Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam: thất bại, thành công và con đường phía trước 

Nguyễn Tiến Huy

Published on

Trò chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy, Phó Giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Y tế toàn cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản 

Ngày thực hiện: 15 tháng 9 năm 2021

Lời giới thiệu 

Việt Nam trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 5 vào vùa hè năm 2021, trung tâm của dịch bệnh là Tp. HCM. TS. Nguyễn Tiến Huy, Phó Giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản, dành cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, một cuộc trò chuyện về chiến lược phòng chống đại dịch này từ góc nhìn của dịch tễ học. 

Tóm tắt nội dung:

Phương pháp chống dịch 

Tại sao Việt Nam thành công khi chống dịch vào năm 2020, nhưng lại thất bại vào 2021, khi mà dường như những biện pháp chống dịch ở năm 2021 có vẻ cũng giống như năm 2020? 

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Việt Nam thiếu các biện pháp phát hiện COVID-19 xâm nhập vào cộng đồng ở thời điểm quyết định. 
  • Vào tháng 3 năm 2021, nhóm chúng tôi đã cảnh báo như vậy cho Bộ Y tế nhưng không được phản hồi. 
  • Sau đó, Việt Nam phát hiện ổ dịch Đà Nẵng nhưng ổ dịch này được phát hiện một cách tình cờ. Sau đó, các ổ dịch tiếp theo ở Bắc Giang, Bắc Ninh cũng được phát hiện một cách tình cờ. 
  • Lúc đó chúng tôi đã cảnh báo về sự thiếu sót các biện pháp phát hiện các ổ dịch trong cộng đồng. 
  • Nhưng có lẽ do các ổ dịch đó có quy mô nhỏ, dễ dàng truy vết và dập tắt dịch, nên Bộ Y tế và chính quyền vẫn lạc quan. 
  • Khi dịch bùng phát ở Tp. HCM, nơi mật độ dân số quá lớn, thì việc phát hiện sớm các ổ dịch trở nên khó khăn, tốc độ phát hiện không theo kịp tốc độ lây lan. Ngoài ra, việc tổ chức tiêm vaccine đồng thời với quá trình lây nhiễm đang gia tăng cũng làm cho các triệu chứng lâu bộc lộ, càng làm khó phát hiện hơn. 
  • Khi đã chậm thì biện pháp bao vây, chặn đường lây nhiễm của những ổ dịch được phát hiện (một cách ít ỏi) không còn hiệu dụng nữa.
  • Đó là lý do Việt Nam thành công năm ngoái, nhưng thất bại năm nay trong chống dịch.

Cuối tháng 8, Tp. HCM đã dùng phương pháp test nhanh đại trà để tìm người nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng thực tế phương pháp này đã thất bại. Xin anh giải thích tại sao Tp. HCM thất bại. Hiện Hà Nội cũng đang xét nghiệm đại trà. Vậy có cách nào Hà Nội áp dụng phương pháp test nhanh nhưng không lặp lại thất bại trước đó ở Tp. HCM hay không? Theo anh, Hà Nội nếu không lặp lại các biện pháp ở Tp. HCM thì nên chống dịch như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Thực ra hiện nay tất cả các tỉnh đều đang test đại trà, không chỉ riêng hai thành phố lớn.
  • WHO và các tổ chức y tế cũng đã khuyến cáo là phương pháp test đại trà (toàn dân) không hiệu quả ở các nước đang phát triển và khuyến nghị nên test vào nhóm có triệu chứng. 
  • Nhật Bản cũng chỉ test vào nhóm có triệu chứng, và truy vết, không test đại trà mà dùng nguồn lực đó cho điều trị và phòng bị về sau. 
  • Chính phủ và Ban Chống dịch kêu gọi bất cứ ai có triệu chứng đều phải khai báo y tế để xét nghiệm, và cách ly tại nhà. (Không tuyên truyền theo hướng làm cho xã hội kỳ thị người bệnh). 
  • Cần xác định ai với điều kiện nào thì được cách ly tại nhà. Đội truy vết phải có năng lực xác định được ai cần cách ly tập trung, ai có thể cách ly tại nhà. Nếu là người bệnh trong các khu dân cư đông đúc, nhà cửa chật hẹp, không có điều kiện dùng phòng vệ sinh riêng để tránh tiếp xúc, thì không nên cho cách ly tại nhà, vì có thể gây lây nhiễm trong khu vực đó.
  • Nhóm tư vấn chống dịch của chính quyền: số lượng ít, chỉ có vài người, trong khi đó lượng thông tin phải xử lý rất lớn. Đó là chưa kể, họ có thể không phân tích được cái gì đằng sau những thông tin đó để nhận định và đưa ra quyết định đúng. 
  • Nhóm nghiên cứu chúng tôi gồm nhiều chuyên gia khắp thế giới, hợp tác với nhau online, đã soạn một cẩm nang trình bày danh sách hơn 80 biện pháp chống dịch. Có người nói danh sách đó quá dài, không ai đọc cả. Tuy nhiên, người có trách nhiệm chống dịch phải xử lý một khối lượng công việc phức tạp, cần có những phương án có tính hệ thống chứ không có cách nào “đơn giản” để chống lại đại dịch này được. 

Kinh nghiệm Tokyo

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Nhật Bản không chạy theo mục tiêu Zero covid, chỉ ngăn chặn không cho hệ thống y tế quá tải.
  • Trong trường hợp COVID-19, chống dịch thành công là không để bệnh viện quá tải. Tp. HCM đặt ra mục tiêu “vét sạch F0” nhưng kết qủa là bệnh viện quá tải. Đó là thất bại. Nhật Bản cũng chỉ đặt ra mục tiêu là không để cho bệnh viện quá tải. Nhật Bản thành công trong mục tiêu này. 
  • Khi bệnh viện bắt đầu gần đầy, Nhật Bản sẽ phong toả. Nhưng bản thân việc phỏng tỏa cũng rất nhẹ, chia làm hai mức, áp dụng rất dễ. Trong đó, mức cao nhất là vẫn đi chợ, siêu thị được. Còn Việt Nam là phong toả đến mức cấm ra khỏi nhà. Tokyo khi có khoảng 5000 ca thì phong toả, và chỉ giãn cách vài tuần là nó xuống. Tp. HCM giãn cách nhiều tháng nhưng vẫn tăng, không giảm. Đó là vì phong toả nhưng thiếu những biện pháp đi kèm, như tôi đã nói. 

Phong tỏa đại đô thị 

Theo bảng thống kê trên VNExpress, chúng ta trước ngày 23/8 (phong tỏa theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đấy”), số ca mới của Tp. HCM khoảng trên dưới 4,000. Đến nay, giữa tháng 9, sau 3 tuần thực hiện chính sách trên, số ca mới tăng lên khoảng hơn 6,000 ca mỗi ngày. Xin anh giải thích hiện tượng này. Nếu đã phong tỏa, nguồn lây của các ca mới này từ đâu ra? Quận 7, Nhà Bè, Củ Chi có vẻ lây nhiễm ít và sắp được nới lỏng một số biện pháp cách ly, vậy có phải số ca lây nhiễm chỉ tăng ở những khu vực mà người dân bị khóa chặt trong một không gian nhất định và lây nhiễm nội bộ ở đó, ví dụ như khu có nhiều công nhân lưu trú? Tại sao năm ngoái phong tỏa thì thành công, còn năm nay phong tỏa kéo dài hơn 2 tháng không ngăn chặn được lây nhiễm? 

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Rất nhiều người dân ở Tp. HCM gọi điện cho Y tế Phường, Quận xin xét nghiệm nhưng không được, vì Y tế cấp Phường, Quận đã quá tải. Theo nguyên tắc của Bộ Y tế, nếu không xét nghiệm bằng phương pháp PCR thì không ghi vào hồ sơ. Cho nên thực chất Tp. HCM có bao nhiêu ca thì không biết chính xác. Các con số 4000 và 6000 ca thường nhảy lên nhảy xuống không có quy luật. Khi dữ liệu không chính xác, không phản ánh quy luật nào thì không thể đánh giá được tình hình dịch, không dự đoán được tình hình sắp tới. 
  • Có một con số có thể tin cậy để đánh giá, là con số nhập viện và xuất viện. Hiện nay, con số xuất và nhập viện bằng nhau. Có thể đoán là tỷ lệ lây nhiễm mới không tăng không giảm. 
  • Trước khi mở cửa, phải nghiên cứu các đường lây để ngăn chặn. Không nghiên cứu các đường lây để ngăn chặn thì mở ra sẽ bị lại. Tp. HCM có nguy cơ bị lại rất cao khi mở cửa. 

Bắc Giang có dịch vào đầu năm, nhưng sau đó dập được dịch bằng phương pháp phong tỏa truyền thống. Có thể các đại đô thị sẽ khác? Vậy xin anh cho một chút so sánh giữa TP. HCM và các đại đô thị có quy mô dân số và trình độ phát triển tương đương, như Manila và Jakarta. Manila có khoảng 12 triệu trong vùng đô thị và khoảng 20 triệu trong toàn vùng ảnh hưởng của nó. Manila cũng có các khu dân cư của công nhân lao động đông đúc như Tp. HCM. Thành phố này phong tỏa đến nay đã 6 tháng, nhưng không ngăn chặn được lây nhiễm. Jarkata ở Indonesia cũng phong tỏa nhiều tháng, nhưng chưa ngăn chặn được lây nhiễm. Bangkok lockdown từ đầu tháng 7, đến nay gần 3 tháng, nhưng số ca không giảm. Họ vẫn mở cửa trở lại vì đã tiêm chủng nhiều. Vậy theo anh, giải pháp nào cho Tp. HCM và Hà Nội ở Việt Nam sắp tới? 

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Nhóm chúng tôi mới nghiên cứu so sánh quốc gia với quốc gia, chưa nghiên cứu so sánh đại đô thị với đại đô thị. 
  • Chúng tôi có nghiên cứu trường hợp thành phố Dhaka của Bangladesh. Dhaka đông dân hơn Tp. HCM, mật độ dân cư cao hơn, nhưng phong toả thành công, tốc độ lây nhiễm không ở mức độ mất kiểm soát như ở Tp. HCM thời gian qua. Lý do là Dhaka thực hiện phong toả nhưng kèm các biện pháp đúng đắn. Như trên đã nói, chúng tôi có soạn thành một cẩm nang các biện pháp chống dịch.  

Bộ máy ra quyết định của Việt Nam 

Quy trình ra quyết định của Việt Nam đã có nhiều vấn đề trước đại dịch, nay khi đối diện với đại dịch thì quy trình ra quyết định đó càng bộ lộ vấn đề và gây ra nhiều hậu quả. Anh có biết quy trình ra quyết định của Bộ Y tế như thế nào trong việc chống dịch này không?

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Huy

  • Mong Bộ Y tế chú ý đến nhóm chúng tôi. Việc chọn đúng nhóm chuyên gia để chống dịch là rất quan trọng. Các nước phát triển Âu Mỹ năm ngoái có rất nhiều nhà khoa học giỏi nhưng chống dịch thất bại. Nhưng đến năm nay thì họ chống dịch tốt hơn, vì họ đã “học được bài”. Nhóm chúng tôi thích hợp với việc chống dịch, do có nguồn nhân lực từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực dịch tễ học là chủ lực, có thể theo dõi và phân tích thông tin một cách nhanh chóng và chính xác hơn. 
  • Tôi liên lạc nhiều nơi, nhưng không ai cho tôi biết là nhóm khoa học nào, các chuyên gia nào có trách nhiệm tư vấn, cố vấn trong thực tế, cho chính quyền trung ương cũng như địa phương trong việc chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm trước xã hội về việc tư vấn chống dịch.  
  • Các nhóm tư vấn của các nước đều có nhiều chuyên gia y tế. Trong khi đó nhóm tư vấn của Tp. HCM và trung ương ở Việt Nam thì thiên về kinh tế, chỉ có một hai vị liên quan đến y tế.  
  • Có rất nhiều quy định có tính chất ngặt nghèo, không ăn khớp với thực tế, khi đi vào thực tế thì trở nên vô lý, phản khoa học về mặt chống dịch. 
  • Việc thay đổi quyết định của Việt Nam cũng rất chậm, ngay cả khi đã thấy quyết định trước không thích hợp. Một mình Bộ trưởng không đủ để xử lý hết các thông tin. 
  • Nhóm tư vấn của Việt Nam đã thiếu chuyên môn về Y tế, Việt Nam lại không có các nhóm đánh giá, phản biện độc lập, không có các nhóm kiểm tra đánh giá tại thực địa, ví dụ như kiểm tra các trung tâm cách ly vốn gây ra tình trạng lây nhiễm chéo nặng nề. 

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ xin cảm ơn TS. Nguyễn Tiến Huy đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện bổ ích về vấn đề chống đại dịch COVID-19. 

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ