Nguyễn Mạnh Hùng
Mục lục
Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng
“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945.
Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”
(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)
Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng
Quyển II. Việt Nam Quốc Dân Đảng
Việt Nam Quốc Dân Đảng, xuất phát từ Nam Đồng Thư Xã, được thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927 do Nguyễn Thái Học sáng lập và là Đảng trưởng.
Mục đích và Tôn chỉ của đảng là “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc Ai Lao, Cao Mên.”
Lúc đầu, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng chú trọng vào việc chống Pháp mà không để ý đến ý thức hệ, nhưng về sau chống cả Cộng Sản khi biết Cộng Sản chỉ điểm cho Pháp bắt và tiêu diệt đảng viên của mình.
Hai yếu tố chính dẫn đến việc thành lập đảng là lòng ái quốc sôi xục thể hiện qua việc xuống đường ồ ạt để tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh bất chấp lệnh cấm của thực dân Pháp, và căm phẫn trước cuộc đàn áp và bắt bớ những người để tang trong đó có Nguyễn Thái Học.
Năm 1929 Việt Nam Quốc Đảng nổi tiếng với việc ám sát Hervé Bazin, tên trùm mộ phu đi làm đồn điền. Việc nổi tiếng này phải trả giá đắt bằng hàng trăm đảng viên bị bắt, nhưng hai lãnh tụ – Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khăc Nhu – thoát nạn.
Trước đe dọa bị tận diệt bởi thực dân Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa năm 1930. Tuy cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, biến cố ấy và thái độ hiên ngang bất khuất của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng khi lên đoạn đầu đài đã tạo nên huyền thoại Việt Nam Quốc Dân Đảng và một trang sử hào hùng trong lịch sử chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
Cuộc đàn áp tiếp theo của thực dân Pháp làm suy yếu trầm trọng hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng, buộc một số lãnh tụ đảng phải lưu vong sang Trung Hoa. Ở trong nước, “những người còn lại của thời 1930” có Nguyễn Ngọc Sơn và Nhượng Tống. Ở hải ngoại có nhóm Vũ Hồng Khanh.
Từ Đệ Nhị Thế Chiến, để đối phó với tình hình, Việt Nam Quốc Dân Đảng đi vào diễn trình khi thì hợp nhất với các đảng khác trong một mặt trận đoàn kết để tranh đấu hữu hiệu hơn, khi thì phân hóa vì khác biệt cá nhân và chính sách.
Cuộc tấn công của Đức làm suy yếu Pháp tại chính quốc và cuộc cuộc tấn công của Nhật ở Á Châu làm lung lay chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, đồng thời tạo cơ hội cho sự bành trướng của các lực lượng chống Pháp ở Việt Nam. Một số đảng phái chống thực dân được thành lập, như Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính, Đại Việt Duy Dân, v.v…
Năm 1942, Nguyễn Tường Tam giải thể đảng Đại Việt Dân Chính, sáp nhập đảng này vào Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp và trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng kết hợp với Đại Việt Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Duy Dân thành một mặt trận thống nhất lấy tên là Quốc Dân Đảng. Mặt trận bầu Trương Tử Anh làm Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh làm Ủy viên quân sự, Nguyễn Tường Tam và Nghiêm Kế Tổ phụ trách ngoại giao, Xuân Tùng lo vấn đề tuyên truyền, Nguyễn Văn Chấn tức “Chấn đen” lo việc kinh tài.
Trong giai đoạn Hoa quân nhập Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng lập được một số chiến khu mà nổi bật nhất là Đệ tam Chiến khu chạy suốt từ Vĩnh Yên đến Lào Cai do Đỗ Đình Đạo làm Tư lệnh. Ngoài khu vực Ngũ Xã và trụ sở trung ương ở Hà Nội, đảng cũng có đảng bộ hoạt động tại nhiều tỉnh như Hà Đông, Nam Định, Ninh Bình, Phát Diệm– Bùi Chu …
Khi bị Việt Minh đánh bật ra khỏi căn cứ và phải chạy sang Trung Hoa, năm 1948 các thành phần của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở trong và ngoài nước liên minh với Đại Việt Quốc Dân Đảng hợp thành mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam và bầu Phan Châm Nguyễn Tiến Hỷ là Tổng bí thư. Ở hải ngoại, liên minh này vẫn giữ tên quen thuộc là Việt Nam Quốc Dân Đảng để liên hệ với Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
Mầm mống chỉa rẽ nội bộ đầu tiên xẩy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền. Tháng 8 năm 1945, trong cuộc họp các đảng phái Quốc Gia bàn việc có nên chấp nhận đề nghị trao quyền của Nhật để nắm chính quyền hay không, Việt Nam Quốc Dân Đảng chia làm hai phe: Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp, Nhuợng Tống và Lê Khang muốn cướp chính quyền, nhưng phe Xuân Tùng và Nguyễn Văn Chấn thì muốn chờ ý kiến của “anh Cả” Vũ Hồng Khanh lúc ấy chưa kịp về nước. Đó là mâu thuẫn nội bộ đầu tiên
Bất đồng thứ hai bắt nguồn từ việc thành lập Chính phủ Liên Hiệp với Việt Minh và ký Hiệp ước Sơ bộ năm 1946 cho phép quân Pháp đổ bộ lên Bắc Việt. Nguyễn Tường Tam và nhiều đảng viên khác chống, nhưng Vũ Hồng Khanh vẫn ký vào hiệp ước.
Lần thứ ba sự phân hóa nội bộ xảy ra năm 1948 khi Vũ Hông Khanh đến Quảng Châu đòi làm Bí thư trưởng, nghĩa là Đảng trưởng và bị chống đối. Lê Ngọc Chấn và Nguyễn Văn Lực tách ra, hoạt động độc lập đối với nhóm Vũ Hồng Khanh.
Bất đồng lần thứ tư xuất hiện khi có giải pháp Bảo Đại, 1949-1954. Trong khi Đảng chống Pháp và không cộng tác với Bảo Đại thì một số lãnh tụ – Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Vũ Hồng Khanh, Phạm Thái – lại tham gia chính phủ Bảo Đại.
Khi vào Nam năm 1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng phân thành ba hệ phái chính: hệ phái Bắc của Vũ Hồng Khanh, hệ phái Nam của Nguyễn Hòa Hiệp, còn hệ phái Trung thì “không rõ rệt” ai chỉ huy.
Sau Nguyễn Thái Học và thất bại Yên Bái, Việt Nam Quốc Dân Đảng suy yếu vì thiếu chỉ huy thống nhất, phân tán, và “mạnh ai nấy làm”, không ai bảo được ai.
Nhưng dù phân tán, mỗi nhóm đều hoạt động tận tình đê xây dựng đảng và kiên trì với mục tiêu giành độc lập cho quê hương và chống Cộng Sản.
Trên đây là tóm tắt căn cứ vào nhận định của nhưng người được phỏng vấn. Độc giả muốn tra cứu thêm, có thể tìm đọc cuốn sách của Hoàng Văn Đào về Việt Nam Quốc Dân Đảng—Lịch sử Đấu tranh Cận đại, 1927-1954, bằng cách bấm vào đường dẫn sau đây: Việt Nam Quốc Dân Đảng (fliphtml5.com). Wikipedia cũng cung cấp một tóm tắt chi tiết bằng tiêng Anh qua: Việt Nam Quốc Dân Đảng – Wikipedia. Những tài liệu khác do các đảng viên đầu tiên của Quốc Dân Đảng viết mà không có trên internet là cuốn Việt Nam Đấu Tranh, 1930-1954 của Hoàng Văn Đào (Văn Khoa: 1987) và Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, phần 1 và 2 của Nguyễn Tường Bách (Thạch Ngữ: 1998 và 2000)
Ngoài ra, các hậu duệ của đảng về sau cũng thiết kế một trang nhà (Việt Nam Quốc Dân Đảng – VNQDĐ (vietquoc.org) để phổ biến tài liệu lịch sử, cương lĩnh, tổ chức, và hoạt động của Đảng, đặc biệt là sau 1975.
Cuối sách là phần phụ lục gồm phỏng ảnh của văn kiện Ký Trình viết tay của Nguyễn Tường Tam với những lời giải thích.
Năm 1986, với sự hỗ trợ của Social Science Research Council, chúng tôi khởi sự phỏng vấn và ghi âm những câu trả lời của một số nhân vật Việt Nam Quốc Dân Đảng. Những cuôc phỏng vấn đó được in trong cuốn sách này, theo thứ tự ngày phỏng vấn như sau:
Phụ lục:
Tư liệu Việt Nam Quốc dân Đảng
- Tiểu sử Đảng trưởng Nguyễn Thái học
- Ký trình (thủ bút của Nguyễn Tường Tam)