Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam 2020 – 2045 (kỳ 2: vấn đề năng lượng tái tạo)

Tô Văn Trường

Published on

Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Nghị quyết Số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, xin gửi đến độc giả một số phân tích của TS. Tô Văn Trường về chính sách năng lượng mới này của Việt Nam qua hai bài phỏng vấn dưới đây.  
Tiến sỹ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường. Ông đã có thời gian từ 1988-9/1996 là chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok-Thái Lan. Từ 10/1996-01/2009 là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. 
Xin xem Kỳ 1 của bài phỏng vấn này tại đây: Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam 2020 – 2045 (Kỳ 1: các vấn đề thể chế)
Ông đánh giá như thế nào về định hướng tăng tỷ lệ năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió trong Quy hoạch phát triển năng lượng của Nghị quyết 55?

TS. Tô Văn Trường: Nghị quyết 55 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió trong quy hoạch phát triển năng lượng, lên đến 30% vào năm 2045. Đây là định hướng phù hợp với nhu cầu và khả năng hiện thực của thế giới.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, cả nước đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW và đã hòa vào lưới điện quốc gia. Có nghĩa là điện mặt trời hiện nay đã chiếm 10% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019.

Tất nhiên, có nhiều vấn đề có thể được đặt ra từ quy hoạch này. Hình 1 dưới đây trong bài so sánh Việt Nam và Úc, cho thấy một điều là với một nước có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn như Úc, là một nước phát triển, tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT) của Úc tăng lên từ từ theo thời gian. Trong khi đó, ở Việt Nam, dưới tác động của chính sách giá NLTT thì công suất NLTT có sự tăng vọt một cách đột biến, trong bối cảnh quy hoạch lưới điện đồng bộ chưa được xem xét đầy đủ. 
Đây là lý do của việc lưới điện ở Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu truyền tải khi sự phát triển quá nóng và truyền thông của Việt Nam vẽ ra viễn cảnh quá lớn về NLTT.

Nguồn: Vietnam has overtaken Australia in commissioned utility-scale solar photovoltaics (PV), according to Rystad Energy

Tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), năng lương tái tạo đã chiếm 18% (so với than là 15%) và sẽ lên đến 20% trong năm 2020. Năng lượng tái tạo làm giảm nhu cầu năng lượng hóa thạch ở EU là 13%, giảm đến 48% ở Thụy Điển, 36% ở Đan Mạch, 26% ở Phần Lan, 18% ở Áo, …
Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ năng lượng sạch phụ thuộc vào đặc tính nguồn năng lượng là thời tiết và không có khả năng lưu trữ, mang tính tận dụng nguồn ở những vùng tiềm năng nhiều hơn là khai thác nguồn. Nguồn năng lượng tái tạo không xuất nhập khẩu được mà chỉ có thể chuyển đổi thành điện năng để truyền tải tới nơi sử dụng. Vì vậy, có nên đặt ra mục đích tăng tỷ lệ năng lượng sạch lên như trong Nghị quyết hay là đặt vấn đề nghiên cứu xác định các vùng tiềm năng cao để tận dụng tối đa năng lượng sạch và với tiềm năng các nguồn đó thì có thể phấn đấu đạt được bao nhiêu % của hệ thống điện.

Điện sạch thường không ổn định, công suất phát chỉ khoảng 20% công suất lắp đặt, có thời điểm không phát được điện. Vì thế, phải có nguồn điện dự phòng có công suất tối thiểu bằng công suất điện sạch. Thường các nguồn dự trữ là nhiệt điện, không thể tích bằng ắc qui. Thủy điện tích năng là nguồn dự trữ khả dĩ hơn. Việc đầu tư cho điện dự trữ là tốn kếm, khiến giá thành điện tăng.
Việc duy trì sự ổn định của lưới điện và sự tích hợp đồng thời của nhiều nguồn năng lượng tái tạo không ổn định để phân phối trên toàn quốc là vấn đề kỹ thuật rất lớn và phức tạp. Để đảm bảo công suất cơ sở (công suất chạy nền) ổn định, buộc phải dựa vào các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than và khí đốt, kể cả nhập khẩu điện.

Dưới đây là biểu đồ các nguồn năng lượng tái tạo và tỷ trọng tương ứng trong TPES – Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (bao gồm thủy điện lớn và nhỏ) đối với tất cả các kịch bản được phân tích. 

Nguồn: Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019.

Ông đánh giá như thế nào về việc chính sách phát triển nhiệt điện than trong Nghị quyết 55, so sánh với các nước khác trên thế giới?

TS. Tô Văn Trường: Nghị quyết 55 đặt ra yêu cầu phát triển điện than ở mức hợp lý, ưu tiên tổ máy công suất lớn, sớm nâng cấp công nghệ ở các nhà máy điện than hiện có là quan điểm đúng, bảo đảm các yêu cầu an ninh năng lượng, phát triển kinh tế của đất nước và bảo vệ môi trường, tuân thủ các công ước quốc tế có liên quan.

Xin lưu ý: Hiện nay, nhiệt điện than của Việt Nam mặc dù tính theo tỉ lệ phát điện chiếm 48% lượng điện phát ra bên cạnh 24% từ khí thiên nhiên và 27% từ thủy điện nhưng lượng phát điện chỉ là 13,42 Mtoe. So với Đức, Nhật, Mỹ, Trung Quốc v.v. thì những con số trên chỉ rất khiêm tốn (xem hình dưới). 


Nguồn than hiện nay mặc dù bắt đầu phải nhập khẩu nhưng trữ lượng trên thế giới rất dồi dào, giá thành rẻ nên dễ đảm bảo an ninh năng lượng. Hầu hết các nước phát triển có nhập khẩu năng lượng đều có phụ tải nền được đảm bảo bởi than, thủy điện, điện hạt nhân và khí nếu có nguồn sẵn có. Việt Nam đã khai thác thủy điện và nhiệt điện khí ở mức tối đa, vậy việc cần có thêm nguồn than là yếu tố tất yếu không tránh được. Tuy nhiên, cần cân nhắc mức độ nguồn trong tình hình tiềm năng từ năng lượng tái tạo và từ tiết kiệm năng lượng có tăng lên quan trọng do sự phát triển của khoa học kỹ thuật để giảm dần nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường.

Tại sao ông không so sánh Việt Nam với Thailand, Indonesia và Philippines (gần với trình độ và quy mô của VN) mà lại so với TQ, Đức, Mỹ, Nhật? 

TS. Tô Văn Trường: Không so sánh Việt Nam với Thái Lan, Indonesia, Philippines v.v. là do muốn thể hiện việc phát triển nhiệt điện than là chiến lược thông thường của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả các nước rất phát triển và rất coi trọng NLTT và giảm hiệu ứng nhà kính như Nhật, Đức hay những nước có tiêu thụ năng lượng cực lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc. 
Trong thực tế, nếu theo dõi chuyên sâu hơn có thể tìm được các thông số trên của tất cả các nước và thấy nó có cùng một quy luật là chính sách về phát triển điện than cần ở mức hợp lý, ưu tiên tổ máy công suất lớn, sớm nâng cấp công nghệ hiện đại ở các nhà máy điện than để đáp ứng về quy chuẩn bảo vệ môi trường là chính sách đúng đắn không phải đi ngược với xu thế thời đại. Đặc biệt hãy chú ý đến số liệu về công suất phát điện tuyệt đối của nhiệt điện than Việt Nam so với các nước này. 

Nghị quyết 55 đã định hướng phát triển năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn đặt vấn đề khai thác than ở Đồng bằng Sông Hồng. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này. 

TS. Tô Văn Trường: Đây là vấn đề cần tiếp tục được bổ sung và làm rõ hơn trong Nghị quyết 55. Vấn đề là có nên khai thác không và nếu khai thác thì sẽ có những tác hại khó lường về môi trường và phải so sánh hiệu quả kinh tế với than nhập khẩu. Vì vậy, vấn đề khẩn trương nghiên cứu công nghệ khai thác như đã nêu trong Nghị quyết là chưa thật cần thiết.

Tỷ lệ dự trữ than ở hình 3 dưới đây nằm trong báo cáo “Situation Of Coal Used For Power Generation In Vietnam” của tác giả TS. Nguyễn Xuân Quang trình bày trong hội thảo “14th Multi-Pollutant Emission from Coal Workshop” tổ chức ngày 28- 30 tháng 10/2019 ở Hà Nội do Clean Coal Centre, IEA tổ chức. Bài trình bày có bản quyền của IEA được download tại đây

Trữ lượng than của đồng bằng sông Hồng là loại than non (lignite) được dự đoán là rất lớn, chiếm tới 81% trữ lượng than của Việt Nam, lớn hơn rất nhiều nguồn than Antraxit hiện đang khai thác tại Quảng Ninh. Việc nghiên cứu để có thể khai thác nguồn than này nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong quá trình tăng trưởng là cần thiết. Tuy nhiên, phải rất thận trọng để đảm bảo không gây ra ô nhiễm môi trường cũng như tính kinh tế của vấn đề khai thác.

Việt Nam khai thác than từ thời Pháp thuộc đến nay phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội hàng trăm năm phần lớn đều từ bể than Đông Bắc vùng Quảng Ninh. Nay đã đến giới hạn gần hết. Trữ lượng than rất lớn ở đồng bằng sông Hồng được thăm dò đến nay chưa khai thác được do nó nằm ở độ sâu lớn, khai thác chưa hiệu quả và có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường do đó mặc dù phát hiện ra mỏ này đã hơn chục năm nhưng việc khai thác chưa thể được thực hiện. 

Tôi biết sự phát triển của khoa học công nghệ luôn biến cái không thể thành có thể ở thời điểm thích hợp với nỗ lực thích hợp. Bởi vậy, việc nghiên cứu tìm tòi cách thức khai thác hợp lý luôn là điều cần thiết để Việt Nam không bị lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước. Hiện nay, công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất đã được phát triển ở Úc và Mỹ để có thể khai thác than dưới độ sâu lớn đồng thời có thể chôn lấp luôn CO2 sinh ra từ quá trình phát điện về khu vực đã khai thác nhưng công nghệ này mới được thực hiện thí điểm chưa mang tính thương mại. Mặt khác, mỏ than sông Hồng lại nằm ở tỉnh Thái Bình đất chật người đông, đất nông nghiệp thuộc loại đất thục, mầu mỡ nếu khai thác mỏ than sẽ tác động rất lớn đến môi trường, phát triển nông nghiệp và xã hội. Phải thận trọng, nghiên cứu kỹ bài toán “trade-off” trả lời câu hỏi về chủ trương có bắt buộc phải khai thác mỏ than sông Hồng không, sau đó mới bàn đến công nghệ để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” đã nhãn tiền ở Việt Nam. 

Nghị quyết 55 nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Ông đánh giá thế nào về triển vọng và xu thế phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo.

TS. Tô Văn Trường: Dưới đây là biểu đồ biểu thị năm kịch bản được phân tích và so sánh trong Báo cáo EOR19 về các nguồn năng lượng tái tạo và tỷ trọng tương ứng trong TPES (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) đối với tất cả các kịch bản được phân tích.

Nguồn: Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2019 (EOR19), trang 27.
https://devi-renewable.com/download/bao-cao-trien-vong-nang-luong-viet-nam-2019/ 

Điện sinh khối và thủy điện là hai nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) chính đang được sử dụng hiện nay ở Việt Nam. Trong tương lai, các nguồn này sẽ được tiếp tục sử dụng và dự kiến sẽ được bổ sung với nguồn điện gió và điện mặt trời. Chi phí đầu tư của điện gió và điện mặt trời đã giảm mạnh trong 05 năm qua. Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời rất tốt, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam. Các nguồn gió nhìn chung có chất lượng thấp và trung bình, tuy nhiên cũng có những địa điểm có gió tốt. Ngoài ra, các nguồn gió chất lượng rất tốt nằm ở ngoài khơi, như nguồn gió gần bờ biển Ninh Thuận.
Báo cáo EOR19 cho thấy các nguồn NLTT sơ cấp chủ yếu là sinh khối (gỗ, bã mía, trấu,… được sử dụng trong các hộ gia đình và trong công nghiệp) và thủy điện trong ngắn hạn, năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong dài hạn với tỷ trọng dự kiến sẽ gia tăng đáng kể (xem hình). Tỷ trọng NLTT trong TPES có xu hướng giảm nhẹ trong những năm tới do có sự tăng mạnh trong tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tiềm năng thủy điện còn lại chưa được khai thác tương đối nhỏ, năng lượng sinh học có tiềm năng đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong sản xuất điện và điện – nhiệt đồng phát trong công nghiệp. Hai nguồn NLTT chính trong hệ thống năng lượng sẽ là điện gió và điện mặt trời. Mặc dù các mục tiêu đề ra trong REDS (Chiến lược phát triển NLTT) và tỷ trọng NLTT trong ngành điện đều được đáp ứng trong tất cả các kịch bản, tỷ trọng NLTT trong TPES thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong REDS, thậm chí trong kịch bản kết hợp tham vọng nhất (32% năm 2030 và 44% năm 2050).

Điện năng từ thủy điện được tính dựa vào năm có thời tiết bình thường. Trong năm ít nước, sản lượng điện từ các nguồn thủy điện sẽ giảm đến 25%. Một phân tích độ nhạy để kiểm tra tác động giảm lượng này cho thấy cần bổ sung thêm điện gió và điện mặt trời (khoảng 5-10 GW vào năm 2030, 2040 và 2050) để đạt được mục tiêu NLTT và tổng chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 3% vào năm 2050 trong kịch bản C1 về Mục tiêu NLTT.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sỹ Tô Văn Trường.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ