Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Tổng thuật webinar Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên

US Vietnam Review

Published on

Thứ 6, ngày 23 tháng 4, giờ bờ tây Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, tổ chức Webinar “Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên”. Webinar do hai diễn giả là Nguyễn Thế Phương và Hoàng Việt trình bày. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt là Giảng viên Trường Đại học Luật TpHCM, và thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương là nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Tài Chính TpHCM, và là thành viên Dự án Đại Sự ký Biển Đông.

Trong Webinar “Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương trình bày vấn đề “Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam”. Bài trình bày sẽ gồm 2 phần. Phần đầu trình bày về chiến lược biển của Trung Quốc, bao gồm tham vọng cường quốc biển, cũng như Chiến lược hải quân và Chiến lược vùng xám của Trung Quốc để bành trướng lãnh thổ. Phần hai trình bày về cách thức đối phó của Việt Nam mỗi khi Trung Quốc gây hấn. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt trình bày vấn đề “Những vấn đề ẩn giấu đằng sau sự kiện Đá Ba Đầu”. Trong bài nói chuyện này, Hoàng Việt trình bày các vấn đề pháp lý của đá Ba Đầu, mối quan hệ giữa các vấn đề chính trị nội bộ của Philippines với động thái mới của nước này tại đá Ba Đầu cách đây một tháng, vào ngày 20 tháng 3 năm 20221. Bạn đọc có thể đọc nội dung của bài nói chuyện trong bài “Một số vấn đề chính trị nội bộ Philippines ẩn giấu đằng sau sự kiện đá Ba Đầu”.

Vấn đề pháp lý của đá Ba Đầu

Theo phán quyết của tòa PCA 2016, ở Trường Sa không có thực thể nào được gọi là “đảo” theo định nghĩa của Luật biển quốc tế, chỉ có những thực thể nổi trên mặt nước khi thủy triều lên (đá) hoặc những thực thể nửa nổi nửa chìm. 

Các quốc gia có thể đòi hỏi chủ quyền đối với những thực thể nổi trên mặt biển khi thủy triều lên. Những thực thể này có lãnh hải 12 hải lý. 

Đá Ba Đầu nằm trong tình trạng chồng lấn giữa Philippines và Việt Nam. Một mặt, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines (cách đường cơ sở từ đảo Palawan khoảng 170 hải lý), mặt khác, nó nằm trong lãnh hải của đá Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát thực tế. Theo thông lệ thì quy chế lãnh hải thường mạnh hơn quy chế thềm lục địa. 

Theo Hoàng Việt, các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines và Malaysia nên ngồi lại với nhau, thỏa thuận về chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông trước, rồi mới nói chuyện với Trung Quốc. 

Nội tình Philippines và hành xử của nước này đối với đá Ba Đầu

Hoàng Việt chỉ ra rằng việc Philippines đột nhiên tuyên bố chủ quyền ở đá Ba Đầu có mối liên quan đến nội tình chính trị của nước này. Philippines sẽ bầu cử tổng thống vào 9/5/2022. Tổng thống Duterte không đủ điều kiện để tái tranh cử, theo quy định của hiến pháp nước này. Ông đang chuẩn bị cho một số nhân vật thân cận ứng cử vị trí tổng thống, trong đó một người là con gái ông, hiện là thị trưởng Davao, nơi Duterte từng cầm quyền trước khi trứng cử tổng thống. Nếu những nhân vật thân cận với Duterte trúng cử tổng thống vào năm sau, chính sách thân Trung Quốc và tách khỏi Mỹ của Philippines có thể được tiếp tục. 

Việc Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu không phải là vấn đề mới, nhưng lực lượng quốc phòng cũng như giới học giả chính trị và ngoại giao Philippines đã thực hiện một chiến dịch truyền thông và ngoại giao của Philippines liên quan đến đá Ba Đầu, để thu hút sự chú ý của quốc tế và gắn kết Hoa Kỳ chặt chẽ hơn. Mục đích của họ là muốn hạn chế di sản thân Trung Quốc của Duterte và thắt chặt quan hệ sâu hơn với Hoa Kỳ. 

Các biện pháp đối phó của Việt Nam

Nguyễn Thế Phương trình bày các biện pháp đối phó của Việt Nam: Tiếp xúc trực tiếp (trao đổi đoàn, tương tác bộ ngành, kênh Đảng), Tiếp xúc gián tiếp (Cùng ASEAN thúc đẩy DoC và hoàn thiện CoC), Cân bằng mềm (Quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, Tận dụng luật pháp quốc tế như UNCLOS), Cân bằng cứng (Hiện đại hoá quân đội, Tăng cường năng lực chấp pháp dân sự)… phản ánh nguyên tắc “Trung lập” và “Cân bằng” của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu, những nguyên tắc này có phần phù hợp nhưng cũng có nhiều bất cập trong bối cảnh quốc tế hiện nay. 

Nguyễn Thế Phương đặt ra một số câu hỏi: Việt Nam muốn “trung lập” nhưng nếu yếu và thiếu tự chủ về vũ khí thì có đảm bảo trung lập được không? Việt Nam muốn “cân bằng” nhưng không biết làm thế nào trong trường hợp các cường quốc không cần Việt Nam, mặt khác, nguyên tắc “cân bằng” cũng làm cho Việt Nam phải nhường nhiều quyền lợi cho các nước khác nhau. 

Quá trình hiện đại hóa quân đội/hải quân có theo kịp với tình hình thực tế và các bước phát triển của Trung Quốc hay không? Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông liệu có thành công hay chưa? Việt Nam giải quyết thế nào vấn đề nguồn lực và vấn đề tư duy, nhận thức về thế giới? Như vậy, Việt Nam có hai vấn đề chủ chốt là “nguồn lực” và “tư duy” cần phải hóa giải để thoát khỏi những thế kẹt hiện nay. 

Hoàng Việt cho rằng Việt Nam không phản ứng quá chậm. Philippines tuyên bố chủ quyền với Ba Đầu và phản đối cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào ngày 20 tháng 3 thì Việt Nam lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vào ngày 25 tháng 3. Tuy nhiên, Việt Nam có lí do để không gây căng thẳng vấn đề, vì vô tình có thể đẩy Việt Nam và Philippines vào tình thế tranh chấp, trong khi đối tượng mà cả hai nước cùng nhắm tới là Trung Quốc. 

Năng lực chấp pháp của Việt Nam tại biển Đông

Mỗi năm Trung Quốc đóng mới khoảng 30 tàu chiến. Từ 2009 đến nay, Việt Nam mới chỉ mua 4 tàu “tạm gọi là” tàu khu trục. Những tàu này cũng không có năng lực tác chiến trường kì ở vùng biển xanh (xa bờ) mà chỉ hoạt động tốt trong khoảng cách bờ 100 hải lý trở lại. 

Trung Quốc xây dựng các đảo trên Biển Đông cùng lúc họ đưa giàn khoan 981 xâm nhập và khảo sát thềm lục địa Việt Nam năm 2014. Khi đó, Việt Nam tập trung hoàn toàn vào giàn khoan HD-981 mà không biết Trung Quốc đang làm gì ở các địa điểm khác trên Trường Sa. Khu vực này rất rộng, lực lượng Việt Nam không đủ khả năng kiểm soát từng điểm quan trọng. 

Theo Nguyễn Thế Phương, Việt Nam thiếu chiến lược biển một cách tổng hợp, bao gồm kinh tế, quân sự, văn hóa. Hiện Việt Nam đang nói đến chiến lược “chiến tranh nhân dân trên biển”. Nhưng “chiến tranh nhân dân” có thể áp dụng trong không gian rừng núi, làng mạc, đô thị, nhưng liệu có phù hợp với chiến tranh hiện đại và không gian đặc thù là đại dương? 

Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể, và căn cứ vào chiến lược tổng thể đó để xác định từng chi tiết cụ thể, bao gồm mua tàu chiến nào, tàu ngầm nào, phát triển cảnh sát biển ra sao, đầu tư cho ngư dân như thế nào. Ngược lại, Trung Quốc có một chiến lược dài hạn và từng chiến thuật cụ thể ứng với từng tình huống và lĩnh vực cụ thể. 

Các nhóm ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam

Nguyễn Thế Phương phân loại ba nhóm ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam là ngoại giao, an ninh và quân đội. Các quan chức và học giả ngành ngoại giao có tinh thần cởi mở bậc nhất. Ngược lại, phía quân đội tương đối bảo thủ, kiên trì theo đuổi những tư duy cũ kĩ, coi Mỹ là đối tượng, thường không nhiệt tình với các đề nghị của Mỹ, bất chấp thực tế là Trung Quốc đã chủ động nắm bắt các cơ hội mà Mỹ mang lại suốt nhiều thập niên. Còn các học giả và quan chức ngành an ninh có thể được xếp vào vị trí trung dung, cân bằng giữa hai nhóm ngoại giao và quân đội. 

Hải quân Việt Nam vẫn tư duy như thời Liên Xô nhưng không cập nhật, cải tiến. Chiến lược phát triển thì sử dụng những mô hình triển khai cũ kĩ. Ví dụ, các nhà máy đóng tàu, cả quân sự lẫn dân sự, thì hoạt động riêng rẽ, không tương thích với hệ thống kĩ thuật phương Tây, không chỉ không thể tiếp thu được hệ thống kĩ thuật phương Tây như Trung Quốc đã làm mà còn khó mua những sản phẩm kĩ thuật riêng lẻ để sử dụng trong hệ thống cũ của mình. 

Hiện nay, đại dịch COVID-19 làm hệ thống phương Tây bị chậm lại. Các mối quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản – Hàn Quốc đã bị phá vỡ từ thời tổng thống Trump cầm quyền, hiện không dễ dàng khôi lại như cũ. Trong khi đó, Trung Quốc kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đạt được những lợi thế to lớn về kinh tế. Việt Nam càng phải nhanh chóng thay đổi tư duy để xây dựng nội lực mới cho mình. 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ