Lịch sử Việt-Mỹ
Phỏng vấn ký giả Nguyễn Đình Tú (Phần 2)
Published on
By
Lê Mạnh HùngPhỏng vấn ký giả Nguyễn Đình Tú (Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5)
Nguyễn Đình Tú, bút danh là Nguyễn Tú, một nhà báo nổi tiếng của tờ Chính Luận ở Miền Nam Việt Nam trước 1975.
Người phỏng vấn: TS. Lê Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả “Vietnamese History In Retrospect”.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 05/07/2003 tại Alexandria, Virginia, Hoa Kỳ.
Gỡ băng phỏng vấn và biên tập: Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon.
Bản dịch tiếng Anh trên US-Vietnam Review, “Nguyen Đinh Tu’s interview” (Part 1, Part 2, Part 3, Part 4, Part 5). Người dịch: Phan Lê Dũng
***
LMH: Cuối tháng 8 năm 45?
NĐT: Cuối tháng 8 năm 45 thì tôi bị bắt ngay hôm 19 mà. Thế thì-à con cái này nữa thì tôi phải nói ngay. Là lúc mà ở Liêm Phóng đó thì cũng được tin tức là quân Tàu qua rồi, và cụ Nguyễn Hải Thần, rồi là ông Vũ Hồng Khanh, cũng qua rồi và ông Trương Bội Hoàng hay là-à không không phải Trương Bội Hoàng-cái ông Trương gì dưới ấy, à Nghiêm Thế Tổ này, rồi Nguyễn Kim Thành hay Trần Kim Thành tôi quên mất rồi, Nguyễn Kim Thanh thì phải. Thì tất cả những nhà mấy lãnh đạo về hết cả-về Việt Nam.
LMH: Như vậy cháu chắc là nó phải muộn hơn chứ tại vì theo đúng như là các cái tài liệu thì tức là vào khoảng đến tháng, tháng 10, tháng 11, 45 thì quân Tàu mới sang, còn cái lúc trước đó thì chưa có sang mà?
NĐT: Tôi không biết cái nào cả nhưng mà tôi chỉ thấy thì lại tuyên truyền thế thôi. Mà các cụ Nguyễn Hải Thần qua rồi, mới nọ kia, về rồi. Thế chỉ biết thế thôi, chứ không biết có thật không. Tại vì lúc bấy giờ lung tung cả lên, nó không có, trước hết là không có báo, chỉ nghe đồn, nghe nghiếc rồi. Thế rồi nó đưa thẳng lên Thái Nguyên thì không biết gì nữa, không biết thì là tôi bị giam đến 4 tháng đấy. Đến đến đầu tháng chạp thì được về, tự nhiên được về-gọi lên là về mà chỉ có một mình tôi thôi, cho tất cả những cái đó…(1h09’07’’ : nghe không rõ).
Có cái này kể ngay, lúc lên lúc vào trong trại giam ở Thái Nguyên đấy thì nằm bên cạnh tôi đấy thì là có hai anh thanh niên. Sau này thì là vài, độ một tuần thôi, một hai tuần sau thì dẫn người, hoá ra cũng người ở trong Đại Việt. Nhưng đặc biệt hai người thế này, là dân chuyên môn đi ăn trộm-à nhảy tàu-xe lửa đó, là là ăn cắp với ăn trộm, rồi nhảy tàu ra, mà có một anh tên là-tôi quên mất cả hai người tên rồi. Lúc bấy giờ thì có một anh giỏi võ lắm. Thế ngồi nói chuyện, tự nhiên hai anh ấy lại đối với tôi có vẻ thân thiết lắm. Rồi có một anh hơn tuổi tôi, anh kia thì cũng cùng tuổi tôi-hơn tuổi tôi, không biết rõ. Đối với tôi tự nhiên coi tôi như là anh đó vì tôi cũng nói sau này thì là rồi là là tự nhiên có một cái, cái gì thúc giục mình dễ làm thân với nhau. Thế tự các anh kể ra thì tôi mới lựa lựa tôi hỏi thì đúng là Đại Việt thật. Nói vào thế nào thế nào, vào vào thế nào, nói như thế thì hai người đó được tuyển để vào cái ban ám sát, thế anh ta anh bị bắt. Bị bắt không phải trong một vụ ám sát mà bị bắt là trong một cái ổ, trong đó có Đại Việt như thế nào, lộ như thế nào thì hai anh bị bắt, thế nó đưa lên Thái Nguyên.
Thì đối với tôi, tự nhiên lại có cái tình thế nào mà coi tôi như là đàn anh. Tôi thì không bao giờ tôi nhận họ là đàn em tôi cả nhưng mà vui vẻ lắm. Ở đấy thì một cái sạp-giường nằm đó, dài luôn đến cả này này-suốt này thì có ba chặn cùm mà bằng gỗ đấy, cùm chung đó, chả là 1 cái thì là cùm được 8 người, thì là 10 người, cứ tối là cùm hết luôn, sáng thì họ cởi mở ra. Thế ăn thường thường có khi là cháo đặc, có khi cơm không thôi, với ít muối, không có gì cả. Thế tôi ở đến 4 tháng, 4 tháng thì mới biết cái nhà giam các bà. Thì trong đó sau này tôi biết có bà Trịnh Thị Oanh, bà nữa là bà-chồng là kỹ sư Nhu, thành ra cứ gọi bà ấy là bà kỹ sư Nhu. Bà kỹ sư Nhu cũng là Đại Việt. Thế thì 4 tháng sau, tự nhiên tôi được gọi ra, mà không hiểu mà làm thế nào bà Nhu bà ấy biết. Bà biết tôi, bà làm thế nào bà hay vận động thì tôi không biết thì có người dúi tay, dúi tay cho tôi mấy chục bạc. Mấy chục bạc trong đấy nó to lắm, việc chi thì nói ngay: Kỹ sư-bà kỹ sư Nhu gửi cho anh. Tôi thì vội vàng bảo là nói tôi cảm ơn. Thế tôi lên văn phòng, tôi lên văn phòng thì là có cái anh cán bộ đấy, đàng hoàng lắm. Người chắc là không hẳn là đảng viên sao, xong rồi mới: Thôi nhá, anh bây giờ anh được về thì rồi đừng có làm gì cả. Ký giấy, cho tôi 2 chục, 2 chục là chính phủ đấy, chính phủ cho 2 chục đàng hoàng. Thế mới chỉ đường cho tôi ra : Tôi bảo đây nhá, anh cầm cái giấy này, anh ra cái chỗ đó, đi đó thì đến cái chỗ đó, bến xe đò đấy, đấy thì có mấy cái quán đó, thế anh ra anh cứ đưa ra cái giấy này thì nói rằng đưa anh về Hà Nội, anh không phải trả tiền gì cả. Tôi nghe, tôi cũng đi. Tôi ra đấy, lúc bấy giờ đói lắm, trông thấy bán phở, bán phiếc nọ kia, thế thì tôi cũng chưa ăn. Tôi mới chạy đến một cái xe đò đấy, hỏi ông tài xế đó, mới đưa ra bảo-cái ông đó nhất định không không cho lên xe, không nhận. Tôi nghĩ bảo cho về mà bây giờ cái giấy lại. Anh Hùng có thể tưởng tượng, tôi lại ngây thơ thế này, tôi trở về trại giam, tôi vào gặp, xin gặp cái anh đó đấy. Tôi nói với anh, bảo: Anh ơi, cái giấy này, họ không chấp nhận, họ không cho tôi đi. Anh ta bực quá mới gào lên: Tôi đi với anh. Buồn cười thế, lại gọi xe xích lô, xe xe kéo hồi đó, tôi lên, tôi lên xe. Anh la, anh nói: Ông nào coi cái xe này đây nhà? Đây đây, anh-tôi giao anh này cho ông nhá, đưa về Hà Nội cho tôi. Anh có nhận không ? Thì chỉ nói nhỏ nhẹ hay thật, biết được công an sao: Vâng vâng vâng, tôi xin chạy. Thế xong sau quay đầu: Thôi thế anh yên tâm, anh về Hà Nội không phải trả tiền gì cả nữa nhá. Quay ra: Anh ta, anh không cần phải trả tiền gì đâu cho anh nữa nhá. Đây là cái giấy này là cái giấy của chính phủ này, giấy gửi cách mạng là đủ rồi. Thế là vâng vâng, rối rít vâng vâng, thế rồi thôi. Thế anh ta quay đi, anh ta mới bảo tôi: Tôi cho anh về nhá, nếu mà có cái gì thì là cho tôi biết. Nói để dằn mặt cái anh kia-ông chủ xe-tài xế đó. Thế ông tài xế ông bảo: Không không thì chốc nữa, tôi đưa cậu ấy về. Thế thôi lúc bấy giờ, tôi tự vào quán ăn bát phở, được về đến Hà Nội. Chiều về, tôi lại không biết về đâu cả, không dám về nhà. Thế tôi mới chạy đến, tôi mới ra chỗ Hàng Đường. Thì là cái chỗ ấy là cái chỗ, cũng là anh bạn học Lycée ấy, mà cũng là Đại Việt nhưng mà anh ta lại đi, tôi biết là anh ta đi Lạng Sơn-về về đảng đấy, đi Lạng Son. Nhưng mà ở nhà thì biết tôi, nó hỏi tôi, thế cái cô chị thì mới bảo: Ờ thôi, anh mới về thì có gì thì anh ở đây. Tôi bảo: Thôi được rồi. Tôi mới nghĩ, tôi mới chạy lên chỗ nhà Lân đấy, chỗ nhà Lân-nhà ông bác sĩ đấy. Vào ông bác sĩ ông mừng lắm, ông bảo : Như thế nào? Tôi mới kể hết cả cho nghe. Thôi thế thì con ở đây, con ở đây.
Tôi ở đấy được một ngày thì hôm sau, tôi lại gặp một anh tên là anh Hường, người trung, cũng lại là Đại Việt. Mà lại sau này, tôi mới biết là anh ấy coi bên tài chánh. Anh thấy tôi tôi ra, anh anh cho tôi đến bốn chục, cầm lấy tiêu, bốn chục hồi ấy to lắm, tôi cầm. Ở đấy, ở đấy thì là yên. Ăn uống lại hồi sức, chỉ có cái bị tra tấn điện thì nó đau, nó vẫn còn đau, nhất là ở con cu, nó đau. Thì tôi cũng có nói thật với ông bác sĩ, ông khám xong, ông bảo tôi: Không sao đây, cái này rồi nó qua đi. Thì ông ấy thương, thế ông ấy, ở đấy độ vài, ba ngày, đột nhiên có có tin liên lạc đến. Nói bảo: Ông Phương-tên là ông Phương là ông Trương Tử Anh, ông Phương dặn anh rằng thì là anh phải đi lên Yên Bái, thụ huấn quân sự, đừng ở Hà Nội. Thế mới cho tôi cái địa chỉ. Đến rồi và chỉ cái địa chỉ là cái bệnh viện tư của ông Đặng Vũ Lạc. Ông Đặng Vũ Lạc, Đặng Vũ Trứ thì cùng học trường cả thì biết nhau. Thì lúc bấy giờ tôi thì lúc bấy giờ, tôi biết Đặng Vũ Trứ, còn trong Đại Việt. Nhưng Đặng Vũ Trứ lúc bấy giờ không có-đi đâu mất tích, sau này mới biết là mất tích. Nhưng mà lúc đấy đấy cái chỗ đó là anh em tụ tập vào đấy cả. Tôi đến thì đã đông lắm rồi. Nhận ra có một lô các bạn học ở trong trong Lycée đó, nhận ra. Thế ở đấy, ngủ ở đấy, đến chiều hôm sau, ra ga Hàng Cỏ, lên xe lửa, đi lên phía Vĩnh Yên, Phúc Yên, rồi đi lên Yên Bái. Lên đến Yên Bái, lên Yên Bái cái bắt đầu vào học trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ đấy trở đi, đi vào cái con đường võ bị.
LMH: Bây giờ cháu hỏi tiếp chú. Khi mà chú lên Yên Bái đó, vào trường lục quân, chú có thể kể lại cái sịnh hoạt ở trường lục quân Yên Bái ra sao, với lại những người bạn cùng học với chú có những ai, chú còn nhớ?
NĐT: Ở đấy lên thì lúc bấy giờ là đông rồi, mà đương tổ chức lớp học. Lúc bấy giờ, tôi những ngày đầu tiên thì chưa có gặp các sỹ quan Nhật, chỉ biết là các sỹ quan Nhật điều khiển nhưng chưa gặp. Thế thì lên đó có Hợi này và một đứa em, em tinh thần hay gì đấy là Tùng, à với một thằng nữa tên là thằng Cường, thằng Cường. Thằng Cường thì nó không học ở Lycée nhưng mà nó lại là cháu ông bác sĩ đấy-ông bác sĩ mà chú ở đấy, nó là cháu. Thế rồi sau này dần dần mới hiện ra là những người cùng cùng Đại Việt ấy. Bùi Diễm không lên lúc đó, lúc sau, đến lúc nào, chú không biết nữa cơ. Nhưng đi sau, chứ không đi cùng chuyến với chú. Thế sau này nhận ra nhau mà là Đại Việt hết cả đó. Thế thì là quen thêm, thế chỉ có chỉ có Hoàng Cường thì là ấy, với Hợi thì thì là cùng trường đấy. Thế còn, thế thôi trong Lycée chỉ có-à ba ba anh nữa là con ông Đỗ Quang Giai, cùng học Lycée cả thì học cùng trường với chú chú, chưa hai, có từ ba nhưng mà cái anh Thắng thì không ở trường, nhưng mà cái anh Hoàng thì anh con cả đó, mới anh con thứ ba thì là bạn làm ở Lycée với chú đó thì nhận ra nhau. Thế là học chung, ở cùng với nhau, đấy thì ở Lycée đấy. Sau nữa một, à sau nữa là anh Sơ cũng học trường Lycée nhưng mà mà chú trước học ban Cổ Ngữ mà, thế còn các anh kia, anh ở bên bên B. Thế nhưng biết nhau cả, biết nhau cả. Anh Hoàng, rồi Sơ này, rồi Lung, đấy. Sau nữa dần dần mới lộ ra hai em ông Sơ là Nghiên với Bút. Lên đấy thì chú mới biết, mới biết nhau, nhận ra nhau. Chứ lúc bấy giờ, trước thì không bao giờ đâu, Sơ cũng vậy nó ở, hoá ra chức vụ nó ở chi bộ khác, không phải chi bộ, chi bộ chú, tuy là cùng học với nhau. Lung cũng vậy, Hoàng cũng vậy, lên đấy gặp nhau, buồn cười lắm, bảo: Ố ồ thế ra ba chúng mình cùng cùng cùng đương Đại Vịêt cả. Rốt cục lại, mỗi người đều ở một chi bộ khác nhau, mà mà hai em ruột cũng ở chi bộ khác nhau. Còn người thứ ba nữa thì là anh Thắng thì lại không không có mặt đấy. Thắng thì bắn giỏi lắm, mắt cận thị, bắn nổi tiếng mà thành chú nghe tiếng nhưng mà có biết nhau ở trường.
Thế sau rồi, ba anh ấy chết cả, tội nhất là là anh Hoàng, với Lung. Thắng thì chết ở chỗ khác. Sơ cũng chết, chết là vì không nghe chú mà chết, tội lắm. Là vì thế này, lúc mà Việt Minh nó nó chiếm được Lào Cai đó. Chú còn ra chú nhìn, nó tập hợp, mit tinh ngay trước ty Ngân Khố đó. Chú ra, chú chú nhìn mà, để xem nó làm cái gì. Thì do nhìn cái đó, sau này bị bắt lần thứ hai, không có không có gì là ngạc nhiên cả. Nó làm bài bản đều giống nhau hết, sau mấy chục năm sau cũng giống nhau hết. Thế rồi nó cũng làm thế này, nó ra vừa thông cáo, lại vừa nói trên radio đó, là nó biết là có dân lục quân Trần Quốc Tuấn mà. Nó bảo tất cả ra khai, nó cấp giấy cho về Hà Nội không mất tiền nọ kia, nó cấp thật, nó in hẳn hoi, in rõ ràng lắm.
Chú cũng ra đấy, khổ một cái là không nói được cho các anh ấy, các anh em nghe, là Nghiên với Bút không nghe chú, gặp nhau, Lung không nghe, Sơ không nghe, Hoàng không nghe. Chú bảo, gặp nhau mà, bàn: Tôi sẽ trốn về Hà Nội thì các cậu cũng nên trốn về Hà Nội cùng mình, cùng đi cả đi. Khi đợi tàu nó lên đó thì mỗi người tản mát ra, đừng ngồi chung một toa. Thế Nghiên, Bút bảo không, giơ ra giấy, bảo: Tụi tôi có giấy rồi. Bảo: Thế thì vứt đi, mấy anh kia cũng thế. Chú năn nỉ thế nào, đến nỗi mà chú phải bảo: Sao cái cánh ngu thế, chúng mày ngu quá, cho này ra để mà bắt đấy-đi đâu, nghĩ rồi không nghe.
Thế hoá ra bị bắt, thì cái đó thì chú kể kỹ, kể về cái chuyện mà ở trường đó, rồi tại sao dẫn đến cái cái cái sự tan rã của nhà trường, rồi cái cũng như là cái hành động bất xứng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông Vũ Hồng Khanh mà chú phải gọi thì đấy là bọn thổ phỉ, chứ không phải là cách mạng.
LMH: Khi mà chú vào học ở trường tức là tháng mấy năm 46?
NĐT: À tháng 5 chứ, à quên 45 chứ, cuối năm 45, cuối năm thì đến tận cuối tháng 11 sang đầu tháng chạp, năm 46, chú về được Hà Nội.
LMH: Nhưng mà lúc nào thì ở trường bắt đầu phải rơi vào chiến tranh, tức là tháng mấy thì là bắt đầu đánh nhau?
NĐT: À! Nói này chú bị xem nào, nhớ, chú bị bắt, bị thương ở đây này-ở trận Yên Bái, cái trận đồn điền Blanc, đồn điền Blanc – đồn điền chè của Tây hồi trước đó. Đồn điền Blanc, ờ xem nào, lúc bấy giờ hãy còn là mùa hè 46, chú quên mất tháng rồi, không biết là mùa hè bởi vì thì là đi hành quân, đi đánh nhau, đúng đúng giữa mùa hè, nóng nóng lắm. Thì chú chú bị-giao tranh với nó với trận đấy.
LMH: Lúc nào thì Việt Minh, nó đánh Yên Bái?
NĐT: Vào mùa hè, vào mùa hè 45-à quên mùa hè 46, mùa hè 46.
LMH: Cái chương trình học ở đó thì gồm có những gì?
NĐT: Chương trình học là có: Cơ bản thao diễn này, rồi dạy thì dạy mau lắm. Mới đầu để chú kể này. Ở Yên Bái độ vài tháng thì có lệnh đi Sa Pa. Thì lúc lên lên Sa Pa, trở về Yên Bái, rồi mới đánh nhau. Xem nào, không, để chú nhớ lại xem: Chú bị thương vào mùa hè, lên Sapa, lên Sapa, lại trở về Yên Bái, lên Sa Pa, trở về Yên Bái, mới đánh nhau, lên Sa Pa lại một lần nữa, rồi trở về Lào Cai, rồi mới mất, mới mất Lào Cai đấy, mới mất Lào Cai. Chú chỉ nhớ là từ lúc đánh nhau, là vào mùa hè, chú bị thương, chú bị thương ở đằng sau lưng, còn sẹo này.
LMH: Tức là sau khi mà đánh nhau rồi, thua ở Yên Bái, rồi bắt đầu rút chạy lên Lào Cai?
NĐT: Phải rồi, quân đội đi rút lên Lào Cai, quân mình đấy, trường rút lên Lào Cai. Lên Lào Cai, từ ở Lào Cai, lại còn đánh nhau với Việt Minh nữa, đánh nhau xuống đến tận phố Lu cơ, rồi thì là mới thua, rồi thực sự ra thì là cũng hết hết đạn. Mà cũng hết lương, hết lương thực, hết lương thực mà bên bên Vũ Hồng Khanh, nó không có tiếp tế. Còn cái anh Hải tỉnh-tỉnh uỷ trưởng đó thì là anh ấy chăm lo cho cho trường ghê lắm, cho đến phút cuối cùng, hình như sau này, tôi nghe-chú nghe nói anh ấy cũng bị chết-bị bắt chết. Anh ấy tinh thần lắm, tốt lắm.
LMH: Nhưng mà sao hồi đó, sau khi rút đến Lào Cai thì cái anh em ở trên trường lục quân không có chạy sang Tàu mà lại?
NĐT: Lúc bấy giờ chưa chưa nguy, chưa có bị áp lực mạnh, cho đến lúc bị áp lực mạnh đó thì mới chạy sang Tàu.
LMH: Chú nói rằng là cái lúc mà ở Lào Cai thì đã có một số người chạy ra để mà Việt Minh nó kêu đầu hàng-chạy ra để lấy giấy tờ đi về lại Lào Cai.
NĐT: À không, đấy là là là lúc đó là nó chiếm được Lào Cai rồi thì là một một số anh em cũng chạy ra, Phạm Xuân Chiểu cũng chạy đi rồi.
LMH: Tức là chạy sang Tàu?
NĐT: Chạy sang Tàu. Chú không chạy, là vì lúc bấy giờ một phần nữa là cái cái vết thương của chú, của chú nó cũng chưa lành hẳn, một phần nữa chú cũng không thích đi, chú muốn ở lại, chứ lúc đó đi thì mình có một thân một mình mà, có bận bịu gì đâu. Thế còn sau này đó, cái này nói ra thì cũng hơi đau. Trường chia ra làm ba đội, nghĩa là cùng học, học chung với nhau cả nhưng mà chia ra làm đội A, đội B với đội C, để cho nó nó chứ không có vào một đội thì thì đông quá. Thế tách ra thì A với B thì lên trước rồi, C phải sau, mấy tháng sau thì thằng Liễu đó-Phạm Văn Liễu lên sau. Thế rồi Quốc Gia Thanh Niên Đoàn thì Quốc Dân Đảng cũng nhập luôn, thu nhận luôn, đưa lên huấn luyện nhưng mà mấy tháng sau mới lên đến Yên Bái, thành ra lỡ học mất mấy tháng. Thế Liễu ở trong đó, với lại cũng có một anh nữa là Ngô Văn Sũng, học thuốc đó, học năm thứ tư trường thuốc đấy, cũng lên muộn thì ở bộ đội C. Mà sau này anh lên thì anh coi về y tế cho trường và chính anh anh ấy chữa cho chú cái vai mà. Bây giờ anh anh ấy ở bên bên Cali đó. Sau này cũng lấy cháu ông bác sĩ, cháu ông bác sĩ, anh tốt lắm.
LMH: Trường lục quân Yên Bái như vậy là của riêng Đại Việt hay là chung của cả Đại Việt lẫn Quốc Dân Đảng?
NĐT: Chung chung nhưng mà thực sư ra tất cả các giáo quan của Nhật đấy là Đại Việt, họ đi với Đại Việt và chấp nhận đi với Đại Việt. Chứ thực sự ra cái trường là trường của Đại Việt nhưng mà có sự thoả thuận với Việt Nam Quốc Dân Đảng, thế thành chỉ để Quốc Dân Đảng thôi, chứ không không ấy nhưng mà cái cờ đấy là cờ của Đại Việt, cờ Đại Việt.
LMH: Thế chú ở Lào Cai về Hà Nội vào tháng mấy?
NĐT: Cuối tháng 11 đầu tháng 12 gì đó, vì chú nhớ sau đó là ngày 16 tháng chạp mà, chú về được vài tuần, trước trước, chắc là cuối tháng 11, cuối tháng 11.
LMH: Trong lúc mà chính phủ liên hiệp với lại các đấu tranh chính trị thì là chú đang ở trên Yên Bái chứ không có?
NĐT: Yên Bái, Không biết tý gì cả những cái chuyện tranh chấp giữa Quốc –Cộng, rồi thì là quốc hội quốc hiếc, sau này mới nghe, chứ còn thì là ở trên đó không còn tin tức gì nữa, lên đấy thì chỉ có một việc học thôi.
LMH: Thế cái ngày mà chú quen với lại cậu Sung thì là chú bắt đầu quen cậu Sung là từ hồi nào?
NĐT: Ờ quen cậu Sung thì là cái lúc ở trên trương đó thì cậu Sung lên thăm. Thế lúc bấy giờ chú lại đứng gác, kể cả Nguyễn Tường Bách nữa, Nguyễn Tường Bách cũng lên, không biết lên, không biết cùng không, ờ lên cùng với cậu Sung-không phải, Nguyễn Tường Bách lên trước hay lên sau một vài ngày hay sao. Thì Nguyễn Tường Bách có nói chuyện với các anh em thì lúc bấy giờ, chú lại mắc gác. Chú biết là ông Nguyễn Tường Bách lên, thế là chú cũng không gặp, ông Sung lên thì chú trông thấy rõ ràng, mặc quần soác với lại trông người khoẻ lắm. Thế lên đấy thì là Sung gặp lại Nghiên, Bút với nọ kia đấy thì rồi biết chú nhưng mà biết là biết thế thôi, chứ chưa thân, sau này mới thân, biết là cùng, ở trong cùng cánh cả.
LMH: Tức là trước khi mà chú gặp cậu Sung ở Yên Bái, chú không biết cậu Sung cũng ở Đại Việt?
NĐT: Không, chưa chưa, chú còn tới Đại Việt trước ông Sung cơ mà.
LMH: Tức là ông Sung gia nhập Đại Việt sau này?
NĐT: Sau sau, trực tiếp có gặp ông Phương.
LMH: Dạ, tức là khi có đánh nhau với Việt Minh, lúc ở Yên Bái đó thì chú có biết hay không biết quân Pháp, có trợ giúp gì cho Việt Minh hay không?
NĐT: Không biết, nhưng có cài này vì đánh nhau thì mới biết rằng thì cái hoả lực, cái hoả lực của nó mạnh, hỏa lực nó mạnh hơn mình. Mình thì ít súng, chú phải vận động lắm, nhiều lắm mới được có một cái khẩu súng mousqueton riêng. Các anh em riêng cũng vậy. Thành ra trang bị không đủ súng cho tất cả, mà đạn thiếu lắm, mà về lương thực cũng thiếu nữa. Lúc là lúc đánh nhau đó, lúc là trận chiến mà ta gọi là sôi động đó thì mình thấy yếu thế. Tuy là các tinh thần thì cao mà các võ quan Nhật thực tế họ cũng tận tình lắm, chứ họ không có có có cái lối công chức đâu, tận tình lắm. Họ cũng đi đánh nhau với với học sinh luôn.
LMH: Những sĩ quan Nhật đó về sau ra sao chú có biết không?
NĐT: Sau này thì là chú chỉ biết rằng thì là họ bị hạ sát bên cầu Cốc Lếu. Còn cái nguyên nhân như thế nào thì không biết, hạ sát hết, hạ sát ngầm mà, đêm thì riêng chỉ có mỗi ông hiệu trưởng đó là ông ấy thoát, mà không phải ông ấy trốn-mà coi như ông giả điên đó. Bây giờ thì ông về Nhật, sau này thì có những anh em qua Nhật thăm ông.
LMH: Nhưng mà ai hạ sát những mấy ông sĩ quan Nhật đó?
NĐT: Việt Nam Quốc Dân Đảng-cánh Vũ Hồng Khanh.
LMH: Thế còn thì Chú có nghĩ rằng là Việt Minh, nó được vũ trang đầy đủ hơn bởi vì nó mua được của, vũ khí của Tàu không hay là Pháp họ viện trợ?
NĐT: Không, cái đó thì tuyệt nhiên không biết. Sau này đó thì cũng được nghe như thế thôi nhưng mà còn lúc đương ở đó đó, tất cả chúng tôi, không một ai biết về cái chuyện Pháp với Việt Minh như thế nào cả, không biết. Mãi sau này về được rồi, được 1, 2 năm sau, rồi thì là mới được nghe, rồi mới đọc báo hay cái gì, mới luận ra là có, thế thôi. Nhưng mà có có thế thôi, mình không biết chắc là có thể là giữa Pháp với Việt Minh. Sau này mới biết rằng, có cái chuyện Fontainebleau nọ kia, còn ở trên đó không biết một cái gì hết.
LMH: Vâng thế cảm ơn chú!
*********************************************************
Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tú tức ký giả Nguyễn Tú(Nguyen Tu 2-Interview-Hung)
Người Phỏng Vấn(LMH): Bây giờ cháu xin hỏi chú lại một số chuyện, thứ nhất là chú học ở trường lục quân Yên Bái như vậy là mấy tháng?
Ông Nguyễn Đình Tú(NĐT): Chú lên trên đó vào cuối năm 45, cuối năm 45, sang tới tận mùa thu, mùa thu 46 thì chú về, tại vì lúc bấy giờ là mất-mất Lào Cai rồi, phải về tan tác cả đấy, tan tác. Thế tính ra là cuối năm 45, tức là vào khoảng tháng, chú bị bắt 4 tháng, thế là vào khoảng độ tháng chạp, tháng 1 đó, tháng 11 hay tháng chạp thì đi, đi lên tới Yên Bái, chỉ có mấy ngày thôi thì tới. Thì ở đấy tập luyện, rồi thì lên Sapa, lên Sapa – lúc bấy giờ thực tập trên Sapa nhiều lắm. Lên Sapa, sau rồi lại về Yên Bái, về Yên Bái thì mới là đánh nhau đấy, cho tới khi mà các huấn luyện viên Nhật đó, bị Quốc Dân Đảng-Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh giết đó, trừ ông hiệu trưởng không bị giết còn giết hết thì lúc bấy giờ trường tan. Trường tan thì là thôi, mà lúc đó thì cái áp lực của Việt Minh cũng nặng lắm. Nó tiến gần đến Lào Cai rồi, mà anh em ở trên trường, vẫn phải giải toả, giải toả Lào Cai đến mấy lần. Nó giải toả mãi cũng thôi, cũng bị ấy quá thì là Vũ Hồng Khanh chạy trước, rồi thì là các anh em Đại Việt Quốc Dân Đảng, tức là trường đó cũng chạy luôn. Chú thì chú ở lại thế thì tổng quát như thế thôi. Nhưng mà còn nếu mà đi vào chi tiết như lúc nãy anh hỏi đó. Cái câu hỏi đầu tiên của anh là khi lên Yên Bái-cái tổ chức của cái trường ấy như thế nào, sinh hoạt như thế nào thì nếu muốn chú kể, là vì chú nghĩ rằng thì là cũng nên biết về cái đó, để thấy rằng thì là là sau này cái trường ấy mà mất đi là tiếc lắm.
LMH: Vâng thì cháu thế nào, cháu cũng hỏi chú về cái đó nhưng mà cháu muốn xác định tương đối chính xác đó, cái cái thời gian đó, tức là chú lên Yên Bái vào cuối năm 45, tức vào khoảng tháng 11, hay tháng chạp. Thế đến lúc nào bắt đầu đánh nhau và theo chú nhớ thì là đến lúc nào thì mấy người huấn luyện viên bị Quốc Dân Đảng giết chú có thể cho biết cái thời gian đó không?
NĐT: Thực ra thì cái thời gian đó, có lẽ rằng thì chú không nhớ rõ nhưng mà bắt đầu đánh nhau với Việt Minh đó, là tại ngay Yên Bái, chứ không phải là tại Lào Cai, thì là vào mùa hè 46, vào mùa hè 46, rồi đánh nhau cho đến.
LMH: Tức là khoảng tháng mấy năm 46, chú có nhớ không?
NĐT: Chú biết là cái hồi đó nực lắm, nóng nực, mà không nhớ vào mùa hè thì là chắc phải vào tháng 6, à tháng 7, tháng 6, tháng 7 vì lúc đó nóng lắm, trên trên đó nóng lắm, nóng hơn ở Hà Nội nhiều thì đánh nhau cho đến, cho đến khi mà phải rút lên Lào Cai.
LMH: Độ cầm cự được bao lâu ở Yên Bái thì phải rút lên Lào Cai?
NĐT: Vào khoảng được độ 2 tháng, lúc rút lên Lào Cai thì là chú bị thương đó, chú bị thương ở Yên Bái, rồi là rút lên Lào Cai.
LMH: À một cái, vâng, bây giờ thì chú có thể cho biết về một số tổ chức, với lại sinh hoạt ở trường lục quân Yên Bái?
NĐT: Lúc khi mà chú lên Yên Bái đó thì là một số anh em khác cũng lên rồi nhưng mà cũng mới lên thôi, lúc bấy giờ tổ chức, tổ chức chia ra đội thì lại có một số anh em đi trước thì là đội A, chú đi sau mấy ngày thì thành đội B thì mới đầu chỉ có hai đội thôi. Thì mỗi một đội như thế thì vào khoảng độ trên dưới 100, chú không rõ, nắm được con số hẳn nhưng mà trên dưới 100, thì bộ đội B thì cũng chia ra, thành ra gọi là bộ đội B, thực sự ra không phải là tiểu đội, không phải là đại đội, hay là trung đội gì đâu, nó gọi là đội thế thôi. Thì cũng chia ra, trong bao nhiều người học viên đó thì chia ra cũng thành tiểu đội. Tiểu đội thì dựa theo cái quân số của Nhật mà làm. Thế rồi sau này thấy là không được bởi vì không đủ. Nếu mà theo đúng cái cái hệ thống tổ chức của quân đội Nhật đó thì không đủ quân số. Thế cho nên rằng là mỗi tiểu đội chỉ có 7, 8 người thôi. Thế rồi cũng tổ thành ra đại đội, thực sự ra nó không hẳn là đại đội nhưng mà thường thường là sinh hoạt như thế là sinh hoạt kiểu tiểu đội nhiều hơn vì quân số là không đủ đó. Thế ở trên trường đó, ngoài ông hiệu trưởng ra, để xem có mấy ông: Ông hiệu trưởng, ông phó, ông đoàn trưởng, độ khoảng độ 7 người. Sau này là có lên thêm một, hai người nữa đó. Thì mấy tháng sau, độ 2 tháng sau, lúc mà còn Yên Bái đó, độ 2, 3 tháng sau thì lại lên ra một mớ nữa, tức là thuộc Thanh Niên Quốc Gia Đoàn.
Thì đấy là Phạm Văn Liễu đi sau cùng đoàn, đi vào cái chuyến đó. Thì lên đó thì các anh đã học muộn rồi, trong khi đó tụi này học được hai tháng rồi. Nhưng mà cái lối học của người Nhật thì cũng hay lắm. Mới đầu sinh viên học: Cơ bản thao diễn, rồi học Triển khai tiểu đội như thế nào, rồi tập bắn, tập bắn thì buồn cười lắm.Tất cả lúc lên trên đó thì chỉ có một vài người có súng thật, còn thì là ở dưới tỉnh uỷ đó-Yên Bái đó, phải làm gấp súng gỗ, để cho học sinh có cái để tập. Thế thì chủ yếu – chủ yếu chỉ là súng gỗ tập thôi, với lại trên đó sẵn tre đó thì chặt tre ra, thành ra vót nhọn ra thành như một thứ vũ khí đấy. Thế thì cũng tập cách đi, đứng, rồi quan sát, rồi canh gác: Ngày như thế nào, đêm như thế nào. Thế còn về học đó thì là tiến, lui như thế nào. Đấy là ngoài Cơ bản thao diễn ra thì bắt đầu học về gọi là chiến thuật đó. Thì có đặc biệt có một cái này, là trong khi học như thế thì chương trình dạy học của các giáo quan Nhật đó thì lồng thế này là: Cho học ngay cái về cái tổ chức sư đoàn, cho một cái ý niệm về sư đoàn. Tuy rằng lúc bấy giờ, không thể nói rằng thì mình có thể sử dụng được cái đó. Thế nhưng mà học cái đó, tự nhiên nó có một cái nức lòng đó, chứ thực ra nếu mà có dạy cho đến nơi, đến chốn thì không thể nào mà dạy ngay về cái cái cái hệ thống sư đoàn nhưng cần nhất, chú nhận định thấy là ông dạy cái gọi là về chiến thuật giả tưởng, chiến lược giả tưởng, của sư đoàn.
Thế thì mình, ông nói hay lắm: Còn các anh sau này sẽ là chỉ huy thì vì thế cho nên tôi phải đưa cái phần này vào cho các anh học. Nhưng mà học, không phải học kỹ lắm đâu, nghĩa là như một cái tổng quan thế này, cho biết như thế thôi, trông thấy rằng thì là cái mối tương quan của một tiểu đội, hay của một trung đội, của một đại đội hay một tiểu đoàn đó, nó sẽ liên quan như thế nào với lại sư đoàn. Thế thì cái đó có được học. Nhưng không phải là học như cái căn bản thì học nhiều lắm thì nghĩa là cách chiến đấu, cách triển khai, cách tiến công như thế nào, mà đến lúc mà phải rút lui thì rút lui như thế nào thì học kỹ hơn. Chứ còn cái gọi là cái cái chiến lược, với chiến thuật giả tưởng ấy thì là độ 1, 2 tuần, à 2 tuần mới được học một lần.
LMH: Lúc đó tức là Yên Bái nằm trong tay Đại Việt, hay là trong tay Quốc Dân Đảng?
NĐT: Thực ra nếu mà nói về cái trường ấy thì là của Đại Việt. Thế còn dưới đó thì là vừa có những đảng viên Đại Việt, làm ở trong tỉnh uỷ, vừa có đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cái chỗ đó, sau này thì chú mới hiểu là ông Trương Tử Anh ông ấy hoà nhập đảng, nghĩa là thống nhất đó, thống nhất. Thì lúc bấy giờ, chỉ lấy có một chữ Quốc Dân Đảng thôi, không phân biệt Đại Việt, cũng không phân biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau này đến lúc mà ông Vũ Hồng Khanh phải chạy lên trên trên phía bắc đó, tức ông không ở Yên Bái nữa, ông phải chạy luôn lên Lào Cai đó thì lúc bấy giờ mới thấy rõ rệt, cái Việt Nam Quốc Dân Đảng, với Đai Việt. Mà giúp Đại Việt là có thể gọi là đại diện cho Đại Việt chính là cái trường. Mà sau này chính ông Vũ Hồng Khanh làm cho cái trường hỏng, là không có, không có tận tình giúp đỡ về-nói thẳng ra về lương thực, anh em đói.
LMH: Thì trong cái hôm trước thì chú có nói đến cái chuyện là có những cái sự gọi là phản bội của Quốc Dân Đảng đó thì chú có thể cho biết một số những cái hành động, mà chú gọi là phản bội của Quốc Dân Đảng?
NĐT: Nếu mà nói chi tiết từng vụ một thì chú không có. Nhưng mà ngay ở trên trường mà trông thấy đó thì thấy rõ này này: Trước hết là dùng trường làm cái lực lượng chính, để bảo vệ Yên Bái-Quốc Dân Quân đó, tức là Quốc Dân Quân của tỉnh uỷ thế nọ kia đó. Thì thường thường mà khi nào cứ bị áp lực, thế thì cứ lôi lôi trường ra thôi, lôi sinh viên ở trường ra đi đánh, đi đánh đến tận phố Lu, giải toả cái áp lực của của Cộng Sản đối với Lào Cai, bảo vệ cho cho cái đám ông Vũ Hồng Khanh đó.
Thì ông-cái đám ông Vũ Hồng Khanh ở riêng và đối với nhà trường đó thì không có cái gì là gọi là tình đồng chí cả- trông thấy rõ, trước hết là về lương thực đó. Trước kia ở cái tỉnh uỷ Yên Bái thì cái ông Hải là tỉnh uỷ thì ông tốt với trường lắm, chăm lo có đủ hết cả tuy là ăn khổ nhưng mà còn có cái ăn. Lên trên Yên Bái đó, có lúc đói, thiếu gạo, thế thì đến nỗi mà các ông giáo quan Nhật phải kêu cơ mà. Thế thì nhưng mà riêng về phía các giáo quan, lúc nào cũng chu biện đầy đủ, chứ không có để thiếu, kỳ thị lắm.
Đối với Đại Việt, ông Vũ Hồng Khanh rất là kỳ thị: Bảo Ngọc này, Vũ Hồng Khanh, Triệu Việt Hưng, ba cái tên đó là tên, chú không bao giờ chú quên cả. Nó-có thể gọi là tàn ác đó, đối với anh em Đại Việt Quốc Dân Đảng đó-trông lúc nào cũng khinh khỉnh, lúc nào cũng nói nọ kia, lên mặt đó. Tức đặc biệt nhất là càng lúc bị áp lực thì mới càng trông rõ cái bọn đó. Ngay ra như chằng hạn như lúc sinh viên phải đi chợ lấy, ra chợ Cốc Lếu đó, Lào Cai. Ở chợ Cốc Lếu thì có hơn là không Lào Cai không có chợ đấy thì sang bên Cốc Lếu. Thì trông thấy rõ rằng thì là nhà bếp của bên Vũ Hồng Khanh đi mua toàn thứ ăn ngon cả, trông thấy rõ ngay, mà bên này đó thì là rất nghèo, cùng lắm thì mua được ít rau, ít rau, không bao giờ có thịt cả, thì cái đó cũng không sao, cũng quen rồi. Nhưng mà những người mà đã bị thương đó thì Vũ Hồng Khanh, cũng chẳng nhìn hay là đến thăm thiếc gì cả.
Thứ 2 nữa là, lên Lào Cai đấy thì thành ra, chẳng hạn như bộ đội B của chú, sau này chú phải coi đó thì ở trên cái đồn, cái đồi của lính khố xanh riêng biệt, đồi riêng biệt, chỉ có một đường độc đạo lên đồi ấy thôi. Thế còn bộ đội A thì ở dưới thung lũng, tức à ở trong tỉnh Lào Cai, trong tỉnh Lào Cai. Thì là ở đấy, các anh ấy sống với nhau nọ kia. Sau này thì là, cái này sau này thì chú nói rõ hơn, sau này chú gặp chẳng hạn, chú gặp Phạm Xuân Chiểu nọ kia, cái này chú sẽ nói sau, như là không có cái cái liên hệ, bao giờ cũng có cái cách biệt là đội A, với đội B, sau này đội C, cũng đưa một phần đội C vào đội B, thì chú coi cả, một phần nhưng mà không có Phạm Văn Liễu, Phạm Văn Liễu là ở cái phần kia.
LMH: Nhưng mà như vậy, tức là cái bộ chỉ huy là riêng dưới ông Vũ Hồng Khanh, còn thì nghĩa là trường, với lại sinh viên thì là đặt dưới cái sự điều động của họ, không có một cái bộ chỉ huy riêng?
NĐT: Bộ chỉ huy là chính là các ông giáo quan là bởi khi cần đến thì là lệnh cho bên này thì ông giáo quan phải đưa đi. Ông giáo quan phải phải đi theo mà chỉ dẫn đánh như thế nào, đánh như thế nào. Thì lúc đánh ở Yên Bái mà chú bị thương đấy cũng vậy, ông giáo quan cùng đi nhưng mà lúc bấy giờ thì không có Việt Nam Quốc Dân Đảng. Việt Nam Quốc Dân Đảng thì ở dưới tỉnh. Cái trại là cái trại của lính lê dương trước, thành ra riêng biệt hẳn. Bộ chỉ huy là các ông giáo quan, chứ không có gì dính dáng đến Vũ Hồng Khanh cả, cho đến khi Vũ Hồng Khanh chạy, bỏ chạy Hà Nội đó, lên Yên Bái thì nghỉ tý, thì lên Lào Cai ngay.
LMH: Không, cháu muốn nói tức là bộ chỉ huy chung đó, tức là không phải nói bộ chỉ huy đơn vị nhưng bộ chỉ huy chung, để mà điều động cái đơn vị, đi đánh chỗ này, chỗ kia, tức là họ nằm riêng và ở trong tay Quốc Dân Đảng kiểu?
NĐT: Cái đó là đúng, cái đó cái đó đúng là bởi thực ra, gọi là ở trên đó thực sự ra ngay cả các anh em bộ đội A cũng không biết, không ai biết rõ hẳn, chỉ biết bảo rằng thì là tự nhiên có một cái, nó bảo đi đánh. Thế là lúc bấy giờ ông, các ông hiệu trưởng, với lại các ông đoàn trưởng Nhật nọ kia ấy, đến coi nọ kia mới bảo đơn vị nào, đơn vị nào đi thì các ông đi theo, đi theo đánh xong lại về, giải tỏa xong rồi, đi về. Mà trong khi làm như thế thì không có một sự liên lạc trực tiếp gì giữa trường, với với bên Vũ Hồng Khanh cả, hay là có là cũng chỉ qua cái ông, cái hệ thống nào, mà các học sinh không biết, các sinh viên không biết.
LMH: Thì chú nói đến cái lúc mà ở Cốc Lếu đó thì mấy ông giáo quan Nhật bị giết hết, trừ ông hiệu trưởng đó, chú có thể cho biết thêm chi tiết về cái vụ đó không?
NĐT: Ngay cả chi tiết cả trường không ai biết, đến lúc chết rồi thì mới biết, mà lên anh em sau này, là chú tới cái chỗ đó, hãy còn có vết máu nhưng mà cái lý do, sau này lý do, bảo chỉ vì rằng thì ông muốn lột vàng của các ông ấy, đấy là mình nghe thôi, chứ chú không có bằng chứng. Sau này chỉ nghe là là chỉ muốn lột vàng của các ông ấy. Vì lúc ông-các ông ấy theo sang Đại Việt với ông Trương Tử Anh ấy, thì riêng các ông ấy-mỗi người đều có một số vàng. Mà không phải Đại Việt chi trả, này là các ông đi đến-đi làm tức là coi như là tự nguyện đấy. Mà mà các ông ấy cũng có chết đấy nhá. Cái ông gọi là cái ông đội trưởng người Nhật, mà coi cái đội B của chú đó chết trong tay chú mà, lúc bắn, lúc đánh nhau ở Yên Bái đó. Đánh mấy trận cơ, những trận trước thì chú không bị thương, đến lúc trận cuối cùng, để mà mà giải toả một cái lực lượng của Việt cộng-nó đánh từ Yên Bái lên đó thì đến cái đồn điền Blanc thì chú bị. Thì lúc bấy giờ là cách trận, mấy trận trước, độ 1, 2 tháng ấy. Thế thì ông Quốc chết cái chỗ đó. Rồi sau đó một ông nữa, không biết ông nào chết đó, không, có mình ông Quốc chết thôi vì chú chắc chắn là vì ông chết trong tay chú mà.
LMH: Thế bây giờ, trở lại tiếp tục cái thời gian đó thì khi chú Hà Nội-à khi chú ở Lào Cai chú về Hà Nội, tức là vào tháng chạp năm 46?
NĐT: Cuối tháng 11-ớ chú về trước đó, sau này thì là đến 19 tháng chạp thì là chú chú chứng kiến cái vụ đánh nhau. Chứng kiến, chứng kiến thấy nổ mà, 8 giờ tối nổ ngay, thế thì chú về trước ngày 19 tháng 6 độ vài tuần-độ 2, 3 tuần gì đó.
LMH: Trong cái lúc thời gian mà Tây đánh Hà Nội, ngày 19 tháng chạp đó thì chú làm gì?
NĐT: À lúc bấy giờ thì là lúc mà chú về được đấy, trước ngày 19 tháng 6 độ 2, 3 tuần gì đó thì chú cũng lêu bêu lắm, mất liên lạc, không biết thế nào cả, mà cũng không biết ông Phương như thế nào nữa cơ. Nghĩa là cứ đi tìm thôi, đi tìm mãi không được, chú mới trở về cái nhà của ông bác sĩ, mà tức là bố mẹ anh Trần Mộng Lân đó thì ông bà biết chú, không những biết chú mà thôi, là vì các học cùng chung trường với các con. Thứ 2 ông bà cũng biết bên gia đình chú, thế thành ông bảo: Con cứ ở đây thì từ đấy, chú ở đấy. Chú ở lại trước, chú ở lại trước ngày 19 tháng chạp, độ 1 tuần đó thì xảy ra cái vụ 19 tháng chạp.
LMH: Thế trong cái ngày đó thì chú làm gì?
NĐT: Không, không làm gì cả là bởi vì đánh nhau thì là không được ai ra đường nữa, mà có muốn ra cũng được nhưng mà ra có thể chết là vì đương đánh nhau mà. Thế còn cái nhà của ông bác sĩ đó, lại ngay trước mặt cái nhà in IDEO (Imprimerie de l’Extreme Orient), cái nhà in IDEO to lắm nhà đấy, cái nhà in ấy cháy, cháy ầm ầm lên. Bên này đường thì là cái dãy nhà không bị gì cả, mà cũng không bị Việt Minh đánh, cũng không bị Việt Minh lục lọi thế kia. Nhưng mà quá dưới, đường Đỗ Hữu Vị nọ kia đó, cách đấy có mấy trăm thước, độ đi bộ khoảng độ, khoảng 500 thước thôi thì là nhiều nhà bị Việt Minh vào lục, mới nọ kia đó.Thế còn cái khu này lại không bị, nó đánh được cái IDEO rồi, đốt cái IDEO đó thì nó rút.
LMH: Sau đó Tây chiếm cái khu đó?
NĐT: Mãi sau này thì chiếm, nó giải toả mau lắm, nó giải toả trước hết là cái nhà máy điện, với cái nhà máy nước thì là cái dãy nhà mà trong đó có cái nhà của ông bác sĩ đó thì cũng ở trong cái khu gần nhà máy nước và cũng gần nhà máy điện đó, thế thành ra cái khu đó giải toả mau lắm.Thế giải toả mau thì lại êm, mà Tây nó không đi, nó không đi tuần đến đấy, thế mà nó không có nghĩa là chỗ đó hoàn toàn yên tĩnh, mà hoàn toàn gọi là yên đó, không có bị Việt Minh sục sạo gì cả.
LMH: Thế thì trong cái thời gian đó, tức là chú không có đi tản cư?
NĐT: Không đi được đó, đi, muốn đi được, đi tản cư thì thì không đi được, là vì có muốn cũng không biết đi thế nào cơ, là vì lúc bấy giờ hai bên còn đương đánh nhau. Tất cả, có thể gọi tất cả những cửa ô bị bít hết rồi. Nó đánh nhau, lại đánh nhau ở trong lòng Hà Nội đấy. Thế thì khó đi lắm, sau này, mãi sau này, sang năm 47, đến mùa hè năm 47 thì chú ra được.
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên