Connect with us

Văn hóa xã hội

Nguyễn Văn Vĩnh, nhà dân tộc chí thời thuộc địa

Nguyễn Đăng Thành

Published on

Đăng Thành

Lời giới thiệu: Nghiên cứu này được hoàn thiện từ một bản thảo tham luận của tác giả năm 2018, “Nguyễn Văn Vĩnh, nhà dân tộc học: một đánh giá”, vốn được chuẩn bị để trình bày tại buổi tọa đàm đã bị hủy “Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Một suy ngẫm về thành tựu nghiên cứu Dân tộc học” dự kiến do NXB Tri thức và HopeLab tổ chức, Giáo sư Chu Hảo chủ trì, vào thứ bảy, ngày 9 tháng Sáu năm 2018, 8:45 – 11:30, tại tầng 3 tòa nhà Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 53 phố Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tóm tắt:

Tôi bắt đầu với giả thuyết Nguyễn Văn Vĩnh quả thật là một nhà dân tộc chí, rồi đối lập về phương pháp nghiên cứu của ông với ba nhà dân tộc chí tiêu biểu thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau, theo sự phân loại của Trịnh Văn Thảo: 1) Trương Vĩnh Ký, 2) Phan Kế Bính, và 3) Nguyễn Văn Huyên. Nguyễn Văn Vĩnh đóng góp đáng kể so với Trương Vĩnh Ký và Phan Kế Bính ở chỗ xác định được vai trò chủ quan của bản thân nhà dân tộc chí trong tiến trình điền dã. Tuy nhiên phương pháp điền dã của Nguyễn Văn Vĩnh, so với của Nguyễn Văn Huyên, có một hạn chế: chưa đặt ra một bộ tiêu chuẩn để phân biệt chuyên gia cung cấp thông tin với người bình thường ở địa bàn điền dã. Lí do của hạn chế là Nguyễn Văn Vĩnh không tự coi ông là một nhà dân tộc chí, cho nên phương diện nhà dân tộc chí ở ông là một hệ quả của công việc làm báo hơn là một chủ đích chuyên nghiệp. Từ đó tôi đề xuất không nên đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh như một nhà dân tộc chí, một khía cạnh không nổi bật trong sự nghiệp của ông.

Abstract:

I began by assuming that Nguyễn Văn Vĩnh was indeed an ethnographer, then compared his ethnographic method to the method of three typical Vietnamese ethnographers from three successive generations, according to the distinction of Trịnh Văn Thảo: 1) Trương Vĩnh Ký, who was parted of the late 19 century generation, 2) Phan Kế Bính, was belonged the same generation with Nguyễn Văn Vĩnh, the 1907 generation, 3) Nguyễn Văn Huyên, a member of the 1925 geneartion. In contrast to the ethnographic method of Trương Vĩnh Ký and Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh’s made a fundamental contribution: recognized the importance of ethnographer as a field reseacher. When compard to Nguyễn Văn Huyên’s field method, Nguyễn Văn Vĩnh’s has a limitation: he had not established a set of standards to identify specialist informant from regular field informant. This limitation have a reason: Nguyễn Văn Vĩnh did not consider himself an ethnographer, thus his ethnographic work was just the consequence of his journalism career than a professional goal. Therefore I suggest against juding Nguyễn Văn Vĩnh as an ethnographer, because that aspect has not played a significant role in his total work.

Từ khóa:

Việt Nam thời thuộc địa, Dân tộc chí, Phương pháp dân tộc chí.

Key words:

Vietnamese colonial epoch, Ethnography, Ethnographic method.

Dẫn nhập

Tiến trình học tập và nghiên cứu văn hóa Việt Nam đối với một người ở trong và ở ngoài văn hóa đó có thể chia làm hai chặng (stages). Chặng thứ nhất là học tập từ những tài liệu chắc chắn, đã được giới chuyên môn kiểm định. Công việc liệt kê các tài liệu chắc chắn này được nhiều nhân vật thực hiện. Một ví dụ thời thuộc địa là Georges Bois, trong bài báo “Đọc gì về Đông Dương?”, đăng tuần san Indochine số 20, 23 tháng Giêng 1941. Georges Bois chia sự hiểu biết về Đông Dương, chủ yếu về Việt Nam, thành các vùng địa lý Bắc kỳ – Trung kỳ – Nam kỳ, và chia thành các bộ phận hợp thành xã hội và văn hóa Việt Nam (Mai Anh Tuấn, 2020). Mai Anh Tuấn, đầu năm 2021, đi theo cách làm của Georges Bois đã liệt kê 11 công trình kinh điển về Việt Nam trong thời thuộc địa (Mai Anh Tuấn, 2021). Cái lý của chặng đầu tiên là giả định có thể học về một văn hóa như thể anh chàng học ngoại ngữ từ việc diễn dịch ngữ pháp cho sẵn. Sau khi đi hết chặng thứ nhất, anh ta cần tiếp thu các tài liệu một cách phê phán, đồng nghĩa anh ta cần xét lại các công trình và những tác giả đã góp phần hình thành nhận thức của mình về văn hóa Việt Nam. Một loạt các tác giả viết các tác phẩm kinh điển về văn hóa Việt Nam đã được xét lại từ nửa sau thế kỷ XX, có thể kể tới Đào Duy Anh, tác giả của Việt Nam văn hóa sử cương in năm 1938, hay Nguyễn Văn Huyên, tác giả của Văn minh Việt Nam in năm 1944. Cho nên tôi không lựa chọn các học giả kinh điển đã được thừa nhận, đã được xét lại, nhưng lựa chọn một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, cụ thể hơn là một nhà dân tộc chí (ethnographer) trong thời thuộc địa chưa được đánh giá: Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936).

Cuộc đời kỳ khôi của Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng tới tận ngày hôm nay: thần đồng, 12 tuổi đỗ nhất kỳ thông ngôn 1893 – 1894, làm viên chức trong nhà nước thuộc địa suốt 10 năm, tự đứng ra làm báo năm 24 tuổi tại Hà Nội. Nguyễn Văn Vĩnh, đối với người cùng thời, nổi tiếng ở tư cách một nhà chính trị, một nhà làm báo và làm xuất bản, trên hết là một dịch giả lớn (Phan Khôi, 2014). Sự tồn tại của Nguyễn Văn Vĩnh là biểu hiện tột cùng của một tầng lớp mới xuất hiện tại Việt Nam vào thập niên đầu của thế kỷ 20 trong cuộc đô hộ của Pháp, được sử gia Phan Khoang (1906 – 1971) gọi tên “tân tư bản trung lưu”. Những người này có cuộc sống sung túc hơn người nông dân, do đã tách khỏi những công việc nông nghiệp và thủ công nghiệp của nông dân, để chuyên môn hóa một nghề nghiệp cụ thể trong những thành phố (Phan Khoang, 1971, 439 – 440). Họ có hai lựa chọn chính: làm việc cho chính quyền thuộc địa hoặc trở nên các trí thức tự do, chủ yếu sống bằng dạy học, làm xuất bản và báo chí. Sự lựa chọn thứ hai chỉ thực sự nổi lên ở Bắc kỳ – địa bàn hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh – từ những năm 1920. Kỹ thuật in ấn đã được cải tiến và giá thành ấn phẩm sách và báo hạ thấp. Báo chí phổ thông giá rẻ xuất hiện, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, đặc biệt là tầng lớp tân tư bản trung lưu ở đô thị. Từ năm 1922 – 1940, Shawn Frederick McHale khai thác tư liệu của Sở Mật Thám, đã có 13.381 đầu sách, báo được xuất bản ở Việt Nam (Shawn Frederick McHale, 2004, 18). Tờ báo phổ thông chạy nhất Đông Dương năm 1933 là tuần báo Phong hóa tại Hà Nội, in từ 7.000 tới 8.000 bản mỗi kỳ (Phan Khôi, 2013). Các tân tư bản trung lưu nhờ đó có thể tập trung nghiên cứu để, từ cuối thập niên 1920, đăng các công trình lên các tờ báo phổ thông, chứ không chỉ xuất bản sách và đăng trên các tạp chí khoa học. Phan Khôi (1887 – 1959) đăng loạt 21 bài báo Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta trên nhật báo Trung Lập tại Sài Gòn, từ số 213 (1 tháng Mười 1929) tới số 249 (17 & 18 tháng Mười một 1929). 21 bài báo này được Lại Nguyên Ân tập hợp cùng các bài báo cùng chủ đề của Phan Khôi để trở nên tuyển tập Ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, in năm 2018, dày 412 trang, khổ lớn 16 x 24 cm. Các bài báo của Phan Khôi xét về mức độ dày dặn không thua kém các công trình nghiên cứu đã in sách cùng giai đoạn.

Các tác phẩm nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh được chúng tôi lựa chọn có cùng cách cấu tạo như tuyển tập Ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi năm 2018. Đó là bản dịch chọn lựa 33 bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng trên tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau [Nước Nam mới] từ năm 1931 đến 1933, dưới tên chung: Lời người Man di hiện đại: phong tục và thiết chế của người An-nam, do cháu nội của ông Nguyễn Lân Bình, và Nguyễn Lân Thắng chủ biên, Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong cùng Dương Tường dịch, được NXB Tri thức phát hành năm 2013, 224 trang, khổ 13 x 20.5 cm, in 1.500 bản, chưa được tái bản. 33 bài báo được hai chủ biên xếp thành bốn phần: 1) loạt 24 bài “Làng với người An Nam” đăng báo năm 1931, 2) 3 bài “Chơi họ, một hình thức kinh doanh tài chính của người Việt” cũng đăng báo 1931, 3) một bài báo “Các phương pháp bói toán lai Tàu lai ta” đăng năm 1931, 4) loạt 5 bài nghiên cứu ruộng đất và lúa gạo đăng rải rác trong năm 1931, 1932 và 1933. Lướt qua sự tổ chức của hai người chủ biên, người ngày hôm nay thấy 1931, thời điểm xuất hiện tờ L’Annam Nouveau, là năm xuất hiện liên tục các nghiên cứu dân tộc chí về phong tục và thiết chế ở làng xã của người Việt Nam, đúng hơn, của người Việt ở Bắc Bộ. Việc nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh đã được hình thành rất lâu trước đó, từ số 61 của Đông Dương tạp chí (Trịnh Văn Thảo, 2013, 446).

Định danh “nhà dân tộc chí”

Sự định danh Nguyễn Văn Vĩnh là “nhà dân tộc chí” (ethnographer) chưa được biết đến trong tác phẩm của các nhà nghiên cứu Việt Nam thời thuộc địa. Định danh được biết đến nhiều nhất là nhà xã hội học (sociologist), cụ thể là nhà xã hội học Durkheimian. Điều này được chứng thực ở cả người ngoài chuyên môn lẫn người chuyên môn. Hoàng Ngọc Phách (1896 – 1973), nhà phê bình và nghiên cứu văn học, song nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Tố Tâm in năm 1925, đã chủ tâm để lộ các quyển sách mà một trong hai nhân vật chính của tiểu thuyết, Đạm Thủy, nghiền ngẫm: “Sách vở phần nhiều thuộc về khoa triết học, đại khái như tâm lý học, luân lý học, như xã hội học của Durkheim […] Hy vọng của bạn tôi muốn đem những khoa ấy mà so sánh và tham bác với lý tưởng Á Đông rồi lấy quốc văn mà diễn ra một thứ luân lý, sư phạm thích hợp với tính tình người Nam Việt” (Hoàng Ngọc Phách, 2016, 26 – 27). Những lập luận của Hoàng Ngọc Phách trong tiểu thuyết, dẫu bị lấn át bởi tình yêu đau khổ của Tố Tâm và Đạm Thủy, thể hiện đúng luận thuyết của Durkheim, coi luân lý là một sự vị xã hội (social fact), áp đặt lên mọi cá nhân, đấu tranh rồi chiến thắng sự thất thường của tình cảm cá nhân. Một người chuyên môn là Nguyễn Văn Huyên, trong luận văn tiến sĩ Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, định danh bản thân như một nhà xã hội học (Nguyễn Văn Huyên, 1995, 131).

Sự nhập nhằng về thuật ngữ ở các nhà nghiên cứu Việt Nam thời thuộc địa tới từ sự nhập nhằng tại Pháp. Truyền thống Pháp từ Auguste Comte (1798 – 1857) đã đặt xã hội học “không những là một khoa học mới nhưng là khoa học tối thượng của con người, nhằm bao gồm công trình của tất cả khoa học khác” (Claude Levi-Strauss, 2021, 35). Các môn dân tộc chí và dân tộc học ở Pháp mới xuất hiện giữa thập niên 1920 với hai thiết chế là Viện Dân tộc học và Bảo tàng Con người. Sự xác định các thuật ngữ liên quan chỉ được xảy ra ở Pháp vào năm 1958 khi Claude Levi-Strauss (1908 – 2009) xuất bản tuyển tập tiểu luận Nhân học cấu trúc, rồi một năm sau, 1959, được bầu giữ ghế giáo sư Nhân học Xã hội tại Học viện Pháp. Thuật ngữ “dân tộc chí” được định nghĩa “tương ứng với các bước đầu của sự nghiên cứu: quan sát và miêu tả, điều tra hiện trường. Một địa phương chí, nhắm vào một nhóm hạn chế vừa đủ để tác giả có thể tập hợp phần lớn thông tin của mình bằng kinh nghiệm cá nhân, tạo thành đích loại hình của sự khảo cứu dân tộc chí. Chỉ nói thêm rằng dân tộc chí cũng bao gồm cả những phương pháp và kỹ xảo liên quan đến việc điều tra hiện trường, việc xếp hạng, việc miêu tả và phân tích các hiện tượng văn hóa đặc biệt” (Đoàn Văn Chúc, 1997). Xét về mặt thuật ngữ theo tiêu chuẩn của Claude Levi-Strauss thì Nguyễn Văn Vĩnh, qua 33 bài báo được dịch rồi tập họp trong tuyển tập Phong tục và thiết chế của người An-nam xuất bản năm 2013, được tôi giả định là một nhà dân tộc chí.

Việc đánh giá của tôi bó hẹp trong giả định về sự tồn tại của nhà dân tộc chí Nguyễn Văn Vĩnh qua khảo sát quyển sách in năm 2013 tập họp 33 bài báo. Giả định của tôi về kích cỡ mẫu khảo sát và vị thế của Nguyễn Văn Vĩnh như một nhà dân tộc chí đã được Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) phần nào xác thực. Nguyễn Văn Huyên đã đặt loạt bài báo “Làng với người An Nam” của Nguyễn Văn Vĩnh in năm 1931, trở nên 1/11 tài liệu tham khảo tóm lược trong chương 3 “Làng”, thuộc công trình được đánh giá là chắn chắn và khả tín về văn hóa Việt Nam, Văn minh Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên, 2016, 116). Công trình của Nguyễn Văn Huyên được viết theo nghị định 23 tháng Tư 1938 do Toàn quyền Đông Dương ký để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn Văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới thành lập (Nguyễn Văn Huyên, 2016, 315). Trong số 11 tác giả có công trình được Nguyễn Văn Huyên tham khảo ở chương 3 “Làng”, duy nhất Nguyễn Văn Vĩnh không chuyên môn về dân tộc chí, hoặc nói rộng, về nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam.

Vai trò chủ quan của nhà dân tộc chí

Sau khi đã trình bày giả định của tôi rằng Nguyễn Văn Vĩnh như một nhà dân tộc chí Việt Nam thời thuộc địa, tôi cần đối lập phương pháp dân tộc chí của ông với phương pháp của ba nhà dân tộc chí tiêu biểu thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau thời thuộc địa. “Vượt lên trên các tiêu chí sinh học về tuổi tác”, Trịnh Văn Thảo viết trong công trình Ba thế hệ trí thức người Việt, “thuật ngữ “Thế hệ” đặc biệt phù hợp khi dùng để chỉ một tập hợp các cá nhân có chung những trải nhiệm sáng lập và hiểu biết về cùng những hình thái ban đầu của việc xã hội hóa” (Trịnh Văn Thảo, 2013). Trịnh Văn Thảo do đó phân loại các trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc thành ba thế hệ kế tiếp nhau: 1) thế hệ 1858, vẫn lưu giữ truyền thống bản địa, 2) thế hệ 1907, thế hệ “giữa hai thế giới” truyền thống và phương Tây hiện đại, 3) thế hệ 1925 đã xác định phương Tây hóa. Nguyễn Văn Vĩnh xét vậy, cùng với người bạn và cộng sự thân thiết của ông, cũng là một nhà dân tộc chí, Phan Kế Bính (1875 – 1921) thuộc thế hệ 1907. Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, dựa trên số lần tái bản liên tục từ nửa sau thế kỷ 20, thuộc số ít công trình chắn chắn dẫn nhập vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nhà dân tộc chí tiểu biểu của thế hệ 1858 được lựa chọn là Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), người bách khoa nhất thế hệ của ông, và được nhà sử gia Nguyễn Đình Đầu ca ngợi là một trong những tiên khơi của bộ môn dân tộc chí và dân tộc học ở Việt Nam (Nguyễn Đình Đầu, 2016, 193). Nhà dân tộc chí tiểu biểu của thế hệ 1925 tất nhiên là Nguyễn Văn Huyên – người cùng với Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) và Trần Đức Thảo (1917 – 1993) là ba trí thức được đào tạo chu đáo nhất trong thế hệ của họ.

Phương pháp dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh trong loạt 33 bài báo của tuyển tập in năm 2013 được dựa trên sự điền dã lâu dài. Nguyễn Văn Vĩnh đã tận dụng chín năm điều hành Hội đồng Tộc biểu, tổ chức hậu thân của Hội đồng Kỳ mục được thành lập năm 1921, tại làng nguyên quán của ông, làng làng Phượng Vũ (thuộc xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông), để quan sát và ghi chép phong tục, thiết chế người Việt ở Bắc bộ, bắt đầu từ năm ông 39 tuổi. ”Năm 1921, với sự giúp đỡ chân tình của ngài Thống sứ [Thống sứ Bắc Kỳ] và ông Tổng đốc tỉnh, tôi đã làm cho mình trở thành Chánh hương hội của làng” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 55). Trong một số báo khác, L’Annam Nouveau số 8 năm 1931, ông tiếp tục khẳng định kinh nghiệm và lợi thế điền dã dân tộc chí. “Để viết những dòng này, tôi xin viện dẫn cái chức Chánh hương hội của làng tôi, bởi lẽ trong suốt 9 năm tôi đã điều hành Hội đồng làng xã [Đăng Thành: Hội đồng Tộc biểu], tôi đã có cơ hội tiếp thu những khái niệm về làng xã của người An-nam, những khái niệm mà nói chung dân thành thị không có và cũng chẳng thèm quan tâm” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 73). Phương pháp điền dã dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh có trước khi nước Pháp lần dầu hình thành hai thiết chế về dân tộc chí, do đó cách làm của ông đến từ chủ đích chính trị đã nắm vị trí cao nhất của Hội đồng Tộc biểu trong ba nhiệm kỳ, cùng sự tò mò. Phương pháp điền dã dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh thật thế vừa rất gần với một trường phái xã hội học Durkheimian đang thịnh hành ở Pháp và Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng vẫn tồn tại cách biệt. Yêu cầu tối cao của trường phái Durkheim là nhà nghiên cứu phải từ bỏ sự tư biện triết học, đánh tráo sự kiện xã hội bên ngoài đời sống thành các khái niệm trong đầu óc mình, cho bằng phải cố gắng nghiên cứu các sự kiện một cách thực chứng, độc lập với tồn tại và nhận thức của anh ta, rồi dùng một ngôn ngữ trong suốt để trình bày (Emile Durkheim, 2012). Phương pháp của Nguyễn Văn Vĩnh đồng thuận với yêu cầu của Durkheim, ở chỗ một người tân tư bản trung lưu ở thành phố, đứng đầu Hội đồng Tộc biểu vốn chỉ có trách nhiệm quản lý chung, đã kiên nhẫn để tiếp thu những kinh nghiệm rất khác ở người nông thôn, mà những người thành phố khác không để tâm tới. Nhưng phương pháp của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn đối lập với phương pháp của Durkheim ở chỗ Nguyễn Văn Vĩnh không tin rằng có một hiểu biết trong suốt, độc lập với sự tồn tại của nhà dân tộc chí. Nói khác, hiểu biết dân tộc chí chỉ có thể hình thành dựa trên sự tương tác giữa nhà nghiên cứu với thực địa, nó luôn chứa phần chủ quan của anh ta. Nguyễn Văn Vĩnh vì vậy nhắc hai lần trong loạt 24 bài báo “Làng với người An Nam” về vị thế của mình trong cuộc điền dã: một vị quan chức trong tương quan với người dân. Lịch sử dân tộc chí và dân tộc học ở Việt Nam quả thật đã có trường hợp về sự đối lập kết quan nghiên cứu trong cùng một địa bàn, cùng một vấn đề, giữa hai nhà nghiên cứu có vị thế khác nhau, là Jean Cuisinier và Từ Chi cùng nghiên cứu người Mường. Jean Cuisinier tới địa bàn với vị thế một nhà nghiên cứu Mẫu quốc, được những vị quan chức trong vùng cung cấp thông tin, đã trình bày một thực tại (reality) rất khác so với thực tại mà Từ Chi, một nhà dân tộc chí và dân tộc học độc lập từ những năm 1960, đã trình bày (Đỗ Lai Thúy, 2005, 243 – 244). Dẫu chưa tồn tại một sự đảo ngược vị thế của nhà dân tộc chí trong nghiên cứu làng Việt ở Bắc bộ của Nguyễn Văn Vĩnh, như sự đảo ngược Jean Cuisinier – Từ Chi đối với người Mường, thì người đời sau cần ghi nhận trực giác về phương pháp điền dã của Nguyễn Văn Vĩnh, và lợi ích nó đã đem lại.

Sự chú ý đến vị thế của nhà nghiên cứu là điểm mạnh trong phương pháp dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Đối lập với phương pháp của hai nhà dân tộc chí được tôi giả định là tiêu biểu của thế hệ 1858 và 1907 là Trương Vĩnh Ký và Phan Kế Bính quả thật có khoảng cách xa. Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, đăng trên Đông Dương tạp chí từ năm 1913 tới 1914 không dành lấy một dòng để trình bày về phương pháp nghiên cứu dân tộc chí, do đó không nhắc tới vị thế của nhà nghiên cứu để quan sát hiện tượng. Xét về phương pháp dân tộc chí thì Nguyễn Văn Vĩnh quả thật vượt trội người cộng sự thân thiết của ông, Phan Kế Bính.

Vấn đề phương pháp dân tộc chí của Trương Vĩnh Ký phức tạp hơn trường hợp Phan Kế Bính. Hai tiểu luận của Trương Vĩnh Ký nghiên cứu cùng chủ đề với 33 bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh là “Tổng và xã thôn dưới thời đầu thuộc địa” và “Phong tục tập quán của người An Nam” đều in năm 1878. Trương Vĩnh Ký đã không nêu rõ phương pháp nghiên cứu, điều mà ông đã từng làm được trong tiểu luận “Kiến vàng và kiến hôi” xuất bản năm 1866. “Tôi xin phép được tóm tắt ngắn gọn thành quả từ các quan sát của tôi. Ở tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt ở huyện Cái Nhum và Cái Mong quê tôi, tôi luôn thấy những người trồng cam quýt đặc biệt để ý đến chuyện nuôi các tổ kiến vàng khi muốn nhân thêm các cây bụi. […] Đến nay tôi đã có thể quan sát, suy ngẫm, cùng với kinh nghiệm của bản thân và của những người khác, tôi cho rằng kết luận rút ra sẽ được công nhận rộng rãi.” (Nguyễn Đình Đầu, 2016, 214 – 215). Một tác phẩm khác Trương Vĩnh Ký trình bày phương pháp nghiên cứu của bản thân – quan  quan sát và mô tả – là “Rau câu” xuất bản năm 1876. Trương Vĩnh Ký quả thật chứa khả năng có thể chuyển phương pháp quan sát từ lĩnh vực động vật và thực vật để miêu tả xã hội con người như môn dân tộc chí. Mầm mống này cũng thể hiện Trương Vĩnh Ký không phải không chú ý đến việc công việc ghi chép để nghiên cứu. Ngược lại ông rất ham ghi chép sự quan sát của mình. “Phàm học gì hay đi đến đâu, thấy gì, ngài cũng biên kỹ, để sau làm tài liệu cho việc tra cứu trước tác” (Đào Văn Hội, 2017, 207). Dù gì mặc lòng, trong sự đối lập về phương pháp nghiên cứu, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn trội hơn Trương Vĩnh Ký.

Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Văn Huyên

Nguyễn Văn Vĩnh dẫu trội hơn hai nhà dân tộc chí thế hệ trước là Trương Vĩnh Ký và Phan Kế Bính ở phương pháp điền dã dân tộc chí, vẫn chưa thực hiện triệt để phương pháp ấy. Điều này được làm rõ trong sự đối lập phương pháp của ông với của một nhà dân tộc chí tiêu biểu của thế hệ ngay sau ông là Nguyễn Văn Huyên.

Nguyễn Văn Vĩnh, cũng như Nguyễn Văn Huyên, đã trình bày địa điểm và quãng thời gian tham dự điền dã trong chín năm. Nguyễn Văn Vĩnh buộc có mặt tại đình làng Phượng Vũ ít nhất hai lần một tháng, vào ngày mùng 1 và rằm, để họp Hội đồng tộc biểu. Tuy vậy ông chưa nói rõ đã thực hiện mỗi chuyến điền dã trong quãng thời gian bao lâu, đã gặp những ai để thu thập thông tin. Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách nhà dân tộc chí đã trực giác được sự quan trọng của người nghiên cứu trong việc diễn giải hiện tượng, cần thiết viết rõ ràng và trung thực quá trình điền dã của mình. Nguyễn Văn Vĩnh đã không trình bày cụ thể được, nhưng đã khái quát hóa sự quan sát tới nhiều làng vùng Bắc Bộ. Dẫu vậy ông hiểu sự khác nhau giữa các làng Bắc bộ. “Những tập quán và phong tục đặc biệt của mỗi làng là chủ đề của chuyên khảo nghiên cứu mang lại những lợi ích lớn. Việc nghiên cứu này dường như là không giới hạn vì có một số phong tục kỳ lạ có thể gây sự ngạc nhiên đặc biệt.” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 21). Tiểu luận Nguyễn Văn Vĩnh nghiên cứu cách phân chia đơn vị hành chính làng, đăng trên L’Annam Nouveau số 10 năm 1931 là một ví dụ khác cho thấy ông biết sự khác biệt giữa các ngôi làng Bắc Bộ. “Có xóm có tới 100 nhân khẩu, nhưng cũng có xóm chỉ có được hai người. Đã từng có trường hợp xóm phải xóa sổ. Cá nhân tôi chưa thấy có trường hợp nào” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 16). Tuyên bố của Nguyễn Văn Vĩnh “đã miêu tả một ngôi làng ở đất nước An-nam đúng như những gì nó đã tồn tại, giống như nó vẫn còn đâu đây và sẽ còn tồn tại nếu không có quá nhiều nguyên nhân gây biến đổi” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 129) dẫu vậy vẫn chưa thể hoàn thành, vì chưa đi tiếp trực giác về vai trò của nhà dân tộc chí trong sự trình bày chi tiết nhất có thể kinh nghiệm tham dự của anh ta.

Nguyễn Văn Huyên, ngược lại, đã xác định rõ phương pháp nghiên cứu để từ đó lựa chọn chỉ nghiên cứu một số lượng nhỏ các làng cụ thể. Khi đối diện với việc nghiên cứu tập quán làng xã Bắc Bộ, chuẩn bị cho bài thuyết trình của Viễn Đông Bác Cổ ngày 10 tháng Một 1944 và ngày 06 tháng Ba 1944, Nguyễn Văn Huyên lựa chọn nghiên cứu ba làng Dương Liễu, Quế Dương và Mậu Hòa thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội thời bấy giờ 25 km, đi lại thuận tiện (Nguyễn Văn Huyên, 1995, 490). Khoảng cách này thuận tiện cho sự di chuyển tới địa bàn điền dã. Nguyễn Văn Huyên dẫu vậy cũng chưa triệt để trong sự trình bày chi tiết kinh nghiệm tham dự của ông, về quãng thời gian cùng mức độ tham dự của ông trong mỗi chuyến điền dã.

Sự đối lập về phương pháp dân tộc chí giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Huyên chỉ hiện ra ở vấn đề tập hợp các tiêu chí phân loại chuyên gia cung cấp thông tin và người cung cấp thông tin bình thường tại địa bàn điền dã. Tiểu luận “Các phương pháp bói toán lai Tàu lai ta” của Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện phương pháp phỏng vấn  chuyên gia cung cấp thông tin là vị thầy bói giò, thường là chân gà, và tham khảo tài liệu là những cuốn sách hành nghề bói toán. “Khoảng năm, sáu năm trước, các thầy giò vẫn đầy rẫy ở Hà Nội. Nhưng bây giờ, thường chỉ gặp họ ở các làng quê, ở đó họ kiếm ăn cũng kha khá. Hiện ở Hà Nội vẫn có khoảng bốn hoặc năm người là cùng” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 177). Nguyễn Văn Vĩnh tò mò tham khảo cả những quyển sách nhỏ giúp các thầy bói giò hành nghề. “Hiện thời [năm 1931] thật khó mà mua nổi một cuốn sách viết bằng chữ Nho đó. Nói chung, cái cuốn sách đó trong tay những người làm nghề bói toán ở Hà Nội, là sách viết dưới dạng văn vần in mực đen chừng 150 câu thơ. Không thấy họ xuất bản cuốn sách này, chỉ có những bản chép tay, trong đó đầy những công thức có tính ký ức, đọc lên nhiều khi chúng ta cũng không hiểu gì” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 177). Đáng tiếc là Nguyễn Văn Vĩnh đã không tiếp tục trình bày nội dung của quyển sách đó như là tiêu chuẩn giả định cho sự đánh giá xác thực người thầy bói. Nói khác, ông đã chưa làm rõ được tiêu chuẩn để lựa chọn chuyên gia cung cấp thông tin trong một lĩnh vực được coi là thần bí, bói toán. Nguyễn Văn Vĩnh cần viết cụ thể bằng cách nào ông biết chắc những người ông phỏng vấn là thầy bói thực sự trong biết bao nhiêu kẻ buôn thần bán thánh, như sự tường thuật của các nhà viết báo thời của ông (N.H, 1935, 2).

Nguyễn Văn Huyên cũng có một nghiên cứu gần đề tài về các thực hành thần bí của người Việt Nam như Nguyễn Văn Vĩnh là “Một dạng ma thuật ở miền thượng du Bắc Kỳ: Những cách chữa bệnh bằng phép lạ” năm 1939. Nguyễn Văn Huyên đã lựa chọn tiến hành điền dã khu vực người Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng và tham gia trực tiếp vào quá trình các vị thuật sĩ người Tày chữa bệnh bằng ma thuật. Nguyễn Văn Huyên trước khi tiến hành quan sát đã xác định người thực hành ma thuật ông trực tiếp quan sát là vị thuật sĩ chứ không phải kẻ buôn thần bán thánh. Nguyễn Văn Huyên chỉ ra vị thuật sĩ thực sự phải đạt được ba điều kiện. Trước hết, họ phải được cộng đồng thừa nhận và được thụ pháp một cách hợp thức. Hơn nữa, họ được ủy thác nắm trong tay một quyền lực được cộng đồng nơi họ sinh sống thừa nhận là thiết yếu đối với sự sống còn của nó. Nguyễn Văn Huyên đồng thời đã tham khảo những cuốn sách thiêng, thứ góp phần giúp những vị thuật sĩ học ma thuật. Cuối cùng, ông ghi chép rất tỉ mỉ, cẩn thận và chụp hình quá trình vị thuật sĩ chữa bệnh bằng phép lạ (Nguyễn Văn Huyên, 1995, 494-95). Tất cả những kỹ thuật trên của Nguyễn Văn Huyên, như lời thông báo của tạp chí của Viễn Đông Bác Cổ Pháp số 14, tháng Mười hai 1939, là những điều kiện không thể thiếu để tránh những ảo giác rất dễ dàng đánh lừa nhà dân tộc chí nước ngoài (Nguyễn Văn Huyên, 1995, 494). Công việc Nguyễn Văn Huyên định ra tiêu chuẩn phân biệt chuyên gia cung cấp thông tin thực địa, nhất là trong lĩnh vực đặc quyền như các thực hành thần bí tại Việt Nam, đã được tiếp nối bởi nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam sau này. Một ví dụ: Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã xác định pháp sư muốn làm bùa linh nghiệm phải hội tụ đủ 10 điều kiện nghiêm ngặt (Vũ Hồng Thuật, 2016, 151).

Lời đề xuất

Sự đóng góp dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh dẫu vậy là đáng kể trong điều kiện thời thuộc địa: 1) 1/11 tác giả góp phần vào tài liệu tham khảo chương 3 “Làng” trong công trình lớn Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên năm 1944, lại là người duy nhất trong số đó không đặt sự nghiên cứu khoa học xã hội là sự nghiệp, 2) vượt trội về phương pháp nghiên cứu dân tộc chí so với hai tác giả tiêu biểu thuộc thế hệ trước và thế hệ của ông, mà chỉ chịu thua Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc chí được xem giỏi nhất của thệ hệ ấy. Từ đó tôi xác nhận giả thuyết làm việc của tôi là đúng: có tồn tại nhà dân tộc chí Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh tự cảm thấy những giới hạn của chính ông trong nghiên cứu dân tộc chí. “Tôi chỉ được đọc các ghi chép tổng quát về phong tục tập quán. Thôi, xin để cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu, phân tích và giải thích các phong tục khác thường mà mỗi người chúng ta đều có thể có cơ hội được nghe kể lại mỗi Chủ nhật, thông qua các cụ già bán hàng nước. Chỉ cần nửa xu là bạn có thể ghé vào một cái lán, có mái tranh bán hàng nước nào đó ở một làng nào đó, để vừa được nghe kể chuyện vừa được uống một hoặc hai bát trà xanh” (Nguyễn Văn Vĩnh, 2013, 21). Ông không tự định vị mình là “nhà nghiên cứu chuyên sâu”, là một nhà dân tộc chí. Nhà dân tộc chí Nguyễn Văn Vĩnh dẫu vậy, như ông tự nhìn nhận, là hệ quả của việc làm báo, chứ không phải một chủ đích của ông, đối lập với trường hợp Nguyễn Văn Huyên. Do đó đối lập công trình dân tộc chí của Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Huyên như tôi đã làm là không công bằng. Cho nên tôi đề xuất không nên đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh như một nhà dân tộc chí, một mặt không thật sự nổi bật trong sự nghiệp của ông. Từ tác phẩm này tôi hy vọng sẽ có các công trình khác phân tích các mặt nổi bật của Nguyễn Văn Vĩnh, như chính trị, xuất bản và viết báo, dịch thuật.

Tài liệu tham khảo:

  1. Claude Levi-Strauss (Ninon Vinsonneau & Jonathan Magidoff dịch; Vincent Debaene hiệu đính và giới thiệu) (2021). Structural anthropology zero [Nhân học cấu trúc 0]. Cambridge & Medford: Polity Press.
  2. Đoàn Văn Chúc (1997). Xã hội học văn hóa. Hà Nội: NXB Văn hóa – Thông tin.
  3. Đào Văn Hội (2017). Nam Kỳ danh nhân. Hà Nội: Nhã Nam & NXB Tri thức.
  4. Emile Durkheim, Đinh Hồng Phúc dịch (2012). Các quy tắc của phương pháp xã hội học. Hà Nội: NXB Tri thức.
  5. Hoàng Ngọc Phách. Tố Tâm. Hà Nội: Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2015
  6. Mai Anh Tuấn (2020). “Việt Nam qua tuần san Indochine”. Hà Nội: Khoa học & Phát triển, 17 tháng Hai, truy cập 13/3/2020: khoahocphattrien.vn/kham-pha/viet-nam-qua-tuan-san_indochine/2020021302131263p1c879.htm.
  7. Mai Anh Tuấn (2021). “Như chưa hề xa lạ: Sự trở lại của dòng sách Đông Dương”. Hà Nội: Khoa học & Phát triển, 1 tháng Hai, truy cập 2/2/2021: khoahocphattrien.vn/kham-pha/nhu-chua-he-xa-la-su-tro-lai-cua-dong-sach-dong-duong/20210129032313155p1c879.htm.
  8. Nguyễn Đình Đầu (chủ biên) (2016). Petrus Ký: nỗi oan thế kỷ. Hà Nội: Nhã Nam & NXB Tri thức.
  9. Nguyễn Văn Huyên (Hà Văn Tấn chủ biên; Trần Đỉnh, Đỗ Trọng Quang & Phạm Thủy Ba dịch) (1995). Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên: Tập 1. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  10. N.H. (1935). “Sự mê tín ở thôn quê: Một cuộc hầu đồng”. Huế: Tràng An báo, số 17 (26 tháng Tư), số 19 (3 tháng Năm), số 20 (7 tháng Năm 1935), số 21 (10 tháng Năm), trang 2.
  11. Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Trọng Quang dịch (2016). Văn minh Việt Nam, Hà Nội: Nhã Nam & NXB Thế giới.
  12. Nguyễn Văn Vĩnh (Nguyễn Lân Bình & Nguyễn Lân Thắng chủ biên; Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong & Dương Tường dịch) (2013). Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam, Hà Nội: NXB Tri thức.
  13. Phan Kế Bính (2018). Việt Nam phong tục, Hà Nội: Nhã Nam & NXB Hồng Đức.
  14. Phan Khoang (1971). Việt Nam Pháp thuộc sử. Sài Gòn: Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa.
  15. Hồng Ngâm [Phan Khôi] (1933). “Phong hóa, tờ báo hiện chạy nhất Đông Dương”. Hà Nội: Phụ nữ thời đàm, số 6, 22 tháng Mười, trang 8 – 11. Dẫn lại từ Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn) (2013). Tác phẩm đăng báo 1933 – 1934, bản điện tử, truy cập 9/1/2023: lainguyenan.free.fr/pk1933-1934/PhongHoa.html.
  16. Phan Khôi (1936). “Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong mắt tôi”. Huế: Sông Hương, số 1, 1 tháng Tám, trang 6 & 9. Dẫn lại trong Phan Khôi (Lại Nguyên Ân biên soạn) (2014). Tác phẩm đăng báo 1936, bản điện tử trên website của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, truy cập 9/1/2023: lainguyenan.free.fr/pk1936/OngNguyenVanVinh.html.
  1. Shawn Frederick McHale (2004). Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam. [In ấn và quyền lực: Nho giáo, Chủ nghĩa Cộng Sản và Phật giáo trong sự hình thành Việt Nam hiện đại] Honolulu: University of Hawai’i Press.
  2. Trịnh Văn Thảo (Lê Thị Kim Tân dịch, Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên) (2013). Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 – 1954). Hà Nội: Từ Văn Books & NXB Thế giới.
  3. Vũ Hồng Thuật (2016). “Việc dùng bùa của người Việt hiện nay”. Hà Nội: Nghiên cứu Tôn giáo, số 7 – 8, trang 140 – 153.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ