Connect with us

Văn hóa xã hội

Xây dựng hệ giá trị cho nền đại học

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Nguyễn Lương Hải Khôi 

Hôm nay, khi Việt Nam bước vào thời đại mà một dân tộc không có khả năng kiến thiết nền giáo dục chất lượng cao cho riêng mình thì coi như số phận dân tộc đó đã bị định đọat, thì nền đại học của nó lâm vào khủng hoảng toàn diện. Cái khủng hoảng cốt lõi, “khủng hoảng của mọi khủng hoảng”, chính là khủng hoảng Hệ giá trị.

 Vai trò của Hệ giá trị

 Hệ giá trị là hệ thống tiêu chí giúp con người phán đoán các giá trị, nhìn bản thân mình và người khác, rồi từ đó, thực hiện sự lựa chọn. Bất kỳ tổ chức nào, dù là doanh nghiệp, đảng phái chính trị, bộ máy công quyền hay trường đại học, cũng cần phải được vận hành dựa trên những Hệ giá trị mà mỗi thành viên lĩnh hội và chia sẻ. Xây dựng Hệ giá trị cho một tổ chức, vì thế, trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học về quản trị.

Hệ giá trị là yếu tố tinh thần kết nối các cá nhân trong tổ chức. Ở phương diện này, một trường đại học cũng không khác một doanh nghiệp. Bước vào một doanh nghiệp có những Hệ giá trị vững vàng như Toyota, một kẻ dẫu là lười biếng và ỷ lại cũng phải trở thành người siêng năng và tự chủ. Ngược lại, ở một môi trường giáo dục mà… không nói dối thì không thể vận hành trơn tru, ngay cả những người trung thực nhất cũng sẽ phải nếm trải nỗi cay đắng của sự tha hóa.  

Nền đại học Việt Nam cần tự chủ. Nhưng, “tự chủ” cần được nhận thức như là một “giá trị” trước khi được hiểu là một “cơ chế”. “Một con mèo đang cười” thì phải gồm 2 phần là “con mèo” và “nụ cười”. Không thể có một “nụ cười” không thuộc về một “gương mặt” nào đó. Nếu tuyên truyền Hệ giá trị hiện đại mà vẫn giữ nguyên cấu trúc lạc hậu của tổ chức thì chỉ tạo ra một “nụ cười không mèo” trong “Alice ở xứ thần tiên”. Ngược lại, ở những tập thể hiện còn chưa có những Hệ giá trị chung để vận hành mà bị/được bắt phải vận hành cơ chế “tự chủ” thì sẽ trở thành một “con mèo không cười”. 

Khủng hoảng Hệ giá trị

Có hiện tượng khủng hoảng Hệ giá trị, không có sự khủng hoảng Hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng hình thành trên cơ sở tri thức khoa học, nên nó phải biến đổi để tiến hóa. Trong một không gian tinh thần bình thường, không có khủng hoảng Hệ tư tưởng, chỉ có sự giao thoa và biến đổi của nó.

Ngày ngay, các nước phát triển nhìn những ngôi trường đại học tiêu biểu của mình như là hiện thân của danh dự quốc gia. Những ngôi trường này có những Hệ giá trị được xây dựng vững chắc, và vận hành hệ thống của mình bằng những Hệ giá trị ấy.

Ở đó, ta rất khó có thể tìm thấy Hệ tư tưởng của họ. Không phải họ không có Hệ tưởng, mà là, không có một Hệ tư tưởng duy nhất được sử dụng để khiến các hệ tư tưởng còn lại phải thoái lui. Không có một (vài) nhà tư tưởng suy nghĩ thay cho cộng đồng, do đó, không có một hệ thống tri thức duy nhất bị cố định hóa, bị ngăn cấm quyền tiến hóa để thích ứng. Điều này lại là biểu hiện một Hệ giá trị lớn: tinh thần mở trong tư duy!

Năm 1858, Fukuzawa Yukichi lập trường Đại học Keio Gijutsu bằng tinh thần “Xây dựng ý thức tự do và tự lập ở mỗi cá nhân”. Tự do, đó không phải là một “tư tưởng”, mà là một “giá trị”. Cuộc canh tân của Nhật Bản“đã đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, cũng như sự phát triển của đại học Keio Gijutsu – dù là tư thục nhưng ngày nay thuộc nhóm dẫn đầu nền đại học Nhật Bản – không phải bằng “kim chỉ nam” của một Hệ tư tưởng duy nhất, mà bằng “kim chỉ nam” của một Hệ giá trị: Tự do!

Vấn đề lớn nhất của nền đại học Việt Nam hiện nay là khủng hoảng Hệ giá trị. Không cần rơi vào cảnh “bán điểm buôn bằng” thì mới khủng hoảng Hệ giá trị. Hệ giá trị của một tổ chức được vật chất hóa ở cách làm việc của mỗi thành viên. Từ khi Việt Nam có đại học, đây là lần đầu tiên xuất hiện kiểu “người thầy đại học” như thế này: “Có người buổi sáng học cao học môn học này của một PGS, buổi chiều dạy ngay chuyên đề ấy cho đại học!” [1] Kiểu dạy học cẩu thả ấy là cực điểm của khủng hoảng hệ giá trị. Người thầy chỉ được định hình trong mối quan hệ với học trò. Đứng ra bên ngoài mối quan hệ này, anh ta khủng hoảng Hệ giá trị rồi.

Liệu có ích gì khi nói với những trường đại học “loạn giấy báo nhập học” [2], “ồ ạt tuyển sinh, bỏ lơ đào tạo” [3], giảng viên phải “đòi nợ hiệu trưởng” [4], lãnh đạo “đấu đá” để cho học trò “lãnh đủ” [5], nhập khẩu bằng cấp của trường không được công nhận [6] … rằng, sứ mệnh nhỏ bé của một trường đại học gắn liền với một thế giới rộng lớn, đem lại sự tiến bộ cho quốc gia, nhân loại, thông qua nâng đỡ sự tiến bộ của từng người thầy và từng học trò của nó? Sẽ chỉ là trò cười vô nghĩa lý.

Khủng hoảng Hệ giá trị sẽ khiến mọi tổ chức rơi vào trạng thái của một hoang mạc. Chẳng gì có thể sinh thành ở đó. Toàn bộ nền đại học Việt Nam sản xuất công trình công bố quốc tế không bằng một trường Chulalongkorn của Thái Lan. Từ điêu tàn con người vẫn có thể trỗi dậy trăm vạn niềm tin mà tái sinh tất cả, nhưng từ hoang mạc thì không. Từ hoang mạc sẽ không thể có gì sinh nở, kể cả… sự điêu tàn.

Nền giáo dục đại học chỉ có thể vượt lên trên cuộc khủng hoảng chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trước tiên, bằng cách khắc phục cái khủng hoảng cốt lõi nhất, khủng hoảng Hệ giá trị.  

Xây dựng Hệ giá trị

Một ngôi trường đại học hội nhập thế giới, trước tiên, nó phải hội nhập ở hệ giá trị. Duy lý và Dân chủ, Tự do và Sáng tạo, hành động địa phương trong tinh thần toàn cầu, là những giá trị cần được xây dựng trước tiên. Trong đó, dân chủ, cần được hiểu, trước hết, là yếu tố cơ sở của một hệ giá trị. Nó là nền tảng của tự do và sáng tạo.

Những giá trị này không thể được xây dựng bằng lối tuyên truyền quan liêu. Đại học cần được tái cấu trúc để những giá trị ấy có một cơ sở xã hội mà sinh thành, lưu chuyển và định hình một vận mệnh.

Các trường đại học của Việt Nam có một cấu trúc tương tự các cơ quan công quyền. Ở cơ quan công quyền, có lẽ, cần một quyền lực sinh sát trên đỉnh chóp. Nhưng, đó lại là cách tốt nhất để đại học tự sát.

Đẳng cấp của đại học là đẳng cấp của người thầy đại học. Do đó, đại học không chỉ là nơi đào tạo sinh viên, nó còn phải là nơi phát triển trí tuệ của người thầy. Nó không cần một quyền lực mạnh. Nó cần một xã hội mạnh, mà nòng cốt là Hội đồng trường, nơi tập hợp những con người trí tuệ nhất và do đó cũng “quyền lực” nhất, và các Phòng nghiên cứu, nơi sắp đặt nấc thang trưởng thành về mặt trí tuệ cho từng thành viên.

Trong ngôi trường đại học, Phòng nghiên cứu và những nhà nghiên cứu của nó phải là trung tâm của bộ máy. Và người “quyền lực” nhất trong một không gian có sứ mệnh giáo dục và nghiên cứu cần phải là các giáo sư dẫn đầu.  

Nhưng ở đại học Việt Nam, những thiết chế này, và Hệ giá trị đi kèm với nó, rất yếu hoặc không có. Các Khoa bị biến thành nơi tập hợp những… “công nhân dạy học” với đồng lương chết đói, phải bươn chải để kiếm sống, bên “trên” là các thành phần “quản lý”. Những chỗ “bên trên” này, giống như các cơ quan công quyền, có cái gì đó rất hấp dẫn, ai leo lên được tới đấy thì thấy mình may mắn hơn là đi dạy học. Cấu trúc này đã hình thành những “giá trị ngược” tương thích với nó để vận hành. Nếu không thay đổi cấu trúc này, mọi tuyên truyền về Hệ giá trị chỉ tạo ra những “nụ cười không mèo”.

Không có những mô hình thích hợp và sự đãi ngộ khả dĩ giúp người thầy đại học có thể tự đào tạo để tự chủ thì trường đại học cũng không thể tự chủ. Nhưng, mô hình nào cũng phải có những Hệ giá trị tương thích đi kèm. Với những “giá trị ngược”, người ta không thể vận hành được bất kỳ mô hình nào. Đại học không cần sự độc tài, vì độc tài dồn nén năng lượng tiêu cực cho sự bùng nổ hỗn loạn, nhưng nó cần kỷ luật, dân chủ và minh bạch để khắc phục sự bát nháo, tái lập kỷ cương và kiến thiết tính sáng tạo của tổ chức.   

Dân tộc Việt Nam chỉ có thể thay đổi số phận thông qua thay đổi số phận của nền đại học, mà trọng tâm là thay đổi số phận người thầy và những Hệ giá trị mà môi trường giáo dục ấy sống với nó như là bản sắc của chính mình. Con đường vạn dặm này phải được bắt đầu bằng việc trang bị cho các nhà quản lý những phương pháp xây dựng Hệ giá trị cho một tổ chức, một vấn đề quan trọng của khoa học quản trị.

Chú thích

Bài viết này được xuất bản lần đầu ngày 14 tháng 3 năm 2011 trên tạp chí Tuổi trẻ Chủ nhật. Đây là bản không bị kiểm duyệt.

[1] Đoàn Lê Giang, Báo động đỏ về đào tạo khoa học xã hội và nhân văn,

http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Bao-dong-do-ve-dao-tao-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van.aspx

[2] Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Loạn giấy báo nhập học

http://www.ngoinhachung.net/home/tin-tuc/tuyen-sinh-dh-cd-2010-loan-giay-bao-nhap-hoc

[3] Đại học dân lập Hồng Bàng: Ồ ạt tuyển sinh, bỏ lơ đào tạo

http://tuoitre.vn/Giao-duc/309176/Dai-hoc-dan-lap-Hong-Bang%C2%A0O-at-tuyen-sinh-bo-lo-dao-tao.html

[4] Hàng trăm giảng viên Đại học Quy Nhơn đòi nợ hiệu trưởng

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/12/3BA09EFC/

[5] Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Nội bộ mâu thuẫn, sinh viên bị giam bằng

http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/6/228038/

[6] Giải mã sự thật về Irvine University

http://phapluattp.vn/20100804113120807p0c1019/giai-ma-su-that-ve-irvine-university.htm

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ