Nguyễn Lương Hải Khôi
Nhật Bản: ý niêm về cái đẹp như một sức mạnh chính trị
Chúng tôi dịch hai cuốn sách nhỏ của Onishi Yoshinori, quyển một là Yugen và Aware, quyển hai là Bàn về “Phong nhã” – Nghiên cứu khái niệm “Sabi”. Ban đầu, cả hai quyển đều là những bài giảng của Onishi Yoshinori ở Đại học Đế quốc Tokyo, sau đó được đăng tạp chí, rồi được Nhà xuất bản Iwanami xuất bản năm 1939 và 1940. Năm 2012, hai cuốn sách nhỏ này được in lại trong Tuyển tập mỹ học Onishi Yoshinori – Tập 1 (Nhà xuất bản Shoshi Shinsui).
Từ thập niên 20 của thế kỉ XX, giới mĩ học Nhật ứng dụng “thông diễn mỹ học” Đức để nghiên cứu các giá trị văn hoá truyền thống, kiến tạo một hệ thống các khái niệm mỹ học cổ điển, như Aware, Yugen, Sabi, Wabi, Iki… để xây dựng diện mạo của bản sắc văn hoá thẩm mỹ trong thế tương chiếu với phương Tây. Các công trình này được dẫn lối bởi chủ nghĩa dân tộc, với nhu cầu “đi tìm”, nói đúng hơn là “kiến tạo” một “bản sắc Nhật Bản” để định hình một “Nhật Bản” phi phương Tây.
Được thực hiện bởi phương pháp luận của thông diễn mỹ học, phân tích các văn bản cổ để luận giải ý nghĩa của các khái niệm, trừu xuất nét nghĩa thuộc phương diện mỹ học của chúng, xem xét chúng trong mối quan hệ đồng đại và lịch đại với các khái niệm tương quan, những công trình của Onishi Yoshinori kiến tạo ra một bức tranh tương đối toàn diện về cảm quan mỹ học cổ điển Nhật Bản.
Độc giả quan tâm về văn hoá, thẩm mỹ, văn học Nhật Bản có thể tìm thấy ở Onishi một nguồn tham khảo tốt. Thực tế, từ khi ra đời đến nay, những công trình này đã được trích dẫn liên tục trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, trong các nghiên cứu về mỹ học, văn hoá, văn học Nhật Bản khắp thế giới.
Quan trọng hơn, thông qua các công trình này, độc giả Việt Nam có thể học được phương pháp luận giải văn bản, dùng nó để nghiên cứu lịch sử tinh thần của Việt Nam.
Như trên đã nói, các công trình nghiên cứu về mĩ học cổ điển Nhật Bản của Onishi Yoshinori nằm trong mạch tinh thần đi tìm, đúng hơn là xây dựng nên, một “bản sắc Nhật Bản” hay một “Nhật Bản tính”, đáp ứng nhu cầu của xã hội đô thị Nhật Bản muốn tự nhận thức về quốc gia của mình như một thực thể có những hệ giá trị độc lập với các cường quốc.
Nhu cầu này được thể hiện rõ ràng trong học phái Kokugaku (Quốc học) từ cuối thời Edo, đặc biệt với những bàn luận về ý nghĩa thẩm mĩ của khái niệm “Aware” của Motoori Norinaga cuối thế kỉ 18 (1730 – 1801), đến những luận giải đầu thế kỉ 20 của Okakura Kakuzo (1863 – 1913) về ý nghĩa thẩm mĩ của trà đạo, của Nitobe Inazo (1862 – 1933) về giá trị tinh thần của võ sĩ đạo thời Minh Trị, đến những nghiên cứu của Watsuji Tetsuro (1889 – 1960) về “Nhật Bản tinh thần sử”, hay vấn đề “Nhật Bản tính” lồng trong các luận giải triết học dựa trên tinh thần Phật giáo của trường phái Kyoto.
Khám phá ra “Nhật Bản tính”, cơ sở để tạo nên cái gọi là ý thức về “quốc hồn” hay “Nhật Bản hồn”, trong thế tương chiếu với các cường quốc, từ “China” ở châu Á đến “Tây phương” ở bên kia địa cầu, có ý nghĩa tinh thần to lớn đối với sự tiến hoá của Nhật Bản trong công cuộc canh tân từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỉ 20.
Trong quá trình tinh thần này, những khám phá mỹ học có một vai trò nòng cốt, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa – thẩm mĩ cho chủ nghĩa quốc gia (nationalism), trở thành một trong những cơ sở dẫn đến những lựa chọn dứt khoát của các lực lượng chính trị chủ chốt ở Nhật Bản đương thời cho tương lai dân tộc họ, trong đó, có cả những lựa chọn đúng và lựa chọn sai.
Nhật Bản đương thời sùng bái Kant, bao gồm cả quan niệm coi nhận thức về cái đẹp thuộc về kiểu phán đoán tiên nghiệm, có tính trực giác, không cần nền tảng nhận thức trước đó. Kant có thể đúng. Nhưng không thể loại trừ một sự thực là cái Đẹp, hay nói đúng hơn, đối tượng được con người thức nhận như là cái Đẹp, là những đối tượng được hình thành do các “kiến tạo xã hội”. Chúng ta có thấy điều này qua hình ảnh đẹp của người phụ nữ ở các dân tộc khác nhau, qua các thời kỳ khác nhau, hình thành do các lực tác động của bối cảnh lịch sử xã hội, phần lớn là do đàn ông thống lĩnh. Không chỉ cái đẹp thuộc về xã hội con người, cái chúng ta coi là đẹp trong thế giới tự nhiên cũng không tránh khỏi tính chất là những “kiến tạo xã hội”. Con người cần có kinh nghiệm, sự huấn luyện (qua tập quán, giáo dục) để quen thuộc với cái được cho là Đẹp.
Ở thời đại hình thành và phát triển của chủ nghĩa dân tộc, cái Đẹp như là những kiến tạo xã hội đã bị phân cực hoá, thành những cái đẹp “thuộc về chúng ta” và cái đẹp “thuộc về chúng nó”. Ý niệm về cái Đẹp, sinh ra từ những kiến tạo của các quan hệ xã hội và chính trị, lúc này, trở thành một chất độc tinh thần.
Ở Nhật Bản giai đoạn đầu thế kỉ 20 này, mỹ học đã góp phần xây dựng ý niệm về bản sắc quốc gia, và ý niệm về bản sắc này nhanh chóng trở thành một công cụ chính trị đối nội và đối ngoại. Đối nội, lực lượng cầm quyền đồng nhất mình với “Nhật Bản tính”, loại trừ lực lượng khác. Đối ngoại, họ cố kết cộng đồng mình thành một lực lượng để chống “kẻ thù chung”.
Nói như vậy để chúng ta thấy cả hai mặt phải và trái của những ý niệm về cái đẹp hình thành dưới sự tác động của chủ nghĩa quốc gia đầu thế kỉ 20. Một mặt, nó có những độc tố, những mặt khác, nó đem lại sức mạnh vô song, sức mạnh không thể thiếu trong việc định hình tinh thần dân tộc, thành nền tảng tinh thần của quá trình hiện đại hoá của quốc gia. Đó có thể là một khoảng trống mà chính trị học về chủ nghĩa quốc gia (nationalism) phải chăng cần bổ khuyết. Nhật Bản và Việt Nam là những ví dụ điển hình để nghiên cứu về nó.
Việt Nam: hành trình dang dở
Năm 1917, ở Việt Nam, nhận thức về tầm quan trọng của sự xây dựng “quốc hồn” đối với sự tồn vong của dân tộc, được Nguyễn Bá Trác phát biểu một cách sáng rõ trong tiểu luận viết bằng Hán văn Dân tộc chủ nghĩa luận 民族主義論 trên Nam Phong tạp chí. Chúng tôi tạm dịch như sau:
“Ngoài những yếu tố đa dạng có tính bề ngoài [như lịch sử, chủng tộc, ngôn ngữ, lãnh thổ…], còn có một thực thể tuyệt phẩm siêu hình, nằm trên địa hạt tinh thần, không khác gì một cơ thể thì phải có linh hồn vậy. Đó là cái gọi là quốc hồn, là cái bao phủ lên nền tri thức của quốc gia, tình cảm của quốc gia, giúp cho quốc gia tự nhận thức về nó như một quốc gia, làm cho nó có khả năng tự hồi sinh, tự quy định chính mình, để một quốc gia tự vun trồng, nuôi dưỡng sức mạnh của nó.
Đó là nguyên khí, sự sống của một nước. Những thành tố khác của quốc gia có thể bị huỷ diệt, nhưng chỉ cần một yếu tố ấy còn tồn tại thì sinh mệnh quốc gia sẽ vẫn còn trên địa cầu này. (…)
Niềm trông cậy đặt vào sức mạnh thần kì này của tinh thần là vô cùng to lớn”.
Đối với thế hệ Nguyễn Bá Trác, cái thẩm quyền được tự lập là một quốc gia riêng, hoàn toàn không phụ thuộc vào chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ… mà phụ thuộc vào “quốc hồn” của cộng đồng ấy. Ông trích dẫn triết gia Pháp Renan luận về “quốc hồn” như sau:
“Con người không phải nô lệ cho chủng tộc của họ, không phải là nô lệ cho ngôn ngữ của họ, không phải là nô lệ cho tôn giáo của họ, không phải là nô lệ của một dải núi cao sông dài (tức “không phải là nô lệ cho lãnh thổ” – người dịch chú thích). Sự kết nối của đa số những con người như vậy tạo thành ý chí cao đẹp, tất yếu cấu thành nên một tâm hồn chung. Tâm hồn chung ấy làm mỗi cá nhân quên đi lợi ích cá nhân của riêng mình mà cùng nắm lấy cái vận mệnh chung của cả cộng đồng. Đó chính là giai đoạn thăng hoa cao đẹp nhất của tâm hồn. Nếu đạt đến điều đó là có thể được coi là một nước, có đặc quyền được bảo tồn, duy trì trên mặt địa cầu này như một quốc gia.”
Đối với Nguyễn Bá Trác, việc người “Việt” có bộ gen khác hay giống bộ gen của người “China” (cách gọi “Trung Quốc” đương thời) không phải là điều quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ, dân tộc của ông bao phen chống lại “China”, biết mình không phải là nó, nhưng không gây dựng một “Quốc hồn” khác biệt với nó.
Ở Việt Nam, trong học thuật, nhu cầu tự nhận thức về quốc gia mình, quốc gia như một thực thể tinh thần trừu tượng chứ không phải đồng nhất nó với triều đại chính trị, xuất hiện khá muộn, vào đầu thế kỷ XX, với các cây bút Nam Phong tạp chí và Hội Khai trí Tiến đức như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim… Ở thập niên 1920, họ đã tìm thấy và dựng nên một biểu tượng của giá trị văn hoá dân tộc là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, tương tự ở Nhật Bản hơn một thế kỉ trước đó, Motoori Norinaga phát hiện, hay đúng hơn, kiến tạo một biểu tượng của văn hóa Nhật Bản là Truyện Genji.
1920s: thập kỷ thức tỉnh
Về mặt lịch sử tinh thần, thập niên 1920s của Việt Nam lặp lại thế kỷ ánh sáng ở châu Âu dẫn đến Cách mạng tư sản, lặp lại thập niên 1850s và 1860s ở Nhật Bản dẫn đến Duy tân Minh Trị. Đây là “thập kỷ thức tỉnh” của Việt Nam, khi giới tinh hoa ít ỏi của Việt Nam lần đầu bắt tay vào xây dựng / kiến tạo:
- Tinh thần quốc gia hiện đại (nhận thức về “quốc sử”, “quốc ngữ”, “quốc văn” trong một khái niệm tổng hòa là “quốc hồn”).
- Ý thức về con người cá nhân và nhận thức về nhân quyền (quyền con người)
- Phát hiện ra tinh thần quốc dân, con người công dân.
- Phát triển các thành tố của tinh thần cộng hoà, bao gồm nhận thức về tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, tinh thần pháp quyền, phân lập tôn giáo và chính quyền, tôn trọng tính tự trị của khoa học và giáo dục.
- Sự phát hiện ra tinh thần khoa học, cả trong nhận thức về tự nhiên lẫn đời sống xã hội và nhân văn. Từ đây, bắt đầu xuất hiện cách nhìn sự vật từ góc nhìn kỹ thuật.
- Hình thành văn hóa tranh luận, trao đổi tư tưởng. Đây là thập kỷ bùng nổ các cuộc tranh luận. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tranh luận trở thành hiện tượng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cái Đẹp là một giá trị. Cái Đẹp như là giá trị của cộng đồng dân tộc vẫn chưa được Việt Nam định hình trong quá trình kiến tạo nhận thức về “quốc hồn” nêu trên. Thế hệ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim chưa kịp đi vào văn hoá lịch sử Việt Nam bằng tầng nhìn triết – mỹ học. Trong bài viết “Đẹp là gì” trên tạp chí Nam Phong năm 1917, bài viết đầu tiên bàn về bộ môn mỹ học ở Việt Nam, Phạm Quỳnh có thể đã lần đầu chạm tới vấn đề “bản sắc” Việt Nam trong văn hoá thẩm mỹ, khi ông đặt câu hỏi về khái niệm “duyên”, một khái niệm thẩm mỹ đặc thù trong tiếng Việt và chưa từng được diễn giải từ góc độ mỹ học.
“Duyên là gì? Cũng khó mà giải được cho rõ. Duyên có lẽ là cái vô hình màu nhiệm, “điểm nhãn” cho cái đẹp, mà không có thì đẹp thành ra trẽn ra “trơ”. Duyên là ở dáng điệu uyển chuyển mềm mại, ở sự vận động, sự sinh hoạt điều hòa.”
Ở đây, Phạm Quỳnh đã định vị khái niệm “duyên” ở địa hạt “siêu hình học” (“cái vô hình màu nhiệm”), như là cái “điểm nhãn” cho cái đẹp, tức làm cho cái đẹp trở thành một giá trị, phân biệt nó với cái phản giá trị (“trẽn” và “trơ”). Đồng thời, ông cũng tạm ước định hình thức tồn tại của cái “duyên” (“dáng điệu uyển chuyển mềm mại, ở sự vận động, sự sinh hoạt điều hòa.”). Cách làm này của Phạm Quỳnh cũng gần tương tự như Onishi Yoshinori đi tìm nét nghĩa siêu hình học của khái niệm “Yugen” (“u huyền”). Tất nhiên, Onishi thực hiện một công việc phức tạp, còn Phạm Quỳnh mới chỉ dừng lại ở 3 dòng chữ nói trên, như một khoảnh khắc lóe sáng về văn hoá thẩm mỹ Việt Nam. Những nhận thức sơ giản này chưa đủ để xây dựng nên thành tố bản sắc thẩm mỹ của “quốc hồn” vào thời của ông.
Công việc đi vào văn hoá – lịch sử Việt Nam từ tầng nhìn triết mỹ học để xây dựng nền tảng “siêu hình học” cho chủ nghĩa quốc gia được kế tục ở Miền Nam Việt Nam thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, đặc biệt với tạp chí Tư tưởng và các công trình của các học giả, triết gia ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Nhưng hành trình này đã bị ngừng lại giữa chừng. Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ đứt đoạn, hành trình dang dở đó của Việt Nam cần tiếp tục, dù không thể lặp lại tinh thần của thế hệ trước đây.
Benedict Anderson nói quốc gia là một “cộng đồng tưởng tượng”, nơi mà từng con người riêng lẻ vốn không hề biết nhau cùng thống nhất với nhau trong tưởng tượng về một hình ảnh chung của quốc gia mà “tất cả họ” thuộc về. Xuất bản “Những cộng đồng tưởng tượng” lần đầu năm 1983, có một điều đáng lẽ Anderson có thể thấy nhưng đã không nhận ra: Các cuộc va chạm, giằng xé và đổ vỡ giữa những biến động khốc liệt trong thế kỉ 20 khiến cho trong “cộng đồng Việt Nam”, không có một tưởng tượng duy nhất về quốc gia, về quốc sử, quốc văn. Quốc gia là một “cộng đồng tưởng tượng” nhưng có rất nhiều phiên bản khác nhau của sự tưởng tượng đó. Vì vậy, tiếp tục hành trình dang dở được bắt đầu từ “thập kỷ thức tỉnh” tròn một thế kỷ trước, những gì Việt Nam cần làm, trong bối cảnh ngày nay, phức tạp và khó khăn hơn. Tham khảo bài học Nhật Bản, trong đó có các công trình nhỏ của Onishi Yoshinori ở đầu thế kỉ 20, do đó, càng trở nên cần thiết đối với Việt Nam hôm nay.
Về bản dịch, chúng tôi chủ trương không dịch sát nguyên văn mà có biên tập lại, bởi có lẽ một phần do chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ triết học cổ điển Đức và một phần do nguồn gốc là những bài giảng của tác giả, văn phong của chúng khá dài dòng, rất nhiều lần trùng lặp ý. Cách dịch và biên tập như vậy cũng được nhiều nhà nghiên cứu, dịch giả nước ngoài áp dụng khi dịch sang tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác. Được thực hiện trong một khoảng thời gian eo hẹp, bản dịch tiếng Việt này không thể tránh khỏi những sai sót, chúng tôi xin chịu trách nhiệm và hy vọng có thể hoàn thiện bản dịch trong tương lai.
10/2020
(Bài viết này là lời nói đầu, có bổ sung, của bản lược dịch hai quyển “Yugen và Aware” và “Bàn về “Phong nhã” – Nghiên cứu khái niệm “Sabi” của Onishi Yoshinori, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.)