Connect with us

Văn hóa xã hội

Một số vấn đề về nguồn gốc từ “Mỵ Nương” trong bối cảnh văn hóa ngôn ngữ Đông Nam Á

Trần Quốc Nam

Published on

(Chữ Khmer cổ, thuộc bộ sưu tập Henry Ginsburg. Nguồn: The British Library.)

Trần Quốc Nam

Tóm tắt:

Các hiện tượng vay mượn từ ngữ của các dân tộc sống gần nhau, có trao đổi văn hóa, kinh tế, v.v. là bình thường và có tính phổ quát. Đôi khi việc truy nguyên “ai mượn” lại không dễ, nhất là khi từ đó trong ngôn ngữ đương đại người bản ngữ không còn dùng, những từ chìm khuất sau nhiều tầng thời gian, ngôn từ, văn hóa. Việc truy nguyên này đôi khi không phải được thực hiện trực tiếp qua hai ngôn ngữ can hệ mà còn có thể qua một ngôn ngữ thứ ba (cùng nhóm, họ ngữ hệ) tàng chứa dạng thức ngữ âm, ngữ nghĩa mà thứ tiếng đang bàn đã “chết”. Từ “Mỵ Nương” là một trường hợp như vậy, và bằng cách khảo sát một ngôn ngữ thứ ba (cụ thể là tiếng Khmer) ta có thể phục dựng, truy nguyên nguồn gốc từ nầy.

Từ khóa: Mỵ Nương, Mae nang, Thái, Mon-Khmer, Mường-Việt (Vietic)

+++

Abstract:

The words loans beetwen the groups/communities, who live nearly with, have echangings on culture, economic, ect. are normal and universal phenomenons. But, in fact, the question who loans from whom is not easy to trace, especialy in case that word in contemporary languages is no longer used by native speakers, the words are hidden behind many layers of time, speech and culture. It’s a fortunate sometime we can trace it throught a third language, not throught the two concerned, this third language is in the same family and still keep a phonetic, semantic form that the concerned brother is not keep in mordern words. The terms Mỵ Nương is a such case. We can trace the phonetic root of Mỵ Nương throught the brother language Khmer, which is in the same language family Mon-Khmer of Vietic.

Key words: Mỵ Nương, Mae nang, Thai, Mon-Khmer, Muong-Viet (Vietic)

+++

Trong tiểu luận “Những từ Thái và vị trí người Thái trong Lịch sử Việt Nam” đăng trên “Tạp chí Hội Xiêm học” tập 101.2013” (The Journal of the Siam Society) [1] tác giả L. Kelley lập luận rằng các từ Quan lang, Bố chính, Mỵ nương có gốc Thái-Hán hóa. Về vấn đề này tác giả Trần Trí Dõi đã tranh luận và cho rằng các từ này có nguồn gốc Việt-Mường (Vietic) trong bài “Tiếp tục thảo luận về bài viết “Những từ Thái và vị trí người Thái trong Lịch sữ Việt Nam của L. Kelley” [2] khá thuyết phục.

Nguyên văn trong bài L. Kelly có viết 2 đoạn như sau:

  1. (…) Điều cũng quan trọng nữa là Mỵ Nương rõ ràng là một từ Thái. “Mae nang” trong tiếng Thái hiện đại, từ này được diễn tả bằng chữ Hán, chỉ cái gì đó giống như là “bà hoàng (làm) say đắm/ma mị” (媚娘, meiniang-Mỵ Nương). Ở thế kỉ XIII, viên quan nhà Tống là Phạm Thành Đại đã lưu ý về cách dùng từ này trong các “dân man” vùng Quảng Tây, có ghi chép rằng “Các thủ lĩnh bộ lạc nhiều khi lấy mấy vợ, tất cả họ đều được gọi là“bà hoàng (làm) say đắm/ma mị ” (…). (What is also significant is that Mỵ Nương is clearly a Tai term. “Mae nang” in modern Thai, this term was rendered in Chinese characters to mean something like “enchanting lady” (媚娘, meiniang). In the 13th century, Song Dynasty official Fan Chengda made note of the use of this term among the “savages” of Guangxi, recording that “Tribal leaders sometimes take several wives, all of whom are called ‘enchanting ladies’ [meiniang]).
  2. (…) Còn về Mỵ nương, từ đầu “mỵ” là“mea” (แม่ ) trong tiếng Thái và có nghĩa đen là“mẹ”, trong khi từ thứ hai “nang” có nghĩa là“cô gái trẻ” và là một từ Hán, “niang” ()(…)(As for mỵ nương, the first term, “mỵ,” is “mae” (แม่) in Tai and literally means “mother,” whereas the second term, “nang,” means “maiden” and is a Chinese term, “niang” (娘)).

Tôi cảm thấy có sự gần gũi về ngữ âm và liền đó về ngữ nghĩa của những từ này vày với một số từ Khmer. Tôi xin được mở rộng phạm vi xem xét nguồn gốc từ Mỵ Nương ra khuôn khổ tiếng Khmer. Cơ sở của hướng tiếp cận này là tiếng Khmer vốn là ngôn ngữ thuộc cùng nhánh Mon-Khmer, hệ Nam Á (austro-asiatique), với nhóm Việt-Mường (Vietic); do đó việc tìm hiểu này khả thể đưa ra một cách lý giải mở rộng, so với tác giả Trần Trí Dõi, nếu không nói là gia cố cho lập luận đó.

***

Trong bài nói trên, L. Kelley giải thích từ mae trong tiếng Thái chỉ mẹ, công chúa/bà hoàng (nói chung là chỉ người nữ có địa vị cao quý), v.v. Nếu vậy thì từ mae do L. Kelly đưa ra rất gần gũi với từ mae trong tiếng Khmer, nếu không nói là trùng khớp rất nhiều:

* មេ [mei/mê]có nhiều nghĩa: mẹ (thú, như gà mẹ), (người nữ trẻ, tính thân mật), thủ lĩnh/thủ trưởng. [3]

Trong bài viết của mình L. Kelley nhiều lần gắn liền nhân vật Mỵ Nương với một nhân vật nữ hoặc có tính cao quý hay thậm chí là một nữ thần gốc Thái, hay đơn giản là mẹ. Riêng trong đoạn trích bên trên tác giả có ghi phiên âm quốc tế IPA từ đã giúp tôi tiến thêm một bước là nhớ ra từ Khmer khác:

* ម៉ែ  [mae/maii]: mẹ (ruột), từ để gọi một người phụ nữ lớn tuổi khả trọng.

Rõ ràng là hai âm này gợi ngay ra cho ta hai từ Việt mệ (phương ngữ bắc Trung bộ, mẹme (phương ngữ Bắc bộ). Đặc biệt từ mệ hiện vẫn dùng thay hoàn toàn cho hay cụ suốt một dãi 5 tỉnh Trung bộ đến tận Thừa Thiên, vốn là nơi còn bảo tồn nhiều từ Việt cổ nhất trên toàn cõi Viêt Nam. Tất cả các từ này đều khá trùng khớp với hai từ Khmer dẫn trên về ngữ âm, ngữ nghĩa lẫn sắc thái tu từ so với từ mae mà L. Kelley nêu dẫn. Đây là bàn về từ tố Mỵ-mae.

Về từ tố Nương thì, theo tôi, cũng kiên cưỡng khi ông cho rằng thuộc yếu tố Hán. Trong tiếng Khmer ta sẽ thấy rất rõ Nương có gốc Mon-Khmer:

នាង [nieŋ/niêng] (1) từ để chỉ con mình khi giao tiếp với người khác (cho cả gái hay trai), (2) từ để chỉ một người nữ trẻ hay có tuổi, thậm chí chỉ người có thứ bậc xã hội cao.

Bên trên là phân tích riêng từng yếu tố một trong từ Mỵ Nương; vậy nguyên từ ghép thì sao? Rõ hẳn ra gốc Mon-Khmer của nó.

Trong tiếng Khmer ta sẽ thấy có các từ មេនាង [mee nieŋ/mê niêng],មីនាង [mii nieŋ/mi niêng] mà trong tiếng Khmer đương đại được lược thành:

* ម្នាង [mnieŋ-mniêng] từ chỉ người phụ nữ trong hoàng gia, thứ bậc xã hội rất cao đầy tôn kính, có thể dịch thành công chúa, bà hoàng, đức bà, quý bà, v.v. tùy trường hợp, thậm chí là nữ thần, khi kết hợp với các từ mang đầy sắc thái tôn kính như ព្រះ[preah-preh] (thường dành cho thần thánh, vua hay hoàng tộc) hay អ្នក [neak/nek]; ví dụ khi giới thiệu về bà Ngọc Vạn trên một trang web ta có câu (trích nguyên văn): “អ្នក​ម្នាង ង្វៀង ផុ​ក ង៉ុ​ក វ៉ាង (Nguyễn Phúc Ngọc Vạn (阮福玉萬) កើត​ប្រហែល​ឆ្នាំ ១៦០៥ ស្លាប់​ក្រោយ​ឆ្នាំ ១៦៥៨ ជា​បុត្រី​ទី ២ របស់​ស្ដេចត្រាញ់​យួន ង្វៀង ផុ​ក ង្វៀង (Nguyễn Phúc Nguyên)” (Đức bà Nguyễn Phúc Ngọc Vạn sinh năm 1605, băng năm 1658, hoàng hậu của vua Chey Chetta II, công chúa thứ hai của Chúa Sải Việt Nguyễn Phúc Nguyên). [4]

Với lại, khi đưa ra các chứng cứ qua các truyện dẫn từ thư tịch Hán cổ để chứng minh Mỵ Nương là một nữ thần gốc Thái rồi lại chua thêm chữ Hán “媚娘. Sao ông lại chỉ thấy Nương là được Hán hóa mà không phải cả Mỵ cũng vậy? Chữ Hán 媚 (âm Pinyin: mèi) cũng có nghĩa là “đẹp, nhu mì, đáng yêu”, tức Mỵ Nương là một bà/cô (nói chung là nữ) xinh đẹp, dễ thương, kiều diễm, khả ái, v.v. tức thật xứng với tính từ enchanting trong nguyên văn của ông, thậm chí càng củng cố thêm ghi chép của Phạm Thành Đại? L. Kelley chưa đi đến tận cùng luận cứ hay lập luận khập khiểng?

Về mặt ngữ âm, nếu như yếu tố mei, mae có thể gây chút gì băng khoăng vì từ tiếng Việt chỉ còn giữ nguyên lại phụ âm đầu m còn vần thì có xa hơn thì yếu tố nieŋ dễ làm ta liên tưởng đến nương. Và nhất là khi xem xét trọn vẹn từ ghép mê-niêng – mi-niêng và mỵ-nương thì việc nhận diện dễ gơn gắp nhiều lần. Song về ngữ nghĩa và sắc thái tu từc của nguyên từ thì không chạy đâu được. Và nhất là ta phải thấy âm dạng mi niêng trong tiếng Khmer với Mỵ Nương trong tiếng Việt – một sự trùng khớp tới 90% (10% còn lại là do yếu tố có hay không có thanh điệu của hai ngôn ngữ). Do đó tác giả Trần Trí Dõi lập luận “Trong khi đó, hiện nay trong tiếng Rục, tiếng Thà Vựng, tiếng Mã Liềng là những ngôn ngữ cổ xưa song tiết của nhóm Việt – Mường, từ có nghĩa “mẹ” có dạng ngữ âm là [meɛ], [mǝǝ4], [mié] [6]. Rõ ràng, dạng thức ngữ âm này trong những ngôn ngữ nhóm Việt – Mường đã xác nhận tính gốc Môn – Khmer của từ ngữ nói trên trong tiếng Việt” là xác đáng.

*

Đôi điều của vấn đề cần được thảo luận tiếp:

Nan đề 1: Cả lập luận của L. Kelley lẫn của kẻ viết bài nầy có một điểm yếu cốt tử, đó là chỉ đứng trên quan điểm đồng đại. Cụ thể là căn cứ theo dạng ngữ âm hiện đại của các thứ tiếng Thái, Việt, Khmer mà không có cơ sở lịch đại, tức đã không được phục nguyên dạng âm cổ của từ nên cơ sở khoa học của cả hai lập luận thiếu vững.

Nan đề 2: Cũng có thể nêu ra câu hỏi, có hay chăng một sự vay mượn giữa Mon-Khmer và Tai ở đây, và ai đã vay mượn ai? Một khả thể hữu lý. Để trả lời, một lần nữa, yêu cầu phục nguyên lại được đặt ra. Hơn thế nữa, thời điểm vay mượn là khi nào (niên đại tương đối)? Hay đơn giản đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì từ “mẹ” âm /mae/ có dạng ngữ âm tương tự nhau (rõ nhất là phụ âm đầu /m/) trong nhiều thứ tiếng xa cách nhau cả về địa lý (từ đông sang tây) lẫn ngữ hệ?

Nan đề 3: Nếu trả lời được hai câu hỏi này cũng sẽ góp phần nào trong việc xác định liệu truyền thuyết Mỵ Nương-Thánh Tản Viên có phải có nguồn gốc Tai, thậm chí truyền thuyết này là một kiến tạo trung đại của giới nho gia Việt trong việc kiến tạo căn tính bản địa Việt trước Hán tộc cũng như xác lập địa vị thống trị/vượt trội của người Việt trước thế giới người Man ngoại vi như ông L. Kelley từng lập luận?

Nan đề 4: Ngoài ra còn một vần đề khác cần lưu ý. Từ Mae nang được ông Kelley nhìn nhận như một từ ghép Thái-Hán là theo phép chiết tự đã biến từ nầy tồn tại dưới dạng từ ghép theo quan hệ chính phụ của một danh ngữ. Còn từ Mỵ Nương và Mi-niêng/Mniêng lại đều tồn tại như một từ ghép đẳng lập đơn nhất, nó là một danh xưng, một từ tôn vinh đơn nhất bất khả phân tuy có hai âm tiết trong thực tế sử dụng, rất khác với 媚+娘. Trong đoạn dịch Phạm Thành Đại của Kelley ta cũng không thể loại trừ hoàn toàn rằng bản thân từ Thái cũng là một từ đơn nhất bất khả phân nào đó (như với mniêng) nhưng người Hán đã ghi lại thành danh ngữ có quan hệ chính phụ khả phân? [5]. Và như vây sao không thể nêu ra nhu cầu phục nguyên âm vị cổ bản thân từ Thái nầy?

Tác giả xin chân thành cám ơn GS Trần Trí Dõi đã đọc và góp những ý kiến quý báu cho bài viết này. Bài này được chỉnh sửa và bổ sung lần cuối ngày 15.11.2021

…………………..

Chú thích

  1. Kelley (2013), Tai Words and the Place of the Tai in the Vietnamese Past, Journal of the Siam Society, Vol. 101.2013, pp 55-84.
  2. Trần Trí Dõi (2017), Tiếp tục thảo luận về bài viết “Những từ Thái và vị trí của người Thái trong lịch sử Việt Nam” của L.Kelley, TC Ngôn ngữ, số 3 2017, tr 3-14
  3. Từ điển tiếng Khmer. Trang từ điển tiếng Khmer này xây dựng trên cở sở cuốn Từ điển tiếng Khmer của Vua Sải Chuon Nath bản in năm 1967 (xuất bản lần đầu năm 1917), vốn được xem là nền tảng của mọi Từ điển tiếng Khmer được biên soạn về sau. Thời trẻ sư Chuon Nath được người Pháp đưa về Hà Nội học các cổ Ấn ngữ (Pali, Sanskrit) tại Trường Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO).
  4. Xem: អ្នក​ម្នាង ង្វៀង ផុ​ក ង៉ុ​ក វ៉ាង (Nguyễn Phúc Ngọc Vạn 阮福玉萬) Đài VOKK.
  5. Furlus trong bài phục nguyên các từ Phù Nam, Chân Lạp Origine des noms anciens du Cambodge: Fou-nan et Tchen-la. L’interprétation des transcriptions chinoises.
  6. Trần Trí Dõi (2017), tài liệu đã dẫn

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ