Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Quốc sỉ: Người Mỹ chúng ta có thể học gì từ Nguyễn An Ninh?

Kevin Pham

Published on

Kevin Phạm

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy niềm tự hào quốc gia của Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ thực hiện các cuộc thăm dò Gallup. Niềm quốc sỉ, hay “nỗi xấu hổ chung cho cả quốc gia” này đã mạnh hơn niềm tự hào dân tộc, và điều này không có gì ngạc nhiên. Ở thời điểm hiện tại này, chúng ta có số ca nhiễm bệnh và tử vong do coronavirus cao nhất trên thế giới, đặc biệt nhục nhã khi so sánh với cách thức một số nước đang phát triển (như Việt Nam) đối phó với đại dịch. Hộ chiếu Mỹ, vốn từng có tầm ảnh hưởng lớn và cho phép người Mỹ có thể tự do đi đến hầu hết mọi nơi trên thế giới, đã mất giá trị vì hầu khắp thế giới cấm người Mỹ nhập cảnh. Ngoài ra còn có nhiều lý do khác dẫn đến cảm xúc quốc sỉ này. 

Hoa Kỳ đang ở tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Những người-Mỹ-không-phải-da-đen đã nhận thức sâu sắc hơn về những bạo lực chống người da đen của những cảnh sát phân biệt chủng tộc. Thêm vào nỗi xấu hổ là bất bình đẳng kinh tế, thiếu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người, chủ nghĩa chống tri thức và thiếu tinh thần lãnh đạo dựa trên đạo đức. Tầm vóc của Hoa Kỳ đang giảm sút trong mắt chúng ta và thế giới. 

Sự xấu hổ — cảm giác nhục nhã đau đớn khiến người ta muốn tự giấu mình trước người khác — có thể khiến chúng ta suy nhược, dẫn đến tuyệt vọng và tự bỏ rơi bản thân. Những người Mỹ cảm thấy quá xấu hổ về quốc gia mình có thể muốn chạy sang các nước khác. Chúng ta có thể thấy ở đây sự “chảy máu chất xám”. 

Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt thực sự rất khó khăn, đặc biệt là đối với giới trẻ của chúng ta, nhưng chúng ta cần những người Mỹ chín chắn ở lại đây và làm việc để phát triển đất nước chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề là làm như vậy sẽ rất khó nếu chúng ta bắt đầu bằng chút tự hào. Nhà triết học người Mỹ, Richard Rorty, lập luận rằng “đối với quốc gia thì niềm tự hào quốc gia là những gì tạo nên tinh thần tự tôn của nó, đối với cá nhân thì đó là điều kiện tiên quyết cần thiết để phát triển.” [1] Quốc sỉ, hay sự xấu hổ quốc gia, Rorty lập luận, có thể “khó mà tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi và hiệu quả về chính sách quốc gia.” 

Kiểu loại của nỗi xấu hổ quốc gia cũng là vấn đề có thể xem xét. Trong quá khứ, niềm quốc sỉ của Hoa Kỳ chủ yếu đến từ nỗi xấu hổ vì đã làm hại người khác. Rorty lập luận rằng nền văn hóa mà Hoa Kỳ để lại đã không may bị sa lầy vào loại xấu hổ này. Họ nhận thấy niềm tự hào về quyền công dân Mỹ là “sự chứng thực của những hành động tàn bạo: nhập khẩu nô lệ châu Phi, tàn sát thổ dân châu Mỹ, tàn phá các khu rừng nguyên sinh và Chiến tranh Việt Nam”. 

Nhưng ngày nay, niềm quốc sỉ của nước Mỹ đến từ một nguồn khác: những bất cập, thiếu sót và thất bại của quốc gia. Nếu như việc làm hại người khác thường tạo ra nỗi xấu hổ ở các quốc gia hùng mạnh, thống trị, thì cảm giác mình thiếu sót vốn thường là nguồn gốc nỗi xấu hổ ở các nước nhỏ yếu, bị thống trị. Người Mỹ đang trải nghiệm một cảm xúc mới mẻ khi họ thấy đất nước hùng mạnh một thời của mình đang suy yếu. 

Nếu Rorty nói đúng, rằng chúng ta cần lòng tự hào dân tộc để phát triển bản thân, vậy thì làm sao chúng ta có thể biến niềm quốc sỉ thành niềm tự hào? Người Mỹ có thể học hỏi từ Nguyễn An Ninh (1900-1943), một nhà tư tưởng chống thực dân có ảnh hưởng của Việt Nam, người đã tận dụng niềm quốc sỉ của dân tộc cho các mục đích hữu ích ở Việt Nam trong những năm 1920. 

Các nhà tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX sống dưới ách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và niềm sỉ nhục của đất nước họ. Những vấn đề mà họ phải đối mặt khác với chúng ta, nhưng một số chẩn đoán của họ về các tệ nạn của đất nước mình khiến chúng ta cảm thấy quen thuộc. Giữa rất nhiều khiếm khuyết khác của đất nước mà họ đã nhận thức được, họ cũng giống chúng ta ở chỗ phàn nàn về chủ nghĩa bài tri thức và thiếu vắng tinh thần lãnh đạo dựa trên đạo đức trong xã hội của mình. 

Vào thời điểm giao thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một số nhà tư tưởng Việt Nam tiếp thu tư tưởng Darwin xã hội từ các nhà tư tưởng Trung Quốc, cho rằng Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp vì Việt Nam nhỏ yếu. Họ cho rằng điểm yếu này là do thiếu văn hóa trí tuệ mạnh mẽ và không có khả năng hiện đại hóa. Họ chỉ trích những người Việt Nam bám víu vào những tư tưởng Nho giáo cũ kỹ của Trung Quốc và kêu gọi người Việt Nam áp dụng những tư tưởng tự do mới của phương Tây để sinh tồn, những tư tưởng có lẽ đã làm cho phương Tây trở nên hùng mạnh. 

Đến những năm 1920, ảnh hưởng của Chủ nghĩa Darwin Xã hội bị thay thế bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của “chủ nghĩa cấp tiến” (radicalism), một thuật ngữ được Hồ Tài Huệ Tâm sử dụng để mô tả mối bận tâm “không phải về sinh tồn và cạnh tranh mà là về tự do và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội”. [2] Thế hệ trẻ này cũng phàn nàn về chủ nghĩa phản trí tuệ và thiếu tinh thần lãnh đạo dựa trên cơ sở đạo đức, nhưng giờ đây đã thấy “sự đối xứng song hành giữa cuộc đấu tranh dân tộc giành độc lập khỏi chế độ thực dân và nỗ lực của chính họ để giải phóng mình khỏi sự áp bức của các thể chế xã hội bản địa và sự bế tắc của truyền thống.” [3] 

Nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thời kỳ này là Nguyễn An Ninh. Bị chính quyền Pháp bỏ tù nhiều lần vì các hoạt động chống thực dân của mình, Ninh đã viết các bài báo vạch trần sự tàn bạo và đạo đức giả của “sứ mệnh văn minh” Pháp dành cho công dân Pháp tại mẫu quốc. Nhưng khi xưng hô với đồng bào của mình, Ninh chỉ trích người Việt, thúc giục họ thay đổi bản thân và văn hóa Việt Nam. Ông coi việc tu dưỡng bản thân là điều kiện tiên quyết của hành động chính trị và thay đổi cấu trúc. 

Trong một bài phát biểu tại Sài Gòn năm 1923, Nguyễn An Ninh đã nói thẳng về nỗi xấu hổ của đất nước của mình vì trình độ dân trí kém cỏi so với các quốc gia khác:

“Ngày nay, khi Ấn Độ và Nhật Bản cống hiến những nhà tư tưởng và nghệ sĩ có tài năng hoặc thiên tài tỏa sáng bên cạnh những tài năng và thiên tài của châu Âu, An Nam vẫn chỉ là một đứa trẻ thậm chí không có ý tưởng hay sức mạnh để phấn đấu hướng tới một số phận tốt đẹp hơn, hướng tới sự giải phóng đích thực” [4]

Nguyễn An Ninh muốn những người đồng hương cảm thấy xấu hổ về sự yếu kém về trí tuệ của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại cũng như sự thiếu vắng những nhà tư tưởng “vĩ đại”, nhưng điều này được xem như một cách thúc đẩy họ trở nên “vĩ đại”, hơn là khiến họ tuyệt vọng. Ông khuyến khích nhiệm vụ của họ là tập hợp một tinh thần sáng tạo để “hướng dẫn bước chân của dân tộc và khai sáng con đường của họ. Chúng ta cần các nghệ sĩ, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà khoa học để làm phong phú thêm di sản trí tuệ của chúng ta ”. 

Các tiêu chuẩn mà Ninh tán thành để minh định giá trị của một quốc gia không nhất thiết phải là “châu Âu” (ví dụ: tinh thần duy lý và tự chủ), mà là quan tâm đến việc liệu một quốc gia có di sản văn hóa tri thức, cụ thể là các tác phẩm văn học và nghệ thuật, và quan trọng hơn, liệu những điều này có bền bỉ để hướng dẫn và tiếp thêm sinh lực cho các thế hệ tương lai và truyền cảm hứng cho thế giới nói chung hay không. Ông viết: “Biết bao người đã nợ những di sản văn hóa họ tạo ra, những thời đại được đánh dấu bằng tên tuổi của họ, những ảnh hưởng của họ trên thế giới và vai trò đấng cứu thế mà họ đã đảm nhiệm.” 

Thật không may, Ninh cho rằng vị thế của Việt Nam trên thế giới còn thấp, kể cả so với các quốc gia bị phương Tây đô hộ: “Ấn Độ, mặc dù bị người Anh áp bức, nhưng có các triết gia, nhà thơ, trí thức, những nhà lãnh đạo dẫn dắt các hành động của quần chúng.” Ngược lại, “An Nam giống như một con thiêu thân bên cạnh một người khổng lồ, bởi vì Ấn Độ có một quá khứ huy hoàng nhất”. So với các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản, những quốc gia có tư tưởng “tỏa sáng bên cạnh những tài năng và thiên tài của châu Âu, thì An Nam chỉ là một đứa trẻ sơ sinh”. Đối với Ninh, thành tựu văn học nghệ thuật của người Việt còn yếu so với di sản của các dân tộc khác. Đây (thành tựu văn hóa nghèo nàn đó) “không phải là loại di sản sẽ giúp chúng ta có thêm sức sống cho chủng tộc của mình trong cuộc chiến giành một vị trí trên thế giới.” Sự xấu hổ, chứ không phải là ghen tị, là khái niệm mô tả rõ nhất cảm xúc của Ninh đối với đất nước mình. 

Ninh không phải là người đầu tiên đánh thức niềm tủi nhục của đồng bào của mình vì trình độ dân trí kém cỏi. Một thế hệ trước Ninh, nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam Phan Châu Trinh nói rằng một số nhà tư tưởng châu Âu như Voltaire, Rousseau, và Montesquieu đã “góp phần lay chuyển đồng bào của họ để thoát khỏi chế độ chuyên chế”, và chỉ có “Khổng Tử, Mạnh Tử, Mâu Tử, Lão Tử, hoặc Trang Tử… ở Trung Quốc cổ đại có thể được so sánh” với những người châu Âu đó. Nhưng ở Việt Nam từ thời nhà Tần (221–206 TCN) trở đi, “chưa có người nào tầm cỡ như vậy.” [5] Trong một bài diễn văn trước công chúng năm 1925, Phan Châu Trinh đã hỏi: “Ở nước ta hiện nay, có ai xứng đáng có thể được coi là một triết gia đạo đức? Kể cả thời Lê sơ, có ai có thể được gọi là một triết gia đạo đức như những người tôi đã nói ở trên?” 

Hoa Kỳ khác với Việt Nam mà Ninh mô tả. Ở Hoa Kỳ không thiếu những “nhà tư tưởng vĩ đại” thuộc loại mà Ninh và Trinh cáo buộc rằng Việt Nam không có. Chúng ta có Abraham Lincoln, Franklin Delano Roosevelt, Susan B. Anthony, James Baldwin, Noam Chomsky, Ruth W. Gilmore và nhiều người khác. 

Tuy nhiên, đối với Ninh, những nhà tư tưởng “vĩ đại” chỉ quan trọng ở mức độ mà ý tưởng của họ hướng dẫn, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ tương lai và thế giới nói chung thực hiện các dự án của riêng họ. Những nhà tư tưởng vĩ đại chịu được thử thách của thời gian. Các triết gia, nghệ sĩ, nhà thơ, họa sĩ, doanh nhân, nhạc sĩ, nhà làm phim và nhà khoa học người Mỹ đã truyền cảm hứng cho không chỉ các thế hệ người Mỹ mà còn cho vô số những người khác trên khắp thế giới. Ảnh hưởng toàn cầu này là nguồn gốc của niềm tự hào dân tộc Mỹ. Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm thấy tự hào khi biết rằng có những nhà văn Việt Nam vào đầu thế kỷ XX đã lấy cảm hứng từ Abraham Lincoln, khi viết:

“Từ câu chuyện về Lincoln, chúng ta nhận ra rằng số phận không kiểm soát các cá nhân nếu họ biết cách thiết lập và thể hiện quyết tâm của mình. Từ câu chuyện về Lincoln, chúng ta nhận ra rằng bất kỳ sự khốn khổ nào cũng có thể giảm bớt nếu nền chính trị của đất nước là nền dân chủ. Từ câu chuyện của Lincoln, chúng ta nhận ra rằng trong mọi trường hợp, thành tựu của ông đều là do đức tính bên trong của ông. Nếu chúng ta khao khát những thành tựu của Lincoln, trước hết chúng ta phải phát triển những đức tính của ông ấy.” [6]

Nhưng những người Mỹ “vĩ đại” vẫn truyền cảm hứng cho người Mỹ ở mức độ nào? 

Người Mỹ nên tận dụng thực tế là chúng ta đã có những nhà tư tưởng lớn. Qua lăng kính của Ninh, một cách để người Mỹ vượt qua nỗi xấu hổ quốc gia của Mỹ là đọc (hay lắng nghe) những người Mỹ vĩ đại, không phải để đọc như con vẹt những gì họ đã nói, mà phải thực sự cảm động trước họ. Chúng ta nên đọc lại và gắn kết một cách nghiêm túc với họ cho đến khi những tư tưởng của họ giúp hình thành tư tưởng của riêng chúng ta và tiếp thêm cho chúng ta sự định hướng đạo đức cho những vấn đề mới mà chúng ta phải đương đầu.

Ninh khuyến khích đồng bào của mình trở nên vĩ đại vì ông xấu hổ trước thói quen nhai lại một cách máy móc những người vĩ đại của các quốc gia khác. Vấn đề trọng tâm của thanh niên Việt Nam là khủng hoảng về tri thức đạo đức và không có tổ tiên vĩ đại của mình để truyền cảm hứng hoặc hướng dẫn cho họ: “Thanh niên Việt Nam bị cuốn vào dòng nước xoáy, không biết bơi về đâu. Đứng trước sự lựa chọn đạo đức, nó không biết nên dựa vào giá trị đạo đức nào để lựa chọn hành động và phán xét”. [7] 

Đối với các tư tưởng Trung Quốc, ông cho rằng những hướng dẫn đạo đức có tính chất đóng gói sẵn sẽ không hiệu quả, ông nghĩ: “Chẳng phải cái gọi là tầng lớp tinh hoa định dạng bản thân bằng Hán văn đã bị buộc phải bám vào các ý tưởng Nho giáo như những người bị đắm tàu bám vào một chiếc bè sao?” . Tương tự như vậy, người Việt Nam không nên chỉ áp dụng các giá trị của Pháp hoặc Châu Âu mà không tự mình đấu tranh để biến những ý tưởng đó trở nên có ý nghĩa đối với bản thân: 

“Tương lai mà chúng ta mong muốn sẽ không đến với chúng ta trong một giấc mơ. Việc viết những dòng chữ vàng trên mặt tiền các công trình công cộng… tự do, bình đẳng, bác ái… là chưa đủ để tự do, bình đẳng và bác ái ngự trị giữa chúng ta…. Bạn đòi người khác những thứ họ không thể cho bạn… những thứ mà bạn phải tự mình có được.” 

Đối với Ninh, nhiệm vụ của thế hệ anh là “tìm kiếm một di sản trí tuệ vững chắc có thể đóng vai trò là viên đá đầu tiên xây dựng ước mơ của chúng ta”. Di sản này sẽ chỉ vững chắc nếu nó là kết quả của nỗ lực của chính họ, hơn là công trình của người khác: “Thế hệ hiện tại cần những lý tưởng mới, những lý tưởng của chính họ; những hoạt động mới, những hoạt động của chính họ; những đam mê mới, những đam mê của chính họ.” 

May mắn thay, người Mỹ chúng ta đã có một di sản trí tuệ vững chắc. Học hỏi từ Ninh có nghĩa là quay trở lại với các nhà tư tưởng vĩ đại của Mỹ và gắn kết trở lại với họ để lấy lại niềm tự hào dân tộc. Có lẽ nhiều người trong chúng ta thậm chí chưa bao giờ đọc các bài viết của họ, mặc dù đã nghe về họ hoặc thỉnh thoảng nghe câu nói nổi tiếng của họ. Nhiều người Mỹ trong số chúng ta có thể sẽ đọc sách vở của “những người Mỹ vĩ đại” lần đầu tiên. 

Ninh kêu gọi giới trẻ hãy tò mò học hỏi từ những nhà tư tưởng vĩ đại: 

“Những gì chúng ta cần là sự tò mò dưới mọi hình thức của nó, một sự tò mò là hy vọng cuối cùng và dấu hiệu cuối cùng của sự sống. Nó có khả năng tạo nên mọi sự táo bạo để làm dịu cơn khát của nó, một sự tò mò đào bới, tìm kiếm, truy cầu và mổ xẻ mọi thứ. Chính sự sống trong những cái khác như thế sẽ tìm ra phương thuốc khả dĩ mang lại sức sống mới cho một dòng máu đã suy yếu.” 

Những vĩ nhân không phải là đối tượng để bắt chước mà nên được dùng như bàn đạp. Điều mà người Việt Nam cần “không phải là kiểu bắt chước có tính nô lệ, đẩy chúng ta xa rời cuộc giải phóng, trói buộc chúng ta vào những gì mình bắt chước. Chúng ta cần những sáng tạo cá nhân xuất phát từ chính máu của mình hoặc những tác phẩm đến từ sự thay đổi đích thực bên trong bản thân”

Học hỏi từ những người Mỹ vĩ đại sẽ không thể chữa lành ngay lập tức sự tàn phá của coronavirus, cũng không vá lành ngay lập tức đất nước của nạn phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng lan tràn, cũng như sẽ không bỗng nhiên thống nhất những người theo các đảng phái khác nhau để giải quyết những thách thức chung. Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua nghị lực bền vững của những người Mỹ sáng tạo và hợp tác. Nhưng đọc lại những vĩ nhân của đất nước chúng ta là một cách để đạt được niềm tự hào và sự đoàn kết cần thiết nhằm tạo ra năng lượng đó. Sự hướng dẫn đạo đức của họ là “viên đá đầu tiên để xây dựng ước mơ của chúng ta”.

 

Chú thích

[1] Richard Rorty, Achieving Our Country: Leftist Thought in Twentieth Century America (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1998), 3.

[2] Hue Tam Ho Tai, Radicalism and the Roots of the Vietnamese Revolution (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1992), 4.

[3] Ibid., 3.

[4] “Idéal de la jeunesse Annamite” (Ideals of Annamite Youth) reprinted in the newspaper La Cloche Fêlée (Saigon), January 7, 1924. Unless noted otherwise, translations are mine. Annam is the name used for Vietnam prior to 1945. 

[5] Phan Châu Trinh, “Morality and Ethics in the Orient and the Occident,” in Phan Châu Trinh and His Political Writings, ed. and tran. Vinh Sinh (Ithaca, N.Y.: Cornell Southeast Asia Program, 2009), 115.

[6] Mark Philip Bradley, Imagining Vietnam and America: The Making of Postcolonial Vietnam, 1919–1950 (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2000), 31.

[7] Ninh, in Cloche Fêlée, December 10, 1923; translation in Tai, Radicalism, 72.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ