Connect with us

Tư liệu lịch sử

PHỎNG VẤN NGUYỄN TÔN HOÀN

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng

Giới thiệu

Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn là một trong các lãnh tụ của Đại Việt Quốc Dân Đảng và sau này là sáng lập viên của Đảng Tân Đại Việt.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 22 tháng 8 năm 1986 tại Mountain View, California.

Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng Giáo sư Chính trị học, Đại Học George Mason.

Tóm lược:

Được giáo sư Nguyễn Văn Canh giới thiệu, tôi đến Mountain View, California gặp bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và phỏng vấn ông ngay tại nhà hàng ăn của ông bà. Bà Hoàn, nhũ danh Phan Thanh Bình, là người đầu tiên hát bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” của Lưu Hữu Phước năm 1942, cũng có mặt và tự thu tapes riêng cuộc phỏng vấn để lưu giữ.

Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng năm 1937, hai năm trước khi đảng chính thức ra tuyên ngôn công khai, lúc ông 20 tuổi và đang là sinh viên y khoa. Ông được Trương Tử Anh giao trách nhiệm sinh viên vận và, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước, tổ chức phong trào sinh viên trong trường Đại học Hà Nội, rồi sau này Thanh Niên Tiền Phong.

Trong cuộc phỏng vấn, Bác sĩ Hoàn kể lại cuộc đời tranh đấu lận đận của ông cho độc lập và dân chủ với bốn lần lưu vong –lần thứ nhất sang Cao Mên để trốn Pháp, lần thứ hai sang Tàu trốn Việt Minh, lần thứ ba sang Pháp vì chống độc tài Ngô Đình Diệm, lần thứ tư bị Nguyễn Khánh “đuổi” sang Nhật, rồi đến Mỹ. 

Ông kể lại quan hệ và tiếp xúc trực diện của ông với các lãnh đạo chính quyền, như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm; với các lãnh tụ đảng phái Quốc Gia, như Trương Tử Anh, Phan Huy Đán, Nguyễn Xuân Tiếu; với các khuôn mặt chính trị Cộng Sản, như Trần Văn Giàu, Hoàng Quốc Việt, Dương Đức Hiền, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng; liên hệ của ông với Mỹ, đặc biệt là Donald Heath, Edward Lansdale, và một “cố vấn của Tổng Thống Johnson” tại Blair House mà ông không nhớ tên. 

Về đảng phái, ông nói về  những “phản bội” chính trị mà ông là nạn nhân, về tổ chức và sự phân hóa trong Đại Việt Quốc Dân Đảng dẫn đến việc thành lập đảng Tân Đại Việt, và phát biểu nhận định cá nhân về ưu, khuyết điểm của đảng phái Quốc Gia và những cơ hội bỏ lỡ. 

Bác sĩ Hoàn tiết lộ một số sự kiện đặc biệt:

  1. Phong trào thanh niên sinh viên ca hát các bài ca ái quốc là do ông lãnh đạo với sự giúp sức của Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, và Lưu Hữu Phước. Những người này lúc đó là cảm tình viên của Đại Việt Quốc Dân Đảng mà chưa là Cộng Sản.
  2. Chính Nguyễn Tôn Hoàn là người chọn bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” của Lưu Hữu Phước để hát trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Bài hát này sau được đổi tên thành “Tiếng Gọi Thanh Niên” và trở thành quốc ca của các chính phủ Quốc Gia. Lời bài hát không do một người làm mà do một ủy ban sinh viên làm trong đó có Đặng Ngọc Tốt.
  3. Khi Việt Minh tổ chức biểu tình cướp chính quyền dễ dàng ở Hà Nội thì lực lượng của Đại Việt ở các chiến khu không về kịp vì bị lụt.
  4. Trong giai đoạn đó, ông Hoàn, theo lệnh của Trung ương đảng, qua Nguyễn Tiến Hỷ, tìm cách tách miền Nam khỏi chính quyền miền Bắc vì nó đã bị Việt Minh Cộng Sản kiểm soát.
  5. Bị tố cáo là có chủ mưu chia rẽ Nam Bắc, ông Hoàn bị Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Bá Nhung, trong một phiên họp của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đề nghị xử tử, nhưng chạy thoát và được thanh niên che chở.
  6. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Thanh Niên Tiền Phong tổ chức. Trần Văn Giàu chỉ là một ủy viên, nhưng lãnh đạo Thanh Niên Tiền Phong lại là Nguyễn Tôn Hoàn, Huỳnh Văn Tiểng, và Lưu Hữu Phước.
  7. Trần Văn Giàu và Việt Minh nhận tiền và cộng tác với Pháp ngay trước khi Nhật đảo chánh.
  8. Hoàn là người tổ chức Mặt trận Quốc Gia Liên hiệp để gây thanh thế cho Bảo Đại, rồi sau này cùng với Nguyễn Xuân Chữ, Ngô Đình Nhu và “bác sĩ Toàn” lập một “ủy ban bốn người” vận động đoàn kết các đoàn thể và giáo phái từ Nam chí Bắc để ủng hộ Ngô Đình Diệm. 
  9. Khi về nước, ông Diệm muốn làm Syngman Rhee, chỉ hoạt động riêng với ông Nhu, không cộng tác với phong trào Đại Đoàn Kết, và xung đột với Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo. 
  10. Ông Hoàn là người giúp tổ chức chính phủ đầu tiên của cả Bảo Đại lẫn chính phủ đầu tiên của Ngô Đình Diệm.
  11. Ông Hoàn khuyên ông Diệm và ông Nhu đừng nên đánh Cao Đài và Hòa Hảo vì các lãnh đạo của họ sẵn sàng ra ngoại quốc để chính phủ Ngô Đình Diệm “rảnh tay làm việc,” nhưng họ không nghe.
  12. Sau khi Nguyễn Khánh đảo chánh Dương Văn Minh, Hội đồng Quân nhân mời bác sĩ Hoàn về làm Thủ tướng. Nhưng khi về tới nơi, Nguyễn Khánh chỉ cho ông làm Phó Thủ tướng. Về sau, vì bị Nguyễn Khánh nghi ngờ nên ông bị tướng Khánh buộc phải rời Việt Nam “trong vòng 24 giờ.”
  13. Ông bằng lòng ra đi sau khi có thỏa thuận với tướng Khiêm, tướng Thiệu, và Đại tá Huỳnh Văn Tồn sẽ mời ông về làm Thủ tướng sau khi họ đảo chánh Nguyễn Khánh. Cuộc đảo chánh của Huỳnh Văn Tồn thất bại vì không có sự giúp sức của tướng Khiêm và Thiệu.
  14. Chính nhờ bác sĩ Hoàn mà ông Thiệu không bị Nguyễn Khánh cách chức Tham mưu trưởng và đẩy xuống làm chỉ huy cảnh sát.
  15. Đảng Đại Việt tổ chức theo lối lãnh tụ chế, vì trong hoàn cảnh đánh Pháp, “việc chỉ huy phải khắt khe.” Đảng trưởng Trương Tử Anh “giao cho ai công việc gì thì cứ thế mà làm.”
  16. Khuyết điểm của phe Quốc Gia là thiếu tổ chức, không biết huy động quần chúng, không chủ trương biểu tình trong giai đoạn 1945.
  17. Về cái chết nhiều nghi vấn năm 1954 của nguyên Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí, một lãnh tụ cao cấp của Đại Việt Quan Lại, ông Hoàn khẳng định ông Trí “tức quá, hộc máu mà chết vì Pháp gạt ổng.”

Toàn văn:

Nguyễn Tôn Hoàn 1 –VP-NMH-A011 

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho phép chúng tôi được phỏng vấn bác sĩ về ký ức và những điều mà bác sĩ biết được về những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, tức là giai đoạn 1944-1945 và giai đoạn 1946 sau khi các đảng phái Việt Nam bị Cộng Sản đánh bại cho đến năm 1954 là ngày chia đôi đất nước, giai đoạn đó là giai đoạn đảng phái Việt Nam bị đối phó với một bên là Cộng Sản, một bên là người Pháp. Vậy thì xin bác sĩ cho phép tôi được bắt đầu.

Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn NTH): Ông biết chuyện chi thì ông nói rồi tôi trả lời

NMH: Thưa bác sĩ, trong số những người còn sống sót đến ngày nay thì bác sĩ có lẽ là một trong những người rất hiếm là vừa làm cách mạng và lại vừa làm chính quyền. Bác sĩ là người tham gia cách mạng hồi đầu và bác sĩ sau này lại còn giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ trong hai giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam: giai đoạn thứ nhất là giai đoạn đầu tiên của chính phủ Bảo Đại, giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà sau khi có cuộc chính biến đảo chính ông Diệm và nhiều cuộc chính biến sau này kể cả cuộc “chỉnh lý” của tướng Nguyễn Khánh khi bác sĩ trở thành Phó Thủ tướng đặc trách Bình định Nông thôn, thì với những cương vị đó bác sĩ là chứng nhân rất quan trọng của lịch sử. Cuộc đời của bác sĩ gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Tôi xin phép hỏi bác sĩ là bác sĩ bắt đầu tham gia cách mạng Việt Nam từ hồi nào? 

NTH: Tôi bắt đầu tham gia vào việc cách mạng từ năm tôi 20 tuổi, tức là năm 1937. Năm 37 là tôi tham gia vô đảng Đại Việt do ông Trương Tử Anh tổ chức. Lúc đó là lúc mà ở bên Âu Châu bắt đầu có những cuộc chiến tranh do Hitler gây ra thì chúng tôi biết rằng toàn thể quốc tế sẽ có một cuộc xáo trộn mà có thể gây ra một cái thế cho quốc gia Việt Nam, vì vậy mà tôi tham gia vô cuộc cách mạng để theo đảng Đại Việt. Ngay lúc đó thì chúng tôi đã tổ chức ở trong trường đại học được một tổ chức gọi là tổ chức cách mạng bí mật.

NMH: Thưa Đại học nào?

NTH: Đại học Hà Nội 

NMH: Hồi đó bác sĩ là sinh viên y khoa hay sao?

NTH: Tôi lúc đó là sinh viên y khoa, năm đó chúng tôi nghĩ không biết làm cách nào mà, trong khi người Pháp còn đó, có thể gây tinh thần cách mạng cho nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng người Pháp kính trọng tất cả những gì về văn hoá cho nên chúng tôi nghĩ rằng có thể dùng ca nhạc có thể gây tinh thần cách mạng. Do đó từ trường đại học chúng tôi có thể gây được phong trào ca hát những bài hát gây tinh thần cách mạng trong nhân dân. “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi” là những câu nói từ xưa mà dân chúng thường hay hát. Chúng tôi cùng ông Lưu Hữu Phước, ông Huỳnh Văn Tiểng, ông Mai Văn Bộ cùng một nhóm khác nữa trong bí mật sinh viên đã tổ chức được cả một phong trào “ca hát gây tinh thần cách mạng trên toàn quốc” mà Việt Cộng lúc đó không làm được việc gì hết. 

NMH: Lúc đó đã có Việt Minh rồi? 

NTH: Đã có Việt Minh rồi, đã có Cộng Sản rồi, nhưng chính là chúng tôi gây được cao trào chống Pháp và gây được phong trào tranh đấu cho độc lập. Cái công đó không phải ở Việt Minh, công đó nếu có thể nói là đảng Đại Việt vì tôi là người trong đảng Đại Việt và tôi tổ chức, mà nói đó là công của sinh viên cũng được. 

NMH: Thưa bác sĩ những ông như là Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ về sau họ đi theo Cộng sản thì hồi đó họ có là …

NTH: Tôi lúc đó là người chỉ huy họ.

NMH: Họ là ở trong Đại Việt hay sao?

NTH: Lúc đó thì họ chưa là Đại Việt. Cũng có thể gọi là người thân cận, là cảm tình viên.

NMH: Đại Việt lúc bấy giờ thì chưa chính thức thành lập phải không?

NTH: Cũng thành lập nhưng vẫn ở trong hàng ngũ bí mật, ở trong bí mật chứ chưa ra công khai 

NMH: Năm 1939 mới ra tuyên ngôn tức là mới ra công khai à?

NTH: Ra công khai là lúc có tuyên ngôn này kia, ông Trương Tử Anh là người chuyên lo việc đó. Tôi thì được ủy cho phận sự là lo cho sinh viên.

NMH: Gọi là sinh viên vận. Những ông này hồi đó là cảm tình viên của đảng Đại Việt?

NTH: Là cảm tình viên, mà rồi lát nữa tôi cũng sẽ nói cho ông biết vì sao các ông này mắc kẹt trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản. Lịch sử chưa ai biết chuyện đó mà tôi là người biết rõ những chuyện đó, thành ra khi cao trào cách mạng lên rồi thì tự nhiên trong nước đang tổ chức, chúng tôi lúc đó hay đi xe đạp mà đi từ Nam ra Bắc mà những ngày nghỉ đi tới đâu thanh niên họp bàn với chúng tôi để tính việc tổ chức. Chúng tôi nghĩ rằng đáng lẽ phong trào đó phải đưa dân đi tới chỗ là đánh Pháp. Thế nhưng bí mật bên trong thì Việt Minh tổ chức. Hồi đó mới nghe rục rịch Việt Minh thế này thế kia. Chính Việt Minh có tổ chức một cuộc hội họp giữa chúng tôi với họ.

NMH: Hồi đó họ là Cộng Sản hay lấy tên là gì không?

NTH: Họ chưa nói là Cộng Sản. Lúc đó họ lấy tên là Việt Minh, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Việt Minh có cử người đến gặp chúng tôi thì trong buổi họp có Dương Đức Hiền lúc đó là Tổng trưởng sinh viên, rồi Huỳnh Văn Tiểng với tôi, Rồi hội với người thay mặt cho Việt Minh. Sau khi hội họp nhau tôi hỏi họ như thế này “Sau này quý ông sẽ tổ chức Việt Nam như thế nào?”

NMH: Nghĩa là hồi nào ạ?

NTH: Hồi đó cách mạng rồi.

NMH: Hồi đó là năm nào?

NTH: Năm đó là năm 1945. Tôi không nhớ kỹ là năm 45 hay tôi không biết. Lúc đã có tổ chức Việt Minh rồi.

NMH: Việt Minh thì thật sự…

NTH: Có cái chuyện tại sao mà Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ mà sau lại đi theo Cộng Sản. Thì lúc ấy Pháp vẫn còn, ông hãy nhớ chỗ đó, Pháp vẫn còn, trên Pháp thì có tụi Nhật Bổn, ông nhớ kỹ đừng quên chỗ đó. Khi chúng tôi hoạt động dưới sự kiểm soát của Pháp thì vẫn là bí mật, mà hoạt động công khai thì vẫn là chuyện ca hát, về mặt quốc gia thì chính là một chuyện rất ngẫu nhiên mà thành chuyện lịch sử thì thế này. Ngày mà chúng tôi tổ chức một cuộc ca hát ở Nhà Hát Lớn ngoài Hà Nội, bắt đầu thì đàn bản “Thanh Niên Hành Khúc”, lúc đó gọi là “Sinh Viên Hành Khúc” mà người Pháp đi dự đứng lên hết thì là một chuyện lạ. Sau này bài hát đó đã thành quốc ca Việt Nam, thì chuyện mình thấy có lạ kỳ từ lúc đầu chứ không phải không. Mà ai lựa bản đó của Lưu Hữu Phước đưa ra? Người đó chính là tôi. Lưu Hữu Phước đưa ra nhiều bản nhờ tôi lựa một bản để làm tiếng gọi thanh niên, trước hết là tiếng gọi sinh viên thì tôi đã lựa bản đó ra. Trong những bài của Lưu Hữu Phước tôi bỏ hết mà tôi lựa được bản đó.

NMH: Hồi đó lấy tên “Tiếng Gọi Thanh Niên” hay là “Tiếng Gọi Sinh Viên”?

NTH: Tiếng Gọi Sinh Viên, nhưng mà văn của bài đó đó thì cũng do một committee (ủy ban) của sinh viên viết ra chứ không phải của một cá nhân nào hết, công việc đó cũng có Đặng Ngọc Tốt bây giờ mắc kẹt bên hàng ngũ sinh viên là người bạn rất thân với tôi. Anh Đặng Ngọc Tốt là một người rất giỏi về diễn thuyết chính ông ấy diễn thuyết đứng ra kêu gào cách mạng vì vậy mà ông ấy bị Pháp lôi thôi dữ lắm, bắt bỏ tù, rồi sau cùng ông ấy mắc kẹt bên Việt Cộng. Chúng tôi đang hoạt động bí mật thì lúc đó chúng tôi có mặt ở Sài Gòn đang ở nhà của ông, một người ingénieur des travaux publics (kỹ sư công chánh) của Pháp, ông Khoa, ông ấy tên Khoa. Đêm hôm đó chúng tôi cũng ở chung với nhau, đang làm việc với nhau thì ông cậu tôi xuống. Ông ấy mới nói con phải về để mà dự đám cưới của anh của con, mà ông năn nỉ từ sáng tới chiều tôi quyết định tôi không đi, sau cùng ông ấy nói là “con mà hổng đi dự đám cưới này là cậu từ con.” Ông ấy nói đến tiếng từ thì tôi nói thôi để tôi bàn một tiếng với anh em rồi tôi cùng đi, anh em tôi nói thôi thì như thế thì anh phải đi, thì tôi ra đi. Đêm đó thì tụi Pháp xuống bắt hết anh em ở đó thằng Tiểng, Bộ, Phước, và một đám đó bị bắt đem vô khám.

NMH: Hồi đó nó bắt là ở Hà Nội hay ở Sài Gòn?

NTH: Sài Gòn, để tôi nói hết cho ông nghe. Vì chuyện bắt bớ đó người ta liên lạc với tôi. Tôi lúc đó ở trong Giồng Lớn, cách con sông Đồng Nai bên kia thì ông anh tôi ông ấy đạp xe đạp về ông mới cho biết, ông nói “Em không nên trở về Sài Gòn nữa bởi vì Pháp đang lùng bắt tất cả những người trong tổ chức của em”. Từ đó tôi mới trốn lần lần đi, nghe tiếng Pháp gần tới đâu thì tôi trốn đi, sau cùng tôi trốn lên Trúc, Plantation (đồn điền) Trúc, bên Cao Mên. Tôi có người bà con ở trên đó, tôi trốn lên trên đó, trên Cao Mên, thì ở dưới này tự nhiên Pháp và Đồng Minh, ông nên nhớ chỗ đó vì …nó quan trọng lắm, Pháp và Đồng Minh nhốt mấy người đó. Trần Văn Giàu được Pháp cho vô nói chuyện với các anh em ở đó. Lúc đó Trần Văn Giàu chẳng có cái gì hơn là lấy danh nghĩa là Đồng Minh. Mà chúng là đồng minh thiệt, phải không? Cộng Sản với Pháp lúc đó là đồng minh. 

NMH: Giai đoạn nào, giai đoạn 1946?

NTH: Đâu có. Chưa. Trước đó, trước ngày đảo chính 

NMH: Trước ngày đảo chính, cho Trần Văn Giàu…

NTH: Lúc đó Pháp ngấm ngầm tuy là làm việc cho Nhật Bổn nhưng mà ngấm ngầm đi với Việt Cộng, cho tiền bạc cho Việt Cộng tổ chức. Ở ngoài thì tự nhiên là Nga, bên trong là Pháp. Tiền bạc của Pháp đã giúp Việt Cộng tổ chức. Cho nên cho Trần Văn Giàu vô nói chuyện với anh em trong đó. Anh em trong đó bị thuốc của Trần Văn Giàu nói rằng Đồng Minh thì làm sao mấy anh chống được thì bây giờ mấy anh đi theo tôi để giải quyết vấn đề độc lập. Thì ai không tin chuyện đó? Họ đưa ra hình máy bay Đồng Minh ở bên Tàu làm sao, này kia kia nọ.  Lúc đó Mỹ cũng đi với Việt Cộng, tôi nhớ vậy.

NMH: Thưa bác sĩ tại sao họ bỏ mình đi mà lại đi với Việt Cộng?

NTH: Ai? Mỹ hả?

NMH: Vâng. Bác sĩ nói Pháp với Việt Cộng đi đêm với nhau, hồi đó mình theo Nhật hay sao mà nó không đi với mình?

NTH: Không, mình cũng chẳng theo Nhật bởi Nhật đâu có giúp đỡ gì mình đâu, mình chống Pháp.  

NMH: Nhưng mà Cộng Sản nó cũng chống Pháp chứ?

NTH: Cộng Sản đâu có chống Pháp, nói như thế thì trật rồi, Cộng Sản đâu có chống Pháp, phải nhớ chỗ đó, Việt Cộng không chống Pháp lúc đó mà Việt Cộng lại ngấm ngầm đi với Pháp

NMH: Mục đích của nó làm gì?

NTH: Mục đích đó là gì? Là để tổ chức được trong nước, nên nhờ vậy đó mà nó có tiền có bạc của Pháp, Trần Văn Giàu cũng lấy tiền của Pháp đó chứ. Lúc đó Trần Văn Giàu vô thuyết được các anh em đó. Kế đó Nhật Bổn đảo chánh, gọi là đảo chánh nghĩa là dẹp tụi Pháp, dẹp cái administration (chính quyền) của Pháp. Thì tự nhiên là anh em Thanh niên Tiền phong là cũng bọn tụi này cũng là Huỳnh Văn Tiểng này kia kia nọ, nó sẽ lên. Ở trong Nam lập một uỷ ban kháng chiến trong đó có Trần Văn Giàu, ông phải nhớ như vậy, lúc đó Việt Cộng trong Nam không có gì mấy, lúc đó còn ở ngoài Côn Lôn hết. Nghĩa là cán bộ Cộng Sản mắc kẹt ngoài Côn Lôn, thì trong này anh em Thanh Niên Tiền Phong tổ chức một Uỷ ban Kháng chiến miền Nam. Trần Văn Giàu có chân trong đó. 

NMH: Thanh niên Tiền phong là của ai lập ra?

NTH: Thanh niên Tiền phong lúc đó là của anh em thanh niên.

NMH: Ai đứng đầu?

NTH: Lúc đó là tôi, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước này kia. 

NMH: Có ai có liên hệ với Đại Việt không? Có phải là một phần của Đại Việt không? 

NTH: Không thể nói là Đại Việt, đó là cao trào của thanh niên quần chúng. 

NMH: Có thể nói bác sĩ đội hai cái mũ, nói theo kiểu Mỹ, một mũ là Đại Việt, còn một mũ khác là lập phong trào bên ngoài.

NTH: Nhiều phong trào bên ngoài tôi phải lập. Bởi vì nói chuyện đoàn thể không thì không được. Phải lấy tất cả quần chúng mà làm việc. Thì lúc đó tôi cũng có chân trong đó. Anh em thì cũng lập ra rồi. Công việc làm đó đầu tiên miền Nam rất là trong sạch, nghĩa là quốc gia hoàn toàn. Lập Uỷ ban Kháng chiến đó có Trần Văn Giàu thì tự nhiên ở ngoài Bắc gởi Hoàng Quốc Việt vô. Khi Hoàng Quốc Việt vô tới rồi làm việc với Trần Văn Giàu một thời gian thì mới kêu Trần Văn Giàu ra Bắc. Lúc anh em lập Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ thì tôi ở trên Cao Mên tôi về. 

NMH: Tại sao bác sĩ lại sang Cao Mên?

NTH: Thì tôi đang trốn trên Cao Mên. Ở trên Cao Mên về thì tôi vô Uỷ ban Kháng chiến tới lui tôi bàn chuyện với anh em. Chuyện cấp bách quá phải làm việc. Trần Văn Giàu hỏi anh này là cái gì mà sao vô đây tự do như thế này không ai hỏi giấy tờ gì hết. Tụi nó nói anh này là bạn thân của chúng tôi không có hại gì hết, thì tôi thấy công việc bị ảnh hưởng. Tôi không biết Hà Nội ra sao. Tôi mới chạy ra Hà Nội, chạy ra Hà Nội thì ở ngoài Hà Nội anh em mới nói thế này, phải trở về trong Nam đặng mà tách miền Nam ra, tách miền Nam ra khỏi chế độ ngoài kia.

NMH: Nhưng mà anh em là trung ương đảng hay là? 

NTH: Anh em trung ương đảng, lúc đó là Nguyễn Tiến Hỷ. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ bây giờ chắc cũng mất rồi, không còn, cũng tội nghiệp ảnh. Thì anh em bàn tính nhau gởi tôi trở về Nam. 

NMH: Hồi đó ông Trương Tử Anh còn không?

NTH: Còn, ảnh còn. Để tôi nói hết cho ông nghe. Về tới trong Nam, đêm đó tôi ở chỗ Uỷ ban Kháng chiến mà bị Pháp đuổi về ở dưới Thủ Thừa. Tôi ngủ một giường với Huỳnh Văn Tiểng tôi mới nói với Tiểng, ở ngoài Bắc tụi nó làm Cộng Sản rồi thì giờ trong Nam tụi nó đâu có Cộng Sản gì mấy thì mình cứ làm chuyện Quốc Gia trong Nam. Huỳnh Văn Tiểng đêm đó nằm suy nghĩ với tôi, nó nói khó quá anh ơi, mình đang chống Pháp mà công việc thì mình cũng cần đồng minh hơn nữa bây giờ mình chia rẽ Nam Bắc ra thì làm sao. Vì chỗ không muốn chia rẽ Nam Bắc mà Lưu Hữu Phước phải đi theo con đường đó, nên nhớ chỗ đó. Lưu Hữu Phước lúc đầu chưa phải là Cộng Sản. Đêm đó xong tôi mới tổ chức một cái, Huỳnh Văn Tiểng mới nói với tôi ngày mai hội, hội Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ nghen. Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ hội thì có Hoàng Quốc Việt ở đó. Khi tôi đi về thì Trần Văn Giàu ở giữa đường, tôi vô thì nó ra Hà Nội. 

Trong buổi hội đó tôi chẳng nói gì hơn vì tôi biết có Hoàng Quốc Việt Cộng Sản ngồi đó thì tôi không nói. Tôi nói bây giờ miền Nam đang kháng chiến mà chính phủ ở Bắc lo công việc ngoài Bắc nhiều quá không ai lo khí giới đạn dược cho trong Nam, vậy thì chúng mình phải tổ chức và tôi sẽ đứng ra tình nguyện tổ chức mua súng đạn đem về Nam đánh nhau. Hội xong với tụi nó rồi thì tôi đem báo chí này kia vô cho Huỳnh Văn Tiểng coi. Thì trong Nam, Tây nó rượt người kháng chiến mà với tầm vông vạt nhọn thì có làm gì được, nó rượt như đuổi gà vậy. Chạy. Nhưng mà ngoài Bắc thì cứ nói thắng trận cái này, thắng trận chỗ kia. Tôi đưa cho tụi nó coi, người ta chỉ nói láo không, tuyên truyền nói láo, không có dựa vào đâu hết mà nói láo không thôi. Người ta không tiếp mình bằng súng đạn mà người ta tuyên truyền mình thắng, thành công việc này thành công việc kia đâu có được. Thành ra, ra buổi hội tôi cũng nói phải lo riêng cho Nam bộ, ngoài Bắc nhiều việc quá chính phủ ngoài Bắc không lo được là lúc đó tôi cứ âm mưu tách được miền Nam ra. 

Hội xong rồi thì anh em họ mới mời tôi xuống dưới thang lầu ngồi chờ, tôi chờ lâu lắm không thấy xuống nói chuyện, rồi sau cùng thì ở trên mới đi xuống mà không ai dám nói gì tôi hết thì tôi đi thôi. Tôi lấy làm lạ, tôi nói sao mà hội với một ủy ban, chuyện của ủy ban quyết định thế nào thì phải cho mình biết vì chỗ đó mà tôi không hiểu gì hết, tôi mới đi tới tổng hành dinh, tổng hành dinh lúc đó cũng đặt ở Thủ Thừa thì đóng cửa ở ngoài hàng rào không cho ai vô hết, các ông trong tổng hành dinh bàn chuyện gì với nhau không ai biết, anh em sinh viên chạy ra gặp tôi rồi hổng nói gì hết, chạy vô hai ba người, sau cùng có một người nói với rõ với tôi là “anh Hoàn, tụi Hoàng Quốc Việt tính giết anh đó” mà trong buổi hội thì Huỳnh Văn Tiểng là người lúc đó là ủy viên trưởng, Kiều Công Cung là người lo việc quân sự. Bác sĩ Huỳnh Bá Nhung là người không biết lúc đó làm gì. Với Hoàng Quốc Việt là 4 người nhưng anh ủy viên trưởng có thêm một lá thăm, ảnh được thêm một lá thăm thì ảnh chống mà trong lúc đó thì 3 người chống thì hai người kia không giết tôi được.

NMH: Thế người quyết định giết là Hoàng Quốc Việt và ai nữa?

NTH: Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Bá Nhung nói là tôi chủ trương chia rẻ

NMH: Còn mấy người kia là chống?

NTH: Hai người kia chống nhưng mà hai người kia là 3 phiếu thành thử ra không giết tôi được nhưng mà anh em cũng sợ không dám cho tôi biết quyết định đó, hổng quyết định gì được, không có quyết định gì hết bởi vì chỉ có việc quyết định là có giết tôi hay không vì tôi chủ trương chia rẻ tách miền Nam. Nó hiểu ngay, Cộng Sản nó hiểu ngay mặc dầu trong buổi hội nó nói với mình người này chỉ có chủ trương chia rẽ thôi thì mấy anh nói gì nói nhưng không thể phản tôi được. Tôi chỉ lo việc kháng chiến. Họ nói rằng người này không phải là người có tội gì quốc gia hết thành ra không xử tôi phải chết. Nhưng mà khi anh em sinh viên trong tổng hành dinh ra cho tôi biết như vậy thì họ cũng nói một câu thế này, thôi thì anh lo anh trốn đi anh đừng ở đây, bởi vì mấy người này rõ ràng họ là Cộng Sản rồi, nếu anh ở đây thì một ngày nào đó họ cũng giết anh. 

Công việc tôi không thành thì tôi phải trở ra ngoài Bắc mà lúc đó người lo cho tôi đi cho tôi một chiếc thuyền có máy cũng là một sinh viên, thì nói như vậy nghĩa là từ Nam chí Bắc sinh viên bào chữa tôi chứ không có tôi cũng chết trong tay Cộng Sản rồi. Trở ra ngoài Bắc bây giờ mình biết rằng là tụi nó thống nhất được rồi đó, mình không tách được miền Nam. Anh em sinh viên trong Nam lúc đó thì nói là nếu mình chia rẽ với chính phủ thì làm sao trong lúc chống Pháp mà chia rẽ thì làm sao chia rẽ được. Họ không đủ tinh thần cách mạng để hiểu rằng là chống cộng thì phải chống ngay từ lúc đó chứ không phải về sau, mà vì chuyện họ đi theo Việt Cộng lúc đó họ mắc kẹt luôn cho tới ngày hôm nay, tôi rất lấy làm tiếc. Sau đó Việt Cộng còn muốn giết tôi, lên án tôi hoài mà đánh không được bởi vì ảnh hưởng của anh em sinh viên trong hàng ngũ hãy còn cho nên không giết tôi được. Vì chỗ đó khi tôi trở ra Hà Nội thì tôi cho anh em biết nói chuyện đó không thành giờ thì Hà Nội chỉ còn có cách đảo chánh thì anh em chúng tôi cũng nghĩ được chuyện đó. À, quay lại chuyện tại sao Việt Cộng về Hà Nội được. 

NMH: Dạ, ông cứ nói.

NTH: Trong lúc chưa có Việt Cộng, Việt Minh chưa lên nắm chính quyền thì có chính quyền Bảo Đại. Ông nhớ không? Phan Kế Toại ở ngoài Bắc, Phan Kế Toại có một đứa con, nó là Việt Minh. Trong một buổi biểu tình của Việt Minh thì trong lúc ở các chiến khu bên quốc gia cũng sắp sửa lôi về, kéo về Hà Nội thì … 

NMH: Hồi đó Đại Việt có chiến khu không?

NTH: Đại Việt có chiến khu: chiến khu Yên Bái, chiến khu Ninh Bình rồi hai ba chiến khu sắp trở về. Rủi cho mình, lúc đó là mưa tầm tả, lụt cùng hết, đi không được. Khổ cho mình, Quốc Gia nhiều cái xui lắm. Việt Cộng do một cuộc biểu tình, bắn một phát súng mà thôi thì đứa con Phan Kế Toại yêu cầu Phan Kế Toại từ chức. Nên nhớ rằng không có đánh nhau gì hết, chỉ có một phát súng biểu tình, một phát súng sáu bắn lên trời. Người Việt mình chưa quen với biểu tình, thấy biểu tình thì ôi, dân chúng tề tụ này kia, dân chúng đi theo cờ Việt Cộng, Việt Minh, rồi này kia kia nọ thì ở trong dinh Phan Kế Toại từ chức, Việt Cộng lên ngay từ lúc đó. Hồ Chí Minh chưa về. Nên nhớ chỉ có phát súng bắn lên trời mà cướp được chính quyền. Người chứng kiến việc đó là người anh ruột của tôi, anh ta lúc đó cũng là Việt Minh, ông ta cũng đi dự biểu tình, ông ta chứng kiến việc đó và ông ta nói lại với tôi sau này.  

NMH: Ông ấy tên là gì ạ? 

NTH: Phan Thanh Hòa 

NMH: Thưa bác sĩ, mình thấy rõ ràng là đảng Đại Việt khi bác sĩ về thì tính làm chuyện đảo chánh, cướp chính quyền phải không? Thế mà trong khi đó Việt Minh họ cũng bàn cướp chính quyền phải không?

NTH: Không. Xin lỗi ông, tôi trở về Việt Minh lên chính quyền rồi 

NMH: Tức là đảo chánh nữa, đảo chánh Việt Minh

NTH: Ừ, đảo chánh Việt Cộng. Tôi tính đảo chánh từ Hà Nội thì chắc yên.

NMH: Thế thì tôi xin hỏi bác sĩ mấy câu này, tôi xin phép hỏi thẳng. Bác sĩ có nói người sáng lập ra đảng Đại Việt là ông Trương Tử Anh. Về ông Trương Tử Anh thì ông ấy không viết và ít người nói về cuộc đời của ông ấy lắm. Và có người nói với tôi là… à… có phải ông ấy là sinh viên không?

NTH: Ông ấy là sinh viên. 

NMH: Ông ấy nói hay lắm phải không?

NTH: Ừ.

NMH: Mà ông ấy nói, là những người lớn tuổi như Đặng Văn Sung cũng đi theo hết. Bác sĩ có thể cho biết một vài đặc tính của ông Trương Tử Anh như là một người lãnh tụ…

NTH: Sự thật ra thì tôi ít khi gặp ổng. Tôi chỉ gặp khi có việc đoàn thể mà thôi. Sự thật là vậy. Tôi không phải là người sùng bái lãnh tụ. Tôi chỉ vô một cái tổ chức rồi làm việc theo tổ chức. Tôi ít khi gặp ổng nhưng tôi có gặp một lần, nói chuyện nhiều, khi ổng gởi tôi đi ra ngoại quốc. Ổng biết khi Việt Cộng làm bố ráp dọc theo các đường xá… 

NMH: Nghĩa là khoảng 1946, sau Hiệp định sơ bộ, 6/3 năm 46 với Pháp, bắt đầu đánh nhau ấy.  

NTH: Mùng sáu tháng ba năm bốn sáu với Pháp…

NMH: Nghĩa là lúc Việt cộng đã cướp được chính quyền rồi, Pháp mới vào miền Nam, rồi lại muốn ra Bắc nữa, nó mới ký với Pháp cái Hiệp định sơ bộ, lúc đó Quốc Dân Đảng đại diện là ông Vũ Hồng Khanh. Ông Nguyễn Tường Tam phản đối không chịu ký. Sau khi nó ký rồi thì xảy ra chuyện hai bên đánh nhau. 

NTH: Bắt đầu đánh nhau từ tháng 12 lận. 

NMH: Việt Minh với Pháp đánh nhau. 

NTH: Thì cái chuyện trong lúc ấy là tôi ở trong nhà thương Hà Nội, ổng cho mời tôi gặp gỡ. Ổng nói: Công việc bây giờ nguy lắm rồi, tôi thấy chuyện an ninh của anh không thể bảo đảm được nữa, bây giờ chúng tôi tổ chức cho anh đi ra ngoại quốc rồi về sau tổ chức lại đội ngũ của đoàn thể. 

NMH: Ông đi đâu?

NTH: Tôi sang bên Tàu. Lúc đó nói chuyện nhiều. Tôi thấy đó là người dòm thấy xa, thấy cần gửi tôi đi để về sau tổ chức lại đoàn thể. Cái người thấy xa lắm. Tổ chức được cái việc tôi đi là cũng giỏi. Chứ tụi nó trinh sát xét cùng hết trọi hết trơn. 

(Băng bị nhão, không nghe được)

NMH: Chiếc ghe đó? 

NTH: Nguyễn Tôn Hoàn: Để dưới hầm chiếc ghe đó. Mà tui không hiểu vì sao tụi trinh sát nó xét đi xét lại năm ba lần, hết người này đến người kia xét, mà tụi nó không nghĩ là phải dỡ tấm ván lên. Tui nằm ở dưới đó. Ai mà bảo vệ tôi lúc đó? Đó chỉ là số mạng của tôi mà thôi. Nhờ chỗ đó mà tôi sống sót, qua bên Tàu. Từ ngày đó trở đi là dịp khác rồi. 

Anh em trong nước không tổ chức đảo chánh nổi. Tôi nói vì sao anh em không tổ chức đảo chánh được. Khi tôi ra Hà Nội, tôi hai đến đường Quan Thánh, đứng trên một cái lầu có ban công để diễn thuyết cho dân chúng. Có một hôm dân chúng yêu cầu tôi cùng nhau đi ra Bắc bộ Phủ đảo chánh, lôi Hồ Chí Minh xuống. Nhưng khổ một cái là không súng không đạn thì làm sao được. Không thành, nhưng chuyện tổ chức bí mật vẫn tiếp tục. 

Hôm sau báo “Thiết Thực” ra thì tôi được cử lên tờ báo “Thiết Thực” với ông Phan Quang Đán hoài à. Nhưng ông Phan Quang Đán bàn đến chuyện ủng hộ công dân Bảo Đại thì chúng tôi không đồng ý. Đó là chuyện không nên làm, ông Bảo Đại là người thuộc về lịch sử đã qua rồi, đừng nhắc tới nữa. Nhưng ông ấy là người lo phụ trách tờ báo “Thiết Thực”, thì ngày hôm sau tờ báo ra lời kêu gọi biểu tình ủng hộ công dân Vĩnh Thụy, vì vậy Việt Cộng khắc nghiệt và kiểm soát dân chúng kỹ hơn, làm cho công việc của mình khó khăn, hết làm được. Mình không làm được. Rồi nó bắt đầu bố ráp từ lúc đó. Ông thấy việc đó tai hại không? Một bài báo và việc tổ chức không nghĩ cho tới, mà hại đến cuộc cách mạng là không đảo chánh được. Lúc đó cái anh khố xanh này đứng ở đây thì tên gì, làm gì, nói chuyện với ảnh làm sao… là đã tổ chức được kỹ lưỡng, bởi vì quân đội Việt Cộng có gì? Nên nhớ là Việt Cộng không có quân đội riêng. Lúc đó chỉ xài lính khố xanh, khố đỏ cũ.  

NMH: Tức là mình vận động lính khố xanh khố đỏ lại. 

NTH: Ừ, việc vận động lính khố xanh, khố đỏ thì công việc cũng đang tiến hành. Nhưng vì cái chuyện công dân Vĩnh Thụy rồi kêu biểu tình này kia làm Việt Cộng sợ. Lúc đó khu ở chùa Quan Thánh là khu độc lập mà. Nó không kiểm soát được thành phố Hà Nội. Uổng cho mình là lúc mình có thể tổ chức được nhưng không làm được vì mình ra mặt sớm quá. 

NMH: Vâng quay trở lại vấn đề tổ chức đương tiến hành, nhưng bài báo làm cho Cộng Sản họ biết được, họ phá trước. Tôi xin nói lại chuyện ông Hoàng Văn Đào, thì ông nói chuyện năm 45, là ngày đảo chánh 19/8, thì ngày 17/8 đã có cuộc họp. Lúc bấy giờ Đại Việt và Quốc Dân Đảng liên minh với nhau và tìm cách đảo chánh trước nó. Tôi được biết người chủ trương đảo chánh trước họ là ông Tiếu. 

NTH: Nguyễn Xuân Tiếu

NMH: Ông Tiếu Rùa. Ông chủ trương đảo chánh cướp chính quyền. Tôi nghe nói là ông ấy thân Nhật phải không ạ? Đảng Đại Việt Quốc Xã của ông ấy đấy. Theo ông Hoàng Văn Đào thì lúc đó người của các đảng phái Quốc Gia cũng đã bố trí về Hà Nội rồi. 

NTH: Không, quân đội thì chưa về được vì bị lụt. 

NMH: Nhưng có người nói rằng không đồng ý đảo chánh là ông Trương Tử Anh?

NTH: Cái đó tôi không biết. 

NMH: Dạ, vậy tôi xin tiếp tục cái lý do mà một số người trong Đảng Đại Việt nói là tại sao ông Trương Tử Anh không đồng ý. Theo ông Hoàng Văn Đào thì lúc ấy ông Trương Tử Anh nhận được tin rằng người Pháp đã ở Hà Nội và đã bắt đầu có súng ống, cũng bắt đầu nổi lên làm loạn. Thành ra ông ấy sợ là nếu làm đảo chánh, mình giết lẫn nhau thì chỉ làm lợi cho Pháp thôi. Cho nên ông ấy quyết định không đảo chánh nữa. Việc ấy có đúng không?

NTH: Tôi không nghe thấy lệnh trung ương về việc đó. 

NMH: Dạ

NTH: Tôi vẫn tiếp tục tổ chức cùng anh em. Mà cái tờ báo “Thiết Thực” ra hàng ngày mà tôi là người cầm báo để bán, mà mang báo đi là phải mang theo lựu đạn để rủi khi trinh sát tới thì liệng lựu đạn mà chạy. 

NMH: Chính sách của đảng Đại Việt hồi đó là ra sao? Chống Việt Cộng và tìm cách đảo chánh nhưng thất bại nên phải đi lưu lạc phải không ạ? Hay chính sách là không cộng tác?

NTH: Không cộng tác mà muốn đảo chánh.

NMH: Muốn đảo chánh mà không thành công thì thành ra phải sang Tàu lưu vong. 

NTH: Tôi sang Tàu với một vài anh em. Còn ông Anh ở lại lo công việc nội bộ. Sau đó ổng cũng bị bắt. Nghe nói trong khám không ai cho biết là giết nhưng cũng có người biết là ổng bị Việt Cộng giết. 

NMH: Biết là bị giết hay chỉ đoán vậy?

NTH: Biết là bị giết. Những người thấy ổng trong khám, biết là ổng bị giết đã nói lại ra ngoài. Thật ra ổng đã bị giết rồi. 

NMH: Còn ông Tiếu thì bác sĩ đã gặp ông Tiếu nhiều, bác sĩ thấy sao? 

NTH: Tôi gặp ông Tiếu nhiều. Ông Tiếu người người hiền lành lắm, hăng say lắm, tính cả việc làm tiền giả để phá đồng tiền của Việt Cộng. 

NMH: Ổng là kiểu “man of action”? Kiểu người hành động? 

NTH: Ừ, man of action. So với ông Trương Tử Anh thì có lẽ ông Trương Tử Anh thông minh hơn. 

NMH: Bác sĩ là sinh viên. Thành phần đi theo đảng Đại Việt hồi đó là thành phần ưu đãi, tương lai nhiều lắm. Tại sao bác sĩ lại đi làm chuyện đó? Biết nó là nguy hiểm mà. 

NTH: Biết là nguy hiểm. Chính thằng Pháp khi bắt tôi vô nói, nó mời tôi ngồi đàng hoàng, trong lúc anh em cũng bị bắt. Không biết nó đối xử với anh em thế nào chứ với tôi thì nó mời ngồi trên ghế với nó, cùng một bàn để thảo luận, thì nó nói những câu thế này: Mấy ông biết rằng ông là người có tương lai rực rỡ, mà chúng tôi ở đây giữ trật tự cho ông để ông trở thành người giàu có, sang trọng, tại sao ông đi chống chúng tôi. Nó nói mấy cái câu đó. Tây nó thấy vậy. Nhiều người cũng thấy vậy. Tại sao tôi phải dấn thân vô chuyện cách mạng. Tôi nói rằng từ năm 37 tôi đã thấy chuyện đó rồi. Năm 37 tôi đã thấy quốc tế đang xáo trộn, các nước Đồng Minh và phe Trục đang đánh nhau, quốc gia Việt Nam có thể có ngày giải phóng được, mà thiệt vậy, lúc đó ở Việt Nam lộn xộn lắm, mình lần lần rồi cũng độc lập được. Bọn Nhật Bổn nó khốn nạn chứ tụi nó thông minh chút thì mình độc lập lâu rồi. 

NMH: Tức là sao? Nếu mà nó thông minh là sao và nó phải làm gì?

NTH: Nó thông minh thì dẹp hẳn Pháp đi, nó để một chính phủ quốc gia lên. 

NMH: Nó để ông Trần Trọng Kim lên đấy.

NTH: Ông Trần Trọng Kim là sau cùng rồi. Nó thất bại rồi, nó mới làm chuyện đó. Ích lợi gì cho ai? Chính thằng Nhật Bổn là thằng khốn nạn nhứt. Lúc đó là lúc cần để cho người Quốc Gia lên. Người Quốc Gia cũng cộng tác với Nhật chứ không phải không. Nhưng không, nó không giúp đỡ người Quốc Gia Việt Nam. Nó giữ thằng Pháp để cai trị người Việt. Đó là một chính sách ác nghiệt vô cùng. Cái nạn đói ngoài Bắc chết gần hai triệu người, ông có nhớ vụ đó không, cũng tại thằng Nhật mà ra. Thằng Nhật thằng Pháp không cố gắng đưa gạo trong Nam ra. Gạo trong Nam dư để đốt lò điện. Nhưng không đem ra ngoài Bắc để cứu dân. Nó chỉ lo đánh nhau, còn dân Việt Nam chết mặc kệ. Đó là thằng Nhật đó. Sau cùng nó thất bại rồi nó mới đưa chính phủ Bảo Đại trở lại. Để làm gì? Nói cho ngay ra, nếu Bảo Đại cương quyết thì cũng giữ được. Để chi cho anh Phan Kế Toại ngoài Bắc từ chức sớm. Trần Huy Liệu vô thuyết được Bảo Đại từ chức luôn. Tại sao phải từ chức? 

NMH: Tại sao đảng Đại Việt không thuyết phục ông Bảo Đại để ông đừng từ chức mà lại để cho nó…

NTH: Nghe tôi nói hết đã. Bảo Đại là người rất nhu nhược. Nói cái này ra thì cũng khổ. 

NMH: Bảo Đại mới viết một quyển sách rồi đấy, mới xuất bản. 

NTH: Ổng nói gì trong sách của ổng?

NMH: Ông tả về cuộc đời của ông và lịch sử Việt Nam theo quan điểm của ổng. 

NTH: Về lý do tại sao ổng thất bại thì lúc đó mình cũng không tiếp xúc được với Bảo Đại, nhưng mà Bảo Đại từ chức thì làm cho Việt Cộng thành công một cách rất dễ dàng. Không phải đánh nhau gì hết mà thành công dễ dàng. 

NMH: Bây giờ nhìn lại mình thấy giai đoạn 45 thì Việt Minh và các đảng phái Quốc Gia, hai bên đều muốn thành công cả, đều muốn chống Pháp cả. Cuối cùng thì Việt Minh chứ không phải các đảng phái Quốc Gia cướp được chính quyền. Theo ý của bác sĩ thì việc này thế nào? Lý do gì khiến họ thành công trong việc cướp chính quyền, lý do gì khiến mình thất bại?

NTH: Trước hết mình thấy là nó có một cái tổ chức. Nó biết huy động quần chúng. Người mình chỉ lo chuyện cách mạng đảo chánh thôi, chính vì mình không về kịp Hà Nội, nó huy động quần chúng để cho Phan Kế Toại từ chức. Nó thành công chỗ đó. 

NMH: Tôi muốn hỏi lại. Mình muốn làm cách mạng dựa vào lực lượng võ trang nhiều hơn?

NTH: Ừ. 

NMH: Nó thì làm cách mạng dựa vào quần chúng?

NTH: Ừ. 

NMH: Thế nên nó huy động quần chúng được ngay lập tức. Đấy là một lý do. Thế còn lý do gì khác nữa không?

NTH: Tôi nhắc lại là nó không có công gì trong việc gây phong trào cách mạng trong nước hết. Nó chỉ hưởng chuyện người khác làm. 

NMH: Nó nắm được thời cơ? Nó có tổ chức, có kỹ thuật.

NTH: Tổ chức nó không mạnh, nhưng có tổ chức. Huy động quần chúng được. 

NMH: Nhưng Đảng Đại Việt cũng có tổ chức chứ. Tổ chức theo khuôn khổ nào đó.

NTH: Cũng có tổ chức, nhưng không có phương pháp huy động quần chúng. Không biết biểu tình. Lúc đó biểu tình đối với mình không có ý nghĩa. 

NMH: Có phải vì Đại Việt thành phần trí thức nhiều quá không? Tại vì tôi thấy như bác sĩ kể ra thì tôi thấy thành viên toàn là bác sĩ không à. Sinh viên y khoa và bác sĩ ở trong Đảng Đại Việt nhiều lắm. Có phải không?

NTH: Có nhiều. 

NMH: Có phải đảng Đại Việt chủ trương thu hút thành phần elite–ưu tú không?

NTH: Không, không phải. Ông nên nhớ trường đại học lúc đó như một kim chỉ nam cho tất cả thanh niên trong nước. Trường đại học là nguồn ảnh hưởng, từ đó đi ra để huy động tất cả nhân dân trong nước. Ai cũng biết người trong trường đại học là giới lãnh đạo tương lai. Ông nên nhớ vậy. Riêng tôi thì tôi tổ chức trong trường. Còn anh em khác tổ chức chỗ khác. 

NMH: Về phương pháp tổ chức thì bác sĩ tự nghĩ ra hay có đi học ở đâu không? đảng Đại Việt có trường đào tạo cán bộ không?

NTH: Có chứ. đảng Đại Việt cũng tổ chức theo lối lập các chi bộ bí mật. Có tổ chức chứ. 

NMH: Tổ chức đảng Đại Việt hồi đó dưới thời ông Trương Tử Anh thì sao? Trên đầu có ai?

NTH: Lúc đó anh Trương Tử Anh là người lãnh đạo, lãnh tụ, anh ấy điều khiển hết mọi việc. 

NMH: Dạ, thế có chia ra Trung ương đảng hay cái gì không?

NTH: Có Trung ương đảng chứ. Nhưng nói vậy thôi mấy người kia là giúp việc, còn người điều khiển, quyết định công việc là anh Trương Tử Anh. 

NMH: Tức là có tính cá nhân nhiều hơn là tổ chức phải không ạ?

NTH: Ừ. Gọi là lãnh tụ chế. Lúc đầu tiên là lãnh tụ chế. 

NMH: Giai đoạn đầu rất quan trọng. Thế thì chính sách của đảng Đại Việt khi bác sĩ gia nhập Đảng, đồng ý là đánh Pháp rồi phải không ạ, nhưng bác sĩ còn nói là bác sĩ hỏi mấy ông Cộng Sản hồi đó là các anh tính sau này nước Việt Nam sẽ ra sao, thì họ nói họ muốn làm Cộng Sản, và rõ rệt là tôi thấy bác sĩ đã không đồng ý với quan điểm Cộng Sản của họ rồi. Vậy thì chính sách hay chương trình chính trị của đảng Đại Việt có khác gì với đảng Cộng Sản về tương lai của Việt Nam?

NTH: Chúng tôi chủ trương một quốc gia không theo Cộng Sản. Chúng tôi chủ trương dân chủ. Sự thực thì lúc đó anh Trương Tử Anh đi theo một chính sách cũng hơi lãnh tụ quá –lãnh tụ chế. Công việc lúc đó thì tôi chỉ biết Quốc Gia-Việt Cộng thôi, chứ không nghĩ tương lai… 

NMH: Tức là mình chống Cộng Sản thôi? Tại sao mình chống nó?

NTH: Mình chống nó vì nó Cộng Sản, nó độc tài, nó ác nghiệt, nó lệ thuộc Moscow. Vì mấy lý do đó mình chống. Chẳng những vậy, riêng cá nhân tôi, tôi đã nói với người thay mặt cho Việt Minh lúc đó rằng mấy anh làm thế này thì mấy anh sẽ đánh với Mỹ, sẽ đánh giặc với Mỹ. Anh kéo dài cuộc đấu tranh độc lập tự do cho quốc gia một cách vô ích. Làm cộng sản thì khối dân chủ chống lại mấy anh. 

NMH: Tôi xin hỏi chỗ chưa biết rõ là ở đảng Đại Việt bác sĩ liên lạc với ông Trương Tử Anh rồi, nói chuyện với anh em này, bác sĩ được sứ mạng về miền Nam này, bác sĩ lại ra Bắc này, không hiểu vai vế của bác sĩ trong đảng Đại Việt hồi đó ra sao, ở bộ phận nào?   

NTH: Tôi xin lập lại là lúc đó anh Trương Tử Anh theo lối lãnh tụ chế, anh ấy giao cho ai công việc gì thì anh đó cứ thế mà làm. 

NMH: Tức việc là của bác sĩ do ông ấy giao à? Thế thì mấy anh kia thì sao, ông Nguyễn Tiến Hỷ thì sao, chỉ bàn nhau thôi còn quyền thì là ông Anh thôi? 

NTH: Dạ, vậy thôi. 

NMH: Bác sĩ chấp nhận cái đó? Bác sĩ có nghĩ lãnh tụ chế có thể dẫn đến độc tài không?

NTH: Có thể dẫn đến độc tài chứ. Nhưng hoàn cảnh lúc đó đánh Pháp, việc chỉ huy phải khắt khe. 

NMH: Sao bác sĩ lại không chấp nhận Cộng Sản độc tài?

NTH: Không, cái độc tài Cộng Sản nó khác. Cộng Sản còn chống cả tôn giáo và cái này cái khác nữa, mình không chấp nhận được. Nói cho đúng ra thì lúc đó tôi nghĩ là anh Trương Tử Anh chỉ là lãnh tụ chế trong lúc đó mà thôi. Lúc đánh nhau với Pháp, lúc cách mạng mà bí mật, không thể làm dân chủ được, vì vậy sau này khi ra công khai rồi chúng tôi trở thành dân chủ thiệt. Tôi, ông Huy, tất cả chúng tôi là người chủ trương dân chủ. Nhưng trong lúc hàng ngũ bí mật thì làm sao làm dân chủ được. 

NMH: Vâng tôi cũng hiểu. Giống như hội kín. 

NTH: Đúng giống hội kín. 

NMH: Vâng thưa bác sĩ, mình có hội kín nhưng vẫn không mạnh bằng bên kia? Bên kia tổ chức chặt chẽ hơn phải không?

NTH: Tụi kia có lẽ chặt chẽ hơn. Cái nó hơn mình là sách động được quần chúng. Mình không làm được lúc đó.

NMH: Những người gia nhập đảng Đại Việt thì họ thuộc thành phần xã hội nào? 

NTH: Tôi thấy đủ thứ hết. Tôi thấy có những tổ chức trong đồng, trong bái, là người nhà quê. Có nông dân chứ không phải không. 

NMH: Nhưng có phải trí thức nhiều hơn nông dân không?

NTH: Không chắc. Không ai biết, có mỗi anh Trương Tử Anh kiểm soát và biết hết tổ chức đó. Bởi vì nó là lãnh tụ chế. Nó cứ đi dọc lên lãnh tụ, còn người bên cạnh không biết gì hết. Nhờ như vậy nên tồn tại được chứ không thì cũng chết hết rồi. 

NMH: Vậy lúc bấy giờ bác sĩ hoạt động với ai gần nhất? Có lẽ là tam tam chế, tức nhóm ba người?

NTH: Vâng, tôi được làm việc với anh Trương Tử Anh, lâu lâu ảnh cho tôi gặp ảnh, để bàn công việc rồi thôi, rồi công việc ai người đó làm, rồi đến cái ngày ảnh cho tôi đi ra ngoại quốc thì ảnh quyết định cho tôi đi thì tôi đi, thế thôi. 

NMH: Theo tổ chức thì dưới bác si, bác sĩ cũng lại huấn luyện vài người khác, cứ như thế?

NTH: Dạ, dạ. Cứ như thế. 

NMH: Đại Việt có trường huấn luyện cán bộ không?

NTH: Có trường huấn luyện cán bộ quân sự. 

NMH: Tổ chức ở đâu?

NTH: Ở Yên Bái. 

NMH: Lục quân Yên Bái là của Đại Việt phải không?

NTH: Lục quân Yên Bái là của Đại Việt. 

NMH: Bác sĩ có liên hệ gì với ông Linh Quang Viên không? Tôi nghe nói hồi đó ông Linh Quang Viên cũng dạy ở trường Lục quân Yên Bái phải không?

NTH: Dạ, nhưng tôi không lên trường. Đó là công tác khác. Tôi không ăn thua gì đến chuyện đó hết, tôi là người làm việc khác. 

NMH: Có phải chuyên môn tổ chức của bác sĩ trong đảng Đại Việt là tổ chức thanh niên không?

NTH: Dạ phải, đúng. Về sau này, khi tôi về nước…

NMH: Tức là sang bên Tàu rồi về nước ạ. Là năm nào?

NTH: Để tôi nói chuyện mình làm bên Tàu rồi về nước. Lúc đó sống chung cực khổ với một ít anh em cách mạng khác. Công việc đang tiến hành, người thì về nước sớm, người thì về sau, lúc đó là lúc Bảo Đại được người Pháp tiếp xúc lại. Bảo Đại trốn được bên Tàu. Thực ra cũng phải trốn gì, Việt Cộng thấy khó khăn cho nó thì cho Bảo Đại đi. Bởi vì trong nước bắt đầu ủng hộ Bảo Đại thì nó cho Bảo Đại đi sang bên Tàu… Thì Bảo Đại sang bên Tàu, rồi kế đó được Pháp tiếp xúc, trở về Hong Kong. Pháp tiếp xúc Bảo Đại để làm việc cho Việt Nam. Riêng tôi thì lúc đó không còn liên lạc ai được nữa, tôi phải tự quyết định lấy cho tôi. 

NMH: Tức là sang Tàu là mất liên lạc với Đảng luôn, còn ông Trương Tử Anh thì chết. 

NTH: Ông Trương Tử Anh chết. Tôi nói rằng giải pháp Bảo Đại ấy, nếu Bảo Đại ngày nay học được cái bài của Việt Cộng xong rồi, thì Bảo Đại hãy làm một người sáng suốt hơn. Mà cao trào quốc gia đang chống Pháp để giành độc lập thì khi Pháp công tác với Bảo Đại trở lại, thì Bảo Đại chắc là phải hiểu việc nước nhiều hơn. Bảo Đại tổ chức một cái hội ở Hong Kong. Hội Hong Kong này có mời các đảng phái trong nước ra. Hội đó có mời anh Tường Tam đi nữa. Tôi cũng được Bảo Đại mời, có anh Dư đi từ Hong Kong ra Nam Ninh là chỗ tôi ở để mời tôi. Tôi ra dự hội. Tôi nghĩ là ra đó rồi đi về nước luôn. 

Lúc đó Pháp đã cai trị nước mình lại rồi. Không có Việt Cộng gì nữa. Pháp đề nghị ông Bảo Đại phải lập chính phủ Nguyễn Văn Xuân cho miền Nam Việt Nam thì tôi thấy lúc đó là lúc mà lập một chính phủ nằm trong vòng kiểm soát của Pháp thì không nên. Bảo Đại là người đề nghị việc đó. Tôi thấy không nên làm việc đó. Nhất là Bảo Đại còn ở ngoại quốc mà lại lập một chính phủ ở Sài Gòn. Mà lập trong vùng kiểm soát của Pháp thì lập chính phủ độc lập làm sao được. Vì vậy trong buổi hội, tôi đã chống việc đó. Trong buổi hội đó có cả ông Ngô Đình Diệm nữa. Đáng lẽ người nên đứng ra chống việc đó, tôi phải nhường lời cho ông Diệm nhưng ông Diệm không dám nói gì hết. Chỉ mình tôi chống việc đó. 

NMH: Tại sao bác sĩ lại định nhường lời cho ông Diệm?

NTH: Bởi vì ổng lớn tuổi hơn tui. Thấy ông Diệm đứng đó, tôi chờ ổng nói, ổng không nói gì hết, tôi buộc phải đứng ra để hô hào cái buổi hội đó chống lại đề nghị của Pháp. Thì 95% số đó chống. Chỉ có Trần Văn Hữu và, ừ, ừ, thì theo. Sau đó công việc đã yên. Tôi thấy thôi thì không có chính phủ Nguyễn Văn Xuân mà Pháp thì vẫn tiếp tục tiếp xúc với Bảo Đại. Một lần tôi hội với Bảo Đại. Tôi nói thế này: Ông muốn làm việc thì ông phải đòi độc lập trước khi về nước. Tôi đã chống cái việc lập Nguyễn Văn Xuân rồi. Chuyện đó bây giờ mình kể như bỏ qua. Tiếp tục làm việc với Pháp thì phải đòi được độc lập. Thì Bảo Đại không về nước. Bảo Đại sang ở bên Genève, tiếp tục điều đình. Chỗ này lịch sử cũng đã qua rồi nhưng tôi cũng buồn ông Phan Quang Đán cái chỗ đó. Ông Phan Quang Đán về rước ông Nguyễn Văn Xuân ra Hong Kong để được Bảo Đại cho lập chính phủ Nguyễn Văn Xuân ở miền Nam. Tôi không hiểu tại làm sao mà ông Đán quyết định cái chuyện đó. Tôi không hiểu đó. Từ ngày hôm đó tới giờ tôi với ông Phan Quang Đán không liên lạc với nhau nữa. 

NMH: Hồi đó ông Đán cũng là Đại Việt phải không ạ?

NTH: Ông Đán là Đại Việt Quốc Xã –Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng– chứ không phải Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tôi không hiểu tại sao mà ông Đán làm cái chuyện đó? Làm chi? Lúc đầu ổng ủng hộ Bảo Đại hồi làm biểu tình trong nước, ông nhớ không? Thì ổng ủng hộ Bảo Đại rồi bây giờ lại tổ chức ủng hộ chính phủ Nguyễn Văn Xuân thì tôi không hiểu nổi. Ông Đán lúc đó có đi hội, ổng không đứng ra bênh vực lập trường đó. Cũng làm thinh thôi. Còn tôi thì tôi bênh vực lập trường không lập chính phủ Nguyễn Văn Xuân. Rồi thì ông Đán về đem ông Xuân ra để ông Bảo Đại cho phép lập chính phủ. Thiệt làm cái chuyện! Người Quốc Gia mình lúc buổi hội thì nói ra đi, sao không nói gì hết? Rồi sau lại làm cái chuyện đó. Không hiểu. Còn tôi thì tôi khuyên Bảo Đại nên điều đình với Pháp lấy cho được độc lập. Nó công nhận trên giấy tờ độc lập thì được. Từ đó mới bắt đầu làm việc, trở về Việt Nam. Thì Bảo Đại sang Genève, lập cái Hiệp định Genève (?) cũng nói là độc lập trong Liên hiệp Pháp. Còn quyết định Liên hiệp Pháp là cái gì thì Bảo Đại trở về nước, lúc đó tôi ở trong nước rồi. 

Tôi về nước, tổ chức lại đảng Đại Việt từ Nam chí Bắc. Bảo Đại có mời tôi, nói tôi về nước rồi, và có cái Hiệp định đây cũng công nhận Việt Nam độc lập, còn vấn đề độc lập thế nào thì lập chính phủ. Bảo Đại về lập chính phủ đó. Tôi có chân trong chính phủ đó. Tôi đưa ra ba người: tôi, Lê Thăng và Phan Huy Quát. Họ là những người trụ cột trong chính phủ. 

NMH: Họ cũng là Đại Việt hết?

NTH: Họ là Đại Việt hết. 

NMH: Lúc bấy giờ bác sĩ coi Bộ Thanh niên hả?

NTH: Tôi coi Bộ Thanh niên, nhưng có chân trong ủỷ ban điều đình để lấy độc lập lại. Thì ba người này là những người chính ngồi hội họp với Pháp. Cái gì Pháp cũng công nhận hết. Tôi nói rằng hễ độc lập thì phải có gì? Phải có ngoại giao riêng, độc lập thì có quân đội riêng, độc lập phải có tiền tệ riêng. Liên Hiệp Pháp cũng được chúng tôi công nhận nhưng những chuyện một quốc gia độc lập phải có là những chuyện đó. Bảo Đại lúc đó là Thủ tướng. Trưởng phái đoàn điều đình phía Pháp là Restie Russell (?)

Nguyễn Tôn Hoàn 2 –VP-NMH-A012

…  Restie Russel (?) lúc đó là trưởng phái đoàn. Khi chúng tôi đòi đến quyền hành thì nó nói mấy ông đòi quá, Bảo Đại đâu đòi dữ vậy. Thế thì thôi, rã, đang bàn chuyện đó thì rã. Mấy cái lần trước thì chuyện nó nhỏ, nhỏ nên xong rồi, rồi tới mấy cái chuyện như cảnh sát thì nó để mình làm, nhưng những chuyện khác nó không để mình làm. Thì thôi nó nói để về nói chuyện lại với Bảo Đại. Tức là nó coi mình như thể không ra gì hết nữa rồi đó. Cái ủy ban hội hp với nó, nó coi không ra gì hết. Nói chuyện với Bảo Đại ấy. Bảo Đại đang ở Sài Gòn, lên Đà Lạt. Nghĩa là gì? Hả? Chính phủ thì ở Sài Gòn mà Bảo Đại thì ở Đà Lạt. Thì nghĩa là gì? Nghĩa là Bảo Đại không công nhận chính phủ đó nữa chứ gì. Rồi cái chuyện điều đình tới đó là thôi. Ngang. (cười). Không có gì nữa hết. Thành ra Bảo Đại là cái người đáng lẽ… sau đó tôi có lên nói chuyện với Bảo Đại một lần. Tôi nói ông, tụi Mỹ lúc đó nó contacter (tiếp xúc) tôi. Cái phái đoàn Mỹ ở Nam Dương, nó vừa giải quyết vấn đề độc lập ở Nam Dương, nó lên Sài Gòn. 

NMH: Đó là giai đoạn khoảng 49

NTH: Ừ, đó. Lên Sài Gòn để nói chuyện thống nhất. Một nhân viên của nó có gặp tôi nói thế này. 

NMH: Bác sĩ còn nhớ tên anh đó không?

NTH: Dosphe Ossen (?) gì đó, không nhớ rõ. Nhưng cái anh đó có gặp tôi. Lâu rồi quên tên tụi nó nhiều lắm. Lên nói chuyện với tôi, nó nói rằng: Đòi độc lập thì dễ lắm. Bởi vì lúc này Mỹ chủ trương giải phóng các nước thuộc địa. Cứ đòi đi là được. Tui lên nói Bảo Đại là tụi Mỹ tiếp xúc tôi nói vậy đó. Thì bây giờ ông cứ đòi là được. Thì ổng nói bây giờ tui đòi mà Pháp nó không đưa tui thì tui làm sao. Tui nói ông đừng lo. Tụi nó là đội viễn chinh, nó cần ăn mỗi ngày. Nó đi chợ mỗi ngày. Chúng tôi tổ chức đình công bãi thị là nó đói. Không có cách gì nó làm được hết trơn á. Bảo Đại nói thôi ông về để tui tính. Làm thinh luôn. Như vậy rõ ràng nước mình có thể độc lập lúc đó nhưng Bảo Đại không chịu đòi. Nên sau rồi giải pháp Bảo Đại tiêu. Ông nên nhớ rằng lúc đó tôi là người tổ chức trong nước. Một quốc gia liên hiệp, từ Bắc chí Nam các đảng phái là ngồi chung với nhau hết. Tôi là người làm được cái việc đó. Phong trào Quốc gia Liên hiệp. 

NMH: Tức là ra làm cái phong trào đó để back up cho ông Bảo Đại phải không?

NTH: Tại sao tui lại tham gia chính phủ Bảo Đại? Tại sao giải pháp Bảo Đại hử? Vì Bảo Đại không cương quyết để quốc gia có lập trường chống Việt Cộng nữa. 

NMH: Sao không nghĩ đến giải pháp người nào làm Thủ tướng? Ổng ấy là Quốc trưởng thì kiếm người làm Thủ tướng là khỏe. 

NTH: Không. Quốc trưởng kiêm Thủ tướng. 

NMH: Làm sao đảo chánh ông ấy được không? Sao không nghĩ đến giải pháp đó? Một đằng bác sĩ đã có nhân dân rồi nhá, phong trào liên hiệp nhá. Một đằng khác mình biết người Mỹ ủng hộ mình rồi nhá. Thì bây giờ chỉ cần một người nào đòi là được thôi. Tại sao phải đòi qua Bảo Đại mà không tìm giải pháp… 

NTH: Chính phủ Bảo Đại được Mỹ công nhận rồi. Hãy nhớ chuyện đó. Khó khăn cho mình. Quốc tế đã công nhận giải pháp Bảo Đại rồi. Mà mình đi đảo chánh Bảo Đại thì về sau không còn biết gì nữa hết. Sự thật là lúc đó lực lượng của Pháp đã kiểm soát hết rồi. Mình chống Bảo Đại thì thằng Pháp nó đàn áp mình. 

NMH: Sau đó bác sĩ từ chức hay sao?

NTH: Sau đó chúng tôi không liên hệ gì với Bảo Đại nữa hết. 

NMH: Khoảng năm nào thì bác sĩ từ chức?

NTH: Không nhớ, không còn nhớ được. Nhưng tôi biết trong cái lịch sử lúc đó là hết rồi. Nghĩa là giải pháp Bảo Đại không còn. Chúng tôi vớt vét một thời gian rồi thôi, cũng đường ai nấy đi. 

NMH: Bác sĩ có nói là trước cái giải pháp Bảo Đại ấy, khi đi ra liên lạc với một số người tổ chức, từ trong Nam chí Bắc, thì lúc đó mình có thể coi bác sĩ là, sau ông Trương Tử Anh rồi thì đâu còn ai là lãnh tụ nữa phải không ạ? Tức bác sĩ là người của đảng Đại Việt, tức là bác sĩ là đảng Đại Việt phải không? Có thể coi như vậy được không?

NTH: Dạ phải. 

NMH: Xin bác sĩ cho biết liên hệ của bác sĩ với ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt hồi đó. 

NTH: Ông Nguyễn Hữu Trí cũng là người đảng viên của Đại Việt. Đảng viên Đại Việt nhưng không có tinh thần cách mạng. Được Bảo Đại đưa ra làm Thủ hiến Bắc Việt. 

NMH: Tức là ông ra là tự ý chứ không hỏi Đảng gì hết. 

NTH: Không. Không hỏi Đảng gì hết. Nhưng tương kế tựu kế thì tụi tui cũng tính dùng ổng. Cũng không dùng cái gì. Chỉ có khi Pháp muốn rút lui trong miền Nam, ký kết với Việt cộng đó. 

NMH: Năm 54, dạ.

NTH: Thì tôi có khuyên ổng là bây giờ khí giới đạn dược phát cho đảng cách mạng hết đi. Ổng không dám làm cái chuyện đó. Ông Nguyễn Hữu Trí vô tới miền Nam tức quá mà chết. 

NMH: Tức mà chết, chứ không phải là bị đầu độc à? Hồi đó có ai đó bảo bị ám sát. 

NTH: Không có. Ổng tức quá, hộc máu mà chết. Bởi vì Pháp gạt ổng. Pháp nói tui không bao giờ rút lui mà lúc đó rút lui. 

NMH: Ông ấy không biết vấn đề?

NTH: Không, cái chuyện đáng lẽ phát khí giới đạn dược cho người cách mạng để người ta làm cách mạng chống Việt Cộng. Đằng này không. Cứ rút không vậy đó. 

NMH: Thế hồi bác sĩ về lo tổ chức Đại Việt lại, những người cộng tác mật thiết của bác sĩ là những ai? 

NTH: Ngoài Bắc có Đặng Hữu Lạc, bác sĩ. Là người coi ngoài Bắc. Ở Trung thì ông Hà Thúc Ký. Ở Nam thì có ông Nguyễn Ngọc Huy này kia kia nọ. Tất cả các thanh niên miền nam là active (hoạt động) nhất lúc đó. 

NMH: Nhưng tôi nhớ anh Huy hồi đó trẻ lắm. Trẻ nhất trong mấy cái ông…

NTH: Ờ thì trẻ nhất. Ông Huy ngay từ lúc đó thấy có năng lực nhiều lắm. Trẻ mà năng lực dữ lắm. Trong đoàn thể thấy mình phải xây dựng cho ổng một cái tương lai. Khi đoàn thể công nhận ổng qua Pháp học Political Science thì cũng là anh em quyết định chung để ổng đi. 

NMH: Bác sĩ có tổ chức khác ông Trương Tử Anh hay là cũng lại lãnh tụ chế?

NTH: Lúc sau này thì chúng tôi không có lãnh tụ chế nữa. Hội họp với nhau bàn hết mọi việc. Chúng tôi chủ trương dân chủ. Nhưng mà đây cũng phải nói rằng không gột rửa hết được những người mang ý niệm lãnh tụ chế đó rồi. Người đó là người ví dụ như ông Hà Thúc Ký là người cũng… (cười) vẫn còn muốn giữ cái thái độ đó, ý niệm đó. Cho nên không thỏa thuận được với đa số. Thành ra đảng Đại Việt về sau thành ra đảng Tân Đại Việt. 

NMH: Cái quyết định gì mà khiến bác sĩ biến nó thành Tân Đại Việt? Và năm nào thì thành Tân Đại Việt?

NTH: Năm đó tôi đã ra ngoại quốc rồi. Ông Huy và anh em trong nước vẫn tiếp tục làm việc. Ông Hà Thúc Ký chủ trương lãnh tụ chế. Ví cái chỗ đó ổng thấy tôi rồi ông Huy và mấy anh em không phải là có tư tưởng như hồi xưa nữa. Hồi xưa, hồi còn làm cách mạng, chưa ra mặt công khai là chuyện khác. Còn ra công khai phải cái hình thức khác. Ông Trương Tử Anh giữ cái lãnh tụ chế. Nhưng sau ra công khai là phải dân chủ hóa. Bởi vì cái chuyện điều khiển là đã công khai hết rồi. Tội gì phải giữ một người để điều khiển hết mọi việc? Vì thế chúng tôi luôn luôn hội họp với nhau một cách đầy đủ để quyết định công việc chung. 

NMH: Nếu lãnh tụ chế thì lợi cho bác sĩ vì lúc bấy giờ bác sĩ vai vế cao nhất phải không? Nếu lãnh tụ thì bác sĩ là lãnh tụ chứ ông Ký không là lãnh tụ? 

NTH: Không, nhưng nó không đúng quan niệm của chúng tôi. Nói thiệt là chúng tôi có quan niệm dân chủ. Khổ vậy đó, dân chủ mà… 

NMH: Mà không thuyết phục được ông Ký? 

NTH: Không thuyết phục được ông Ký. 

NMH: … trở thành Tân Đại Việt. Tức là Tân Đại Việt không phải bác sĩ quyết định mà là anh em quyết định. 

NTH: Ông Huy có hỏi ý kiến tôi và tôi quyết định cùng ông Huy lập cái Tân Đại Việt. 

NMH: Tại sao bác sĩ phải ra ngoại quốc hồi đó? 

NTH: À còn cái chuyện đi ra ngoại quốc…

NMH: Đấy, tại sao đương ở nhà tổ chức lại đi ngọai quốc?

NTH: Để tôi nói cái chuyện tại sao tôi ra ngoại quốc. Thì cái chuyện Bảo Đại hư rồi. Tôi mới tổ chức lại. Trước trong Phong trào Quốc gia Liên hiệp có những người ủng hộ Bảo Đại. Tôi nói bây giờ phải tổ chức lại hàng ngũ, có hình thức khác cho phong trào đoàn kết từ Nam chí Bắc, thì tôi tổ chức lại phong trào gọi là đại đoàn kết. Không biết ông đọc sách, ông còn nhớ chuyện đó không. Phong trào Đại đoàn kết để làm chi? Để chủ trương một giải pháp khác. 

NMH: Giải pháp nào ạ?

NTH: Giải pháp khác là chúng tôi đã nghĩ đến ông Ngô Đình Diệm, mà ông Ngô Đình Diệm về được quốc gia thì cũng nhờ đến cái chuyện hồi đó. Vì sao thì để tôi nói ông nghe. Những người thay mặt cho ngoài Bắc là phe bác sĩ Toàn, ông Chữ. Nguyễn Xuân Chữ và ông Toàn. Người trong miền Trung thì thật ra không có ai hết. Không có ai máu mặt. Mà thiệt ra để làm cách mạng đàng hoàng, thì có vấn đề đó. Không phải ông Hà Thúc Ký được. Thành ra chúng tôi để đó lại. Vì có thể có trách nhiệm của ông Ngô Đình Diệm ở bên ngoài, thì tôi để ông Ngô Đình Nhu. Trong Nam là tôi. Thì có cái committee bốn người đó hội họp bàn các việc. Còn cái chuyện đoàn kết trong Nam thì Hoà Hảo, Cao Đài, tất cả tôi đã đoàn kết xong rồi. Như vậy là đoàn kết từ Nam chí Bắc. Các đoàn thể ngoài Bắc cũng thỏa thuận với ông Chữ, ông Toàn. Thì công việc tốt đẹp rồi, chống Bảo Đại, không chống bằng báo chí công khai, nhưng nói cái này cái kia, phải có giải pháp quốc gia mới này kia, chúng tôi vẫn chủ trương. Bảo Đại lúc đó đi ra ngoại quốc nữa, ông nhớ không? 

Thế thì ông Ngô Đình Diệm nhờ ông Cardinal Spellman, ông Kennedy, là người Công giáo. Spellman ảnh hưởng Kennedy, và ông George Bidault bên Pháp là Công giáo, Cardinal nói chuyện với Bidault, vì vậy mà giải pháp Ngô Đình Diệm thành, Bảo Đại công nhận cho Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng trọn quyền, ông còn nhớ không? Thủ tướng trọn quyền. Đáng lẽ có cái Phong trào đoàn kết như vậy thì chỉ cần ông Ngô Đình Diệm làm việc với Phong trào đoàn kết là mọi việc an bài chứ có gì đâu. Có phải không? 

NMH: Bác sĩ đã tìm cách là giải pháp Ngô Đình Diệm. Xin tiếp tục nói về giải pháp đó. Sau khi đã lập một ủy ban bốn người như vậy thì nó tiến hành đến đâu? 

NTH: Khi ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ trở về Pháp rồi từ Pháp gặp ông Bảo Đại ở Genève thì Ngô Đình Diệm được cho làm Thủ tướng trọn quyền. 

NMH: Bây giờ nói chuyện ông Ngô Đình Diệm được làm Thủ tướng trọn quyền. 

NTH: Lúc đó ông Nhu vẫn tới lui với tui hằng ngày. Lúc đó chúng tôi vẫn liên lạc với nhau hằng ngày. Ông Toàn với ông Chữ được gởi sang bên Genève để gặp ông Ngô Đình Diệm để hội ý công việc. Ở bên đây trước ngày ông Ngô Đình Diệm về tới Việt Nam, tôi không hiểu vì lý do gì, ông Nhu lại nói với tui được câu này: Ông Ngô Đình Diệm về đây sẽ là Syngman Rhee của Miền Nam, ai không theo chúng tôi là dại. Thì như vậy ông ấy đã ra mặt độc tài rồi. Thì mới nói cái câu ai không theo chúng tôi là dại. Thì ông Ngô Đình Diệm về thực sự không tiếp xúc với phong trào Đại đoàn kết. Việc gì ổng cũng làm việc riêng với ông Ngô Đình Nhu. Sắp xếp việc riêng thôi. 

Chính phủ đầu tiên của ông Ngô Đình Diệm không tổ chức nổi. Ông Ngô Đình Nhu nhờ tôi tổ chức được chính phủ đầu tiên của ông Ngô Đình Diệm. Tôi thấy dầu sao ông Diệm cũng là người quốc gia. Mặc dầu ông Ngô Đình Nhu đã nói như vậy thì mình cũng để coi, nhưng người quốc gia thì mình cũng phải tiếp, để người quốc gia đó tổ chức được một chính phủ Quốc Gia đầu tiên. Tôi đã giúp sức để tổ chức chính phủ Quốc Gia đầu tiên của Ngô Đình Diệm. Rồi thì lúc đó ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chủ trương thế nào thì mình chưa thấy rõ, như lần lượt đi tới chỗ không còn tiếp xúc với tôi nữa. Sau khi lập xong chính phủ đầu tiên của ông Ngô Đình Diệm rồi thì ông Ngô Đình Nhu cũng không còn tới lui với tôi nữa. Tôi cũng vẫn tiếp tục liên lạc với họ. 

Lần chót mà tôi gặp họ là lần tôi phải quyết định thái độ của tôi với chánh phủ Ngô Đình Diệm. Thì ba người nói chuyện bàn tròn, ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và tôi, ngồi nói chuyện một giờ đồng hồ. Tôi cắt nghĩa chuyện nội bộ Việt Nam như thế nào. Bây giờ chủ trương đánh Cao Đài, đánh Hoà Hảo là không phải lúc. Mà không nên làm. Việc quốc gia đoàn kết ở đây rồi. Các lãnh tụ cũng nói với tôi họ sẵn sàng đi ra ngoại quốc, để chánh phủ Ngô Đình Diệm rảnh tay làm việc, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi nói chuyện một giờ đồng hồ. Hai người ngồi nghe nhưng không trả lời cho tôi, thì tôi biết rằng chủ trương của họ không còn phải là chủ trương đó nữa. Sau cùng tôi nói: bây giờ thì tôi nói ông và anh Nhu cũng không nghe, thì thôi chắc là chúng mình không nói chuyện với nhau nữa, thế thì cho tôi một ân huệ chót là cho tôi một giấy thông hành. Thì trong đầu tôi đã nghĩ là phải đi ra ngoài mà chống với Ngô Đình Diệm chứ ở trong nước không được. Ông Ngô Đình Nhu trả lời một câu thế này: Được, chúng tôi cho anh cái giấy thông hành để anh đi chơi ít lâu rồi anh trở về. Đó là lời nói sau cùng của ông Ngô Đình Nhu mà từ ngày đó tới giờ không còn liên hệ với nhau gì nữa. 

Lấy đuọc giấy thông hành đó, tôi lại ông đại sứ Mỹ. Tội nghiệp cho ông đại sứ Mỹ là ngày thứ bảy mà đích thân ổng xuống ổng mở cửa sứ quán để làm cái passport cho tui, là cho tui cái visa đi sang Mỹ. Ông đại sứ lúc đó ổng quý tôi lắm. Ổng làm việc đó rất kín đáo, không ai biết. Chính ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu không biết tôi có visa đi Mỹ. Thế mà tụi CIA Mỹ biết. Trước khi tôi đi, thì CIA Mỹ, lúc đó là ông General [Colonel?] Lansdale, có mời tôi gặp ở một địa điểm nào đó, giờ tôi không còn nhớ được, để bàn về chế độ Ngô Đình Diệm. Ổng nói với tôi như thế này: Sao ông bỏ đi, sao không ở lại làm việc với ông Ngô Đình Diệm. Tôi nói mấy người không biết chủ trương của ông Ngô Đình Diệm. Ngày nay tôi đã biết rồi. Không còn cách gì làm việc với họ được. Cho nên tôi đi. 

Tôi ra ngoại quốc, trong nước đánh nhau Cao Đài, Hòa Hảo lung tung hết. Lúc đó tự nhiên Nguyễn Văn Hinh chiếm lấy đài phát thanh, làm này nọ kia, thì Ngô Đình Luyện đến gặp tôi, yêu cầu tôi phải hô hào cho thanh niên trong nước biết đừng đi theo mấy người đó. Tôi trả lời với họ là tôi đã hết sức rồi. Đã nói chuyện với ông Diệm và Nhu, những gì phải tránh, những gì nên làm. Mà bây giờ xảy ra cái việc đó rồi. Tại không nghe lời tôi. Ngày nay tôi đã rửa tay rồi, tôi không còn làm gì nữa hết với mấy người. Thì trong nước công việc mỗi ngày thêm lộn xộn, đánh nhau hết Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên. Đánh hết trơn hết trọi. Lúc đó Việt Cộng đã đi ra Bắc, trong nước tổ chức dễ. Nhưng để cho nó có cơ hội trở về tổ chức lại, ông tưởng tượng được không? 

NMH: Dạ

NTH: Thì từ ngày đó tới giờ tôi không trở về Việt Nam được. Vì lý do gì? Mười năm sau tôi qua nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi đi vô Bộ Ngoại giao Mỹ thấy ông Trần Văn Chương đi ra, tôi cố thuyết phục Mỹ phải có một chánh phủ khác, chánh phủ Ngô Đình Diệm như vậy hư rồi. Người Mỹ nói: những chuyện ông nói là trúng hết, nhưng chánh phủ Mỹ cũng như cái xe lửa, đã chạy rồi thì thắng lại lâu lắm, ông đừng nghĩ rằng ông có thể làm chuyện đó bây giờ. Tôi nói cho ông 10 năm. Mà thiệt, 10 năm sau thì đúng ngày 2 tây thì chế độ Ngô Đình Diệm rớt. Ngày 2 tháng 11 thì chế độ Ngô Đình Diệm rớt và ông Ngô Đình Diệm bị giết. Hội đồng quân nhân tổ chức việc đó thì mời tôi về để làm Thủ tướng, chớ không phải Phó Thủ tướng. 

NMH: Hội đồng Quân nhân đó là ông Dương Văn Minh lãnh đạo?

NTH: Ông Dương Văn Minh lãnh đạo. Mời tôi về để làm Thủ tướng. Tôi nhận về. Ông Dương Văn Minh lúc đó làm Chủ tịch. Ông ấy là Quốc trưởng nhưng không có quyền, ông Nguyễn Khánh mới là có quyền thực. 

NMH: Đó là về sau này, lúc ban đầu thì ông Nguyễn Ngọc Thơ là Thủ tướng. Vậy chắc lúc đó ổng bị đảo chánh rồi phải không? 

NTH: Đảo chánh rồi. 

NMH: Đảo chánh rồi thì ông Nguyễn Khánh mới mời bác sĩ về làm Thủ tướng. 

NTH: Ừ. 

NMH: Lúc đó có tam đầu chế rồi, chắc vậy chứ gì?

NTH: Không phải, Nguyễn Khánh lúc đó là… Ờ, Nguyễn Khánh là chỉ huy cái Hội đồng Quân nhân đó. 

NMH: Vâng

NTH: Hội đồng Quân nhân đánh điện cho tôi, nhờ sứ quán Việt Nam bên đó tổ chức cho tôi về để làm Thủ tướng. 

NMH: Lúc đó bác sĩ ở bên này. Ở bên Mỹ đấy? 

NTH: Ở bên Pháp. Lúc đó tôi về Pháp. Lúc tôi ở Pháp, cứ sáu bảy tháng ở Mỹ lại qua Pháp. Trong 10 năm đó tôi chống Ngô Đình Diệm, cứ đi qua đi lại hoài. 

NMH: Chỉ chống thôi chứ có tổ chức gì trong nước nữa không?

NTH: Có liên lạc ông Huy này nọ tổ chức ở trong. Người Mỹ mà bằng lòng bỏ Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ sự thật cũng nhờ tôi. 

NMH: Dạ

NTH: Lúc đó tôi gặp cố vấn của ông Johnson, tại Blair House ở Washington DC, mà quyết định việc bỏ Ngô Đình Diệm. Họ hỏi tôi câu này: Ông hãy liên lạc về xứ, mấy ngày nữa ông liên lạc xong về xứ. Thì tôi mau mau bỏ về Pháp để liên lạc về bên nước. Thì bên nước trả lời cho tôi rằng nếu mà không có gì chứng tỏ Mỹ đã bỏ chính phủ Ngô Đình Diệm thì họ không làm việc được. Tôi mới trở qua nói chuyện với họ. Họ mới nói: thôi được, ông cứ về, ông lo bên kia, để tôi! Thì mới có cái tin là họ cắt viện trợ cho quân đội…

NMH: Lực lượng Đặc biệt.

NTH: Lực lượng Đặc biệt của Ngô Đình Nhu. Thì chừng đó quân đội họ mới thấy rõ ràng. Họ mới làm cái cú đó. Họ tổ chức xong cuộc đảo chánh. Người nào giết ông Ngô Đình Diệm sự thật ra không phải đảng Đại Việt. Mà ông Nixon không biết, ổng đã viết một bài trong Reader’s Digest nói đảng Đại Việt đã giết Ngô Đình Diệm. Không phải. Người làm việc đó chính là Dương Văn Minh. Dương Văn Minh đã ra lệnh cho những người đi rước ông Diệm, ông Nhu. Tôi nghe người ta thuật lại là ổng ra hiệu, đưa cái tay xuống, làm như thế này, tức là ổng biểu “bắn đi”. Trước lịch sử thì ông Minh phải lãnh trách nhiệm cái chuyện đó. Chứ chúng tôi không định giết Ngô Đình Diệm. Người Mỹ cũng không tính giết Ngô Đình Diệm. Chỉ định cho đi thôi. Mà cái việc xảy ra như vậy, ông Nixon không biết, viết một bài sai lầm hoàn toàn. 

NMH: Dạ

NTH: Khi được mời về nước thì tôi về. Đáng lẽ tôi phải làm Thủ tướng. Nhưng Nguyễn Khánh đã mời tôi lại nói chuyện, mà chuyện này có thể là sự thật. Mà đó là sự thật. Tôi thấy rõ là bên phía Mỹ không bằng lòng cho tôi làm Thủ tướng. Cái quyết định đưa tôi về làm Thủ tướng có lẽ là Hội đồng Quân nhân. Khi tôi về rồi thì nói rằng Ngô Đình Diệm mới xuống đó, tôi lên làm Thủ tướng, mà tôi là người Công giáo thì Phật giáo sẽ chống nữa. 

NMH: À, dạ. 

NTH: Vì vậy yêu cầu tôi giữ chức Phó Thủ tướng. Khi tôi nhận làm Phó Thủ tướng thì có nói với ông Khánh như thế này: Đã mất nhiều thì giờ. Việt Cộng thì tổ chức càng ngày càng mạnh hơn. Chúng ta không ở đây để tranh giành chức phận. Chỉ bàn công việc. Nếu mà làm chung với nhau thì phải tin cậy nhau, phải bàn với nhau mọi việc. Có chuyện gì lấy quyết định chung. Thì ông Khánh có thề thốt với tôi. Thì chừng đó tôi mới nhận lời làm Phó Thủ tướng. Thì chính ra tôi là người tổ chức cái chánh phủ đó chứ không phải ông Nguyễn Khánh. Nói rằng tôi là người chống… hay nói đúng hơn, tôi là người bị Phật giáo chống, thì tôi cũng không hiểu sự thật thế nào, nhưng mà lúc đó tôi đã mời ông Bùi Tường Huân từ trong khám ra giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, và ông Thuận, là người Phật giáo…

NMH: Tức là ông Trần Quang Thuận.

NTH: Ông Trần Quang Thuận giữ chức Xã hội. 

NMH: Dạ, Tổng trưởng Xã hội. 

NTH: Mà ông Bùi Tường Huân có phận sự liên lạc với ông Trí Quang hằng ngày để có chuyện gì bàn tính với nhau. Thì về sau tôi thấy làm lạ là, có người nói với tôi là bên Bộ Quốc gia Giáo dục có những truyền đơn chống tôi. Chuyện đó tôi cũng không thấy. Nhưng khi người ta nói vậy, tôi cũng có để ý. Lúc đó ông Nguyễn Khánh lại đi sát với ông Trí Quang. Ông ấy cố ý tổ chức để mà chống tôi. Nhưng tất cả những việc đó thì tôi không cần biết. Chỉ biết có một cái là chuyện làm cho chánh phủ đổ vỡ là Hiến chương Vũng Tàu. Ông ấy đã hứa hẹn mọi việc bàn tính với nhân viên chánh phủ. Nhưng khi ổng tổ chức Hiến chương Vũng Tàu, ông viết như thế nào, ông tuyên bố ra sao, thì chánh phủ không còn biết gì hết, tôi là Phó Thủ tướng, có trách nhiệm, mà lại không cho tôi biết, không bàn gì với tôi hết. Thì tôi thấy tới đây là hết. Chúng tôi cũng cho bên báo chí biết cái này chỉ là Hiến chương của Nguyễn Khánh chứ không phải Hiến chương của chánh phủ Việt Nam. Vì vậy ông Khánh giận, nói tôi là đâm sau lưng ổng. Thành thử ông lịnh cho tôi trong 24 giờ phải rời khỏi Việt Nam. Từ ngày đó tôi mới phải ra khỏi Việt Nam.

Nhưng có cái này, không phải tự nhiên biểu tôi đi là tui đi. Vì trong đó có cả ông Khiêm, ông Huỳnh Văn Tồn, cả ông Kiểu, ông Thiệu. Đằng sau lưng ông Kiểu là ông Thiệu, ưng thuận với tui rằng tui chỉ đi ra, chờ ở Hong Kong, chờ ở nhà đảo chánh rồi tui về. Chuyện này rất là bí mật. Không ai biết. Lần đầu tiên tui nói cho ông biết. Vì vậy tui mới ra đi. Khi ông Tồn bắt đầu tổ chức đảo chánh thì ông Khiêm và ông Thiệu không làm theo, lại bỏ đi lên Đà Lạt. Chủ trương đã thất bại chỗ đó. 

Chúng tôi chủ trương đảo chánh vì thấy tới đây công việc quốc gia phải được tiếp tục. Không lý gì mà một ông Nguyễn Khánh có thể quyết định hoàn toàn việc quốc gia, khi việc quốc gia đang tiến theo chiều tốt. Lúc đó sự thật ra thì chúng tôi giữ trách nhiệm tổ chức cán bộ, và tổ chức lại điền địa. Cải cách điền địa. Hai chuyện chính mà chúng tôi nghĩ cần phải làm đầu tiên, để lần lần đi đến chỗ tổ chức chống Cộng cho được, là cán bộ đi vô làng vô xóm phải gần sát với quần chúng. Trước tới bấy giờ, chánh phủ Việt Nam không có làm việc đó. Dân chúng không biết gì hết. Không ai giải thích được chính sách của chánh phủ ra sao, chính trị trong nước thế nào, dân chúng có biết gì đâu. Chánh phủ ở trên khơi khơi. Dân ở dưới không cần biết gì hết. Việt Cộng thì tổ chức họ đầy đủ. Như thế thì chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một phong trào là, cán bộ lấy trong dân, trong thôn quê, đem từ thôn quê lên, tổ chức để gởi họ về. Chuyện chúng tôi đang làm rất là đẹp, và chúng tôi nghĩ khi thành công được thì công việc tiến lần được, đi tới cái chỗ thắng Cộng được. Nhưng khi ông Khánh đuổi tôi đi rồi thì ông Huy và tôi phải bỏ xứ mà đi (cười)! 

NMH: Dạ

NTH: Chúng tôi đi Nhật. Vì chuyện đảo chánh không thành công thì chúng tôi không ở Hong Kong nữa. Đầu tiên ông Nguyễn Khánh bắt chúng tôi đi Nhật thì chúng tôi tiếp tục đi Nhật. Sau một thời gian, ông Huy len lỏi trở về. Còn tôi thì tai to mặt lớn quá, cũng khó lòng mà đi lại nữa, thành ra chúng tôi đi sang Pháp. Nhưng khi Nguyễn Khánh rớt xuống rồi thì có hai ba chánh phủ gì đó rồi tới chánh phủ của ông Phan Huy Quát lên. Có chỗ này tôi cũng không hiểu tại làm sao mà có những chuyện như vậy, là khi chánh phủ Pháp, ông De Gaulle, không bằng lòng cho tôi ở Pháp nữa. Yêu cầu tôi đi khỏi xứ Pháp. Lúc đó tui tính về Việt Nam thì ông Phan Huy Quát lại không cho tui về Việt Nam. Đó là điều khó hiểu. Vì lý do gì tui cũng không biết. Điều bí mật là ai đứng sau lưng ông Quát xúi ổng làm việc đó thì trên lịch sử cũng không ai biết. Tui là công dân Việt Nam, tui xin về Việt Nam, không phải là ông Nguyễn Khánh mà là ông Phan Huy Quát làm Thủ tướng mà lại không cho tui về. 

NMH: Mà ông Quát lại là đảng Đại Việt. 

NTH: (Cười) Ông Quát trước kia là đảng Đại Việt. Nhưng sau này ổng rời ra, không còn làm việc nữa. Không thể nói ổng là đảng Đại Việt nữa. Chúng tôi không chủ trương đối với những người ra ngoài Đảng thì giết họ giống như Cộng Sản vậy. Thành ra ai vô ai ra thì tự ý. Mình cũng lại chủ trương dân chủ nữa. Họ không đồng quan điểm mình mà đi ra thì mình phải chịu. Thì ông Phan Huy Quát không cho tui về. Lúc đó ông Đặng Văn Sung qua Pháp tuyên bố là chính phủ ông Phan Huy Quát vững như bàn thạch. Tôi nghĩ ai làm cũng được, mình là công dân Việt Nam, ngoại quốc ở không được thì về. Ông Phan Huy Quát không cho tui về mà nói rằng tui nên qua Triều Tiên để làm đại sứ bên đó. Tui trả lời là dầu sao đi nữa, tui cũng phải về nước cái đã, gặp Thủ tướng rồi mới đi được. Thì ổng nhất định không cho tui về. Chuyện này tui rất lấy làm lạ. Cho tới bây giờ tui cũng không hiểu. Ông Phan Huy Quát đối với tui cũng không có nghịch thù gì. Mà tại sao lại có chuyện này. Nghĩa là ở đằng sau lưng ổng… Nghĩa là ở đằng sau lưng ông Phan Huy Quát có ai giật dây, có ai ép buộc ổng thì ổng mới làm chuyện này. Thì thôi thì lịch sử tới đó thì mình cũng hiểu vậy rồi thôi. Thôi chúng tôi không về nữa. Về nước không được thì tôi xin đi qua Mỹ. Mỹ cho tôi qua đây thì tôi qua ở cho đến ngày hôm nay (cười). 

NMH: Dạ, bác sỹ có nói lập Tân Đại Việt thì có lẽ căn cứ của Tân Đại Việt chủ yếu ở trong Nam phải không? Miền Trung là ông Ký rồi, ảnh hưởng của ông Ký rồi.

NTH: Dạ không, nói Tân Đại Việt chỉ có ở trong Nam thì cũng không phải. Khi tổ chức lại, chi bộ chính nằm trong Nam.

NMH: Như vậy tức là Tân Đại Việt chính là kế tiếp của Đại Việt Quốc Dân Đảng?

NTH: Kế tiếp của Đại Việt Quốc Dân Đảng

NMH: Chỉ đổi tên thôi. Mục tiêu thì vẫn thế?

NTH: Mục tiêu thì vẫn thế. Tại sao chúng tôi phải đổi tên? Bởi vì tranh giành với nhau. Ông Ký muốn làm Đại Việt theo cái kiểu xưa. Chúng tôi thì chủ trương dân chủ, thì như vậy là hai bên cứ giành nhau đó thôi. Bây giờ mình cũng phải thay đổi hình thức đi, lấy tên là Tân Đại Việt.

NMH: Thế còn ngoài Bắc thì ông Đặng Vũ Lạc ông ấy chỉ huy Đại Việt đấy. Đến khi ông ấy chết rồi thì làm sao?

NTH: Đến khi ổng chết rồi thì ngoài Bắc lại có một tổ chức khác, mà trong đó có những người như ông Phạm Thái bây giờ đó, người viết báo trên Bút Việt hồi xưa đó. Có nhóm bà Cả Tề đó, bà Cả Tề là em ông Đặng Vũ Lạc.

NMH: Như vậy là nhóm ngoài Bắc cũng hoạt động riêng luôn?

NTH: Trung Nam Bắc chúng tôi có một cái tổ chức, rồi thì ông Ký ổng có cái tổ chức của ổng. 

NMH: Trung Nam Bắc có cái tổ chức, nhưng ông Ký thì lại riêng ra, chứ không chịu ở chung? Thế ở Trung thì có ai, ngoài ông Ký ra, ở trong cái tổ chức…

NTH: Ở ngoài Trung thì có ông gì Tỉnh trưởng Quảng Trị. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ vì không có gặp ổng hàng ngày bởi vì chúng tôi làm việc trong Nam, mà tôi đi ngoại quốc thường tôi không có gặp lại.

NMH: Thế thì khi họp thì các ông ba phần Trung Nam Bắc có họp với nhau để

NTH: Có họp với nhau chứ

NMH: Bây giờ ba cái tổ chức của Đại Việt là Trung Nam Bắc có họp lại với nhau? Thế còn ông Ký là ông tách riêng ra? Cái tổ chức là như vậy đấy?

NTH: Dạ. Rồi thì cái chuyện trong nước thì do ông Huy tổ chức, tôi từ ngày đó về sau là hoàn toàn vô trách nhiệm. Ra đây, chúng tôi cũng có tổ chức một cái đại hội để chính thức tôi giao quyền lại cho ông Huy.

NMH: Như vậy là bác sĩ giao quyền lại cho ông Huy rồi?

NTH: Dạ, tôi chỉ nhận cái chức cố vấn cho công việc thôi.

NMH: Vậy là giao cho một lớp người trẻ hơn đấy. Thế bác sĩ, trong cái cuộc đời làm chính trị của bác sĩ, bác sĩ cũng có nhiều lần định làm cái này định làm cái kia. Bác sĩ có nói là có một số giai đoạn lịch sử đáng tiếc. Bác sĩ có thể nhắc lại cho biết chi tiết hơn những giai đoạn nào bác sĩ cho là đáng tiếc, mà đáng lẽ có thể làm được mà lại không làm được không?

NTH: Cái giai đoạn đầu tiên là dưới chính phủ Bảo Đại, mà chúng tôi biết chắc là người Mỹ lúc đó là muốn giải phóng tất cả các thuộc địa. Hơn nữa họ cũng có gặp mình để nói chuyện để khuyên mình làm việc, để khuyên mình đòi hỏi. Nhưng mà ông Bảo Đại không đòi hỏi. Tui biết chắc là hễ đòi là được. Một cái người Việt Nam chỉ có là đòi hỏi, chỉ có lên tiếng đòi hỏi mà không chịu lên tiếng đòi hỏi, tôi không hiểu được cái chỗ đó. 

Rồi cái giai đoạn thứ nhì ông Ngô Đình Diệm là một người Quốc Gia chính thức đầu tiên lập nên chính phủ được ông Bảo Đại cho toàn quyền, rồi sau rồi truất phế luôn ông Bảo Đại, làm việc đáng lẽ phải đoàn kết với tất cả các đảng phái trong nước, xây dựng quốc gia của mình trong Nam trước, rồi trống thẳng đi ra ngoài. Đằng này ông Diệm làm… có lẽ nói là ông Nhu thì đúng hơn. Ông Nhu lại tổ chức theo cái lối gia đình trị, rồi thì thiên về Công giáo, rồi làm cho Phật giáo ganh tị, rồi gây ra cái sự tranh đấu giữa Công giáo và Phật giáo, đi tới cái chỗ đổ nát như trước đó, thì cũng là một cái chuyện tiếc. Đáng lẽ thì quốc gia đã đoàn kết, mà công việc làm xây dựng tốt đẹp thì làm sao Việt Cộng tổ chức được ở trong Nam lại! Không tổ chức lại được!

NMH: Bác sĩ có cảm tưởng là trong cái chuyện đó thì đổ tội cho ông Nhu nhiều hơn ông Diệm? Tại sao?

NTH: Có lẽ bởi vì sự thật là ông Diệm là cái người gần như là tu hành, mà không biết chánh trị mấy. Tui dám nói là ông Diệm không biết chánh trị mấy. Nói chuyện với ông Diệm cả nguyên ngày thì ổng nói được ít câu vậy, chứ không thấy ổng tỏ rõ cái chương trình chánh trị của ổng làm việc như thế nào, xây dựng làm sao, không có bao giờ ổng nói được. Chỉ có mình nêu ý kiến cho ông theo thì có, nhưng mà để trả lời một hai câu thôi, chứ không có nói nhiều. Sự thật là cá nhân tui có cái kinh nghiệm với ông Diệm đó.

NMH: Trường hợp ông ngoại trưởng Đỗ đó, ông cũng nói là trước khi ông đi Hiệp định Ba Lê, à không phải… Hội nghị Geneva năm 1954, ông cũng nói chuyện với ông Diệm rất lâu mà ông Diệm cũng chả nói một câu nào. Thì có phải ông ấy không biết hay là ông ấy kín đáo?

NTH: Cái đó thì mình không biết được (cười), nhưng mà làm chính trị mà nói với một người gần như là đồng chí mà ngang hàng với mình để xây dựng công việc quốc gia, tại sao không nói ra, không nói chuyện cho nó đầy đủ, mà chỉ lâu lâu nói một hai câu?

NMH: Thưa bác sĩ, tôi muốn hỏi một câu hỏi thành thật là bác sĩ hoạt động nhiều ở trong đảng Đại Việt, thì bác sĩ khi nhìn lại quá trình hoạt động của cái Đảng của mình, bác sĩ thấy đảng có cái ưu điểm gì, và những khuyết điểm gì? Và tại sao có nhiều người ưu tú như vậy mà không nắm được phần lãnh đạo?

NTH: Sự thật thì chúng tôi cũng tự khiêm tốn, nhiều nhiều… khiêm tốn quá. Đáng lẽ như ông Ngô Đình Diệm, được hay không được thì đem mà hất đại ổng đi cũng xong. Nhưng mà luôn luôn mình nhường bước cho người ta đi. Mình chỉ có lo cung phụng phận sự công việc của mình là sao tổ chức quốc gia, không có nghĩ đến cái chuyện tranh giành nhiều lắm. Cái đó là khuyết điểm của chúng tôi đó. Đáng lẽ thì tới nơi mình phải phất cờ phải làm lấy, đừng có để cho nhường bước ai hết. 

Bây giờ nói cái chuyện như Nguyễn Khánh, nếu chúng tôi không nhường cho ông Nguyễn Khánh thì ông Nguyễn Khánh cũng không làm sao được. Nhưng mà cái sự ép buộc ở sau lưng hàng ngũ Quốc Gia thì tới cái chỗ tôi phải nhận làm Phó Thủ tướng, thì cái chuyện đó là một cái sự bí mật khác, mà cũng không tiện nói ra, mà có lẽ ông hiểu cái chuyện đó. Mà sau lưng cả ông Phan Huy Quát, tại sao mà ổng phải tới cái chỗ mà ổng quyết định không cho tui về nước. Thì tất cả cái sau lưng đó là có một bàn tay ngoại quốc nhúng vô, mà nó làm hư việc nước mình. Đáng lẽ thì mình phải làm được việc nếu mà không có những cái sự gọi là phản bội. Thí dụ như là Trần Thiện Khiêm hay là như Nguyễn Văn Thiệu, thì cái đó là những sự phản bội chứ không có gì hết.

NMH: Họ phản bội là bởi vì họ không đồng ý làm đảo chánh với mình, hay là họ cũng là ở trong Đại Việt? Ông Thiệu, ông Khiêm có trong Đại Việt không?

NTH: Có.

NMH: Mà các ông ấy có chịu cái hệ thống chỉ huy nào không?

NTH: Sự thật thì cái lúc ổng còn ở trong hàng ngũ thì ai làm gì thì làm, ổng đi theo thôi. Nhưng mà khi mà… Sự thật ông Thiệu ngày nay tui nói, nói ra đây thì… không có tui thì cho ông Thiệu biết rằng, không có tui thì ông Thiệu không làm sao mà thành công trong cái việc mưu đồ cho chánh quyền của ổng hết. Bởi vậy khi tui làm việc với Nguyễn Khánh thì có một buổi sáng nọ, hội với ông Nguyễn Khánh, mà ông Nguyễn Khánh mời tui lại để bàn về cái chuyện mà cái máy bay nhà binh nó đi sang bên Cao Miên nó rớt bển. Có cái chuyện giữa Cao Miên với Việt Nam xích mích nhau, thì hai người bàn với nhau. Bàn xong rồi thì ông Nguyễn Khánh có kêu ông Thiệu vô. Và trước mặt tôi nói với ông Thiệu. Ông Thiệu lúc đó là Tham mưu trưởng. Nói với ông Thiệu, biểu ông Thiệu xuống làm cảnh sát, coi chỉ huy cảnh sát. Thì tui là người đứng đó tui phản đối. Tui nói không được. “Ông Thiệu là một người khôn ngoan, thông minh, cũng hiểu biết cái chuyện trong quân đội thì để cho ổng làm Tham mưu trưởng là được. Tui không đồng ý với Thủ tướng cái việc đó”. Thì ông Nguyễn Khánh lại không làm nữa. Tui mà không có cứu ổng ở cái chỗ đó, không giữ được cái chỗ ổng làm Tham mưu trưởng thì ổng không lên được. Ông Thiệu là cái người không còn biết ơn, nghĩa là chỉ thấy cái quyền lợi cá nhân của mình thôi.

NMH: Thế bác sĩ ở trong Đại Việt, người thường ấy, báo chí ấy, họ hay nói đến cái “Đại Việt quan lại,” thì bác sĩ có thể giải thích cho tôi tại sao lại gọi là “Đại Việt quan lại” không?

NTH: “Đại Việt quan lại” (cười) là những cái phần tử không có tinh thần cách mạng lắm. Tui thí dụ như Nguyễn Hữu Trí, và nói luôn là Phan Huy Quát. Tất cả những cái người đó, những người vô đảng Đại Việt vì muốn làm việc, nhưng lại không đào tạo tự cho mình cái tinh thần cách mạng được. Thành ra ta cứ đi lùi, Đại Việt đi trước, cứ ở đằng sau lưng rồi cứ thong thả làm cái chuyện cũng không có đúng với cái lập trường của Đại Việt. Cho nên theo tôi, sau cùng người ta mới gọi cái phần tử đó là Đại Việt quan lại.

NMH: Có phải “Đại Việt quan lại” là những người đi ra làm chính quyền không?

NTH: Không, không phải. Nghĩ như vậy thì không phải. Ngoài Nguyễn Hữu Trí ra thì còn những người khác chứ cũng trong cái nhóm đó. Thí dụ như ông… Ờ, Phan Huy Quát thì cũng có. Lê Thăng thì sau cũng không có chức phận gì, chỉ có hồi tui tổ chức chính phủ Bảo Đại thì có mời Lê Thăng tham gia.

NMH: Như vậy làm sao để mình phân biệt với “Đại Việt quan lại.” Trong quan niệm thông thường ấy, thì người ta bảo, nếu mà so hai đảng, Quốc Dân Đảng với Đại Việt, thì Đại Việt lại nhiều người đi làm quan nhất, tức là làm chính quyền nhất. Thành ra có hai cái luồng dư luận. Luồng dư luận thứ nhất, là Đại Việt có nhiều người có học thức quá, thành ra hay đi làm chính quyền; vì thế nó thiếu tinh thần cách mạng hơn Quốc Dân Đảng. Thế rồi bác sĩ giải thích là không, cũng có những người đi làm chính quyền, có người làm cách mạng. Vậy làm sao mình phân biệt được, theo người thường người ta thấy ai đi làm quan thì người ta gọi là “Đại Việt quan lại”. Làm sao mình phân biệt được giữa cái ông “Đại Việt quan lại” với …?

NTH: Nếu nói như vậy thì tui cũng là “Đại Việt quan lại” sao? Đâu có đúng! “Đại Việt quan lại” là những người bảo thủ quá, những cái người không theo kịp phong trào cách mạng, xin vô Đại Việt mà không theo nổi cái chuyện cách mạng kia, rồi thành ra cứ…

NMH: Rồi đi làm chính quyền thì họ có còn liên lạc với Đảng không?

NTH: Không còn nữa.

NMH: Tự họ không liên lạc hay là Đảng không muốn liên lạc với họ nữa?

NTH: Cả, cả …Tự nhiên họ trước cái đã, bởi vì họ chỉ biết chính quyền. Họ đi theo công việc chính quyền của họ thôi. Đáng lẽ thì cũng phải làm như tui. Tui lên chính quyền, tuy là người chính quyền, nhưng mà có chuyện gì quan trọng về cái chánh trị của quốc gia thì luôn luôn chúng tôi họp để mà bàn. Cái người mà thay mặt Đảng mà ra chính quyền thì có phận sự bàn với đoàn thể để bất kỳ chính sách gì, công việc gì cũng bàn với đoàn thể được thì phải bàn. Trừ ra những cái chuyện nhỏ nhất thì mình quyết định lấy, nhưng mà thí dụ chính sách đối với Mỹ, chính sách đối với công việc này việc kia quan trọng của một quốc gia thì phải bàn lại với đoàn thể. Và làm như vậy mới theo đúng nguyên tắc dân chủ. Bởi thế cho nên anh em vẫn còn kính nể tui là tại cái lúc tui ở chính quyền, tui vẫn làm việc với anh em. Và cũng nhờ cách tổ chức đó mà tui làm việc được. 

Mà nói rằng tui làm việc cho Đảng thì không phải. Không có Đảng thì làm sao làm, một cá nhân không tổ chức nổi công việc! Phải hiểu chỗ đó, cho nên có những người Việt Nam không thích đảng phái. Đảng phái là cái gì? Đảng phái là cái bảo đảm cho mình có đường lối, mình không thể đi khác với cái đường lối của đảng của mình được. Là cái bảo đảm cho dân chúng chứ còn gì nữa! Còn một cá nhân lên chính quyền thì cứ lo cái quyền lợi cá nhân của mình thôi, chứ có biết gì khác! Cho nên tui vẫn muốn Việt Nam phải tổ chức đảng. Vì một cái đảng là một cái bảo đảm cho cái người ra làm chánh trị về mặt bên trong, tai mắt của mình. Bên ngoài là một cái bảo đảm với quần chúng là họ theo một cái đường lối, không thể thay đổi được.

NMH: Thưa bác sĩ, có hai giai đoạn mà tôi thấy rằng Đại Việt tương đối, nếu không phải gọi là nắm toàn thể chính quyền, thì là nắm vai trò quan trọng đó. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn bác sĩ cộng tác với ông Bảo Đại, mà bác sĩ đưa được hai người nữa ra đó. Có thể coi như là có ảnh hưởng khá quan trọng trong chính quyền hồi đó. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Nguyễn Khánh. Đảng Đại Việt cũng rất có ảnh hưởng trong đó, tức là nếu không có hẳn chính quyền thì cũng có khá nhiều rồi.

NTH: Tui cũng công nhận nó như thế.

NMH: Có cái gì mà làm cho Đảng Đại Việt không thi hành được chính sách của Đảng không?

NTH: Vì cái chỗ tui đã nói với ông khi nãy, là Nguyễn Khánh đuổi tui đi. Mà tui đi để tui trở về.

NMH: Có thể là một tính toán sai lầm chiến lược không, hay chiến thuật?

NTH: Không phải. Tại có những người phản mà không làm được công việc, không thi hành được kế hoạch. Chứ không thì tui đã trở về, và công việc của Đảng Đại Việt cũng đã được tiếp tục. Sự thật nó như thế. Mà sau này có khi ở Amherst, Massachusetts, có một người viết một bài báo mà tui có ông giáo sư politics sang ông có gửi cho tui. Trong bài báo ông nói thế này: Mỹ đã thất bại ở Việt Nam vì không biết chọn giữa Việt Cộng và Quốc Gia, để Ngô Đình Diệm làm. Đáng lẽ cái người Mỹ phải chọn là Đại Việt. 

Mà sau này tôi hỏi thăm lại, không biết cái chuyện này có nên nói hay không. Khi mà ông Donald Heath là cái ông đại sứ Mỹ đầu tiên ở Sài Gòn 4 năm đó, ổng có về bên đây, ổng có khuyên Eisenhower rằng để tôi thế ông Ngô Đình Diệm. Mà Eisenhower lúc đó thì, ở bên Việt Nam thì đang đánh nhau với Cao Đài, Hòa Hảo thì ông Eisenhower trả lời như thế này: “Chánh quyền Việt Nam đang đánh giặc như vậy làm sao thay đổi được”. Vì cái chỗ đó đó, Ngô Đình Diệm ngồi lại được cũng nhờ đánh nhau với Cao Đài, Hòa Hảo. Cái đó là cái lối chánh trị của họ mình không biết. Bây giờ mình mới thấy sau khi ông Donald Heath chết rồi đó, ở trong cái bài điếu văn của người con mà nói về chuyện đó thì ổng có nói đến cái khoảng đó và ổng có chỉ cho tui tất cả những lời đó, và nói ông Hoàn đang còn ngồi đây, thì mất Việt Nam không phải lỗi của ông già tôi.

NMH: Bác sĩ đã làm cách mạng, làm chính quyền rất nhiều năm. Cuối cùng phải ở ngoại quốc, bắt buộc phải ra đi khỏi nước, nhiều năm không về. Cuộc đời chính trị thế cũng nhiều phiền muộn lắm có phải không? Cố gắng nhiều, cũng gây ra nhiều phiền muộn.

NTH: Chúng tôi cũng cố gắng hết sức cả đời tôi để lo làm sao cứu được nước Việt Nam, trước hết là khỏi tay Pháp, kế đó là khỏi Việt Cộng. Thế nhưng mà mỗi lần có cơ hội thì chính những người mình tin cậy, họ đã phản lại mình. Thí dụ như Ngô Đình Diệm, tôi là người tin cậy của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, về nước còn phản lại tui. Họ theo cái quan niệm của họ, họ làm cái việc khác với tư tưởng của mình. Mà khi trước cái ngày đó thì lại hội họp với nhau như cái tinh thần dân chủ.

NMH: Bác sĩ có thấy rằng những những người thắng và nắm được chính quyền lâu, như ở Việt Nam ấy, một bên là Việt Minh chẳng hạn, thì áp dụng chính sách độc tài phải không ạ? Bây giờ ông Ngô Đình Diệm cũng nắm chính quyền được lâu lắm, cũng áp dụng độc tài. Như vậy thì bác sĩ có nghĩ rằng cái đòi hỏi dân chủ của bác sĩ là cái đòi hỏi không thích hợp với môi trường chính trị Việt Nam trong giai đoạn vừa qua không?

NTH: Ông nói như thế là lầm. Tôi nghĩ thế này. Tôi vẫn nói khi tôi qua bên đây tôi nói chuyện, tôi chống nhau với ông Ngô Đình Diệm, tôi nói thế này. Nếu mà làm độc tài thì không độc tài nào giỏi hơn độc tài Cộng Sản, thì cái độc tài của mình sẽ thua. Bây giờ chỉ còn có cách là dựa theo quần chúng, dựa theo quần chúng, mà không lo cho dân, không có dân chủ thì không dựa vào quần chúng được. Thì đó, thì bây giờ mình phải lựa.

NMH: Bây giờ nói cái chuyện là tại sao phải theo dân chủ.

NTH: Tôi phải theo dân chủ vì muốn đi theo dân chúng, muốn đi theo dân. Mà phải biết tổ chức dân, chứ còn dân chủ mà theo cái lối các nước dân chủ bây giờ thì cũng không được. Phải có cán bộ, phải có đảng phái. Đảng phái chính là cán bộ của dân chúng. Đảng phái luồn đi trong hàng ngũ của quần chúng, nó mới nói được cho quần chúng biết cái chủ trương của mình, mình lo cho dân như thế nào. Rồi nó biết rằng cái chánh trị của Việt Cộng nó sai lầm làm sao, cái chủ trương của họ nó không thích hợp với Việt Nam như thế nào. Thì cái chuyện đó phải có cán bộ.

NMH: Nhưng mà như vậy thì bác sĩ có chủ trương là độc đảng không?

NTH: Không, chúng tôi không chủ trương độc đảng. Chính là nói dân chủ, mà chủ trương độc đảng thì vô lý.

NMH: Bác sĩ đã cho biết rất nhiều điều rất quý. Xin bác sĩ cho tôi hỏi một câu hỏi cuối. Từ nãy giờ tôi hỏi bác sĩ nhiều rồi, đây là lúc bác sĩ muốn nói. Bác sĩ nghĩ rằng ngày xưa có những điều gì mà bác sĩ biết, mà bác sĩ thấy không tiện nói. Bác sĩ thấy điều gì mà không nên nói, mà bây giờ là lúc mà có lẽ nói cho lịch sử. Cái tapes [băng thu âm] này sẽ để trong Thư viện Quốc Hội để về sau này con cháu biết. Bác sĩ thấy lúc này có điều gì nên nói ra, hậu thế cần phải biết, để như người Mỹ nói là “set the record straight” đấy. Xin bác sỹ cho một vài câu ở đây.

NTH: Những chuyện tui nói không nên nói bây giờ đã cần nói ra hết. Kể ra thì tui nói cũng nhiều rồi. Ngay từ giai đoạn này tui cũng không muốn đả động tới những cái bàn tay ngoại quốc mà đã làm cho hư hỏng việc nước ta. Thì tôi xin ông miễn cho tui cái việc đó.

NMH: Dạ. Xin cám ơn bác sĩ.

NTH: Không có gì.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ