Connect with us

Văn hóa xã hội

Shibusawa Eiichi và bài học từ Nhật Bản: Tổ quốc có tính siêu lịch sử

Nguyễn Lương Hải Khôi

Published on

Lam Điền thực hiện

Bài phỏng vấn này được báo Tuổi Trẻ đăng lần đầu ngày 17 tháng 10 năm 2019 nhưng bị cắt bỏ một số đoạn. Đây là bản đầy đủ.

Để chào đón triều đại mới của Nhật hoàng Naruhito, nước Nhật sẽ đưa chân dung một nhân vật tiếng tăm thời Minh Trị lên tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất (10.000 yen), chính thức lưu hành vào năm 2024. Đó là Shibusawa Ei-ichi, người được mệnh danh là “tổ phụ” của nền kinh tế thị trường Nhật Bản.

Như một trùng hợp ngẫu nhiên, quyển tự truyện Vũ Dạ Đàm của Shibusawa Ei-ichi do TS Nguyễn Lương Hải Khôi chuyển ngữ cũng vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Tuổi Trẻ có dịp trao đổi với TS Nguyễn Lương Hải Khôi xoay quanh cuộc đời Shibusawa, tinh thần trí thức Nhật Bản và những bài học có thể có ích cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.

Đọc qua hành trình Shibusawa Eiichi từ một nông dân hoàn toàn “áo vải” trở thành nhà thiết kế nhiều quy chuẩn/ định chế tài chính cho Chính phủ Nhật Bản và giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định hướng đi cho quốc gia Nhật Bản hiện đại ngay từ lúc giao thời Minh Trị, loại bỏ yếu tố cơ may, quả thật con người Shibusawa Eiichi phải có tố chất nào đó đặc biệt. Ông tâm đắc những tố chất nào của Shibusawa Eiichi?

Nguyễn Lương Hải Khôi (NLHK):

Có thể thấy yếu tố quyết định sự thành công của Shibusawa Ei-ichi chính là tính cách và tư tưởng. Tố chất quyết định là thực học. Ông học nghề trồng cây tràm, trông dâu nuôi tằm, buôn bán, học cách nghiên cứu về thị trường (để biết xã hội đang khuyết điều gì).

Ngay cả việc học sách vở, ta thấy Shibusawa Ei-ichi và giới sĩ phu Nhật Bản đương thời cũng khác Nho sĩ Việt Nam ở chỗ thực học. Shibusawa cũng như thế hệ của ông được học cả tư tưởng Nho giáo Trung Quốc lẫn Nho giáo Nhật Bản, học cả lịch sử Trung Quốc lẫn lịch sử Nhật Bản, học cả những công trình nghiên cứu Nhật Bản của các danh Nho thời Edo. Điều đó giúp ý thức dân tộc của ông cũng như của giới Võ sĩ đạo thế hệ ông mạnh mẽ ngay cả trong thời bình chứ không đợi đến khi mất nước thì mới biết yêu nước, mới hy sinh cho nước. Điều này khác hoàn toàn với giới Nho sĩ Việt Nam: có khí tiết, trong sạch, nhưng ngơ ngác trước thời đại, bởi họ học những kiến thức và tư tưởng từng ra đời ở Trung Quốc nhiều thiên niên kỷ trước, hoàn toàn bất lực trước xu thế toàn cầu hóa giai đoạn thực dân chủ nghĩa.

Theo như ông biết, trong giới trí thức Nhật Bản hiện nay, Shibusawa Eiichi có tầm vóc như thế nào? Những ảnh hưởng đáng kể nào từ nhân vật này đến ngày nay vẫn còn và sẽ tiếp tục ở Nhật Bản?

Tạp chí Tozo Keizai, năm 1981, có làm một cuộc khảo sát giới doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản, tức giới doanh nhân đã tái tạo Nhật Bản sau thế chiến thứ hai, xem mẫu hình nhân cách lý tưởng của họ là ai, và cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc đời doanh nhân của họ nhất là cuốn nào. Câu trả lời là: Shibusawa Ei-ichi cùng với cuốn sách “Luận ngữ và bàn tính” của chính ông.

Tháng 4 năm 2019, chính phủ Nhật Bản quyết định lấy hình ảnh ông in lên đồng tiền 10.000 Yên, là tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật.

“Luận ngữ và bàn tính” luận giải về tư tưởng “nghĩa lợi lưỡng toàn”, tức kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và đạo đức nhân nghĩa đối với quốc gia, làm cho doanh nhân trở thành mẫu hình đạo đức của xã hội, tương tự như mẫu hình “thánh hiền” của Nho giáo thời trước. Shibusawa xây dựng tư tưởng đó và thực hành nó một cách nghiêm túc, bền bỉ, từ lúc làm quan cho Mạc phủ, cho Minh Trị, rồi như một doanh nhân độc lập trước chính quyền, cho đến khi qua đời. Ông không chỉ xây dựng hơn 500 công ty, tức mạng lưới doanh nghiệp hiện đại của Nhật Bản, mà đồng thời còn thực hiện cũng hơn 500 dự án giáo dục đại học, y tế, xã hội và văn hóa khác nhau.

Ngày nay, thế giới nói chung rất tín nhiệm doanh nhân Nhật Bản về chữ tín. Chữ tín của thương nhân là điều đã được các Nho gia và các Sư Phật giáo thời Edo khởi xướng, được Shibusawa phát triển và thực hành triệt để cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ đó, nó trở thành một đặc trưng nổi bật của doanh nhân Nhật Bản hiện đại.

Có bài học nào trong việc thế hệ Shibusawa đã chống Tây phương giai đoạn đầu, nhưng lại Tây phương hóa quyết liệt ngay sau đó?

Shibusawa ở tuổi 20 từng lập kế hoạch giết người phương Tây, nhưng khi hiểu được sức mạnh của nền văn minh phương Tây, ông viết thư cho người thầy Hán học của mình “Trong những ngày này, trong thời đại này, đất nước chúng ta không thể cứ cố bịt tai bịt mắt để trở nên trơ trọi và dị hợm trước phần còn lại của thế giới.” Sở dĩ Shibusawa và thế hệ của ông có thể tiến hóa về tư tưởng nhanh chóng, quyết liệt như vậy vì nền tảng Nho giáo Nhật Bản của ông là một Nho giáo “thực học”. Kế thừa tư tưởng trọng thị thương nhân từ những nhà Nho thế hệ trước như Ishida Baikan, cộng với bối cảnh kinh tế xã hội và tư tưởng thời Edo đã giúp sĩ phu Nhật Bản trong giai đoạn cuối của chế độ Mạc phủ, trong đó có Shibusawa, có thể thay đổi nhận thức và Tây phương hóa một cách quyết đoán.

Những năm đầu Minh Trị, khi Chính phủ Nhật Bản còn chưa biết xây dựng một nền pháp luật như thế nào cho phù hợp với thế giới đương đại, Shibusawa Eiichi đã đề xuất thiết lập một “văn phòng chuyên trách” với ý tưởng là “thu nạp những cán sự tốt nhất hiện có, để họ nghiên cứu xem những cải cách nào nên được thực hiện trước, cơ chế cũ nào nên đổi mới, cơ chế mới nào nên được thiết lập…”. Kiểu văn phòng này mang dáng dấp một think tank của Chính phủ lúc ấy, thế mà đến nay sau hơn một 150 năm, hai chữ think tank đối với chính phủ Việt Nam vẫn còn xa vời, theo ông là tại sao?

Hai chữ think tank đối với chính phủ Việt Nam hôm nay vẫn còn xa lạ bởi chúng ta tổ chức chính phủ theo kiểu phong kiến trá hình. Trong chế độ phong kiến, chỉ có vua và các quan, không có think thank. Các quan có thể là quân sư, tư vấn cho vua ở một số sự vụ, chính sách nhất định. Ngoài ra, còn có một cơ quan là “Cơ mật viện” (tên gọi thời Nguyễn) để giúp vua ra quyết định những vấn đề hệ trọng. Bản chất của các “quân sư quạt mo” và “Cơ mật viện” là tìm hiểu vấn đề theo định hướng. Ngoài ra, việc “nghiên cứu chính sách” của họ chỉ là nhiệm vụ kiêm nhiệm. Họ không được trao quyền lực độc lập với các nhóm lợi ích khác nhau trong hệ thống nhà nước để có thể xây dựng những chính sách vì lợi ích dài hạn của quốc gia, mà luôn phải tính đến lợi ích của các nhóm tác động đến họ.

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Hệ thống quan chức cũng thường xuyên phải học tập bồi dưỡng lý luận chính trị các loại, nhưng cái họ học chỉ giúp họ nhận thức về chế độ, về Đảng của họ, chính quyền của họ. Họ vẫn sử dụng khái niệm “đất nước” và “tổ quốc” nhưng chưa bao giờ đất nước hay tổ quốc được họ định nghĩa như là một cái gì cao vượt hơn chế độ chính trị, có tính siêu lịch sử mà nếu sau này họ chết đi rồi thì tổ quốc vẫn còn ở lại, ghi dấu bao nỗ lực, máu và nước mắt của thế hệ trước, thế hệ họ và thế hệ tương lai.

Trong một đời sống tinh thần như vậy, tổ chức think tank thành ra không cần thiết. Think tank chỉ cần thiết khi họ có những con người sống và chiến đấu cho ý niệm về một “quốc gia” như là cái gì thiêng liêng hơn hệ thống chính trị, xã hội nhất thời, do đó, họ nghiên cứu chính sách trong tư thế và tâm thế của kẻ sĩ, tách mình khỏi mọi quan hệ kim tiền, chỉ đi tìm lời đáp cho những câu hỏi lớn đối với vận mệnh quốc gia. Ngược lại thì think tank, nếu có đi nữa, cũng chỉ là mặt nạ trang trí cho hình ảnh “cởi mở” của các chính trị gia.

Có một quan điểm về doanh nhân được Shibusawa Eiichi diễn đạt từ khi Nhật Bản còn chưa hình thành tầng lớp doanh nhân, đó là: “phải xóa bỏ thói quen tuân theo và dựa dẫm vào mệnh lệnh quan chức của người dân” để “nếu phát triển trí tuệ cho giới doanh nhân, nâng cao phẩm cách của họ, thì đồng thời cũng sẽ thúc đẩy được khả năng kinh tế của họ”. Điều này quả là xa lạ với Việt Nam khi mà ngày nay việc nói trái (thậm chí chỉ cần nghĩ trái) ý quan chức luôn để ngỏ khả năng gặp phải tai họa; và việc phát triển kinh tế như thế nào lại cũng chính từ miệng quan chức nói ra để người dân tuân theo. Ông nghĩ gì về điều này?

Như trên đã nói, Nhật Bản nhận ra vai trò quan trọng của doanh nhân đối với quốc gia từ rất sớm. Khi Shibusawa từ quan để bước vào thương trường năm 1873, một người bạn ông đã tức giận viết thư cho ông, mắng rằng “tao không ngờ mày lại là thằng hám tiền đến như vậy, từ bỏ chức quan cao quý trong triều đình để đi theo bọn con buôn”. Ông viết thư trả lời: “Nhật Bản tệ hại như ngày nay bởi những thằng như mày quá đông. Công thương nghiệp là nền tảng của quốc gia. Chọn những kẻ tầm thường làm quan chức triều đình thì cũng chẳng sao. Nhưng doanh nhân phải là bậc hiền tài. Nếu lực lượng doanh nhân là những bậc hiền tài thì sẽ bảo vệ được sự phồn thịnh của quốc gia. Xưa nay người Nhật tôn kính tầng lớp võ sĩ, cho rằng trở thành quan cao trong chính phủ là vinh quang tối thượng, còn trở thành một thương nhân là điều đáng xấu hổ. Đó là kiểu tư duy lầm lạc từ xưa đến nay. Ngày nay, nhiệm vụ cấp bách của nước ta là thấu hiểu lề lối tư duy của xã hội, loại trừ những những suy nghĩ sai trái của nó, nâng cao vị thế xã hội của doanh nhân, phát triển nhân tài để xây dựng xã hội thương nghiệp, làm cho doanh nhân trở thành tầng lớp thượng lưu của xã hội”.

Một nhân vật lỗi lạc cùng thời với Shibusawa Ei-ichi là Fukuzawa Yukichi, ông này chia lịch sử con người làm ba giai đoạn: dã man, bán khai và văn minh. Trong đó, “văn minh” là giai đoạn con người được giải phóng khỏi sự áp chế của hệ thống chính trị để được sống như những cá nhân tự do. Theo đó thì có thể thấy nước ta ngày nay vẫn trong giai đoạn “bán khai” tức ngay cả doanh nhân cũng quỵ lụy chính quyền, quan chức. Điều đó không có gì là lạ. Nhật Bản thời “bán khai” cũng như vậy mà.

Lam Điền thực hiện

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ