(Ảnh: Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords lao tới khu vực tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc [số 1] uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam [số 2], ngày 1 tháng 7, 2020. Ảnh: US NAVY)
Tháng 5 năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ công bố báo cáo “Tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc” (“United States strategic approach to the People’s republic of China”). Tiếp theo, nhiều chính khách Hoa Kỳ liên tục có bài phát biểu dường như xác lập một cuộc chiến tranh lạnh mới của Hoa Kỳ với Trung Quốc, như Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia, phát biểu bài “The Chinese Communist Party’s Ideology and Global Ambitions” , ngày 24 tháng 6, 2020, Christopher A. Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, phát biểu bài “The Threat Posed by the Chinese Government and the Chinese Communist Party to the Economic and National Security of the United States,” ngày 7 tháng 7, 2020. Ngoại trưởng Mike Pompeo có bài phát biểu “Communist China and the Free World’s Future” tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon, như muốn đánh dấu bước ngoặt chính sách đối với China của Hoa Kỳ được thiết lập từ thời Tổng thống Nixon năm 1972.
Việt Nam có xuất hiện đây đó trong các diễn ngôn chính sách nói trên của Hoa Kỳ đối với China. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ đại học Oregon xin giới thiệu bài phỏng vấn nhanh với ông Vũ Tường, Giáo sư Trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư huân công Đại học George Mason, TS. Nguyễn Quang A, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, về quan hệ Việt Mỹ Trung trong bối cảnh hiện nay.
Dưới đây là bài phỏng vấn GS. Nguyễn Mạnh Hùng.
—————-
Tổng thống Trump vào năm 2019 đã phát biểu rất mạnh mẽ khi phê phán chủ nghĩa xã hội ở Venezuela, sau đó ông Pompeo thì kêu gọi thế giới chống chế độ chuyên chế cộng sản chủ nghĩa của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về những lời tuyên bố này của họ?
Nguyễn Mạnh Hùng
Trong vụ khủng hoảng chính trị ở Venezuela, chính quyền Trump công nhận Chủ tịch Quốc Hội Guaido được Quốc Hội bầu làm “Tổng Thống tạm thời” thay thế Tổng Thống đương nhiệm Maduro, và dùng chế tài kinh tế và ngoại giao buộc Maduro phải từ chức, chuyến quyền cho Guaido.
Chính sách này được Tổ Chức các Quốc Gia Mỹ Châu (Organization of American States) và Liên Hiêp Âu Châu ủng hộ. Tổng Thống Trump còn đi xa hơn và dọa có thể dùng vũ lực để thi hành chính sách này. Chính sách này bị Nga chống và Hoa Kỳ đã bỏ lửng. Cho đến nay, chính quyền Maduro vẫn còn tại vị.
Điều này cho thấy chính quyền Trump thích tuyên bố mạnh nhưng đến khi vấp phải phản ứng cứng rắn của đối phương thì không tiến tới nữa. Những lời tuyên bố hùng hồn của Tổng Thống Trump ở Miami lên án xã hội chủ nghĩa và kêu gọi lật đổ các chế độ ấy ở Venezuela, Cuba, và Nicaragua nhưng không dám tiến tới phải chăng chỉ là những lời nói nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri quốc nội, đặc biệt khối người Mỹ gốc Cuba ở Florida hơn là đặt nền tảng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Venezuela là một nước có nền kinh tế đang bị khủng hoảng trầm trọng, lại ở gần nước Mỹ, và chính sách chống Maduro được nhiều nước hưởng ứng, trong nước họ lại có sẵn lực lượng đối lập lớn, được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ, mà Hoa Kỳ còn không có khả năng thực hiện mục tiêu của minh, thì đối với Trung Quốc, việc đòi hỏi dân chủ hóa Trung Quốc và thay đổi Đảng Cộng Sản Trung Quốc là việc làm khó hơn nhiều.
Theo ông, chính sách đối với Trung Quốc và Việt Nam của Hoa Kỳ có thay đổi hay không nếu có sự thay đổi lãnh đạo sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020?
Nguyễn Mạnh Hùng
Ngày nay, hầu hết các chiến lược gia và lãnh đạo chính trị của cả hai đảng lớn ở Hoa Kỳ đều đi đến kết luận rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ, nước này đang tìm cách bành trướng ảnh hưởng, và muôn cạnh tranh với Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới. Vì thế, nếu không muốn bị lép về, Hoa Kỳ phải chống Trung Quốc.
Phát biểu của Ngoại trương Pompeo được phối hợp nhịp nhàng với những tuyên bố gần như cùng một lúc của Cố vấn An ninh Quốc gia O’Brien, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Wray, và Bộ trưởng Tư Pháp Barr phản ánh sự đồng thuận lưỡng đảng về hướng đi của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, dù Tổng Thống Trump vẫn coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “người bạn rất tốt” và ôm ấp hy vọng ký được một “thương ước lịch sự với Trung Quốc.” Áp dụng điều này ở Biển Đông, nếu Hoa Kỳ không muốn để Trung Quốc chiếm vị thế độc tôn thì Hoa Kỳ phải tạo ra thế đa cực ở vùng này, và phải giúp Việt Nam trở thành một cực quan trọng trong thế đa cực ấy.
Chính sách này được giới chuyên gia chiến lược và lãnh đạo chính trị ở Hoa Kỳ -thành phần mà ông Trump gọi là “the deep state”– đồng ý. Nó không những sẽ không thay đổi nếu ông Trump thất cử mà còn được đặt trên căn bản vững chắc hơn của quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ.
Đổ vỡ quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu và châu Á trong gần bốn năm qua, nước Mỹ cần làm gì để khôi phục niềm tin chiến lược từ các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines?
Nguyễn Mạnh Hùng
Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã tạo được một thế áp đảo ở Biển Đông đến nỗi Đô Đốc Philip Davidson, Tư Lệnh Ấn Đô-Thái Bình Dương phải công nhận rằng Trung Quốc “có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống trừ có chiến tranh với Mỹ.” Một lợi thế của Hoa Ky trong việc cạnh tranh với Trung Quốc là hệ thống đồng minh và đối tác của Mỹ ở vùng này, nhưng chính quyền Trump với lối hành động đơn phương ích kỷ trong chính sách “Mỹ trên hết” đã làm suy yếu đồng minh và làm giảm lòng tin của họ vào khả năng và quyết tâm của Hoa Kỳ. Đó là chưa kể những tuyên bố và hành động bất nhất của chính quyền Trump. Lòng tin chiến lược là điều kiện căn bản của một liên minh vững chắc chống kẻ thù chung, môt khi bị sứt mẻ thì khó hàn gắn.
Để chứng tỏ với các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ đứng về phía họ trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, lần đầu tiên Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố dứt khoát rằng “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên hầu hết ở Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp,” và cảnh báo “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình.”
Đó mới là lời nói, lời nói này phải được hỗ trợ bằng hành động. Nếu Hoa Kỳ thực tâm muốn ủng hộ ASEAN chống sự “bắt nạt” của Trung Quốc như họ nói, thì ít nhất Hoa Kỳ phải làm một số việc như sau:
-Thứ nhất, tuyên bố ủng hộ quyền các quốc gia Đông Nam Á khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của họ theo luật quốc tế và luật biển.
-Thứ hai, để hỗ trợ cho lời nói, Hoa Kỳ phải tiếp tục cho tàu chiến, như trường hợp USS Gabrielle Giffords và USS America, biểu dương lực lượng và theo dõi tầu khảo sát địa chất của Trung Quốc đi vào vùng tranh chấp để de dọa và ngăn cản không cho các nước trong khu vực khai thác tài nguyên của họ.
-Thứ ba, tái thương thuyết để gia nhập TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement), sau được đổi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP – Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), bởi vì nó là một cái neo kinh tế cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Á châu-Thái Bình Dương.
–Thứ tư, phê chuẩn công ước về luật biển 1982 để có tư cách chính thống đòi hỏi Trung Quôc tuân thủ luật quốc tế và luật biển.
Riêng đối với Việt Nam, điều kiện thứ nhất đã được ngoại trưởng Pompeo khẳng định. Phép thử điều kiện thứ hai là liệu Hoa Kỳ có biện pháp khuyến khích và bảo vệ các công ty dầu khí khai thác tài nguyên của Việt Nam trong vùng Bãi Tư Chính và khu vực Cá Voi Xanh hay không.
Ông thấy thế giới ngày nay và hồi thập niên 1940 có gì giống và khác nhau, khi phải “chọn đứng về một bên” (“pick a side”) giữa tự do và chuyên chế, như cách nói của ông Ngoại trưởng Pompeo ngày 23 tháng 7 năm 2020 tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon?
Nguyễn Mạnh Hùng
Thời chiến tranh lạnh với Nga Xô và thời nay đối với Trung Quốc khác nhau nhiều. Thời trước, các quốc gia Âu châu bị suy yếu trầm trọng vì chiên tranh, chỉ có thể và muốn dựa vào Hoa Kỳ đê bảo vệ cho mình trước đe dọa của Nga Xô. Hơn nữa, Hoa Kỳ lúc đó cũng sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo thế giới, chấp nhận hy sinh để tạo ra những liên minh quân sự nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Nga Xô. Sự chọn bên của họ ngày ấy thật dễ dàng và giản dị. Ngày nay, không nhưng Hoa Kỳ, với chính sách “Mỹ trên hết,” đã từ bỏ trách nhiệm lãnh đạo mà còn o ép đồng minh làm suy yếu các liên minh sẵn có.
Ngày trước, kinh tế thế giới chia làm hai khối rõ rệt, không tương tác với nhau, Ngày nay, hiện tượng toàn cầu hóa làm các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, kể cả quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Nhu cầu phát triển kinh tế, nhất là phát triển hạ tầng cơ sở khiến các quốc gia Đông Nam Á khó cưỡng lại sự hấp dẫn của những khoản cho vay dễ dàng của Trung Quốc dù biết hậu ý của nó. Trong khi đó thì ngân khoản mà Hoa Kỳ đưa ra để giúp các quốc gia khu vực vừa giới hạn vừa kèm theo những điều kiện tương đối khó khăn. Hơn nữa, các nước đó vẫn còn nghi ngờ quyết tâm và khả năng của Hoa Kỳ giúp họ chống là sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong tình trạng này, chọn bên không phải là một việc dễ như xua.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam khi chiến tranh lạnh bắt đầu, chính phủ Hồ Chí Minh cũng muốn được Hoa Kỳ công nhân và ủng hộ, nhưng bị Hoa Kỳ từ chối. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, còn gọi là chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, Hoa Kỳ bị đặt trước lựa chọn một bên là Pháp thực dân bên kia là Việt Nam Cộng Sản, Hoa Kỳ dù không ủng hộ chính sách thực dân của Pháp, nhưng phải đứng về phía Pháp vì cần có Pháp trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống Nga Xô.
Ngày nay, tình hình thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Chính quyền Cộng sản ở Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cần Việt Nam như một con bài quan trọng trong thế đa cực ơ Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam cũng cần Hoa Kỳ như là một đối trọng với Trung Quốc. Một bên là Trung Quốc có cùng chế độ chính trị như Việt Nam và càng ngày càng lớn mạnh với một bên là Hoa Kỳ đang co cụm với một chính quyền hành động khó lường, sự chọn bên của họ không phải là một điều dễ
Ông đánh giá như thế nào đối với nhận thức về Trung Quốc và Hoa Kỳ trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam được công bố vào tháng 12 năm 2019? Theo ông, nhận thức về quốc gia và thế giới của chính phủ Việt Nam, cũng như chính sách thực thi trên cơ sở nhận thức đó, như được thể hiện trong Sách trắng này, có vấn đề gì không?
Nguyễn Mạnh Hùng
Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam nhằm làm “minh bạch” chính sách quốc phòng của Việt Nam với thế giới nhưng chủ yếu hướng về phía Trung Quốc. Thứ nhất, Việt Nam khẳng định “chiến lược quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược, mang tính chất hòa bình tự vệ…” Để chống chiến tranh xâm lược, Việt Nam phải tăng cường ngân quốc phòng để “duy trì sức mạnh quốc phòng cần thiết” đồng thời “tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước.”
Thứ hai, để trấn an Trung Quốc rằng Việt Nam không là mối đe dọa an ninh sát nách của Trung Quốc và không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp giữa hai đại cường Hoa-Mỹ, sách trắng nhắc lại nguyên tắc ba không theo đó “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.”
Thứ ba, lời cam kết “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” mà có người giải thích là cái “không” thứ bốn có thể được coi như một lời khuyến cáo hay trách khéo những kẻ muốn hay đang dùng vũ lực để áp đặt tham vọng của mình.
Nếu nhìn như vậy, người ta thấy không có vấn đề gì lớn phải đặt ra với sách trắng này. Như đã nói ở trên Việt Nam cần Hoa Kỳ như là một đối trọng với Trung Quốc. Nhưng giữa một bên là Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh và cùng chế độ chính trị với mình, một bên là Hoa Kỳ đang co cụm với một chính quyền hành động khó lường, sự “chọn bên” theo khuyến cáo của ông Pompeo không phải là một điều dễ.
Ông đánh giá như thế nào về tương lai quan hệ Việt Mỹ và Việt Trung?
Nguyễn Mạnh Hùng
Việt Nam ở sát nách Trung Quốc, môt đại cường khu vực và quốc tế. Việc xử lý quan hệ với Trung Quốc để vừa giữ được giao hảo vừa bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ là một thử thách có tính cách sinh tử. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cùng theo chế độ cộng sản và là hai nước cộng sản lớn nhất còn tồn tại trên thế giới, việc họ thường xuyên trao đổi và học tập kinh nghiệm của nhau là điều dễ hiểu.
Nói chung, quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến tốt và, trong tình trạng bình thường, sẽ tiếp tục như vậy. Quan hệ Việt-Mỹ biến đổi theo quan hệ Việt-Trung. Nếu quan hệ Việt-Trung xấu thì quan hệ Việt-Mỹ sẽ thắm thiết hơn.
Ông đánh giá như thế nào về bài phát biểu của ông Pompeo và các bài phản biện lại ông Pompeo, như Thomas Wright ở Brookings Institution hay James Palmer ở Foreign Policy, và Richard Haass trên Washington Post?
Nguyễn Mạnh Hùng
Trong lời phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo, tôi chú ý đến lời kêu gọi thành lập một “liên minh dân chủ” để tranh đấu cho “tự do” chống Trung Quốc độc tài.
Trong bối cảnh của chính sách “Mỹ trên hết” và những hành động o ép gây mâu thuẫn làm suy yếu đồng minh, thân thiện với các lãnh tụ độc tài (Vladimir Putin, Tâp Cân Bình, Recept Erdogan, Mohammed Salman, v.v…) của chính quyền Trump, đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, một cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.”
Trong khi ông Tổng Thống, theo tiết lộ của cựu Cố vấn An Ninh quốc gia John Bolton, dung túng chính sách của Tập Cận Bình lập trại cải tạo giam người Hồi giáo Tân Cương và đàn áp nhân quyền ở Hong Kong, bỏ qua hành động giết người bất đồng chính kiến một cách tàn nhẫn và trắng trợn của Mohammed bin Salman thì có ai tin được lời kêu gọi tranh đấu cho tự do của ông Ngoại trưởng?
Trong khi ông Tổng Thống đả phá và làm suy yếu các liên minh hiện có thì ai có thể sốt sắng với lời kêu gọi lập liên minh dân chủ chống Trung Quốc của ông Ngoại Trưởng?
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin chân thành cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng.