Lịch sử Việt-Mỹ
Hồi ức Hoàng Đức Nhã: Nỗ lực tìm kiếm một nền hòa bình bền vững
Published on
Tòa soạn: Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu hồi ức của ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng thưởng Dân vận và Chiêu hồi VNCH, cựu cố vấn của TT. Nguyễn Văn Thiệu trong đàm phán hiệp định Paris, về quá trình xây dựng chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ của VNCH thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa. Đây là bài phát biểu của tác giả tại hội thảo về lịch sử VNCH năm 2016 ở University of California at Berkeley. Các bài phát biểu trong hội thảo này sau đó được in thành sách “The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building” do Đại học Cornell xuất bản năm 2019. Bản dịch tiếng Việt được Văn Học xuất bản năm 2022 tại Mỹ. Bản dịch dưới đây được trích từ cuốn sách tiếng Việt nói trên.
Hoàng Đức Nhã phục vụ trong chính phủ VNCH ngay sau khi trở về từ Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 1965 với bằng cử nhân kỹ thuật điện. Ông từng là kỹ sư viễn thông tại Bộ Nội vụ, sau đó là kỹ sư dự án tại Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ Việt Nam. Ông được mời vào làm việc trong Phủ Tổng thống sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhậm chức vào tháng 10 năm 1967, đầu tiên trong vai trò phân tích chính sách và sau đó là Bí thư (chánh văn phòng) và phát ngôn viên của Tổng thống. Trong cương vị Bí thư, ông là cố vấn chính cho Tổng thống Thiệu trong các cuộc đàm phán Paris. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1 năm 1973, ông nhận chức vụ Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi, đồng thời là Phối hợp viên Xây dựng Quốc gia. Ông từ chức vào tháng 11 năm 1974 vì những khác biệt về chính sách với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Từ năm 1975 đến năm 2003, ông làm việc tại ba công ty lớn là General Electric, FMC Corporation và Monsanto Company. Vào giữa năm 2004, ông đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của một công ty chuyên về phân tích dữ liệu lớn, phục vụ các công ty trong danh sách Fortune 100 và các cơ quan chính phủ khác nhau của Hoa Kỳ. Ông nghỉ hưu vào năm 2012 và hiện sống ở Chicago.
Tôi trở về Sài Gòn vào đầu tháng Giêng năm 1965 sau ba năm rưỡi du học tại Hoa Kỳ, nơi tôi đã lấy bằng cử nhân về kỹ thuật điện. Tôi rất kỳ vọng được trở thành một người tham gia tích cực vào quá trình kỹ nghệ hóa mới bắt đầu của miền Nam Việt Nam. Là một người nhận học bổng được đào tạo ở nước ngoài, tôi đồng ý làm việc cho chính phủ sau khi tốt nghiệp. Đầu tiên tôi làm kỹ sư viễn thông trong một năm, sau đó là một năm nữa với tư cách kỹ sư dự án tại Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ. Trong giai đoạn này phần lớn thời gian tôi được biệt phái sang làm việc cho Bộ trưởng Kinh tế.
Chính trong nhiệm vụ đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kinh tế vĩ mô đúng đắn và triển khai mạnh mẽ các kế hoạch thực tế để tránh những cạm bẫy của mô hình kế hoạch hóa tập trung và các dự án hữu danh vô thực (nguyên văn: “white elephants”) mà các quốc gia đang phát triển thường theo đuổi.
Khi trở về sau bốn tháng đào tạo thêm tại Hoa Kỳ trong chuyên ngành quản lý dự án phát triển, tôi bắt đầu làm việc ở Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, sẵn sàng áp dụng những kiến thức tôi đã học. Ngay sau đó, vào đầu tháng 9 năm 1967, miền Nam Việt Nam tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa, một bước phát triển quan trọng đối với đất nước, và là một bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi.
Tôi tham gia chính trường như thế nào?
Tôi hoàn toàn không được học tập hay đào tạo để tham gia chính trường. Ngay sau khi nhậm chức tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa, Tổng thống Thiệu tạo ra một ban cố vấn (nguyên văn “brain trust”), chính thức tên là Văn phòng Chuyên gia, để hỗ trợ ông trong việc phân tích chính sách và các vấn đề cũng như giúp chính phủ đối phó với những tình huống khó khăn trong lãnh vực phi quân sự. Tôi nhận lời mời làm việc cho Văn phòng Chuyên gia và cùng lúc đó thôi việc ở Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ.
Có mười người chúng tôi trong ban cố vấn; chín người tốt nghiệp các trường đại học Pháp và Việt, còn tôi là người duy nhất được đào tạo ở Hoa Kỳ. Tôi tiếp nhận công việc dự thảo cải cách nông nghiệp, và trong vòng ba tháng đệ trình một khung chính sách với mục tiêu vừa thu hẹp khoảng cách xã hội ở nông thôn giữa chủ đất và nông dân tá điền, vừa tăng sản xuất lúa gạo để tự cung tự cấp. Đề án này sau đó được dùng làm cơ sở cho chương trình Người Cày Có Ruộng (xem chương 4 trong sách này).
Ngay sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản vào năm 1968, tôi được thăng chức làm Bí thư cho tổng thống với nhiệm vụ bàn bạc và phân tích các vấn đề quan trọng cho ông ấy. Đây là một công việc mang tính chính trị cao, thường được dành cho một người thâm niên với kiến thức và kinh nghiệm trong các hoạt động chính trị của đất nước. Lúc đó tôi mới hai mươi lăm tuổi.
Với tư cách là Bí thư, tôi tham gia vào tất cả các quyết định quan trọng mà tổng thống đưa ra, và khi áp lực ngày càng lớn để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến, tôi có mặt trong tất cả các cuộc thảo luận, lúc đầu với tư cách là một chiến lược gia hậu trường. Sau đó, bắt đầu từ đầu năm 1972, tôi xuất hiện bên cạnh tổng thống trước sự kinh ngạc và không hài lòng của người Mỹ. Rất ít nhà quan sát chính trị ở Việt Nam biết tôi là ai hoặc tại sao tổng thống lại giao cho tôi một vị trí quan trọng như vậy. Nhưng tình thế đưa đẩy tôi trở thành nhân chứng quan trọng của lịch sử dự vào cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Thiệu với Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Con đường đi đến hòa bình
Trong lần nhậm chức tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa vào đầu tháng 10 năm 1967, Tổng thống Thiệu đã thề bảo vệ Hiến pháp được ban hành vài tháng trước đó để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của miền Nam Việt Nam và “mở ra một cánh cửa” cho một nền hòa bình lâu dài hầu thực hiện các chương trình nâng cao cuộc sống của người dân miền Nam Việt Nam. Lời hứa này thực sự là một thách đố lớn vì chúng tôi vừa bước ra khỏi một giai đoạn hỗn loạn chính trị và đang phải đối phó với đồng minh Hoa Kỳ. Nếu người Mỹ trước kia đã Mỹ hóa chiến tranh, giờ đây họ lại muốn một giải pháp theo ý họ để chấm dứt nó.
Tổng thống Thiệu thừa kế một đất nước đang lâm vào chiến tranh lại bị khốn đốn bởi tình trạng bất ổn chính trị và và tâm lý bi quan trong dân chúng. Cuộc đảo chính đẫm máu đã kết thúc nền Đệ nhất Cộng hòa vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, theo sau là một giai đoạn các tướng lĩnh tranh giành quyền lực với nhau. Tình trạng đó tạo điều kiện cho các nhà sư tham gia hoạt động chính trị và các nhóm chính trị và tôn giáo khác đứng lên đòi hỏi thay đổi. Tổng thống Thiệu nhận thấy rằng chính quyền cần dân chúng ủng hộ rộng rãi hơn để bù đắp cho hậu quả tiêu cực trong những năm cuối cùng của nền Đệ nhất Cộng hòa và sự hỗn loạn kéo dài trong vài năm kế tiếp. Ông cũng nhận thấy rằng để nhân dân miền Nam Việt Nam hăng hái hơn trong cuộc chiến đấu bảo vệ và phát triển quê hương, ông cần phải thu phục họ. Điều này có nghĩa là phải sớm kết thúc chiến tranh và tận dụng nền hòa bình đó để xây dựng một quốc gia hùng mạnh hơn ở miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ khó khăn mà ông phải đối mặt càng thêm phức tạp một mặt, bởi cuộc chiến tranh xâm lược không ngừng do miền Bắc Việt Nam tiến hành vi phạm Hiệp định Geneva năm 1954 và mặt khác, bởi chính sách đơn phương rút lui khỏi cuộc chiến của đồng minh Hoa Kỳ.
Tổng thống Thiệu nhận thấy rằng chính sách đó của Mỹ là xu hướng chắc chắn không thể thay đổi. Ngay cả trước khi được bầu làm tổng thống vào ngày 3 tháng 9 năm 1967, ông đã biết về ý định của Hoa Kỳ khi, vào tháng 3 năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố rằng ông “sẵn sàng đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và gặp bất kỳ ai bất cứ khi nào có lời hứa nhằm đạt được một nền hòa bình trong danh dự. “Một tháng sau, Tổng thống Johnson tuyên bố rằng ông sẵn sàng cho các cuộc thảo luận vô điều kiện và hứa viện trợ cho Đông Nam Á, bao gồm cả Bắc Việt Nam. Johnson còn ám chỉ rằng Hoa Kỳ sẽ không phản đối việc thành lập một chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam và sẵn sàng ngừng mọi cuộc bắn phá từ trên không vào miền Bắc. Tại Hội nghị Canberra vào tháng 12 năm 1967, Johnson gia tăng áp lực lên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bằng cách “đề nghị” với Tổng thống Thiệu mới đắc cử rằng ông nên tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP), là tổ chức do Hà Nội sai khiến. Tổng thống Thiệu lo ngại rằng Hoa Kỳ đang dần Mỹ hóa tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, ông đồng ý đàm phán với Bắc Việt Nam khi, vào ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Johnson đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Hà Nội và quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Thiệu chấp thuận tiến trình hòa bình này nhưng cũng cảnh báo với chính quyền Johnson rằng vai trò và trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam trong các cuộc đàm phán hòa bình nên được phân định rõ ràng trước khi bắt đầu đàm phán. Có thể hiểu được ông lo lắng rằng Washington sẽ đàm phán trên đầu miền Nam Việt Nam, tương tự như những gì đã xảy ra tại Hội nghị Geneva năm 1954.
Thật may mắn, thành công của Quân lực VNCH trong việc đánh bại cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của cộng sản đã mang lại cho chúng tôi một thế mạnh khi tiến hành đàm phán. Áp lực để đàm phán nhanh chóng Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Honolulu vào tháng 7 năm 1968 giữa Hoa Kỳ và VNCH, hai bên đồng ý yêu cầu Bắc Việt Nam rút lực lượng khỏi Nam Việt Nam trước khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân. Hoa Kỳ cũng hứa sẽ không ủng hộ việc áp đặt chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam. Hai tuần trước khi đến Honolulu, Tổng thống Thiệu nói trong một cuộc họp báo rằng VNCH sẵn sàng chấp nhận gánh nặng lớn hơn của cuộc chiến bắt đầu từ năm 1969 để Hoa Kỳ có thể bắt đầu rút quân đồng thời gia tăng hỗ trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam.
Các cuộc đàm phán ở Paris giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam bắt đầu ngay sau tháng 3 năm 1968 không mang lại kết quả nào, trong khi Hà Nội tiếp tục gửi những lực lượng lớn vào miền Nam để bù đắp cho những tổn thất phát sinh trong Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự linh hoạt trong nỗ lực đàm phán, và cuộc bầu cử tổng thống năm đó càng làm tăng thêm áp lực buộc chúng tôi phải tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với MTDTGP trong khi Washington đàm phán với Hà Nội trong một diễn đàn riêng biệt. Nhưng Tổng thống Thiệu từ chối gặp MTDTGP vì chúng tôi vẫn chưa đồng ý với Hoa Kỳ về các mục tiêu chung của hai bên ở Paris, chưa nói đến các vấn đề mà cuộc đàm phán sẽ đề cập, hoặc các thủ tục của chúng.
Đối với chúng tôi, những thủ tục thương lượng này là tối quan trọng. Việc chúng tôi từ chối cử phái đoàn tham dự cuộc họp ở Paris đã khiến phía Hoa Kỳ, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford và Đại sứ William Harriman, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, tức giận. Chính quyền Johnson và hầu hết các phương tiện truyền thông của Mỹ nghĩ rằng chúng tôi nghe lời bà Anna Chennault thay mặt cho ứng cử viên Richard Nixon, người đã yêu cầu chúng tôi không tham dự các cuộc đàm phán ở Paris cho đến sau cuộc bầu cử. Ngay cả Tổng thống Johnson, trong cuốn hồi ký của mình, cũng ám chỉ đến tin đồn này. Bà Chennault thực sự đã gặp hai quan chức Việt Nam Cộng Hòa, đó là đại sứ của chúng tôi tại Hoa Kỳ và Đài Loan (người sau là anh trai của Tổng thống Thiệu). Thông tin mà bà ấy cung cấp cho họ được chuyển cho Tổng thống Thiệu và ông có bàn bạc với một số người thân tín. Tôi có biết thông điệp của bà ấy nhưng đồng thời khẳng định rằng trước khi VNCH cử đại diện đến Paris, chúng tôi cần phải xác định rõ ràng và xây dựng chiến lược cũng như một phương thức hoạt động chung với phái đoàn Mỹ. Hơn nữa, sau Tết, quân đội miền Nam Việt Nam đang chiến thắng trên chiến trường, và chúng tôi tin rằng cần đàm phán ở thế mạnh.
Chính phủ VNCH càng thêm tức giận khi Bộ trưởng Clifford, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 1968, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không cần thiết phải có lập trường chung với đồng minh VNCH. Mãi đến giữa tháng 1 năm 1969, Bắc Việt Nam, dưới áp lực của Moscow, mới nhượng bộ về các vấn đề thủ tục quan trọng cho cuộc đàm phán.
Sau đó, chúng tôi đã cử phái đoàn của mình tham dự cuộc đàm phán Paris vào tháng Giêng, hiện đã được mở rộng để bao gồm cả chính phủ VNCH và MTDTGP. Việc bất hòa vào tháng 10 năm 1968 với Hoa Kỳ về chiến lược và chiến thuật đàm phán là báo hiệu cho nhiều tranh chấp nữa sẽ xảy ra.
Xây dựng đất nước trong khi chuẩn bị đàm phán
Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, chính phủ và nhân dân miền Nam Việt Nam hết sức phấn khích trước những thành công quân sự và những sáng kiến do tổng thống đưa ra trong nhiệm vụ củng cố đất nước. Chúng tôi sửa chữa cơ sở hạ tầng bị phá hủy bởi giao tranh và phát triển các khả năng khác cần thiết cho xây dựng quốc gia. Trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất là việc xây dựng một chế độ dân chủ theo quy định của Hiến pháp năm 1967 trên cơ sở tôn trọng các quyền cơ bản của con người và tôn trọng luật pháp, đồng thời thực hiện các kế hoạch phát triển cả nền kinh tế thị trường và nền nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, và cải thiện mức sống.
Miền Nam Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào và một dân số có tính năng động và cần cù. Hệ thống giáo dục của chúng tôi, cùng với học bổng dành cho sinh viên có năng khiếu đi du học tại các trường đại học ở nước ngoài, đã tạo ra một lớp các nhà kỹ trị (technocrats) được đào tạo bài bản, những người đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của các nỗ lực xây dựng quốc gia của chúng tôi (xem chương 8 và chương 9 trong tập này về những phát triển trong hệ thống giáo dục của miền Nam Việt Nam).
Chính phủ VNCH lúc bấy giờ đang ở trong một tình thế đặc biệt đầy thách thức. Một mặt, chúng tôi phải bảo vệ lãnh thổ và đánh bại cuộc xâm lược của cộng sản, mặt khác, chúng tôi phải cải thiện nhiều cuộc sống của toàn dân. Chúng tôi phải làm tất cả những điều đó trong khi hợp tác với chính quyền Nixon để lập lại hòa bình cho hai miền Việt Nam. Đó là một nhiệm vụ cam go. Nhưng ít ai có thể đoán được rằng cái gọi là lập trường đàm phán chung giữa chúng tôi với Hoa Kỳ đang bị liên tục đe dọa bởi các cuộc trao đổi bí mật giữa Washington và Hà Nội. Mối quan hệ dần dần xấu đi khi chúng tôi nhận ra rằng Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger muốn kết thúc chiến tranh theo cách của họ mặc kệ những ý kiến hay phản đối của chính phủ Nam Việt Nam. Chặng đường gai góc đến một hiệp ước hòa bình Việc đàm phán ở Paris được chỉ đạo trực tiếp bởi Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger, qua mặt Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng William Rogers.
Chúng tôi cũng thấy rõ rằng Tòa Bạch Ốc hiếm khi cập nhật thông tin cho lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện Mỹ, ngoại trừ một số ít hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ, và một số nhà bình luận và phóng viên thân thiện.
Về phía Nam Việt Nam, Tổng thống Thiệu đã tham khảo ý kiến của lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện. Ông cũng dựa vào Hội đồng An ninh Quốc gia được phối hợp nhịp nhàng gồm Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Kim Phượng, Trợ lý đặc biệt của Tổng trưởng Ngoại giao Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức, và tôi với tư cách là Bí thư kiêm Phát ngôn nhân của tổng thống.
Chưa một lần nào chúng tôi nghĩ rằng phía Mỹ, trong lúc vội vàng đi đến một giải pháp, sẽ tự tiến hành đàm phán mà không cần tham khảo ý kiến của chúng tôi. Lần đầu tiên bất đồng xảy ra vào ngày 14 tháng 5 năm 1969, khi Tổng thống Nixon, không hỏi trước Tổng thống Thiệu, đã công khai chủ trương rút quân đồng thời của Mỹ và Bắc Việt khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là một sự thay đổi rõ ràng so với một thỏa thuận được thông qua vào năm 1966 bởi tất cả các nước đóng góp quân. Theo thỏa thuận đó, lực lượng đồng minh sẽ chỉ rút lui sáu tháng sau khi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam. Tổng thống Nixon cũng tuyên bố ủng hộ mở rộng chính phủ cho tất cả các thành phần chính trị ở miền Nam Việt Nam, kể cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tham gia − mà không hề nhắc đến một đề nghị tương tự Tổng thống Thiệu đã đưa ra vào tháng trước.
Sau khi chúng tôi thông báo sự thất vọng của mình với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, Tòa Bạch Ốc nhanh chóng chuyển sang trấn an Tổng thống Thiệu bằng cách đề xuất một cuộc gặp vào tháng 6 năm 1969 giữa hai tổng thống tại đảo Midway ở Thái Bình Dương, nửa đường giữa Washington và Sài Gòn. Thông cáo từ cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài một ngày này nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng chỉ người dân miền Nam Việt Nam mới có thể xác định tương lai chính trị của họ và sẽ không có chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam − một lời hứa khác sẽ bị nuốt nhiều năm sau đó mà không có sự tham vấn trước. Đổi lại, chúng tôi nhắc lại lời đề nghị thay thế lực lượng Mỹ bằng quân đội Nam Việt Nam, bắt đầu bằng việc rút 25.000 lính Mỹ. Điều tệ hại nhất ở Midway là người Mỹ không thèm thông báo với chúng tôi rằng để đẩy nhanh cuộc đàm phán, họ đã bố trí đàm phán bí mật giữa Kissinger và trưởng phái đoàn Bắc Việt, Xuân Thủy, và sau này là Lê Đức Thọ. Tư liệu mật cho thấy cuộc nói chuyện bí mật đầu tiên giữa Kissinger và Xuân Thủy diễn ra vào ngày 4 tháng 8 năm 1969, tại căn hộ ở Paris của Jean Sainteny, cựu đại diện chính quyền Pháp tại Hà Nội. Những tài liệu này cũng cho thấy rằng tại các cuộc họp, Kissinger đã có nhiều nhượng bộ quan trọng, đặc biệt là về các vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam mà lẽ ra chính phủ của chúng tôi và MTDTGP phải biết. Sau cuộc họp Midway, chúng tôi đề xuất tổ chức bầu cử tự do và công bằng trên toàn quốc nhưng Hà Nội đã bác bỏ đề xuất của chúng tôi. Trong khi đó, các cuộc rút lui theo từng giai đoạn của quân Mỹ vẫn tiếp tục. Ngày 25 tháng 7 năm 1969, Tổng thống Nixon giới thiệu “Học thuyết Nixon” và từ đó khởi động chương trình “Việt Nam hóa”.
Vài ngày sau, trong chuyến thăm Sài Gòn, ông cam kết sẽ ủng hộ miền Nam Việt Nam một cách kiên định và hứa sẽ không nhượng bộ thêm nữa đối với Hà Nội. Hai năm tiếp theo được đánh dấu bằng một loạt đề nghị của Hoa Kỳ và VNCH nhằm phá vỡ thế bế tắc ngoại giao nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục phản đối, tin rằng cuối cùng Nixon sẽ từ bỏ miền Nam Việt Nam để đưa quân đội Hoa Kỳ và tù binh về nước nhằm có thể thắng cử nhiệm kỳ hai. Chiến thuật đánh đánh/đàm đàm của Bắc Việt Nam Sau nhiều năm đàm phán bị đình trệ, năm 1972 là một năm có nhiều thay đổi chính trị và quân sự lớn – kết quả của những thay đổi này về nhiều mặt đã quyết định số phận của miền Nam Việt Nam. Năm bắt đầu với tiết lộ ngày 9 tháng 1 của Tổng thống Nixon rằng Tiến sĩ Kissinger đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Hà Nội kể từ tháng 8 năm 1969. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành mà không tham khảo ý kiến hoặc thông báo cho Nam Việt Nam.
Sự kiện gây sốc này được theo sau bởi chuyến thăm đầy kịch tính đến Trung Quốc của Nixon vào tháng Hai. Ông ta và Kissinger hy vọng thực hiện chính sách ngoại giao tam giác, sử dụng Trung Quốc làm đòn bẩy chống lại Nga, dùng Nga làm đòn bẩy chống lại Trung Quốc, và dùng cả hai làm đòn bẩy chống lại Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội đã cắt đứt cuộc đàm phán Paris, chọn kết thúc chiến tranh bằng quân sự với một thắng lợi quyết định. Vào tháng 4, cộng quân đã mở một cuộc tấn công ba mũi vào các tỉnh cực bắc Quảng trị và Thừa thiên, vào Tây nguyên, và vào thị xã An lộc chỉ cách Sài Gòn sáu mươi dặm. Trong cuộc tấn công vào dịp lễ Phục sinh này, hay chúng tôi gọi là “mùa hè đỏ lửa”, Bắc Việt đã khai triển mười ba sư đoàn chiến đấu, chỉ để lại một sư đoàn ở miền Bắc làm lực lượng dự bị. Sau một số thất bại ban đầu, các lực lượng của chúng tôi đã tập hợp lại, và nhờ Không quân và Hải quân Mỹ trợ giúp, chúng tôi đã từ từ đẩy lùi quân xâm lược, chiếm lại phần lớn lãnh thổ vào giữa tháng Bảy. Tổng thống Nixon quyết định đưa miền Bắc Việt Nam trở lại bàn đàm phán, và trong bài phát biểu ngày 9 tháng 5 trước quốc dân, ông đã công bố Chiến dịch Linebacker – cuộc ném bom lớn vào miền Bắc và phong tỏa cảng Hải phòng. Một khoảng cách thời gian vừa đủ Một trong những trách nhiệm của tôi với tư cách là Bí thư và phát ngôn nhân của tổng thống là theo dõi và phân tích các phương tiện truyền thông Mỹ và quốc tế để phát hiện manh mối về những mặc cả ngầm liên quan đến một dàn xếp chính trị của họ với phe cộng sản. Chúng tôi biết rằng người Mỹ thích rò rỉ thông tin về các cuộc đàm phán thông qua những báo cáo tóm tắt hoặc những trích dẫn được cho là do “các nguồn thân cận với chính quyền”.
Và vào thời điểm đó, thông qua việc đưa tin của báo chí Mỹ và các cuộc nói chuyện với các nhà báo, các thành viên chủ chốt của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, và các nhân viên cũng như các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ khi đến thăm Việt Nam, tôi đã bắt đầu lờ mờ nhận ra khái niệm “một khoảng cách thời gian vừa đủ” (nguyên văn: “decent interval”) để kết thúc chiến tranh đang được ngầm đưa ra thăm dò dư luận ở Washington.
Theo khái niệm này, Hoa Kỳ sẽ chấp nhận sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam − với điều kiện nó chỉ xảy ra sau khi “một khoảng cách thời gian vừa đủ” đã trôi qua sau đợt rút quân cuối cùng của Mỹ. Sau khi khởi động Chiến dịch Linebacker, Nixon đến Moscow để có cuộc gặp thượng đỉnh với Leonid Brezhnev, nhà lãnh đạo Nga Sô, và bộ trưởng ngoại giao Andrei Gromyko của ông ta. Ở đây, Tiến sĩ Kissinger cũng đưa ra khái niệm về khoảng cách thời gian vừa đủ, sử dụng những từ như “một khoảng thời gian”, “mười tám tháng” hoặc “một hoặc hai năm”. Ngay sau cuộc họp, Gromyko thông báo với Hà Nội rằng Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp chính trị dù không bảo đảm sẽ cho phép cộng sản chiến thắng nhưng cũng không loại trừ khả năng đó. Sau đó, vào tháng 7, Kissinger trở lại Trung Quốc. Tại đây, hình như ông đã trấn an chủ nhà rằng sau khi thực hiện lệnh ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ rút tất cả số quân và tù binh còn lại của mình và sau một khoảng cách thời gian vừa đủ, sẽ thôi không can thiệp vào tình hình chính trị ở miền Nam.
Lần này, ông ta không tìm cách lượng định khoảng thời gian phù hợp, thay vào đó sử dụng những từ như “đủ” hoặc “hợp lý” để mô tả ý định của mình. Sau khi Kissinger rời Bắc Kinh, trưởng đoàn đàm phán của Hà Nội Lê Đức Thọ cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc, nơi ông dường như được Thủ tướng Chu Ân Lai khuyên nên từ bỏ yêu cầu loại bỏ Tổng thống Thiệu để có thể ký hiệp định hòa bình. Trong khi tất cả các hành động điều đình này diễn ra trong bí mật giữa Nixon và Kissinger, Brezhnev và Gromyko, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, các cuộc đàm phán ở Paris vẫn bị đình trệ. Kissinger chỉ nói với chúng tôi rằng có rất ít chuyển động trong các cuộc đàm phán bí mật và rằng Hà Nội vẫn rất ngoan cố. Phía chúng tôi thể hiện thiện chí và có nhiều nhượng bộ hơn nữa về các điểm chính để nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương lượng. Nhưng khi chúng tôi hỏi liệu đề nghị của chúng tôi có được chuyển cho Bắc Việt hay không, người Mỹ chỉ trả lời rằng “phía bên kia sẽ không chấp nhận”. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi cảm thấy bối rối khi không tiếp xúc trực tiếp với miền Bắc, nhưng ban lãnh đạo của chúng tôi luôn cho rằng Hoa Kỳ sẽ lưu tâm đến lợi ích của chúng tôi khi thương lượng với Hà Nội. Cuộc đọ sức ở Sài Gòn Ngay sau chuyến công du vào tháng 6 của Kissinger đến Bắc Kinh, các cuộc đàm phán ở Paris dường như có một luồng sinh khí mới − phần lớn nó diễn ra sau lưng Tổng thống Thiệu và chính phủ của ông. Chúng tôi phải đối diện với thực tế trần trụi khi đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker thông báo rằng Tiến sĩ Kissinger sẽ đến thăm Sài Gòn vào ngày 19 tháng 10 để xem lại lập trường chung của hai nước về một thỏa hiệp chính trị. Chúng tôi không ngờ rằng trong chuyến thăm này, ông ấy sẽ trình cho chúng tôi một thỏa thuận gần như hoàn chỉnh sẵn sàng để được Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam ký tắt.
Tuy nhiên, tôi đã nhận được một tin báo bất ngờ về những gì Tiến sĩ Kissinger định thảo luận với chúng tôi. Hai ngày trước khi Kissinger đến, tỉnh trưởng Quảng tín (một tỉnh nhỏ phía nam Đà nẵng) gọi cho tôi với một tin nghiêm trọng về một tài liệu được tìm thấy trên thân thể một người lính Bắc Việt đã tử thương. Tài liệu này hướng dẫn cho quân đội Bắc Việt Nam đang hoạt động ở miền Nam về cách chuẩn bị cho một cuộc ngừng bắn sắp xảy ra và việc thành lập một chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam. Tôi lập tức đến gặp Tổng thống Thiệu tại dinh của ông ấy để báo cáo về biến cố đầy kịch tính này.
Tôi nhớ lại đã nói với ông ấy rằng có điều gì đó đang được quyết định sau lưng chúng tôi và Washington và Hà Nội hẳn đã đồng ý về một thỏa thuận. Sau đó, tôi nói ngắn gọn cho ông ấy về các hậu quả có thể có của một thỏa thuận như vậy. Ông ta hỏi ngay rằng liệu tôi có nghĩ rằng người Mỹ đã “đi đêm” với cộng sản, sử dụng một câu nói phổ biến của Việt Nam khi một bên che giấu bên kia về ý định của họ. Tôi nói với ông ấy rằng không có lửa sao có khói, và rằng chúng ta có đủ mọi lý do để nghi ngờ đồng minh Hoa Kỳ chơi xấu.
Chúng tôi quyết định không thông báo cho những người còn lại trong Hội đồng An ninh Quốc gia vì chúng tôi muốn họ bước vào cuộc họp với thái độ khách quan (nguyên văn “with their eyes open”) không bị ảnh hưởng bởi tâm trạng nghi ngờ. Sáng ngày 19 tháng 10, Tổng thống Thiệu tiếp Kissinger và nhóm của ông ta một cách bình tĩnh và thận trọng trong phòng họp cạnh văn phòng của ông. Tôi cũng có mặt và ghi chép với tư cách là thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Sau đó, tôi báo cáo ngắn gọn với những thành viên còn lại trong nội các và các nhà lãnh đạo Quốc hội về cuộc thảo luận với phái đoàn Mỹ.
Kế tiếp, Tổng thống Thiệu và tôi thảo luận trực tiếp, phân tích những việc đã xảy ra và lên kế hoạch cho các bước đi tiếp theo. Tổng thống Thiệu để người Mỹ chờ đợi trong khi chúng tôi tụ tập trong văn phòng của ông ấy, suy nghĩ thêm về cuộc điện đàm giữa tôi với Arnaud de Borchgrave của tuần báo Mỹ “Newsweek” ngay trước khi Kissinger đến. Arnaud nói với tôi rằng ông ta đã vội vã từ Hà Nội vào sau khi phỏng vấn Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Ðồng về một thỏa thuận mà dường như Kissinger đã ký kết với Hà Nội vài ngày trước đó. Trong cuộc phỏng vấn, Phạm Văn Ðồng đề cập đến một “liên minh chính trị trong giai đoạn chuyển đổi chính quyền”, và Arnaud hỏi tôi liệu chúng tôi có chấp nhận việc đó hay không. Không cần phải nói, tôi đã cảnh giác cao độ sau cuộc trò chuyện với Arnaud, diễn ra chỉ một ngày sau khi được báo cáo về tài liệu từ người lính Bắc Việt đã chết. Kissinger và phái đoàn của ông đã rất ngạc nhiên khi gặp tôi tại cuộc họp vì tên của tôi vẫn chưa xuất hiện trong số cố vấn của Tổng thống Thiệu họ đã biết.
Ông ta trình bày những gì ông mô tả là một hiệp định toàn diện nhất nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình cho Việt Nam. Ông cũng tuyên bố rằng với thỏa thuận này Hà Nội chịu từ bỏ hoàn toàn những đòi hỏi họ đã bám vào trong nhiều năm. Không thể tin nổi, Kissinger thậm chí còn nói với chúng tôi rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã khóc sau khi đồng ý với các điều khoản của hiệp định! Sau nhiều lần trấn an về lợi ích của thỏa thuận và truyền đạt thông điệp từ Tổng thống Nixon hứa sẽ không bỏ rơi miền Nam Việt Nam, Kissinger yêu cầu chúng tôi xem xét và thông qua bản dự thảo hiệp định để ông có thể đưa ra Hà Nội ký trong khoảng thời gian ba ngày. Cứ như thể ông ấy đang nói với chúng tôi, “Thưa quý ông, đây là thỏa thuận tốt nhất mà các ông có thể hy vọng đạt được và sẽ không có một thỏa thuận nào tốt hơn!” Thật khó tin đến nỗi tôi không thể không lắc đầu sau khi Kissinger kết thúc phần độc thoại của mình.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bản thảo thỏa thuận mà họ đưa cho chúng tôi được viết bằng tiếng Anh, và đã yêu cầu một bản tiếng Việt – bản này chúng tôi có bốn giờ sau khi cuộc họp kết thúc. Tổng thống Thiệu yêu cầu Kissinger làm rõ một số điểm, và tôi hỏi ông ấy về lịch trình sau đó của ông ấy. Ông ta trả lời rằng dự định sẽ trở lại Hà Nội chậm nhất vào ngày 23 tháng 10 để họ ký tắt vào bản thỏa thuận. Chúng tôi nhận ra ngay Tòa Bạch Ốc muốn công bố thỏa thuận này trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Không phải Tổng thống Nixon cần tin này để chiến thắng vì các cuộc thăm dò cử tri cho thấy ông vượt trội so với George McGovern, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Tổng thống Thiệu cảm ơn Kissinger và nói với ông ấy rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn ý kiến vào ngày hôm sau. Sau đó, ông ấy chỉ thị cho tôi cùng với Phụ tá Đặc biệt đặc trách ngoại vụ Nguyễn Phú Đức, Đại sứ của chúng tôi tại Hoa Kỳ Trần Kim Phượng, và Phạm Ðăng Lâm, Đại sứ của chúng tôi tại Pháp, đồng thời là trưởng phái đoàn Nam Việt Nam tham dự hội đàm Paris, phân tích thỏa thuận và báo cáo lại. Cuộc họp kết thúc với tâm trạng nặng nề (nguyên văn, “không hề có một nụ cười”). Bốn người chúng tôi đã phân tích thỏa thuận trong bữa ăn trưa và ngay lập tức không còn muốn ăn uống nữa sau khi đọc qua nó. Về cơ bản, thỏa thuận yêu cầu chúng tôi chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện của Hà Nội. Hoa Kỳ đồng ý rút quân khỏi miền Nam ngay cả khi các lực lượng Bắc Việt ở lại. Tất cả tù binh phải được trao đổi và hồi hương, và một chính phủ liên hiệp sẽ được áp đặt, dưới cái tên ngụy trang là “cơ cấu hành chính cho hòa giải và hòa hợp quốc gia.” Chính phủ này sẽ tổ chức bầu cử để xác định tương lai của miền Nam Việt Nam. Bốn người chúng tôi báo cáo tóm tắt với tổng thống. Ông ấy nói đây là lần đầu tiên chúng ta biết về một thỏa thuận như vậy, và điều này có nghĩa là tất cả các đề xuất và điều kiện đáp ứng của chúng ta đã bị người Mỹ và Bắc Việt bỏ qua.
Sau đó ông ấy chỉ thị cho tôi phân tích kỹ văn bản tiếng Việt và báo cáo lại. Tôi dành gần ba giờ để xem qua phiên bản tiếng Việt và xác định 65 vấn đề, trong đó có một chục vấn đề mà chúng tôi coi là không giải quyết thì không thể ký kết gì hết. Thỏa thuận này hoàn toàn khác với những gì chúng tôi đã thảo luận với Hoa Kỳ trong hai năm qua. Chúng tôi đặc biệt sửng sốt khi thấy dự thảo hiệp định chỉ đề cập đến ba quốc gia ở Đông Dương − Việt Nam, Cam Bốt, và Lào − thay vì bốn, bao gồm cả Nam Việt Nam. Không có đề cập đến khu vực biên giới phi quân sự được quy định bởi Hiệp định Geneva năm 1954 đối với Việt Nam. Cũng có một điều khoản theo đó quân đội Bắc Việt Nam không bắt buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam mặc dù người Mỹ buộc phải rời đi. Tuy nhiên, điều gây khó chịu nhất cho chúng tôi là điều khoản cho một chính phủ liên hiệp trên thực tế ở miền Nam Việt Nam, bao gồm các đại diện từ chính phủ của chúng tôi, MTDTGP (ủy nhiệm của Hà Nội) và các nhóm đối lập độc lập của miền Nam Việt Nam được gọi chung là Lực lượng thứ ba.
Tối hôm đó, tôi gặp lại tổng thống Thiệu để bàn về những phân tích của tôi về thỏa thuận. Cả hai chúng tôi đều nhận ra rằng người Mỹ đang rút khỏi miền Nam Việt Nam với những điều kiện hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam, để lại một tương lai không chắc chắn cho người dân miền Nam. Sáng hôm sau, bốn người chúng tôi cùng với Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm gặp Kissinger và nhóm của ông ta tại tư gia của ông Lắm. Trong khi đó, Tổng thống Thiệu tham khảo ý kiến của các tư lệnh quân đội và tỉnh trưởng để bàn về tình hình chiến trường, nơi mà kẻ thù đang chạy đua để chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi dự kiến ngừng bắn. Phiên họp tại nhà ngoại trưởng Lắm chỉ làm tăng thêm sự lo ngại của chúng tôi về dự thảo thỏa thuận. Chúng tôi càng nghi ngờ hơn sau khi phía Hoa Kỳ cố gắng giải thích những sai sót rõ ràng trong tài liệu chỉ là lỗi đánh máy, và những yêu cầu mới của Hà Nội là những điểm lặt vặt mà Hoa Kỳ đã cố gắng loại bỏ nhưng họ không chịu. Ngày hôm sau, 21 tháng 10, Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia của chúng tôi gặp phái đoàn Kissinger và cho họ biết rằng Nam Việt Nam không thể chấp nhận hiệp định này. Người Mỹ đáp trả, nhắc lại những lập luận tương tự mà họ đã đưa ra ngày hôm trước. Sau đó, theo yêu cầu của Kissinger, cuộc họp chung được hoãn lại và thay bằng thể thức phiên họp riêng có Tổng thống Thiệu, tôi, Kissinger và Đại sứ Ellsworth Bunker. Ngày 22 tháng 10 chứng kiến hai cuộc họp căng thẳng nữa giữa bốn người chúng tôi mà không có chuyển động đáng kể nào từ hai bên. Tổng thống Thiệu một lần nữa khẳng định rằng ông không thể chấp nhận thỏa thuận như đã đề xuất hiện nay. Lúc này, Tiến sĩ Kissinger ngày càng mất kiên nhẫn khi thấy thời khắc đi Hà Nội sắp bị lỡ.
Ông yêu cầu một cuộc gặp khác với Tổng thống Thiệu sau một chuyến đi ngắn đến Phnom Penh, dường như để trấn an Thủ tướng Lon Nol của Cam Bốt rằng hiệp định này tốt cho người dân Việt Nam. Tại Sài Gòn các nhân viên Mỹ cũng liên lạc và hứa với nhiều nhóm chính trị khác nhau rằng thỏa thuận này hứa hẹn một nền hòa bình lâu dài trong danh dự. Họ cũng nói khống rằng Tổng thống Thiệu đã chấp thuận thỏa thuận. Từ Phnom Penh trở về chiều hôm đó, Kissinger và Đại sứ Bunker đến thẳng dinh Tổng thống, một lần nữa với hy vọng thuyết phục được Tổng thống Thiệu ký. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng, và tôi sẽ không bao giờ quên lời nhận xét của Tiến sĩ Kissinger đối với tôi rằng ông xếp của tôi không nên cố gắng trở thành “Thánh tử đạo” (martyr)! Khi biết rõ rằng mình sẽ phải ra về tay trắng, Kissinger đề nghị Tổng thống Thiệu tổ chức một cuộc gặp khác vào ngày 23 tháng 10. Khi chúng tôi hỏi gặp lại để làm gì, Kissinger giải thích rằng ông muốn để lại ấn tượng rằng vẫn có chuyển động trong các cuộc thảo luận của chúng tôi.
Thêu dệt để che giấu thất bại
Ngày 23 tháng 10, lúc 8 giờ sáng, chúng tôi lại tiếp Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Bunker. Tổng thống Thiệu yêu cầu Kissinger đưa cho Tổng thống Nixon một lá thư cá nhân giải thích lý do tại sao ông không thể chấp nhận thỏa thuận như hiện nay. Trước khi ra về, Kissinger yêu cầu chúng tôi không tiết lộ ra ngoài các cuộc thảo luận trong bốn ngày qua.
Khi tôi tháp tùng ông ta ra khỏi văn phòng tổng thống, Kissinger nhận xét với tôi rằng chuyến đi lần này là thất bại ê chề nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta, và rằng ông ta sẽ không trở lại miền Nam Việt Nam nữa.
Tôi trả lời rằng chúng tôi hoan nghênh ông trở lại bất cứ lúc nào. Nhưng ông ta chỉ càu nhàu mà không trả lời! Tổng thống Thiệu và tôi lập tức trao đổi về các diễn biến tiếp theo, đồng ý không tiết lộ mọi chi tiết về các cuộc gặp của chúng tôi với Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Bunker cho những người còn lại trong đội an ninh quốc gia. Tôi nói với Tổng thống Thiệu có thể giả định rằng người Mỹ sẽ thêu dệt (nguyên văn: “spin”) chuyện này theo cách của họ và chúng ta phải tránh bị đổ tội là cản trở hòa bình bằng cách từ chối hợp tác. Tôi đã cảnh báo rằng Tòa Bạch Ốc chắc chắn sẽ tiết lộ tin tức theo kiểu rò rỉ từ “các nguồn thân cận với chính quyền” để giải thích việc này theo hướng có lợi cho họ. Sau khi thảo luận với các thành viên còn lại của đội an ninh quốc gia, tổng thống và tôi bắt đầu soạn thảo một bài phát biểu của ông ấy trên truyền hình toàn quốc vào tối hôm đó.
Không mô tả chi tiết, chúng tôi giải thích lập trường của mình về một thỏa thuận chính trị với những người cộng sản và nhấn mạnh rằng đối với một số vấn đề quan trọng, chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Bài phát biểu đã được dân chúng và Quốc hội rất hoan nghênh. Hà Nội lập tức phản ứng và công bố toàn văn bản thỏa thuận vào ngày hôm sau, buộc Kissinger phải tổ chức một cuộc họp báo giải thích sự bế tắc, trong khi vẫn tuyên bố “hòa bình đang trong tầm tay.”
Hà Nội sau đó đáp lại rằng “hòa bình đang ở đầu ngòi bút”, trong khi tôi chỉ nói với báo chí rằng theo như tôi biết, chiến tranh vẫn đang cận kề. Chấp nhận. . . hay là chết Vài tháng tiếp theo, giọng điệu các cuộc trao đổi của chúng tôi với người Mỹ trở nên giận dữ hơn, không còn dùng ngôn ngữ ngoại giao thường lệ. Đúng như lời ông ta nói, Kissinger không trở lại Sài Gòn, thay vào đó chỉ định Đại sứ Bunker làm sứ giả của ông. Tuy nhiên, Tướng Alexander Haig, phụ tá của Tiến sĩ Kissinger, đã đến thăm Sài Gòn, và trong các cuộc gặp với Tổng thống Thiệu và tôi, ông ta cố gắng vỗ về và ép buộc chúng tôi, đe dọa “hành động tàn bạo” để buộc tổng thống phải chấp nhận thỏa thuận. Trong khi đó, Hà Nội từ chối đàm phán và tiếp tục tấn công quân sự trên toàn miền Nam Việt Nam.
Phải đến chiến dịch ném bom dịp lễ Giáng sinh năm 1972 mới buộc được họ trở lại bàn đàm phán, nơi cuối cùng họ đồng ý với một số thay đổi quan trọng màchúng tôi đã yêu cầu. Trong khi đó, Tổng thống Nixon gửi cho chúng tôi nhiều bức thư hứa hẹn sẽ hỗ trợ miền Nam Việt Nam, đồng thời đe dọa sẽ đơn phương cắt viện trợ nếu chúng tôi từ chối. Chúng tôi phải đối mặt với một tình huống là Mỹ hoặc Bắc Việt Nam sẽ không thể nhượng bộ thêm nữa. Nhưng với những bảo đảm về việc Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn kế tiếp và cam kết sẽ đáp trả toàn lực nếu Hà Nội vi phạm hiệp ước, chúng tôi ký thỏa thuận vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Khó khăn phía trước Hiệp định Paris là một chiến thắng vô ích (nguyên văn: “a Pyrrhic victory”) của miền Nam Việt Nam. Bắc Việt sớm bắt đầu vi phạm hiệp định, buộc chúng tôi phải đáp trả, dẫn đến các cuộc đối đầu quân sự ngày càng lớn cùng với việc trì hoãn trên bàn đàm phán về việc thực hiện hiệp định.
Thật không may cho chúng tôi, Quốc hội Hoa Kỳ hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát ngày càng giành lấy quyền điều hành chính sách đối ngoại của Hành pháp. Đạo luật “War Powers” năm 1973 và Tu Chính Án “Case-Church” càng trói chặt tay Tổng thống Nixon. Kết quả là, chính quyền Nixon đã không phản ứng lại những vi phạm của Bắc Việt Nam, bất chấp những lời hứa của ông ta với Tổng thống Thiệu. Đáng ngại hơn, quân đội Mỹ thậm chí còn không thèm động tay động chân khi, vào tháng 1 năm 1974, Hải quân Trung Cộng tấn công lực lượng của chúng tôi và chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Khó khăn của chúng tôi càng tăng thêm sau vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Nixon bất lực. Tuy nhiên, trớ trêu thay, cho đến khi từ chức, ông ấy đã cố gắng hết sức để trấn an chúng tôi rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ để chúng tôi có thể tự vệ và sẽ phản ứng mạnh mẽ trước những vi phạm Hiệp định Paris của cộng sản. Đồng thời, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn và các quan chức Tòa Bạch Ốc đến thăm đều khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không dao động trong lời hứa giúp đỡ miền Nam Việt Nam.
Trong thời gian này, tôi là người bất đồng chính kiến duy nhất trong chính phủ, cho rằng chúng ta cần vạch ra một hướng hành động khác vì không có gì bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các cam kết của mình, dù có hay không có Tổng thống Nixon. Tôi không thể chứng minh linh cảm của mình về một “khoảng cách thời gian vừa đủ” bằng bất kỳ phân tích thực tế sâu sắc nào. Nhưng từ cách đánh giá dựa vào cảm tính của tôi về tâm trạng của người Mỹ thông qua các báo cáo trên đài phát thanh và truyền hình, tôi có thể cảm thấy rằng chúng tôi đang nhanh chóng mất đi sự giúp đỡ mà chúng tôi rất cần.
Trong khi đó, viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đang ngày càng thu hẹp, và có vẻ như Đảng Dân chủ đang trả thù chúng tôi trong việc ứng cử viên Đảng Dân chủ cho vị trí tổng thống bị thất cử năm 1968. Ngoài ra, sự thờ ơ của giới truyền thông Mỹ và các nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội Hoa Kỳ đã giết chết mọi nỗ lực cung cấp thêm viện trợ cho chúng tôi.
Chiến tranh tâm lý
Trong bối cảnh đó, chính phủ của chúng tôi vẫn phải tự vệ chống lại vi phạm liên tục của phe cộng sản đối với các điều khoản của hiệp ước. Tổng thống Thiệu cũng bận rộn với chương trình xây dựng quốc gia, trong đó đặc biệt quan trọng là nỗ lực giành sự ủng hộ của nhân dân miền Nam Việt Nam để họ có thể đóng góp tích cực vào việc chuẩn bị, sẵn sàng cho thực tế chính trị mới của cuộc bầu cử trên toàn quốc do Hiệp định Paris quy định. Một tuần trước khi ký Hiệp định, Tổng thống Thiệu giao nhiệm vụ cho tôi chuẩn bị cho cuộc chiến tâm lý với cộng sản ở miền Nam. Tôi phải nhanh chóng đưa ra các chiến lược mới hiệu quả hơn để giành hậu thuẫn dân chúng trong cuộc đấu tranh này đồng thời tiếp tục chương trình Chiêu hồi để thu phục binh sĩ và cán bộ cộng sản đi về phía chính quyền quốc gia.
Tôi thay thế cách tiếp cận thụ động của chúng tôi trong tương tác với quần chúng, đặc biệt là với xã hội dân sự ở đô thị, với một cách tiếp cận năng động và nhạy bén hơn. Tôi hy vọng giải thích cho dân chúng hiểu về các kế hoạch và chương trình của chính phủ nhằm xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên luật pháp và tôn trọng nhân quyền đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhanh chóng để cải thiện sinh kế của họ. Tôi tổ chức lại Bộ Thông tin và Chiêu hồi bằng cách xây dựng các chiến lược mới và phát triển các kế hoạch đúng đắn để hoàn thành sứ mệnh tiếp cận người dân. Hai bộ đó theo truyền thống được biên chế với các thành viên trong đảng của vị Tổng trưởng đương nhiệm, vì vậy chủ nghĩa thân hữu và gia đình trị lan tràn. Tôi thay thế họ bằng những nhân viên được đào tạo bài bản, tốt nghiệp từ các trường đại học của chúng tôi và Học viện Hành chánh Quốc gia.
Sau đó, tôi hợp nhất hai bộ thành một bộ duy nhất, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi. Tôi điều hành bộ này trong gần hai năm sau Hiệp định Paris. Đồng thời, tôi khởi xướng một chiến dịch thông tin và tiếp cận toàn cầu, thiết lập các trung tâm thông tin ở Washington, Paris, London, và Tokyo. Các trung tâm này do các nhà ngoại giao và chuyên gia truyền thông song ngữ giàu kinh nghiệm và có khả năng phản ứng nhanh đảm nhiệm. Chúng tôi làm tất cả những điều này với một ngân sách rất khiêm tốn. Chúng tôi phải đối mặt với một nền truyền thông thờ ơ và thường thù địch ở Hoa Kỳ và ít nhận được sự quan tâm từ các nhà lãnh đạo chủ chốt trong Quốc hội Mỹ khi họ cố tình chống lại chính quyền Nixon, từ chối thực hiện những lời ông ta hứa với miền Nam Việt Nam.
Việc cơ quan hành pháp thậm chí không gửi Hiệp định Hòa bình Paris để Quốc hội phê chuẩn đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình của mình để giành lấy sự hỗ trợ của quốc tế đồng thời chống lại những nỗ lực tương tự từ Hà Nội. Chúng tôi ghi được một số chiến thắng gây ấn tượng với công chúng bằng cách vạch trần những vi phạm hiệp ước và những cuộc pháo kích bừa bãi của họ đã gây ra cái chết của những người vô tội, kể cả trong một số trường hợp là trẻ em ở trường học.
Hậu quả
Tôi luôn lo lắng rằng chúng tôi quá phụ thuộc vào những lời hứa của Mỹ đưa ra trong các cuộc trao đổi bí mật hơn là thông qua các biện pháp cụ thể. Ngay sau khi chúng tôi ký Hiệp định Paris, tôi ủng hộ một đường lối hành động tự lực hơn.
Chúng tôi cần điều này để đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược từ phương Bắc, trong khi tinh thần quân đội của chúng tôi bị lung lay, số lượng viện trợ sụt giảm từ một đồng minh mà chúng tôi không còn tin tưởng được nữa, và với linh cảm về việc Hoa Kỳ sẽ dừng mọi hỗ trợ của sau khi “khoảng cách thời gian vừa đủ” đã đủ dài. Nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực trong việc xây dựng đất nước: một mặt bảo vệ lãnh thổ và nhân dân khỏi những kẻ xâm lược, mặt khác, tôn trọng hiến pháp và làm cho chính phủ nhỏ gọn và hiệu quả hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.
Chúng tôi cố gắng tập hợp quân dân và thậm chí cả những người cộng sản hồi chánh, đồng thời quản lý các nguồn lực đang vơi dần để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không ai trong nội các, nhất là Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, chia sẻ mối quan tâm của tôi về “khoảng cách thời gian vừa đủ” của người Mỹ. Nhờ những phân tích có tính thuyết phục do nhân viên của tôi tại các trung tâm thông tin ở nước ngoài, giờ đây tôi có những lập luận mạnh mẽ hơn mặc dù trên cơ sở bằng chứng sơ sài rằng Hoa Kỳ sẽ không tuân thủ các cam kết của mình, nghĩa là chúng tôi cần vạch ra lộ trình của riêng mình trong khi công khai đòi người Mỹ giữ lời hứa của họ. Sai lầm lớn nhất của chúng tôi là tiếp tục tin rằng Mỹ sẽ đứng về phía mình. Bây giờ, chúng tôi phải đối phó với một trật tự thế giới mới giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh, trong khi quân đội và tù binh Mỹ đang trên đường trở về nhà với gia đình của họ.
Đáng buồn thay, hầu hết nội các và tướng lĩnh của chúng tôi tiếp tục lạc quan một cách viễn vông rằng những cam kết của Nixon sẽ được giữ nguyên. Vì ủng hộ sự tự cường và cảnh báo về việc đặt quá nhiều niềm tin vào những lời hứa của Mỹ, tôi đã trở thành đối tượng thùghét của nhóm Kissinger ở Washington và tân đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Graham Martin.
Tôi cảm thấy rằng Tổng thống Thiệu đang bị giằng xé giữa những thề thốt ủng hộ từ giới lãnh đạo Mỹ và nỗi lo sợ rằng “khoảng cách thời gian vừa phải” một ngày kia sẽ hết.
Ngay cả những thành viên chủ chốt trong ban tham mưu của ông ấy cũng đặt niềm tin vào những lời hứa của Mỹ và tạo áp lực buộc ông ấy phải sa thải tôi − vì vậy tôi đã làm mọi chuyện dễ dàng hơn cho ông ấy bằng cách đề nghị từ chức vào cuối tháng 10 năm 1974.
Tổng thống không muốn tỏ ra như thể ông ấy đã nhượng bộ yêu cầu của Mỹ cách chức tôi, vì vậy ông ấy đã ngụy tạo việc làm này như một sự thay đổi trong nội các, thay thế ba bộ trưởng cùng một lúc. Tôi cảm thấy rất buồn khi Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường, Tổng trưởng Bộ Tài chính Châu Kim Nhân và Tổng trưởng Bộ Nông nghiệp Tôn Thất Trình đã cùng mất chức với tôi.
Tôi bất lực nhìn miền Nam Việt Nam đi xuống, nhanh và dữ dội. Tôi buồn khi giúp Tổng thống Thiệu viết bài diễn văn từ chức, khi ông ấy nói với tôi rằng tôi đã đúng khi không tin tưởng người Mỹ.
Giống như hầu hết những người Nam Việt Nam yêu đất nước của mình, tôi vẫn nuôi dưỡng nỗi đau và nỗi buồn về sự sụp đổ của quê hương tôi. Và tôi vẫn suy nghĩ điều gì có thể đã xảy ra nếu lời cầu xin kiểu Churchill, “hãy cho chúng tôi công cụ làm việc, và chúng tôi sẽ hoàn thành công việc”, đã được đáp lại.
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng