Kinh tế - Chính trị
Một Vài Suy Tư Về Chỉ Thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ĐCSVN
Published on
- Đặt vấn đề
Chỉ thị 24-CT/TW (CT24) của Bộ Chính trị (BCT) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) được ban hành ngày 13 tháng 7 năm 2023, với tên đầy đủ là “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Văn bản này được ban hành và đóng dấu “Mật” chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ, Joseph Biden, thăm viếng và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm 2023, và đã bị rò rỉ bởi Dự án 88 (The 88 Project), một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam (BBC Tiếng Việt, 2024).
Phương cách và mục tiêu đấu tranh để đoạt quyền theo thuyết Mác-Lê (Marxist-Leninist theory on the armed seizure of power): đấu tranh giai cấp, dùng sức mạnh của đại đa số bị trị để lật đổ thành phần thiểu số đang đàn áp, cai trị, và kiểm soát chặt chẽ mọi mặt của đời sống của đại đa số người dân một cách “bạo ngược”. Phát biểu sau đây của Chủ tịch Mao Trạch Đông (Mao Zedong) ngày 5 tháng 1, năm 1930 được xem là một bước phát triển lớn của thuyết Mác-Lê trong chiến thuật và chiến lược đấu tranh: “Một tia lửa duy nhất có thể bắt đầu một đám cháy thảo nguyên.” (A single spark can start a prairie fire.)
Hiện nay nếu quan sát vị thế của ĐCSVN trong quốc nội cũng như trên quốc tế thì, dường như, ngoài sự sai lạc về quá trình triển khai và thực thi kế sách phát triển đưa nền kinh tế Việt Nam đến lơ lửng trước ngưỡng cửa của bẫy thu-nhập-trung-bình; trong khi quyền lực của Đảng, dưa trên sự kiểm soát chặt chẽ mọi mặt của đời sống của người dân, mà họ đã nắm giữ từ lâu, không có dấu hiệu bị suy giảm hay bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Nâng cấp quan hệ với Mỹ và Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg là hai trong số các công cụ mà Đảng và nhà nước dùng để cố tìm lối thoát kinh tế. Một nghi vấn rất thú vị là tại sao BCT của ĐCSVN ban hành CT24 và đòi hỏi từ Ban Bí thư đến cán bộ chủ chốt cũng như đảng viên các cấp phải quán triệt chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, đến Việt Nam.
Một sự kiện rất hiển nhiên là ĐCSVN có rất nhiều hoạt động mật. Như đã nêu trên, văn bản của CT24 được đóng dấu “Mật” thì lý do cho sự ban hành của nó lại càng bí mật hơn. Do đó, người viết không có bất kỳ ảo tưởng nào cho rằng xác suất cho một ước đoán, phỏng đoán hay giả thuyết (conjecture) đúng hay chính xác lý do mà BCT ban hành CT24 cao hơn là cơ hội mò được cây kim từ đáy biển. Qua thời gian, ĐCSVN đã thành công trong các phong trào xách động quần chúng/thành phần bị đàn áp trong chiến thuật và chiến lược đấu tranh của họ, nên họ hiểu rất rõ sức mạnh cũng như bản chất bất ngờ hay đột biến của sự phản kháng từ thành phần bị đàn áp trong xã hội.
Ngày nay, ĐCSVN đã hoán đổi từ “vai trò tự xưng và tự phong là lãnh đạo của giai cấp bị trị, hay giai cấp vô sản” trong công cuộc xâm chiếm miền Nam thành “lãnh đạo của một thể chế độc đảng, độc tài, và toàn trị giai cấp bị trị hơn 90 triệu người” nên họ luôn bị ám ảnh bởi lời tuyên bố của Mao: Một tia lửa duy nhất có thể bắt đầu một đám cháy thảo nguyên. Do đó, với khó khăn về kinh tế và tư duy của dân chúng Việt Nam thân Mỹ nhất, so với các dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á (Shambaugh, 2021), một giả thuyết, có thể, cho lý do mà TBT Nguyễn Phú Trọng và BCT ban hành CT24 là để phòng ngừa khả năng cuộc thăm viếng của TT Biden và sự nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện có thể phát lên hay tạo mầm móng cho một tia lửa trong thuyết Mác-Lê mà Chủ tịch Mao đã nói đến dưới vòm trời Đông phương.
Một sự ngẫu nhiên vô cùng thú vị tại vòm trời Tây là trong hậu bán của thập niên 1980 Giáo sư Timur Kuran (1987-a, 1987-b, và 1989) nghiên cứu các cuộc cách mạng chính trị thế giới trong các quốc gia dưới thể chế độc tài và chỉ ra rằng: “Nếu nhìn lại, những cuộc cách mạng chính trị này lẽ ra phải không có điều gì đáng ngạc nhiên. Các tài liệu ghi lại điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội dưới các chế độ độc tài đó đưa ra rất nhiều lời giải thích rất thuyết phục: thất vọng, thất bại trong quản trị, xung đột giai cấp, bóc lột của nước ngoài, v.v… Câu hỏi quan trọng là tại sao một cuộc cách mạng mà trong tầm nhìn xa dường như là kết quả không thể tránh khỏi lại gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà lãnh đạo, người tham gia, ngay cả nạn nhân và quan sát viên thế giới?”
Để giải đáp nghi vấn trên, Kuran triển khai Lý Thuyết Che dấu hay Giả mạo Tư duy (preference falsification); được hiểu là khi tư duy hay chủ trương mà một cá nhân tuyên bố nơi công cộng khác với tư duy hay chủ trương thật sự của cá nhân đó hay điều mà cá nhân này thể hiện trong một lá phiếu mật. Lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy rất trừu tượng và tinh tế trong phạm trù tâm lý nên, với nhiều người, trở nên siêu hình và Kuran triển khai lý thuyết này theo tiêu chuẩn học thuật hàn lâm hiện đại đồng thời chứng minh bằng phương pháp giải tích trong không gian đa chiều (differential calculus in multi-dimensional Euclidian vector space) nên không những khô khan mà còn khó nuốt.
Trong những dòng sau đây, xin trích dẫn những tóm lược từ các tài liệu của Kuran (1987-a, 1987-b, và 1989) , Dự án 88, và Nguyen, Hiệp, và Lộc (2021) để lý giải quá trình hay chuỗi phản ứng đột biến để một tia lửa có thể gây nên đám cháy thảo nguyên.
- Chỉ thị 24-CT/TW và vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam tại quốc nội và quốc tế.
- Văn hóa của các thể chế độc tài và người dân trong thể chế.
- Lý thuyết che giấu hay giả mạo tư duy.
- Lý thuyết về che dấu hay giả mạo tư duy, thay đổi phần thưởng, hình phạt, tỷ số khuynh đảo, và cách mạng chính trị.
- Thay lời kết: khó khăn luôn mang đến cơ hội. Đây là điều mà ĐCSVN e ngại nên cố dự phòng, nên trên bề mặt dường như là khó khăn cho các nhà bất đồng chính kiến và đấu tranh cho dân chủ. Tuy nhiên, thuyết che dấu tư duy cũng có thể đưa đến lập luận rằng các nhà bất đồng chính kiến đang tranh đấu cho nhân quyền và công bằng xã hội không đơn độc như thoáng nhìn trên bề mặt.
Xin bắt đầu phần (i):
2. Chỉ thị 24-CT/TW và vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam tại quốc nội và quốc tế
Dự án 88 công bố Chỉ thị CT24 ngày1 tháng 3 năm 2024 và nhận định rằng “chỉ thị này cho thấy tâm trí hoang tưởng của giới lãnh đạo Việt Nam. Theo Dự án 88, Chỉ thị về ‘đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng’ xem mọi hình thức hợp tác quốc tế và thương mại là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đưa ra kế hoạch đối phó với những mối đe dọa ấy bằng cách vi phạm một cách có hệ thống các quyền của 100 triệu người dân trong nước”.
Theo Giáo sư Carl Thayler, một chuyên gia tầm cỡ về chính trị Việt Nam, trong chương trình về “Vietnam: Leaked Communist Party document warns of ‘hostile forces’” của Jonathan Head vào ngày 29 tháng 2, năm 2024, thì CT24 là “một quyết định quan trọng, được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi của đảng rằng tác động của đại dịch Covid và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ ngăn cản Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam cần mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ để đưa nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, những người cứng rắn trong đảng lo sợ Mỹ sẽ khuyến khích quan điểm/tư duy ủng hộ các phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, và đe dọa sự độc quyền của đảng.”
Giáo sư Thayer còn cho rằng “ngôn ngữ hiếu chiến được sử dụng trong CT24 nhằm trấn an những người theo đường lối cứng rắn rằng điều này sẽ không xảy ra. Và, những gì CT24 minh họa rõ ràng là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải đối mặt khi đất nước của họ trở thành một cường quốc sản xuất và thương mại toàn cầu. Một số thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, như thỏa thuận lớn với EU được hoàn tất vào năm 2020 và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018, đi kèm với các điều khoản về quyền của người và lao động kèm theo. Việt Nam cũng đã phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); tuy nhiên, đáng chú ý là công ước về cho phép tự do hội họp vẫn chưa được hoàn tất.” Theo Dự án 88, chỉ thị này sẽ dẫn đến vi phạm nhân quyền có hệ thống và trên bình diện rộng, bao gồm các hạn chế trái phép đối với việc hội họp, lập hội, ngôn luận, truyền thông và đi lại.
Về trở ngại trong hoạt động kinh tế vĩ mô và tất yếu đưa đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, không phải Đảng Cộng sản và lãnh đạo Việt Nam không biết. Mặc dù với bao kế sách phát triển kinh tế được đề nghị bởi nhiều chuyên gia và học giả, cả quốc nội lẫn quốc tế (Ngân Hàng Thế Giới & Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư VN, 2016, chẳng hạn), Đảng và quan chức chính quyền Việt Nam tiếp tục văn hóa kinh tế mà Giáo sư Tiến sỹ Chu Nguyen (Nguyen, Hiệp, Lộc; 2021) cho là kế sách phát triển kinh tế “hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển” trong lời cảm thán của ông. Hệ quả tất yếu của kế sách này là biến bản chất của nền kinh tế Việt Nam thành cái mà truyền thông trêu cợt gọi là “Nền Kinh tế Dự án” (The Project Economy); được hiểu là Đảng và lãnh đạo Việt Nam không có tư duy về kế sách để phát triển kinh tế mà họ chỉ có tư duy vẽ ra các dự án để thực thi hầu có thể chia chát.
Nói cách khác, Nền Kinh tế Dự án là nền kinh tế mà trong đó các dự án mà các quan chức thực thi chỉ nhằm mục đích ăn chia chứ không là cơ năng của bản vị kế sách phát triển kinh tế đất nước. Nền Kinh tế Dự án này thật sự đã tối đa hóa cơ hội cũng như số lượng mà các tham quan có thể tóm thu, như họ mong đợi. Và, hệ quả tất yếu của văn hóa này đã được dữ liệu thống kê trong Vietnam: 2023 Article IV Consultation-Press Release đã trực tiếp và gián tiếp phơi bày. Đảng Cộng sản và lãnh đạo Việt Nam đã gây cản trở mức độ phát triển kinh tế nghiêm trọng và đưa nền kinh tế Việt Nam đến cửa của bẫy thu-nhập-trung-bình. Do đó, các khó khăn này rõ ràng là do chính họ gây ra mà dường như hiện nay chính họ không thể khắc phục.
Trong khi đó, Giáo sư Thayer lặp luận rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang hy vọng sẽ thực hiện một cái gì đó của một thủ thuật gợi cảm; Duy trì sự kiểm soát chặt chẽ mà họ đã nắm giữ từ lâu đối với đời sống chính trị của người dân, đồng thời phơi bày cho họ tất cả các ý tưởng và cảm hứng có thể đến từ nước ngoài, với hy vọng rằng những điều này sẽ giữ cho ngọn lửa kinh tế bùng cháy.
Từ một góc độ khác, Giáo sư David Shambaugh (2021), người đã dành khá nhiều thời gian tại cả mười quốc gia ASEAN và rất am tường về các hội viên của tổ chức này, đã chỉ ra một vấn đề khá nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản và lãnh đạo Việt Nam là: “…tính đến năm 2020, bảy trong số mười nước ASEAN gần gũi hơn trong quan hệ toàn diện và định hướng chiến lược với Trung Quốc so với Hoa Kỳ (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan). Bảy nước này thậm chí không trung lập (mặc dù Indonesia có thể nghĩ rằng đó là như vậy). Tất cả đều liên kết và nghiêng về phía Trung Quốc. Mặt khác, ba quốc gia (Philippines, Singapore và Việt Nam) gần gũi hơn với Hoa Kỳ.” Tác giả báo cáo rằng Việt Nam gần gũi nhất với Hoa Kỳ trong số ba quốc gia này, trong khi Campuchia gần gũi nhất với Trung Quốc.
Trên đây là khó khăn của Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều biến động đang xảy ra trên thế giới cũng giúp giảm đi những khó khăn của họ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Một điều không thể chối cải là Việt Nam là một trong những quốc gia độc tài, độc đảng và toàn trị; nên bằng quyền lực của cảnh sát và công an, cũng như khả năng hình sự hóa bất cứ động tác nào của người dân, Đảng và quan chức có rất nhiều quyền lực/khả năng để kiểm soát/“xách động” hoặc đàn áp quần chúng so với chính quyền của các nước dân chủ.
Một bằng chứng rằng công an là nguồn bảo vệ/lá chắn của Đảng và quan chức chính quyền là ngân sách của Bộ Công an so với các Bộ Quốc phòng, Y tế, và Giáo dục và Đào tạo. Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2024 đã được Quốc Hội thông qua vào ngày 10 tháng 11 năm 2023 và mới đây đã được công khai trên cổng thông tin của Quốc hội vào đầu tháng 12 năm 2023. Theo nghị quyết này thì các bộ trên được phân bổ ngân sách như sau: 113.271 tỷ đồng cho Bộ Công an, và 270.024, 7.010, và 7.711 tỷ đồng, theo thứ tự, cho các Bộ Quốc phòng, Y tế, và Giáo dục và Đào tạo.
Và với sự bảo vệ của lực lượng công an hùng hậu, Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam đã áp đặt nguyên tắc “thiểu số lãnh đạo và đa số là công cụ” (5,2 triệu đảng viên lãnh đạo 95 triệu người dân không là đảng viên), trái ngược lại nền tảng của thể chế dân chủ là nguyên tắc “đa số lãnh đạo và quyền của thiểu số (The principle of majority rule and minority right)”. Đồng thời, Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam cũng vẫn không quên dù với văn hóa chính trị, kinh tế, và xã hội như thế, Việt kiều vẫn giúp bảo toàn chế độ trong cuối thập niên 1980 khi Liên Bang Soviet và khối Đông Âu tan rã.
Trong phạm trù xã hội, một dấu ấn của thời đại ngày nay là các xã hội trong cộng đồng quốc tế mà trong đó các cá nhân hay các tập thể thành viên “không còn đồng thuận về tiêu chuẩn khách quan để minh định sự thực hay chân lý” mà các cá nhân hay tập thể “đã đồng thuận khi dùng những tiêu chuẩn chủ quan của riêng họ để minh định sự thực hay chân lý theo tư duy của họ: xã hội Post-truth” (do Pinker diễn giải; Pinker, 2018). Hiện tượng này rất rõ nét trong cộng đồng người Việt nước ngoài trong một quốc gia, ngay cả các cộng đồng tại các quốc gia trên thế giới, kể cả tại Việt Nam. Do đó, khi suy tư về cách hành xử của Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam, mỗi nhóm sẽ dựa vào những tiêu chuẩn chủ quan của riêng họ nên có thể không có cùng kết luận.
Là một đối tác lớn của VN và là lãnh đạo thế giới từ sau thế chiến II, Hoa Kỳ đã thành lập và liên tục duy trì nền hoà bình Mỹ (Pax- Americana), với mục tiêu của chính sách đối ngoại là tối đa hóa phúc lợi của công dân Hoa Kỳ, bảo đảm hòa bình thế giới, thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, trong cả ngắn hạn và dài hạn; trong đó chính sách dài hạn bao gồm nhiều kế sách ngắn hạn. Cuối cùng, các kế sách ngắn hạn liên tiếp nhau đã quyết định bản chất thực tế của chính sách đối ngoại dài hạn của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay và các xã hội post-truth, các nhà hoạch định chính sách đã phải xem xét thực trạng kinh tế xã hội quốc tế, khu vực, địa chính trị và những vấn đề thực tại trong nước cũng như tình hình chính trị, để đưa ra những giả định và kết luận nhất định về những vấn đề này. Do tính chất cực kỳ phức tạp và nghịch lý của những vấn đề vừa nêu trên, các nhà hoạch định chính sách thường phải chấp nhận một số giải pháp thứ cấp (second-best) hoặc không tối ưu cho một số vấn đề cấu thành để đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại ngắn hạn nằm trong phạm vi một tổng thể mong muốn.
Gần đây, do cấm vận TC, giải cứu kinh tế do COVID-19, và chiến trận Ukraine gây khó khăn cho các nền kinh tế của Mỹ và đồng minh: lạm phát cao, gây ra do tác động cùng lúc và mang tính cộng hưởng của cầu kéo (demand-pull) và chi phí đẩy (cost-push) – nhu cầu tăng vọt đi kèm với chi phí sản xuất gia tăng hơn mức dự đoán; một hiện tượng khá hiếm trong kinh tế vĩ mô. Trong khi tư duy chính trị phương Tây thực dụng là “tình trạng kinh tế, tình trạng kinh tế, và tình trạng kinh tế, hỡi anh chàng ngốc kia (the economy, the economy, and the economy, stupid)”; được hiểu là chính khách và đảng cầm quyền sẽ bị thay thế trong cuộc bầu cử tới nếu một trong hai biến số kinh tế vĩ mô là lạm phát hay thất nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát trong nhiệm kỳ của họ.
Trong tình cảnh thế giới đảo điên mà Biển Đông là một phần của vấn đề điên đảo, cấm vận TC gây rối loạn chuỗi cung ứng sản phẩm nên Mỹ phải tìm nguồn cung cấp thay thế để giải quyết vấn đề lạm phát do cầu kéo và chi phí đẩy. Trong bối cảnh hiện nay, với giả định rằng Mỹ sẽ chấp nhận giải pháp thứ cấp để giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô quốc nội và vấn đề Biển Đông, chính phủ Mỹ, ở một tầm cỡ nào đó, đang lặng lẽ làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, nguồn gốc của sản phẩm xuất cảng, và vấn đề thao túng tiền tệ, v.v…, của nhà cầm quyền CSVN.
- Văn hóa của các thể chế độc tài và người dân trong thể chế
Các quốc gia độc tài luôn hù dọa, cô lập, quấy nhiễu, trù dập, đàn áp, giam cầm người dân, bằng các cách vô cùng thô bạo, khi họ đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng, ngay cả các quyền được ghi trong hiến pháp, hay bày tỏ sự bất đồng chính kiến. Những người này có thể bị giết hại hay mang những bản án giam cầm dài hạn từ các tội danh ngụy tạo và tùy tiện theo nhu cầu chính trị của đảng đang cầm quyền. Để không phải lập đi lập lại một chuỗi từ “hù dọa, cô lập, quấy nhiễu, trù dập, đàn áp, giam cầm”, người viết xin phép được dùng cụm từ “đàn áp” để thay thế chuỗi dài trong những dòng tạp ghi này.
Đồng thời, giới lãnh đạo trong các quốc gia độc tài cũng thừa hiểu tức nước sẽ vỡ bờ nên đôi khi cũng ngụy tạo phong trào bằng cách tung công an mật vụ hoặc những chuyên viên tạo dư luận ra hô hào bày tỏ sự bất bình trên các mạng truyền thông đối với thành phần lãnh đạo, chính sách, hay hành vi của họ, đây là các “nhà bất đồng chính kiến giả/ngụy”, để người dân lầm cho là chính quyền đã cải sửa nên công khai bày tỏ sự bất bình của mình để giảm đi bức xúc mà họ đã che dấu bao năm.
Hai mục tiêu chính của các phong trào ngụy tạo này là làm giảm đi sự phẫn uất hay “hạ nhiệt” trong quần chúng cũng như nhận diện các cá nhân bất đồng chính kiến tầm cỡ, có thể, để theo dõi, phòng ngừa, và nếu cần có thể giam giữ với các tội danh ngụy tạo. Nhà cầm quyền có thể truy tố, giam giữ các nhà bất đồng chính kiến theo các điều luật mà họ đã hình-sự hóa các phát biểu công khai của các nhà bất đồng chính kiến, như “Mưu toan lật đổ chính quyền”, hay “Có hành vi nguy hại lợi ích nhân dân”. Một cách tổng quát, trong một quốc gia và tại một thời điểm nào cũng có:
- Thành phần ủng hộ chính quyền ra mặt,
- Thành phần ủng hộ chính quyền thầm kín,
- Thành phần bất đồng chính kiến ngụy do chính quyền tổ chức,
- Các nhà bất đồng chính kiến ra mặt,
- Các nhà bất đồng chính kiến thầm kín, bao gồm luôn nhóm “nín thở qua sông” vì các vị này đã phải nín thở trong điều kiện hiện tại, và
- Thành phần trung dung hay không ý kiến.
Trên bình diện lý thuyết thì khi trực diện với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách điều hành quốc gia trong nước, và với tầm cỡ nào đó của các điều kiện này trên thế giới, mỗi cá nhân trong xã hội sẽ thầm kín, trong tâm tư, tự tạo cho mình một tư duy. Tư duy này sẽ hướng dẫn cách hành xử của cá nhân đó trong xã hội và cách hành xử này đặt để cá nhân đó trong một của sáu thành phần trên.
Hơn nữa, thay đổi điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách điều hành quốc gia trong nước và với mức độ nào đó thay đổi các điều kiện trên thế giới sẽ thay đổi tư duy thầm kín của công dân. Do đó, những biến chuyển này có thể sẽ thay đổi số người tương đối cũng như cường độ của tư duy của sáu thành phần trên trong quốc gia. Điều này được hiểu là tư duy của cá nhân có thể thay đổi và tư duy mới, hay tư duy vừa thay đổi, của một cá nhân có thể chuyển cá nhân này từ thành phần này sang thành phần khác cũng như mức độ bất đồng của tư duy có thể tăng hay giảm.
Trong các quốc gia dưới thể chế dân chủ với đa đảng, các nhà bất đồng chính kiến được tương đối tự do bày tỏ sự bất bình về chính sách hay chính quyền, hoặc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng, trong khuôn khổ của luật pháp, và với một nền tư pháp độc lập, sẽ không bị đàn áp và chính quyền cũng không dùng thủ đoạn qua hình thức nhóm bất đồng chính kiến ngụy. Do đó, chắc chắn tỷ số người bất đồng chính kiến thầm kín hay âm thầm trên dân số sẽ thấp hơn tỷ số này tại các quốc gia độc tài vì tại các quốc gia dân chủ thể hiện hành tung đàn áp thành phần bất đồng chính kiến bị luật pháp cấm đoán nên rất ít khi xảy ra.
Đồng thời, qua quy luật tự do ứng cử và bầu cử, nếu nỗi bất bình của thành phần người bất đồng chính kiến chính đáng và phù hợp với ước nguyện của đại đa số quần chúng mà chính quyền không thỏa mãn thì chính quyền sẽ bị thay thế trong cuộc bầu cử tới. Hơn nữa, quá trình thay đổi này diễn ra một cách ôn hòa và tương đối tiệm tiến.
Ngược lại, tại các quốc gia dưới chế độ độc tài, các nhà bất đồng chính kiến, nếu công khai bày tỏ sự bất bình về chính sách hay chính quyền hay đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng dù trong khuôn khổ của luật pháp sẽ bị đàn áp, thậm chí còn có thể bị bí mật thủ tiêu, và chính quyền cũng đôi khi dùng thủ đoạn qua hình thức nhóm bất đồng chính kiến ngụy. Thế nên, tỷ số người bất đồng chính kiến thầm kín hay âm thầm trên dân số sẽ cao hơn tỷ số này tại các quốc gia dân chủ vì nếu ít có áp bức thì sẽ ít có phản kháng, và tại các quốc gia dân chủ nạn đàn áp thành phần bất đồng chính kiến bị luật pháp cấm đoán.
Tuy nhiên, dự phóng hay ước lượng số người bất đồng chính kiến thầm kín hay âm thầm, ngay cả trong xã hội dân chủ dù với kỹ thuật thống kê hiện đại, đôi khi cũng không dễ. Mỹ là một quốc gia dân chủ mà ngay cả gần tới ngày bầu cử tổng thống năm 2016 không mấy ai, ngay cả ứng cử viên đối lập, bà Hillary R. Clinton và toàn ban cố vấn của bà, dự phóng là ông Donald Trump sẽ đắc cử. Sự kiện này là bằng chứng của sự khó khăn khi dự đoán số người bất đồng chính kiến thầm kín hay âm thầm, ngay cả trong xã hội dân chủ.
- Lý thuyết che giấu hay giả mạo tư duy
Timur Kuran (1989) nghiên cứu các cuộc cách mạng chính trị thế giới trong các quốc gia dưới thể chế độc tài đưa ra rằng “Một số cuộc cách mạng chính trị trong lịch sử hiện đại, bao gồm cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, cuộc Cách Mạng Nga tháng 2 (tuy nhiên, các bình luận gia thường mệnh danh là Cách Mạng Tháng 10) năm 1917 và cuộc Cách Mạng Ba Tư (Iran) năm 1978-79, đã khiến thế giới bất ngờ.
Hãy xem xét cuộc Cách Mạng Ba Tư. Không có tổ chức tình báo lớn nào – ngay cả CIA hay KGB – cũng như chính cơ quan tình báo của Ba Tư, SAVAK, dự đoán là chế độ của Vua Shah Mohammad Reza Pahlavi sẽ sụp đổ. Ngay trước cuộc cách mạng, các cơ quan tình báo này tin tưởng rằng dấu mình, chờ thời Vua Reza Pahlavi sẽ vượt qua cơn bão chính trị đang bắt đầu nổi dậy. Sau khi kết cuộc, sự sụp đổ của Vua Reza Pahlavi đã gây ngạc nhiên ngay cả đối với ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, giáo sĩ bốc lửa, người, từ lưu vong, đã điều hành quá trình huy động cách mạng để đưa ông lên vị trí lãnh đạo của Ba Tư.”
Ngoài các sự kiện lịch sử mà Kuran (1989) viện dẫn, còn có sự thành công của cuộc tranh đấu của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan (Solidarity Polish Trade Union) vào tháng 8 năm 1980, cũng như sự đột phát của Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) bắt đầu vào mùa xuân năm 2011.
Kuran (1989) lập luận rằng: nếu nhìn lại, những cuộc cách mạng chính trị này lẽ ra phải không có điều gì đáng ngạc nhiên. Các tài liệu ghi lại điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội dưới các chế độ độc tài đó đưa ra rất nhiều lời giải thích rất thuyết phục: thất vọng, thất bại trong quản trị, xung đột giai cấp, bóc lột của nước ngoài, v.v… Câu hỏi quan trọng là tại sao một cuộc cách mạng mà trong tầm nhìn xa dường như là kết quả không thể tránh khỏi lại gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà lãnh đạo, người tham gia, nạn nhân và quan sát viên thế giới?
Để giải đáp nghi vấn trên, Kuran (1987-a, 1987-b) triển khai lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy (preference falsification). Che dấu hay giả mạo tư duy xảy ra khi tư duy hay chủ trương mà một cá nhân tuyên bố nơi công cộng khác với tư duy hay chủ trương thật sự của cá nhân đó hay điều mà cá nhân này thể hiện trong một lá phiếu mật.
Lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy mà Kuran (1987-a, 1987-b, 1988) triển khai bao gồm nhiều thể chế nên rất phức tạp cả về khái niệm và lý luận. Tuy nhiên, dưới chế độ độc tài mà thành tích đàn áp thành phần bất đồng chính kiến để giữ độc quyền chính trị và tôn trọng nhân quyền không mấy tốt đẹp, thì một cách đơn giản lý thuyết này minh xác rằng yếu tố quan trọng nhất dẫn các cá nhân đến quyết định che dấu hay công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình tùy thuộc vào mức độ tương đối giữa “phần thưởng” (rewards) và “hình phạt” (punishments) mà các cá nhân này tự ước lượng, và cân nhắc lợi hại một cách thầm kín trong nội tâm nếu công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng dù trong khuôn khổ của luật pháp.
Phần thưởng là mức độ thỏa mãn cá nhân, tự ước lượng, có thể, khi giải tỏa nỗi bức xúc trước các sự kiện mà các cá nhân này cho là bất công đối với cá nhân hay xã hội và sự hèn yếu hay thương tổn uy tín cá nhân khi phải cúi đầu khuất phục không công khai tuyên bố sự bất bình của mình để, ở một tầm cỡ nào đó, tranh đấu cho công bằng cho cá nhân và xã hội, hay cũng có thể là nhờ vào đó tiến thêm một bước trong tiến trình tạo ủng hộ trên con đường tạo quyền lực.
Để biện luận rằng mọi người trên thực tế phải chịu tổn thất khi họ hành động sai lệch với tư duy thật của họ để đạt được sự chấp nhận xã hội là một trong những chủ đề chính của tâm lý học hiện đại, Kuran (1987-a) viện dẫn lập luận của Freud (1930), trong tác phẩm Nền Văn Minh Và Những Nỗi Bất Bình (Civilization and its Discontents), rằng những mất mát này thể hiện trong vô số vấn đề tâm lý và các bệnh thể chất liên quan.
Các nhà nghiên cứu sau Freud đã minh chỉnh luận án của Freud (1930) để chỉ ra rằng “…mọi người khác nhau rất nhiều trong mong muốn duy trì tính toàn vẹn. Tuy nhiên, bất kỳ xã hội nào cũng có một số người có xu hướng tuân thủ các phán đoán độc lập, hay tư duy, của riêng họ bất kể phe đối lập mạnh đến mức nào. Hãy xem xét Socrates, người đã chọn cái chết thay vì ảnh hưởng đến quan điểm hay triết thuyết của ông; Andrei Sakharov, người đã chịu đựng sự tẩy chay và đàn áp vì sự thẳng thắn của mình. Đồng thời cũng có những người khác dường như có ít nhu cầu hơn nhiều để thể hiện tư duy thật của họ. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là hầu hết mọi người đều có được những mức độ thỏa mãn cá nhân (phần thưởng) đáng kể từ việc trung thực với tư duy thật của chính họ.”
Hình phạt hay thiệt hại là mức độ, tự ước lượng, của sự nguy hại đến bản thân hay gia đình, tự ước lượng, có thể, cả vật chất lẫn tinh thần bao gồm cả thiệt hại kinh tế do chính quyền đàn áp, nếu cá nhân công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình.
Như đã trình bày trên, tư duy được điều kiện hóa bởi hoàn cảnh và môi trường sống; do đó, khi quan sát cùng một sự kiện, đặc biệt là các dữ kiện lịch sử chưa hoàn tất, nhiều người sẽ có nhiều diễn dịch và suy tư khác nhau. Hơn nữa mỗi cá nhân trong cùng một xã hội tại cùng một thời điểm sẽ có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau, do đó, mức độ thỏa mãn cá nhân hay phần thưởng (tự ước lượng), có thể; và mức độ thiệt hại đến bản thân hay gia đình (tự ước lượng) có thể, sẽ phải khác biệt từ cá nhân này đến cá nhân khác, dù trong cùng một xã hội.
Tại các quốc gia dân chủ, hình phạt cho một cá nhân khi công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình đối với chính quyền hay đảng phái, hay đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng trong khuôn khổ của luật pháp gần như số không vì hành vi này được quyền tự do ngôn luận bảo vệ; do đó, chính quyền dân chủ không và cũng không thể đàn áp thành phần bất đồng chính kiến để giành độc quyền chính trị. Tư duy bất đồng chính kiến của họ, nếu có bị trừng phạt, chỉ là sự tẩy chay của một nhóm dư luận hoặc sự công kích của một số cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên Kuran (1987-a, 1987-b, 1989) đã nhận ra là các quốc gia dưới thể chế độc tài nơi mà chính quyền đàn áp thành phần bất đồng chính kiến, nếu có thể, để giữ độc quyền chính trị là văn hóa chính trị cố hữu. Do đó, hình phạt cho một cá nhân khi công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình đối với chính quyền hay đảng phái, hoặc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng trong khuôn khổ của luật pháp, sẽ không thể nằm quanh quẩn ở số không.
Hiển nhiên, mỗi cá nhân trong cùng một xã hội tại cùng một thời điểm sẽ có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau; do đó, hình phạt cho từng cá nhân khi công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình đối với chính quyền hay đảng phái hoặc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng trong khuôn khổ của luật pháp sẽ phải khác nhau.
Mức độ hình phạt hay thiệt hại cho một cá nhân khi công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình đối với chính quyền hay đảng phái tùy thuộc vào khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến của chính quyền và mức độ hậu thuẫn của quần chúng dành cho mình.
Khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến của chính quyền tùy thuộc văn hóa chính trị của quốc gia mà văn hóa chính trị bị các chế độ độc tài chuyển đổi theo chiều hướng và mục tiêu của chế độ bằng bạo lực để phục vụ hay bảo vệ sự trường tồn của chế độ. Văn hóa chính trị của quốc gia tại bất cứ một thời điểm nào cũng rất tinh tế và được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố mà những yếu tố này không thể diễn tả một cách trọn vẹn hay đầy đủ.
Chẳng hạn, chúng ta không thể chỉ ra tất cả các yếu tố hay lý do tại sao chính quyền cộng sản Bắc Hàn có khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến cao hơn khả năng của chính quyền TC, và chính quyền TC có khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến cao hơn chính quyền CSVN.
Mỗi thể chế độc tài, tại bất kỳ một quốc gia nào cũng đều có một khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến ở mức độ nào đó, và mức độ của khả năng đàn áp này khác biệt khá xa giữa các thể chế độc tài. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa với hệ thống thông tin mạng toàn cầu ngày nay, khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến của bất kỳ thể chế độc tài nào cũng bị ảnh hưởng bởi ít nhất một trong những yếu tố sau đây, mặc dù với mức độ bị ảnh hưởng và qua những ngã chuyển tải khác nhau:
- Áp lực từ cộng đồng thế giới
Áp lực của thế giới đến từ nhiều mặt: chính trị, kinh tế, xã hội. Vì là một quốc gia đóng kín và quần chúng đã bị đảng cộng sản Bắc Hàn tẩy não nhiều thế hệ nên cộng đồng quốc tế không thể gây ảnh hưởng mạnh đến khả năng đàn áp của chính quyền Kim Jong-Un. Tuy nhiên, giá phải trả của Bình Nhưỡng, dù trực tiếp hay gián tiếp, là sự nghèo đói tột cùng của nhân dân Bắc Hàn.
Mặc dù TC có tiềm năng kinh tế lớn và dân số đông, nhưng cũng như Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, là một quốc gia đóng kín và người dân đã bị đảng CS tẩy não nhiều năm nên trong một thời gian dài cộng đồng quốc tế đã không thể gây ảnh hưởng đến khả năng đàn áp của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, từ khi TC hội nhập toàn cầu, cộng đồng quốc tế đã có thể gây một số ảnh hưởng, dù chỉ khiêm tốn, đến khả năng đàn áp của chính quyền TC (có phần nào giảm xuống vì có áp lực của cộng đồng thế giới và người dân cũng biết cách bày tỏ thái độ ra thế giới bên ngoài).
Cũng như TC, trước khi hội nhập toàn cầu, VN ngay từ sau năm 1975 là một quốc gia biệt lập với thế giới tự do, nên thế giới này không thể gây ảnh hưởng đến khả năng đàn áp của chính quyền Hà Nội. Nhưng khác với TC, VN không có tiềm năng kinh tế, kỹ thuật cao và thị trường quốc nội lớn, cán cân mậu dịch không mấy thuận lợi, trong khi đại đa số dân chúng có khuynh hướng vọng ngoại và thiên về Mỹ (Shambaugh, 2021) nên chính quyền không có khả năng vận động quần chúng như chính quyền Bắc Hàn và TC. Kết quả là sau khi hội nhập quốc tế, cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và khối Âu Châu, có ảnh hưởng khá quan trọng đến khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến của chính quyền VN, mặc dù theo thủ tục ngoại giao, những vấn đề nhạy cảm này thường không được công bố rộng rãi trên truyền thông.
- Mức độ kiểm soát của lãnh đạo tối cao đối với thuộc cấp
Mức độ kiểm soát của lãnh đạo tối cao đối với thuộc cấp, trong các quốc gia độc tài, đưa đến hai kết quả có thể thấy, nhưng trái ngược nhau. Nếu lãnh đạo quốc gia có mức độ kiểm soát thuộc cấp cao, như trường hợp Bắc Hàn, thì khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến cao.
Ngược lại, theo lý luận trên thì nếu mức kiểm soát của lãnh đạo tối cao đối với thuộc cấp bị giảm thì khả năng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến của chính quyền sẽ bị giảm.
Luận cứ này có một ngoại lệ là nếu mức kiểm soát của lãnh đạo tối cao đối với thuộc cấp bị giảm do sự phân hóa của đảng cộng sản thành nhiều nhóm quyền lực tranh giành vị thế lãnh đạo, như tại VN ngày nay, thì dù mức kiểm soát của lãnh đạo tối cao đối với thuộc cấp giảm, nhưng trong những thời gian trước các cơ hội mà các nhóm quyền lực tranh giành chức vụ, như trước đại hội đảng để sắp xếp nhân sự, chính quyền sẽ gia tăng đàn áp thành phần bất đồng chính kiến và giam cầm để các phe nhóm quyền lực rảnh tay tranh giành, mặc dù chính quyền biết rằng sẽ bị quốc tế lên án.
Một thủ đoạn nữa là nhóm đang nắm quyền lực mạnh cũng có thể mượn danh đàn áp thành phần bất đồng chính kiến để triệt giảm mức ủng hộ của những nhóm yếu thế hơn trong chính quyền đang lăm le tranh thủ nhân tâm để gây thanh thế.
- Tỷ số của thành phần bất đồng chính kiến tuyên bố công khai sự bất bình của mình trên dân số (critical mass)
Sự thật hiển nhiên là các chế độ độc tài tồn tại là vì chúng có thể, dưới nhiều hình thức, đàn áp thành phần đối lập hay “các nhà bất đồng chính kiến”. Tuy nhiên các cuộc cách mạng chính trị thế giới trong các quốc gia dưới thể chế độc tài mà Kuran (1987-a, 1987-b, 1989) viện dẫn cũng như sự thành công của cuộc tranh đấu của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan cho thấy rằng các cuộc cách mạng chính trị này thành công khi có một tỷ số nào đó của thành phần bất đồng chính kiến trên dân số công khai tuyên bố sự bất bình và đòi các quyền chính đáng của mình thì các chế độ độc tài sẽ không còn khả năng đàn áp. Vì khả năng ngôn từ hạn hẹp, người viết xin tạm dùng cụm từ “tỷ số khuynh đảo hay điểm sôi” (threshold) để diễn đạt tỷ số mà các chính thể độc tài không còn đủ khả năng đàn áp, và cụm từ “túc số khuynh đảo” (critical mass) để chỉ tích số của tỷ số khuynh đảo và dân số của quốc gia.
Tụ điểm trong đề tài này là mỗi quốc gia dưới chính thể độc tài có một văn hóa dân tộc (bao gồm cả văn hóa chính trị) khác nhau, khả năng đàn áp của thể chế độc tài, và cuộc cách mạng chính trị tại quốc gia xảy ra trong điều kiện quốc nội và quốc tế cũng như những vấn đề hay bất công gây bức xúc cho các nhà đấu tranh khác nhau nên tỷ số khuynh đảo đưa đến cuộc cách mạng phải khác nhau, trong các cuộc cách mạng chính trị trong lịch sử. Đồng thời, không ai có thể dự phóng trị số của tỷ số khuynh đảo này. Tuy nhiên, các tỷ số hay túc số này luôn hiện hữu.
Tụ điểm thứ hai trong đề tài này là canh bạc chết người của các chế độ độc tài ở chỗ không phải lãnh đạo của các các chế độ này không biết những điều bất công mà họ đã gây ra đưa đến sự bất đồng chính kiến và đòi hỏi công bình từ đại chúng. Vua Louis XVI, Vua Mohammad Reza Pahlavi, tướng Wojciech Witold Jaruzelski, Kim Jong-Un, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều biết rất rõ những bất công trong xã hội của quốc gia mà họ lãnh đạo.
Nguyên nhân gây những những bất công trong xã hội mang tính di truyền hay DNA (Deoxyribo-Nucleic Acid) của các chế độ độc tài dù giới lãnh đạo của các chế độ này đã cố gắng mệnh danh chế độ bằng bất kỳ danh từ hoa mỹ nào. Do đó, lãnh đạo các chế độ độc tài này không thể giải quyết những bất công nghiêm trọng đưa đến bất đồng chính kiến và đòi hỏi cải sửa mà không thay đổi tính di truyền hay DNA của chế độ.
Đương nhiên, các chính phủ độc tài không ngồi chờ để bị lật đổ. Và, các thể chế độc tài còn phải thỏa mãn nhu cầu của thành phần yểm trợ để tồn tại, nhưng cơ cấu DNA của chế độ có thể không cho phép giải quyết vấn đề mà không thay đổi DNA. Kết quả là chính quyền phải dùng các biện pháp ru ngủ người dân và đàn áp những người không ngủ để bảo toàn chế độ.
Chắc chắn, cấu trúc DNA của chế độ cũng phải thay đổi, đó là điều tất yếu để có thể tồn tại. Tuy nhiên nhiều chế độ độc tài đã bị lật đổ, và các tổ chức đấu tranh cũng đã bị tan rã. Hiển nhiên, DNA cũng có thể không thay đổi nhanh hay thích ứng đủ.
Tướng Wojciech Witold Jaruzelski chấp nhận đòi hỏi cải tổ từ ông Lech Wałęsa, đại diện cho Công Đoàn Đoàn Kết, đã thay đổi DNA đưa đến mất độc quyền lãnh đạo của chế độ độc tài đảng trị là một thí dụ đơn cử.
- Lý thuyết về che dấu hay giả mạo tư duy, thay đổi phần thưởng, hình phạt, tỷ số khuynh đảo, và cách mạng chính trị
Trong quốc gia dưới thể chế độc tài, thành phần ủng hộ chính quyền được chính quyền bảo vệ và được ban phát nhiều đặc quyền và đặc lợi nên thành phần ủng hộ chính quyền thầm kín, thành phần bất đồng chính kiến ngụy do chính quyền tổ chức chỉ khi cần, không khó nhận diện. Hơn nữa, ba thành phần này thường, qua cách này hay cách khác, phô trương uy thế của họ nên có thể được ước lượng với mức độ chính xác khả tín, vì ba thành phần này không bị thiệt hại gì khi bày tỏ tư duy ủng hộ chính quyền nơi công cộng.
Thành phần trung dung hay không ý kiến có thể là thành phần lớn nhất trong quốc gia. Tuy nhiên, từ trung dung sang ủng hộ chính quyền tích cực hay bất đồng chính kiến nghiêm trọng là một quá trình dài và đòi hỏi nhiều thay đổi điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, và chính sách quốc gia. Do đó, thành phần này thường không là thành phần mũi nhọn để thay đổi tỷ số khuynh đảo đưa đến khởi điểm cho cuộc cách mạng chính trị.
Tuy Tarek el-Tayeb Mohamed Bouazizi chỉ là một người bán hàng rong trẻ tuổi tại Tunisia, nhưng anh ta liên tục bị cảnh sát quấy rối đòi hối lộ nên tự thiêu để phản đối tham nhũng của chính phủ khởi đầu cho Mùa Xuân Ả Rập vào ngày 17 tháng 12 năm 2010. Do đó, anh ta không thuộc thành phần trung dung hay không ý kiến, vì anh đã phẫn uất do bị cảnh sát liên tục quấy rối đòi hối lộ.
Các nhà bất đồng chính kiến ra mặt đã biểu lộ tư duy hay đứng lên đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của chính cá nhân hay của người dân qua nhiều phương thức nơi công cộng đã bị chính quyền theo dõi, đàn áp, giam giữ, hay tù đày, do đó họ đã được biết đến.
Nếu tỷ số của số các nhà bất đồng chính kiến ra mặt đã biểu lộ tư duy qua nhiều cách thấp hơn tỷ số khuynh đảo hay điểm sôi thì chính phủ độc tài có khả năng đàn áp họ và bảo toàn chính thể. Tuy nhiên, khi tỷ số của số các nhà bất đồng chính kiến đã ra mặt biểu lộ tư duy qua nhiều phương thức đụng tỷ số khuynh đảo thì sẽ có một sự tăng vọt do sự cộng hưởng (synergy) của trào lưu chuyển từ nhóm “bất đồng thầm lặng” sang “bất đồng công khai” sẽ như dòng thác cuốn băng chế độ đi; bởi vì trong sự tự lượng có thêm yếu tố “sẽ có thể bị”, trong cơn phấn khích yếu tố này sẽ trở nên kém quan trọng.
Vì không ai có thể dự phóng tỷ số khuynh đảo hay điểm sôi, nên quan sát viên, các nhà phân tích, ngay cả các nhà bất đồng chính kiến ra mặt cho rằng chế độ còn tồn tại là vì tỷ số các nhà bất đồng chính kiến đã ra mặt biểu lộ tư duy hay tranh đấu qua nhiều phương thức thấp hơn tỷ số khuynh đảo.
Nói một cách khác, chế độ độc tài còn tồn tại là vì thành phần bất đồng chính kiến đã ra mặt biểu lộ tư duy chưa đạt túc số khuynh đảo hay điểm sôi.
Sự trừu tượng và tinh tế của lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy giải thích rằng trong phạm trù tâm lý siêu hình của mình, mỗi cá nhân hay nhà bất đồng chính kiến có một hệ thống suy tư phức tạp nội tại, và hệ thống suy tư phức tạp này “chiết tính hay ước lượng” mức độ thỏa mãn cá nhân (phần thưởng) và mức độ nguy hại đến bản thân hay gia đình (hình phạt), có thể, cho cá nhân hay nhà bất đồng chính kiến này.
Hơn nữa, mức độ thỏa mãn cá nhân, tự ước lượng, của một cá nhân, từ hành động trung thực với tư duy của cá nhân, sẽ gia tăng nếu chính quyền không giải quyết vấn đề gây bất bình, hoặc vấn đề gây bất bình trở nên nghiêm trọng hơn, hay một biến cố mới xảy ra gây bất bình chồng lên những vấn đề đang gây bất bình cho cá nhân này.
Ngược lại, mức độ thỏa mãn cá nhân sẽ giảm nếu nếu chính quyền giải quyết vấn đề gây bất bình và mức độ giảm tùy thuộc vào mức độ cải thiện vấn đề gây bất bình cho cá nhân này. Trong khi đó, mức độ nguy hại đến bản thân hoặc gia đình (hình phạt) của một cá nhân sẽ giảm nếu cá nhân đó dự phóng rằng khả năng đàn áp của chính quyền bị giảm. Ngược lại thì mức độ nguy hại đến bản thân hoặc gia đình của một cá nhân sẽ tăng nếu cá nhân đó dự phóng rằng khả năng đàn áp của chính quyền tăng.
Tâm lý là vấn đề siêu hình phức tạp và tinh tế, thêm vào với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách điều hành quốc gia trong nước; đồng thời, với tầm cỡ nào đó của các điều kiện này trên thế giới, các cá nhân trong xã hội có thể sẽ có một hệ thống suy tư phức tạp nội tại khác nhau. Tuy nhiên lý thuyết che giấu hay giả mạo tư duy giả định rằng một cá nhân hay nhà bất đồng chính kiến duy lý (rational individual), suy tư theo quy trình do Freud (1930) và các nhà nghiên cứu tâm lý sau ông lý giải, thì cá nhân hay nhà bất đồng chính kiến duy lý sẽ hành xử theo “quy luật” sau đây:
- Nếu mức độ thỏa mãn cá nhân cao hơn mức độ nguy hại đến bản thân hay gia đình thì nhà bất đồng chính kiến duy lý này sẽ tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu; ngược lại, nhà bất đồng chính kiến duy lý này sẽ tiếp tục che dấu tư duy thật của mình.
- Dự phóng khả năng đàn áp của chính quyền bị giảm khi số lượng của nhà bất đồng chính kiến duy lý này công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu, gia tăng.
Trong các quốc gia dưới thể chế độc tài, chính quyền đàn áp thành phần bất đồng chính kiến, nếu có thể, để giữ độc quyền chính trị là văn hóa chính trị cố hữu. Kết quả tất nhiên là sẽ có nhiều các nhà bất đồng chính kiến âm thầm; hơn nữa, chính quyền càng đàn áp mạnh bạo, số nhà bất đồng chính kiến âm thầm càng cao và họ còn phải cố che dấu tư duy thật của họ cẩn mật hơn.
Do đó, dù một cuộc cách mạng chính trị không tránh khỏi đã hiện rõ, nhưng vì các nhà bất đồng chính kiến âm thầm vẫn còn che dấu tư duy thật của họ nên các nhà bất đồng chính kiến duy lý đã tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình hay đứng lên tranh đấu, hình như đang cô độc và chính thể độc tài dường như đang bền vững.
Từ quy luật hành xử (i) và (ii), lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy thuyết giải rằng một sự thay đổi hành vi của chính quyền hay một biến cố nào đó, có thể thay đổi mức độ thỏa mãn cá nhân đẩy mức độ này vượt cao hơn mức độ nguy hại đến bản thân hay gia đình của mọi tầng lớp trong xã hội. Sự thay đổi này có thể làm cho một số người trong thành phần của nhà bất đồng chính kiến duy lý, âm thầm, tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu. Điều này có thể đẩy tỷ số giữa các số người trong thành phần của nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu và dân số vượt túc số khuynh đảo hay điểm sôi, đưa đến cuộc cách mạng chính trị một cách đột biến.
Sự thay đổi hành vi của chính quyền hay biến cố này là một đốm lửa nhỏ có thể làm cả cánh đồng bốc cháy trong trong lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy mà Kuran triển khai.
Timur Kuran là một nhà tư tưởng tầm cỡ đã triển khai và dùng lý thuyết che giấu hay giả mạo tư duy của ông để giải thích tại sao những cuộc nổi dậy chính trị lật đổ các chế độ độc tài thế giới lẽ ra phải không có điều gì đáng ngạc nhiên lại gây sửng sốt cho rất nhiều nhà lãnh đạo, người tham gia, nạn nhân và quan sát viên thế giới, khi chúng xảy ra.
Điều này đã đưa đến sự đánh giá một cách đơn giản và không công bằng cho rằng lý thuyết này làm cho mọi người chỉ biết bàn sau khi cơn biến động xảy ra, và người ta trầm trồ: “À thì ra nó là như vậy.”
- Thay lời kết
Trong bối cảnh hiện nay, vì áp lực của tư duy thực dụng của người dân, Chính quyền Mỹ đang chấp nhận giải pháp thứ cấp để giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô quốc nội và vấn đề Biển Đông. Do đó, chính phủ Mỹ, ở một tầm cỡ nào đó, đang lặng lẽ làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, nguồn gốc của sản phẩm xuất cảng, và vấn đề thao túng tiền tệ, v.v…, của nhà nước CSVN.
Tuy nhiên, về mặt địa lý chiến lược và liên minh khu vực, Phi Luật Tân đã thỏa thuận cho cho phép Mỹ tiếp cận tất cả 9 căn cứ cứ quân sự (The Economist, 21 tháng 2, 2023) quanh khu vực quần đảo Luzon, cũng là vùng tranh chấp giữa Phi và TC, Nhật gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, sự chào đời của AUKUS và the QUAD Alliance, và nhiều biến chuyển khác đang trong quá trình triển khai trong vùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ quan trọng của VN trong chiến lược Á Châu của Mỹ và đồng minh trong tương lai.
Do đó, mặc dù chính sách ngoại giao dường như mang bản chất trao đổi để thỏa mãn những mục tiêu của từng giai đoạn, chấp nhận giải pháp thứ cấp; tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thành lập và liên tục duy trì nền hoà bình Mỹ, với mục tiêu của chính sách đối ngoại là tối đa hóa phúc lợi của công dân Hoa Kỳ, đảm bảo hòa bình thế giới, thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Do đó, trừ khi Mỹ thay đổi truyền thống lịch sử này, khi lợi điểm kinh tế và chiến lược của VN với phương Tây bị giảm, những vi phạm trên sẽ bị “bươi” ra hay không còn bị làm ngơ.
Theo thiển kiến của người viết, nét tinh tế của lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy là quá trình triển khai lý thuyết đã chỉ ra cho những nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình hay đứng lên tranh đấu thấy được một thế lực và văn hóa của một đồng minh tiềm ẩn vô cùng quan trọng; nhất là khi VN không còn là một nguồn quan trọng cần thiết để giải quyết vấn đề kinh tế và chính trị cho Mỹ và đồng minh.
Do đó, với một chiến thuật và chiến lược đấu tranh bao gồm kế sách tối đa hóa số lượng các nhà bất đồng chính kiến âm thầm đứng lên tranh đấu sẽ có thể gia tăng xác suất rút ngắn thời gian và xác suất đưa đến và thành công của cuộc cách mạng. Hơn nữa, dựa vào lý thuyết che dấu hay giả mạo tư duy có thể lập luận rằng các nhà bất đồng chính kiến đang tranh đấu cho nhân quyền và công bằng xã hội không đơn độc như thoáng nhìn trên bề mặt. Đây là điều mà ĐCSVN vô cùng e ngại và cũng là một phương kế tốt cho các nhà tranh đấu cho VN.
Sự tinh tế là lý thuyết cũng chỉ ra, dù chỉ dưới dạng ngầm, sự nguy hiểm đối xứng khi áp dụng lý thuyết, là chế độ độc tài bị lật đổ vì lượng giá sức mạnh của thành phần bất đồng chính kiến thầm kín quá thấp. Không những chế độ độc tài lượng giá quá thấp, mà một phần cũng do phe nổi dậy không thể đánh giá đúng mức sự cộng hưởng (synergy) đã giúp cho phong trào chống đối thành công bất ngờ trong giai đoạn cuối, bởi vì nếu không có sự cộng hưởng này thì chế độ độc tài có thể có đủ thời gian để dập tắt. Trong khi đó, thành phần bất đồng chính kiến, đã đứng lên tranh đấu, có thể bị tan rã nếu sai lầm lượng giá sức mạnh của thành phần bất đồng chính kiến âm thầm quá cao. Và chúng ta cũng thấy là những biện pháp của nhà cầm quyền độc tài chống lại các phong trào phản kháng thường nhắm vào thành phần bất đồng chính kiến âm thầm để kéo họ trở vào bóng tối.
Tài liệu tham khảo
- BBC tiếng Việt. 2024. Thấy gì từ tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Chính trị Việt Nam về ‘đảm bảo an ninh quốc gia’ – BBC News Tiếng Việt.1 tháng 3 2024.
- Freud, S. 1930. Civilization and its discontents. J. Strachey, trans. and ed. 1961. New York: Norton
- Head, J. 2024. Vietnam: Leaked Communist Party document warns of ‘hostile forces’. BBC News ngày 29, tháng 2, năm 2024. Vietnam: Leaked Communist Party document warns of ‘hostile forces’ (bbc.com).
- IMF. 2023. Vietnam: 2023 Article IV Consultation-Press Release; Staff Report; and Statement
by the Executive Director for Vietnam. IMF Country Rport No. 23/338 (September 27, 2023).
https://www.imf.org. Truy cập vào ngày 10, tháng 3, năm 2024.
- Klingler-Vidra, R. and Wade, R. 2020. Science and Technology Policies and the Middle-Income
Trap: Lessons from Vietnam. The Journal of Development Studies, Vol. 56(4), pp. 717-731,
DOI: 10.1080/00220388.2019.1595598.
- 6. Kuran, T. 1989. Sparks and Prairies Fires: A theory of unanticipated political revolution. Public
Choice, Vol. 61, pp. 41-77.
- ________1987-a. Preference Falsification, Policy Continuity and Collective Conservatism. The Economic Journal, Vol. 97(387), pp. 642-665.
- ________1987-b. Chameleon voters and public choice. Public Choice, Vol. 53, pp. 53-78.
- Pinker, S. 2018. Enlightenment NOW: The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress. Viking, an imprint of Penguin Random House, LLC.
- Shambaugh, D. 2021. Where Great Power Meet: America & China in Southeast Asia, Oxford University Press.
Bạn có thể thích
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử2 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị12 tháng trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên