Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Đại dịch COVID-19 và Kỷ luật xã hội

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi

Ngày 14 tháng 4 năm 2020

I. Tiền đề

Không thể lựa chọn một trong hai, hoặc “cứu người, hy sinh kinh tế” hoặc “cứu kinh tế, hy sinh người”. Phải cứu cả hai. Nhưng đây là một nghịch lý, bởi lẽ, trong thực tế hiện nay, hai việc đó loại trừ nhau. Để vượt qua nghịch lý, cứu người hay cứu kinh tế, người ta cần sáng tạo. Bài viết này thảo luận về một cách sáng tạo để vượt qua nghịch lý ấy.  

  1. Đợt một của đại dịch (giai đoạn bùng phát ở Trung Quốc) đã qua, đợt hai của dịch (quy mô toàn cầu) đã bùng nổ, với quy mô hiện đã gấp 40 lần đợt một (thời điểm viết bài này: 14/4/2020). Việt Nam đã phòng ngự và cầm cự thành công trong đợt một, nhưng thất bại chỉ là sự kéo dài của thành công, Việt Nam không thể lặp lại thành công đó ở đợt hai này, với cách làm cũ.  
  2. Đến thời điểm này, dịch đã lan âm thầm trong cộng đồng, bắt đầu xuất hiện người nhiễm không thể truy tìm gốc lây nhiễm. Cho đến khi có thuốc trị và vaccine, biện pháp cách ly từng ca như đã làm ở đợt một không còn hiệu quả nữa. Biện pháp cần bổ sung ở giai đoạn 2 này là giãn cách xã hội.
  3. Giãn cách xã hội dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Có thể giãn cách xã hội 2 tuần, 1 tháng, nhưng không thể làm liên tục 1 năm, 2 năm. (Nếu kéo dài 1 năm, 2 năm, người dân sẽ không chết vì COVID 19 mà chết vì sinh kế và áp lực xã hội. Làm việc online tại nhà chỉ áp dụng được cho một số tầng lớp: quản trị, trí thức…). 
  4. Cũng không thể cứu nền kinh tế bằng hy sinh việc chống dịch bệnh, vì nếu để bùng phát như New York, hàng ngàn người mất mỗi ngày, thì thảm họa y tế lập tức chuyển thành thảm họa kinh tế.  
  5. Rõ ràng, cứu cả kinh tế và cứu cả người là phương châm đúng, tuy nhiên, không dễ làm điều đó, vì những công cụ chúng ta đang có không cho phép. 
  6. Cho đến khi có vaccine và thuốc đặc trị, những gì Việt Nam và thế giới đang làm không sớm thì muộn, sẽ dẫn đến khủng hoảng cả hai. (Tổng thống Trump đang mở cửa nước Mỹ trở lại, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp cũ, nên sớm muộn sẽ hứng một đợt khủng hoảng mới).  
  7. Trong thời gian chờ đợi vaccine và thuốc đặc trị, người ta cần sáng tạo một công cụ mới. Công cụ mới này gồm hai biện pháp, thực hiện song song. Để từng bước mở cửa lại nền kinh tế, cái mà từng quốc gia cần là: 

         7.1. Kỷ luật xã hội, xây dựng bằng cách thực thi quy chuẩn / quy trình ứng xử của một xã hội trong điều kiện đại dịch kéo dài cho đến khi có vaccine.

         7.2 Xây dựng khả năng đo lường tình trạng của dịch vừa đúng vừa nhanh, bằng cách xây dựng khả năng xét nghiệm đại trà. (Ước tính việc xét nghiệm đại trà này trước mắt tốn khoảng 150 triệu USD, tức hơn 3000 tỷ đồng, cho Việt Nam).  

Dưới đây giải thích về 7.1. 

II. Xây dựng và thực thi quy chuẩn / quy trình ứng xử của một xã hội đối phó với đại dịch kéo dài để xây dựng kỷ luật xã hội

1. Việt Nam (và các nước trên thế giới) cần xây dựng các “Quy trình hoạt động ở các không gian công cộng trong điều kiện đại dịch COVID-19”. 

Ví dụ:  

  • Giáo dục: Nếu cho mở cửa trở lại, cần có Quy trình cụ thể từ khi bước vào cổng trường đến khi ra khỏi cổng trường, của từng nhóm người trong trường học, quy trình giảng dạy và học tập trong lớp học… sao cho giảng viên, học sinh, nhân viên… không lây nhiễm cho nhau. Quy trình và phương tiện phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh cũng như Quy trình xử lý khi phát hiện.  
  • Ngành y tế: Quy trình ra vào bệnh viện, Quy trình vận hành của các đơn vị trong Bệnh viện… (Tham khảo quá trình lây nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai)
  • Ngành xây dựng: Quy trình hoạt động các công trình xây dựng dân dụng (sao cho công trình có thể hoàn thành nhưng công nhân không lây nhiễm cho nhau, nếu có) 
  • Ngành sản xuất: Quy trình hành vi của công nhân trong nhà máy, sao cho công nhân không lây nhiễm cho nhau.  
  • Thương mại: Quy trình hành vi của nhân viên bán hàng và người mua hàng. (Quy trình đóng gói sản phẩm, quy trình người mua tiến hành vệ sinh chúng khi mang về nhà…)
  • Ngoại thương: Quy trình làm vệ sinh hàng nhập khẩu, từ khi về đến cảng đến khi ra khỏi cảng, Quy trình vận chuyển và phân phối chúng. 
  • Thực phẩm: Quy trình hành vi của từng khâu (từ khâu sản xuất, đóng gói thức ăn… đến khâu giao sản phẩm lên bàn ăn người mua)
  • Trung tâm thương mại: Quy định về việc bố trí khoảng cách chỗ ngồi, khoảng cách đứng trong quán cà phê, nhà hàng. Quy định về quy trình hành vi của khách, nhân viên phục vụ…
  • Khách sạn: Quy trình của từng hành vi, trong mỗi khâu hoạt động của khách sạn, sao cho khách đến không lây nhiễm cho nhân viên khách sạn, Quy trình làm việc của nhân viên dọn phòng…  
  • Các phương tiện giao thông công cộng: Quy định hành vi, chỗ ngồi của tài xế, người trợ giúp tài xế, Quy trình của hành khách từ khi lên xe đến khi xuống xe, Quy định về việc làm sạch phương tiện giao thông công cộng 
  • Quy trình vệ sinh (làm sạch) các không gian công cộng nói trên. (ví dụ, cần nghiên cứu cứ bao lâu thì phải phun cồn làm sạch một lần xe buýt, văn phòng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà máy…)  

Tinh thần kỷ luật ở cấp độ toàn xã hội này không đồng nghĩa với việc hạn chế các quyền tự do cá nhân cơ bản (như phương pháp dùng công nghệ để theo dõi di chuyển của các cá nhân, cấm ra khỏi nhà, cấm các hoạt động giao thông, cấm hoạt động buôn bán nhỏ ở không gian công cộng…)

2. Để xác định nội dung của từng quy trình nói trên, cần có Tổ chuyên môn cho mỗi quy trình, bao gồm: 

  • Để bảo đảm quy trình ấy là đúng kỹ thuật y khoa, cần đó chuyên gia dịch tễ học. 
  • Để bảo đảm quy trình y khoa ấy ăn khớp với thực địa của từng lĩnh vực: cần có người có kinh nghiệm thực địa, hoặc chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó.
  • Để bảo đảm quy trình ấy vận hành hợp với thực tiễn, cần có Nhà tư vấn về tư duy chiến lược. 
  • Để bảo đảm quy định không vi phạm Luật hiện hành, cần có luật sư. 
  • Để bảo đảm quy định không vi phạm các giá trị nhân bản, cần có triết gia.
  • Để bảo đảm truyền thông tốt cho xã hội, cần có tham gia của người làm truyền thông chuyên nghiệp.  

3. Quy trình hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực, không gian nào cũng cần có phương tiện đi kèm, ví dụ:

  • Dụng cụ đo thân nhiệt cỡ nhỏ và lớn
  • Cồn rửa tay.
  • Máy phun hơi cồn lên toàn thân trước khi vào nhà máy
  • Khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ… 
  • và nhiều thứ khác (ở đây chỉ là ví dụ)4

4. Nếu đột ngột ban hành Quy trình mà không chuẩn bị trước phương tiện, nhu cầu cho các phương tiện đó bị đẩy lên một cách đột ngột vào một thời điểm, hỗn loạn sẽ xảy ra, đẩy chính phủ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá họ muốn. Trong bối cảnh Việt Nam, gần như 95% khả năng nước ngoài này là Trung Quốc. 

5. Ở Việt Nam, chỉ cần có thông tin nhà nước chuẩn bị ban hành “Quy trình hoạt động của xã hội trong điều kiện đại dịch”, ngay lập tức sẽ có các nhóm lợi ích tiếp cận quan chức cấp cao để làm cho việc này phục vụ trực tiếp cho lợi ích của họ. Nhân dân sẽ rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, không chỉ phải trả giá cao cho doanh nghiệp nước ngoài, mà còn rơi vào tình thế bị một vài doanh nghiệp nhập khẩu “độc quyền do nắm được thông tin và quan hệ” chèn ép.  

Tham khảo: “Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bị

Do đó: 

  1. Cần gấp rút chuẩn bị phương tiện liên quan đến từng quy trình, nhưng, phải làm cho việc này trở thành động lực giúp Việt Nam “tăng cường nội lực”. Việc chuẩn bị này phải là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhà nước và tư nhân. 
  2. Quản trị việc thực hiện các Quy trình: Thu về một đầu mối, tránh tình trạng đổ lỗi. 

Những gì trình bày ở trên đã bắt đầu được áp dụng rải rác ở một số nước, nhưng vẫn chưa thành hệ thống. Trước đây, các nước công nghiệp phát triển vốn đã rất quen với kỷ luật xã hội kiểu này, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất. 

Ví dụ, trong từng nhà máy của tập đoàn Bridgestone, Nhật Bản, người ta quy định và huấn luyện cụ thể đến từng hành vi, gồm cả hành vi băng qua một góc ngã tư nhỏ trong nhà máy, sao cho bảo đảm an toàn. Ngay cả khi có quy trình nghiêm ngặt như vậy, tập đoàn có 11 vạn công nhân khắp thế giới và tuần nào cũng có báo cáo tai nạn gửi về trụ sở ở Tokyo. Từ khi họ chuyển khâu sản xuất sang các nước đang phát triển, các quy trình này cũng được chuyển ra ngoài nhưng không còn nghiêm ngặt như ban đầu. 

Tuy nhiên, cũng có khả năng các nước phát triển sẽ thích ứng nhanh với “kỷ luật xã hội” thời kỳ đại dịch như phác họa ở trên.  

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ