Connect with us

Văn hóa xã hội

Văn học chấn thương – Đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà (phần 2)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Văn học chấn thương – Đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà (phần 1phần 2, phần 3)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Cách viết của “Gia đình”

Khái niệm trung tâm để chúng ta đọc tác phẩm “Gia đình” của Phan Thúy Hà là “chấn thương”. Nó là sự tiếp nối hai tác phẩm “Đừng kể tên tôi” (2017) và “Tôi là con gái của cha tôi” (2019).  “Đừng kể tên tôi” là tiếng nói của những người lính miền Bắc, còn “Tôi là con gái của cha tôi” là tiếng nói của những người lính miền Nam, tất cả họ, dù bước vào cuộc chiến vì nghĩa vụ hay vì  lý tưởng, đều là những số phận nhỏ bé, bị thời cuộc xé nát trong cuộc chiến Nam Bắc tàn khốc. Còn “Gia đình” là một mảnh của lịch sử cuộc Cách mạng ruộng đất của phong trào cộng sản ở miền Bắc Việt Nam thập niên 1950. Tất cả các nhân chứng trong sách “Gia đình” đều mang một chấn thương tinh thần không thể chữa lành.

Nhân chứng Trần Lệ:

Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm, bị nhốt trong chuồng trâu. Chân giẫm lên phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, có thể chui ra ngoài nhưng tôi không dám. Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình. Cầm bút lên tôi lại run.

Nhân chứng Nguyễn Bút:

Hai chị dâu con bác kéo xác chị đi chôn. Chôn ở đâu, không ai nhớ nữa. Nỗi khiếp sợ khiến cho các chị không còn nhớ gì nữa. Các chị chỉ nhớ lúc đó không ai còn sức nên không kéo được đi xa, cũng không đào được sâu.

Nếu tôi ở lại, chị em dựa vào nhau. Hay tôi cũng chết giống như chị.

Chị Loan dằn vặt. Giá hôm đó giữ chị Liên ở lại, đừng để cho chị về thôn Cầu. Nếu lường trước được chuyện xảy ra thì cha mẹ tôi đã bỏ lại tất cả, đưa các con đi khỏi thôn Cầu ngay từ đầu. Nếu, thì, làm sao ra nông nỗi mười một cái chết đau thương như vậy trong nhà bác Cả, bác Hai và nhà tôi.

Văn học như là vi-lịch sử

Tác giả Phan Thúy Hà chia sẻ rằng trong Lời cuối sách của “Gia đình”, cũng giống như hai tác phẩm trước, các nhân vật đều là người thật, tên của nhân vật cũng là tên người thật, câu chuyện của họ trong tác phẩm là sự thật trong ký ức của họ. Như vậy, ở đây, tác giả không hư cấu mà chỉ viết lại lời kể từ điểm nhìn của nhân chứng. Chị cho biết, có câu chuyện trong tuyển tập này, tuy chỉ dài hai trang nhưng chị phải đi gặp tới bốn người, lắng nghe họ để ráp nối các sự kiện và dựng lại cho câu chuyện được đầy đủ. Như vậy, tác phẩm còn là một công trình khảo sát xã hội nữa. Không phải là khảo sát ở quy mô lớn, mà là khảo sát số phận những con người cụ thể.

Bằng cách này, Phan Thúy Hà làm cho nghệ thuật và khoa học của “vi lịch sử” gặp nhau. “Vi lịch sử” (micro history) là một nhánh mới của sử học gần đây. Sử học truyền thống phục dựng thời đại đã qua chủ yếu bằng cách khảo sát những nhân vật lớn, những anh hùng, những nhà tư tưởng, nhà kinh tế lớn, những trận đánh, những hiệp ước xoay chuyển thời đại… Vi lịch sử phục dựng diện mạo của thời đại đã qua bằng cách khảo sát những con người nhỏ bé, những số phận hoàn toàn vô nghĩa, những con người “không tên, không tuổi, không tiền” của những thời đại đã qua. Vi lịch sử chọn cách tiếp cận này vì đối với nó, những số phận nhỏ bé này, những con người bên lề này lại cung cấp những dữ liệu để sử gia nhìn thấy những phiên bản khác của thời đại cũ, những góc khuất của lịch sử mà những “nhân vật lớn” của sử học truyền thống không cho ta thấy được.[1]

“Gia đình” (cũng như “Đừng kể tên tôi” và “Tôi là con gái của cha tôi”) của Phan Thúy Hà cũng là một dạng thức nghiên cứu về chấn thương tinh thần của những con người nhỏ bé, đứng bên lề dòng thác khốc liệt của lịch sử, số phận bị quyết định bởi sự lựa chọn lịch sử của những “nhân vật lớn”. Nhưng qua đời sống tinh thần của họ, chúng ta nhìn thấy những đường nét, màu sắc và hình khối khác của bức tranh lịch sử, khác hoàn toàn với những đường nét, màu sắc và hình khối đứng ở trung tâm của bức tranh lịch sử “cỡ lớn” được khắc họa thông qua những nhân vật “lớn”, nhân vật “trung tâm” của thời đại, tức những chính trị gia, những tướng lĩnh quân sự. Thậm chí, những mảng màu trong bức tranh lịch sử được phục dựng từ những con người nhỏ bé này có thể trở thành điểm trung tâm của bức tranh đã qua, tùy theo điểm nhìn của người xem.

Viết văn như sắc thuốc: Lịch sử tự cất tiếng nói

Viết văn bằng cách kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học lịch sử (vi lịch sử), Phan Thúy Hà không phải là, hoặc không chỉ là “nhà văn”. Chị là một “tác giả”. Cách viết của chị khi xây dựng tác phẩm này giống như hái một nắm lá về sắc thuốc. Trong y học cổ truyền, sắc thuốc là cho lá thuốc vào nồi ấm đất, đun sôi để tạo ra nước cốt. Người ta không đun lửa quá to, chỉ đun lửa nhỏ, để nước sôi dần sao cho không bao giờ trào ra khi sôi. Người sắc thuốc không tự tay tạo ra thuốc, không tác động vào nguyên liệu bằng kỹ thuật tinh xảo. Họ chỉ tạo điều kiện để thuốc tự ra đời.

Nói như vậy không có nghĩa “Gia đình” không phải là một sáng tạo văn học của tác giả, ngược lại, đó là một sáng tạo độc đáo. Tác giả sử dụng giọng văn triệt tiêu mọi cảm xúc chủ quan của chính mình. Trong “Gia đình”, chúng ta không thấy hình ảnh tác giả hiện lên trong câu chuyện, dù đó là cảm xúc hay quan điểm của chị, mà chỉ có nhân vật người thật đang kể lại những chấn thương tinh thần của họ. Điều đó có nghĩa là, tác giả từ bỏ vai trò của “người sáng tạo” theo cách hiểu của văn học truyền thống, để trở thành một “nền tảng” (“platform”) nơi sự thật tự nó phơi bày, hay, trở thành một cửa ngõ để những mảnh đời sống tinh thần đang ẩn hiện đâu đó trong lòng xã hội được đi qua để hiện diện một cách trực quan và thuần khiết trước mắt cuộc đời. Cánh cửa mở ra, không phải để lôi kéo sự chú ý của người khác đến mình, mà chỉ để những gì đằng sau nó hiện ra trước ánh sáng.

Câu chuyện lịch sử diễn ra cách đây bảy thập niên, do đó, không được phản ánh như là nhận thức của tác giả, dù là nhận thức chủ quan hay khách quan, mà chỉ như là những dữ liệu khách quan, cụ thể là những dữ liệu khách quan về những chấn thương còn đọng lại trong tinh thần của những con người nhỏ bé bị cơn cuồng phong đỏ xé nát. Một mảnh nhỏ của lịch sử tự nó cất tiếng nói.

Nói cách khác, người sắc thuốc là người vụng về, tác giả không miêu tả tâm lý nhân vât, không sắp xếp câu chuyện bằng những kỹ thuật thời thượng, nhưng cái vụng về này là cái vụng về lớn của tài năng lớn, không để cái tôi của mình đúc khuôn hình ảnh của cuộc đời. Cách viết này không chỉ làm cho nhà văn không tự quyết định cách hiểu của độc giả thông qua thẩm quyền áp đặt của người viết, nó còn làm cho tác phẩm không phải là một thông điệp về giáo dục, đạo đức hay thẩm mỹ.

Ở “Gia đình”, tác phẩm không được tạo ra như một khách thể thẩm mỹ (aesthetic object) để người đọc, người xem thưởng thức như một đối tượng tự nó hàm chứa sẵn các thông điệp và giá trị, và do đó, nhiệm vụ của người đọc, người xem cũng không phải là khám phá được các giá trị và thông điệp đó, thông qua việc giải mã các kỹ thuật viết của tác giả. Người đọc không cần có nỗi lo mình không đủ tầm về kinh nghiệm hay tri thức để hiểu tác giả và tác phẩm. Bởi lẽ người đọc không có nhiệm vụ hiểu những thông điệp có sẵn, mà người đọc giống như cái trống, còn tác phẩm như bàn tay vỗ trống. Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm thông qua một mảnh lịch sử diễn ra cách đây hơn bảy thập niên giống như âm thanh được tạo ra từ sự tương tác giữa cái trống và bàn bay. Ý nghĩa vốn không có sẵn trong tác phẩm. Mỗi người đọc tạo ra một hình ảnh về lịch sử của riêng mình.

Cách viết của “Gia đình”, do đó, làm cho giá trị của nó không dừng lại ở địa hạt văn chương, nói đúng hơn, nó không phải là văn chương theo cách hiểu truyền thống. Chúng tôi không biết tên để gọi thể loại của tác phẩm, chỉ biết rằng, đó là một tác phẩm để chúng ta nhận thức về lịch sử một cách khách quan.

Chú thích

[1] Một trong những tác phẩm sử học tiên phong của vi lịch sử (micro history) là “Phô mai và côn trùng” (“The Cheese and the Worms”) của Carlo Ginzburg năm 1976. Tác giả nghiên cứu cuộc đời của một người làm phô mai tên là Menocchio (1532–1599), sống ở một ngôi làng hẻo láng và không biết chữ. Tác phẩm khảo sát niềm tin tôn giáo và tưởng tượng của người nông dân làm phô mai về vũ trụ, phác thảo diện mạo của văn hóa đại chúng ở châu Âu đương thời.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ