Connect with us

Society & Culture

Văn học chấn thương – Đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà (phần 1)

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Văn học chấn thương – Đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà (phần 1phần 2, phần 3)

Nguyễn Lương Hải Khôi

“Văn nghệ chấn thương”

Năm 1978, anh sinh viên văn chương năm nhất ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải là Lư Tân Hoa (卢新华 Lu Xinhua) viết truyện ngắn “Chấn thương” (“Thương ngân”《伤痕》“Shānghén”), kể về chấn thương tinh thần của nhân vật nữ Thiếu Hoa, một thành viên của Hồng Vệ binh, trong cơn say của cuộc cách mạng “không có gương mặt con người”, đã tuyên bố từ bỏ mẹ ruột chỉ vì bà bị kết tội “phản Đảng”. Tác phẩm này mở đầu cho dòng văn học nghệ thuật phản tỉnh những nỗi đau con người trong phong trào cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Từ đó, tên của tác phẩm, “chấn thương”, cũng trở thành tên gọi của dòng văn học đó, “văn học chấn thương” (“Thương ngân văn học” 伤痕文学 “Shānghén wénxué”). Trên thế giới, tác phẩm nổi tiếng nhất của dòng văn học chấn thương Trung Quốc có lẽ là tiểu thuyết “Phải sống” (活着 Huózhe) của Dư Hoa (余華 Yú Huá) năm 1993, được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, mô tả những thảm họa của các cuộc đại nhảy vọt và đại cách mạng văn hóa của Mao.

“Văn học chấn thương” là một hiện tượng phổ quát ở các nước hậu cộng sản, không chỉ ở Trung Quốc mà từ Nga, Đông Âu đến Việt Nam, sau khi cơn sóng thần đỏ rút đi, để lại một cõi hoang tàn nơi nhân thế và trong lòng người.

Riêng ở Việt Nam, văn học chấn thương có thể được chia làm ba giai đoạn: 1954 – 1975, 1975 – 1990, và từ 1990 trở đi.

Trong giai đoạn 1954 – 1975, ở miền Bắc, một số ngòi bút hiện thực đã tái hiện đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa và thảm họa Cải cách ruộng đất 1953 – 1956. Tác phẩm mở đầu có thể là “Anh Cò lấm” của Trần Dần (bút danh Trần Bá Xá), đăng báo “Tổ quốc”, số 27, ngày 20 tháng 1 năm 1956. (Ba tháng sau, ngày 5 tháng 3 năm 1956, báo “Tổ quốc” đã phải đăng một bài tự phê bình, nói rằng cấp dưới “thiếu cảnh giác” đăng truyện ngắn “phản động” “nham hiểm” “thô bỉ” này mà không hỏi ý kiến Ban biên tập.)[1]. Kế đến là truyện “Sắp cưới” (1957) Vũ Bão. Tác phẩm kể về một đôi lứa yêu nhau, sắp cưới thì cải cách ruộng đất bùng nổ, gia đình cô gái bị quy địa chủ, chàng trai xa lánh cô. May thay, cuối cùng cách mạng sửa sai và họ trở lại với nhau. Cũng trong 1957, Hữu Mai xuất bản “Những ngày bão táp”, vẽ một bầu không khí u ám, oan ức, và những nỗ lực sửa sai của Cải cách ruộng đất. Tác phẩm được Phan Nhân, Trưởng ban Văn nghệ báo Nhân dân, đánh giá cao, vì nó cho “chúng ta thấy nhân dân bao giờ cũng sáng suốt và dũng cảm. Cho nên, mặc dù nói đến sai lầm, “Những ngày bão táp” không phải là một bức tranh màu xám.” (Báo Nhân dân, ngày 11 tháng 4 năm 1957).

Hai tác phẩm này, chúng ta chưa thực sự cảm nhận một chấn thương tinh thần ở tầm xã hội. “Anh Cò lấm” chủ yếu dùng giọng văn châm biếm. “Sắp cưới” kết thúc có hậu. Tuy nhiên, đến “Vào đời” (1963) của Hà Minh Tuân, thế giới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện ra với những “chấn thương” thực sự. Nhân vật nữ tên Sen bị xã hội đẩy vào bước đường cùng, chồng cô là Hiếu mang chấn thương tinh thần vì cha mình bị sát hại trong cải cách ruộng đất, ghê tởm xã hội phong kiến trá hình, và đi vào con đường chống đối rồi bị tù tội.

Trong khi đó, ở miền Nam, “Giải khăn sô cho Huế” (1969 – 1970) của Nhã Ca ghi lại những nỗi kinh hoàng của người dân Huế khi thành phố bị tấn công vào Mậu Thân 1968, “Trại đầm đùn” (1970) của Trần Văn Thái ghi lại cảnh sống và chết của tù nhân trong một trại tù ở miền Bắc thập niên 1950. “Dựa lưng cõi chết” (1971) của Phan Nhật Nam cùng đề tài với “Giải khăn sô cho Huế”.

Sau 1975, ở hải ngoại, có một dòng văn “thuyền nhân”, như cách nói của GS. Nguyễn Ngọc Bích trong bài tham luận “Văn chương lưu đày của người Việt” tại Đại học George Mason năm 1985. Dòng văn học này phản ánh những ám ảnh vì bầu trời sụp đổ (“Tháng ba gãy súng”, Cao Xuân Huy), “người ta mê đi vì lo âu và sợ hãi” (“Thuyền”, Bùi Bích Hà), nỗi đau mất quê hương và tình yêu cuộc sống giúp họ vươn lên trong bối cảnh mới, vượt lên nghịch cảnh của cuộc lưu vong “bị xua đuổi như đàn ruồi” (“Ánh mắt”, Trương Anh Thụy), những ám ảnh về sống chết, mất còn (“Cũng đành”, Song Thao). Dòng văn chương lưu đày này lưu lại cho chúng ta sự bất lực của ngôn từ trước những chấn thương tinh thần khốc liệt. “Làm sao tả được cảnh những người phụ nữ Việt Nam nằm trần truồng trên sàn ghe như những con cá vừa được kéo lên, đang chờ mổ bụng, ướp đá? Làm sao tả được tâm trạng của người chồng bị trói chặt, nhìn người vợ mang thai bị hải tặc hiếp dâm trước mắt? Làm sao tả được tiếng kêu của em bé lên sáu, lên năm khi nhìn xác mẹ mình bị ném xuống biển sâu? Làm sao tả được cảnh người thoi thóp phải ăn thịt người vừa chết để kéo dài sự sống trên chiếc ghe chết máy lênh đênh nhiều tháng trời trên biển Đông? Không, những câu chuyện vượt biên bi thảm là những viên đá nghìn cân đè nặng lên số phận của đồng bào bất hạnh và sẽ muôn đời ở lại trong lòng biển” (“Sự im lặng của biển”, Trần Trung Đạo).

Từ 1991, ở trong nước, văn học chấn thương quay trở lại. Đầu tiên là “Ác mộng” (1991)[2] của Ngô Ngọc Bội với những chấn thương tinh thần của con cái khi mẹ đấu tố cha đến chết trong Cải cách ruộng đất. “Ba người khác” (viết xong 1992, xuất bản 2006) của Tô Hoài khắc họa sự bùng nổ của sự tàn ác và dâm dục của con người khi tham gia vào cuộc cách mạng ruộng đất kinh hoàng. “Chuyện làng Cuội” (1993) của Lê Lựu, tái hiện đời sống miền Bắc mấy chục năm, từ sau Cách mạng tháng 8 đến Cải cách ruộng đất, rồi chuyển sang cơ chế thị trường, xã hội chìm đắm trong thói quen làm theo chỉ thị và nghị quyết, ngay cả khi giết người, còn luật pháp tuy có đấy nhưng chỉ để trang trí. “Thời của thánh thần” (2008) của Hoàng Minh Tường khắc họa lịch sử Việt Nam hiện đại qua câu chuyện một gia đình, từ sau Cách mạng tháng 8, Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, tị nạn sau 1975, mỗi thành viên trong gia đình bị thời cuộc ném vào một số phận khác nhau.[3] “Cuồng phong” (2008) của Nguyễn Phan Hách tái hiện lịch sử theo mô hình chính thống của nhà nước, nhưng cũng có những phần khắc họa những bi thương mà cuộc cách mạng ruộng đất đem lại. “Dưới chín tầng trời” (2010) của Dương Hướng cho thấy một thời kỳ chìm đắm trong những tăm tối do cuộc cách mạng ý thức hệ mang lại, nhưng bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó, dù hiểu hay không hiểu những quái gở của ý thức hệ, cũng không thể vượt qua. “Nước mắt một thời” (2009) của Nguyễn Khoa Đăng là cuộc đời đau đớn và tủi nhục của một gia đình trước những tàn ác của Cải cách ruộng đất. “Đội gạo lên chùa” (2011) của Nguyễn Xuân Khánh cũng tái hiện lịch sử Việt Nam hiện đại thông qua những mảnh đời ẩn trong một ngôi chùa làng, có đau đớn, mất mát nhưng được nằm che chở dưới tinh thần “Vô Úy” của Phật giáo. “Biết đâu địa ngục thiên đường” (2010) của Nguyễn Khắc Phê cũng tham vọng khái quát lịch sử thông qua những bi thảm, đau thương của những số phận nghiệt ngã, nhưng vẫn vững tin vào khả năng tự hàn gắn vết thương tinh thần của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhắc lại vắn tắt lịch sử các tác phẩm văn học chấn thương nói chung, và văn học về đề tài Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam thập niên 1950 nói riêng, chúng ta thấy phần lớn các tác phẩm có nói đến cuộc cách mạng ruộng đất này thì chỉ nói đến nó như là sân khấu làm nền cho đời sống của nhân vật. Những chấn thương tinh thần do Cải cách ruộng đất gây ra, dường như, mới chỉ được thể hiện tập trung ở hai tác phẩm là “Ác mộng” (1991) của Ngô Ngọc Bội và “Ba người khác” (viết xong 1992, xuất bản 2006) của Tô Hoài (và một phần trong “Vào đời” năm 1963 của Hà Minh Tuân). Cả hai tác phẩm này đều ra đời trong bối cảnh khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu vừa tan rã. Đến “Gia đình” (2020) của Phan Thúy Hà, một lần nữa, nó trở thành chủ đề trung tâm, với một bút pháp hoàn toàn mới mẻ.

Chú thích

[1] Có thể xem truyện ngắn “Anh Cò lấm” của Trần Dần và bài báo tự kiểm điểm của báo Tổ quốc năm 1956 trên Tạp chí Talawas.

[2] “Ác mộng” bị thu hồi sau khi xuất bản, và cho đến nay chưa được tái bản.

[3] Tác phẩm “Thời của thánh thần” bị thu hồi. Sau đó được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Hoa (bản tiếng Hoa ở Trung Quốc chưa kịp phát hành thì cũng bị cấm).

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ