Connect with us

Thời sự Việt-Mỹ

Bản tin US Vietnam, tháng 11-2019

US Vietnam Review

Published on

Bản tin US Vietnam, tháng 2-2020

Bản tin US Vietnam, tháng 11-2019

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ thử nghiệm bản tin thời sự về các vấn đề kinh tế, xã hội và giáo dục Việt Nam. Các bản tin được viết theo thể loại “commentary news”, bình luận ngắn về những sự kiện quan trọng ở Việt Nam.

Bản tin tháng 11-2019 giới thiệu một số tin tức sau đây.

  1. Đồng bằng sông Cửu Long chìm dần
  2. Đề án ngoại ngữ 2020 thổi bay 9000 tỷ đồng vô ích, Việt Nam kéo dài đề án tới 2025

——————–

1. Đồng bằng sông Cửu Long chìm dần

Hơn một chục đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, nước biển dâng và bản thân Việt Nam không quản lý được hoạt động khai thác cát sông phục vụ ngành xây dựng… khiến Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm dần.

Giáo sư Ấn Độ Brahma Chellaney trong bài phân tích “Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á” (China is weaponizing water and worsening droughts in Asia, Nikkei Asian Review, ngày 28/10/2019) đã vạch trần thủ đoạn lợi dụng vị trí đầu nguồn những dòng sông chảy qua các nước khác, đặc biệt là sông Mekong, để xây dựng hàng loạt đập nước, khống chế nguồn nước của láng giềng, làm trầm trọng hóa nạn hạn hán ở châu Á.

Ngoài “sát thủ” là các đập nước Trung Quốc, những con sông miền Tây còn chịu đựng cảnh khai thác cát vô trách nhiệm để phục vụ ngành xây dựng, chủ yếu ở các đô thị lớn ở vùng khác hoặc xuất khẩu sang Singapore. Báo chí Việt Nam gần đây cũng thường xuyên đưa tin về nạn “cát tặc” (khai thác cát trái phép) quy mô lớn. Việt Nam đã cấm khai thác cát ở đây từ 2017 nhưng có lẽ đã trễ, và hơn nữa, bộ máy hành pháp không hiệu quả và nhiều tham nhũng không thể ngăn chặn hết hiện tượng này.

Nạn khai thác cát và các con đập Trung Quốc khiến phù sa giảm một nửa. Hậu quả là nếu như cách đây 20 năm, mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long lấn ra biển khoảng 20 mét do phù sa bồi đắp, thì ngày nay, đất không bồi nữa mà sạt lở, biển tiến dần vào đất liền.

Gần đây thông tin về sạt lở đất ở miền Tây nam bộ liên tục tăng. Tháng 8/2019, quốc lộ 91 chạy dọc sông Hậu đoạn xã Bình Mỹ ở An Giang sạt lở một đoạn dài hơn 80 mét, sâu một nửa mặt đường. Việc sửa chữa gần giống như “bắt cóc bỏ dĩa” vì những chỗ sạt lở được trám lại thì chẳng bao lâu lại bị cuốn trôi. Tờ báo Zing ở Việt Nam có bài “Xóm làng biến mất dưới mực nước biển ở đất Mũi Cà Mau”, ghi nhận hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều khu dân cư biến mất. Khoảng gần 30 km bờ biển sạt lở mỗi tháng khoảng 20 mét, thậm chí có khi 50 mét. Ngoài bờ biển, khoảng gần 40 km bờ sông ở các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển cũng bị sạt lở, ảnh hưởng khoảng 1000 hộ dân.

Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện nay mực nước biển đang dâng khá chậm, chỉ 3 mm mỗi năm, tức là “nước biển dâng” khó có thể là nguyên nhân khiến Đồng bằng sông Cửu Long chìm xuống với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, tổ chức Climate Central gần đây dự báo nước biển dâng có thể khiến miền Tây Nam Bộ biến mất vào năm 2050.

Đi cùng sạt lở đất ven sông, ven biển là ngập lụt đường giao thông.  Tháng 11/2019, VNExpress có bài “26 điểm ngập trên quốc lộ 1 về miền Tây”, cho biết tổng cộng khoảng hơn 34 km đường quốc lộ trong vùng bị ngập, đặc biệt đoạn qua tỉnh Vĩnh Long có hơn 10 địa điểm, dài hơn 7,6 km. Báo Tuổi trẻ có bài “Miền Tây ngập từ thành phố ra quốc lộ, đến tận xóm làng”, cho biết có những thời điểm, thành phố Cần Thơ có chỗ ngập gần nửa mét.

Tất cả những điều này sẽ tạo ra những biến động xã hội lớn lao ở miền Tây Nam Bộ trong những năm tới. Sẽ xuất hiện một dòng di dân khỏi miền Tây từng chút một. Việt Nam đã cấm khai thác cát ở đây từ 2017 nhưng có lẽ đã trễ, và hơn nữa, bộ máy hành pháp không hiệu quả và nhiều tham nhũng không thể ngăn chặn hết hiện tượng này. Việt Nam cần làm nhiều hơn thế: xây dựng chính sách để thúc đẩy tư nhân đầu tư về mặt kinh tế, hạ tầng, xã hội… đón dòng di dân này sang các khu vực khác, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ.

2. Đề án ngoại ngữ 2020 thổi bay 9000 tỷ đồng vô ích, Việt Nam kéo dài đề án tới 2025

“Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo được chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1400/QĐ-TTG) với tổng kinh phí 9.400 tỷ đồng, ước tính hơn 400 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu của đề án là:

  • Đến năm 2015, đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên;
  • Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đề án này áp dụng nguyên lý đào tạo ngoại ngữ mới ra ở ở Châu Âu đầu thập niên 2000s (Khung năng lực ngoại ngữ của Châu Âu), theo đó chia ra 6 bậc năng lực (thấp nhất là A1 rồi đến A2,B1,B2,C1 và cao nhất là C2). Bộ giáo dục Việt Nam đổi lại cách xếp loại là từ 1 đến 6. Nội dung của 6 bậc “năng lực Việt Nam” này hoàn toàn được copy nguyên vẹn từ Khung năng lực của Châu Âu.

Báo VNExpress ngày 16/11/2016 có bài “Bộ trưởng Giáo dục: Đề án ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ không đạt mục tiêu”, đưa tin ông bộ trưởng Nhạ thừa nhận dự án thất bại.

Đến 2019, bộ này tổng kết đề án nói trên, một lần nữa thừa nhận thất bại, nhưng tiếp tục “Điều chỉnh Đề án Ngoại ngữ 2020 và kéo dài đến 2025”, theo báo Dân trí đưa tin.

Người ta không thấy bộ này nhận mình có lỗi cụ thể gì, chủ yếu lỗi là do… các trường đại học thực thi. Dù không giải trình 9.400 tỷ đi đâu về đâu, trong số các nguyên nhân thất bại, bộ này thừa nhận có nguyên nhân… kinh phí, “thiếu các trang thiết bị, quy mô lớp học với sĩ số trên 50 sinh viên/lớp. Môi trường học tập chưa đạt chuẩn quốc tế, không tạo được động lực cho giảng viên, sinh viên tích cực học tập ngoại ngữ. Đặc biệt, kinh phí để xây dựng ngân hàng đề thi, phần mềm thi online phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và xây dựng bài giảng điện tử còn hạn chế.”

Đề án nói trên xây dựng “chiến lược” bằng cách vạch ra các chỉ tiêu mà không quan tâm đế việc năng lực thực tế hiện có của hệ thống có thực hiện được không, cũng không làm gì để nâng cao năng lực của hệ thống để thực thi được “chỉ tiêu” đó.

Song song với đề án này, Bộ Giáo dục còn kết hợp với Bộ Nội vụ, ra văn bản liên bộ, yêu cầu cán bộ công chức muốn thi nâng ngạch, lên ngạch công chức thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 (tương đương B1 của châu Âu), gây ra một thị trường mua bán chứng chỉ ngoại ngữ rầm rộ trong nhiều năm mà báo chí trong nước phê phán gay gắt.

Đến tháng 11/2019, Bộ này tiếp tục “tham mưu” cho Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030” (Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019).

Đề án này tiếp tục vạch ra các “chỉ tiêu” và phương pháp thực thi vốn gây ra thất bại của đề án cũ. Kinh phí thực hiện lại tiếp tục được quyết định theo kiểu “tổng hợp” từ các cấp bên dưới đưa lên, nói cách khác là theo cơ chế “xin – cho”.

Làm cách nào để một đại dự án của quốc gia có thể thành công, khi mà nó lặp lại nguyên vẹn cách làm cũ, ở quy mô lớn hơn, của một dự án tương tự… vừa thất bại xong?

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ