Tranh đấu cho dân chủ ở Hong Kong. Ảnh: AP Photo/Vincent Yu
Lời tòa soạn
Trung Quốc vừa thông qua Luật an ninh Hong Kong (Hong Kong Security Law, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020,) với số phiếu tuyệt đối (162/162). Đồng thời, Hoa Kỳ hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong, một trong những cơ chế giúp Hong Kong duy trì vị thế kinh tế đặc biệt của mình đối với Trung Quốc: một cửa ngõ về mặt tài chính, thương mại và kỹ thuật để kết nối Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu một số bài phỏng vấn nhanh Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, với bài “Một khi lưu vong, các nhà dân chủ Hong Kong sẽ phải đấu tranh cho cả Trung Quốc”, Giáo sư Vũ Tường, Đại học Oregon với bài “Hong Kong không phải là khúc xương Trung Quốc dễ nuốt”, và Tiến sĩ Nguyễn Quang A với bài “Phong trào dân chủ Hong Kong đặt mục tiêu quá cao”, về phong trào đấu tranh cho dân chủ của giới trẻ Hong Kong.
—
Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Tường đã nhận lời chia sẻ các nhận định của mình với Tạp chí. Xin Giáo sư giải thích về hai bước đi gần đây nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với Hong Kong: China thông qua Luật an ninh Hong Kong, còn Hoa Kỳ chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong.
Giáo sư Vũ Tường
Trong vài năm qua Chính phủ Trung Quốc đang lo sợ nhiều hơn về việc Hong Kong thoát khỏi sự kiểm soát của họ qua phong trào đòi dân chủ và độc lập ngày càng lớn mạnh ở đó. Luật mới giúp họ đàn áp phong trào đó dễ dàng và mạnh mẽ hơn. Luật mới cũng thể hiện xu hướng chung của lãnh đạo Trung Quốc dưới “triều đại” Tập Cận Bình: họ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc rõ rệt và quyết liệt hơn để khẳng định vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Về phía Hoa kỳ, chính sách đối với Trung Quốc từ khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền đã thiên về đối đầu nhiều hơn là nhường nhịn như trước kia, cả về kinh tế lẫn quân sự. Chính sách mới thể hiện quan điểm “nước Mỹ trên hết” (American First) và chiến lược ngăn chặn không để Trung quốc lợi dụng Mỹ để vượt lên Mỹ. “Nước Mỹ trên hết” thực ra là một kiểu chủ nghĩa dân tộc, còn chiến lược ngăn chặn là phản ứng của Mỹ đối với chính sách của Tập Cận Bình.
Hong Kong một thời gian dài là cửa ngõ cho China đi ra thế giới, cả về tài chính, tri thức và kinh nghiệm. Tung ra Luật an ninh Hong Kong, phải chăng China chấp nhận hy sinh trung tâm kinh tế, văn hóa này?
Giáo sư Vũ Tường
Theo tôi, giá trị của Hong Kong không chỉ là tổng sản lượng (GDP) mà là các yếu tố kinh tế văn hoá thương mại có bề dày lịch sử. Với thị trường chứng khoán lâu đời, vị trí trung tâm trong khu vực về tài chính, kinh doanh, và vận tải, và mạng lưới liên kết chặt chẽ với tư bản Hoa kiều ở khắp Đông Nam Á và Đài Loan, Hong Kong vẫn còn đem lại lợi ích quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc kể cả sau khi bị Mỹ bỏ ưu đãi về kinh tế.
Hơn nữa, vấn đề không chỉ là vị trí kinh tế tương đối của Hong Kong thay đổi theo thời gian so với đại lục, mà còn là niềm tự hào dân tộc và thái độ coi thường/kình địch với Mỹ và phương Tây của thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc so với thế hệ của Đặng Tiểu Bình, người cầm quyền năm 1997 khi Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc.
Vả lại, kinh tế Hong Kong có giàu đến đâu nhưng nếu Hong Kong độc lập thì chẳng nghĩa lý gì cho Trung Quốc.
China luôn biết “một mũi tên trúng hai đích”, tính toán nhiều bài toán cùng một lúc. Đã xử lý xong Hong Kong, họ có thể tính toán như thế nào về vấn đề Hong Kong trong tương lai với các vấn đề khác ở châu Á như Biển Đông hay Đài Loan?
Giáo sư Vũ Tường
Hong Kong không phải khúc xương dễ nuốt, và có lẽ còn khá lâu mới có thể nói Trung Quốc “đã xử lý xong” Hong Kong.
Thậm chí với đạo luật mới, tôi cho rằng Trung Quốc vẫn chưa dám công khai mạnh tay với Hong Kong vì vẫn còn muốn thu phục Đài Loan và e ngại phản ứng của phương Tây.
Ban lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã nhận ra sự phá sản của mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng trước mắt họ chưa nghĩ ra mô hình khác, và tình hình ở Đài Loan cho thấy mô hình này vẫn có thể phần nào chiêu dụ được một bộ phận dân Đài.
Về phía phong trào dân chủ ở Hong Kong, vẫn còn quá sớm để có thể nói họ đã bỏ cuộc.
Sau khi China công bố Luật an ninh Hong Kong, Đảng Demosistō tuyên bố ngừng hoạt động, các lãnh đạo của mình như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law), Ngao Trác Hiên (Jeffrey Ngo), Chu Đình (Agnes Chow Ting) xin ra khỏi Đảng và rời khỏi Hong Kong. Giáo sư có phán đoán gì về quyết định và chiến lược của họ trong tương lai?
Giáo sư Vũ Tường
Chúng ta không biết những nhà hoạt động Hong Kong đang tính toán thế nào. Trước mắt có lẽ họ sẽ hoạt động kín đáo hơn để tự bảo vệ. Lưu vong không phải là con đường duy nhất, và tôi nghĩ cũng có người chấp nhận trả giá để ở lại. Đối với phần đông người dân Hong Kong, có lẽ họ vẫn chờ xem. Trước mắt phong trào chắc chắn sẽ im ắng hơn.
Trong lời tuyên bố ngưng hoạt động, Đảng Demosistō cho biết các thành viên lãnh đạo Đảng sẽ tiếp tục chiến đấu cho nền dân chủ Hong Kong ở những trận tuyến khác. Theo ông, trong tình thế mới này, họ có thể tranh đấu trên những trận tuyến nào?
Giáo sư Vũ Tường
Họ có thể tìm kiếm thêm ảnh hưởng trong giới kinh doanh, tiểu chủ, trí thức, công nhân, viên chức, sinh viên học sinh, lao động thành thị. Phong trào có thể bột phát trở lại và thậm chí còn bùng nổ lớn hơn nếu chính phủ hay cảnh sát Hong Kong tính toán sai lầm (như vụ luật dẫn độ) hay sử dụng bạo lực không cần thiết.
Theo Giáo sư, việc các bạn trẻ Hong Kong đẩy mạnh cuộc tranh đấu trong khoảng 5 năm qua cùng giai đoạn xung đột Mỹ – Trung bắt đầu căng thẳng hơn có quan hệ gì với nhau không?
Giáo sư Vũ Tường
Hai việc có quan hệ gián tiếp. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và chính sách tăng cường kiểm soát Hong Kong của chính quyền Trung Quốc đều có một phần nguyên nhân từ chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở Trung Quốc. Chính sách đó kích thích phong trào đòi dân chủ và độc lập cho Hong Kong. Cũng có thể một số nhân vật lãnh đạo phong trào mong có được sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ và đẩy phong trào đi xa hơn, làm trầm trọng thêm căng thẳng Mỹ-Trung.
Liệu chúng ta có thể phán đoán rằng, các bạn trẻ Hong Kong hy vọng khi Mỹ Trung đẩy cao xung đột, họ sẽ phải tìm kiếm những điểm để nhượng bộ lẫn nhau, và Hong Kong có thể giành được nhiều quyền tự do hơn trong cuộc tương nhượng này? Khi hủy bỏ quy chế thương lại đặc biệt cho Hong Kong, Mỹ (cũng như các nước châu Âu) còn những công cụ nào để có thể giúp Hong Kong?
Giáo sư Vũ Tường
Tôi không cho rằng các bạn trẻ Hong Kong nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ Mỹ ở Hong Kong để đổi lấy những thứ khác từ Mỹ. Họ vận động Mỹ và các nước Âu châu để thu hút sự ủng hộ của thế giới và tạo áp lực lên Bắc Kinh. Khi Mỹ huỷ bỏ quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong để phản đối đạo luật an ninh mới, và Anh, Úc ủng họ Mỹ, họ đã thành công!
Đây sẽ là một cuộc tranh đấu lâu dài. Dù trước mắt Bắc Kinh có gia tăng đàn áp, Mỹ và phương Tây còn vô số đòn trừng phạt Trung Quốc khác có thể gián tiếp giúp cho Hong Kong: ủng hộ Đài Loan, Tân Cương, và Tây Tạng; tạo áp lực lên các tập đoàn ngân hàng và các hãng vận tải Mỹ để họ rút khỏi Hong Kong; gia tăng kiểm soát chuyển giao kỹ thuật cho Trung Quốc; và những cách khác để cô lập Trung Quốc trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Vũ Tường.