Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Lịch sử tư tưởng tư pháp 1945 – 1956 (Kỳ 1: Tinh thần cộng hòa 1946, Kỳ 2: Lá thư tháng 2 năm 1948-Tư pháp phải “đoàn kết” với hành pháp, Kỳ 3: Cuộc tấn công của những người cộng sản, Kỳ 4: Lý tưởng “Tư pháp độc lập” trả lời, Kỳ 5: Tư pháp Hồ Chí Minh sau cuộc tranh luận 1948)

Sau cuộc tấn công vào tinh thần tư pháp độc lập của Quang Đạm, các lãnh đạo ngành tư pháp đã viết bài phản biện. 

Đại diện phía các chính khách cộng hoà trong chính phủ Hồ Chí Minh lên tiếng phản biện những người cộng sản là Vũ Trọng Khánh, một cựu luật sư thời Pháp, thị trưởng Hải Phòng thời chính phủ Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, năm 1948 đang là Giám đốc tư pháp khu 10. 

Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu tiên, Vũ Trọng Khánh. Năm 1948 là Giám đốc tư pháp khu 10.

Bài của Vũ Trọng Khánh “Ý kiến bạn đọc về vấn đề tư pháp” cũng được đăng trên báo Sự thật, số 98 và 99, ngày 19/8 và 2/9 năm 1948. Bài viết được ông Vũ Đình Hòe in lại toàn văn trong phần phụ lục của “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”. Các đoạn trích dưới đây được lấy từ sách “Hồi ký Vũ Đình Hòe”, gồm 3 tác phẩm là “Báo Thanh Nghị và nhóm Thanh Nghị”, “Tiền Thanh Nghị” và “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” (hậu Thanh Nghị), do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2004.

Vũ Trọng Khánh: Chức năng bảo vệ công lý của tư pháp 

Trước hết, Vũ Trọng Khánh bác bỏ lý thuyết tư pháp cộng sản chủ nghĩa bằng cách phủ nhận chính đáng của “đấu tranh giai cấp”: Luật không chỉ là công cụ của giai cấp thống trị mà hơn thế nữa, Luật là công cụ bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh, tức bảo vệ công lý. Ngoài ra, khi Luật xử lý các mối xung đột giữa những người với người trong xã hội, nó không liên quan gì đến đấu tranh giai cấp. 

Theo ông, Luật không chỉ phản ánh ý chí của tầng lớp thống trị mà còn phản ánh tập quán và quan niệm của “nhân dân”. Khái niệm “nhân dân” được Vũ Trọng Khánh sử dụng như một tập hợp bao gồm mọi khối xã hội, tầng lớp, giai cấp… tức cao hơn giai cấp. 

Ta thấy, Vũ Trọng Khánh đối lập với Quang Đạm và lãnh đạo của Quang Đạm ở những khái niệm sau: 
Thứ nhất là chức năng của tư pháp. Quang Đạm coi tư pháp chỉ có chức năng “trừng phạt” trong cuộc đấu tranh giai cấp, cụ thể là trừng phạt những người chống lại “nền dân chủ mới”, tức thể chế cộng sản chủ nghĩa. Bác bỏ điều đó, Vũ Trọng Khánh khẳng định chức năng của tư pháp không liên quan đến đấu tranh giai cấp mà là bảo vệ công lý. Chức năng bảo vệ công lý này đứng cao hơn sự đối kháng giai cấp và các thể chế chính trị. Ông đặt một câu hỏi đơn giản mà các nhà lý  luận đấu tranh giai cấp không bao giờ trả lời: Khi điều 712 Dân luật bắt kẻ nào làm thiệt hại đến người khác thì phải bồi thường cho người ấy, và bộ Hình luật làm tội những kẻ đánh nhau hay giết người không vì cớ chính trị thì đó là bảo vệ ai và đàn áp giai cấp nào”? (“Hồi ký Vũ Đình Hòe”, sách đã dẫn, trang 1088)

Khi nhấn mạnh chức năng của tư pháp là bảo vệ công lý chứ không phải trừng phạt những người “nhà nước” muốn tiêu diệt, Vũ Trọng Khánh buộc Quang Đạm và lãnh đạo của mình phải đối diện với bản Hiến pháp và những Sắc lệnh tư pháp năm 1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký còn chưa ráo mực. Trên cơ sở đó, Vũ Trọng Khánh khẳng định tư pháp cần độc lập để bảo vệ con người trước kẻ mạnh, bao gồm cả những kẻ có quyền lực.

Thứ hai, cách hiểu khái niệm “đối lập” và “độc lập”. Quang Đạm cố tình gán ghép “độc lập” với “đối lập” bằng cách khẳng định: “Trạng thái độc lập Tư pháp sẽ chuyển thành đối lập”. Một lần nữa Quang Đạm chỉ quy chụp chứ không giải thích vì sao “độc lập” thì sẽ chuyển thành “đối lập”. Tất nhiên, thông điệp của Quang Đạm và các lãnh đạo của ông rất rõ ràng trong lời quy chụp này: không tuân lệnh chúng tôi (độc lập) có nghĩa là chống lại chúng tôi (đối lập). Thông điệp đe doạ bạo lực đã xuất hiện nhay trong lời quy kết này. Đáp lại, Vũ Trọng Khánh trả lời: 

“Công việc Tư pháp và công việc Hành chính giao cho hai cơ quan khác nhau và cấm cơ quan nọ không được len vào cơ quan kia là một điều kiện bảo đảm cho người công dân khỏi bị nhà cầm quyền ức hiếp, trong bất cứ chính thể dân chủ nào”. (“Hồi ký Vũ Đình Hòe”, sách đã dẫn, trang 1090)

Và:

Khi một người nào đó ra lệnh cho Tòa án phải xử thế này thế khác mà Tòa án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là giữ quyền độc lập. Nếu ông Quang Đạm cho như thế là đối lập thì tôi muốn hỏi ông, khi các thẩm phán can thiệp vào việc hành chính hay chính trị thì các ủy ban hành chính sẽ cư xử thế nào để cho khỏi thành ra “đối lập””? (“Hồi ký Vũ Đình Hòe”, sách đã dẫn, trang 1091)

Câu trả lời này của Vũ Trọng Khánh đã trả lời thẳng thắn cách hiểu khái niệm “độc lập” trong “Tư pháp độc lập”. Nếu như Quang Đạm và báo Sự thật cố tình lái khái niệm “độc lập” sao cho nó trượt nghĩa từ chỗ “độc lập về mặt quyền lực với hành pháp” sang cái nghĩa “độc lập” với các ngành chuyên môn khác như y tế, văn nghệ… dưới sự quản lý của hành pháp, thì Vũ Trọng Khánh trả khái niệm “độc lập” trở về đúng nghĩa gốc ban đầu.  

Thứ ba là cách hiểu khái niệm “nhân dân”. Quang Đạm sử dụng khái niệm “nhân dân” đồng nghĩa với “nhà nước”, tức hành pháp. Xét về mặt logic cua tư duy, để cho mạch lập luận của Quang Đạm đứng vững, ông phải giải thích được vì sao cơ quan hành pháp, cũng tức là các cá nhân kiểm soát cơ quan ấy, lại chính là “nhân dân”. Tất nhiên, Quang Đạm không giải thích điều này vì đó là điều bất khả thi. Quan niệm về “nhân dân” của Quang Đạm rõ ràng có tính chất “loại trừ” trên cơ sở phân tuyến: nếu “nhân dân” là “nhà nước”, “nhà nước” là “nhân dân”, thì phần còn lại của “nhân dân” chỉ gồm hai bộ phận, “nhân dân tiến bộ” đi theo “nhà nước” và những “đối tượng” còn lại. Bác bỏ điều đó, Vũ Trọng Khánh coi “nhân dân” là một tập hợp lớn lao, có tính “bao gồm”, chứ không có tính “loại trừ”. “Nhân dân” gồm mọi tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội.   

Thứ tư, Quang Đạm sử dụng khái niệm “đoàn kết” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng trong lá thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2/1948 trước đó, để cột tư pháp vào hành pháp. Vũ Trọng Khánh, ngược lại, khẳng định “tư pháp độc lập” sẽ chỉ giúp cho chính phủ trong bối cảnh kháng chiến mạnh hơn vì bạo vệ công lý cho nhân dân tức là bảo vệ niềm tin của họ đối với chính phủ:

“Ông Quang Đạm khuyên rằng: “Tư pháp phải kết hợp với nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại chính quyền. Không một bộ phận nào được tách mình ra khỏi khối đoàn kết”. Đáp lại những lời kỳ quặc ấy, tôi chỉ hỏi: “Các thẩm phán đứng trong hàng ngũ kháng chiến từ trước tới nay thì gọi là ở trong hay ở ngoài khối đoàn kết? Khi Tư pháp trừng trị kẻ bắt người trái phép, tha bổng cho những kẻ bị bắt vô chứng cứ thì đó là phá hoại chính quyền hay củng cố chính quyền”?(“Hồi ký Vũ Đình Hòe”, sách đã dẫn, trang 1092)

Chúng ta sẽ thấy những người cộng sản mãi mãi im lặng trước câu hỏi này của người khai sinh ra nền tư pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bởi lẽ, một khi đã lựa chọn con đường cộng sản chủ nghĩa, đó là những câu hỏi không thể trả lời. 

Chủ nghĩa cộng sản và Tư pháp

Có một chi tiết thú vị trong bài trả lời của Vũ Trọng Khánh đối với Quang Đạm: trả lời về khả thể của chủ nghĩa cộng sản.

Quang Đạm cho rằng trên tiền đồ tiến bộ của xã hội loài người, theo chủ nghĩa cộng sản, xã hội sẽ không còn giai cấp, bộ máy nhà nước cũng tự nó tiêu vong, khi đó thì hệ thống Tư pháp cũng không còn. Do đó, người ta không cần giữ lại nền tư pháp độc lập nữa. 

Vụ Trọng Khánh đã dành phần đầu tiên trả lời lập luận này của Quang Đạm, có lẽ, bởi nó là nền tảng lý luận của ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa. Ông bác bỏ Quang Đạm bằng hai lập luận sau.

Một là, xã hội cộng sản nơi không còn giai cấp, nhà nước, luật pháp lẫn tòa án, chỉ là một ước mơ trong tương lai xa xôi, còn hiện tại, con người vẫn cần đến nhà nước, trong đó có hành pháp, tư pháp, quân sự… Ông lấy ngay ví dụ nước Nga, người anh cả của khối cộng sản chủ nghĩa, vẫn còn đó cả luật pháp lẫn tòa án.

Hai là, “theo đúng biện chứng pháp, chưa chắc cái xã hội cộng sản đã lại không chứa những mối mâu thuẫn khiến cho nó lại phải biến chuyển đi xa hơn nữa. Thái độ khoa học hơn cả là nghĩ rằng ta chưa có thể nhận định được xã hội cộng sản sẽ chứa những động cơ gì, vậy ta cũng chưa thể hấp tấp nói rằng lúc ấy Hành chính, Quân sự, Tư pháp sẽ mất hẳn. Có khi nó chỉ biến hình thức, biến cách tổ chức mà thôi. Dù sau tranh luận về điểm này cũng giống như đi tìm quả đất ở đâu sinh ra và sẽ đi đến đâu” (“Hồi ký Vũ Đình Hòe”, sách đã dẫn, trang 1088)

Như đã nói ở trên, Vũ Trọng Khánh từng là thành viên Tổ nghiên cứu chủ nghĩa Marx thời kỳ Mặt trận Bình dân 1936 của Đảng Cộng sản. Ông hiểu chủ nghĩa cộng sản trên phương diện lý thuyết và đã trực diện chỉ ra những mâu thuẫn nội tại trong lý thuyết của nó. Nền tảng căn bản của chủ nghĩa cộng sản – xóa bỏ giai cấp và nhà nước, trong đó có hệ thống tư pháp – đã được Vũ Trọng Khánh đặt vấn đề tận gốc rễ cả về mặt thực tiễn (nước Nga) lẫn lý luận. Các bài trả lời sau đó của những người cộng sản đã không bao giờ trả lời những vấn đề Vũ Trọng Khánh đặt ra.

Cuộc tranh luận giữa Vũ Trọng Khánh và Quang Đạm tập trung vào vấn đề Tư pháp, nhưng, một cách tất yếu, nó buộc phải đối diện với vấn đề nền tảng, đứng đằng sau vấn đề Tư pháp ấy: vấn đề tìm đường đi cho dân tộc Việt Nam: cộng sản hay cộng hòa. 

Vũ Đình Hoè: Hãy nhìn Hiến pháp 1946 

Tiếp theo Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè viết bài “Tư pháp trong chế độ dân chủ mới” (báo “Độc lập”, tháng 7 năm 1948) tiếp tục khẳng định nền tư pháp dưới sự lãnh đạo của ông đã đứng về nhân dân, bảo vệ công lý cho nhân dân. Đồng thời, Vũ Đình Hoè đẩy Quang Đạm vào thế đối diện với chính mình ở khía cạnh logic của tư duy. 

Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên (1945-1946), Bộ trưởng Bộ tư pháp từ 1946 đến 1960.

Vũ Đình Hòe cũng cho rằng từ thời phong kiến đến thời thuộc địa, Việt Nam chưa bao giờ có tư pháp độc lập. Ông khẳng định độc lập tư pháp là yếu tố có “tính cách mạng” mà nhờ có cuộc “Cách mạng Tháng Tám” nên nhân dân mới có được. 

Do đó, thông điệp của Vũ Đình Hoè rất rõ ràng, bản chất của cuộc cách mạng phải là xoá bỏ tính chất “độc lập giả vờ” ấy của nền tư pháp “tư sản” và “thuộc địa” để xây dựng nền tư pháp “độc lập thực sự”, chứ không phải xoá bỏ bản thân “tính độc lập” của nền tư pháp. 

Tiếp theo Vũ Đình Hoè buộc Quang Đạm đối diện với khái niệm “nhân dân” và “giai cấp” một lần nữa. Ông cho rằng không phải là “giai cấp” mà chính “nhân dân” mới là nền tảng duy nhất có tính hợp thức để bầu ra các cơ quan đại diện cho mình, như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân địa phương. Và các cơ quan đại diện cho nhân dân này chỉ định các thẩm phán của ngành tư pháp. 

Như vậy, một lần nữa, Vũ Đình Hoè buộc Quang Đạm và lãnh đạo của ông đối diện với Hiến pháp 1946: nắm quyền lực nhà nước tối cao là các cơ quan cho nhân dân bầu ra, chứ không phải nhà nước “dân chủ mới” (tức Đảng Cộng sản). 

Nói cách khác, Vũ Đình Hoè bác bỏ luận điểm của Quang Đạm đồng nhất “nhà nước” với “nhân dân”, đồng thời coi cơ quan hành pháp cũng phải chịu trách nhiệm giải trình và bị kiểm soát về mặt quyền lực.  

Cách trả lời của Quang Đạm: Làm gì khi đã bất lực về trí tuệ? 

Quang Đạm sau đó viết bài trả lời: “Vài điểm căn bản về vấn đề tư pháp”, trên báo “Sự thật” ngày 15/11, 30/11 và 19/12/ 1948. 

Trong bài này, Quang Đạm không thể trả lời các luận điểm mà mình không thể bác bỏ. Ông chỉ đơn giản là sử dụng cái “văn hoá tranh luận” của thời đại mới mà ông được giao nhiệm vụ thực hành nó lần đầu tiên trong xứ sở: lặp lại các quan điểm cũ như thể nó chưa từng bị đối phương bác bỏ, và, tiếp tục tấn công cá nhân họ ở mức độ ác liệt hơn.  

Lần này dù rất cố gắng, Quang Đạm vẫn không sao giải thích được vì sao có thể đồng nhất “nhà nước” với “nhân dân”. Theo ông, lý do là chính phủ bao gồm những con người ưu tú nhất của nhân dân. Tất nhiên, ông không giải thích được thế nào là “ưu tú”, tiêu chuẩn nào để xác định ai là ưu tú ai không ưu tú, và quan trọng nhất, ông không giải thích được vì sao những con người “ưu tú” đó của chính phủ – giả sử điều đó là thật – lại khiến cho “nhà nước” có thể được đồng nhất với chính “nhân dân”. 

Trên cơ sở lặp lại một quan điểm đã bị bác bỏ, Quang Đạm tiếp tục tấn công các hoạt động của ngành tư pháp như ra lệnh tha những người bị cơ quan hành pháp (chính quyền địa phương) bắt giữ trái phép mà Bộ trưởng Vũ Đình Hoè nêu lên trong “Báo cáo về một năm hoạt động kháng chiến của Bộ Tư pháp” ngày 15/2/1948. 

Quang Đạm cho rằng tôn trọng “nhân dân” chính là tuân theo mệnh lệnh chính phủ. Các cơ quan hành pháp ở địa phương gần với “nhân dân” hơn chính phủ trung ương, do đó họ biết rõ mong muốn của nhân dân. Cho nên quyết định của họ cũng phản ánh nguyện vọng của dân. Từ đó suy ra ngành tư pháp “phục vụ nhân dân” thì phải tôn trọng quyết định của các chính quyền địa phương. 

Khi các cơ quan hành pháp địa phương bắt “Việt gian”, họ chỉ thực hiện “mong muốn của nhân dân”. Những thủ tục pháp lý liên quan đến việc bắt người không thể quan trọng bằng “mong muốn của nhân dân” được. 

Mở đầu bằng đấu tranh giai cấp, rồi đồng nhất giai cấp với nhân dân, cuối cùng thì sử dụng khái niệm “nhân dân” một cách mơ hồ đến nỗi nó không có nội hàm nào cả, Quang Đạm biết các lập luận của mình không thể phản bác tư tưởng của những người cộng hoà. Ông kết thúc bằng lời đe doạ: 

Trước Toà án tối cao là Toà án của nhân dân, dưới đạo luật tối cao là ý chí của nhân dân, kẻ nào cố ý hay vô tình bám vào hình thức pháp luật mà phản lại tinh thần pháp luật, quyết không thể tránh khỏi bản cáo trạng và sự trừng phạt rất đơn giản nhưng rất đích đáng của nhân dân”. 

Trong tranh luận, ai phải dùng đến vũ lực là người đó đã bất lực về mặt trí tuệ. Sau đó, không còn thấy những người cộng hoà trả lời những người cộng sản nữa. Một khi cuộc tranh luận đã đi đến giai đoạn đe dọa vũ lực, đối với những trí thức cộng hoà trong Chính phủ Hồ Chí Minh lúc này, không còn gì để tranh luận nữa mà chỉ còn vấn đề lựa chọn con đường chính trị cho riêng mình. 

Sau đó, trên báo “Sự thật”, những người cộng sản vẫn còn tiếp tục viết bài. Một năm sau bài tấn công đầu tiên, đến tháng 4/1949, tác giả “Tân Dân” viết bài “Tư pháp Việt Nam – Độc lập hay không độc lập” trên mục “Ý kiến bạn đọc” của báo “Sự Thật” (Số 110, 25/4/1949). 

“Tân Dân” nhắc lại cuộc tranh luận, đồng thời, đơn giản là lặp lại các luận điểm của Quang Đạm, như thể các luận điểm này chưa từng bị bác bỏ. Tân Dân thừa nhận trong Hiến pháp 1946 có quy định “tư pháp độc lập”. Tác giả mỉa mai tinh thần tư pháp độc lập đến từ lý tưởng của nền cộng hoà Pháp, nhưng “bác bỏ” nó đơn giản bằng cách lặp lại luận điểm giải thích nghĩa của khái niệm “độc lập” mà Quang Đạm đã làm. Tân Dân chỉ đi xa hơn Quang Đạm ở một điểm là nêu đích danh Liên Xô: chúng ta xoá bỏ tư pháp độc lập, đặt tư pháp dưới sự kiểm soát của hành pháp, vì đó là con đường “tiến bộ” của Liên Xô. 

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ