Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946, Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản, Kỳ 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời, Kỳ 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Bốn bài viết trước đã phác hoạ lịch sử tư tưởng tư pháp từ sau cách mạng tháng 8/ 1945 đến giữa năm 1948. Ba năm đầu tiên (1945 đến 1947), hệ thống tư pháp Việt Nam được xây dựng và vận hành trên cơ sở tư tưởng “tư pháp độc lập”. Tư tưởng và hệ thống tư pháp độc lập đã giúp chế độ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thêm vững mạnh trong bối cảnh chiến tranh khi nó vận hành theo mục tiêu bảo vệ công lý, trừng phạt cả một số quan chức của chính quyền cách mạng khi họ lạm dụng quyền lực ức hiếp dân chúng hoặc lợi dụng bối cảnh chiến tranh để trả thù cá nhân. Cơ quan tư pháp cũng kiên trì giữ vững tư thế độc lập với cơ quan hành pháp, chống lại truyền thống quan lại kiêm chức năng xử án suốt ngàn năm phong kiến. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, tức phải chấm dứt vị thế độc lập của mình. Hơn một tháng sau, những người cộng sản tổ chức tấn công về mặt tư tưởng đối với nền tư pháp độc lập mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút ký thành lập và thực thi từ 1946 để xây dựng nền tư pháp cộng sản chủ nghĩa, theo đó tư pháp phải phục tùng hành pháp, phục vụ cho phục đích đấu tranh giai cấp. Các trí thức ngành tư pháp đã bẻ gãy tất cả các luận điểm của những người cộng sản.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế là luận điểm tấn công tư pháp độc lập, cả về mặt tư tưởng và thực tiễn, của Quang Đạm trên báo “Sự thật” đã không thể đứng vững về mặt trí tuệ trước sự phản biện của các chính khách ngành tư pháp, chỉ mấy tháng sau, đến tháng 11 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh SL 254, 9/11/1948 về “Tổ chức lại chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến”, cấp cho cơ quan hành pháp quyền lực xử án của ngành tư pháp. 

Sắc lệnh SL 254, 9/11/1948: Hành pháp xử án thay tư pháp 

Đây là một sắc lệnh có tính lịch sử. Nếu cuộc tấn công do Quang Đạm mở màn mới chỉ báo hiệu sự thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam trên phương diện tư tưởng, sắc lệnh này tạo ra bước ngoặt ấy trên thực tế. 

Điều 22 của sắc lệnh này cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính liên khu có quyền công tố của một tòa án, tức cơ quan hành pháp này vừa điều hành xã hội vừa xử án như tư pháp, tương tự chức năng của các quan tri phủ và tổng đốc trong chế độ phong kiến, vừa là cầu thủ chơi bóng vừa là trọng tài trong các trận bóng.  

Mặc dù Sắc lệnh này có rào đón bằng cách quy định cơ quan hành chính phải “hỏi ý kiến Giám đốc tư pháp”, nhưng chính sự rào đón này cho thấy chức năng và quyền hạn của ngành tư pháp đã bị kiểm soát: họ không những không còn độc lập nữa mà thậm chí chỉ còn là nơi cho ý kiến, có tính chất tư vấn. 

Ngoài ra, Điều 23 của Sắc lệnh này cho phép cơ quan hành chính liên khu bắt giam người và cấm người ra khỏi nơi cư trú mà chỉ cần “hỏi ý kiến Giám đốc tư pháp liên khu”. Cơ quan tư pháp cũng không còn quyền ra lệnh thả người bị bắt trái phép. Hàng tháng, Ủy ban hành chính sẽ họp với Giám đốc tư pháp để “xét lại” những trường hợp bị bắt giam. Như vậy, Giám đốc tư pháp chính thức bị đặt vào trong hành chính, cùng nhóm với các “ngành” khác như y tế, văn nghệ… như ý Quang Đạm nói 5 tháng trước đó. 

Sắc lệnh này, do đó, trái ngược với Sắc lệnh số 40, ngày 29/3/1946, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, theo đó, chỉ có cơ quan tư pháp mới có quyền ra lệnh bắt người. Cơ quan hành pháp chỉ được bắt người mà không cần quyết định của tư pháp trong trường hợp bắt quả tang, nhưng không được phép hỏi cung mà phải bàn giao cho tư pháp trong vòng 24 giờ. (Điều 1 và 2). 

Do trong hoàn cảnh chiến tranh, Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 cũng quy định trường hợp đặc biệt khi cơ quan hành chính cần bắt người khẩn cấp, liên quan đến cuộc đấu tranh giành độc lập. Tất nhiên, sắc lệnh năm 1946 này bảo vệ tuyệt đối tính độc lập của tư pháp: ngay cả trong trường hợp đặc biệt ấy, quyền quyết định số phận của đương sự thuộc về tòa án. Họ có quyền bác bỏ quyết định của cơ quan hành pháp và thả tự do cho đương sự. (Điều 12 và 14)

Sắc lệnh 254 ngày 9/11/1948, trái ngược hoàn toàn với Sắc lệnh SL-40 năm 1946, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngay sau cuộc tấn công vào tư tưởng và hệ thống tư pháp độc lập, bất chấp một thực tế là các luận điểm tấn công vào tư pháp độc lập đã bị bẻ gãy. 

Bước đệm 1948 – 1949

Một năm sau bài tấn công đầu tiên, đến tháng 4/1949, tác giả “Tân Dân” viết bài “Tư pháp Việt Nam – Độc lập hay không độc lập” trên mục “Ý kiến bạn đọc” của báo “Sự Thật” (Số 110, 25/4/1949). “Tân Dân” nhắc lại cuộc tranh luận, đồng thời, lặp lại các luận điểm của Quang Đạm, như thể các luận điểm này chưa từng bị bác bỏ. Tân Dân thừa nhận trong Hiến pháp 1946 có quy định “tư pháp độc lập”, nhưng đơn giản lặp lại luận điểm giải thích nghĩa của khái niệm “độc lập” mà Quang Đạm đã làm. Tân Dân chỉ đi xa hơn Quang Đạm ở một điểm là nêu đích danh Liên Xô: chúng ta xoá bỏ tư pháp độc lập, đặt tư pháp dưới sự kiểm soát của hành pháp, vì đó là con đường tiến bộ của Liên Xô. 

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hoè cũng không còn nhiều quyền lực trong hệ thống tư pháp từ sau 1950. Thực quyền tại Bộ tư pháp được trao cho Thứ trưởng Trần Công Tường, một đảng viên Đảng Cộng sản được đào tạo ở Liên Xô. Nguyên từ đầu năm 1948, Bộ Tư pháp được tách làm hai cơ quan A và B. Cơ quan A do Bộ trưởng Vũ Đình Hoè lãnh đạo, đóng tại Thái Nguyên. Cơ quan B do Thứ trưởng Trần Công Tường lãnh đạo, đóng ở Vĩnh Phúc. Các chiến dịch cải tạo ngành tư pháp để phục vụ đấu tranh giai cấp trong các cuộc đấu tố, kể khổ, tố khổ, cải cách ruộng đất sau đó đều do “cơ quan B” thực hiện.  

Tư pháp cộng sản chủ nghĩa đầu thập niên 1950s

Sang đến năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức làm cái điều đã giao cho Quang Đạm nói năm 1948: biến Tư pháp (tòa án) thành công cụ đấu tranh giai cấp. 

Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của nhân dân ta. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động. Luật pháp của ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. (Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, tập III, Nhà xuất bản Lao động, 1971, trang 138)

Thẩm phán bần cố nông xét xử phạm nhân trong tòa án theo mô hình tư pháp cộng sản

Đến tháng 11, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL ngày 17/11/1950, quy định đưa “cán bộ công nông có thành tích” vào ngạch thẩm phán (Điều 1). Nếu như trong bài mở đầu cuộc tấn công tư pháp độc lập, Quang Đạm còn thừa nhận tư pháp là một ngành đòi hỏi khả năng chuyên môn, thì đến sắc lệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần thẩm phán phải được đào tạo bài bản về luật học mà tiêu chuẩn để thành thẩm phán là thuộc thành phần “công nông”.  

Cùng ngày, ông ký sắc lệnh  Sắc lệnh số 156-SL, có hiệu lực từ ngày 22/11/1950, cho phép cơ quan hành chính liên khu thành lập tòa án liên khu, theo đó tòa án này có cả thẩm quyền của tòa án quân sự (Điều 5) vốn chỉ xét xử những tội “phản cách mạng”. 

Với hai sắc lệnh này, ông sáp nhập tòa án dân sự vào quân sự, đồng thời giao hệ thống này cho “công nông”. 

Khi cuộc đấu tranh giai cấp lên đến cao trào trong cải cách ruộng đất, ông ký sắc lệnh 150 SL ngày 12/4/1953, cho phép cơ quan hành chính địa phương thành lập “tòa án nhân dân đặc biệt” ở những vùng phát động cải cách ruộng đất. Tòa án chỉ tạm thời, sau khi xong nhiệm vụ sẽ giải tán (Điều 2). Về quan tòa, sắc lệnh quy định một nửa số thẩm phán do Nông hội hoặc Hội nghị đại biểu nông dân ở huyện hay liên huyện cử ra. Khi đến xã nào xử thì lấy thêm đại biểu nông dân ở xã đó, nhưng số đại biểu lấy vào không được quá 1/3 tổng số thẩm phán.” 

Như vậy, tư pháp không chỉ là một cơ quan do hành pháp lập ra, mà còn lập ra một cách tạm thời, trong thời gian ngắn, chỉ để thực thi nhiệm vụ ngắn hạn là trừng phạt. Một nửa thẩm phán là nông dân, nhưng khi tòa án đến địa phương xét xử, lại bổ sung thêm nông dân ở đó, vì vậy, nông dân chiếm áp đảo trong lực lượng thẩm phán. 

Đây là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Thời phong kiến, một ông tri phủ (quan huyện) cũng đồng thời là quan tòa, nhưng chắc chắn tất cả các ông tri huyện đều phải là người có học, vượt qua các kỳ thi khoa cử của nhà nước, sau đó mới được tuyển làm quan. Ở hệ thống tư pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế qua các sắc lệnh kể trên, thực chất là du nhập về từ Liên Xô và Trung Quốc, bần cố nông thất học được tuyển vào vị trí quyết định số phận, tính mạng và tài sản, của người khác mà không cần học hành gì. 

Cải cách ruộng đất: Thẩm phán bần cố nông tuyên án tử hình và thi hành án tại chỗ.

Thậm chí, một bần cố nông có thể được tuyển vào “tòa án” tạm thời, sau khi ra quyết định tử hình một người, tòa án giải tán và anh bần cố nông đó cũng không còn trách nhiệm gì với bản án mình đã tuyên.

Như vậy, trong vòng dưới mười năm, từ 1946 đến 1953, các văn bản liên quan đến luật pháp, tư pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành có thể được chia làm hai giai đoạn với tính chất trái ngược nhau, trong đó, giai đoạn đầu là những văn bản đi theo tinh thần cộng hòa, như Hiến pháp 1946, những sắc lệnh đầu tiên xây dựng nền tư pháp độc lập và bảo vệ quyền tự do cá nhân, còn giai đoạn hai là những sắc lệnh theo chủ nghĩa cộng sản du nhập từ Trung Quốc, tổ chức nền tư pháp như một công cụ phục vụ chính quyền, đưa những người thuộc thành phần bần cố nông, hoàn toàn không được đào tạo, trở thành thẩm phán để tuyên án trong cải cách ruộng đất. Cột mốc chia đôi hai giai đoạn này là năm 1948, khi nổ ra cuộc tranh luận trong nội bộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa hai con đường cộng sản – cộng hòa của nền tư pháp.  

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ