Mục lục
Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng
Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng
Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng
Nguyễn Mạnh Hùng
Đại Việt Quốc Dân Đảng được chính thức thành lập ngày 10 tháng 12 năm 1939 với việc công bố Tuyên Ngôn Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tuyên Ngôn công bố sự xuất hiện của một “chính đảng thuần túy quốc gia để thống nhất các lực lượng quốc gia chân chính” nhằm “đánh đổ bất cứ một cường quốc nào manh tâm chiếm đất đai Đại Việt, để thực hiện nền độc lập hoàn toàn và vì hạnh phúc chung của toàn dân mà xây dựng nên một quốc gia giàu mạnh.”
Đảng theo chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn đặt trên nguyên lý “mục đích tối yếu của mọi người ở tất cả mọi thời đại là Sinh Tồn. Người hoạt động chỉ cốt để sinh tồn, để tiến hóa và mưu tìm hạnh phúc sung mãn. Nếu đứng riêng một mình, người không đủ sức, nên phải hợp quần nhau lại. Sự hợp quần trong phạm vi dân tộc là sự hợp quần lớn nhất mà loài người có thể thực hiện được.”
Đảng chủ trương thành lập “một chính phủ thật mạnh đủ uy quyền định đoạt, hành động nhanh chóng và kín đáo, có đủ sức mạnh đánh tan các trở lực ở bên trong trỗi lên hay ở bên ngoài đưa đến.”
Đại Việt Quốc Dân Đảng đặt dưới quyền chỉ huy tuyệt đối của Đảng trưởng Trương Tử Anh. Lúc đầu, ngoài chi bộ đảng trưởng ở Phú Yên do Nguyễn Kiều Siêu lãnh đạo, Đảng được tổ chức thành ba Xứ Bộ chính –Bắc, Trung, và Nam.
Xứ Bộ Bắc Việt đặt trực thuộc Trung ương Đảng do chính Đảng trưởng trực tiếp điều khiển với sự cộng tác của một số đồng chí thân tín. Xứ Bộ Trung Việt do Bác sĩ Bửu Hiệp chỉ huy. Xứ Bộ Nam Việt do Nguyễn Văn Hướng phụ trách.
Hai cơ sở quan trọng của Đại Việt Quốc Dân Đảng được nhiều người nhắc tới là Chiến khu Lạc Triệu ở Bắc Ninh và trường Lục quân Yên Bái. Lạc Triệu là trung tâm huấn luyện một số cán bộ chính trị-quân sự đầu tiên của Đảng, những người được lệnh kéo về Hà Nội chờ lệnh trung ương trong những ngày tháng 8/1945 sôi động. Trường Lục Quân Yên Bái do Trương Tử Anh thành lập năm 1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, để huấn luyện các sinh viên sĩ quan đầu tiên của Đại Việt Quốc Dân Đảng và một số các đảng phái quốc gia khác, chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài với Pháp.
Sau khi Trương Tử Anh mất tích vào khoảng cuối năm 1946, Đảng “như rắn mất đầu” nên suy yếu dần và bắt đầu phân hóa. Trong giai đoạn “giải pháp Bảo Đại” một số đảng viên tham gia chính quyền và được gọi là nhóm “Đai Việt quan Lại.” Năm 1965, ở miền Nam, sau khi tham dự chính quyền Nguyễn Khánh, bất đồng nội bộ khiến Đại Việt Quốc Dân Đảng tách ra thành hai chính đảng: Đại Việt Cách Mạng Đảng do Hà Thúc Ký lãnh đạo và Tân Đại Việt do Nguyễn Tôn Hoàn và Nguyễn Ngọc Huy chỉ huy.
Các đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng, sau khi Đảng trưởng mất tích năm 1946, vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính trường Việt Nam từ 1946 đến 1954, và trong Nam từ 1954 đến 1975.
Cuối các cuộc phỏng vấn là 3 phụ lục mà các đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng sau này sưu tầm và phổ biến trên trang nhà “Diễn Đàn Chính Thức của Đại Việt Quốc Dân Đảng”. Đó là:
Phụ lục I: Tiểu sử Đảng Trưởng: Đại Việt Quốc Dân Đảng – tiểu sử Trương Tử Anh
Phụ Lục II: Tuyên Ngôn Đại Việt Quốc Dân Đảng: Tuyên Ngôn
Phụ lục III: Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn: Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn
Năm 1986, với sự hỗ trợ của Social Science Research Council, chúng tôi khởi sự phỏng vấn và ghi âm những câu trả lời của một số nhân vật của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Những cuộc phỏng vấn đó, sẽ được tuần tự phổ biến qua trang nhà của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ thuộc Đại học Oregon, theo thứ tự ngày phỏng vấn như sau: