Tư liệu lịch sử
PHỎNG VẤN TRƯƠNG THỊ THỈNH
Published on
Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng
“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945.
Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”
(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)
Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng
Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng
Giới thiệu
PHỎNG VẤN TRƯƠNG THỊ THỈNH
Trương Thị Thỉnh là em gái của ông Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng. Bà Thỉnh, năm nay 70 tuổi, hiện sống tại Santa Ana, California.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại nhà riêng của gia đình bà Thỉnh ở Santa Ana, ngày 25/8/1986.
Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason.
Tóm lược:
Tôi được anh Cao Thế Dung, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng quen biết nhiều với các nhân vật đảng phái, đưa tôi đến gặp và phỏng vấn bà Trương Thị Thỉnh tại nhà riêng của gia đình bà ở Santa Ana, California. Hoàng Kim Lân, con trai bà Thỉnh, cũng có mặt để đôi khi hoặc nhắc bà Thỉnh hoặc trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi. Hoàng Kim Lân cũng là đảng viên Đại Việt, bị truy sát, cuối cùng gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, rồi bị thương mù cả hai mắt. Cùng ở trong căn nhà nhỏ của bà Thỉnh còn có các cháu nhỏ cho nên đôi khi cuộc phỏng vấn bị gián đoạn bởi tiếng khóc của trẻ con và những tiếng động khác.
Bà Thỉnh kế lại hoạt động cách mạng, tính tình và cách hành động của ông anh cả Trương Tử Anh, đảng trưởng đảng Đại Việt, về truyền thống cách mạng và sự hy sinh của toàn thể dòng họ bà – cả bên nội lẫn bên ngoại, cả già lẫn trẻ – ngay từ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của phong trào Văn Thân và Cần Vương.
Bà cho biết khá nhiều về các nhân vật quan trọng của đảng Đại Việt, nhất là tên những người hoạt động trong chi bộ Đảng trưởng ở Phú Yên. Nhưng bà lại biết rất ít về tình hình đảng ở ngoài Bắc, và hầu như không biết gì về nhưng diễn biến trước và sau cuộc cướp chính quyền của Việt Minh năm 1945.
Theo bà Trương Thị Thỉnh:
- Chủ nghĩa của đảng Đại Việt là Dân tộc Sinh tồn. Tôn chỉ hoạt động của đảng là “bài phong, đả thực, diệt cộng”; vì thế họ là nạn nhân của cả thực dân Pháp, Cộng Sản Việt Minh, và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
- Cộng Sản gọi nhóm Đại Việt ở Hòa Phong, Phú Yên là “Tam Đại” – đại địa chủ, đại phản động, Đại Việt – cần phải diệt trừ.
- Ông Trương Tử Anh không chủ trương cướp chính quyền, mà “len lỏi” vào chính quyền để làm lành mạnh chính quyền chống độc tài phong kiến. Đó là lý do tại sao lúc đầu đảng Đại Việt “cộng tác hết mình” với chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng về sau bị chính quyền này đàn áp và triệt hạ.
- Riêng đối với Cộng Sản thì Đại Việt nhất quyết không cộng tác.
- Hoàng Kim Giai, chồng bà Thỉnh, được anh rể, Trương Tử Anh, cử lên Yên Bái coi bộ phận chính trị của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
- Giai đoạn 1942-1945, Trương Tử Anh cử 7 người ra ngoại quốc liên lạc, trong đó có Trương Sành, nhưng mất luôn, không ai về nước. Ngoài Trương Sành, bà Thỉnh không nhớ tên những người khác và cũng không biết họ được gửi đi đâu.
- Sau khi Trương Tử Anh mất tích, Đặng Vũ Lạc được coi như người lãnh đạo chung. Trước khi chết, ông Lạc đề nghị Nguyễn Tiến Hỷ thay thế, nhưng không được các anh em miền Nam chấp nhận.
- Dưới thời Thủ tướng Bửu Lộc, lãnh tụ Đại Việt Trương Tử An, em Trương Tử Anh, được phép thành lập một “binh đoàn độc lập” gồm 10 đại đội để giữ an ninh lãnh thổ ở Nha Trang, Quy Nhơn, và Phú Yên. Ông còn lập thêm trường Trung học Nguyễn Huệ, và một trường huấn luyện hạ sĩ quan ở xã Hòa Phong.
- Trong giai đoạn cộng tác với chính quyền Diệm, Đại Việt tổ chức được 5 đoàn “hành chánh lưu động” để đưa về xây dựng các thôn ấp.
- Phải phân biệt giữa chiến khu và mật khu. Chiến khu Ba Lòng ở Quảng Ngãi do ông Hà Thúc Ký lập ra để chứa vũ khí và quân đội chống sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mật khu Nguyễn Huệ ở Phú Yên được thành lập từ thời Pháp, không có quân đội hay khí giới mà chỉ là nơi cất giấu tài liệu và ẩn trốn khi bị lùng bắt.
Toàn văn:
Trương Thị Thỉnh 1 –VP-NMH-A013
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa bà, tôi được học bổng của cơ quan Social Science Research Council để nghiên cứu về các đảng phái Việt Nam từ năm 1945 đến 1954. Chúng tôi được biết bà là em ruột của ông Trương Tử Anh, một lãnh tụ nổi tiếng của Đảng Đại Việt, và là một người đã liên hệ khá nhiều với các đảng viên Đảng Đại Việt sau này. Một số người vẫn còn nhắc nhở đến bà nhiều lắm. Tôi đặc biệt được giới thiệu đến tìm gặp bà do anh Cao Thế Dung thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng và anh Nguyễn Văn Canh, người sau này gia nhập Đại Việt Cách Mạng Đảng. Cuộc nghiên cứu này sẽ được ghi âm, và sau một năm sẽ được để vào thư viện Quốc Hội như là một sử liệu sống để cho những người nghiên cứu sau này. Tôi xin phép bà cho tôi được thực hiện cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa bà, bà có đồng ý không?
Bà Trương Thị Thỉnh (TTT): Vâng, tôi đồng ý.
NMH: Thưa bà, tôi muốn xin hỏi bà một câu. Trước hết, về ông Trương Tử Anh. Tôi nói chuyện với nhiều người thì người ta rất kính mến ông Trương Tử Anh, nhưng trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng có rất nhiều tài liệu viết về những lãnh tụ của họ, thì đảng Đại Việt không có một tài liệu nào viết về lãnh tụ của họ cả. Vì thế cho nên chúng tôi muốn được biết sơ qua về thân thế của ông Trương Tử Anh, như là ông sanh năm nào? Hiện nay nếu ông còn sống thì bao nhiêu tuổi? Ngày xưa trong gia đình thì ông ấy ra sao? Xin bà cho biết một số chi tiết như vậy.
TTT: Ông Trương Tử Anh là anh cả trong gia đình. Ảnh tuổi Dần. Tất nhiên nếu còn sống thì năm nay (1986) 73 tuổi. Hồi nhỏ ảnh học ở Quy Nhơn. Học trung học ở Quy Nhơn, rồi chống đối chế độ nô lệ của Pháp hồi đó. Thành ra anh có viết bài và cũng có vận động chống đối đôi ba lần gì đó. Thì nhà trường họ trục xuất, đuổi không cho học nữa. Ra Hà Nội ảnh học trường Thăng Long. Rồi ảnh lập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Trong số đảng viên ở Hà Nội thì thành phần trí thức nhiều vì ảnh là người ở trong đại học.
NMH: Ông ấy học đại học trường nào ạ?
TTT: Trường Thuốc
NMH: Trường Y Khoa. Tức là ông ấy có đi học Trường Thuốc. Sau khi đậu rồi đi học Trường Thuốc. Khi là sinh viên ông ấy lập Đảng.
TTT: Dạ, khi ấy lập Đảng. Là năm 39. Năm 38 ảnh có đưa bản thảo Tuyên Ngôn ở Phú Yên quê nhà. Ở trong Phú Yên với các tỉnh ở miền Trung cũng hưởng ứng theo cái Tuyên Ngôn đó. Tổ chức Đại Việt cũng nhiều. Tuyên Ngôn đó khoảng năm 39 thì ở ngoài Hà Nội công bố. Tất nhiên là Tuyên Ngôn ảnh viết trước, nhưng mà lại công bố ở trong miền Trung trước, rồi mới công bố ra Hà Nội sau. Từ ngày công bố Tuyên Ngôn ở Hà Nội rồi làm việc ở ngoài đó, ngoài miền Bắc, còn ở trong Nam này thời kỳ đấy nó cũng sục sục sao nên cũng ít người thoát ly ra được Hà Nội. Trong gia đình tui chỉ có em rể tui là Nguyễn Thanh Giang, em ruột là Trương Tuấn Vinh, Trương Tuấn Nghi đi lọt ra ngoài đó. Còn ở trong này những tổ chức manh nha vì họ đã sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản, dân chúng cũng tức tối, cũng tức giận, thành ra cũng nổi lên lập ra những chi bộ Đảng cũng nhiều. Nhưng mà rồi bị kìm kẹp, dần dần sau gần tới năm 40, 43 thì kìm kẹp ngày càng chặt chẽ.
NMH: Như vậy trước cái giai đoạn đó Cộng Sản cũng…
TTT: Trước giai đoạn Cộng Sản thì chính quyền Pháp kìm kẹp. Với lại Cộng Sản cũng có những tổ chức hồi đó thì nó đi chung. Nghĩa là đi chung hết, không có nói đảng phái gì hết. Nhưng mà nó lại có đàn áp, nghĩa là người Quốc Gia nào có sáng kiến gì hay có gì làm nó sợ là sau này có hại cho nó, thì nó lén nó thủ tiêu.
NMH: Tức là giai đoạn còn Pháp?
TTT: Giai đoạn còn Pháp. Kìm kẹp cho đến cái chừng mà Cộng Sản lên là năm 45. Thì nhóm Đại Việt Quốc Gia, những người nào hiểu biết thì rút vô bí mật, lập thành Mặt Trận Liên Hiệp Nhân Dân Cách Mạng. Mặt trận ấy cũng song song sống với Cộng Sản một cách lén lút. Hễ chỗ nào Cộng Sản mạnh thì mình lại rút đi chỗ khác. Dân chúng cũng có nhiều sự ủng hộ, mà họ cũng giấu diếm cho nhiều. Đến năm 54, chiến dịch Atlante (của Pháp) hành quân về miền Trung, thì chính quyền Ngô Đình Diệm lên. Mặt trận lại rút người về để ra công khai ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. Hoạt động được mấy năm thì Ngô Đình Diệm có ra Phú Yên cũng có ban khen, cũng có gắn huân chương cho những người cán bộ thôn xã, những người cán bộ quận thuộc đảng Đại Việt cũng có rất nhiều người được Ngô Đình Diệm gắn huân chương. Không biết tại sao từ cái vụ mà Ba Lòng ở Huế, vụ đó bị bể, thì ở trong này họ đồng loạt bắt hết những người Đại Việt đi tù hết. Tất cả là tới gần 100 người ở tù, còn mấy chục người thì có danh sách tại đào truy nã. Trong thời gian đó, tui cũng bị bắt. Tui có 6 đứa con ở nhà, và có 2 đứa lớn, cậu Lân này với chị cậu thì thoát được.
NMH: Là bị chính quyền Diệm bắt đấy?
TTT: Dạ, chính quyền Diệm. Tui còn 4 đứa nhỏ ở nhà thì hai đứa trai bị lính tráng tới bắt để truy nã đánh khảo, hỏi mẹ đi đâu. Đánh hoài không có ai cho ăn, không có ai thuốc men gì, hai đứa nhỏ một năm sau thì chết hết, hai đứa cũng bị thương chết hết. Đó là phần tui, còn phần ở gia đình tui, ông cụ tui hồi đó có 5 người con trai. Anh cả tui là Trương Tử Anh với lại hai người nữa, ông Trương Tử Vinh, ông Trương Tử Vinh thì ra ở ngoài Bắc. Chồng tui cũng ra ngoài Bắc. Chồng có người em là ông Nguyễn Thanh Giang thì cũng ra Bắc. Thoát ra được mấy người đó.
NMH: Ông chồng của bà tên là gì?
TTT: Dạ, Hoàng Kim Giai.
NMH: Hoàng Kim Giai. Hai người em nữa?
TTT: Hai người em nữa, ông Trương Tử Nghi là người em thứ ba, Trương Tử Vinh là người em thứ bảy. Còn người em rể là Nguyễn Thanh Giang.
NMH: Như vậy gia đình của bà có bao nhiêu anh em, chị em tất cả?
TTT: Năm người con trai, năm người con gái.
NMH: Thế ông cụ thân sinh thì trước kia làm gì?
TTT: Ông cụ tui thì hồi kia cũng như là quản trị ở nhà nông, nhưng mà cái việc làm theo chí hướng ổng là làm cách mạng.
NMH: Ông cũng làm cách mạnh à?
TTT: Văn Thân Cần Vương là ông có tham gia. Cũng có ở tù cái vụ Phan Đình Phùng ở miền Trung, ông cụ tôi nghe nói ở tù cũng hết mấy năm.
NMH: Ông cụ tên là gì?
TTT: Trương Bội Hoàng.
NMH: À, ông Trương Bội Hoàng cũng đã tham gia phong trào Văn Thân Cần Vương. Rồi đi theo Phan Đình Phùng và bị bắt tù?
TTT: Kể ra theo bây giờ tôi biết thì ông cố tui cái hồi Cần Vương là làm Đề đốc.
NMH: Ông cố tên là gì ạ?
TTT: Ông cố là Trương Dụng Đường. Còn ông nội tui thì cũng là một người nhân sĩ tham gia các cuộc cách mạng, nhưng mà sau đó thấy chuyện làm quan, làm làng, làm tổng xã thì ổng từ khước hết, chỉ ở nhà thì kêu bằng ông Chủ Bốn vậy thôi.
NMH: Tên thật là gì?
TTT: Dạ Trương Dụng Triều. Ông cha tôi là Trương Bội Hoàng.
NMH: Dạ, ông cũng liên lạc với cụ Phan Đình Phùng?
TTT: Dạ, cũng bị bắt. Đến ông anh tui thì ra lập đảng Đại Việt ở ngoài Bắc đó. Thời kỳ đó bên Mặt Trận cũng tận diệt dòng họ Trương. Mà bên chính quyền Ngô Đình Diệm thì cũng tận diệt dòng họ Trương.
NMH: Dòng họ Trương quê quán ở đâu?
TTT: Ở Phú Yên. Tui thoát đi trốn được ở Đà Răng, thì ở ngoài này chính quyền Ngô Đình Diệm treo giải thưởng mấy trăm ngàn đòi bắt tui với lại một số anh em trốn theo tui nữa. Thí dụ như Lê Luơng Ngọc, Phan Hỏa Đình Phúc, nhiều lắm, Lê Văn Lộc… Mấy người đấy là bị treo giải thưởng bắt. Còn ở bên Cộng Sản ở thôn xóm thì nó cũng ráo riết, nó vô nó làm với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nó lộn sòng vô chính quyền Ngô Đình Diệm để nó giết Đại Việt. Cụ thể như là có một ủy ban của xã Hòa Phong, tất nhiên là cái xã quê hương của tui. Trong ủy ban đó có 12 ủy viên với một ông chủ tịch. Thì một buổi sáng sớm nó tới đồng một lượt, nó bắt hết ráo trơn giết hết trong cái số đó, mất tích không còn ai hết. Mười hai ủy viên và 1 chủ tịch bắt luôn, giết hết, là cái xã quê quán của tui.
NMH: Mà những người đó là thuộc Đại Việt?
TTT: Những người đó phần nhiều là Đại Việt.
NMH: Ai bắt?
TTT: Đấy là Việt Minh ở ngoài thôn quê cũng trong cái thời Ngô Đình Diệm nó ùa vào nó bắt.
NMH: Thưa bà, vì ít người biết về ông Trương Tử Anh, xin bà cho thêm chi tiết là ông ấy có 5 người anh em trai và 5 người em gái. Xin bà cho biết những người ấy tên là gì. Con trai tên là những ai, và con gái tên là những ai?
TTT: Con trai đó là anh cả tui, đó là Trương Tử Anh. Anh thứ ba là Trương Tử Nghi. Anh thứ bảy là Trương Tử Vinh. Còn hai người nhỏ là Trương Tử An bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết hồi năm 63. Bây giờ còn Trương Tử Thiên, là dân biểu Phú Yên, hiện còn đang ở trong tù Cộng Sản. Tất cả 5 người con trai đấy là hết rồi. Còn 5 người con gái là tui, Trương Thị Thỉnh. Còn vợ ông Huỳnh Tô là Trương Thị Tỉnh, thì bây giờ mai danh ẩn tích đổi tên đổi họ ở trong nước. Và còn một bà nữa là Trương Thị Đỉnh, là cán bộ kinh tài cho Mặt Trận Liên Hiệp Nhân Dân Cách Mạng, thì cũng bị đánh, bị tra. Đợt sau này tui đi rồi ở nhà cũng bị tra, đói khổ thì chết rồi. Còn hai người em nhỏ nữa thì bà Trương Thị Minh Thư ở tù Cộng Sản từ năm 75, mới thả về năm 80, ở tù 6 năm mấy tháng, 6 tháng gì đấy gần 7 năm. Còn bà Trương Thị Bỉnh thời Cộng Sản cũng ở tù một thời gian, bây giờ về ở quê nhà ở xã Mỹ Thạnh.
NMH: Ông Trương Tử Anh ông ấy đi học rồi ông ấy ra Hà Nội ông ấy làm cách mạng. Tính tình ông Trương Tử Anh thì ở nhà thấy ra sao?
TTT: Anh tui thì tính tình của anh là tất cả mọi người ở trong nhà trong thôn xóm ai cũng mến phục. Ổng đàng hoàng và nghiêm chỉnh lắm. Thí dụ như cái nhỏ nhặt là mặc cái áo cái quần không có khi nào mà không ngay ngắn. Hay là khách khứa tới thì ổng đàng hoàng lắm. Khi nào ra tiếp khách cũng bận áo đồ ngay thẳng. Còn đối với con cháu trong nhà thì ổng hòa hưỡn. Nghĩa là tất cả những con cháu như lớp cậu này, ông đi học thì thôi, trở về là dạy kèm cặp cho con cho cháu, cho các cháu, các em trong họ. Thành ra tất cả mọi người nói tới Trương Tử Anh ai cũng thương mến hết.
NMH: Ông ấy có thành lập gia đình không?
TTT: Không, ổng chưa có thành lập gia đình.
NMH: Thưa bà, khi ông đi làm ông gửi về Bản Tuyên Ngôn năm 38, thì miền Trung ủng hộ ổng. Ủng hộ là những ai, đã có đảng gì chưa? Lúc bấy giờ đã thành lập tổ chức nào chưa, hay là ông gửi cho ai mà biết miền Trung người ta ủng hộ?
TTT: Cái hồi đó thì còn liên lạc ở ngoài về được. Đem cái Tuyên Ngôn về là anh Trương Vĩnh Ký, một người Tàu và cũng theo Đại Việt lâu rồi. Ảnh đem Tuyên Ngôn với những thơ từ về. Hồi đó Cộng Sản nó chiếm ở đó rồi. Nó dí bắt ảnh rồi đem giết chết.
NMH: Năm 38 Cộng Sản chiếm được vùng đó rồi?
TTT: Hồi đó là Cộng Sản bí mật chớ.
NMH: Cộng Sản bí mật? Ám sát ông ấy luôn?
TTT: Dạ, rồi thì nó ám sát luôn. Thành ra chỉ còn sót lại Bản Tuyên Ngôn ở nhà, còn những bút tích thì nhiều lắm. Sau này luất quất. Hồi đó nó chưa có thành hình, năm 38 thì miền Trung chưa có thành hình. Nhưng mà đã có người Đại Việt, chẳng hạn vì cái họ Trương tui nó rộng lớn, rồi phía nội phía ngoại, rồi từ đấy nó ra ngoài dân chúng. Thành ra số Đại Việt bắt đầu từ năm 38 đã có nhiều rồi.
NMH: Những người đó, giai đoạn đó bà có nhớ tên ai hoạt động nhiều nhất trong giai đoạn đó ở miền Trung không?
TTT: Dạ cũng có nhớ chứ, nhớ một số ít. Hồi đó thí dụ như ông Nguyễn Tường Siêu, ông Chánh Hai –kêu ổng là ông Chánh Nhân, ông Trương Soạn, ông Trương Dụng Quyền, hoặc là ông Huỳnh Anh. Bây giờ thì phải nghĩ một thời gian, chứ lâu ngày quá rồi cũng không nhớ.
NMH: Những ông đó phần lớn là thuộc thành phần nào? Trí thức hay là những người có vai vế trong làng?
TTT: Có đủ thành phần, trí thức có, nông dân có, và còn những người đi làm việc cho chính quyền Pháp hồi đó, hoặc là thơ lại, hay là thư ký, hay là cán bộ canh nông thì nhiều.
NMH: Hồi đó bà có biết ông ấy có những hoạt động như vậy không?
TTT: Dạ hồi đó thì có chứ, tôi từ hồi nhỏ, hồi 15-17 tuổi, thì theo cái lệnh của mấy anh, hoặc là hồi đó cũng tổ chức những phong trào đả đảo mê tín dị đoan, hay là diễn thuyết chống Pháp, thì tôi nhỏ nhỏ thì cứ có cái thùng dầu lửa, thùng tây ở ngoài, khi những người đi diễn thuyết nói chuyện thì mình chạy theo, cứ xách cái thùng đó, rồi hễ tới chỗ nào muốn đứng nói là một người liệng xuống một cái, người liệng thêm một cái, hai cái chồng lên cho cao, chỗ nào mà cần thì 3 cái để người đứng lên diễn thuyết nói chuyện với dân chúng, hoặc là ở chợ búa hoặc ở thành phố. Khi nghe police thổi còi te te thì mỗi người phải xách cái thùng chạy. Ông diễn thuyết hồi đó thí dụ ổng mặc cái áo trắng thì thay áo đen chạy. Đó là mấy cái vụ tôi tham gia, hồi còn nhỏ à.
NMH: Tức là cũng liên hệ với đảng Đại Việt rồi.
TTT: Dạ.
NMH: Như vậy có thể nói cả nhà của bà thuộc về đảng Đại Việt không?
TTT: Dạ thuộc về đảng Đại Việt hết. Cả họ đó, nói chung chung là cả họ. Thành ra khi chính quyền Ngô Đình Diệm tới thì cũng chú ý họ Trương mà tàn hại, rồi chính quyền Pháp cũng là họ Trương ở Hòa Phong, rồi đến Cộng Sản cũng chú ý họ Trương. Sở dĩ như vậy mà giờ họ Trương còn ít người, chỉ còn lớp nhỏ thôi chứ lớp lớn bị chết hết.
NMH: Quan niệm của ông Trương Tử Anh về nước Việt Nam thì ai cũng biết ông ấy chống Pháp rồi. Nhưng mà tại sao ông ấy lại chống Cộng Sản?
TTT: Theo như lời ảnh nói thì chủ nghĩa Cộng Sản nó ảo tưởng nhiều chứ nó không có thể thành tựu. Nếu mà theo chủ nghĩa cộng sản thì sau này nước Việt Nam cũng không còn được cái dòng giống Việt Nam, cũng vì theo hầu ảnh mà bọn tui nhỏ hiểu sơ qua rằng cái mầm độc hại của Cộng Sản nó sẽ nặng nề hơn là thực dân. Bây giờ mình cố phải lật đổ cả hai phía thì thực dân nó là ngoại nhân, Cộng Sản không khéo thì sau này nó sẽ bắt nhân dân Việt Nam lệ thuộc nó hết. Nhưng mà khó đấu chọi với Cộng Sản là vì nó sẽ cổ động cho những người dân Việt Nam sau này, thì mình không thể đấu chọi được.
Bây giờ phải phân tích cho rõ ràng Cộng Sản với cái thực dân, thực dân nó cũng kẻ thù mà Cộng Sản nó cũng kẻ thù, mà phong kiến cũng là kẻ thù, thành ra cái hồi bọn tui cứ học thuộc lòng câu “bài phong, đả thực, diệt cộng” thì cái lúc còn nhỏ, ảnh với mấy người anh em khác mở những cái trường ban đêm, để dạy cho những người lớn đi cày đi cuốc về thì học. Còn những cái người đàn bà con gái thì tối cũng tới học cái trường cho đàn bà con gái. Thành thử ra dân ở tỉnh Phú Yên quê nhà tui thì ai cũng thuộc cái chuyện chống cộng đả phong ra sao, cho nên cái phong trào nào của Cộng Sản, của thực dân, của phong kiến tới thì cũng lấy cái mục tiêu là gia đình họ Trương.
NMH: Vậy là tôi hiểu rồi, vậy ông Diệm cũng dùng những cái chiêu bài đó phải không? Về sau ổng cũng nói về bài phong đả thực?
TTT: Vâng, thì cũng là cái chiêu bài bọn tui học từ hồi bọn tui còn nhỏ
NMH: Vâng, cái vùng ấy là vùng Hòa Vang phải không ạ? Mỹ Thạnh?
TTT: Không, Mỹ Thạnh, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thành thử bây giờ Cộng Sản nó tới thì dân Phú Yên bị nó giết nhiều. Mà đời Tây là nó giết Đại Việt trước, cho nên hồi Ngô Đình Diệm có cái câu mà “Quốc đại cao… cái gì Hòa Bình ấy,” mấy cái nhóm đó thì phải giết, còn Cộng Sản thì nó có câu là hễ bắt được một một người Đại Việt là đã có bản án sẵn không có cần phải khai thác gì hết. Còn cái nhóm Đại Việt ở Hòa Phong thì nó kêu là Tam Đại, nghĩa là đại địa chủ –đúng là cái dân Hòa Phong hồi đó giàu, nhiều nhà giàu– đại ngoan cố, Đại Việt. Hễ nhóm Tam Đại dính vô đâu, đi đâu thì nó không cho vô cái tổ học tập của nó. Hay là những cái tổ hồi đó nó tổ chức bí mật cứ dính dáng tới Đại Việt, Tam Đại là nó bỏ ra. Thành ra 3 cái mũi dùi đấy mà cái Đại Việt bây giờ không còn gốc là vậy.
NMH: Thưa bà, hồi ông Trương Tử Anh với anh em của ổng lập ra những lớp dạy cho người ta, bà có nói là buổi tối, nông dân đàn bà họ tới học. Vậy lý do gì mà họ tới học, vì họ cũng đã vất vả lắm mà?
TTT: Trong đó thì họ có cảm tình với nhà tui là một, hồi đó nhà tui đầy đủ sum vầy, như 5 chị em gái của tui mỗi người là cũng có một số chị em bạn gái nữa, lại là con nhà giàu học hành biết chữ, thì họ cứ theo, họ bảo tới đây coi chị Năm dạy hay chị Bảy dạy gì gì đấy, thích tới đây học chơi. Hồi thì học chữ học nghĩa, hồi thì nói chuyện về đảng phái kia nọ, hồi thì làm bánh làm trái, nghĩa là đủ phương tiện.
NMH: Thế có cố gắng gì để đoàn ngũ họ vào đảng không? Về sau có lấy họ vào đảng không?
TTT: Có chớ, mấy người đó về sau cho vô Mặt Trận hết đó, cho vô Mặt Trận cho nên Cộng Sản nó không làm sao được.
NMH: Nhưng Mặt Trận đó nó tên là gì ạ?
TTT: Là Mặt trận Liên hiệp Nhân dân Cách mạng Việt Nam.
NMH: Thế thì đảng Đại Việt đóng vai trò nào trong mặt trận đó?
TTT: Đại Việt thì nắm các cái nòng cốt, tức là Đại Việt tổ chức thì Đại Việt nắm những cái nòng cốt trong cái tổ chức đó.
NMH: Thế thì cái tổ chức đó còn có liên lạc với các đảng phái khác không?
TTT: Có chứ, như anh em trong Quốc Dân Đảng, hoặc những anh em bên Phật giáo, Công giáo cũng có một số họ hưởng ứng theo.
NMH: Thế ông Trương Tử Anh, hồi đó ổng làm như vậy đến năm 39 là ra Tuyên Ngôn phải không ạ? Thế suốt từ năm 39 đến năm 1945, khi Cộng Sản cướp được chính quyền, thì hoạt động của ông Trương Tử Anh ra sao?
TTT: Dạ trong 39-45, hình như có một thời gian ảnh ở tù, mà cái đó tui cũng không rõ trong khoảng thời gian đó thì ổng ở Vụ Bản, ổng ở tù thì nó giải về xứ, ở nhà một năm. Thì trong một năm ở nhà, ảnh tổ chức được cái nông dân phản đối hội đường ở Phú Yên, người Hà Lan tới lập cái hội đường để mà trồng mía trồng đồ ấy, thì cái vụ nông dân phản đối nó rầm rộ lắm. Nó làm đơn từ rồi đưa lên tới bộ Thuộc địa của Pháp phải qua can thiệp mà. Hết hạn quản thúc ảnh trở ra Bắc thì bọn tôi chỉ nhận được thư từ về, ảnh bảo làm gì, làm gì thôi, chứ không có liên lạc với ảnh trực tiếp được, chỉ 1-2 người cử ra ngoài đó. Những người đó bây giờ họ cũng đã chết hết rồi.
NMH: Những người mà được cử ra làm việc với ông Trương Tử Anh hồi đó là ai?
TTT: Hồi đó thì anh Đỗ Khuê, ông Nguyễn Kiều Sính, ông Lý Phụng Nghi đó, với lại nhiều người mà bây giờ cũng quên hết, … ông Phan Dụ, giáo sư Phan Dụ.
NMH: Như vậy ông Đỗ Khuê ông làm gì và ở đâu, hồi đó ấy?
TTT: Hồi đó thì ổng cũng giáo học, giáo học ở Tuy Hòa.
NMH: Thế còn ông Sính?
TTT: Ông Sính thì là con ông địa chủ.
NMH: Ông ấy ở đâu?
TTT: Ở bên An Hiệp, Tuy Hòa.
NMH: Thế còn ông Phan Dụ?
TTT: Ông Phan Dụ thì ổng cũng giáo học; ổng ở Phước Thanh, là cái thôn ở dưới thôn tui, thôn Mỹ Thạnh.
NMH: Như vậy ba ông, còn ông thứ tư là ông nào nhỉ? Ông Nguyễn Kiều Sính, ông….
TTT: Ông Nguyễn Kiều Sính, ông Phan Dụ … ba ông đó đi ra đi vô liên lạc miền Bắc
NMH: Những ông đó là ông ấy cũng ở những địa vị tốt lắm, tức là ông có học, rồi còn ông kia là con địa chủ, giàu sang lắm, nhưng mà tại sao các ông lại đi theo ông Trương Tử Anh?
TTT: Dạ, vì ổng nghe ông Trương Tử Anh truyền thống gia đình cũng tốt, lúc nào cũng cách mạng hy sinh cho quốc gia, thì bây giờ ông Trương Tử Anh nói cũng có lý, họ hiểu như vậy cũng đúng, thành ra họ theo nhiều lắm. Người nào đi được ra Bắc thì đi, người nào có học vấn cao, con nhà có tiền như ông Sính, ông Dụ, hay là ông Đỗ Khuê rồi đó. Còn người nào nông dân làm ăn thì họ quy tụ ở đấy đông lắm. Thành thử ra có một thời ông Diệm là năm 56 ấy, cái thời ông Diệm ra mặt tận diệt Đại Việt thì có cử binh đoàn, hồi đấy đem về tới mấy bộ đội vây thôn Mỹ Thạnh, tới bắt gia đình họ Trương. Thì cũng làm trá hình. lén đi ban đêm chứ ban ngày thì sợ động dân. Thì trong khi ấy ông Lương Duy Ủy làm tỉnh trường thì điều động cho mấy bộ đội bao vây thôn Mỹ Thạnh. Thì ở ngoài này các thôn liên họ đánh trống lên mõ, họ la lên.
NMH: Khi nãy bà có nói là khi bộ đội của ông Diệm đến vây làng Mỹ Thạnh để bắt gia đình họ Trương thì nhân dân người ta ủng hộ. Họ Trương cũng lại vây xung quanh bộ đội, thế là cuối cùng bộ đội họ cũng đuổi được ông Trương Cổn phải không?
TTT: Bộ đội họ dí họ bắt được ông Trương Cổn bấy giờ ông đã vô trong núi rồi. Họ bắt, họ chặt ngón tay để mà khai thác, thì ông Trương ổng khai, ổng mắng chửi, rồi ổng nhảy xuống dưới bầu ổng chết. Cái bộ đội đấy không làm gì được thì phải nằm im, phải kêu về tỉnh, tỉnh phải đem bộ đội lên tiếp viện rồi mới bắt được các người ở trong nhà, hồi đó thì tui nhảy, nhưng mẹ tui, bà, mấy người em bị bắt đem đi giam hết. Còn ông ba với tui thì nhảy, ba tui thì nhảy. Ông ba tui lên Đà Răng hay trước còn tui thì cũng quanh quẩn ở đấy.. ra vô ở chiến khu, mấy tháng sau thì tui cũng thoát lên Đà Răng Còn ở trong nhà em út với má tui, người ăn người ở thì bắt nhốt hết, và cửa nhà niêm phong lại tịch thu đấy vào năm tôi 16.
NMH: Xin phép bà đã hỏi quý danh của ông cụ, thì bây giờ xin bà cho biết quý danh của bà cụ thân sinh.
TTT: Dạ má tui là tên Nguyễn Thị Miêng,
NMH: Bà làm gì?
TTT: Dạ má tui thì cả đời làm nội trợ, cai quản con cháu trong gia đình à.
NMH: Bà có tham dự gì hoạt động chính trị không?
TTT: Dạ thì bà không có tham dự, không có đi chỗ này chỗ kia. Tất cả chuyện là do chồng con làm bà đều hiểu biết hết, đều giúp cái tinh thần hết, nhưng mà cái chuyện ra đi khu này khu nọ như bọn tui thì không có.
NMH: Thưa, cái hồi mà ông Trương Tử Anh ở ngoài Bắc mà mấy ông ở miền Trung như là ông Khuê ông Sính ra hợp tác với ông Trương Tử Anh, đi đi về về thì khi các ổng về lại miền Trung các ông ấy có tổ chức thành đoàn ngũ gì không?
TTT: Cái Mặt Trận đấy, hồi đó thì bí mật mới lập được cái Mặt Trận đấy, Mặt trận Liên hiệp Nhân dân Cách mạng,
NMH: Có tổ chức theo kiểu chi bộ hay như thế nào?
TTT: Rồi sau này thì cái hồi mà chi bộ Đảng trưởng thì tất nhiên nó có từ cái hồi Pháp, hồi Việt Minh.
NMH: Gọi là chi bộ Đảng trưởng?
TTT: Dạ.
NMH: Tức là có ông Trương Tử Anh lãnh đạo phải không ạ?
TTT: Dạ. Cũng theo cái truyền thống ông Trương Tử Anh, nhưng mà hồi đấy ở trong số trí thức cũng có nông dân, cán bộ đồ gì đó, cũng có đủ thành phần. Hồi đó ông Nguyễn Kiều Siêu là người đứng ra lãnh đạo cái chi bộ đầu tay
NMH: Chi bộ gì?
TTT: Dạ, cái chi bộ đầu tay, chi bộ Trương Tử Anh á.,
NMH: Chi bộ Trương Tử Anh?
TTT: Dạ, kêu là chi bộ Đảng trưởng.
NMH: Tức là ông Nguyễn Kiều Siêu là lãnh đạo chi bộ đầu tiên, chi bộ Đảng trưởng Trương Tử Anh phải không?
TTT: Thì Kiều Siêu, ông Trương Soạn, với lại tôi
NMH: Ông Trương Sạn hay là Soạn ạ?
TTT: Soạn.
NMH: Bà cũng ở trong chi bộ đó?
TTT: Dạ cũng trong chi bộ đó.
NMH: Xin bà cho biết sơ sơ về ông Siêu ra sao, thân thế ổng ra sao, gia đình ổng làm sao, tính tình ổng ra sao?
TTT: Dạ ổng là một ông con nhà giàu, nhà ổng thì giàu lắm. Nhưng mà cha ổng cũng tham gia cách mạng. Ổng là bà con phía ngoại tui, còn ông ngoại của tui thì cũng tham gia cách mạng từ thời còn là khóa sinh, hồi đấy là khóa sinh. Đâu hai mấy tuổi thì ổng bị chết yểu. Còn ông Nguyễn Kiều Siêu là ông cháu, kêu bằng chú; ông Nguyễn Kiều Siêu sau này ra mặt. Chứ còn cả cái họ Nguyễn Kiều thì họ cũng theo cách mạng nhiều. Là họ ngoại tui đó.
NMH: Ở vùng Phú Yên này có ai theo Cộng Sản nhiều không?
TTT: Cộng Sản thì cũng nhiều, Cộng Sản thì theo nhiều lắm. Bây giờ còn cũng đông.
NMH: Còn ảnh hưởng của cái đảng Đại Việt hồi đó, ngoài tỉnh Phú Yên thì có còn lan ra cái tỉnh nào nữa không?
TTT: Có, như là ở Bình Định, ở Quảng Nam, ở Phan Rang, Phan Thiết chung chung chỗ nào cũng có.
NMH: Nhưng mà thời Tây đó, tôi nói thời Tây
TTT: Dạ nhưng mà ít hơn 1, 2 người à. Thí dụ như ở Bình Định thì ông Tạ Chí Diệp, Tạ Chương Phùng đó á.
NMH: À, Tạ Chí Diệp, Tạ Chương Phùng thì tôi nghe nói tên. Thế hai ông đó thì gốc gác thân thế như thế nào?
TTT: Mấy ông đó cũng con nhà giàu, địa chủ hết à.
NMH: Thành ra Việt Minh nó nói là Tam Đại, đại địa chủ, thì có khi cũng một phần đúng phải không ạ?
TTT: Dạ, Tam Đại á
NMH: Ông là địa chủ thì cái quan hệ của ổng đối với nhân dân ra sao, với người nông dân như thế nào? Họ có ủng hộ ổng không?
TTT: Họ thương ổng lắm
NMH: Tại sao họ lại thương, ủng hộ các ông đó?
TTT: Thì tại các ổng cũng đi với con đường cách mạng mà họ nghe giảng thuyết ra mà nó rộng rãi, nó tốt đẹp, có cái tương lai cho dân tộc, thành ra họ ủng hộ nhiều, họ thương. Nghĩa là ông Nguyễn Kiều Siêu sau này Cộng Sản nó tới năm 50-53, năm 60 thì ông Nguyễn Kiều Siêu chết sau khi ông Diệm đổ thì Cộng Sản nó tới bắt ổng, giết ổng, nó cho ổng nói hết cho lẽ, rồi ổng mới chịu chết. Từ hồi 7 giờ tối mãi tới 7 giờ sáng, ổng nói với nó, ổng nói công chuyện ổng làm chuyện này chuyện kia chuyện nọ rồi nó mới bắn ổng. Nó bắn ông xong nó bỏ đi thì nhân dân tới họ khóc họ thương ổng nhiều lắm. Nhưng mà còn có mấy người ăn làm trong nhà ổng, rình nghe ổng đối đáp với Cộng Sản thì thấy ổng nói từ bây giờ cái chuyện đường lối tui làm như vậy là tui làm vì dân tộc tui, không làm vì tui, còn mấy anh nhỏ nhen lắm, nhỏ mọn lắm, thấy mấy người có đầu óc thoáng đãng mấy anh muốn giết, muốn giết thì giết, nhưng mà để cho tui nói cái chuyện tui làm, thì ổng nói hết rồi thì ổng cũng bị Cộng Sản tới nhà thủ tiêu.
NMH: Tức là ông Trương Tử Anh, đường lối của ổng là chống Cộng rõ rệt mình biết rồi, ông cũng nói là ông chống Pháp mình cũng biết rồi, ông cũng chống cả phong kiến phải không ạ? Nhưng mà phong kiến thì mình biết rồi. Nhưng mà mình nói đây là những người nông dân theo ông đó, theo ông thì để ông chống Pháp và làm cách mạng. Thế thì ông ấy có nói gì, nếu sau này cách mạnh thành công thì đảng của ông ấy quan niệm thế nào về nhân dân, và nhân dân sẽ được đối xử ra sao không?
TTT: Dạ thì ổng nói là cái cách mạng của ổng, nghĩa là chống Pháp chống thực dân để mà cứu nhân dân, thì sau này mà nếu cách mạng thành công thì giảm chế cái quyền tư hữu tư bản, nhưng mà nâng đỡ cái đời sống nhân dân được no ấm, từ những người nghèo người khổ sẽ có cái nhà ở, sẽ có cái áo mặc. Thì cũng có người nói sao lại làm như vậy mà ông hy sinh một mình ông thì sao đủ? Thì ảnh có đọc một cái câu thơ, không biết cái câu thơ của ảnh làm hay là tự ứng khấu ra: “May thời thiên hạ hiển vinh, rủi ra mình chịu tan tành thịt xương.” Ông nói cái đó là ổng đã quyết tâm không nghĩ tới cái thân danh của ổng. Nghĩa là ổng làm được cho nhân dân, cho hạnh phúc toàn dân là được.
NMH: Thưa bà, về sau này ổng ở ngoài Bắc hoạt động, tại sao ổng không ở trong Trung hoạt động mà lại ra Bắc hoạt động?
TTT: Vì ổng học ở ngoài đó
NMH: Tức là ổng vẫn tiếp tục đi học?
TTT: Tiếp tục đi học, vừa làm chính trị vừa đi học.
NMH: Thế bà có ra ngoài Bắc bao giờ không?
TTT: Dạ không
NMH: Có nghe nói những người cộng sự viên thân tín của ông ngoài Bắc là ai không? Có bao giờ nghe nói đến không?
TTT: Người ở trong Đảng thì cũng nghe nói chứ, nghe nói cũng nhiều.
NMH: Thí dụ như có ai nổi tiếng mà làm việc với ổng trong giai đoạn đó?
TTT: Bây giờ thì quên tên, nhưng mà có tài liệu nó nói. Còn cái hồi mà ra để xây dựng cái cơ sở đấy thì là gia đình ông Đặng Vũ Lạc, tất nhiên là ông Đặng Vũ Lạc ủng hộ Đại Việt hết mình, nhà cửa ruộng nương ổng bán hết ổng ủng hộ Đại Việt. Đến đỗi ổng có một người con trai duy nhất là ông Đặng Vũ Trứ thì cũng bị bắt. Nghe người ở ngoài nói lại thì khi mà ông Đặng Vũ Trứ bị bắt thì ông Trương Tử Anh thấy nhà ông Đặng Vũ Lạc 7-8 người nữa bị bắt trong họ, nhưng riêng Đặng Vũ Lạc có một người con một, thì ông Trương Tử Anh có đưa tin vô bảo ông Đặng Vũ Trứ thôi, nếu như nó khai thác mà chịu không nổi thì liệu có cách nào khai để mà giữ cái mạng sống, thì ông Trứ ổng nói anh em ở ngoài cứ yên lòng, chứ tui không có nỡ nào khai ra để người khác bị lụy sống. Hễ mà khai ra thì nó bắt, thành ra cái gia đình Đặng Vũ Lạc ở ngoài đó cũng…
NMH: Tức là ông Trứ bị Tây hay cộng sản bắt ạ?
TTT: Hồi đó là Tây, nhưng mà có những người Cộng Sản mà họ vô để làm hai mặt. Ông Trương Tử Anh bị bắt đày ở Vụ Bản cũng do chỉ điểm của Cộng Sản, mà ông Đặng Vũ Trứ bị giết chết cũng là cái chỉ điểm của cộng sản.
NMH: Ông Anh khi ổng bị đày ở Vụ Bản bà có nhớ là khoảng năm nào không?
TTT: Chắc là tui cũng không nhớ lắm
NMH: Tức là trước đây, năm 39 thành lập đảng thì khoảng mấy năm sau ổng bị giết?
TTT: Vào khoảng mấy năm sau.
NMH: Như vậy nghe nói ở ngoài Bắc người hợp tác với ổng nhiều nhất là bác sĩ Đặng Vũ Lạc?
TTT: Dạ, biết một cái người nòng cốt ấy là bác sĩ Đặng Vũ Lạc, với lại ông Đặng Văn Sung ở đây là những người cán bộ của ổng, hay là ông Phan Huy Quát thì ổng chết rồi.
NMH: Tức là hợp tác với ông đó?
TTT: Dạ, ông Phan Huy Quát thì cũng là Đại Việt.
NMH: Thế còn ông Hỷ thì sao? Ông Nguyễn Tiến Hỷ hồi đó có nghe gì không?
TTT: Có, Nguyễn Tiến Hỷ hồi đó ổng là sinh viên, mà cũng ở chung với ông Trương Tử Anh.
NMH: Bây giờ bà biết ông Nguyễn Tiến Hỷ ở đâu?
TTT: Dạ không biết, không có nghe được… Ông Hỷ là ông Trâm đấy chớ, ổng chết rồi, có thư gửi qua nói ổng chết rồi. Ổng vừa chết đây, chết đây mấy tháng à.
NMH: Thưa bà, thế về sau này cái giai đoạn năm 1945 đó, tôi xin hỏi bà câu này, bà có thể nói nếu được. Hồi giai đoạn năm 1945, ngày 19 tháng 8 thì Việt Minh cướp quyền, nhưng mà trước đó thì các đoàn thể Quốc Gia cũng có ý định cướp chính quyền, thì tôi nghe nói là ông Trương Tử Anh quyết định không cướp chính quyền, bà có biết gì về vụ này không?
TTT: Không, không có nghe cái chuyện ông Trương Tử Anh ổng cướp chính quyền, nhưng mà nghe cái ông Trương Tử Anh, theo cái lối ổng dạy dỗ thì cán bộ của ổng thì phải làm việc trong chính quyền để mà xây dựng chính quyền, chứ còn cái giai đoạn bọn tui gặp ổng thì chưa tới cái giai đoạn mà nó biểu cướp chính quyền. Nhưng mà còn cái giai đoạn tổ chức trước là ổng chỉ cho sắp đặt tổ chức là phải kiếm được chính quyền để mà mình nằm ở trong chính quyền, để hoặc động trong chính quyền. Rồi phải đồng thời trong lúc đó phải hô hào bài trừ phong kiến, thực dân. Cho nên cái vụ mà thực dân nào lấn hiếp đồng bào thì cũng đảng Đại Việt ra để mà hô hào, để mà phản đối, như là cái vụ hội đường của Hòa Lan. Nó tới nó mướn đất của đồng bào hết, không có đất làm ruộng làm nương gì nhưng mà nó lại làm cái hội nó bành trướng ra, nó lấn đất ăn đất thì cái đó là ổng tổ chức một cuộc biểu tình to lớn lắm.
NMH: Tức là cái giai đoạn kể cả giai đoạn thời Pháp thuộc thì nói chủ trương rằng làm cách mạng, nhưng mà vẫn phải đi len lỏi vào chính quyền, phải không ạ?
TTT: Phải đi len lỏi chính quyền để xây dựng chính quyền chứ không phải chỉ đi len lỏi chính quyền không. Trong cái câu ổng xuống dạy học, ổng xuống từng tổ, từng xã ổng dạy học thì là: Mọi người phải có trách nhiệm xây dựng chính quyền bằng phương diện nào cũng đươc cho lành mạnh, và đả đảo phong kiến, những cái thờ cúng hay là làm cái gì mà có cái phong kiến dị đoan thì đả đảo.
NMH: Thế năm 1945 khi Cộng Sản có chính quyền rồi thì ông Trương Tử Anh có thái độ gì đối với Cộng Sản? Ổng có hợp tác không? Bởi vì ổng nói là mình phải đi vào chính quyền để mình lành mạnh hóa nó?
TTT: Đó là hồi cái giai đoạn chính quyền Pháp thuộc, còn cái giai đoạn mà chính quyền sau này là cực lực đả đảo chính quyền Việt Minh, là không cộng tác với chính quyền Việt Minh. Người nào cộng tác với chính quyền Việt Minh tất nhiên là người đó sẽ làm những cái chuyện xấu cho dân tộc sau này.
NMH: Tức là không cộng tác với chính quyền Cộng Sản. Vậy có thể nói là ông ấy đi ngược với quan điểm của ông lúc đầu khi ông bảo rằng chính quyền nào mình cũng phải vào rồi mình tìm cách sửa đổi nó đi.
TTT: Không, cái đó là không phải lúc đầu nhưng mà trong cái chủ trương của ổng như vậy, là cái chính quyền thực dân thì mình phải vào, len vào được để lành mạnh hóa chính quyền. Sau này cái chính quyền Ngô Đình Diệm ổng cũng không có cái chủ trương lật đổ, cái chính quyền Quốc Gia thì không có chủ trương lật đổ, nhưng mà chỉ có bài trừ với lại làm cho lành mạnh cái chính quyền, xây dựng chính quyền. Còn cái chính quyền Cộng Sản thì là phải tẩy chay. Cho nên trong cái câu ổng dạy học là: bài phong, đả thực, mà diệt cộng.
NMH: Tức là ổng quyết định không đội trời chung?
TTT: Không có đội trời chung với Cộng Sản
NMH: Thế thì sau năm 45 ông không có làm trong chính quyền bao giờ, phải không ạ? Cuộc đời Trương Tử Anh không bao giờ làm ở trong chính quyền?
TTT: Không có bao giờ làm trong chính quyền, mà ông cụ nhà tui cũng không bao giờ. Tức là nhà tui từ ông cụ, ông cố, ông nội không ai ở trong chính quyền, chỉ có ông cố là làm Đề đốc với Cần Vương thôi.
NMH: Thế ông Trương Tử Anh từ năm 45 cho đến năm nào ông bị mất tích, bị chết nhỉ?
TTT: Có thể là chắc chắn mất tích thì là năm 47, bởi vì là đầu năm 47, cuối năm 46 thì có nhận được tài liệu ở ngoài ổng đưa về.
NMH: Tức là sau 45 rồi vẫn có tài liệu gửi về, tức là cái giai đoạn năm 45, 46, 47 thì cái tình hình ở vùng Phú Yên việc liên hệ giữa đảng Đại Việt với đảng Cộng Sản ra sao?
TTT: Đảng Đại Việt với Cộng Sản thì hồi đó, những cái tổ chức nổi thì chỉ có cái đảng Đại Việt là biết Cộng Sản là người không thể cộng tác, còn nhân dân hoặc là người khác thì họ không có phân biệt Cộng hay là Quốc Gia, họ cũng ủng hộ chính quyền Việt Minh, chỉ trừ đảng Đại Việt là biết rõ ràng, thì đảng Đại Việt không có tham gia, không ủng hộ, nhưng mà lại có cái sự để mà giải thích rõ cho người dân nghe. Vì thế nên những người nào mà Cộng Sản nó nghi có liên với Đại Việt là nó giết lần hết.
NMH: Như vậy khi mình ở trong miền Trung cũng có cố gắng tuyên truyền với dân chúng để chống Cộng Sản phải không ạ? Mình cũng có giải thích cho họ?
TTT: Có giải thích cho họ, có in sách, có làm thơ, thơ lục bát nôm na để cho dân chúng học tập để mà hiểu được cái chủ nghĩa Cộng Sản.
NMH: Bây giờ thì có còn giữ được cái tài liệu nào hay không?
TTT: Không bây giờ thì mất hết, tôi chỉ đem theo được mấy cái tài liệu cũ, bây giờ thì cũng còn chút đỉnh thì đấy nó không có liên hệ gì lắm thì vẫn còn, chứ còn cả những cái gì vì tôi ở ngoài Nha Trang, ở ngoài Tuy Hòa thì chạy vô 45, hay chạy vô 75, chạy vô Sài Gòn thì chạy nạn không, chứ không lấy được cái gì. Chứ tài liệu thì nhiều lắm. Sau này có một số anh em vượt biên thì họ có mang theo nhưng bị cướp cũng mất hết.
NMH: Bây giờ không biết bà có thể chỉ lại cách nào để tìm lại được những tài liệu đó không? Về tài liệu Quốc Dân Đảng thì tôi biết có một số đã in rồi, bây giờ họ in lại. Còn tài liệu về đảng Đại Việt thì có cái bản Tuyên Ngôn năm 39, trước kia thì in ra roneo, anh Canh anh ấy cho tôi mượn, tôi in lại và tôi để vào thư viện rồi. Sau này thì ảnh cho tôi một quyển sách in đẹp lắm, Tuyên Ngôn giải thích cương lĩnh chính trị của đảng Đại Việt. Anh Canh cũng cho tôi một số báo của đảng Đại Việt, một số thôi. Nó cũng in roneo cũng nói đại cương, à không, cái đó là của Quốc Dân Đảng họ bắt đầu xuất bản lại như ngày xưa. Bây giờ bà có biết chỗ nào đi tìm được các tài liệu để in lại rồi để vào trong thư viện, không thì mất hết? Cứ một người giữ, một người giữ thì sẽ mất hết.
TTT: Thì ở đây tôi cũng có mấy thứ cũng đưa anh Canh.
NMH: Có đưa chưa?
TTT: Dạ có đưa cái
NMH: Cái đó thì chắc tôi có rồi
TTT: Dạ có rồi.
NMH: Có bút tích gì của ông Trương Tử Anh không?
TTT: Dạ, bút tích của Trương Tử Anh thì tôi không có
NMH: Có mang theo cái hình nhỏ của ổng không? Cái hình ngày xưa từ thuở thiếu thời của ổng có cái nào không?
TTT: Dạ có, có mà rồi nó lem nó xấu hết. Ở đây tui…
NMH: Nhưng mà hôm nào đưa cho tôi, ở đây thỉnh thoảng những tiệm như là Hecht ở bên tôi họ bảo nếu anh có ảnh cũ anh đưa tôi làm lại. Nếu bà có tôi sẽ làm lại cho. Nhưng mà nó cũng chỉ làm được đến mức độ nào đó thôi, nghĩa là may ra những máy tốt thì nó chỉ có thể làm tới mức độ đó thôi chứ không thể nào làm quá sức được. Bây giờ cần những cái đó để cất đi cho sau này.
TTT: Những cái đó thì bây giờ tôi cũng có nhưng không thể làm sao cho bớt cái nám khi mà tôi đi….
NMH: Nám cũng được, nám cũng phải giữ, làm sao mình đòi hỏi đúng như hồi xưa được.
TTT: (Lấy hình ra và nói) đây là Trương Tử Anh nè, còn đây là ông Trương Tử An nè,
NMH: Cái này tốt lắm, cái này tốt rồi còn gì nữa. Cái này còn phim không hay là phải làm lại?
TTT: Còn phim, cái này lâu quá, nó bị tróc…
NMH: Cái này đẹp, đây là Trương Tử Anh à?
TTT: Đây là Trương Tử Anh nè, đây là Trương Tử An.
NMH: Trương Tử An thì ngày xưa cũng ở trong đảng Đại Việt, ông làm cái gì?
TTT: Hồi xưa thì ổng làm tổng bí thư của Mặt Trận Liên Hiệp Nhân Dân Cách Mạng. Rồi sau này thì ổng làm trong cái khối gì ở Sài Gòn á, cũng tham gia sơ sơ. (Bà Thỉnh quay sang nói với con): “Sao mày còn nhớ mày nói coi.”
NMH: Ông là con của bà cụ Thỉnh phải không ạ? Thưa ông tên là gì?
HKL: Tôi tên là Hoàng Kim Lân
NMH: Thế thì ông Lân, ngày xưa ông có đi lính, ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải không ạ?
HKL: Vâng
NMH: Xin ông cho tôi biết sơ qua về thân thế của ông, cho đến khi ông bị tai nạn
HKL: Tôi thì hồi nhỏ, tôi lớn lên trong thời kỳ 45-54, khi đó cái vùng tôi ở là bị Cộng Sản chiếm hoàn toàn. Thành ra tôi học trung học ở chế độ Cộng Sản. rồi tới năm 54 thì chúng tôi bị chế độ Ngô Đình Diệm nhiều lần bắt và truy nã thì tôi vô Sài Gòn tôi ở. Rồi sau đó tôi về ở Nha Trang và tôi đi Thủ Đức, rồi tôi về tiểu đoàn 23 thì tôi bị thương ở Phan Rang, ở Đồng Nam, Phan Rang năm 67. Tôi bị mù 2 mắt, hư lỗ tai.
NMH: Thế từ đó thì ông giải ngũ?
HKL: Từ đó thì tôi giải ngũ. Tui dạy ở trường…
NMH: Thưa ông bấy giờ thì ông bao nhiêu tuổi rồi?
HKL: Tôi sinh năm 42, 1942
NMH: Vâng tức là 46 tuổi tây. Thưa ông, ban nãy bà cụ nói là ông có nhớ gì về ông Trương Tử An thì xin ông cho biết sơ qua về ông ấy.
HKL: Cậu An thì cũng lớn lên trong cái thời kỳ Cộng Sản chiếm liên khu 5, thì trước đấy ổng bị cộng sản bắt quản thúc, dẫn đi. Vào khoảng năm ổng 14 tuổi, thì bị Cộng Sản bắt đi quản thúc ở Quảng Ngãi, ở Bình Định, với Quốc Tấn với Long Giang là những người giam chung với ổng. Rồi sau Cộng Sản thả về, chắc năm 52-53… 52 á, rồi ổng mới vượt biên Cộng Sản, ổng đi bằng đường thủy, nhờ người ta đưa ghe ra vô tới biên giới Khánh Hòa, vô tới chân núi đá Bia và được tàu Pháp vớt đem về Nha Trang. Rồi ổng liên lạc được một số thân hữu cũ ở Nha Trang đưa ông vô Sài Gòn. Khi đó ổng có liên lạc được với bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, với một số đảng viên Đại Việt của xứ bộ miền Nam.
NMH: Xứ bộ miền Nam hồi đó ai chỉ huy?
HKL: Hồi đó là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và ông Phan Thông Thảo, là xứ bộ miền Nam. Rồi ông Trương Tử An mới làm khai sinh khai lớn tuổi lên, khai thêm 10 tuổi nữa để xin thành lập quân đội cũng như Trịnh Minh Thế. Khi đó ổng được cái giấy phép của Thủ Tướng Bửu Lộc cho thành lập quân đội. Ổng đặt tên là Binh đoàn Độc lập. Có thành lập được nhiều đại đội ở Nha Trang, rồi cũng có nhiều đại đội ra Quy Nhơn, cũng có ra tới Phú Yên. Khi đó dưới quyền ổng cũng có 10 đại đội tất cả, 10 đại đội dưới quyền ổng, thì đưa vào Phú Yên. Khi đó thì ổng lấy tên là Lê Thiên Bình chứ không còn lấy tên Trương Tử An nữa.
NMH: Tại sao ổng lại đổi thêm 10 tuổi vậy? Có lý do gì đặc biệt không?
HKL: Thêm 10 tuổi mới có thể thành lập được quân đội, tại vì khả năng ổng làm được, cái khả năng thì có mà cái tuổi tác thì chưa tới.
NMH: Ông ấy sanh năm nào?
HKL: Ông ấy sinh năm Dậu
NMH: Tức là kém ông Anh bao nhiêu tuổi?
HKL: Thế thì nay ổng chừng 50 mấy tuổi thôi.
NMH: Thế ông An học hành ra sao? Có đi làm ở đâu không?
HKL: Ông An thì khi nhỏ ổng học xuất sắc lắm. Ổng học giỏi, chơi thể thao cũng giỏi, đá banh giỏi, và khi ổng có học thời Việt Minh thì không có trường, ở Phú Yên không có trường trung học thì ổng phải ra ở Bình Định để học cái trường của giáo sư Nguyễn Hữu Lộc. Khi đó thì ông Lộc bị chính quyền Cộng Sản bắt và ghép cho cái tội là phản quốc, xử tử, thì ông An học hết năm đệ tứ thì ổng về ổng tự học, đọc sách và nghiên cứu. Khi ổng vô Sài Gòn cũng học tiếp nữa. Khi ổng ở Sài Gòn, trước khi mà được cái giấy phép thành lập quân đội thì ổng học tiếp. Ổng học nhiều ở thư viện quốc gia ở đường Gia Long.
NMH: Thưa ông, khi ông ấy lập cái Binh đoàn độc lập như vậy thì ổng lấy tiền đâu mà ổng nuôi cái binh đoàn đó?
HKL: Cái binh đoàn đó thì hình như là mình chỉ có người, còn tiền thì bên chính quyền họ phát lương, còn mình thì phải có người.
NMH: Mà mình dùng Binh đoàn độc lập để làm gì? Mục đích để làm gì?
HKL: Để giữ cái an ninh cho lãnh thổ, những cái chỗ nào mình đóng là mình giữ an ninh.
NMH: Tức là chính quyền cho mình giữ cái an ninh lãnh thổ, cho mình kiểm soát luôn quân đội?
HKL: Mình kiểm soát những cái vùng nào mình đóng, thì cũng như Trịnh Minh Thế thì họ cũng giữ cái an ninh lãnh thổ của họ.
NMH: Nhưng mà như vậy mình có phải liên hệ gì với chính quyền, như là những cái cấp bậc phải theo đúng chính quyền, tiêu chuẩn có phải theo đúng chính quyền không?
HKL: Cái cấp bậc thì tự do mình huấn luyện hết. Khi đó ổng có lập một cái trường huấn luyện về hạ sĩ quan tại xã Hòa Phong, và có cái chương trình sẽ đưa cái trường hạ sĩ quan vô ở trong vùng núi ở Tây Nam của tỉnh Phú Yên để mà lập cái trường đấy, thì đã sẵn sàng hết rồi. Rồi khi mà ổng thành lập Binh đoàn độc lập, đồng thời ổng cũng thành lập một cái trường gọi là trường trung học Nguyễn Huệ, một cái trường đầu tiên khi mà quốc gia tới thì trường đấy không ở tại thành phố mà ở tại thôn quê, xã Hòa Bình. Thì cái trường đấy là ổng lấy cái tiền ở bên quân đội ổng đưa qua để mà thành lập. Chứ khi đó chính quyền chưa thành lập được trường học, thì chỉ những người mà giáo sư thì ổng phát lương.
Trương Thị Thỉnh 2 –VP-NMH-A014
NMH: Như vậy là dưới thời Bửu Lộc ông ấy đã lập ra 1 binh đoàn, Binh đoàn độc lập gồm 10 đại đội, ông ấy lập ra một trường hạ sĩ quan, ông ấy lập ra một trường trung học Nguyễn Huệ, đó là những cái ông ấy làm được. Xin ông tiếp tục, còn gì nữa?
HKL: Sau khi ông ấy làm ở Phú Yên rồi bị Ngô Đinh Cẩn muốn thâu hết tất cả những cái khi mà Ngô Đình Diệm về, ở miền Trung thì Ngô Đình Cần chi phối, thành muốn thâu hết tất cả các đơn vị quân đội.
NMH: Xin mời ông tiếp tục.
HKL: Ông ấy mới ra lệnh bắt ông Trương Tử An, và khi đó thì ông ấy đi vô Sài Gòn và ông ta giải tán những đại đội của ông Trương Tử An và ông ta thay thế bằng những sĩ quan chịu tuân theo lệnh ông Ngô Đình Cẩn, còn những sĩ quan nào không chịu thì người ta bắt bỏ tù.
NMH: Giai đoạn đó là khoảng giai đoạn nào?
HHL: Giai đoạn đó tất nhiên là hồi 1955 thời ông Diệm.
NMH: Bây giờ, tôi xin phép để tôi trở lại cái giai đoạn cũng quan trọng lắm, là giai đoạn ông Trương Tử Anh hoạt động những năm 1939 mà bà cụ có nói là trong giai đoạn đó ông Trương Tử Anh có cử 7 người đi liên lạc ngoại quốc, xin bà cho biết là đi liên lạc ở đâu? 7 người đó bà có nhớ tên là ai không?
TTT: Trong 7 người đó thì có ông Trương Sành, ông gì mấy ông nữa ở ngoài Bắc giờ quên sạch.
NMH: Trong ấy có một ông Trương Sành.
TTT: Ông đó ở Phú Yên.
NMH: Đi liên lạc ngoại quốc thì đó là những năm nào?
TTT: Đó là những năm 1942- 1945
NMH: Bà có nhớ ông ấy đi liên lạc ngoại quốc là đi những nước nào?
HKL: Lê Quang Minh tức Lê Quang Thiện đi qua Tàu, đi qua Hồng Kông cùng đi với Nguyễn Tôn Hoàn.
TTT: Ông Minh đi là cái giai đoạn sau mấy người mất tích gần đó, tất nhiên là ông Minh đi với ông Nguyễn Tôn Hoàn với ai mà 3 người chung một nhiệm vụ mà cái đấy trong tờ báo Đại Việt ra là có, giở tài liệu là biết. Còn nhóm 7 người mà cử đi là đi trước.
NMH: Có tài liệu nào ghi tên 7 người đó không, có mang được đi không?
TTT: Dạ không, cái tài liệu đó chỉ sau này hỏi lại vợ con mấy người còn lại họ nói lại vậy thôi.
NMH: Theo bà thì liệu ai có thể biết tên của 7 người đó không?
TTT: Thì bây giờ tôi chỉ biết được tên của một ông là Trương Sành mà thôi
NMH: Mà liên lạc với những nước nào?
TTT: Thì liên lạc với những nước nào cũng không biết, đi rồi mất thôi à.
NMH: Mục đích để làm gì ạ?
TTT: Hình như mục đích là ngoại giao cho đảng Đại Việt đó.
NMH: Dạ, dạ chắc là xin giúp đỡ đó phải không ạ?
TTT: Thì trong cái khoảng thời gian đấy mình có thể đoán là thời gian Việt Minh sắp cướp chính quyền, qua đó rồi họ kẹt làm sao đó, cả mấy người nữa qua tới Thượng Hải, họ bị kẹt, rồi mất.
NMH: Tức là năm ấy là mất hết, không còn tin tức gì hết.
TTT: Không còn người nào trở về hết.
NMH: Dạ, cái giai đoan từ năm 1945 thì ông Trương Tử Anh vẫn còn tiếp tục hoạt động chống chính quyền Cộng Sản phải không ạ?
TTT: Dạ, thì ông hoạt động luôn cho đến ngày mất.
NMH: Mất, tức là bà bảo khoảng là năm, chắc chắn là năm 1947?
TTT: Dạ, có thể là cuối năm 1946 đầu năm 1947. Từ đó là mình không có tin tức gì. Ở trong này Cộng Sản chiếm chính quyền còn ở ngoài đó thì không có tin gì.
NMH: Khi mà ông mất tích rồi thì đằng Đại Việt có ai thay thế ông ấy không?
TTT: Cái người mà thay thế ống ấy chính thức thì không có ai, nhưng mà trong các tổ Đại Việt thì họ cứ theo trong cái tuyên ngôn họ hoạt động thôi. Nhưng các đường hướng mà đã được vạch ra trước rồi đó, các tổ chức cứ coi như là Trương Tử Anh mất tích rồi, ông mất ngoài Bắc còn ở trong Nam cứ việc làm, rồi sau này tin tức thông thương mới biết được ông Trương Tử Anh mất.
NMH: Thế rồi như vậy không biết tin tức gì, cứ tiếp tục làm theo cái Tuyên Ngôn của ông ấy thôi?
TTT: Dạ.
NMH: Trong miền Nam lúc bấy giờ ai là người đứng đầu?
TTT: Trong miền nam như ở Phú Yên là ông Trương Tử An
NMH: Giai đoạn ông ấy mất tích là ông Trương Tử An tiếp tục ở trong Phú Yên, còn ông nào nữa không ạ?
TTT: Ông Trương Tử An, đông nhiều.
HKL: Cái hồi mà mất tích có một thời gian ở Phú Yên cũng không có người, bởi vì sau khi Cộng Sản lên thì ông Trương Soạn và Huỳnh Anh bị giết thì mình chỉ im thôi.
NMH: Thế rồi về sau này Quốc Dân Đảng đó – à Đại Việt đó, dường như là chia ra một số hệ phái có phải không ạ? Theo tôi được biết miền Trung có ông Hà Thúc Ký, miền Nam là ông Nguyễn Tôn Hoàn, miền Bắc thì ông Đặng Vũ Lạc, thì từ lức nào mà đảng Đại Việt trở thành phân tán như thế bà có để ý không?
TTT: Cái đó thì cái phân tán thì ở đâu ngoài Bắc, cũng không có biết vì sao nó phân tán. Còn ở trong này chi bộ Đảng trưởng vẫn cứ giữ nguyên chi bộ Đảng trưởng vậy thôi.
NMH: Chi bộ Đảng trưởng thi làm sao, hồi nào ông Hà Thúc Ký ông ấy đổi tên thành Đại Việt Cách Mạng là tại sao vậy?
HKL: Cái hồi mà Đại Việt khi mà ở miền Nam thì có ông Nguyễn Tôn Hoàn, ông Phan Thông Thảo, ông Hiệp.
NMH: Hiệp nào?
TTT: Lê Hiệp
HKL: Cái đó là cánh miền Nam. Còn ở miền Trung hồi trước Hà Thúc Ký có bác sĩ Bửu Hiệp, đó là trực tiếp với ông Trương Tử Anh. Rồi khi mà nó bị phân tán, ở miền bắc có ông Nguyễn Hữu Trí cũng là Đại Việt nhưng mà chịu cộng tác với chính phủ Pháp – chính phủ bảo hộ– để nắm cái mảng công an, thì cánh miền Nam ông Nguyễn Tôn Hoàn với ông Phan Thông Thảo nói mấy ông đó là Đại Việt quan lại nên mấy ông ấy không chấp nhận. Kêu cánh Bắc là Đại Việt quan lại, còn miền Nam mấy ông ấy là Đại Việt. Tức là sau khi ông Trương Tử Anh mất nó có xảy ra như vậy.
NMH: Nhưng hồi mà ông Bảo Đại cũng cộng tác với Pháp đó, chính ông Nguyễn Tôn Hoàn cũng là Tổng trưởng Thanh niên, ông Nguyễn Hữu Trí chỉ là Thủ hiến ở Bắc Việt thôi, tại sao nói ông Trí là quan lại khi mà chính ông Hoàn cũng đi cộng tác?
HKL: Thì cái đấy không biết là sao (cười), chi bộ miền Nam mấy ông ấy làm như vậy cũng không biết, nhưng mà nói mấy ông kia cộng tác với Pháp quan lại còn mấy ông ấy đứng riêng ra nhưng cũng chưa kêu là Tân Đại Việt cho tới chừng mà đảo chính ông Diệm thì mấy ông đấy mới thành lập ra cái Tân Đại Việt. Dưới thời Ngô Đình Diệm thì ông Hà Thúc Ký ngoài kia cũng chưa tuyên bố thành lập Đại Việt Cách Mạng, khi đó ông Hà Thúc ký cũng còn chịu liên lạc với cánh miền Nam này. Cho tới khi ông Nguyễn Tôn Hoàn nhường cho ông Nguyễn Khánh lên làm thủ tướng, để chịu làm phó thủ tướng thì khi đó ông Hà Thúc Ký mới tách ra làm Đại Việt Cách Mạng.
TTT: Đại Việt Cách Mạng của ông ấy, ông cũng nói rằng không phải là tách riêng nhưng mà Đại Việt có chủ trương cách mạng thành ra ông ấy làm Đại Việt Cách Mạng đi cho nó khác ra mà làm, nhưng vẫn theo cái chủ trương, đường lối của ông Trương Tử Anh –cái đó là bây giờ còn có tài liệu.
NMH: Có tài liệu về chuyện đó?
TTT: Dạ
NMH: Nhưng mà ông Bửu Hiệp, có chuyện gì đã xảy ra với ông Bửu Hiệp bởi vì ở miền Trung trước đó ông Bửu Hiệp ông ấy là lãnh tụ thì làm sao ông ấy mất cái chức lãnh tụ đó mà ông Hà Thúc Ký trở thành lãnh tụ?
HKL: Khi mà bị Cộng Sản ám sát.
NMH: Năm nào?
HKL: Chắc là năm bốn mấy đó nhưng tôi không nhớ. Tôi nghe ông Kỷ khi mà tôi ở tù chung với ông Hà Thúc Kỷ, em hay anh gì với ông Ký đó. Thì ông nói rằng ông Hiệp có tính rất chi là bình dân, ông ấy làm bác sĩ nhưng ai tới ông ấy cũng tiếp, ông cũng đối đãi rất là tử tế. Khi ông ấy đang ăn cơm ở dưới nhà thì có 2 cộng sản vô gõ cửa, ông chạy lên mở cửa thì nó bắn ông thì ông chết ngay, trong miệng của ông vẫn còn đang nhai miếng cơm. Sau đó ông Hà Thúc Ký mới lên thay.
NMH: Tức ông Hiệp chết rồi, ông Hà Thúc Ký mới thay, và ông ấy vẫn tiếp tục theo đường lối của ông Trương Tử Anh phải không ạ?
HKL: Dạ
NMH: Sau vụ ông Nguyễn Khánh đảo chính, tức là năm 1964. Đầu năm 1964 Nguyễn Khánh đảo chánh Dương Văn Minh rồi mời ông Hoàn về làm Phó Thủ tướng phải không ạ, thế rồi ông Ký ống ấy không đồng ý?
HKL: Ông không đông ý với ông Nguyễn Tôn Hoàn về chuyện nhường cho ông Nguyễn Khánh.
NMH: Dạ, thế ông Ký, ông ấy làm cái gì, hồi đó ông ấy muốn sao?
HKL: Khi đó người ta mời ông Nguyễn Tôn Hoàn về làm Thủ tướng nhưng mà lúc đó ông Nguyễn Tôn Hoàn bị cái dây thần kinh ở trong ấy làm cho mờ mắt thành ra phải mổ, mổ cạo hết cái đầu để mà mổ cho sáng trở lại con mắt thì khi mà ông Nguyễn Tôn Hoàn về thì cái đầu vẫn còn cạo, tóc chưa mọc ra hết mà, tóc còn ngắn lắm. Thì ông Nguyễn Tôn Hoàn chắc là những cái áp lực từ đâu đó yêu cầu ông Hoàn làm Phó Thủ tướng để ông Nguyễn Khánh lên làm Thủ tướng thì ông Nguyễn Tôn Hoàn chịu nhưng mà ông Ký bảo ông không chịu. Ông Ký thì nói để cho ông Nguyễn Tôn Hoàn làm Thủ tướng nhưng mà ông Nguyễn Tôn Hoàn chịu làm Phó. Khi đó ông Ký giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.
NMH: À. như vậy là ông ấy bất mãn cái chuyện đó rồi ông ấy lập ra đảng riêng phải không ạ?
HKL: Đúng rồi.
NMH: Nhưng mà trước kia ông ấy vẫn chịu ông Nguyễn Tôn Hoàn là phe miền Nam, đúng không ạ? Coi như tương đối ông Nguyễn Tôn Hoàn là người chỉ huy?
HKL: Coi như ông Nguyên Tôn Hoàn là người chỉ huy tiếp tục ông Trương Tử Anh.
NMH: Đến năm 1964 mới tan, ra chia làm 2 bên?
HLK: 1964 tan ra một ông ấy là Tân Đại Việt, tiếp sau đó là ông Đại Việt chủ trương cách mạng.
NMH: Bây giờ vùng này còn có ai là Đại Việt, có ai biết nhiều về Đại Việt nữa không?
TTT: Ở vùng này chắc không có, nhưng mà con cháu Đại Việt qua đây cũng hơi nhiều. Con cháu thì nó đâu biết gì, còn người lớn thì mấy lớp rồi, đến cái sau cùng là phong trào Cộng Sản từ năm 1975, Đại Việt đâu còn có người nào chạy được. Tôi, mẹ con tôi may mắn chạy được là tôi vô Sài Gòn, tôi ở tôi nuôi thằng đó – thằng bị thương đó, thì mới bung chạy được, còn nếu như tôi ở ngoài Trung thì cũng tiêu hết rồi.
NMH: Dạ thưa bà, bây giờ xin bà trở lạị. Có lẽ muốn soi sáng một phần nào về đảng Đại Việt thì chắc phải trở lại hỏi chuyện của bà tức là đời tư – cái đời liên hệ với cách mạng của bà ấy. Thưa bà, từ thủa nhỏ bà đã tham gia vào hoạt động của ông Trương Tử Anh, tức Đại Việt rồi, như là đi xách những cái thùng cho người ta diễn thuyết đó. Xin bà cho biết là đến năm 1945 thì giai đoạn đó bà làm gì? Khi có đảo chính, có cướp chính quyền của Việt Minh rồi thì hồi đó bà ở đâu và có chuyện gì xảy ra xung quanh?
TTT: Hồi đó năm 1945, chồng tôi lại đi ra Bắc, ông là Hoàng Kim Giai làm cách mạng, hồi đó là làm điều khiển chiến khu Yên Bái, trường Trần Quốc Tuấn, còn tôi ở nhà với 5 đứa con đẻ và 2 đứa con nuôi thì trong đó có một đứa con nuôi bị mất trí, thì nhờ có mấy đứa con nhỏ mà Việt Minh cũng không bắt tôi ở tù được. Nhiều lần nó cũng muốn bắt đi giam nhưng mà 5 đứa con bắt không được thì nó cũng hạch sách đủ chuyện, tài sản nó cũng nắm hết nhưng mà rồi khỏi đi tù. Nhưng mà sau này Ngô Đình Diệm thì bất chấp là con nhỏ, con lớn bắt luôn, thành ra tôi ở nhà bị chết hai đứa con đó. Sau khi tôi ở tù Ngô Đình Diệm về tôi hoạt động trở lại, lập một cái nhà bán sách ở Nha Trang để liên lạc với anh em các nơi.
NMH: Đi tù thời ông Ngô Đình Diệm về là hồi năm nào?
TTT: Tôi ở tù từ năm 1956 đến 1959 được 4 năm, thì về lập được cái nhà sách – nhà sách Hồng Lĩnh ở Nha Trang. Tỉnh đóng cái nhà sách đó lại, cái nhà sách đó cũng có từ trước rồi. Tôi lập trước khi ở khi ở tù – hồi mới có chiến dịch Atlante đã lập rồi. Về, tính đóng cái nhà sách cuối 1959. Cuối 1959 được mấy tháng sang năm 1960 bị bắt lên ở tù ở Đà Lạt thì cũng bỏ cái nhà sách đó.
NMH: Tại sao bị bắt?
TTT: Bị bắt hồi đó ông Diệm nói là Đại Việt hoạt động để chống ông Diệm thì bây giờ triệt hạ hết những cái của Đại Việt, cho tôi làm kinh tài cho Đại Việt.
NMH: Kinh tài cho Đại Việt có đúng không?
TTT: Kinh tài cho Đại Việt là đúng.
NMH: Mà chống ông Diệm có đúng không?
TTT: Chống ông Diệm cũng đúng luôn.
NMH: Mà tại sao chống ông Diệm ạ?
TTT: Chống ông Diệm là hồi đó ông đàn áp những cái vụ mà từ năm 1960 ông bắt Đại Việt. Sau này nghe người ta nói lại vì là ông ấy sợ chuyện Đại Việt bành trướng để lật đổ ông là ông ra tay trước. Ông tàn sát rồi ông bắt ở tù đủ hết, với lại cái vụ ông Cẩn mà Lân vừa nói với ông đó.
NMH: Thế chống ông Diệm thì thật sự trong bụng có ý định nhằm chống tức là mình không đồng ý với ông, bởi ông đàn áp mình, muốn ông thôi đàn áp hay cũng muốn lật đổ ông luôn?
TTT: Không có ý lật đổ nhưng mà có ý chống lại những cái mà ổng ra những cái lệnh đàn áp, kỳ thị những người làm việc trong nhà thương, những người làm công chức thì ông ấy sa thải hết. Chống là chống những cái độc tài, độc đoán đó chứ còn không có cái ý thức lật đổ. Ý thức học tập trong việc chống đoán là tham gia chính quyền quốc gia, xây dựng chính quyền lành mạnh, sáng suốt chứ không có ý lật đổ, nhưng ông ấy sợ mình lật đổ nên ông ấy lật đổ mình trước, thành ra mình yếu thế hơn, mình phải bị.
NMH: Tức là lúc đó cũng có chủ trương là có thể cộng tác với ông Diệm?
TTT: Đầu tiên là cộng tác hết mình. Nghĩa là vì cộng tác hết mình cho nên ngay ở tỉnh Phú Yên bên Đại Viêt thành lập được 5 đoàn hành chính lưu động để đi về các tỉnh, các xã nghĩa ở Phú Yên, Bình Định. Năm đoàn hành chính đó đi về các tỉnh, các xã, nghĩa là đi xây dựng thôn ấp rồi, trong các hạt Phú Yên hướng miền Nam này là do tay tôi đi xây dựng chính quyền, tức là chính quyền thôn xã, nghĩa là mình đem những người quen, người hiểu biết, những người có đầu óc rộng rãi thì mình lập chính quyền thôn xã. Vừa thành lập chính quyền thôn xã xong thì ông ấy bắt bỏ tù, đánh ứ hự.
NMH: Dạ, tức là năm 1956 hết cộng tác, bị đàn áp là hết cộng tác luôn?
TTT: Thì đúng rồi, đâu còn ai nữa để mà cộng tác vì cả Đại Việt bắt hết mà.
NMH: Tức là giai đoạn Đại Việt bị thiệt hại nặng nề nhất tính ra tới thời nay? Thời Pháp là một này, thời Việt Minh là hai và thời ông Diệm là ba, ba thời đó thời nào bị thiệt hại nặng nề nhất.
TTT: Thời Ông Diệm bị thiệt hại nhân mạng nặng nhất. Còn Việt Minh nó cũng làm dữ nhưng mà nó ít giết bởi nó không làm sao để nó giết được tập thể. Còn ông Diệm thì ông có chính quyền thành ra thiệt hại nặng nhất là thời ông Diệm. Còn thời thiệt hại nhân mạng với Việt Minh là thời trước và sau ông Diệm. Còn thời ông Diệm, Việt Minh nó tới cũng như là nó giúp cho ông Diệm giết Đại Việt, chứ nó không ra mặt.
NMH: Nhưng mà thời trước, thời năm 45 khi nó cướp chính quyền cơ?
TTT: Thời năm 45 thì Việt Minh giết nhiều.
NMH: Giết nhiều lắm nhưng có hại bằng thời ông Diệm không?
TTT: Nhiều hơn chứ. Việt Minh giết nhiều hơn chứ, nhưng thời ông Diệm Việt Minh lại giết ít. Vì nó không có chính quyền, vì nó tới bảo vệ cho Việt Minh nghĩa là nó cố ý, cố ý chỉ điểm cho Diệm. Thành ra nó giết ít. Còn Việt Minh thời một mình một chợ năm 45 -55 là Việt Minh giết nhiều, giết cả nhà, cả họ, giết cả tập thể là thời Việt Minh.
NMH: Dạ thưa, còn cái vụ trường ở Yên Bái đó, Yên Bái là do đảng Đại Việt tổ chức có phải không?
TTT: Dạ.
NMH: Lục quân Trần Quốc Tuấn trên đó làm.
TTT: Lục quân Trần Quốc Tuấn là do Đại Việt tổ chức.
NMH: Bà có nói đến chuyện Hoàng Kim Giai, xin bà cho biết rõ thêm thân thế của ông Hoàng Kim Giai ra sao không?
TTT: Là giáo học đó, thì hoạt động mấy năm ở trong này rồi đầu năm 45 thì ông ấy đi ra Bắc nghĩa là vừa đảo chính xong thì bên Việt Minh mới lập Ủy ban lâm thời chưa xong, chỗ có chỗ không, thì ông ấy đi ra Bắc. Đi ra Bắc học tập chính trị mấy tháng rồi đảng trưởng là anh Anh mới cử lên để mà điều động cái trường Yên Bái trên ấy, nắm về cái bộ chính trị ở trường Yên Bái.
NMH: Thế thì về sau có nghe tin gì về ông ấy nữa không?
TTT: Không. Rồi ông đó có một người em, tức là chú thằng này, hồi cũng học ở trường Thăng Long ở Hà Nội, rồi đi qua làm việc ở bên Lào. Khi về Việt Minh cướp chính quyền rồi, ông ấy cũng ra Bắc. Rồi cũng làm cho Đại Việt hình như làm bí thư cho tỉnh Lào Cai, Hà Giang đó rồi cũng bị Việt Minh giết.
NMH: Còn ông Hoàng Kim Giai thì sao?
TTT: Hoàng Kim Giai không có nghe nói ai giết nhưng mà khi mất Lào Cai thì mất tin.
NMH: Nghĩa là ông ấy cũng ở khu Yên Bái và mất luôn? Khoảng năm nào có nhớ không, khi vụ Lào Cai bị thất thủ?
TTT: Cái đó lâu quá rồi cũng không nhớ.
NMH: Không nghe ông ấy đi đâu hết, nhà mất liên lạc luôn?
TTT: Nhà mất liên lạc từ đó, chỉ nghe nói là ông chú bị giết ở Hà Giang
NMH: Như vậy là chuyện ông Trương Tử Anh nữa, cũng là bị nó bắt và giết phải không ạ?
TTT: Ông Trương Tử Anh cũng giống như ông Hoàng Kim Giai, ông Trương Tử Anh không biết ra sao, chỉ biết là bị mất tích thôi. Những người nói lại, có người nói nó giết, có người nói không chắc chắn bị giết ở đâu.
Người ta chỉ biết trong giai đoạn đó thì có ông Hoàng Kim Giai có người tới mời đi, mời ông Trương Tử Anh đi đâu trên chiếc xe xích lô đạp. Nhưng người ta nghi rằng không bao giờ ông ấy đi xích lô đạp, nhưng hồi đó có người thấy ông ấy đi đi xích lô xe đạp, ngồi với một người nữa.
NMH: Tức là ông Giai hay ông Anh?
TTT: Là ông Anh đó. Về rồi anh em bổ đi kiếm mà mất luôn, cũng không ai biết là ông ấy đi đâu hay là ông ấy bị giết, chỉ thấy là đi trên xích lô đạp hai người là một điều lạ bởi vì ông ấy không bao giờ ngồi trên chiếc xích lô đạp.
NMH: Tôi nghe nói về sau có vụ chiến khu Ba Lòng nữa. Chiến khu Ba Lòng lập ra hồi nào, ai chỉ huy chiến khu đó?
TTT: Chiến khu Ba Lòng là ông Hà Thúc Ký, cũng trong thời gian đó. Nghĩa là thời gian khủng bố ở Ba Lòng rồi thì ông Hà Thúc Ký rút về chiến khu Ba Lòng, thì vô khủng bố ở trong Phú Yên gọi là chiến khu Nguyễn Huệ của bọn tội
NMH: Chiến khu Ba Lòng khác chiến khu Nguyễn Huệ ra sao, chiến khu Ba Lòng ở đâu?
TTT: Chiến khu Ba Lòng ở ngoài Quảng Trị còn chiến khu Nguyễn Huệ là ở Phú Yên
NMH: Tại sao gọi là chiến khu, ở trong đó có lính không, có súng ống không, có phòng thủ không?
TTT: Cái đó họ kêu chiến khu là họ kêu quen thôi, còn chiến khu Nguyễn Huệ là một mật khu. Còn Ba Lòng là chiến khu có đánh lại, có súng ống, có lính.
NMH: Còn chiến khu Nguyễn Huệ trong đó có gì?
TTT: Ở trong đó có tài liệu học tập với lại đưa cán bộ đi xã này xã khác để mà…
NMH: Chiến khu Nguyễn Huệ lập ở ngoài hay trong rừng?
TTT: Trong rừng, mà rừng là chỗ ẩn trốn, còn người nào ở nhà nấy, chỉ một số ít ở trong. Chiến khu thì chỉ khi nào bị ruồng bố, lùng bắt hay lính rượt thì vào đó. Đó là thời gian ông Diệm rượt đó. Còn danh từ chiến khu là có từ trước rồi, kêu mật khu chứ không có đánh lại Cộng Sản nhưng Cộng Sản nó biết nó theo dõi. Hồi đó nó không phá, tới thời Ngô Đình Diệp mới phá nát cái mật khu đó.
NMH: Như vậy tức là mật khu Nguyễn Huệ có từ trước thời ông Diệm có phải không ạ?
TTT: Có từ trước thời ông Diệm, có từ thời chống Pháp rồi
NMH: Thời chống Pháp hồi nào?
TTT: Ba Lòng mới nghe tiếng thời chống lại ông Diệm có súng ống. Còn Mật khu đó thì nói là mật khu vì vị trí ngoài này là thôn xóm, làng xã người ở. Qua một cái bầu, tức là con sông nhưng mà ngắn, tiếng Việt Nam gọi là bầu Hương, bên kia có một dãy núi Hương, từ cái núi có thể rút vào Núi Tráo, núi Chúa được, thành ra thời Pháp khi Pháp lùng bắt hay làm gì thì mình lui vào đó rút toán. Hay mình muốn đánh truyền đơn hay làm cái gì chống Pháp vào trong đó khỏi ai biết
NMH: Bà vào trong đó bao giờ chưa?
TTT: Có chứ, vào trong đó ở luôn.
NMH: Thế ở trong đó có gì, có cơ sở, nhà cửa hay địa đạo gì không?
TTT: Có đào những hầm tạm. Có những hầm tạm trốn núp, với lại nó ở trong rừng thênh thang đi chỗ này qua chỗ khác.
NMH: Còn lấy gì ăn?
TTT: Ăn thì lương thực ở nhà đem theo. Rồi có hàng xóm, làng xóm họ cũng qua cái bầu đó, họ mang lương thực. Thí dụ như họ biết tin Tây nó lên nó bắt thì chắc mấy ông bí thư hay ủy viên sợ bị bắt chạy vào đó thì hàng xóm, vợ con mấy người dân họ mang đồ ăn vô.
HKL: Cái núi nó có đỉnh cao, ở trên đó có tảng đá và mình leo lên tảng đá mình ngồi cao trên đó mình nhìn bao quát hết, người ta vô mình biết họ ngã nào ngã nào. Mình có thể rút từ suối này qua suối khác thì họ chịu thua. Pháp khó mà biết. Mình kiểm soát cái đường đi từ phía ngoài.
NMH: Chiến khu Nguyễn Huệ thường thường có khoảng bao nhiêu người ở trong đó?
TTT: Nếu yên tĩnh thì khoảng 1-2 người ở giữ lương thực gạo mắm, còn động thì vô cũng nhiều.
NMH: Đông khoảng bao nhiêu?
TTT: Hai ba chục người. Thời ông Diệm khủng bố nhiều có khi cả trăm ở trong đó.
NMH: Chi bộ Đảng trưởng có bao nhiêu người mà hệ thống chỉ huy tổ chức ra sao?
TTT: Hồi đó, chi bộ Đảng trưởng tổ chức theo chi rồi xuống tổ. Hồi đầu, Tây nó khủng bố nhiều thì chỉ có mấy người, chỉ có tôi, ông Nguyễn Cửu Sơn, ông Trương Soạn, ông gì nữa, chỉ có mấy người sau đó lớn dần lên.
NMH: Hồi đó có mấy người như ông Siêu, ông Soạn, bà, rồi tìm cách tổ chức ra những tổ khác, nhưng giai đoạn cực thịnh nhất là có cỡ bao nhiêu tổ?
HKL: Cực thịnh nhất thì nhiều lắm.
TTT: Nhiều cái thành ra nhiều lắm
HKL: Ông Trương Tử Thiên..
TTT: Ông Trương Tử Thiên hồi đó còn nhỏ, tới cái thời của Trương Tử Thiên là đông lắm, còn cái thời tui thì cũng nhiều, nhưng chỉ có mấy tỉnh như Bình Định, Phú Yên, mỗi tỉnh trong chừng 5,7 tổ gì, như Phú Yên cũng được 7 tổ, còn Bình Định thì cũng có mà ít hơn. Hồi ấy cũng như là tuyệt đối bí mật nên là số người ít lắm chứ không có nhiều, nhưng mà mỗi người có cái nhiệm vụ là phải về tổ chức trở lại con em, người thân quen. Tổ chức rồi để đấy, nói cái chuyện đường lối làm việc, cái ý thức tại sao phải chống Tây, phải chống kia nọ, rồi về nhà ở chứ ít người ở trong chiến khu, tới khi động thì mới chạy vô trốn.
NMH: Như vậy tức là đại cương là mình cũng có 5-7 tổ, mỗi tổ thì có khoảng bao nhiêu người?
TTT: Mỗi tổ thì trên 3 người, hồi hoặc 5 người hoặc 7 người cũng được, trên 3 người một tổ.
NMH: Tức là có chi bộ này, xong phân ra thành tổ. Xong rồi những tổ đó thường thường là những nhân vật cán bộ phải không ạ?
TTT: Kêu là nhân vật uy tín, các bộ trung kiên mới ở trong tổ.
NMH: Còn mấy người khác là đi tổ chức thêm ra ngoài nữa, để lấy cái hậu thuẫn của người ta, để theo đúng đường lối đảng, để chờ cái ngày ông Trương Tử Anh ra lệnh làm cái gì thì làm có phải không ạ?
TTT: Dạ
NMH: Tức là chờ chỉ thị ở trên? Liên lạc giữa chi bộ Đảng trưởng với cái chi bộ này của ông Trương Tử Anh thì liên lạc theo cách nào? Hằng ngày, hàng tháng, hay là theo thư từ, theo người cử đi cử về?
TTT: Theo người cử đi cử về, có nhiều hồi cả năm mới liên lạc được một lần
NMH: Mình cử ra hay ông ấy cử người về?
TTT: Mình cử ra. Có, hồi ở ngoài đó có cái tài liệu gì mới mẻ thì ổng lại cử người đưa về.
NMH: Thưa bà, ban nãy nói chuyện đến ông Trương Tử Thiên, Trương Tử Thiên, thì cái giai đoạn của ông ấy thì đông lắm à?
TTT: Dạ đông
NMH: Phát triển lắm à? Giai đoạn ổng là giai đoạn nào? Năm 60…?
TTT: 63, sau khi ở tù ông Diệm về rồi
NMH: Tức là phát triển nhiều lắm?
TTT: Phát triển nhiều
HKL: Lúc đó phát triển nhiều lắm rồi
NMH: Từ khoảng những tỉnh nào, Đại Việt lúc bấy giờ mạnh nhất là những tỉnh nào?
TTT: Tỉnh Phú Yên, tỉnh Phú Yên lúc đó hầu như là Đại Việt hết, còn cái cán bộ Cộng Sản, cái thứ nó đi tập kết trước, chứ thời đấy hầu hết là Đại Việt
HKL: Ở trong quân đội, ở trong xây dựng nông thôn, ở trong lực lượng bảo an, tất cả thuộc người của chi bộ Đảng trưởng hết.
NMH: Tức là ở Phú Yên hay là ở …
HKL: Ở Phú Yên, còn Bình Định, ở trên Buôn Mê Thuột rồi vô Khánh Hòa, vô Ninh Thuận thì cũng tổ chức như vậy.
NMH: Cũng là những nơi mạnh của Đại Việt
HKL: Cũng thuộc về những người ở bên Đảng á.
NMH: Như vậy cũng có thể nói là cái giai đoạn ông Trương Tử Anh tổ chức chống Pháp thì tổ chức theo kiểu hội kín, phải không ạ? Đảng phần lớn là cán bộ, thì tương đối ít người phải không ạ? Sau này đến thời chống Tây, Việt Minh lên thì nó tàn sát, nó tiêu diệt thì đảng rút về hoạt động bí mật ít đi, có phải không, có yếu đi? Xong đến thời ông Diệm bắt đầu cộng tác thì phát triển trở lại phải không? Thế rồi ông ấy bắt đầu đàn áp, thì phải co lại. Phải đến khi ông Diệm bị đổ thì đảng mới phát triển nhiều trong giai đoạn đó, phải không ạ? Thế thì tại sao phát triển như vậy mà đảng Đại Việt cũng không bao giờ nắm được chính quyền trọn vẹn, trừ lúc đầu tiên, giai đoạn tương đối Đại Việt có nhiều quyền nhất là thời ông Nguyễn Tôn Hoàn, phải không ạ?
TTT: Hồi đó theo trong tài liệu Đảng học tập là xây dựng Đảng cho vững mạnh, rồi các tổ chức phải kết hợp lại thành một lực lượng mạnh. Còn chính quyền thì nếu mà ông chính quyền xấu là mình đổ còn ông chính quyền tốt thì mình phải xây dựng cho lành mạnh, cho đúng cái chính quyền Quốc Gia, chứ không có cái chủ trương lật đổ cái ông chính quyền.
NMH: Bây giờ tôi xin hỏi về vấn đề lãnh đạo, thì trước là ông Trương Tử Anh, sau khi ổng mất đi thì mình không biết là ai cả, tại vì nó phân tán nên không biết là ai cả. Rồi về sau này đến lượt người thứ hai là ông Nguyễn Tôn Hoàn và ông Bửu Hiệp phải không ạ? Hai ông hai nơi phải không ạ? Thế hai ông đó thì ông nào ở trên vai vế ông nào?
TTT: Hồi đó nghe lại khi Đảng trưởng còn, để mà tổ chức thì ông Nguyễn Tôn Hoàn, ông Bửu Hiệp, ông gì ở ngoài Bắc
NMH: Đặng Vũ Lạc
TTT: Những ông đấy là xứ bộ, như ông Bửu Hiệp là xứ bộ miền Trung, ông Nguyễn Tôn Hoàn là xứ bộ miền Nam, ông gì Trí…
NMH: Nguyễn Hữu Trí là về sau này phải không ạ?
TTT: Ông Nguyễn Hữu Trí là hồi ổng làm Thủ hiến Bắc Việt
NMH: Thế ông có là xứ bộ không?
TTT: Là người Bắc Việt thì không biết ông có làm hay không, ở ngoài Bắc thì không rõ.
NMH: Nhưng mà khi mà Đảng trưởng mất rồi thì không có ai thay thế Đảng trưởng nữa?
TTT: Không có ai thay thế Đảng trưởng
NMH: ông Hiệp với ông Hoàn là hai người vai vế bằng nhau?
TTT: Một người thì xứ bộ miền Nam, người xứ bộ miền Trung à
NMH: Dạ.
HKL: Khi mà đảng trưởng mất rồi thì ở ngoài Bắc có ông Đặng Vũ Lạc, Khi ấy ổng còn sống, ổng thay thế. Rồi tới chừng Đặng Vũ Lạc mất thì đảng mới xảy ra cái là không có người trực tiếp điều khiển. Khi đó thì ông Đặng Vũ Lạc nói là để cho ông Nguyễn Tiến Hỷ, nhưng xứ bộ miền Nam thì không chịu ông Nguyễn Tiến Hỷ, bởi vì ông Hỷ có cái tật ổng nói chuyện là con mắt ông cứ ngỏ lên trên trần nhà, cái tật của ổng như vậy thì mấy cái ông miền Nam nói ổng khinh người, không có nhìn thẳng vô người. Thành ra mấy ổng không chịu ông Nguyễn Tiến Hỷ, rồi từ đó thành ra không có lãnh đạo. Tức là ông Đặng Vũ Lạc mất đi thì không có lãnh đạo. Rồi chừng ấy đảng mới rã rã ra dần
NMH: Thế thì sau này ở miền Nam tôi thấy ông Hà Thúc Ký, ông Nguyễn Tôn Hoàn, rồi Nguyễn Tiến Hỷ nữa, thì về sau này có cái cố gắng nào liên hiệp các phe của đảng Đại Việt vào với nhau không? Sau Trương Tử Anh thì còn, sau Đặng Vũ Lạc thì có ai còn được coi là đứng đầu trên hết không hay là không còn ai nữa?
HKL: Chừng sau đấy thì không còn ai thống nhất được. Sau đấy thì mấy ổng có lập được cái Đại Việt thống nhất
NMH: Hồi nào thế?
TTT: Đại Việt thống nhất thì sau này
NMH: Hồi nào khoảng nào thế?
TTT: Hồi khoảng… hồi khoảng ông Nguyễn Văn Thiệu
NMH: À thời ông Nguyễn Văn Thiệu. Đại Việt thống nhất thì ai lo, ai đứng đầu cái Đại Việt thống nhất đó?
TTT: Ông Đặng Đình Nhã, ông (suy nghĩ) …Phạm Hữu Cảnh, ông … Hòe, ông Hòe thì cái gì Hòe đó, ông đấy thì ổng làm…
HKL: Nhớ ông Võ Đại Tôn không?
TTT: Ông Võ Đại Tôn với lại ông Chiêu á, Nguyễn Hữu Chiêu, hồi ổng ứng cử Phó Tổng thống với ông… Hồi trong thống nhất cũng nhiều người mà tôi quên tên hết rồi
NMH: Mà trong thống nhất họ có mời bà vào ở trong đó không?
TTT: Có, tôi cũng ở trong ban chấp hành thống nhất, nhưng mà rồi cũng chưa làm cái gì, mới tổ chức đâu mấy tháng cũng chưa ra cái gì thì mất nước rồi thôi.
NMH: À, hồi đó có định làm thống nhất rồi thì ai đứng ra làm việc đó? Ai là người đứng ra lo mời các người vào?
TTT: Hồi mà lo đấy là ông Cảnh, ông Nhã, ông Cư, với lại ông Võ Đại Tôn, là mấy người nòng cốt trong cái thống nhất đó.
NMH: Thế mấy ổng có liên lạc? Hồi đó có ông Ký, ông Hồ Văn Châm, bà có liên lạc với các ông trong đó không?
TTT: Có liên lạc, cũng có liên lạc với ông Ký, ông Huy, ông Châm. Nhưng mà theo ông Ký thì ổng nói thôi thì anh em cứ làm đi rồi từ từ để theo cái giai đoạn, giờ làm cái tổ chức này không được thì làm cái tổ chức khác, rồi ổng cũng ủng hộ ổng chỉ nói miệng. Còn ông Huy thì ổng bất bình, sau này còn phải làm cho cái thống nhất nữa, mất người của ổng cũng nhiều. Còn ông Châm thì ổng cũng ủng hộ vậy ạ.
NMH: Như vậy thì cũng chỉ có được cái phong trào thống nhất nhỏ thôi. Hồi ông Thiệu thì sau ngày gần mất nước rồi mới làm chứ cũng không phải …
TTT: Dạ, gần mất nước rồi mới thấy, cái thống nhất hồi đó cũng làm trước 1, 2 năm gì đấy, mà bây giờ đó thì tôi còn tài liệu
NMH: À có tài liệu, vậy chắc tôi xin bà cho in lại đi, cho xerox đi, rồi tôi mượn tôi xerox lại. Chắc để nhờ… À thế tốt lắm, để tôi ghi lại. Tôi chờ cho đem đi xerox rồi trả lại. Ơ Bolsa có tiệm xerox nào … À tôi biết rồi, tôi có thể nhờ đưa đến nhà mấy anh bác sĩ thế nào họ cũng có máy xerox.
(Băng nhảy)
HKL: Hỏi ông Nguyễn Tôn Hòan thì ông ấy mới rõ
NMH: À, tôi có nói chuyện với ông ấy sơ sơ rồi. Theo ý ông thì cái giai đoạn mà … Ông có coi ông là người của đảng Đại Việt không?
HKL: Tôi hả? Tôi là người của đảng Đại Việt chứ. Sau này tôi cũng ở trong cái ban chấp hành của chi bộ đảng trưởng mà.
NMH: Ông hoạt động ở Đảng như vậy là bao nhiêu năm tất cả?
HKL: Chắc là từ khi tôi hiểu biết là tôi đã có hoạt động với đảng Đại Việt. Thì tới chừng tôi bị thương, mãi tới sau này…
NMH: Ông nhìn lại cái đảng Đại Việt thì theo ý ông có những ưu điểm nào và những khuyết điểm nào?
HKL: Cái ưu điểm của đảng Đại Việt là nó có cái chủ nghĩa, chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn. Đấy là một cái tư tưởng hết sức tốt. Không một cái đảng nào ở Việt Nam có được cái chủ nghĩa mà thích hợp với mọi người như là chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn. Thành ra cái Đại Việt nó nắm được cái ưu điểm đó mà nó phát triển được nhiều. Nhưng mà nó có cái khuyến điểm là khi mà những người vô đảng Đại Việt là những người có trí thức họ khá, họ có hiểu biết và họ có lo lắng, họ có ưu tư với đất nước, thành ra họ vô đảng. Nhưng mà vì nó thiếu cái lãnh đạo, thành ra khi cái người chóp bu lãnh đạo như ông Trương Tử Anh ổng mất đi rồi thì những người dưới ổng là họ đều giỏi hết nhưng mà họ bằng với nhau, thành ra họ không có tương phục với nhau, thành ra nó chia rẽ cái đảng. Thành cái đảng nó yếu, nếu như mà có tiếp tục có lãnh đạo thì cái đảng Đại Việt nó tốt, vững.
NMH: Dạ, thưa ông, ông nói rằng cái ưu điểm nhất của cái đảng đại Việt là nó có cái chủ nghĩa, chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, các đảng khác không có cái nào bằng. Những đảng khác chẳng hạn như Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng Cộng Sản Đông Dương thì họ cũng có chủ thuyết của họ. Thì thưa ông, theo ông tại sao cái chủ thuyết Dân tộc Sinh tồn mà ông cho là hợp nhất đối với người Việt Nam hơn là những chủ thuyết khác?
HKL: Những chủ thuyết khác như là Tam Dân Chủ Nghĩa, thì đấy là nó từ Tàu, của người Tàu, thành ra nó không có thích hợp với dân tộc Việt Nam mình, có những điều mà nó không hoàn toàn là dân tộc Việt Nam.
NMH: Thí dụ như?
HKL: Vì nói về cái chủ thuyết của một cái đảng khác thành ra tôi không nghiên cứu cho kỹ lắm, nhưng mà trong đó thì trong cái vấn đề giải phóng đất nước thì ở bên kia nó không phải hoàn cảnh dân tộc mình, thành ra nó không có nói rõ. Còn như cái đảng Mác Xít, đảng Cộng Sản, thì nó có cái chủ nghĩa Cộng Sản của nó. Cái mà nó không thích hợp là nó coi tất cả thế giới là đại đồng, là phải cùng theo cái chủ nghĩa của nó, nhưng cái con người, bản chất con người của mình là nó có cái tư hữu rồi, thành ra nó không thể nào mà thay đổi cái bản chất con người được, chỉ trong những thời gian, ví dụ như là thời gian mà người ta bị, cái đất nước bị đô hộ thì tất cả mọi người, người ta dẹp bỏ cái ý thức tư hữu, người ta theo Cộng Sản, người ta dẹp bỏ cái cá nhân của con người, bản chất của con người, để người ta theo người ta phục vụ cho Cộng Sản. Nhưng mà sau đó rồi thì Cộng Sản không thể kiến thiết được, vì khi mà đã dẹp được ngoại xâm rồi thì cái bản chất của con người, bản tính của con người như ái ố hỷ nộ âu lạc dục, cái thất tình của con người tự nhiên nó bộc phát mạnh lên, nó phát triển lên thì do đó Cộng Sản nó không có kiến thiết xã hội được. Thành ra cái đó đối với những người thấy là Cộng Sản nó không thể nào làm cho đời sống nhân dân được tốt đẹp hơn. Thì ví dụ cụ thể như bây giờ ở Việt Nam, nó đánh thắng được nhưng mà nó không kiến thiết được, không kiến thiết được thì tại trong cái chủ thuyết của nó như vậy rồi. Còn trong cái Dân tộc Sinh tồn thì mình đi hợp theo cái lòng dân, đi hợp theo bản chất con người, vì mình chấp nhận con người có những cái thất tình, cái ái ố hỷ nộ âu lạc dục, thì con người có những cái như vậy, thì mình chiều theo cái bản tính của con người đó mà mình hướng dẫn con người đi cho nó tốt hơn, chứ mình không bắt nó bỏ đi, rồi mình không làm gì được hết. Do đó cái chủ nghĩa Sinh Tồn nó thích hợp với mình. Cái đấy thì trong tuyên ngôn của Đại Việt có nói rõ.
NMH: Thưa thế còn cái vụ chiến khu, tôi xin trở lại cái vụ chiến khu Ba Lòng thì ai lập ra và lập ra hồi nào?
TTT: Chiến khu Ba Lòng thì về bên cánh ông Hà Thúc Ký; ông Hà Thúc Ký hồi đó bị Ngô Đình Diệm khủng bố quá riết rồi ổng lên Ba Lòng ổng lập chiến khu đánh lại. Còn cái chiến khu Nguyễn Huệ thì là mật khu nhưng cứ kêu là chiến khu; cái mật khu Nguyễn Huệ đấy là chỉ không có đánh lại nhưng mà phản đối lại Pháp. Rồi tới khi mà Pháp nó bắt nó dí thì lên núi rút. Cái vùng đấy là mật khu Nguyễn Huệ.
NMH: Thưa bà, xin trở lại chuyện cuộc đời của bà theo cách mạng hồi bé, sau này lớn lên mà mất liên lạc với ông Trương Tử Anh thì vẫn tiếp tục hoạt động ở miền Trung, với ông Siêu. Sau đó thì đến ông Trương Tử An. Xong rồi Việt Minh nó lên nó tàn sát, nó đàn áp phải không ạ? Thì bà vẫn hoạt động, lúc bấy giờ nó không bắt bà vì bà có con nhỏ thì còn tiếp tục được, phải không ạ? Khi ông Bảo Đại về nước thì bà có hoạt động lại không? Giai đoạn 49-50 đó?
TTT: Khi ông Bảo Đại về nước thì có, mà đấy là hồi cái Mặt Mặt trận….
HKL: Lúc này dưới Phú Yên cũng là chế độ Cộng Sản,
NMH: Cộng Sản vẫn tiếp tục mà Bảo Đại không kiểm soát được?
HKL: Ông Bảo Đại không kiểm soát được cái vùng Liên khu năm của cộng sản.
NMH: Thì hồi đấy bà ở vùng Phú Yên dưới chính quyền Cộng Sản?
TTT: Có ở dưới Phú Yên, dưới chính quyền Cộng Sản…
HKL: 45 đến 54.
NMH: Có bị bắt bao giờ không?
TTT: Có bị bắt nhiều lần lắm, nhưng mà không có bị giam 5-7 năm như những người khác.
NMH: Nhưng mà bắt thì nó bắt rồi thả hay sao?
TTT: Nó bắt rồi nó tới nó hỏi, nó tra nó đánh. Nó cũng đánh cũng tra đó. Rồi nó hỏi kia nọ, nó cũng giam. Vì tại ở ngoài có tới 6 đứa con mà đứa lớn nhất có 6 tuổi còn đứa nhỏ nhất thì mới khai sanh hồi cả nhà tôi đi hồi năm 45 thì cuối năm 45 qua năm 46 tôi mới sinh con, với lại có một đứa con mất trí nữa, thành ra vì cái đấy mà khỏi cái nạn là Cộng Sản giam lâu, hoặc Cộng Sản đưa đi núi rừng cũng đánh cũng tra dữ lắm.
NMH: Có đánh tra mà giam ngắn rồi trả về. Nó đánh tra nó hỏi về gì, hỏi về đảng Đại Việt?
TTT: Nó hỏi Đảng Đại Việt, hỏi làm với ai, rồi hỏi sao lại còn phá rối chính quyền Cộng Sản này kia nọ vậy.
NMH: Như vậy thì suốt cái giai đoạn 49-50 đến 54 thì đảng Đại Việt ở vùng Phú Yên cũng không hoạt động được gì bởi vì nó đàn áp lắm có phải không ạ?
TTT: Nó đàn áp lắm, nhưng mà những cái số trai trẻ thì họ cũng có hoạt động trong những cái đó á, đi các vùng để mà thu nhận đồng chí hay là đi tuyên truyền để cho người ta biết chủ nghĩa Cộng Sản. Rồi có kết nạp được ít, chứ không nhiều
NMH: Nhưng mà ai lãnh đạo cái giai đoạn đó, giai đoạn mà bị Cộng Sản đàn áp thì ai lãnh đạo trong giai đoạn đó?
TTT: Cái giai đoạn đó thì ông Hoàng Hoa Khám với lại ông Hồ Nguyên Kiệt
NMH: Hoàng Hoa Thám là …
TTT: Hoàng Hoa Khám
NMH: À, Hoàng Hoa Khám, có liên hệ gì với ông Hoàng Hoa Thám?
TTT: Không không có họ hàng gì
NMH: Hoàng Hoa Khám, với ông gì?
TTT: Hoàng Hoa Khám và Hồ Nguyên Kiệt, Võ Đình Phúc
NMH: Thưa, những ông đó là loại người nào, thuộc những thành phần nào?
TTT: Ở Phú Yên thì phần nhiều là thuộc về nông.
NMH: Ba ông đó làm gì?
TTT: Ông Hoàng Hoa Khám cũng là con nhà giàu, con nhà nông. Ông Hồ Nguyên Kiệt thì nông dân chay.
NMH: Là ông nông dân à? Ổng nghèo hay sao?
TTT: Ổng đi làm ruộng, cày ruộng đồ á, ổng chuyên nghiệp cày ruộng. Còn mấy ông kia thì không có cày ruộng nhiều hơn. Còn ông Võ Đình Phúc cũng cày ruộng.
NMH: Mấy ông kia có khá giả không?
TTT: Học lực cũng trên primaire (bậc tiểu học) hết á.
NMH: Không về học lực nhưng mà về vấn đề tiền bạc?
TTT: Tiền bạc thì kha khá. Ông Hồ Nguyên Kiệt thì nghèo, nghèo hơn…
HKL: Ông Hồ Nguyên Kiệt ấy là thuộc thành phần nòng cốt của Cộng Sản.
NMH: Nhưng mà ổng lại theo Đại Việt?
TTT: Ổng lại theo Đại Việt
HKL: Theo Đại Việt chống Cộng Sản. Ổng là cái giai cấp được Cộng Sản nâng đỡ nhất mà ổng lại chống Cộng Sản
TTT: Ông Huỳnh Ký, cũng thuộc giai cấp nghèo
NMH: Thế rồi tới năm 1954, chính quyền Diệm về tiếp thu, thì đảng Đại Việt có cộng tác với chính quyền, phải không ạ?
TTT: Cộng tác hết mình à …
NMH: Sau đó 55 thì ổng bắt đầu đàn áp? Thế rồi 56 thì bà bị bắt?
TTT: Năm 56 là tui bị bắt, bị ở tù tới năm 59 tui mới về, rồi tới năm 60 bắt lại 2 năm nữa. Nghĩa là cái đời ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống 9 -10 năm gì á, thì tui ở tù của chế độ Ngô Đình Diệm hết 6 năm.
NMH: Thế năm 62 thả ra hay đến năm 63 mới thả?
TTT: Đảo chính rồi mới thả
NMH: Thế ra lại hoạt động lại với đảng Đại Việt?
TTT: Dạ
NMH: Cho đến khi mất nước luôn?
TTT: Cho đến khi mất nước luôn
NMH: Thưa bà, cái giai đoạn bà hoạt động lại với Đại Việt, hồi đó sau khi đảo chính rồi thì có một bên là ông Nguyễn Tôn Hoàn, một bên là Hà Thúc Ký. Những ông đó liên hệ đối với bà ra sao? Trong đảng phái có liên hệ ra sao, có mời vào đảng của họ hay là thế nào không?
TTT: Có ông Nguyễn Tôn Hoàn. Hình như với mấy ông đồng chí của ổng cô lập, rồi ổng cũng không có tới liên lạc. Nhưng mà ở bên đây thì cũng có tới liên lạc nói chuyện như tình đồng chiến tuyến chứ cũng không có…
NMH: Bên này tức là bên Hà Thúc Ký?
TTT: Bên chi bộ Đảng trưởng á, thì hai bên cũng có nhiều cái, những cái gì đáng cộng tác chung cũng có cộng tác, nhưng mà sơ sơ à. Còn bên Hà Thúc Ký thì lại chặt chẽ hơn. Hà Thúc Ký thì ổng coi như cùng cái tổ chức với Hà Thúc Ký, nhưng mà ổng để riêng ra cái chi bộ Đảng trưởng.
NMH: À như vậy là lúc bấy giờ có 3 cái chi bộ, một đằng là xứ bộ miền Trung, tức là gọi đảng Đại Việt Cách Mạng về sau này, một bên ông Nguyễn Tôn Hoàn là Tân Đại Việt. Còn vẫn có cái chi bộ Đảng trưởng.
TTT: Cái chi bộ Đảng trưởng thì liên lạc chặt chẽ với cái…
NMH: Ai lãnh đạo chi bộ Đảng trưởng hồi đó?
TTT: Hồi trước thì là ông Nguyễn Kiều Siêu với Trương Tử An, rồi sau này thì ông Trương Tử Thiên.
NMH: Thế ông Siêu hồi đó trong chi bộ Đảng trưởng ổng làm gì? Chức vụ của ổng là gì?…
HKL: Bí thư chi bộ
NMH: Thế xong rồi sau đó là ông An? Tức là ông Siêu mất đi rồi thì mới đến ông An hay sao?
TTT: Ông Siêu bị Cộng Sản giết, ông Siêu chưa mất nhưng mà ổng già rồi. Hồi kia tuy ổng làm vậy nhưng mà ổng cũng già, cũng có ông An phụ tá. Đến sau ổng già ổng về thì giao cho ông An làm.
NMH: Giao cho ông An thì hồi đó năm nào bà có nhớ không?
TTT: Đâu khoảng … trước Mậu Thân, đâu hồi đấy khoảng năm 60-61 gì đấy. Bởi vì hồi đó ông An năm 63 bị giết mất rồi.
HKL: Cậu An trước năm 54 chứ, trước khi mà cậu An vượt biển qua thì cậu An đã coi cái chi bộ Đảng trưởng rồi. Khoảng năm 50-51.
NMH: Thế rồi về sau tới năm 63 thì mới bị giết à?
TTT: Năm 63 thì ông An bị ông Diệm giết
NMH: À, ông Diệm giết. Ám sát hay là bắt rồi giết?
TTT: Ám sát
HKL: Bắt cóc rồi bị mất tích luôn, như ông Nguyễn Văn Châu
NMH: Thế sau khi ông An rồi thì đến lượt ông Trương Tử Thiên?
TTT: Ông Trương Tử Thiên.
NMH: Cho cho đến ngày cuối cùng?
TTT: Đến ngày cuối cùng, giờ vẫn còn nằm trong tù đó.
NMH: Bây giờ còn ở trong tù đấy?
TTT: Dạ, bây giờ còn ở trong tù
HKL: Cái chi bộ Đảng trưởng thì do ông Thiên, còn cái chi bộ Phú Yên thì do Lê Tử Khoa. Đến khi cái chi bộ Đảng trưởng nó không nằm ở một tỉnh Phú Yên mà nó đi ra nhiều tỉnh rồi thành ra ông Thiên thì ổng coi bí thư chi bộ, còn ông Khoa với ông Phúc thì coi cái tỉnh bộ của tỉnh Phú Yên.
NMH: Thưa bà, bà hoạt động trong đảng Đại Việt lâu năm lắm rồi, tôi xin hỏi bà câu hỏi kết luận. Theo ý bà, đảng Đại Việt có những ưu điểm nào và có những khuyết điểm nào?
TTT: Theo tui thấy đảng Đại Việt có chủ trương cách mạng, xây dựng chính quyền, lành mạnh hóa chính quyền, đó là cái hay, giữ cái tinh thần dân tộc tính nó được hơn. Còn cái khuyết điểm của Đại Việt là bị mất nhân sự. Đào tạo lớp này thì Tây giết, đào tạo lớp khác thì Quốc Gia độc tài giết. Rồi có lớp thì Cộng Sản giết. Thành thử như vậy nên luôn luôn Đại Việt hồi nào cũng mất cán bộ, vì cái đó mà không thể làm mạnh làm lớn được.
NMH: Thưa bà, trong cái cuộc đời chính trị, cách mạng của bà như vậy, có điều gì làm cho bà hãnh diện nhất? Có điều gì bà nghĩ là bà tiếc. Có tiếc gì không?
TTT: Tui thấy trong cái việc làm chính trị là một cái hay, một cái hãnh diện, và cũng là một cái lý tưởng của đời sống tui, tui thấy như vậy là cái hay. Còn cũng buồn lòng một cái là nhân sự nó tráo trác quá, theo như là đảng này, theo đảng kia. Rồi lại một cái buồn là thiệt thòi là …
Trương Thị Thình 3. –VP-NMH-A015
NMH: Cái hối tiếc của bà là cái chuyện mà người ta tráo trát quá trong đời làm chính trị. Thế rồi người nọ đánh phá người kia, rồi các người trong đảng Đại Việt đào tạo được lớp nào thì bị tàn sát lớp đấy, mất cả những người nối tiếp làm công việc cách mạng. Nhưng mà riêng ở trong Đảng như bà nói đó, thì cũng có chuyện hiểu lầm giữa các người trong Đại Việt không?
TTT: Có, cũng có một số hiểu lầm, nhưng mà các người Đại Việt đó lại cũng hiểu lầm lẫn nhau, rồi đến khi biết lầm thì nó đã rồi.
NMH: Dạ, nguyên nhân hiểu lầm thường là tại sao mà có hiểu lầm như vậy?
TTT: Là nó bị những cái Cộng Sản chia rẽ, rồi Quốc Gia thì cũng lo giữ bè, giữ cánh với nhau. Thí dụ cũng đều là lý tưởng Quốc Gia, mà nhóm này lên thì lại muốn đẩy nhóm khác xuống, từ đó phá hoại để mà giết hại nhau.
NMH: Thưa bà, bây giờ ở vùng này, ở bên Mỹ này thì ngoài bà ra, bà có nghĩ rằng tôi cần nên tiếp xúc với những một số người nào để biết thêm về đảng Đại Việt không?
TTT: Dạ, như cái cái đó là một cái rất tốt chứ, nếu ông có thể được, thì ông làm cái đó cũng là một cái quá hay rồi, tôi cũng…
NMH: Nhưng mà tôi cần phải tìm những người mà người ta hiểu biết –có tài liệu đó, thì bây giờ bà có thể cho tôi mượn số tài liệu, thì tôi sẽ xerox rồi tôi gửi trả lại ngay lập tức chiều hôm nay. Nhưng có vấn đề đặt ra là tôi không biết có những người nào mà tôi cần phải đi tìm không?
TTT: Dạ, ở ngoài ra thì cái lớp mà Đại Việt thiệt đây, giờ tôi biết đây, thì qua đây lớp nhỏ không, bây giờ tôi có cái chủ trương là khuyến khích cho nó học hành cho được, chứ còn cái chuyện tài liệu trước là không có.
NMH: Dạ, thế còn những người lớn tuổi?
TTT: Còn các cái người lớn tuổi thì chết hết bên Việt Nam, đâu có còn ai đi được. Còn một số nào thì giờ ở trong mật khu có nhiều ông giờ cũng già, có ông giờ chết trong mật khu, vợ con nhà cửa đâu có ai biết. Đó là cái tình trạng Đại Việt hiện nay. Bây giờ đi phân tán ra, thay tên, đổi họ, đi vùng này vùng kia. Nhiều, biết thì cũng còn nhiều, chứ không đến nỗi, Phú Yên hết. Nhưng mà bây giờ trở về Phú Yên, thì chắc không còn người nào ở Phú Yên. Nghĩa là người nào cũng có tên, có tiếng hết, thì nếu nó không giết được hồi đấy là phải chạy trốn thôi.
NMH: Tôi biết, các ông thì giờ đâu mà viết, làm cách mạng mà viết ra, thì nếu tài liệu nó lọt vào tay người ta thì chết.
TTT: Dạ, còn cái tài liệu cũ đó, mà giữ gìn cất dấu đó, với lại có những bà vợ, cái cậu con nhỏ nhỏ, mà họ cũng hiểu biết, họ cất dấu. Thì năm ngoái, thì cũng có một số người định mang qua đây, nhưng mà đi giữa biển bị cướp hết sạch trơn cũng đâu có còn gì. Còn tôi hồi đi thì không có mang được cái gì, sau ngoài mấy đứa cháu nó qua, mang được ít cái.
NMH: Bà đi hồi nào?
TTT: Tôi đi 75. Nhưng mà nhà tôi thì ở – nhà chính là ở Phú Yên, còn cơ sở buôn bán làm ăn ở Nha Trang, mà tôi lại vô Sài Gòn để nuôi cái thằng này nó bị mù đây này. Mà thành ra nuôi, rồi kẹt phải đi luôn.
NMH: Thế về sau tụi cháu nó mang tài liệu sang?
TTT: Dạ, đây là cháu nó mang sang theo dạng chui.
NMH: Nó đi chui đó?
TTT: Dạ, đi chui. Còn một số nữa – những bút tích, những đại cương, chứ sách lược nọ thì nó mang đâu bị cướp biển cũng hết, bây giờ chỉ còn chút ít thôi.
NMH: Bên này ấy – ở bên Mỹ này còn ai mà tôi nên đến gặp không? Tôi đã gặp một số người như ông Canh, ông Hoàn, tôi gặp rồi. Bên này còn ai mà tôi nên đến gặp không, để tôi nói chuyện?
TTT: Chắc có ông Đăng Văn Sung, ông Đặng Văn Sung là ông cũng biết.
NMH: Đặng Văn Sung –dạ, vâng. Tôi cũng sẽ đến gặp ông hôm thứ Sáu. Còn ai nữa?
TTT: Ông Đặng Văn Sung, ông Đào Nhật Tiến, Đào Nhật Tiến ở Texas.
NMH: Dạ, tôi có gặp ông ấy rồi. Tôi chắc tôi sẽ liên lạc ông ấy, ông ấy có vẻ hăng say lắm.
TTT: Dạ, có mấy ông nữa ở Texas, tôi biết cái bí danh anh Minh, anh Hòa, nhưng tôi cũng không biết tên, hiện bây giờ tôi cũng không biết tên.
NMH: Minh, Hoà, để tôi ghi lại, rồi tôi về tôi hỏi ông Tiến, chắc ông Tiến ông ấy biết.
TTT: Chắc là ông cũng biết nghĩa đó là đáng ra…
NMH: Đặng Văn Đệ thì sao?
TTT: Đặng Văn Đệ cũng là Đại Việt đấy.
NMH: Dạ, để tôi về tôi hỏi.
TTT: Ông Phạm Quân cũng Đại Việt.
NMH: Ông Phạm Quân cũng Đại Việt đấy hả?
TTT: Dạ.
NMH: Ở Oklahoma.
TTT: Dạ, ông Phạm Nam Sách đấy , cũng Đại Việt đó. Nhưng mà ông Phạm Nam Sách hiện giờ sao lại ông đổi, ông lại chửi lại Đại Việt quá, cũng không biết.
NMH: Nghe nói bà có chuyện không đồng ý, bất đồng, tại hôm trước nói chuyện với Đinh Văn Đệ thì anh nói bà có vẻ không hài lòng về bài báo nào của anh Sách, có phải không ạ?
TTT: Dạ.
NMH: Bài báo nói về cái gì?
TTT: Dạ, nói về Đảng Đại Việt, mà nghĩa là ông quy những cái gì mà ươn hèn, nhơ nhớp hết, là ông đổ cho anh em Đại Việt. Nhưng mà ông không đổ cho một cái nhóm nào, hay là một cái người nào cho nó chính xác. Cái này là ông bao hết là anh em Đại Việt Quốc Dân Đảng. Thành ra tôi có viết một cái thơ tôi chỉnh lại ông.
NMH: Dạ, thưa bà có cái thơ đăng ở đâu, báo nào, tôi biết được không?
TTT: Dạ, đăng ở báo Tay Phải.
NMH: Tay Phải?
TTT: Tay … Tay Phải – nó đang ở đây, tôi lấy.
NMH: Bài báo của ông Sách – cái bài của ông Sách thì bà có giữ không?
TTT: Dạ, có.
NMH: Tôi có thể mượn những bài ấy, tôi đọc không? Bài đó với cái bài Tay Phải, tôi xin đọc để tôi in lại?
TTT: Đây, tôi có.
NMH: À có sẵn rồi.
TTT: Cái đây là của Tiền Phong, mà nó nói Đại Việt. Cái đây là ở Tay Phải, cũng nói về Đại Việt, mà lại còn nữa. Tôi cũng chưa làm sao lấy lại được.
NMH: NBV là ai?
TTT: Không, không biết.
NMH: Không biết là ai?
TTT: Vì cái tên, cái chương trình tôi không biết.
NMH: Dạ. Thế còn bài của ông Sách ở đâu… Cái này không là biết ngày nào – à, tôi có số, số 105, tôi sẽ tìm cái đó.
TTT: Ở đây có cái thơ trả lời, để tôi lấy Tay Phải khắc biết.
NMH: Cái thơ này có đăng chưa?
TTT: Dạ, đấy – Tay Phải đăng mà.
NMH: Đăng Tay Phải ạ? Thưa bà, tôi, bà có cho tôi một số tài liệu đó, thì tôi xin cảm ơn bà lắm. Tôi sẽ xin về tôi xerox lại, và tôi để vào trong thư viện. Những tài liệu này sẽ được để vào trong thư viện, tại vì sau này ai mà nghiên cứu thì sẽ có. Thưa bà, cuộc phỏng vấn với bà hôm nay, thì rất là quý hoá bởi vì bà đã soi sáng cho chúng tôi một số việc, một số những chi tiết, mà từ xưa đến nay chưa ai biết cả. Thưa bà, bây giờ thì sau khi tôi đã hỏi bà nhiều câu rồi, thì bây giờ bà có câu nào bà muốn nói lại cho những người về sau này không, có muốn nói lại cho hậu thế một câu nào không, có nhắn nhe cái gì không?
TTT: Dạ, thì cái chủ ý của tôi là muốn làm sao để những cái tài liệu, với lại những cái cái ý kiến mà rất hay, rất đẹp cho dân tộc Việt Nam ở trong Tuyên Ngôn của Đại Việt được lớp sau này nghiên cứu và học hỏi, khai triển thêm. Nhưng mà sức tôi thì tôi không thể làm được, may mắn thì được bữa nay có ông, ông nói được. Thì cái ý nguyện của tôi là như vậy. Muốn cái lớp đàn em sau này, nên nghiên cứu và khai triển thêm cái Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn. Nếu nó hay, cái nào hay thì đàn em tiếp tục học hỏi, mà còn cái nào nó lỗi thời thì bỏ. Chứ tôi tôi thấy, theo cái ý nguyện của tôi, thì thấy cái Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, với lại dân tộc bán khai nhược tiểu Việt Nam, thì áp dụng nó cũng còn nhiều cái hay, rất là hay.
NMH: Dạ, cảm ơn bà. Thưa ông Lân, ông có nói là ông Trương Tử An đó – ông có rất nhiều tên, ông có thể cho biết một số những cái tên hiệu của ông không?
HKL: Ông là tên chính là Trương Tử An, rồi các cái hiệu là Tổng Đạo, rồi cái tên là Lê Thiên Bình – khi mà ông làm, lập ra Binh đoàn Độc lập, rồi sau này ông có tên là Hoàng Thanh nữa, rồi còn có vài, mấy cái tên nữa. Khi mỗi khi ông chạy đi ở một vùng thì ông có cái tên khác.
NMH: Dạ, thế thì khi ông lập ra Binh đoàn Độc lập đó thì chức ông là gì, chỉ huy trưởng hay là cái gì?
HKL: Ông là chỉ huy trưởng.
NMH: Dạ, có cái ngạch trật gì không?
HKL: Khi đó thì không có ngạch trật gì, nhưng mà khi ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, thì đưa ông, kêu ông là thiếu tá, đại tá, rồi thiếu tá…
NMH: Vâng, cảm ơn ông, để tôi về, nếu có cái gì cần bổ khuyết thêm một số những chi tiết về các tiểu sử đó, tôi xin phép tôi được viết thư cho ông và cho bà, để cho chúng tôi bổ khuyết sau. Tôi xin cảm ơn bà Thỉnh.
HKL: Khi nãy không có nói tên của ông ngoại trong đó?
NMH: Dạ, ông ngoại tên gì ạ?
TTT: Trương Trọng Hoàng.
HKL: Tên của cha ông Trương Tử Anh!
TTT: Ông ngoại, ở trong tài liệu đây là có tên ông Cụ
NMH: Dạ, ông Cụ ngoại tên chi ạ?
TTT: Ông Cụ ngoại đó thì ông…
HKL: Trương Bội Hoàn.
NMH: Trương Bội Hoàn?
TTT: Dạ, Trương Bội Hoàn
NMH: Dạ, cảm ơn ông.
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên