Connect with us

Kinh tế - Chính trị

COVID-19 VÀ TƯƠNG LAI NƯỚC MỸ

Đinh Trường Hinh

Published on

TS Đinh Trường Hinh

Ngày 17 tháng 4 năm 2020

Tác giả: Tiến sỹ kinh tế Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT (www.EGATCO.COM) tại Virginia, Hoa Kỳ.  Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C.  (1978-2014).  Nghiên cứu của ông tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế.  Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp Nhẹ Châu Phi (2012), Các Câu Chuyện Kể Từ Mặt Trận Phát Triển Kinh Tế (2013), Phát Triển Công Nghiệp Nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công Việc Làm, Kỹ Nghệ Hoá, và Toàn Cầu Hoá (2017).

Thời gian vừa qua hầu hết mọi người Mỹ hay cư dân ở Mỹ đều phải giam chân ở nhà, cách ly xã hội, không tụ tập gia đình v.v. để cùng nhau chống dịch Vũ Hán hay còn gọi là Covid-19.  Đối với đại đa số chúng ta thì chuyện cách ly này, nhất là với những người lớn tuổi, đã đem lại nhiều bực mình và phiền toái vì bản chất tự do và năng động của đời sống trước đây làm chúng ta cảm thấy bó buộc tù túng.  Do đó câu hỏi được đặt ra là: Đến khi nào nạn dịch này mới chấm dứt để mọi người có thể quay lui lại đời sống như trước đây?

Đối phó với COVID-19.

Toàn bộ thời gian đối phó với COVID-19 có thể được chia thành ba thời kỳ.  Ở đây chúng tôi muốn tránh không dùng chữ “giai đoạn” vì chính phủ Mỹ ngày 16 tháng 4 cũng vừa ra chương trình hướng dẫn mở cửa kinh tế Mỹ mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây theo 3 giai đọan nên nếu không phân biệt trước “thời kỳ” và “giai đoạn” sẽ dễ bị lộn. 

Trong thời kỳ I, do coronavirus lây lan rất nhanh qua sự tiếp xúc giữa người và người, và hiện tại không có vắc-xin cũng như phương pháp chữa trị căn bệnh này, các quốc gia đã dựa vào lockdown, cách ly xã hội, quarantine, và cô lập để đối phó với COVID-19. Những biện pháp này không có ảnh hưởng gì đến vi rút mà chỉ nhằm mục đích làm giảm lây bệnh, để cho các cơ sở y tế có thể săn sóc bệnh nhân mà không bị tràn ngập, dẫn đến tử vong không cần thiết do chăm sóc không đầy đủ.  Đây là những phương pháp được biết đến nhiều nhất để làm chậm sự lây lan, mặc dù chi phí kinh tế của những hành động này, đặc biệt là về sản xuất, du lịch, thương mại và FDI, là rất lớn.  Chúng ta đã và đang ở trong thời kỳ I. 

Trong thời kỳ II, các hoạt động kinh tế và giáo dục từ từ quay trở lại bình thường, một cách chậm nhưng cẩn thận để khôi phục lại nền kinh tế trong khi đảm bảo virus được kiểm soát và sẽ không quay trở lại.  

Thời kỳ III là trạng thái bình thường như trước đây khi các hoạt động kinh tế và xã hội đầy đủ được khôi phục hoàn toàn, nói cách khác, khi cả cách chữa bệnh cũng như vắc-xin cho COVID-19 đã được tìm thấy. Trong bài này chúng tôi chỉ thảo luận về những gì cần phải làm trong thời kỳ II và khi nào thời kỳ III sẽ bắt đầu.

Thời kỳ II Sắp Đến.

Thời kỳ II, khôi phục dần dần kinh tế Hoa Kỳ sau COVID-19 là thời kỳ chuyển tiếp trong 12-18 tháng tới, mục đích chính là khôi phục các hoạt động kinh tế được càng nhiều càng tốt mà vẫn kiểm soát được COVID-19. Sở dĩ đây là thời kỳ chuyển tiếp vì cho đến khi tìm thấy vắc-xin (và mọi chuyên viên trên thế giới đều đồng ý là sẽ mất ít nhất 12-18 tháng nữa) và một phương pháp điều trị bệnh này được tìm ra, việc quay trở lại trạng thái bình thường như đã có trước khi virus xuất hiện là điều không thể xảy ra được (xin xem dưới đây). 

Việc chuyển sang thời kỳ II chỉ có thể làm khi một quốc gia có thể chẩn đoán, điều trị và cách ly một cách an toàn các ca bệnh COVID-19 và các thân nhân của họ. Trong giai đoạn này, các trường học và doanh nghiệp có thể lần lượt mở cửa trở lại, và phần lớn cuộc sống bình thường có thể bắt đầu và tiếp tục theo cách tiếp cận dần dần. Tuy nhiên, một số biện pháp về social distancing và hạn chế cho các cuộc tụ họp sẽ vẫn cần được áp dụng để ngăn chặn việc vi rút truyền tải tăng tốc trở lại. Vệ sinh công cộng sẽ cần được cải thiện mạnh mẽ và việc làm sạch các không gian chung sẽ phải trở nên thường xuyên hơn. 

Ngoài các biện pháp can thiệp dựa trên việc xác định và cách ly những người mắc bệnh và những người họ đã tiếp xúc, mọi người trong thời kỳ II sẽ được yêu cầu hạn chế tụ tập, và đeo khẩu trang trong cộng đồng để giảm bớt nguy cơ lây lan không có triệu chứng.  

Những người bị bệnh sẽ được yêu cầu ở nhà và lo đi xét nghiệm COVID-19.  Việc xét nghiệm sẽ trở nên phổ biến và thường xuyên hơn khi các điểm chăm sóc và chẩn đoán được triển khai đầy đủ.

Kiểm Sóat COVID-19: 

Trong khi các hoạt động kinh tế bắt đầu lại, thì COVID-19 phải được kiểm soát một cách hiệu quả nhất. Hiện tại có hai trường phái tiếp cận vấn đề này.  

Trường phái đầu tiên là trường phái giám sát dựa trên công nghệ để mọi người dân xử dụng ứng dụng –app– trong điện thoại của họ để định vị địa lý các di chuyển của họ.  Do đó nếu họ tiếp xúc với bất kỳ ai mà người đó sau này bị phát hiện là có Covid-19, thì họ lập tức sẽ được cảnh báo và thời gian cách ly xã hội có thể bắt đầu. Phương pháp theo dõi bằng GPS có thể được sử dụng để thực hiện quarantine kiểm dịch cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, như đang được thực hiện ở Đài Loan. Cách tiếp cận này có lẻ sẽ không được ưa chuộng ở Tây phương hay Hoa Kỳ vì bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân.  

Một cách tiếp cận thứ hai được đề xuất bởi Paul Romer (cựu Phó Chủ Tịch Ngân hàng Thế giới và người đoạt giải Nobel kinh tế) dựa hoàn toàn vào thử nghiệm. Đề xuất của Romer là triển khai thử nghiệm trên quy mô lớn để toàn bộ quốc gia được thử nghiệm cứ mỗi sau 14 ngày và bất kỳ ai kiểm tra dương tính đều phải được cách ly nhanh chóng. Ở Hoa Kỳ, điều này đòi hỏi 22 triệu xét nghiệm (tests) mỗi ngày.  Romer cho thấy, qua một loạt các mô hình, là dù ngay cả khi xét nghiệm có “tỷ lệ âm tính giả” cao đi chăng nữa, việc tái xét nghiệm cũng đủ để ngăn chận virus, và do đó Hoa Kỳ  có thể trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này tốn kém cả về tiền tệ và hành chính. Quyết định nên chọn cách tiếp cận nào phải được dựa trên căn bản lợi ích chi phí cũng như các khuynh hướng chính trị. 

Chương Trình Mở Cửa Nước Mỹ Cho Thời Kỳ II.

Ngày 16 tháng 4, Tòa Bạch Ốc ra chương trình Mở Cửa Nước Mỹ với mục đich hướng dẫn mỗi tiểu bang hoặc quận ở Mỹ khôi phục dần dần lại các hoạt động kinh tế xã hội sau COVID-19.  Chương trình này gồm 3 giai đoạn tương đương với thời kỳ II của bài viết này và dựa vào mỗi tiểu bang hoặc quận để quyết định cũng như thực hành các chi tiết cho mỗi giai đọan. Các kích hoạt để bắt đầu giai đoạn 1 là sự suy giảm liên tục sau 14 ngày của các ca COVID-19 và một chương trình thử nghiệm mạnh mẽ dành cho nhân viên y tế tuyến đầu chữa bệnh. Các tiêu chí khác bao gồm các bệnh viện có đủ đồ bảo hộ cho nhân viên và đủ giường, máy thở và các vật dụng cần thiết khác để điều trị cho tất cả bệnh nhân. 

Nhìn chung có hai điểm chính cho ba giai đoạn này.  Thứ nhất là cách tiếp cận rất thận trọng để mở lại nước Mỹ. Thứ hai, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của chương trình Mở Cửa Nước Mỹ là giai đoạn 3, vẫn còn khá nhiều hạn chế trong việc di chuyển lúc chưa có vắc-xin hoặc cách điều trị cho COVID-19.

Trong giai đoạn 1, các trường học và các hoạt động thanh thiếu niên có tổ chức hiện đang đóng cửa, chẳng hạn như nhà trẻ, vẫn phải đóng cửa. Các quán bars sẽ bị đóng cửa trong khi các địa điểm lớn hơn như rạp chiếu phim, nhà thờ hay chùa, sân chơi banh và vận động trường có thể hoạt động nhưng theo các giao thức nghiêm ngặt về cách ly khoảng cách.  Các nơi sử dụng lao động cho người lao động trở lại làm việc từ từ theo từng giai đoạn và nên khuyến khích nhân viên làm việc từ nhà.Những người dễ bị tổn thương như người già và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nên tiếp tục ở nhà. Các ca giải phẩu tự chọn được làm lại. Việc giao thông không cần thiết phải được giảm thiểu tối đa.  Các viện dưỡng lảo và bệnh viện không cho phép người thăm viếng.  Những người đi ra ngoài nên tránh giao tiếp xã hội với các nhóm hơn 10 người nếu không có cách ly khoảng cách phù hợp.

Giai đoạn 2 chỉ áp dụng khi nào một tiểu bang hay quận đã đi qua giai đoạn 1 mà COVID-19 vẫn được ngăn chận hữu hiệu. Trong giai đoạn 2, giao thông không cần thiết có thể được bắt đầu, tuy nhiên các cá nhân dễ bị tổn thương nên tiếp tục ở nhà.  Các viện dưỡng lảo và bệnh viện không cho phép người thăm viếng.  Các ca giải phẩu tự chọn được tiếp tục. Mọi người khác khi ra ngoài nơi công cộng thì nên tránh các tụ họp với hơn 50 người ở những nơi không thể có cách ly phù hợp.  Người sử dụng lao động trong giai đoạn 2 cần tiếp tục khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà nếu có thể. Trường học và nhà giữ trẻ có thể mở lại trong giai đoạn 2. Các phòng tập thể dục được mở cửa.  Các quán bars có thể mở nhưng nên chừa ít chỗ mà mọi người đứng, nếu có thể.

Giai đoạn 3 dành cho các tiểu bang hoặc quận đã qua giai đoạn 2 mà COVID-19 vẫn được ngăn chận hữu hiệu.    Giai đoạn này có ít hạn chế hơn giai đoạn 2. Trong giai đoạn 3, các cá nhân dễ bị tổn thương có thể được ra ngoài nơi công cộng nhưng nên thực hành cách ly khoảng cách.  Các viện dưỡng lảo và bệnh viện sẽ được cho phép người thăm viếng, và những người có tương tác với cư dân và bệnh nhân phải tuân theo các thực hành vệ sinh tốt. Người sử dụng lao động có thể tiếp tục cho nhân viên làm việc không hạn chế.

Một Số Kinh Nghiệm Các Nước Đã Thành Công Trong Thời Kỳ II.

Sau đây là một số các yếu tố quan trọng từ Hàn Quốc và Singapore, được coi là hai quốc gia thành công chống dịch COVID-19:

  • Mức độ nào trong việc giảm các ca bệnh mới liên tục trong 14 ngày được coi là phù hợp để bắt đầu giai đoạn 1 của thời kỳ II? Theo một số chuyên viên, mức độ phù hợp là khoảng chừng 18 ca mới mỗi ngày cho mỗi triệu người là con số của Nam Hàn trong thời kỳ chống dịch, tức là khoảng 6 ngàn ca mới mỗi ngày cho Hoa Kỳ hiện đang có 330 triệu dân.
  • Mức độ xét nghiệm nào được coi là phù hợp để mọi người bị sốt có thể được xét nghiệm và gia đình của họ cũng được xét nghiệm để bắt đầu giai đoạn 1 của thời kỳ II? . Trong trường hợp của Hàn Quốc, với khoảng 8 ngàn xét nghiệm (tests) cho mỗi một triệu dân. Đối với Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là cả nước phải có khả năng thực hiện khoảng 2 triệu 650 ngàn cuộc xét nghiệm (tests) cho COVID-19. Để giảm thiểu rủi ro lây truyền trong bệnh viện và giảm gánh nặng cho các bệnh viện, Hàn Quốc đã thiết lập các phòng khám sàng lọc tại các trung tâm y tế công cộng và trung tâm drive-in để xét nghiệm các cá nhân có triệu chứng bị nhiễm bệnh.
  • Phải cần có xét nghiệm ngẫu nhiên vì các cá nhân không có triệu chứng vẫn có thể mang vi-rút (carriers).
  • Cần phải có khả năng theo dõi và cách ly mọi người đã có tiếp xúc với một người có dương tính bị nhiễm bệnh. Vì có tới một nửa bệnh COVID-19 bị lan truyền từ các cá nhân chưa có triệu chứng nên việc theo dõi tiếp xúc bằng người (hay hành chánh) không đủ nhanh để làm chậm đi sự lan truyền.  Ở Hàn Quốc và Singapore, hai quốc gia đã ngăn chận lan truyền dịch, việc sử dụng công nghệ để tiến hành theo dõi liên lạc tức thời đã là mấu chốt cho thành công của họ. 
  • Cảnh báo và lập bản đồ công khai để thông báo cho công chúng về vị trí của các trường hợp COVID-19
  • Cách ly những người thử nghiệm dương tính
  • Bắt buộc sử dụng khẩu trang, cùng với hướng dẫn cách đeo đúng cách.
  • Hạn chế các phương tiện giao thông công cộng, it ra là trong giai đoạn ban đầu khi nền kinh tế bắt đầu được mở cửa trở lại.  Về lâu về dài, bằng chứng mà các hành khách không có COVID-19 có thể được đưa ra là giấy chứng nhận khả năng miễn dịch từ xét nghiệm huyết thanh. 

Kết Luận

Hiện nước Mỹ đang còn ở  thời kỳ I.  Sau khi các yếu tố kích năng đã hoàn thành và qua thời kỳ II trong vòng 12-18 tháng tới, các hoạt động xã hội, kinh tế, giáo dục sẽ lần lượt được phục hồi. Tuy nhiên đời sống ở Mỹ sẽ vẫn còn bị giới hạn, cho đến khi nào một vắc xin hữu hiệu cùng với phương pháp trị bệnh an toàn cho COVID-19 được tìm ra.  Với đội ngũ khoa học xuất sắc nhất thế giới của Mỹ và các phương tiện tối tân, chắc chắn chuyện này sẽ làm được trong một thời gian gần.  Tuy nhiên để được an toàn, các cơ quan y tế của Mỹ sẽ thử nghiệm kỹ càng trước khi cho lưu hành các loại thuốc này.  

Do đó hầu như mọi chuyên viên đều cho rằng ít nhất phải cần 12-18 tháng nữa thì đời sống mới bắt đầu như cũ.  Có người bi quan hơn còn cho rằng chúng ta sẽ không bao giờ quay lùi lại như cũ vì đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, v.v. không những ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới đều đã đảo ngược sau cơn đại dịch này.

 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ