Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam 2020 – 2045 (Kỳ 1: các vấn đề thể chế)

Tô Văn Trường

Published on

Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Nghị quyết Số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, xin gửi đến độc giả một số phân tích của TS. Tô Văn Trường về chính sách năng lượng mới này của Việt Nam qua bài phỏng vấn 2 kỳ dưới đây.  

Tiến sỹ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường. Ông đã có thời gian từ 1988-9/1996 là chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok-Thái Lan. Từ 10/1996-01/2009 là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. 

Có ý kiến cho rằng, trong các thời trước, những văn bản như thế này thường là do Chính phủ dự thảo, đưa ra Bộ Chính trị thảo luận một số quan điểm, chủ tương quan trọng, sau đó Chính phủ ban hành thành văn bản pháp quy, hoặc trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết. Đến nay, Chiến lược năng lượng quốc gia lại không phải là nghị quyết của Quốc hội hoặc của Chính phủ mà lại là nghị quyết của Bộ Chính trị. Điều này có ý nghĩa gì mặt chính trị không? Một khi chiến lược năng lượng quốc gia do Đảng ban hành, vậy Đảng có chịu trách nhiệm pháp lý với nó không?

TS. Tô Văn Trường: Sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm pháp lý của Đảng đang tồn tại rất nhiều điều cơ bản chưa ổn, ngay từ Hiến pháp, tức Luật cơ bản trở đi.

Sau chiến tranh và sau khi những yếu kém của chế độ Xô Viết bộc lộ, một số lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhận ra những sai lầm như “Đảng làm thay Nhà nước”; “Đảng là Nhà nước trong Nhà nước”; “Đảng  lãnh đạo nhưng không rõ trách nhiệm pháp lý”.  Nhiều nghị quyết của Đảng đã nói về những vấn đề này. Trong thực tế, thì đã có một số việc làm nhằm khắc phục những bất cập kể trên.
Nhưng gần đây, có khuynh hướng làm ngược lại. Một phần vì có thời kỳ “Đảng bị cắt xén quyền lực thực tế”, một phần, có lẽ “chép” mô hình Trung Quốc gần đây. 

Xu hướng đảo ngược này biểu hiện ở chỗ trộn lẫn tổ chức, chức năng, hoạt động của bộ máy Đảng với Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tế.

Theo một bậc lãnh đạo lão thành trong ngành Tổ chức Trung ương thì đây là một kiểu “cải tiến vòng quanh”. Kiểu cải tiến này không dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn. Nó tuy có thể mang lại một số thay đổi nhỏ, làm một số người hài lòng, tạo thành dẫn chứng để tự biện hộ…, nhưng cuối cùng, sẽ lại sa vào những khuyết điểm cơ bản, những khuyết điểm đã khiến Việt Nam phải trả giá nặng nề như đã thấy trong lịch sử một thế kỷ qua của phong trào cộng sản. Trên thực tế thì điều này đi ngược lại với những bài học lớn và nhiều nội dung của Hiến pháp, Cương lĩnh, Điều lệ và những nghị quyết đã có vv…

Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đương nhiệm phản đối quyết liệt loại văn bản này, nên hiếm xảy ra hơn, nhưng đôi lúc vẫn xuất hiện. Thực ra, ông Võ Văn Kiệt cũng bất lực trước nhiều hiện tượng tương tự như vậy. Các Đại hội Đảng thường có hẳn một nghị quyết kinh tế. Nghị quyết kiểu này thực chất là Kế hoạch 5 năm của Chính phủ và nó không cần Quốc hội thông qua! Ông Võ Văn Kiệt gọi sự lạm dụng này là một thứ  Nhà nước “ba trong một” (Đảng – Chính quyền – Mặt trận) song thực chất chỉ là một: “Nhà nước Đảng”! Nghĩa là được hợp pháp hóa bằng Điều 4 trong Hiến pháp!

Tập trung vào Đảng để làm cho tách bạch chuyện nào ra chuyện nấy (giữa Đảng, nhà nước, mặt trận…) nhưng thất bại, nên ông Võ Văn Kiệt chủ trương đi đường vòng: “Tạo lập một Quốc hội mạnh “ với đúng nghĩa như đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng trong việc này, ông Võ Văn Kiệt cũng thất bại! Ai cũng thấy chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 đã thất bại, Bộ Chính trị nói riêng và Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung không chịu trách nhiệm gì đối với quốc gia và nhân dân. 

Khóa trước khi TS. Nguyễn Quân còn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đã đặt hàng Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu giải đáp 3 vấn đề: (1) Thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cả lý luận và thực tiễn; (2) Làm rõ nước công nghiệp theo hướng hiện đại và (3) Vai trò của trí thức trong đội tiên phong của công nhân, nông dân và vấn đề giai cấp của công nhân? Đề xuất này không nhận được đáp ứng. Tuy vậy, hàng năm Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn có chương trình nghiên cứu riêng, tiêu cả trăm tỷ đồng ngân sách (tự đặt ra đầu bài, tự nghiệm thu, mà không có phản biện công khai của các cơ quan và chuyên gia độc lập). Tổ chức nghiên cứu theo cách ấy thì khó bảo đảm chất lượng nghiên cứu một cách khách quan. Những nghiên cứu này là cơ sở để viết các Văn kiện của Đảng, do đó đôi khi làm cho các Văn kiện này, kể cả bản Dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng khóa 13 hiện nay, rơi vào tình trạng tù mù và vòng quanh. 

Nghị quyết 55 đặt vấn đề thúc đẩy xoá bỏ độc quyền mua bán điện. Xin ông cho biết quan điểm của ông về cách thức xoá bỏ độc quyền mua bán điện, đặc biệt trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm cả hệ thống sản xuất, truyền tải và cung ứng điện.  

TS. Tô Văn Trường: EVN là doanh nghiệp nhà nước nắm độc quyền về truyền tải và bán điện, do Nhà nước hiện đang muốn thông qua EVN để có thể bán điện với giá có điều khiển, khống chế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. EVN đang thực hiện sứ mệnh do Nhà nước giao phó, thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn kể cả cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cấp điện cho các đảo,… nếu như một doanh nghiệp thuần túy dựa trên tiêu chí lợi nhuận từ việc đầu tư thì không thể thực hiện được.

Khi chuyển đổi một doanh nghiệp sang cơ chế thị trường hoàn toàn thì doanh nghiệp đó sẽ hoạt động theo nguyên lý thị trường. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải điện, nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện là vốn đầu tư từ nhà nước và chưa dễ để có thể hóa giá trở thành tài sản của một doanh nghiệp cổ phần hoàn chỉnh. 

Giá truyền tải điện hiện nay đang tính đồng giá trên cả nước mà chưa tính được truyền tải từ đâu đến đâu thì giá cả thế nào. Giá bán điện thì đồng nhất trên cả nước nhưng giá mua điện thì thủy điện rẻ nhất, nhiệt điện than ở mức trung bình, nhiệt điện khí, dầu, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) thì đắt hơn.  

Vậy, là một doanh nghiệp nắm phần lớn nguồn phát điện giá rẻ như thủy điện, EVN có trọng trách lớn trong việc bình ổn giá điện. Nếu vào thế cạnh tranh bán thì các doanh nghiệp khác chắc chắn phải bán với giá cao hơn. 

Như vậy, trong thời điểm hiện tại giá điện đang rẻ vì chưa tính đủ giá truyền tải, nhà nước đang có những chính sách để bình ổn giá điện. 

Trong tương lai, có thể có thị trường tự do hơn được xây dựng dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá truyền tải, đồng thời xã hội hóa thêm mạng lưới truyền tải, nhưng trước tiên, các yếu tố kỹ thuật xuyên suốt phải đảm bảo trước khi cho mua bán cạnh tranh hoàn toàn. Điều này là đúng với tất cả các nước. 

Xin lưu ý, hiện nay EVN không còn độc quyền trong lĩnh vực phát điện nữa. Các nhà máy điện của EVN trừ các dự án Thuỷ điện đa mục tiêu, đều phải tham gia thị trường điện như các nhà máy điện IPP khác. 

Đối với khâu phân phối, và bán lẻ hiện nay EVN vẫn là người mua điện duy nhất, sau đó bán lại cho khách hàng cuối cùng. 

Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm, từ tháng 01/2019, thị trường bán buôn điên cạnh tranh (VWEM) chính thức đi vào vận hành; còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo lộ trình sẽ vận hành thí điểm từ năm 2021 đến năm 2023, từ sau năm 2023, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoàn chỉnh (Quyết định số 63/2013/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ). Khi thị trường bán lẻ đi vào hoạt động, khách hàng lớn có thể ký hợp đồng trực tiếp với các nhà máy điện mà không cần phải qua EVN nữa. Nhà nước lúc đó, chỉ độc quyền trong lĩnh vực quản lý, vận hành lưới điện truyền tải & các nhà máy điện lớn có tầm quan trọng trong việc điều độ hệ thống điện.

Nghị quyết 55 có giải quyết vấn đề mạng lưới truyền tải điện quốc gia không? Có đặt vấn đề chia tách sản xuất và truyền tải điện?

TS. Tô Văn Trường: Theo một số chuyên gia ở Mỹ nhận xét, cạnh tranh sản xuất cung ứng điện là đúng nhưng truyền tải cần có vai trò của nhà nước hoặc tổ chức vô vị lợi (hay phi lợi nhuận?) như ở Mỹ trong việc xây dựng và quản lý mạng truyền tải quốc gia, và mạng truyền tải địa phương.
Đây là hệ thống quan trọng của an ninh quốc gia nhưng không thấy đề cập đến trong Nghị quyết 55.
Một vấn đề rất cần quan tâm nữa là lĩnh vực truyền tải điện và các nhà máy điện lớn có ý nghĩa quan trọng đến an ninh, an toàn, tin cậy trong điều độ hệ thống điện, Nhà nước nên độc quyền toàn bộ, kể cả hoạt động đầu tư xây dựng. Xã hội hóa lĩnh vực này sẽ  rất khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng thiết bị và duy trì an toàn truyền tải và nhà máy điện lớn. Doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này thường lấy mục tiêu tài chính là chủ yếu nên liệu có bảo đảm cho các yêu cầu về an ninh và an toàn?

Nghị quyết 55 đặt ra vấn đề xóa bỏ độc quyền mua bán điện. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thực hiện được mục tiêu này? 

TS. Tô Văn Trường: Thúc đẩy xóa bỏ độc quyền mua bán điện, có cơ chế thu hút vốn đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia là quan điểm cần thiết nhưng điều quan trọng cần làm là xây dựng cơ chế giá truyền tải điện quốc gia. 

Tại Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2008-2010), giá điện mặt trời quá đắt nên trong Quyết định 1208/QĐ-TTg năm 2011 chỉ ghi “nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 5,6%” trong cơ cấu nguồn điện năm 2020. Trong danh mục tại Phụ lục của Quyết định cũng chỉ đưa ra mục tiêu “Điện gió + năng lượng tái tạo” và không nêu rõ địa điểm và chủ đầu tư dự kiến, nên không có căn cứ quy hoạch lưới truyền tải phục vụ dạng nguồn này.

Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định 428/QĐ-TTg năm 2016) đề cập tới nguồn điện gió và điện mặt trời với mục tiêu vào năm 2020 có 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, trong danh mục tại Phụ lục chỉ nêu tên dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1 (Ninh Thuận) 300 MW vào năm 2019, Điện mặt trời Thiên Tân 2 (Ninh Thuận) 400 MW vào năm 2020, và Điện mặt trời Thiên Tân 3 (Ninh Thuận) 300 MW vào năm 2021. Do đó trong quy hoạch lưới truyền tải cũng chỉ dự kiến khoảng 700 MW phục vụ cho 2 dự án điện mặt trời đã nêu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (các dự án gió trước đó có đăng ký cả ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng khi triển khai chỉ có ở Bình Thuận).

Sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành giá FIT điện mặt trời rất hấp dẫn thì nhiều nhà đầu tư đến Ninh Thuận đăng ký và triển khai xây dựng. Mặc dù EVN và Sở Công thương Ninh Thuận đã cảnh báo nhưng các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, ký điều khoản cho phép cắt giảm công suất phát khi lưới quá tải. (Tham khảo thêm tại Báo Đầu tư).

Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (phụ trách lưới truyền tải Ninh Thuận) thì chỉ riêng tuyến 110 kV Phan Rí – Tháp Chàm được quy hoạch có 300 MW nhưng có tới 20 dự án điện mặt trời với tổng công suất 683 MW bám vào, nên bị quá tải và phải cắt giảm phụ tải (Tham khảo thêm tại Báo Đầu tư).

Xin ông cho biết tình hình doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất điện. Thủ tục đầu tư có dễ không? Tại sao rất ít doanh nghiệp nước ngoài vào, ngoại trừ các công ty nhiệt điện liên doanh với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc chiếm cổ phần chi phối?

TS. Tô Văn Trường: Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất điện ở Việt Nam bao gồm các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thủ tục đầu tư cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất điện là đầu tư lớn với nguồn vốn tính đến nhiều tỉ USD nên phải là những doanh nghiệp thật sự lớn họ mới làm. 

Việc thu hút đầu tư không hề dễ dàng mà cũng phải có chọn lọc thông tin. Những doanh nghiệp “chém gió” cũng khá nhiều mà đặc trưng là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh 144000 tỷ đồng như vừa qua đài báo đã đưa tin. Việc đầu tư lớn thì cũng cần bám theo quy hoạch điện và quy hoạch phát triển phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, quy hoạch & kế hoạch sử dụng đất v.v. nên cũng không phải dễ dàng.
Xin lưu ý là hiện nay một dự án từ khi đề xuất tới khi thi công cũng mất gần 10 năm. Lý do là việc đàm phán giữa nhà đầu tư và các cơ quan của Việt Nam mất quá nhiều thời gian. Nguyên nhân từ cả hai phía: Việt Nam và Nhà Đầu tư. Các hợp đồng cần đàm phán là hợp đồng BOT, mua bán điện, cung cấp nhiên liệu, thuê đất. Nhà đầu tư thông thường muốn có nhiều sự bảo lãnh, hỗ trợ của nhà nước, giá điện cao, còn về phía các cơ quan của VN thì ngược lại dẫn đến mất nhiều thời gian.

Nghị quyết 55 có thể tạo niềm tin về chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài hay không? Nói cụ thể hơn, thực tế là lâu nay có mối quan hệ quyền lực chéo giữa chính phủ (Bộ Công thương) và ngành điện (EVN): Có hiện tượng luân chuyển cán bộ qua lại giữa Bộ Công thương và EVN. Vậy, trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân đầu tư sản xuất điện có khả năng kiểm soát rủi ro chính sách hay không?

TS. Tô Văn Trường: Vấn đề rủi ro chính sách luôn tồn tại, trong nhiều ngành kinh tế chứ không chỉ ngành năng lượng. Đây là vấn đề liên quan tới định hướng chiến lược, năng lực của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách.

Theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Bộ Công thương không còn chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ở các tập đoàn như EVN, TKV, dầu khí (đã chuyển chức năng nhiệm vụ này sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp). Bộ Công thương chỉ quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng cho nên các tập đoàn kinh tế như EVN, TKV, dầu khí cũng được đối xử như các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiêp nước ngoài. 

Ở Châu Âu, cái đồng hồ điện ở mỗi căn nhà không thay đổi từ năm này qua năm khác, nhưng người sử dụng căn nhà đó có thể thay đổi dễ dàng công ty bán dòng diện chạy qua cái đồng hồ điện đó. Theo ông, Việt Nam có thể làm như vậy không? Có nên làm như vậy không? Lợi ích của nó là gì? Nó có tác hại gì không? 

TS. Tô Văn Trường: Ở Việt Nam thì người mua điện chỉ mua của EVN. Ở châu Âu có thể thay đổi công ty bán điện nhưng không hề thay đổi công ty truyền tải điện. Vẫn đường dây đấy bạn có thể mua điện ở xa giá rẻ thì chi phí truyền tải lại tăng lên thôi. Ở Việt Nam có thể làm được trong tương lai khi mà giá truyền tải điện được rõ ràng. Lợi và hại thì luôn có đồng thời với nhau nhưng để làm được điều này thì Châu Âu cũng phải trải qua một thời gian dài để thiết kế các yếu tố kỹ thuật phù hợp cho việc đó. Nếu yếu tố kỹ thuật không phù hợp thì bạn có thể có chính sách đó nhưng mà không thực hiện được. 

Khái niệm “an ninh năng lượng” (Energy security) lâu nay thường dùng để kết nối vấn đề hai vấn đề: an ninh quốc gia và tài nguyên tự nhiên, chủ yếu là dầu mỏ. Theo ông, điện có quan hệ như thế nào với vấn đề này?

TS. Tô Văn Trường: An ninh năng lượng là sự đảm bảo về nguồn cung cấp năng lượng xuyên suốt của một quốc gia. Sự phát triển của kinh tế xã hội luôn đi kèm với sự cung cấp đủ năng lượng cho sự phát triển đó. Một người hiểu biết về năng lượng khi theo dõi các chỉ số đều thấy một quy luật chung là kinh tế phát triển đến đâu, nhu cầu năng lượng phát triển đến đó. Năng lượng là cơ sở cho mọi hoạt động của con người từ sản xuất công nghiệp đến giao thông vận tải, du lịch, văn hóa, v.v. 

An ninh năng lượng có cơ sở quan trọng là an ninh trong cung cấp và truyền tải điện vì điện năng là nguồn năng lượng cơ bản có thể chuyển đổi thành hầu hết các dạng năng lượng khác. 
An ninh năng lượng không phải chỉ là dầu mỏ vì dầu mỏ chỉ là một phần của năng lượng mà thôi. Nó liên quan đến điện là chủ yếu còn dầu mỏ thì chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải. 
Đây cũng không phải là cái mới mà là điều quan trọng với bất kỳ quốc gia nào trong tiến trình phát triển của nó. Trong quá khứ thì nó chỉ là sự đảm bảo cung cấp năng lượng nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với việc hoạch định những kế hoạch cho an ninh năng lượng. 

Những vấn đề mắc phải ở việc cung quá tải các dự án năng lượng mặt trời ở Ninh Thuận là do lỗi ai, từ đâu? Làm sao khắc phục? Có nhóm lợi ích nào đằng sau việc cho phép tư nhân hoá ào ạt việc cung cấp điện? Có ý kiến phán đoán rằng các công ty Trung quốc là chủ đầu tư các dự án này. Nhà nước có nên ưu tiên cho các công ty Việt Nam (Việt Nam thực sự, không phải đội lốt.)

TS. Tô Văn Trường: Sự việc có một số dự án không giải toả được không phải do lợi ích nhóm mà do thực tế khách quan, khi giá FIT hấp dẫn dẫn tới nhiều nhà đầu tư đầu tư vào điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án điện mặt trời lại ngắn hơn rất nhiều (chỉ khoảng 6 tháng) so với đầu tư lưới điện (mất khoảng 2-4 năm tuỳ cấp điện áp 110kV hay 220kV) nên dẫn tới quá tải. 

Về các nhà đầu tư, không chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc mà còn từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Bạn đừng quá thiên về các thuyết âm mưu như vậy. Các dự án điện mặt trời nhìn chung có vốn đầu tư thấp, vừa miếng với doanh nghiệp tư nhân thì họ làm thôi. 

Khi doanh nghiệp tư nhân làm thì họ mong làm sao có lãi tốt và an toàn nguồn vốn. Chính sách mua điện của Việt Nam đã khuyến khích và phần nào ép họ phải xong trước một thời điểm để có thể bán điện mặt trời với giá cao. Vì thế mà nguồn cung quá tải so với khả năng truyền tải. 
Khá nhiều công ty Trung Quốc đầu tư các dự án này vì họ cũng mong muốn lợi nhuận trong khi họ có nguồn cung kỹ thuật sẵn có từ trong nước. Không chỉ Việt Nam đâu. Năng lượng mặt trời phát triển trên thế giới nói chung có rất nhiều sự liên quan đến các công ty Trung Quốc. Họ cũng mong muốn lợi nhuận như bất cứ ai trong cái thế giới toàn cầu hóa này. Họ đầu tư ở VN thì cũng phải chịu và tuân theo các quy định pháp luật của Việt Nam. 

Thực ra phần lớn là các công ty Việt Nam đứng ra để lập dự án và thực hiện các thủ tục hành chính theo đó có các công ty Trung Quốc đứng sau với nguồn vốn và khả năng kỹ thuật cao hơn để hỗ trợ và ăn chia lợi nhuận theo vốn góp của các công ty cổ phần thôi.

Mặt khác, về phía quản lý nhà nước tại thời điểm Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, chưa có quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia & kế hoạch phát triển lưới điện đồng bộ.

Ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi bàn về Nghị quyết 55, rất hào hứng về việc tư nhân tham gia sản xuất điện: “Chiến lược mới mở ra cơ hội lớn cho khối tư nhân phát triển năng lượng”. Ngoài ra, “Bộ Công Thương muốn bổ sung 12 dự án điện gió, điện mặt trời vào quy hoạch”. Xin ông bàn về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Việc bổ sung 12 dự án điện gió, điện mặt trời “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia” có tác động của nhóm lợi ích nào không? 

TS. Tô Văn Trường: Nhân vô thập toàn, nên bất cứ ai khi tham gia công tác quản lý nhà nước cũng không tránh được các khiếm khuyết là điều dễ hiểu. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là người được đào tạo bài bản, thuộc tầng lớp kỹ trị, nắm chắc chức năng nhiệm vụ của ngành, thông thạo ngoại ngữ Anh-Pháp, biết lắng nghe ý kiến phản biện xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phải giải quyết nhiều bất cập của người tiền nhiệm để lại nên thời gian ban đầu không tránh khỏi những lúng túng vì “đụng chạm” nhiều. 

Việc bổ sung 12 dự án điện gió, điện mặt trời vào quy hoạch là hướng đi đúng (giống như tinh thần chỉ đạo gần đây trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng). 

Khai thác than ở đồng bằng sông Hồng cũng được đặt ra trong Nghị quyết 55. Theo ông, Nhóm nào được lợi nhất từ việc khai thác này? Ai vận động bền bỉ nhất cho chính sách này? Việc khai thác này có lợi và hại gì? Cần làm gì để ngăn chặn mặt tác hại của nó, nếu vẫn khai thác? Có khả năng về kỹ thuật, tổ chức đời sống kinh tế – xã hội để thực hiện điều đó không? Khi thực hiện khai thác này, Việt Nam có bắt buộc phải đối diện với bài toán: chọn than hay chọn môi trường, chọn than hay chọn lúa gạo… và những điều tương tự, hay không?

TS. Tô Văn Trường: Liên quan đến than thì có TKV; Tổng công ty Đông Bắc v.v. để phát triển kinh tế xã hội, người ta thường quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhưng nó cũng tạo ra cơ sở để có nguồn tiền làm sạch môi trường. Vậy thì tài nguyên cũng vậy, luôn đối diện với vấn đề khai thác thế nào? ảnh hưởng gì? Có giải pháp gì giảm thiểu ảnh hưởng không? ảnh hưởng đó có chấp nhận được không? Trả lời tất cả các câu hỏi đó cần phải nghiên cứu bài bản và khoa học đến khi nào trả lời được thì mới nghĩ đến chuyện có làm hay không. Nếu vội vã, cứ có tài nguyên là “đào bới” khai thác sẽ để lại hậu quả khôn lường cho cả thế hệ sau.

Trên RFA cũng có bài bàn về nghị quyết 55: “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia có thể khiến giá điện tăng”. Bài này tường thuật lời của “Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng”, cho rằng một trong những vấn đề của Nghị quyết 55 này là giá điện sẽ tăng. Theo ông thì sao? Tại sao chính phủ chưa cho phép giá điện được điều chỉnh theo địa phương? Địa phương nào được lợi nhất từ chính sách này?

TS. Tô Văn Trường: Nghị quyết đặt ra vấn đề không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền. Đây là định hướng quan trọng đưa lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng theo cơ chế thị trường một cách hiệu quả. 

Giá điện tăng là đương nhiên. So với thế giới và khu vực, thì giá điện VN vẫn thuộc diện thấp. Vậy nên khi không còn những chuyện bù chéo giá điện theo nhiều cách khác nhau thì giá điện nhìn chung sẽ tăng lên. 

Thị trường điện đi vào sự minh bạch hơn là một điều tốt. Khi đó giá điện sẽ đi theo các quy luật kinh tế thị trường và có thể sẽ tăng giảm theo giá đầu vào đặc trưng nhất là giá nhiên liệu chung trên thị trường thế giới. 

Thực hiện nội dung này sẽ khắc phục được nhiều bất cập hiện nay. Rất vô lý khi Việt Nam có chiều dài hàng nghìn km với địa hình phức tạp, các khu công nghiệp, các thành phố có những đặc điểm khác nhau mà giá điện lại giống nhau. Cần xây dựng cơ chế giá truyền tải và từ đó minh bạch giá điện, chấp nhận giá điện khác nhau giữa các vùng miền, giữa các doanh nghiệp khác nhau về trình độ công nghệ sản xuất và xác định cơ chế hỗ trợ phát triển theo cách khác minh bạch hơn cho các vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn.

Về điều chỉnh giá điện theo địa phương, các yếu tố kỹ thuật và chính sách chung chưa cho phép. Nếu điều chỉnh theo giá địa phương thì có thể những vùng xa, vùng sâu lại chịu giá điện đắt hơn và không có cơ hội phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, Nghị quyết 55 có thiếu sót gì không, nếu xét từ góc độ thể chế?

TS. Tô Văn Trường: Chưa thấy Nghị quyết đề cập đến hệ thống bảo mật an ninh mạng internet trong hệ thống điện quốc gia. Có cơ quan nào kiểm soát được chất lượng thiết bị nhập khẩu, trường hợp nhà thầu có ý đồ xấu cài chip vào thiết bị điện nhập khẩu thì rào cản nào để phát hiện và ngăn chặn hiệu quả?

Ngoài ra, Nghị quyết 55 chưa có chỉ đạo định hướng địa phương về quỹ đất để phát triển hệ thống điện. Đây là khâu vướng nhất trong việc phát triển các dự án điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện truyền tải hiện nay khi có xung đột thường xảy ra giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Mặt khác, Nghị quyết cũng chưa có định hướng chỉ đạo về việc đưa các tiêu chí môi trường, quản lý các chất thải nguy hại, các chế tài thuế vào việc đánh giá hiệu quả các loại hình sản xuất điện và truyền tải điện.

Tóm lại, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khi được triển khai sẽ có nhiều diễn biến tích cực trong ngành điện, tác động lớn đến sự phát triển ổn định, bền vững của ngành điện và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách, kế hoạch thực hiện và các biện pháp triển khai, bảo đảm sự tối ưu, Việt Nam cần bổ sung và làm rõ những nội dung cần thiết như đã nêu trên.

Xin cảm ơn Tiến sỹ Tô Văn Trường.
(Xin xem tiếp kỳ 2 tại đây)

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ