nhằm thực hiện cuộc bạo động cuối cùng với quyết tâm “Không thành công cũng thành nhân”.

Đêm 9-2-1930 cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng nổ ra ở Yên Bái.  Cùng đêm đó, khởi nghĩa nổ ra ở Phú Thọ, Sơn Tây.  Sau đó là ở Hải Dương, Thái Bình.  Ở Hà Nội cũng có đánh bom phối hợp.

Do so sánh lực lượng chênh lệch, khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại nhanh chóng.  Pháp trả thù dã man, 13 nhà ái quốc bị đưa đi hành hình, trong đó có Nguyễn Thái Học. Trong những giờ phút cuối đời, ông vẫn thể hiện khí phách của một chiến sĩ cách mạng kiên trung: Khi rời nhà giam ra pháp trường Nguyễn Thái Học cất cao giọng nói kêu gọi các đồng chí còn sống hãy hãy tiếp tục sự nghiệp cứu nước: “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự do phải tưới bằng máu.  Tổ quốc còn cần đến sự hi sinh của con dân nhiều hơn nữa.  Rồi thế nào cách mạng cũng thành công.  Xin chào các anh em ở lại”.

Và trên đường ra pháp trường, ông vẫn khảng khái ung dung ngâm mấy câu thơ:

“Chết cho Tổ quốc – Cái chết vinh quang.
Lòng ta sung sướng – Trí ta nhẹ nhàng”

Tại pháp trường, Nguyễn Thái Học là người cuối cùng – người thứ 13 bị dẫn tới máy chém.  Người anh hùng dân tộc ấy với bộ râu quai nón mỉm cười, đưa cặp mắt sáng quắc nhìn bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào lần cuối cùng và cất tiếng hô to: “Việt Nam muôn năm”.  Lúc đó vào cái giờ khắc thiêng liêng ấy – lúc 5 giờ 35 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học đã hy sinh.

Liệt sĩ Nguyễn Thái Học – người thanh niên trí thức rất mực yêu nước, vị lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi dao máy chém của kẻ thù là thực dân Pháp tàn bạo.  Lí tưởng và sự nghiệp lớn lao mà ông và đảng của ông theo đuổi đã không thành công. Nhưng tấm gương hy sinh vì nước của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đời đời bất diệt, tên tuổi của các nhà cách mạng mãi mãi được ghi nhớ và trở thành những tượng đài trong lòng dân tộc Việt Nam.  Tinh thần yêu nước nồng nàn, dũng khí anh hùng bất khuất, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ đáng được cả nước tôn vinh. Chúng ta đời đời ghi nhớ công lao hy sinh to lớn của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông.

(Nguồn: Nguyễn Thái Học cuộc đời và sự nghiệp – Hội đồng hương Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tại Hà Nội. (donghuongvinhtuong.com)

Phụ Lục II

KÝ TRÌNH

PHÓNG ẢNH THỦ BÚT CỦA NGUYỄN TƯỜNG TAM

(Do Nguyễn Tường Thiết cung cấp)

Phụ Lục III

PHÓNG ẢNH THƯ CỦA NGUYỄN TƯỜNG TAM  GỬI “HẾT THẢY CÁC BẠN CHIẾN ĐẤU”



Phụ Lục IV

KÝ TRÌNH GIẢI THÍCH

Giải thích của Như Phong Lê Văn Tiến, em kết nghĩa, liên lạc viên, và thư ký của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long:

Như Phong được Hoàng Đạo nhờ cất giữ “Ký Trình” về việc liên kết các đảng phái Quốc Gia ở hải ngoại do Nguyễn Tường Tam viết tay, với chữ ký của Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Siêu Hải Vũ Hồng Khanh, và Lý Đông A, do Lý Đông A mang về để Nguyễn Văn Viển ký thay cho Trương Tử Anh lúc ấy đang bị an trí ở Phú Yên, rồi trao cho Hoàng Đạo.  Cuối tháng 4/1975, Như Phong trao ký trình này cho Nguyễn Tường Thiết, con trai của Nguyễn Tường Tam trước khi ông này di tản sang Hoa Kỳ.

Ký trình gồm hai phần chính: Cống hiến và Yêu cầu.  Cống hiến là những gì người làm cách mạng ở hải ngoại cống hiến cho những nguời trong nước.  Yêu cầu là nhưng điều người hải ngoại yêu cầu người trong nước phải làm giúp cho hải ngoại.  Văn kiện này báo cáo sự kết hợp các lực lượng không Cộng Sản ở hải ngoại và đưa ra một “sách lược tinh vi và thích hợp với thời điểm đó.”

Bàn thêm của Nguyễn Mạnh Hùng về thời điểm của Ký Trình:

Bản Ký Trình viết tay không đề ngày tháng, nhưng rõ rệt là viết trước khi Nguyễn Tường Tam theo chân quân đội Trung Hoa về nước tháng 10 năm 1945, vì Ký Trình có câu: “cuộc nhập Việt đã khẩn cấp gần tới”. Nguyễn Tường Thiết trao cho tôi một phóng ảnh thư viết tay khác của Nguyển Tường Tam “Gửi hết thảy các bạn chiến đầu” trong đó cũng nói đến “thời giờ thật là khẩn cấp” và “chiến tranh thế giới sắp đến hồi phân định” và ngay sau chữ ký của ông Tam, có ghi rõ ngày, là 12-1-1945.  Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tường Bách, em ruột và chiến hữu của Nguyễn Tường Tam đã xác quyết trong Hồi ký của ông, Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, cuốn I, trang 144, rằng Ký Trình viết ngày 12-1-1945.

 

Phụ Lục V

NỘI DUNG KÝ TRÌNH

(BẢN ĐÁNH MÁY SAO LẠI)

Ký Trình

Ngày giờ đã khẩn cấp!

BÁO CÁO – CỐNG HIẾN Ý KIẾN – YÊU CẦU

 

  1. VIỆC THỐNG NHẤT CÁC ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA

KHẨU HIỆU: Một chủ nghĩa! Một chỉ huy! Và đối ngoại thì muôn mặt.

Nguyên Tắc

a. Một chủ nghĩa: Duy Dân chủ nghĩa của P. B. Châu (đổi mới).

b. Một chỉ huy, một tổ chức: các đảng phái ở trong thống nhất theo một chỉ huy; các đảng phái ở ngoài này đã thống nhất dưới một chỉ huy rồi.

c. Ngoại giao muôn mặt: tùy sự tiện lợi mà lấy tên riêng. Ở hải ngoại đối với 16 lấy VNQDD, đối với 2 lấy tên khác, ở trong nước lấy Đ V đối với dân chúng, đối với 32 lấy tên khác v.v…

d. Một lá cờ.

e. Một đảng ca.

LỜI BÀN THÊM

a. Một chủ nghĩa: Nội dung chủ nghĩa đại khái đã giống nhau còn tên thì nên lấy tên Duy Dân vì đúng và gọn nhất.  Ở ngoài này huấn luyện toàn thể đã lấy tên Duy Dân. Vậy sinh hoạt Quân bình và Dân tộc sống còn  của Đ.V.Q.D.Đ v.v… bắt đầu từ nay đổi ra Duy Dân chủ nghĩa. Vậy: TRONG CŨNG NHƯ NGOÀI LÂY DUY DẤN CHỦ NGHĨA LÀM CĂN BẢN LÝ TƯỞNG VÀ THỰC HÀNH NGAY VIỆC NHẤT NGUYÊN HÓA VỀ LÝ TƯỞNG NÀY. TỤI CỘNG SẢN MUÔN MẶT NHƯNG CHUNG QUY VẪN LÀ CỘNG SẢN, THÌ CHÚNG MÌNH CŨNG MUÔN MẶT NHƯNG CHUNG QUY VẪN LÀ DUY DÂN.  Ngoài này dựng Duy Dân Học Xã để nghiên cứu, thảo sách và gửi về, trong ấy cũng lập Duy Dân Học Xã, lấy cuốn sinh hoạt quân bình và tiếp hợp với anh A (tìm ở 64) làm tài liệu nghiên cứu cho rộng rãi, đầy đủ hơn (B và C và D nên thương thảo ngay đi).

b. Một chỉ huy: ở ngoài này đã có cơ cấu thống nhất chỉ huy rồi (xem biên bản của HNCHB).  Ở trong ấy nếu đã lập rồi thì xin cống hiến ý kiến này: đừng lập một uỷ ban liên hiệp mà tổ chức vẫn riêng. CẦN PHẢI CÓ MỘT CƠ CẤU CHỈ HUY TOÀN THỂ TỔ CHỨC QUY VÀO MỘT theo đúng cái nguyên tắc một chủ nghĩa, một chỉ huy, tổ chức (còn như việc đặt Trung Ương ở ngoài hay trong thì tùy ý bên trong quyết định).

c. Muôn mặt: 2 cái nguyên tắc trên khi đã theo đúng thì chính sách muôn mặt có thể dùng mà không sợ sự phân chia tị nạnh.  Chính sách muôn mặt có nhiều lợi: không sợ tan cả toàn thể khi thất bại, không sợ mất hết tín nhiệm như là nếu chỉ có một tên, sự vận dụng về ngoại giao được mềm mại, uyển chuyển, không sợ phạm đến lòng tự ái rất thông thường của đảng viên lúc nào cũng có cảm tình với tên đảng cũ.

d. Cờ: tùy trong định liệu.  Lá cờ do anh E vẽ rất hợp vì đẹp, khỏe, hùng, và ý nghĩa đúng với Duy Dân: duy trì một khối dân cho chắc (màu đen) phấn đấu bằng máu (màu đỏ) để bước lên con đường sáng (màu trắng).

e. Đảng ca: tùy ở trong định.  Đề nghị bài Hồn Nước của F. Chỉ lấy nhạc in thôi (hỏi H).  Lời và bản âm nhạc quốc nội.

 

B. ĐỐI NGOẠI.  Xin xem tờ biên bản và người về sẽ báo cáo đầy đủ thêm.  Yêu cầu để đối phó với ngoại giao.

a. 27-Mật mã

b. 6 và 32

Cho biết người mình đem 27 và giấy của I của K đã về tới chưa. Những người chính là L, M, N, O, P (hỏi H thì biết họ).

C. ĐỐI NỘI. Bá cáo, xem biên bản.   Ở trong đối với CS cũng nên một thái độ như ngoài này.  Đối với các đảng bạn thì theo như mục A.

D. TỔ CHỨC. Bá cáo xem biên bản.

a. Ở trong lập ngay Trung Ương chấp hành uỷ viên hội.

b. Các tỉnh đảng bộ cho thành lập ngay không nên chờ vì sợ tiết lộ.

c. Chú trọng đặc biệt về việc lập khu đảng bộ ở biên giới, lập các giao thông trạm: PHẢI LIÊN LẠC ĐƯỢC VỚI NGOÀI VÀ LIÊN LẠC CHO ĐỀU.  Đ cùng phải vẽ mật mã mật thư.  Định ám hiệu để nhận nhau.

d. Chú trọng về việc khuyếch trương tổ chức các nhân sĩ tại dã (những người có thế lực ở nhà quê) để thực hiện việc nông dân cách mệnh (nắm được nông dân là nắm được thắng lợi).

Một mặt tổ chức một đội CÁCH MỆNH NHÀ NGHỀ chọn trong bọn trí thức thất nghiệp, chưa vợ con, bọn này không trực tiếp với dân quê vì sợ bại lộ, chỉ trực tiếp với các nhân sĩ tại dã, huấn luyện tổ chức họ cho cứng, bày kế hoạch, cung cấp tài liệu cho họ v.v… rồi để họ trực tiếp với dân quê.  Như thế nắm một người được trăm người mà khó bại lộ.

e. Thực hành việc lập đội chiến đấu tuyên truyền (theo như tờ báo cáo do H đưa về).

  • ĐẶC BIỆT: Việc đưa một số người ra: VIỆC ĐƯA MỘT SỐ NGƯỜI RA.  1) 10 người xung vào chấp hành bộ ở hải ngoại, để tăng cường Hải ngoại bộ, đủ nhân tài đối phó với ngoại giao (cả 16 lẫn 2), với việc tuyên truyền quốc tế và với cuộc nhập Việt đã khẩn cấp gần tới.  TƯ CÁCH: 5 người đó: phải trí thức cao, có nhận thức về chính trị, có đủ tư cách để xung vào cơ cấu chỉ huy của đảng ở hải ngoại.  Viết văn Pháp giỏi, một hai người viết và nói giỏi tiếng Anh, nếu lại kèm thêm nghề như về thuốc, về vẽ, về kiến trúc thì hay lắm vì giúp thêm được về kinh tế.  Bên này mở clinique có thể đủ tiền hoạt động.  Người đó trong ấy chọn.  Ngoài này đề nghị Q, R, S, T… Những người có nghề cần đem khí cụ ra: thuốc vẽ, thuốc chữa bịnh…  2) Một người ra ở bí mật, xem xét tình hình ngoài này rồi về bá cáo.  3) đặc biệt: tìm hết cách đưa U ra để giúp về doanh nghiệp.  Một mình U ra được có thể có đủ tiền nuôi hoạt động ở ngoài này: hoặc làm rượu mùi, xà phòng, nước hoa, thuốc đánh răng, kem mặt, son môi v.v… một thứ thành công cũng đủ kiếm 3–4 trăm vạn một tháng. Đem các produits chimiques cần ra, các essenssces aromatiques… chỗ này phải nhờ B hợp sức dẫn dụ U – Những người ra phải đem theo một tờ tuyên ngôn, có đóng giấu (và đưa cái giấu ra để dùng lúc cần) một bản tuyên ngôn bằng chữ Pháp, tốt hơn là chữ Anh, một bản quốc ngữ.  Đem ra ít quà, như lá cờ thêu, thuốc quinine… để tặng yếu nhân.
  • HUẤN LUYỆN.  Nhất nguyên hóa chủ nghĩa.  Một tên DUY DÂN.  Lập Duy Dân Học Xã ở trong cũng như ở ngoài.  Sau sẽ luôn luôn trao đổi lý luận.  Khuyến khích đảng viên học tiếng Anh để đủ người đối phó sau này.
  • TUYÊN TRUYỀN. Gửi ra các tài liệu về việc tuyên truyền quốc tế: các sách nghiên cứu về Đông Dương, các thống kê về kinh tế, địa dư, lịch sử, lịch sử cách mệnh: các nhân vật (có kèm ảnh); thật nhiều các ảnh về Việt Nam: phong cảnh, nhân vật v.v… ảnh in đen để ngoài này làm clichés đăng báo.
  • KINH TẾ.  Nguyên tắc: Phải tự mình có kinh tế mới có thể làm cách mệnh.  Nhờ vào người, mất cả chủ quyền.

Nguồn gốc:  1) Ở trong đưa ra MƯỜI VẠN BẠC ra ngoài làm nền tảng.  Bá chủ được mấy nghìn người ở ngoài này, thế tăng rất mạnh. Bận sinh nhai, nhiều người không hoạt động được.  Thiếu tiền đành bỏ nhiều người trong tay chỉ huy của Tàu.  2) … được rất mạnh.  3) Mở Clinique hay Triển Lãm.  4) Tổ chức kinh tế ở trong nước, không dính dáng gì đến đảng: mở hiệu công khai ở Hà Giang, Lào Kay, rồi vận hàng hóa (không kềnh càng) – ở trong bán lấy lời, ngoài này có hàng sang là cũng có lời. Tốt nhất cao xu sống, thứ đến: pruduits chimiques, essenses chế rượu, chế nước hoa, thuốc tây, hạt tiêu v.v… đắt cũng được miễn có thì thôi. Nhất định không mong ở Tàu (gương Đồng Minh Hội) còn đối với Y thì mình có đủ vẫn hơn, nhờ ở thuốc. Mình có tiền là có giá trị trên ngoại giao.

YÊU CẦU THÊM:  1) Cho biết tình hình ở trong, lực lượng (đủ chi tiết).  2) Chương trình 3 hay 6 tháng ở trong.  3)Tình báo về…  4) Tình báo về các đảng phái – lịch sử, người phụ trách v.v…

MAU LÊN! MỚI KỊP ĐỐI PHÓ!

HẢI NGOẠI CHẤP HÀNH BỘ:

(Ký tên: tuong tam, Keto, S.H, VH Và một chữ ký dài rất mờ ở dưới)

Nguồn:

  1. Một số Tài Liệu Đặc Biệt, ”Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, Westminster, CA: Người Việt, 2014.”
  2. Ky-trinh | THẮNG NGHĨA (thangnghia.org)

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ