Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Từ quyền được sống đến hình phạt tử hình: một thế kỷ cải cách pháp luật Việt Nam

Trần Kiên

Published on

Trần Kiên

Tiến sỹ Trần Kiên là Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Tử hình bằng biện pháp “voi giày” thời trung cổ

“So death, the most terrifying of ills, is nothing to us, since so long as we exist, death is not with us; but when death comes, then we do not exist. It does not then concern either the living or the dead, since for the former it is not, and the latter are no more.” ― Epicurus

Hình phạt tử hình đã có sự thay đổi căn bản từ một công cụ của quyền lực thành một biểu hiện của công lý trên nền tảng quyền con người ở Việt Nam thời gian qua. Sự thay đổi này là tích cực và tiến bộ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, vẫn có không ít thách thức đặt ra đối với việc nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật về hình phạt tử hình có thể làm cho các thay đổi tiến bộ đã nêu bị tác động tiêu cực. 

Đặt vấn đề

Có một nhận định mang tính khái quát rằng, suy đến cùng mối quan tâm chính yếu của triết học là cái chết. Bởi nó vi phạm giá trị thiêng liêng nhất của con người và quan trọng hơn là bất khả khắc phục. Kể cả khi con người cố gắng lảng tránh bàn về cái chết, chỉ tập trung vào sự sống giống như nhận định nổi tiếng của Epicurus thì thực ra chúng ta cũng đang gián tiếp đối thoại với sự chết. Do đó, không có gì lạ lẫm khi sự quan tâm đến cái chết hay cách chúng ta duy trì sự sống cũng trở thành một kim chỉ nam cho cách chúng ta hành xử với chính bản thân mình và với người khác. Chính từ sự quan tâm có tính tư tưởng này, cái chết đã được thể hiện và thực hành trong nhiều thiết chế khác nhau của xã hội, nhất là nhà nước và pháp luật. Nhìn vào cách một xã hội xác định và áp đặt cái chết lên một thành viên của mình nhân loại có thể đoán định được mức độ khai sáng của mỗi cá nhân cũng như văn minh của chính xã hội đó.   

Thực vậy, dù có thể vẫn còn không ít sự phản đối, thì tiêu chí bản lề để phân biệt một xã hội nguyên thủy và xã hội văn minh nằm ở quyền thực thi và sử dụng bạo lực, mà chủ yếu và thường xuyên là tước đoạt tính mạng giữa các thành viên trong xã hội đó. Nếu như trong xã hội nguyên thủy mọi cá nhân đều có quyền tự do sử dụng bạo lực để chống lại nhau một cách hợp pháp thì trong xã hội văn minh nhà nước là chủ thể duy nhất có độc quyền sử dụng bạo lực đối với các cá nhân là thành viên của nhà nước đó. Chính vì tính thiêng liêng của giá trị bị xâm phạm, tính bất khả khắc phục của biện pháp, và độc quyền bạo lực của nhà nước mà ngay từ khi giành hay được trao độc quyền này, nhà nước nào cũng phải tìm kiếm một cơ sở đạo đức chính đáng cho việc thực thi quyền lực của mình, đó cũng chính là bảo vệ tính chính danh của nhà nước. Và trong tuyệt đại đa số các trường hợp pháp luật là công cụ chủ yếu. Ấn định tội danh, xác định hình phạt, xây dựng thủ tục áp dụng. Các quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình có thể tìm thấy cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Tuy nhiên, cùng với sự khai sáng của nhân loại, sự phát triển của xã hội pháp luật không thôi cũng chưa đủ để biện minh cho việc áp dụng hình phạt tử hình. Pháp luật đó cũng phải dựa trên một nền tảng tư tưởng và đạo đức được sự đồng thuận và chấp nhận của xã hội đương thời.  

Sự thay đổi bản lề

Tiếp cận từ góc độ này chúng ta có cơ hội phân tích và nhìn nhận rõ hơn về bản chất của hình phạt tử hình nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung trong diễn trình lịch sử của đất nước. Có thể nhận xét một cách tổng quát rằng hình phạt tử hình đã có sự thay đổi bản lề từ một công cụ của bạo lực, chuyên chính trong suốt chiều dài lịch sử thành sự thể hiện của công lý dựa trên nền tảng quyền con người, nhất là quyền được sống thông qua pháp luật trong thời kì hiện đại dù cho sự tuyên ngôn về giá trị đó chưa thật sự rõ ràng. 

Xét xử và tử hình tại chỗ trong Cải cách Ruộng đất thập niên 1950

Trước hết, vai trò công cụ của hình phạt tử hình trong suốt thời kì cổ đại, trung đại và cận đại của Việt Nam có lẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi. Các sử liệu còn lưu giữ lại được cho thấy rõ tính chất tùy tiện, hà lạm của các chính quyền phong kiến đối với hình phạt này cho các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của mình. Điều này tiếp nối cho đến thời kì hiện đại ngay cả khi các chính quyền mới đã được thiết lập trên các nền tảng dân chủ cộng hòa. Hình phạt tử hình trong suốt thế kỷ 20 cũng đã được sử dụng một cách linh hoạt cho các mục tiêu cách mạng của chính quyền. Được biện minh trên các cơ sở về hoàn cảnh chiến tranh, mục tiêu cách mạng, tình hình kinh tế xã hội thực tế của đất nước, hình phạt tử hình được sử dụng một cách triệt để với quy trình tố tụng lỏng lẻo. Số lượng tội tử hình là rất lớn nhưng lại thường xuyên được quy định trong các văn bản pháp quy, đa số là sắc lệnh, thậm chí cả trong nghị định và thông tư. Thủ tục tố tụng đơn giản, thậm chí là sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Các nguyên tắc, biện pháp bảo hộ bị can, bị cáo như vô luật bất hình; suy đoán vô tội; quyền im lặng; quyền có luật sư bào chữa đều thường xuyên bị coi nhẹ hoặc bỏ qua. Thậm chí ngay cả khi đã ban hành Bộ luật Hình sự 1985 với mục tiêu xác lập các nguyên tắc pháp quyền cho hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng thì tình hình cũng không tốt hơn. Số lượng tội tử hình tăng từ 26 lên đến 44 sau mỗi lần sửa đổi Bộ luật hình sự. Trong số các nguyên nhân được chỉ ra để giải thích cho việc tăng này thì có các nguyên nhân về pháp chế xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản và tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội của đất nước những năm 1980 kéo theo tình hình tội phạm diễn biến bất thường.

Tuy nhiên, hình phạt tử hình đã bắt đầu một sự thay đổi có tính bản chất cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa cải cách toàn diện về kinh tế và pháp luật của đất nước. Pháp quyền thay cho chuyên chính, quyền con người thay cho pháp chế, thị trường thay cho tập trung, pháp luật nói chung và chế tài nói riêng trong đó có hình phạt tử hình bắt đầu được soi rọi qua lăng kính của công lý, phẩm giá và quyền con người. Sự thay đổi này có thể được nhận biết từ cả góc độ tư tưởng, chính sách; qua quy định về tội tử hình; cho đến thủ tục tố tụng. Về tư tưởng, chính sách, diễn ngôn chính thức về hình phạt tử hình hiện nay đã minh thị vận dụng các nguyên tắc của công lý, nhất là công lý trừng phạt – retributive justice để xây dựng cơ sở cho hình phạt tử hình dù có thể chưa được gọi tên chính thức như thế.  Ví dụ như “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội đặc biệt nghiêm trọng”. Quan trọng hơn, hình phạt tử hình được coi là một ngoại lệ của quyền được sống, quyền con người cơ bản mà Việt Nam đã tuyên ngôn và cam kết. Với tư cách là ngoại lệ, việc áp dụng nó là có điều kiện: Luật định; hạn chế; cụ thể; trình tự thủ tục hợp pháp; nhân đạo. Từ đó, hình phạt tử hình phải được quy định trong Bộ luật hình sự và chỉ được áp dụng với 18 tội danh theo BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đi kèm với các nguyên tắc pháp định về vô luật bất hình; suy đoán vô tội; quyền im lặng; quyền có luật sư bào chữa. Đây rõ ràng là một sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, due process – trình tự thủ tục hợp pháp, dù cũng chưa được minh thị gọi tên, cũng được đưa vào trong tố tụng và thi hành án hình sự. Cơ bản nguyên tắc này xác lập nghĩa vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng và do đó là quyền của bị can, bị cáo yêu cầu mọi thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải tuân thủ đúng trình thự thủ tục luật định từ trước. Vậy là từ suy nghĩ đến lời nói và hành động về hình phạt tử hình đều có sự thống nhất ở khía cạnh công lý và quyền con người.

Ở đây, có lẽ cũng nên nhắc lại một điều rằng cơ sở đạo đức và hợp pháp của hình phạt từ hình này đã được các nhà cách mạng Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tạo lập ngay từ đầu thế kỷ 20. Nếu đọc lại Bản yêu sách của nhân dân An Nam, đến Bản án chế độ thực dân, qua Đường Cách Mệnh và nhất là Tuyên ngôn độc lập thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy quyền con người đã luôn là cơ sở và mục tiêu nhất quán của cách mạng xây dựng một nhà nước và pháp luật mới. Và những giá trị tinh túy nhất đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946 mà như chính cụ Hồ nhận xét dù chưa bao giờ được ban bố chính thức để thực thi nhưng đã là nền tảng quản trị quốc gia trong suốt giai đoạn 1946 – 1959.

Một số hàm ý 

Như vậy, có thể thấy rằng hình phạt tử hình hiện nay đã và đang trở thành một biểu hiện của công lý dựa trên nền tảng quyền con người trong một chế độ pháp quyền. Sự thay đổi cơ bản này mang lại một số hàm ý cơ bản. Thứ nhất, với việc tìm kiếm cho mình một cơ sở đạo đức và tư tưởng được chấp nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước, hình phạt tử hình nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và được áp dụng trong tương lai trước mắt. Đặc biệt là nếu kết hợp với các yếu tố về tâm lý đám đông và dư luận xã hội khi tình hình tội phạm có những thay đổi bất thường. Tuy nhiên, số tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình có khả năng là sẽ được tiếp tục giảm bớt dựa trên việc áp dụng cơ sở triết học và tư tưởng ở trên vào phân tích các tội phạm cụ thể. Thứ hai, chính việc xác lập được cơ sở đạo đức và hợp pháp ở trên lại sẽ mở ra cơ hội cho những thảo luận công khai, minh bạch, có cơ sở, dựa trên lý thuyết và thực tiễn của khoa học pháp lý về sự bản chất, sự cần thiết, hiệu quả, ý nghĩa của án tử hình; từ đó mở ra cơ hội tiếp tục giảm số tội tử hình tiến đến bãi bỏ hoàn toàn án tử hình ở Việt Nam. Điều này là quan trọng vì các thảo luận về án tử hình ở Việt Nam hiện nay đang chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố bên ngoài như chính trị, văn hóa, dư luận xã hội khiến cho việc thảo luận có thể không thực chất và thiếu chất lượng, không đi được vào bản chất vấn đề, nhất là từ các quy định pháp luật coi số liệu về án tử hình là bí mật nhà nước mà việc vi phạm bị coi là một tội phạm. Trên thực tế, với sự thay đổi cơ bản, tích cực, tiến bộ về hình phạt tử hình như đã phân tích, các e ngại đó là không có cơ sở. Câu hỏi đặt ra khi hình phạt tử hình vẫn còn tồn tại không phải là có nên tử hình hay không mà là có tử hình đúng người, đúng tội, đúng trình tự, thủ tục hay không? Nếu đảm bảo được các điều kiện tiên quyết đó thì cũng là đảm bảo được tính chính danh của hình phạt tử hình trước mọi chỉ trích.

Thách thức và khuyến nghị

Bên cạnh thách thức đã nêu ở trên thì vẫn còn có không ít các trở ngại đối với việc nghiên cứu, thảo luận, xây dựng và thực thi pháp luật về hình phạt tử hình ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến dư luận xã hội và tình hình tội phạm. Hai yếu tố này lại thường xuyên song hành với nhau. Khi tình hình tội phạm gia tăng thì dư luận xã hội ủng hộ hình phạt tử hình cũng thường xuyên tăng theo. Không ít các nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước đã xác nhận mối liên hệ tương hỗ này. Bên cạnh đó, bản thân việc chưa xác quyết, minh thị gọi tên cơ sở đạo đức và pháp luật cho hình phạt tử hình ở Việt Nam cũng có thể tạo ra thách thức về việc thảo luận trên cơ sở nhận thức chung, từ đó phát sinh rủi ro thay đổi nền tảng thảo luận và hành động giữa các nhóm khác nhau khiến cho hình phạt tử hình lại có nguy cơ bị lạm dụng.

Từ các phân tích nêu trên, tác giả bài viết này mạo muội đề xuất một số khuyến nghị sau để tiếp tục nghiên cứu, phân tích và thảo luận về hình phạt tử hình một cách công chính:

Thứ nhất: minh thị thừa nhận nền tảng công lý và quyền con người của án tử hình. Hình phạt tử hình chỉ nên là ngoại lệ của quyền được sống, được quy định để phụng sự giá trị công lý, tìm kiếm công bằng cho các hành vi phạm tội.

Thứ hai: áp dụng nền tảng đó kết hợp với khoa học pháp lý để phân tích 18 tội danh vẫn áp dụng hình phạt tử hình còn lại trong BLHS 2015 để phân tích mọt cách khoa học, có cơ sở xem tội nào nên giữ, tội nào nên bỏ hình phạt tử hình.

Thứ ba: tuân thủ chặt chẽ và áp dụng tuyệt đối các quy định về nguyên tắc trình tự thủ tục hợp pháp – due process quan đến hình phạt tử hình. Đảm bảo không có oan, sai. Tuyệt đối không thi hành bản án tử hình đối với các phạm nhân kêu oan.

Thứ tư: chủ động thảo luận công khai, minh bạch, có cơ sở về hình phạt tử hình, nhất là nên duy trì hay bãi bỏ chế tài nghiêm khắc này.

Cuối cùng sự thay đổi về bản chất hình phạt tử hình ở Việt Nam thời gian qua là một sự thay đổi có thật và tiến bộ. Sự thay đổi này cần và nên được tiếp tục cổ vũ và thúc đẩy qua sự kiên định thực hành các thảo luận cởi mở, thẳng thắn, có cơ sở, khoa học để góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. 

Trong bài viết này để tránh những phân tán không cần thiết, tác giả không trích dẫn tài liệu tham khảo. Độc giả có thể tham khảo các tài liệu có liên quan từ nghiên cứu của tác giả qua công bố Tran K, Vu CG. The Changing Nature of Death Penalty in Vietnam: A Historical and Legal Inquiry. Societies. 2019; 9(3):56. 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ