Connect with us

Tư liệu lịch sử

PHỎNG VẤN ĐÀO NHẬT TIẾN

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng

Giới thiệu

Đào Nhật Tiến là một đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng và rất thân cận với Đảng trưởng Trương Tử Anh.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 11/8/1986 tại Houston, Texas.

Người thực hiện cuộc phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học Trường Đại học George Mason.

Tóm lược:

Đào Nhật Tiến là một người rất thân cận với đảng trưởng Trương Tử Anh. Anh Tiến theo (chứ không gia nhập) Đại Việt Quốc Dân Đảng từ khi còn rất nhỏ, giai đoạn 1942-1943, để làm công tác thông tin liên lạc, đặc biệt anh được giao nhiệm vụ, qua những phu xe quanh nhà pha Hỏa Lò, đưa tin và tiếp tế cho Trương Tử Anh khi ông bị Pháp bắt giam năm 1940. Nhờ đó, bên ngoài mới liên lạc được và bày kế cho ông vượt ngục. Sau này, Tiến được đảng cho đi học Vovinam và một khóa huấn luyện ở Láng, rồi được chọn đi học ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn lúc đầu đóng ở Sa Pa. Anh là một đảng viên suốt đời tận tụy với “tinh thần Đại Việt.”

Tôi phỏng vấn anh Tiến hai lần. Lần đầu, tháng 8 năm 1986, ở Arlington, Virginia. Lần thứ hai ở Houston, Texas (không nhớ ngày) tôi tìm gặp anh để hỏi thêm về sự liên lạc của đảng Đại Việt với Pháp và Tàu.

Tiến kể cho tôi biết về các lãnh tụ Đại Việt, tổ chức, chính sách, và nỗi oan khiên của đảng Đại Việt cùng các hoạt động của anh từ 1940.

Theo Đào Nhật Tiến:

  1. Trương Tử Anh là một lãnh tụ đảng phái Quốc Gia sáng giá nhất thời bây giờ mà chẳng may mất sớm. Ông bị Pháp bắt giam năm 1940, rồi vượt ngục, sống lẩn tránh cho đến khi Nhật đảo chính năm 1945. Khi Chính phủ Liên hiệp thành lập, các lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, như Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam, gia nhập, nhưng Trương Tử Anh đứng ngoài. Khi thua, Trương Tử Anh không trốn ra ngoại quốc vì nghĩ rằng “không có một người làm cách mạng nào mà bỏ nước ra đi.”
  2. Đại Việt Quốc Dân Đảng được tổ chức chặt chẽ từ cách thâu nạp và thử thách đảng viên đến việc huấn luyện đảng viên. Việc tổ chức đảng theo kiểu hội kín để tránh mật thám Pháp và có khả năng tự lập khi mất liên lạc với trung ương tạo ra những “ốc đảo” dễ gây ra nạn sứ quân, nhất là sau khi lãnh tụ tối cao Trương Tử Anh mất tích.
  3. Trước ngày Nhật đảo chính Pháp, Đại Việt đã thành lập được hai chiến khu: Triệu và Đông Triều. Chiến khu có nhiệm vụ huấn luyện hơn là tác chiến. Sau ngày Nhật đảo chính, số người được đưa lên chiến khu ngày càng đông hơn. Người chỉ huy chiến khu Triệu là Phạm Thiết Hùng, tên thật là Phạm Cao Hùng, ở bên Tàu về. Những người của chiến khu Triệu còn sống đến ngày nay (lúc phỏng vấn) là Trần Kim Phượng ở Hoa Kỳ và Lê Đức Hợi ở Gia Nã Đại.
  4. Trước ngày Việt Minh khởi nghĩa, bộ đội của chiến khu Triệu được điều động về Hà Nội đóng ở trường tiểu học Hàng Vôi với mục đích “nắm giữ các cơ sở của chính quyền,” đặc biệt là các trại Bảo an Binh với Bắc bộ Phủ và một số cơ quan khác. Đại Việt chủ trương không nắm chính quyền, nhưng yểm trợ chính quyền. 
  5. Buổi chiều ngày Việt Minh cướp chính quyền, anh em được lệnh rút khỏi Hà Nội, một số vào miền Trung để cộng tác với Hà Thúc Ký, một nhóm đi vào Nam trong đó có Phạm Thiết Hùng, để tăng cường cho xứ bộ miền Nam lúc ấy do Mười Hướng lãnh đạo. Ở trong Nam, Đại Việt cũng lập được chiến khu An Thành ở Vĩnh Long để huấn luyện cán bộ và một tổ chức ngoại vi là Thanh niên Bảo quốc Đoàn do Nguyễn Văn Năng chỉ huy.
  6. Chính phủ Trần Trọng Kim lúc ấy đang sửa soạn từ chức. Nếu ông Kim trao quyền cho Đại Việt thì tình hình có thể biến chuyển theo chiều hướng khác.
  7. Khoảng tháng Bẩy hay tháng Tám năm 1947, Đào Nhật Tiến gặp Phạm Cảnh Hoàn, chứ không phải Nguyễn Tôn Hoàn, được lệnh về Hà Nội. Sau khi anh về thì có cuộc vận động đưa Bảo Đại trở về nước. Tổ chức xong, anh ấy đi mất tích luôn.
  8. Sau khi Trương Tử Anh mất tích, một số lãnh tụ Đại Việt lánh sang Tàu. Ở nhà, Đặng Vũ Lạc giữ liên lạc với anh em trong nước. Lúc Đặng Văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn và một số anh em khác về nước, họ họp thành một Trung ương đặt ở miền Bắc, anh em miền Nam được cử ra tăng phái cho Trung ương.
  9. Mâu thuẫn với miền Nam do va chạm về quyền hành, chứ không phải quyền lợi, khiến anh Hoàn viết thư cho anh Sung trách cứ và bực bội về tổ chức của Trung ương. Năm 1950, có cố gắng để hàn gắn anh em hai miền. Đến năm 1951, Đại Việt miền Nam tự tách rời khỏi Trung ương.
  10. Lý thuyết Dân tộc Sinh tồn của Đại Việt chủ trương đề cao dân tộc và coi Cộng Sản Việt Nam như một chi bộ của Cộng Sản Nga nên không bao giờ hợp tác với Việt Minh. Đại Việt chống cả Cộng Sản lẫn Pháp, nhưng chủ trương đánh Pháp trước vì nó là nguy cơ trước mắt. Đảng viên được huấn  luyện để chuẩn bị chống Pháp, không chủ động tấn công Việt Minh và chỉ đánh lại khi bị đánh trước. Vì thế mà bị kẹt vào giữa hai lằn đạn. Ở Phong Thổ, anh em bị đoàn quân của Carpentier rút từ Trung Hoa về tấn công phía trước, Việt Minh đánh tập hậu phía sau. Đào Nhật Tiến là một trong toán người được cử đi giải cứu Phong Thổ.
  11. Đại Việt bị kết tội oan là để rơi thời cơ vào tay Việt Minh, nhưng nên biết họ ở vào thế kẹt mà không làm khác được. Đại Việt chủ trương tập trung vào việc chống ngoại xâm và tránh cảnh “nồi da xáo thịt,” vì thế đã phải hy sinh, chịu đựng để dân tộc trường tồn.
  12. Ưu điểm của Đại Việt là nuôi dưỡng được tinh thần ái quốc của quần chúng và cán bộ. Nhược điểm của họ thì nhiều, nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không làm gì khác được ngoài sự hy sinh tính mệnh và tổ chức để dân tộc trường tồn như tôn chỉ của đảng.

Toàn văn:

Đào Nhật Tiến 1 –VP-NMH-A009 

Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa anh Tiến, tôi được nhiều người, như anh Liễu, anh Canh, và anh Đặng Văn Đệ, cho anh là người hiểu biết tường tận nhất về Đại Việt Quốc Dân Đảng, và đồng thời hoạt động của các đảng phái Quốc Gia khác trong giai đoạn mà tôi muốn nghiên cứu, nghĩa là giai đoạn 1945 đến giai đoạn 1954. Thưa anh, chúng tôi xin phép anh cho được hỏi anh về giai đoạn lịch sử đó. Thưa anh, anh có đồng ý không?

Đào Nhật Tiến (ĐNT): Trước hết chúng tôi xin thưa là, ban nãy anh có nói Đại Việt Cách Mạng thì không đúng. Anh có nói về sau lại thì nó là Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ). Chúng tôi nghĩ giai đoạn đó là giai đoạn mà nó ảnh hưởng ghê gớm cho đến dân tộc Việt Nam, cho đến đất nước Việt Nam. Giai đoạn đó có thể bắt nguồn từ, khởi đi từ cái lúc trước khi Nhật đảo chính, bởi vì vào giai đoạn 1940 cho đến 1945 là giai đoạn mà có thể nói phong trào hoạt động để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân Pháp lên cao.

Và trong hai chiều hướng hoạt động đi song song thì có một tổ chức của Cộng Sản và một phía không Cộng Sản, tức là các đoàn thể Quốc Gia. Trong đó cái tổ chức Quốc Gia thời đó còn lại có hai tổ chức tương đối mạnh, thì dĩ nhiên trong đó có ĐVQDĐ. Và thứ nữa là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Còn một cái thứ ba cũng gọi là tạm tạm để sau này có thể đi đến cái chỗ mà đóng góp một chút trong giai đoạn lịch sử đó là của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Trước đó nữa thì cái của ông Nguyễn Tường Tam là Đại Việt Dân Chính. 

NMH: Đại Việt Quốc Gia Liên Minh là của ai?

ĐNT: Là của ông Nguyễn Xuân Tiếu. Còn cái Đại Việt Dân Chính là của ông Nguyễn Tường Tam. Giai đoạn trở lại với cái tổ chức của ĐVQDĐ là như các anh em đây đều biết là năm 1939, khi mà cuộc chiến Thế Giới bắt đầu, Đức xua quân, thì ở bên Việt Nam các tổ chức ngày càng gia tăng hoạt động. Và ĐVQDĐ khai sinh từ thời kỳ đó. 

Tổ chức của ĐVQDĐ theo tôi được biết, bởi vì lúc bấy giờ tôi vẫn còn nhỏ. Theo các bậc đàn anh để mà nhận lấy các công tác hoặc là được đi thụ huấn, sau này hoạt động cho ĐVQDĐ, thực hiện mưu đồ, chủ trương của Đại Việt, nhắm tới giải phóng cho quê hương, đất nước. Mặc dù còn nhỏ và mặc dù tổ chức cũng mới được hình thành, mới được tổ chức, nhưng mà cũng đã đầy gian nan. Bởi vì ngay cái thời đó không lâu sau năm 1940, có khá nhiều người đứng ra tổ chức, trong đó có cả ông Trương Tử Anh là lãnh tụ của ĐVQDĐ, bị Pháp bắt. Những người khác thì cũng bị đi tù đày. 

Và trong thời gian bị Pháp bắt tù đày như vậy, thì những tổ chức Quốc Gia gặp ngay sự phá phách, gặp ngay những sự chống đối, thù hằn, và gặp ngay những hành động bẩn thỉu của phía Cộng Sản. Tức là họ có hai mặt, một mặt là đấu lý, và một mặt nữa là họ làm gián điệp ngay cho Pháp để trị lại mình. Ngay từ trong trứng nước nó cũng đã có như vậy rồi. Thành ra người ta không lấy làm lạ là tại sao tổ chức của ĐVQDĐ với tổ chức của Cộng Sản đối đầu nhau không phải như mặt trăng mặt trời, mà là còn hơn nước với lửa.

Vả lại trong cái chủ nghĩa của Đại Việt với cái chủ nghĩa của Cộng Sản, thì có những người anh em về sau này hỏi là tại sao Đại Việt có thể chống Cộng Sản kịch liệt, ghê gớm đến như vậy. Là vì hai cái chủ trương đó hoàn toàn khác nhau xa. Một đằng thì tổ chức để mà phục vụ cho dân, cho nước, cho sự phồn vinh của đất nước, cho cái sự hùng mạnh của quê hương mình. Trong khi đó, mục đích của Cộng Sản thì chúng tôi gọi là cái chiêu bài thực dân mới của Nga thì đúng hơn. Mà những người Cộng Sản chỉ là cái… nếu mang tên là chi bộ thì cũng đúng, mà nếu mang tên là Việt gian thì có lẽ còn đúng hơn nữa, tại vì mục đích của họ là để thực hiện trong cái mưu đồ đó, làm cái công việc đó và chỉ có nước Nga mới là chính. 

Cho nên thời kỳ năm 1940-45, thì ở Việt Nam có phong trào như thế này, không phải là phong trào mà do ảnh hưởng những người Cộng Sản tuyên truyền, thì họ đối với tinh thần quần chúng của Việt Nam lúc bấy giờ thấp lắm. Người Cộng Sản nói rằng là Liên Xô đời sống cao lắm, đáng mơ lắm, đáng mộng lắm, đáng thực hiện cho quê hương đất nước của mình lắm. Và bởi vì bên ấy người ta đi cày bằng xe tăng, người ta đi gieo mạ bằng máy bay, và những nhà máy khói lên ngút trời. Với đầu óc con người mình hồi đó, người con trai thì cầm cày, và người bố thì kéo cày. Thì hỏi rằng với cái người con trai cầm cày, và người bố kéo cày, người vợ đi theo chồng theo cha để đi làm cái công việc như thế, mà nhìn thấy trong chiều hướng tương lai mà đến nỗi xe tăng đi cày thì mơ quá chứ còn gì nữa. 

Đối với Đại Việt, từ khi tôi được huấn luyện, chúng tôi đã thấy rằng là cái đó không thể nào mà đem áp dụng trên quê hương mình được. Là bởi vì chủ trương của Cộng Sản luôn luôn là phá hủy tất cả các thế hệ đang có, dù nó bằng hình thức nào, để rồi họ cướp chính quyền đưa lên. Nghĩa là sau khi họ cướp chính quyền xong rồi, thì bao nhiêu thành phần xã hội sẽ bị hủy. Cái hủy đó để họ xây dựng nên cái mới. Thế nhưng nếu xây dựng nên cái mới trong quan điểm của một quốc gia, tức là một người trong cái con người của dân tộc, thì cái đó nó còn có cái nghĩa. Đằng này Cộng Sản Việt Nam là họ làm để mà nằm trong một cái chủ trương chung, mà cái chủ trương chung đó là của một quốc gia đi cai trị, tức là chúng tôi gọi là một tổ chức xâm lược mới. 

Ngày xưa người ta nói rằng người Pháp đi sang cai trị Việt Nam, đi ăn cướp đất Việt Nam để cai trị là bởi vì họ bảo rằng họ đem văn minh đến cho Việt Nam, gieo rắc văn minh đến cho Việt Nam. Đó là một cái lý để đem đi thống trị, đem đi cướp đất. Còn bây giờ của Cộng Sản là đem cái lý của Cộng Sản, mà không dùng cái chữ Việt gian. Họ đem dùng cái chữ chủ nghĩa, mà nhiều người về sau này cứ lộn cái Cộng Sản với lại cái Việt gian của họ. Nếu bây giờ bảo họ là Việt gian thì mới đúng, còn nếu bảo họ là Cộng Sản thì cái đó không đúng. Là bởi vì họ móc cho họ cái danh nghĩa Cộng Sản. Nhưng mình thì mình phải đặt cái đó là vai trò của cái anh Việt gian, là bởi vì nó phục vụ cho cái đất nước khác. 

Từ năm 1940 cho đến năm 1945, khi chúng ta có hai ý thức rõ rệt, một đằng là phục vụ cho đất nước quê hương, quốc gia dân tộc; một đằng nữa là họ nói là xóa biên cương đi để loài người sống thân yêu. Ở trong cái chỗ đó làm sao có thể hai cái đó phù hợp với nhau được. Vả lại ngay ở trong nhà tù, nếu mà bây giờ những người Quốc Gia ngồi lý luận, tranh luận thì có hai cách. Nếu bây giờ mình kỷ niệm một cái gì hay mình làm một cái gì, thì Cộng Sản tố ngay với Pháp, và những cái người ở trong tù đó bị hành hạ ngay. Trong giai đoạn 1942–1943, khi tôi được đóng vai trò của một anh liên lạc viên bé con.

NMH: Anh gia nhập đảng ngày nào?

ĐNT: Lúc bấy giờ tôi cũng chưa phải là đảng viên, nhưng mà coi như là một cái anh bé con được tín nhiệm, làm công việc đi thông tin liên lạc. Tôi bắt đầu dính vào từ thời kỳ đó, mà biết đến nhà tù, nhà khám là cũng từ thời kỳ đó. 

NMH: Anh cũng bị đi tù?

ĐNT: Tôi không bị đi tù, nhưng mà phải đi tiếp tế cho các ông ấy đi tù. Đi đến chỗ nhà pha Hà Nội, gọi là nhà pha Hỏa Lò, để liên lạc với mấy anh phu xe. Cái anh phu xe ngày xưa đó là do mấy cái người cai tù người Pháp, hoặc là cái người gọi là ông sếp ở trong đó, thì nó có nhiều tiền, nó thuê nhà, nó thuê cái anh Việt Nam kéo cái xe tay để cho ông sếp đi đi về về. Thế thì liên lạc với cái anh đó để rồi thì cho nó tiền, mang cái thư của mình đưa vào cho những người ở trong đó, và những người ở trong đó đưa cái thư ra, qua cái anh đó. Thì chỉ có anh đó ra vào mới không bị khám. 

Tôi nhớ vào khoảng cuối năm 1942, lúc bấy giờ ông Trương Tử Anh đã bị nhốt, đưa đi đánh đấm, tra tấn, rồi đưa đi “căng”, gọi là đưa đi “căng”. Những người còn ở bên ngoài tổ chức để đánh lừa Pháp, đưa cho ông ấy ăn một thứ để trở thành cái bệnh diarrhea, đi thổ tả. Lúc bấy giờ trong nhà tù mà bị bệnh diarrhea thì chắc chắn là tụi Pháp không dám để, mới đưa ông ấy xuống nhà thương quốc nội. Thì chúng tôi cũng đi liên lạc để mà… tôi không có liên lạc thẳng với ông Trương Tử Anh, mà liên lạc với một người khác nữa, cái người đó cũng được bố trí vào trong cái chỗ đó. Nghĩa là bị tù nhưng cũng bố trí đưa xuống chỗ đó nằm trước để mà tôi liên lạc một chiều. Còn một anh em khác nữa, thì anh đó lớn tuổi hơn tôi, mà là người miền trung, thì được nhận là em của ông Trương Tử Anh, bởi vì nói tiếng Trung, để đi ra tiếp tế. Và tiếp tế xong rồi thì bố trí để đánh tháo cho ông ấy, nghĩa là cho ông ấy vượt ngục. Thì họ thành công. Họ đã đưa ông ấy vượt ngục ra khỏi nhà tù của chỗ khám mà nuôi những người tù ốm ở trong bệnh viện Bạch Mai. Ông ấy trốn từ cái năm đó cho đến năm 1945 khi mà Nhật đảo chính xong thì lúc bấy giờ mới hơi công khai một chút.

Khi mà Nhật đảo chính, tôi nhớ rõ vào khoảng độ 8 giờ tối. Lúc bấy giờ có những tổ chức hoạt động cho thanh thiếu niên, để mà có môi trường liên lạc với nhau hoặc là đi công tác, hoặc là đi sinh hoạt chỗ này chỗ kia. Có một lớp huấn luyện Vovinam ở trên trường Bưởi. Tôi cũng ở trên cái lớp đó. 

NMH: Lớp đó là do Đảng tổ chức hay là…?

ĐNT: Cái đó là cái sự yểm trợ của Đảng cho đi học. Tôi cũng ở trong cái lớp đó. Tôi đi học Vovinam. Đêm ngày 9 tháng 3, vào khoảng độ 7, 8 giờ tối, lúc bấy giờ tôi ở trên cái xe điện ở trên trường Bưởi trở về, thì có tiếng súng nổ. Có nhiều người bảo rằng 12 giờ đêm súng nổ để mà có cuộc đảo chính Nhật Pháp nhưng mà sự thực không phải. Nó là vào độ khoảng 7, 8 giờ tối. Tiếng súng lục nó nổ ra. Và suốt ngày hôm sau là chúng tôi đã biết là cái đó nó có. Dĩ nhiên là với cái thời kỳ đó thì những tổ chức của Đại Việt đang còn nằm ở trong cái… Trước cái ngày mà Nhật đảo chính, thì nó đang còn bị gò bó một chút, tuy rằng nó cũng có những tổ chức manh nha để sửa soạn lập chiến khu, như là chiến khu Triệu với chiến khu Đông Triều. Đến khi mà Nhật đảo chính xong thì sự hoạt động có vẻ dễ dãi hơn một chút, thành ra các tổ chức ở các khu chiến nó mạnh hơn. 

NMH: Như vậy là chiến khu Triệu, chiến khu Đông Triều tổ chức từ trước khi Nhật đảo chánh có phải không?

ĐNT: Cái đầu dây móc nối thì sửa soạn trước cái lúc Nhật đảo chính, nhưng mà đến khi thành hình nó thì là sau cái lúc Nhật đảo chính, và số người đưa lên trên càng ngày càng nhiều hơn. Trong đó người mà chỉ huy chiến khu Triệu tôi được biết là anh Phạm Thiết Hùng, thực ra tên anh ấy là Phạm Cao Hùng. Anh ấy ở bên Tàu trở về. Chiến khu Triệu là cái tổ chức mà…

NMH: Chiến khu Triệu là vùng nào?

ĐNT: Nó nằm ở trên mạn bên trên Bắc Ninh, Bắc Giang.

NMH: Thế còn chiến khu Đông Triều là vùng Hải Phòng, Hà Tây à?

ĐNT: Vâng, Hải Phòng, Hà Tây. Tôi được biết rõ về chiến khu Triệu thôi. Tại vì lúc bấy giờ tôi có đi đến Triệu để mà liên lạc một hai lần. Và những anh em được đưa đến là những thành phần mà, theo tôi nghĩ chủ trương của Đại Việt lúc đó là huấn luyện cán bộ, cán bộ nòng cốt. Cho nên những lớp người đưa đến về sau này khi mà ra khỏi cái trường đó trở về hoạt động cho đến thời kỳ bây giờ, thì số người đó còn có… không có bao nhiêu, nhưng mà sự thực đã nổi bật trong xã hội Việt Nam về sau này khá nhiều.

NMH: Anh có thể cho biết những người nào hiện nay còn sống không? Thí dụ anh cho một số tên hoặc là còn sống hoặc là đã chết, những người đi qua cái chiến khu Triệu này, được huấn luyện.

ĐNT: Vâng, tôi nghĩ rằng cái người mà ngay ở trong Washington đây là anh Trần Kim Phượng, lúc bấy giờ ở trong chiến khu Triệu. Cũng có người khác, anh đó tôi nghĩ là anh ấy bị chết rồi, cho nên tôi nói tên. Anh Ngô Huy Chương, đã có một thời làm Đổng lý văn phòng cho Bộ Nội vụ hồi anh trên Bắc Ninh. Tỷ dụ như anh Lê Đức Hợi đã có một thời kỳ làm Đổng lý văn phòng cho chính phủ Phan Huy Quát. Thế còn một số những anh em khác nữa hiện bây giờ cũng còn, có lẽ tôi không biết là còn sống hay đã chết, nhưng mà vẫn còn có tên ở trong cái hoạt động khá nhiều về sau này, còn ở Việt Nam còn lại. Những cái người đó, có một số còn liên lạc được, còn một số khác thì không còn nữa. 

Chiến khu Triệu là chỗ mà như tôi vừa mới nói là cái nơi đào luyện cán bộ. Bởi vì tinh thần cán bộ nhắm vào hai cái, một cái về phương diện chính trị, một cái về phương diện quân sự. Vì thế cho nên khi Nhật sửa soạn đầu hàng thì chiến khu Triệu là chiến khu mà vừa có vũ khí, vừa được huấn luyện. Cũng vào khoảng độ 3, 4 tháng, cái chiều hướng quân sự đó đã được điều động trở về Hà Nội để chờ lệnh. Đúng cái ngày, một đêm trước cái ngày mà Cộng sản cướp chính quyền. Có nghĩa là Đảng Đại Việt cũng đã dự trù và cũng đã biết rằng… Bởi vì ngay trong Tuyên Ngôn của ĐVQDĐ đã dự bị là Pháp sẽ trở lại. Và ĐVQDĐ cũng phải đóng góp vào trong công cuộc tranh đấu bằng xương bằng máu, tức là bằng võ trang, để mà chống Pháp khi mà Pháp trở lại sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai chấm dứt.

NMH: Thưa anh, khi nói về Tuyên Ngôn Đại Việt, tức là anh nói cái bản tuyên ngôn về sau này, trước năm 1939 cũng có một tuyên ngôn của đảng Đại Việt.

ĐNT: Dạ vâng, đấy là Bản Tuyên Ngôn năm 1939. Ở trong bản Tuyên Ngôn đó đã có ghi rõ rằng khi mà Chiến tranh Thế giới thứ hai chấm dứt, thì các quốc gia lâm chiến đang còn phải bận bịu trong việc củng cố, xây dựng lại của họ, thì những nước đi cai trị, tức là bọn thực dân sẽ trở lại với mưu đồ xâm lăng, tái chiếm đất đai của họ lúc trước. Và như vậy thì dân tộc Việt Nam sẽ phải chuẩn bị để mà chống đối cái đó. Ở trong Bản Tuyên ngôn có nói như thế. Thành ra cũng ở trong tinh thần như vậy cho nên việc hoạt động xây dựng cán bộ nhắm vào hai mục đích. Không phải hai mục đích, một mục đích, nhưng mà hai tiêu chuẩn để mà huấn luyện. Cái thứ nhất đã đành là về phương diện chính trị, cái chủ nghĩa để mà hiểu biết liên lạc với nhau, và tại sao mình phải làm cái công việc đó. Một cái khác nữa là cũng phải huấn luyện quân sự để lấy cái đó làm cán bộ đứng ra để mà chỉ huy các công việc chiến đấu về sau này. Vì thế mà có việc huấn luyện quân sự. Bây giờ tôi chỉ xin trở lại vấn đề tổ chức của Đại Việt thôi, còn phía của các anh em VNQDĐ thì các anh ấy cũng đã có cái phần riêng của các anh ấy các anh hoạt động.

Tôi cũng nhớ lại là vào khoảng đêm ngày 18 tháng 8, tức là ngày mai là ngày 19, thì đêm hôm nay đã do các anh em được lệnh đi liên lạc trước, đem cái số người ở trên Triệu về, và đem cái số người ở Đông Triều về. Để làm gì? Để… có lẽ hai bên cùng mường tượng thấy là có cái việc tranh chấp nhau ở trong cái ngày đó. Nhưng mà cái sự tranh chấp đó, cái này nó hơi tế nhị một chút, ở cái chỗ rằng là, những người của tổ chức Đại Việt thì chuẩn bị với cái phía của chính quyền đúng hơn, tức cái phía của chính quyền Trần Trọng Kim. Các cơ cấu hành chính của chính quyền, các cơ cấu cảnh sát, cũng như cơ cấu an ninh của chính quyền Trần Trọng Kim. Một mặt khác, đối với bên phía Cộng Sản dĩ nhiên họ cũng nhắm vào các cái chỗ đó. Nhưng mà nó chuẩn bị cướp chính quyền, mà mình thì chuẩn bị để giữ cái chính quyền đó lại. Thành ra mình liên lạc với những cái cơ cấu cầm quyền, mà bọn kia thì nó xây dựng để mà đả phá cái phía đó. Vì thế cho nên không thấy làm lạ là ở bên Đại Việt thì liên lạc với ông Trần Trọng Kim, các ông bộ trưởng, và ở ngoài bắc thì là ông Phan Kế Toại. Thế nhưng ai cũng biết rằng là cái người con của ông Phan Kế Toại lại người đi theo đảng Cộng Sản, thì dĩ nhiên nó cũng biết cái đó. Nhưng nó có một cái tế nhị, và cái này là cái mà khúc mắc nhất, và nhức nhối nữa, mà người ta có lẽ là dễ bị… hoặc là lầm mà phán đoán, hoặc là phán đoán một cách khắc nghiệt quá, rằng là đảng Đại Việt đã để rơi cái giai đoạn đó vào tay Cộng Sản. 

Chúng tôi thấy rằng cái này cần phải xét lại hơi nhiều, nói rõ lại nhiều hơn nữa. Và đi từng tiết mục một để cho nó thấy rõ đôi chút, làm sáng tỏ đôi chút. Có một vị đã viết là cái tội mà đảng Đại Việt phải gánh lấy vì không có hành động cấp thời để cho cái cơ hội đó nó đi qua mất. Chúng tôi xin thưa là thế này,  tôi cũng không được biết rõ lắm, ngay lúc bấy giờ thì không biết rõ lắm, nhưng mà càng về sau này thì càng thấy nó được rõ ràng hơn. Với cái lứa tuổi hoạt động, với cái thời gian hoạt động, mình càng ngày càng học hỏi lên. Giai đoạn 1945 và cái 19 tháng Tám thì tôi cũng không có hơn 19 tuổi, thành ra cũng chỉ là cái mà mình biết thôi. 

Nhưng mà mình phải hiểu rằng trong cái tinh thần của đảng Đại Việt là một cái tổ chức chỉ biết đặt cái căn bản, chứ không phải là chỉ biết đặt cái căn bản trên cái phương diện đoàn kết dân tộc, tranh đấu cho dân tộc, và giải phóng cho quê hương. Cái đó là chính, nhưng mà né tránh tất cả những cái gì để có thể địch nó lợi dụng. Mà địch lúc bấy giờ là Pháp. Đó là một cái nặng nề nhất. Đứng về phương diện gọi là chiều hướng lịch sử thì chúng tôi học được và nghĩ rằng những người đi trước, tức là những đàn anh đã lãnh đạo mình, quan niệm rằng dân tộc là trường tồn, lịch sử còn dài lắm. Thế hệ của mình có bị hi sinh, mình phải chịu, để cứu lấy dân tộc mình. Cho nên nếu mình có bị ngã xuống, nếu mình có bị hi sinh, hi sinh bằng cách nào cũng được, tức là hi sinh cả đến cái tổ chức của mình cũng đành phải hi sinh, để nó quên đi, nhắm mắt lại, để lấy cái phương tiện đó mà chống ngoại xâm trước. Đó là cái trọng điểm, và có lẽ người ta căn cứ vào cái chỗ đó để lên án đảng Đại Việt đã không hành động đúng để mà cản Cộng Sản. 

Thế nhưng bây giờ mình thử hỏi lại rằng, nếu lúc bấy giờ hai bên tranh chấp nhau ngay, thì ai là cái người thắng thế ở trong cái chỗ đó? Dĩ nhiên tụi Pháp nằm đó, tụi Pháp nằm ở trong thành, có võ trang rồi, có súng ống ở trong đó rồi. Và tụi Pháp ở trong Nam, nó đi theo quân đội Anh nó vào đấy rồi. Thì tất cả những cái đó hỏi rằng, nếu mà tình trạng…, nó chưa vào, nhưng người ta đã biết cái thời kỳ mà tụi Anh được đi vào miền Nam, thì cái bộ đội của Pháp, cũng như là bộ đội của Anh. Nếu mà họ cùng đi vào miền Nam, thì hỏi rằng là ai là người có thể cản trở được, nếu mà trong quê hương đất nước đi đến chỗ xào xáo, chém giết nhau ở trong cái chỗ đó. Vì thế tôi càng nghĩ đến cái hành động quyết định của những người lãnh đạo nói chung, hay là của ông Trương Tử Anh, để mà không ra tay xâu xé nhau, không ra tay hạ lệnh để mà tranh chấp nhau, gây một cuộc nội chiến ngay lúc bấy giờ, thì có thể nó có một cái chiều hướng nào khác hơn, nó sẽ xảy đến một cái gì khác hơn.

NMH: Anh nói là anh học hỏi được và anh suy luận được, tại sao anh nói là anh học hỏi được? Anh học từ sách hay là mình do những người đàn anh nói lại?

ĐNT: Sau lúc mà Cộng Sản cướp chính quyền rồi, thì trước và sau đó, chúng tôi thường thường có cái lớp học. Tôi được học hai lớp. Một lớp được tổ chức sau khi Cộng Sản cướp chính quyền, một lớp học nữa là trước. Thì cái lớp học sau khi Cộng Sản cướp chính quyền thì lớp học tôi được theo nằm trong đường Láng ở Hà Nội. Tất cả những giải thích của các anh em cán bộ huấn luyện về phương diện phòng gian, về phương diện phòng vệ, và phương diện ý thức để mà tiếp tục cái cuộc tranh đấu này, trước tình thế cam go, và cũng đồng thời làm thế nào né tránh để mà… Dĩ nhiên là chỉ có ở bên ngoài mình mới hoạt động được, nếu mà bị Cộng Sản bắt mất thì còn làm sao làm được. Thành ra những sự học hỏi từ suy luận do những anh em cán bộ lớn tuổi hơn, cao hơn họ hướng dẫn, để rồi càng về sau này nó nảy nở ra qua những tình thế…

NMH: Trong đó họ có giải thích về lý do quyết định không có chiếm quyền lúc đó không?

ĐNT: Tôi nhớ lại là vào khoảng độ 9 giờ sáng. Nghĩa là một mặt thì cái cuộc biểu tình ở chỗ Nhà Hát Lớn do chính quyền hồi đó tổ chức. Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ có trách nhiệm đi để mà quan sát, để thông báo diễn biến nó ra làm sao. Đến lúc vào khoảng độ 11 giờ, lúc bấy giờ tôi được biết rằng là trở về tất cả các trụ sở của mình để mà chờ lệnh. Và do đó tôi biết không có đoàn quân ở bên trường Hàng Vôi, chỗ mà ở trên chiến khu Triệu đưa về. Nó rút ra khỏi Hà Nội, không còn ở đó nữa. 

Lẽ ra thì đoàn quân đó trở về để mà nắm lấy và giữ lấy các cơ cấu của chính quyền, là cái trại Bảo an Binh với lại Bắc Bộ Phủ, với lại một vài cơ quan mà theo tôi nghĩ là những người đó đến đấy để chiếm đóng, và vừa làm cán bộ chỉ huy, vừa phụ trách về cơ sở trong cái chỗ đó. Nhưng mà đến vào khoảng độ 11 giờ như tôi nói, và tất cả những người được phân phối mỗi nơi đều trở về vị trí của họ. Và đến chiều ngày hôm đó, những anh em mà ở trên các chiến khu trở về, được lệnh rút ra khỏi Hà Nội. Thì có một số được lệnh đi vào miền Nam. Cũng có một số khá đông được đi vào miền Nam. Trên đường đi vào miền Nam thì có một số ở lại miền Trung, để mà cộng tác với anh Hà Thúc Ký. Còn một số nữa thì đưa thẳng vào trong miền Nam Việt Nam để mà tăng cường cho xứ bộ của miền Nam lúc bấy giờ, do anh Mười Hướng phụ trách.

NMH: Như vậy tức là đảng Đại Việt đến năm 1945 đã có cơ sở trên toàn quốc Việt Nam rồi? Là đảng toàn quốc, chứ không phải chỉ tập trung vào miền Bắc, như là Quốc Dân Đảng?

ĐNT: Vâng, giai đoạn của Quốc Dân Đảng là giai đoạn mà… Các anh em ở VNQDĐ do ông Vũ Hồng Khanh về, thì lúc bấy giờ mới liên minh nhau lại thành ra cái Quốc Dân Đảng [Việt Nam]. Chứ còn trước đó thì chỉ là ĐVQDĐ thôi. ĐVQDĐ lúc bấy giờ trước lúc Cộng Sản cướp chính quyền thì đã có anh Mười Hướng ở miền Nam đi vào xây dựng cơ sở ở miền Nam. Anh Hà Thúc Ký thì xây dựng cơ sở ở miền Trung. Đến khi mà ở ngoài không có thể nào mà…Những anh em ra công khai, tức là ở trong các chiến khu rồi, đã võ trang, trong cuộc sống có vẻ hơi bán công khai, thì những người đó đi đổi vùng, và hơn nữa là tăng cường cho hoạt động của miền Nam. 

Còn những số cán bộ đang còn hoạt động vẫn ở trong chiều hướng công tác chìm, thì vẫn ở lại tăng cường cho Hà Nội, giữ gìn cho Hà Nội để sửa soạn cho việc đón các anh em ở hải ngoại về. Đón cũng có nghĩa là có một số người của ĐVQDĐ đi sang liên lạc với các anh em VNQDĐ bên Tàu, hoặc là chính những người ở VNQDĐ ở bên Tàu đi trở về. Tôi nhớ lại là cũng vào khoảng 1, 2 tháng sau gì đó, thì lúc bấy giờ mới thấy hoan nghênh đồng chí Vũ Hồng Khanh về nước, tổ chức trên đường Vermicelles, phố Hàng Bún với chỗ Quan Thánh, là cái chỗ tổ chức của ông Nguyễn Hải Thần lập trụ sở ở đó. Khi mà có liên minh của Quốc Dân Đảng rồi, thì hầu hết những người của Đại Việt nằm ở trong cơ sở ở Hà Nội cũng đến góp sức lại để mà giữ gìn các trụ sở, như là trụ sở dưới Lò Heo…

NMH: Thưa anh, như vậy giai đoạn năm 1945 là ĐVQDĐ đã có chuẩn bị cướp chính quyền, hay nói là giữ chính quyền, tức là chiếm chính quyền của ông Trần Trọng Kim. Và đã có quân về rồi, nhưng mà cái lý do không giữ là bởi vì sợ làm lợi cho quân thù Pháp. Vậy là mục tiêu đầu tiên là chống Pháp. 

Tôi xin hỏi anh hai câu hỏi liên quan đến việc đó. Câu hỏi thứ nhất liên quan đến vấn đề tương quan lực lượng. Đảng không cướp chính quyền bởi vì Đảng quyết định không cướp chính quyền. Nhưng mà giả sử Đảng muốn cướp chính quyền thì theo anh cái tương quan lực lượng đó có cho phép Đảng cướp được chính quyền hay không? Và điều thứ hai tôi xin hỏi anh. Anh nói rằng lúc bấy giờ đảng Đại Việt coi dân tộc là trường tồn, và phải chống ngoại xâm là Pháp trước. Mặt khác anh cũng nói rằng đảng Đại Việt ý thức được rằng Cộng Sản là Việt gian, Đảng Cộng Sản sẽ phục vụ Nga Xô, nó chỉ làm chi bộ của một đảng Cộng Sản Quốc tế mà thôi. Vậy thì thực sự là giữa hai cái tại sao anh lại chọn là không chống Cộng Sản trước, mà lại chống Pháp trước? Tại sao không chống Cộng Sản xong rồi lại diệt Pháp cũng như là Cộng Sản đã làm với các đoàn thể Quốc Gia?

ĐNT: Bởi vì đối với cán bộ của Cộng Sản Quốc tế, cái nguy cơ có lẽ còn hơi xa hơn là cái nguy cơ với tụi Pháp. Bởi cái nguy cơ… Thấy nguy cơ đối với đảng Đại Việt thì nguy cơ của Cộng Sản còn xa vời. Trong khi đó nguy cơ của Pháp là cấp thời. Cho nên đã đành phải hi sinh cái đó để chống lại Pháp trước đã.

Theo quan niệm của chúng tôi mà biết được thì chúng tôi nghĩ là cái nguy cơ của Cộng Sản nó còn xa, chứ không phải xa vời. Nó còn xa hơn. Còn cái nguy cơ của tụi Pháp thì nó ngắn quá, bởi nó ngay trước mắt. Và cái ngay trước mắt ấy thì quả nhiên là đúng. Là bởi vì cũng cuối năm 1946, lúc bấy giờ chúng tôi ở chiến khu. Tổ chức đoàn quân của Đại Việt, gọi tắt là Liên minh Quốc Dân Đảng, đóng ở trên Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang. Bên này phía Lào Cai, lên đến tới Phòng Thô. Thì đoàn quân Pháp ở bên Tàu là cái đoàn quân Carpentier nó đổ về đánh vào Phòng Thô. Chúng tôi là những người đi lên trên ấy để giải cứu Phòng Thô. Đó là một mặt của Pháp. Còn một mặt nữa thì sau khi Cộng Sản cướp chính quyền, thì khi mà tụi Pháp đánh vào cái đồn đó, thì Cộng Sản đánh tập hậu, đánh ngay chúng tôi ở phía đằng sau. Tuy rằng mình hiểu rằng cái giai đoạn lịch sử nó khó khăn, và nó nguy hiểm đến như vậy, mà rồi đến không thể nào mà làm cái gì khác hơn được. 

Nhưng mà như tôi nói với anh là ở trong quan niệm quốc gia là trường tồn, lịch sử đất nước còn dài. Nếu mà bây giờ mình ở trong một cái hoàn cảnh phải chịu đựng, thì có lẽ đảng Đại Việt đã phải chịu đựng rồi. Tức là đảng Đại Việt đành phải chịu đựng cả cái bản thân của đảng Đại Việt, chịu đựng cả lời phê phán khắc nghiệt của những người mà nhìn vào thời gian đó để mà lên án đảng Đại Việt. Đảng Đại Việt cũng chịu cái đó. Vả lại số cán bộ Đại Việt cũng đã mất mát không ít ở trong cái đó. Và ngay đến chính cả người lãnh đạo của đảng Đại Việt là ông Trương Tử Anh cũng phải hi sinh cái thân xác của mình cũng chỉ vì quyết định đó. Có thể là sai trong giai đoạn, nhưng có lẽ là đúng trong trường tồn, trong về lâu về dài. Bởi vì lịch sử Việt Nam mình cũng đã biết rằng không phải là chỉ có một giai đoạn, không phải là chỉ có một thế hệ. Đành rằng trong cái thế hệ mình bây giờ là khổ quá, nhưng mà trong cái khổ quá có lẽ bớt đi một phần nào để mà… 

Giả dụ như thời gian đó hai bên cùng đánh nhau, hai bên cùng kịch liệt chống nhau, hai bên cùng quỵ xuống, thì cái người mà thụ hưởng đó là ai, kẻ thụ hưởng đó là ai nếu không phải là Pháp. Bây giờ hai bên cùng chống nhau, tất cả cùng dồn lực lượng lại, bao nhiêu thế lực cùng đem tất cả ra để mà đương đầu với nhau. Như anh vừa mới hỏi ban nãy là tương quan lực lượng của hai phía, cái nào là hơn cái nào là kém. Chúng ta có thể nói như thế này. Nếu nói về tổng quát thì có lẽ Cộng Sản đã hơn. Cái hơn của nó là nó có hậu thuẫn của nước Nga với tất cả phương tiện. Dĩ nhiên họ có tiền để mà họ nuôi cán bộ. Họ có vũ khí để mà chuẩn bị tiếp nhận vũ khí của Nga đưa tới. Còn với lực lượng của dân tộc mình, tức là lực lượng của đảng Đại Việt, lúc bấy giờ được coi như là một tổ chức khá vững ở trong đất nước mình, thì có thể lấy ở đâu ra? Thành ra mình chỉ có ở trong một phạm vi nhỏ của một quốc gia, mà bọn kia thì là một cái chiều hướng được tiếp tế từ bên ngoài nó đưa tới. Thế nếu mà hai cái tương quan đấy, một cái tương quan của quần chúng, và một cái tương quan của một võ lực, thế lực đi ngoại xâm với tất cả yểm trợ ở bên ngoài như vậy, thì dĩ nhiên là bọn Cộng Sản thắng thế nhiều hơn. 

Nhưng nếu bây giờ đây nó thắng thế về một phía đó, mình ưu thế ở cái phía này, hai cái đó dội vào với nhau. Để rồi thì cuối cùng cũng nhượng miền Nam các anh em kháng chiến ở miền Nam, gọi là kháng chiến Nam Bộ, với tất cả những gậy tầm vông, với tất cả những cái vũ khí đi lượm được, mua được, trang bị được, mà rồi cuối cùng bị tiêu diệt. Tức là nó đã tốn hao biết bao nhiêu là xương máu, biết bao nhiêu những thời gian, biết bao nhiêu những sinh lực của mình cả một thế hệ. Thế hệ theo lối Mỹ, tức là mười mấy năm, kéo dài, cho đến khi mà mình bị thua hẳn, cũng cỡ 6 năm hay 7 năm gì đó, nó đẩy bứt mình ra khỏi trong cái chỗ đó. Thế thì đấy là một ở cái miền Nam. Nếu như bây giờ cả nước mà gặp như vậy thì dĩ nhiên cuộc chiến tranh giữa hai bên đang bùng nổ, tranh chấp giữa Cộng Sản với mình đang bùng nổ như vậy, mà kéo dài khắp nơi như vậy, thì những cái tổ chức của Pháp đưa vào thì có lẽ dễ quá. 

NMH: Tôi muốn hỏi cái tương quan lực lượng, tức là tôi muốn hỏi cái triển vọng cướp chính quyền. Đảng đã phân phối người về ngày 18 tháng Tám rồi. Bây giờ giả sử mà quyết định rằng sẽ cướp chính quyền, thì anh thấy cái triển vọng nó nhiều hay ít? Đấy, tôi muốn nói như vậy. Với cái lực lượng của Đảng Cộng Sản Đông Dương lúc bấy giờ, Việt Minh đã về đến Hà Nội rồi. Và người của Đại Việt cũng đã bố trí xung quanh đó rồi. Nếu mà đảng Đại Việt quyết định cướp chính quyền thì triển vọng cướp và giữ được chính quyền có nhiều hay không?

ĐNT: Tôi nghĩ là cái kỹ thuật của Cộng sản nó hơn chút. Và kỹ thuật cướp chính quyền của Cộng Sản nó được huấn luyện hơn. Có lẽ nó học được kinh nghiệm ở các nước ngoài nhiều hơn là ở mình. Bởi vì số người được huấn luyện kể cả chúng tôi, cái chủ đích huấn luyện để mà…, như một cái người đến để mà tiếp thu, để mà chỉ huy thôi, chứ không phải là để cướp lấy. Đằng kia là nó chỉ huy để mà cướp lấy, còn mình được huấn luyện để đến đấy để mà tiếp thu. Giả dụ lúc bấy giờ ở trong thời gian lịch sử đó, chính phủ Trần Trọng Kim cũng đang sửa soạn để mà từ chức, đã tuyên bố từ chức. Nếu bây giờ đây có một sự đề cử nào đó của một chính phủ mới, thì ảnh hưởng của ĐVQDĐ có thể sẽ đưa vào trong cái chiều hướng đó để mà tiếp thu, hay là để mà chỉ huy các cơ sở của chính quyền đang có.

NMH: Tôi hiểu. Tức là ý anh nói là đảng Đại Việt có lẽ đang điều đình với chính phủ Trần Trọng Kim, để chuyển quyền cho đảng Đại Việt, có phải không ạ? Thay vì là cướp luôn.

ĐNT: Vâng, cũng không hẳn. Nhưng mà chủ trương lúc bấy giờ theo tôi biết thì các anh ấy giải thích như thế này. đảng Đại Việt không nắm chính quyền, nhưng mà yểm trợ chính quyền.

NMH: Yểm trợ chính quyền nào?

ĐNT: Cái chính quyền Quốc Gia đó.

NMH: Chính quyền của Trần Trọng Kim?

ĐNT: Đúng rồi, chính quyền của Trần Trọng Kim. Đảng Đại Việt coi như là sử dụng một cái phương tiện của chính quyền đó làm căn bản, để mà tổ chức, duy trì nếp sống của quần chúng, và để chuẩn bị cho việc tranh đấu chống lại nước Pháp. Vì thế cho nên mới giữ chính quyền này lại để làm cái căn bản. Chứ nếu bây giờ mà phá vỡ, hoặc là cướp đi, nếu mà mình cướp lấy, thì dĩ nhiên là lại phải tổ chức suốt cái hệ thống từ trên đến dưới, hay từ dưới lên trên. Nếu bây giờ dùng cái cơ cấu cũ, tức là canh tân nó lại, sửa chữa nó đi, để rồi chuẩn bị đấu tranh đương đầu với Pháp, như vậy thì nó có lợi hơn, như vậy thì nó thuận tiện hơn. Cho nên đảng Đại Việt đã yểm trợ cái cơ sở hành chính ngay lúc bấy giờ, chứ không có nghĩa là đi cướp chính quyền như là Cộng Sản.

NMH: Thưa anh, anh nói yểm trợ cơ sở hành chánh có nghĩa là yểm trợ về phương diện quân sự, hay là cử người tăng phái cho các cơ sở đó?

ĐNT: Theo tôi nghĩ thì tất cả những cái cơ sở nào có thể có, cái ảnh hưởng nào có thể được, đều dồn vào nỗ lực để mà xây dựng cho chính quyền Quốc Gia cái thời đó. Mặc dù ông Bảo Đại là cái người, ai cũng biết là ông ấy làm không được, nhưng mà ít nhất thì nó có cái cơ cấu đó, để cái tên ông ấy đó. Bởi vì ta lấy cái thí dụ như thế này, về sau này càng rõ ra nữa. Nếu mà Cộng Sản không cướp chính quyền hồi đó, như là những quốc gia Cam-bốt, Lào, hay là An-giê-ri, Tuy-ni-di, Ma-rốc… Nếu Cộng Sản không cướp chính quyền ở những quốc gia đó thì họ đâu có đến nỗi gì mà không có độc lập đâu, họ đâu có mất. Bởi vì những quốc gia kia cuối cùng đến những cái lúc nước đi chiếm thuộc địa cũng phải trả lại thôi. Thế thì hà cớ gì những người Cộng Sản lại đi cướp chính quyền để mà lật đổ, để rồi cuối cùng cho đến bây giờ đưa đầu vào trong chỗ này. 

Nếu như mà trong cái tinh thần của những người Quốc Gia Việt Nam mà nếu nó thắng thế thì đất nước mình đâu có lâm vào chiến tranh. Bây giờ ta đặt một cái giả dụ là lúc bấy giờ ông Bảo Đại cũng chỉ là một ông vua bù nhìn thôi, để cho những người Quốc Gia thực sự hoạt động, xây dựng lại, thì Pháp làm sao mà đi tới được. Và cũng như những cái quốc gia mà bị cai trị lúc trước như tôi vừa mới nói, họ đâu cần phải sắt máu, trong cái thế đảo ngược đó như ở Cộng Sản Việt Nam. Nó cũng có những cái hành động đảo ngược, nhưng mà có lẽ cái hành động đảo ngược của nó còn bị chống đối ghê gớm, nó mới không làm nổi được những việc tàn phá như dân Cam-bốt.

NMH: Nếu mà Pháp, như sự phân tích của đảng Đại Việt từ năm 1939, mình nói là Pháp nhất định sẽ trở lại đế quốc cũ. Vậy thì dù có đảng Cộng Sản cướp chính quyền hay là mình có cướp được chính quyền hay là mình có giữ được chính quyền, thì Pháp nó vẫn trở lại mà.

ĐNT: Bởi vậy mình mới phải sửa soạn để chống đối. Khi mà sửa soạn để chống đối như vậy…

NMH: Thì như vậy nhất định là sẽ phải có cuộc đổ máu?

ĐNT: Có cuộc đổ máu với lại Pháp. Và nếu trong trường hợp mình đã biết rằng thế nào cũng có cuộc đổ máu với Pháp, thì ở trong nhà lại nắm đầu nhau để mà thoi nhau để mà hủy diệt nhau, thì cái kẻ thụ hưởng là cái kẻ đứng ở bên ngoài, đó là Pháp. Vì thế cho nên mới có một cái đau khổ cho thế hệ của chúng ta thời kỳ đó, cho những người ở thời kỳ đó, là đưa đầu ra mà chịu, chịu cả búa rìu, chịu cả thân xác. Trong cái thế hệ của chúng tôi lúc bấy giờ, có những anh em bảo rằng số người như chúng tôi còn lại đâu có bao nhiêu nữa. Tôi muốn nói là những người dấn thân vào cuộc tranh đấu ở thời kỳ đó. 

Mà có anh em một vài người nhìn vào nói rằng là tinh thần của những người Đại Việt lúc đó có vẻ như là cái tinh thần bourgeois (tư sản) của Pháp. Đó là cái võ đoán đối với họ, bởi vì sự thực ra chúng tôi cũng là những người mà không phải ở trong thành phần có thể nói rằng là bourgeois, cái thứ nhất. Cái tinh thần cũng không có bourgeois, là bởi vì làm thì cũng đứng trong một cái khía cạnh phục vụ cho quê hương và đất nước. Tôi phải nói rằng là không có ai nghĩ đến quyền lợi của mình, không ai nghĩ đến giai cấp của mình, cũng không ai mường tượng rằng mình sống hay là mình chết, làm là làm. Cũng như có những người mà tôi đã nói chuyện với anh một vài lần lúc sáng. Là như cái gia đình của ông Đặng Vũ Lạc, tôi nói thí dụ, đem cả tài sản của mình, đem cả cái cơ sở vĩ đại của ông ta, mà có lẽ bây giờ ở Hà Nội chưa xây nổi một cái nhà thương thứ hai như ông đó, đem cúng cho Đại Việt để mà Đại Việt sử dụng để làm cái chỗ đi liên lạc, cho những người liên lạc đi tới. 

Cũng như tôi nói là vào khoảng năm 1945 khi mà Cộng Sản cướp chính quyền xong rồi, các cơ sở không thể nào mà ở lại được nữa, mà lại còn phải sửa soạn để vẫn chống lại Pháp trong khi mà Pháp đi tới, vẫn phải né Cộng Sản, mà lại vẫn phải sửa soạn để chuẩn bị chống với Pháp. Đó là cái khó khăn, đấy là một cái nguy hiểm cho đảng Đại Việt nhất. Thế thì những gia đình như là ông Đặng Vũ Lạc, con cũng đưa vào cho tổ chức Đại Việt sử dụng, tài sản của ông ta cũng đưa cho đảng Đại Việt sử dụng. Rồi có những bà mẹ như là bà mẹ của anh bác sĩ gì tôi quên mất tên rồi. Anh ấy làm giám đốc bệnh viện về sau này. Bà cụ bảo bây giờ có bao nhiêu nhà ngày xưa ông bố ông mua cho, ông chồng mua cho, thì Đảng cứ lấy đi mà dùng. Thế rồi cũng có những người bảo rằng bây giờ tiền không có nữa, các cơ sở ở trên các khu chiến không có tiền để mà sử dụng nữa, thì mấy anh em bảo là thôi bây giờ ông bố tôi ông ấy nhiều tiền lắm, bây giờ các anh về thì tôi bố trí người ta làm cướp, cướp tiền của bố, lấy tiền đấy nuôi anh em. Ngay cả việc bàn thảo về việc lập chiến khu Di Linh cũng thế, là thời kỳ mà nó sôi động và có những bố trí để mà chỗ nào cũng thế, vẫn tìm cách để mà né, không đánh nhau với Cộng Sản.

NMH: Lập chiến khu mà lại không đánh nhau với Cộng Sản?

ĐNT: Lập chiến khu là để đào luyện, chứ không phải lập chiến khu là để đánh nhau với Cộng Sản.

NMH: Đào luyện để làm gì?

ĐNT: Chống Pháp. Cái giai đoạn đó là tất cả chỉ để mà chống Pháp. Nhưng mà sở dĩ mà phải chống Cộng Sản, là bởi vì Cộng Sản đánh thì phải chống thôi, chứ còn tất cả cái đó là để chuẩn bị để sửa soạn chống Pháp.

NMH: Tức là anh nói là giai đoạn sau khi Cộng Sản cướp chính quyền?

ĐNT: Sau khi Cộng Sản cướp chính quyền rồi.

NMH: Và sau khi chính phủ liên hiệp tan rã phải không?

ĐNT: Từ cái lúc mà nó chưa tan rã, ngay cái lúc mà rút ra khỏi, ngay cái lúc mà các bộ đội của Đại Việt ở các khu chiến để trở về sửa soạn để yểm trợ cho chính quyền Trần Trọng Kim vừa mới từ chức. Ngay từ lúc bấy giờ thì đi vào miền Nam để mà xây dựng cơ sở ở miền Nam, hoặc là đi vào miền Trung cũng chỉ để sửa soạn cái miền Trung đó. Và trở lại một vài khu chiến khác, như là khu chiến Thanh Hóa. Thì lúc bấy giờ tôi có may mắn, tôi được xem một cái sơ đồ và một buổi họp của các ông ấy sửa soạn để mà tổ chức khu chiến Thanh Hóa. Thì tôi biết rằng là tất cả con đường đóng ở Di Linh, Thanh Hóa là con đường đi sang Lào. Tại sao phải đóng ở đường đi sang Lào? Tại sao lại đi vào trong cái chỗ đó? Bởi vì cái chỗ đó là một khu vực chỉ để mà huấn luyện thôi. Nếu mà cướp lại của Cộng Sản thì phải đi cướp từng cái thành phố, từng làng, từng xã hay là từng thành phố chứ. Đằng này đưa vào cái khu rừng đó để làm cái gì. Tức là để mà huấn luyện cho cán bộ nằm ở trong đó. Cũng như là cả một cái giẻo đường từ ở trên mạn Lào Cai trở xuống, không phải là đi để mà đóng dọc theo con đường đó để chống lại Cộng Sản, mà là rõ ràng Cộng Sản tấn công thì lúc bấy giờ mới đánh lại. 

Tôi ở trong cái trường lục quân đầu tiên gọi là Trường lục quân Yên Bái. Không, đầu tiên gọi là Lục quân Sa Pa. về sau đưa trở về Yên Bái, để mà trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu ở đó. Rồi sau lại đưa chúng tôi trở lại trên Sa Pa cũng chỉ là cái mà chống đỡ Cộng Sản thôi, chứ thực ra không để mà tấn công Cộng Sản. Tất cả đều chuẩn bị để chờ ngày đánh nhau với Pháp. Nhưng mà bị Cộng Sản đánh tan.

NMH: Như vậy có nghĩa là không đánh Cộng Sản bởi vì không muốn chiến tranh huynh đệ tương tàn, chỉ chờ ngày đánh Pháp thôi. Lúc ấy thì Pháp chưa đổ bộ. Nhưng mà anh nghĩ rằng lúc đánh Pháp như vậy, tức là có phải cùng liên hiệp với Cộng Sản không?

ĐNT: Không, không liên hiệp với Cộng Sản.

NMH: Tức là cứ đánh Pháp riêng mình thôi?

ĐNT: Cứ đánh Pháp cũng như là ở trong miền Nam vậy. Các tổ chức của Quốc Gia là cứ tổ chức đánh Pháp. Trong khi đó Cộng Sản đánh hay không đánh không cần biết. Nhưng mà hầu hết những tổ chức của Quốc Gia, một mặt vẫn phải đánh nhau với Pháp, một mặt thì Cộng Sản Việt Nam vẫn đánh mình. Cái khó khăn và cái…

NMH: Anh có thấy là công việc của anh, cái lối lý luận đó, xin lỗi anh, có phải là không thực tiễn không? Một đằng là mình đánh Pháp, và mình không đánh Cộng Sản, nhưng mà nó đánh mình thì mình mới đánh thôi. Mà nó đã đánh mình rồi, thì mình chỉ chống trả lại thôi, tại sao mình không tìm cách đánh nó đi để khỏi bị nó đánh mình nữa, để mình rảnh tay đánh Pháp?

ĐNT: Cái này nó cũng đi đến một cái chỗ nữa là các anh đã thấy rằng nếu bây giờ đây hai bên cứ tìm nhau mà đánh, một là nó diệt mình, hai là nếu không thắng được nó thì mình cũng ngất ngư, mà cả hai cùng ngất ngư. Cái khó ở chỗ là nếu giờ đây lý luận bảo rằng mình đi trốn nó, mình đi tránh nó, để nó cứ đánh mình hoài, tại sao mình không đánh. Nhưng mình cũng hiểu như thế này, nếu ở trong cái giai đoạn mà… cái giải thích hơi tế nhị và hơi khó khăn. Có nhiều cái mình biết mà mình không làm được, hay là mình phải nhắm mắt đi. 

Tôi không lấy đem vào đây làm thí dụ, nhưng nhất thời tôi chỉ tìm cái nghĩa là đôi khi đứa con của mình, mình biết là nó làm bậy, mà mình không lôi nó ra để kể tội, bởi vì mình còn muốn làm cho nó một cái gì khác nữa. Tôi không nói là Cộng Sản sẽ thay đổi cái ý của nó, nhưng mà tôi chỉ muốn nói rằng là mình đi tìm một cái lý luận nào đó để chứng minh rằng những người Quốc Gia chỉ nhắm việc đầu tiên nhất là chiến đấu chống Pháp, chống kẻ thù trước nhất. Cộng Sản có thể sẽ nguy hiểm, nhưng không nguy hiểm trong nhất thời. Thành ra mình coi nó như là một kẻ thù thứ nhì. Cái thứ nhất cần phải diệt trước. Nếu mà diệt xong được cái anh đó, thì cái anh thứ nhì này dĩ nhiên là phải tính. Đối với cái bọn của ông Hồ Chí Minh chắc chắn cũng biết như vậy. Họ cũng biết như vậy. Thành ra một mặt nó hòa hoãn với Pháp để diệt mình trước.

NMH: Thưa anh, ban nãy anh nói là có một số người chê trách đảng Đại Việt là có thái độ bourgeois, hay còn gọi là tư sản. Thưa anh, theo anh biết thì giai đoạn thành lập của đảng Đại Việt, đa số những người gia nhập đảng Đại Việt thuộc thành phần gì?

ĐNT: Tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ cái loại thanh niên trí thức thì…, lúc mà đào luyện cán bộ thì cái số đó đa số là thanh niên trí thức nhiều hơn. Cái đó là đa số.

NMH: Thưa anh, anh có thể cho biết theo quan niệm của anh, tại sao những người đảng viên Quốc Dân Đảng phần lớn lại thuộc loại giáo viên và những người ở trong nhà binh. Trong khi đó, những người của đảng Đại Việt phần lớn là trong giới thanh niên trí thức trong đại học ra. Lý do gì tạo ra như vậy không?

ĐNT: Như anh biết chủ trương của Đại Việt là để đi hỗ trợ trực tiếp cho cái cơ cấu mà nếu Đảng Đại Việt có thể đưa người vào được, thì thành phần trí thức vẫn là thành phần chính. Để mà đi vào xây dựng, chứ không phải là đi vào đạp đổ như Cộng Sản, bởi nó lấy những anh cà chớn, hay là những cái anh chỉ biết có một chiều, đạp đổ tất cả cái đi, rồi thì ngoan cố để nó hạ lệnh cho những người khác.

NMH: Thưa anh, về phương diện chủ nghĩa của đảng Đại Việt, thì như anh nói đảng Đại Việt chỉ có quốc gia dân tộc thôi, xây dựng cho dân tộc, đòi lại độc lập cho quốc gia, và làm cho quốc gia phú cường thêm. Thực sự thì chủ thuyết đó, nói về một khía cạnh nào đó, nó có những cái tương đối tiêu cực. Tiêu cực tức là thế này, tức là ai mà xâm lấn mình thì mình đuổi ngoại xâm, thế thì sau khi đuổi ngoại xâm rồi thì đảng Đại Việt có trù liệu rằng là xây dựng quốc gia theo kiểu nào không? Như bên Cộng Sản chẳng hạn, nó rõ rệt là nó xây dựng theo kiểu đấu tranh giai cấp rồi. Nó sẽ đi đến vô sản chuyên chính. Nó sẽ đi đến giai cấp đại đồng. Thế thì ở bên phía Đại Việt thì cái chủ thuyết có trù liệu một cái gì sau cái giai đoạn mình đã độc lập rồi không?

ĐNT: Theo tinh thần mà chúng tôi được biết, kể từ cái Bản Tuyên ngôn cho đến những lúc mà anh em giải thích cho nhau, thì chúng tôi hiểu rằng là chủ trương của đảng Đại Việt dĩ nhiên là tranh đấu để giải phóng, và sau khi giải phóng xong rồi mới là vấn đề chính. Đó là vấn đề mà ngay trong Bản Tuyên ngôn các anh cũng đã viết rõ. Thời kỳ kiến tạo xã hội, đứng ở trên cái quan niệm nào để mà kiến tạo xã hội, đứng về phương diện xã hội thì xây dựng ra làm sao. Cái cơ sở nông thôn là cái cơ sở quần chúng, phải kiến tạo nó theo hình thức nào, cái mô thức nào. 

Tôi nói thí dụ như là ở trong quan niệm xã thôn của mình, thì làng xã của miền Bắc là một cơ cấu vững để đẩy tất cả chiều hướng xâm nhập văn hóa của tư tưởng của bọn thống trị. Bây giờ tôi nói một thí dụ như thế này. Bao nhiêu ảnh hưởng xâm nhập của ngoại quốc đi vào trong chiều sâu của dân tộc Việt Nam, nó chỉ đến được các thành phố lớn thôi. Thực tình mà nói, đi sâu vào trong quảng đại quần chúng Việt Nam, nhất là ở trong lề lối xã thôn của mình nó vẫn còn vững ghê lắm. Mặc dù là những người Tàu có chiếm bao nhiêu lâu, lúc trước hàng ngàn năm, mà cái ảnh hưởng của nó đối với xã thôn không đi đến đâu cả. Ngay bây giờ tôi nói thí dụ như bọn Cộng Sản xóa kinh khủng, như theo tôi được biết, thì cũng chưa thấm vào đâu, chưa có bứng được nổi rễ của cơ sở xã thôn, nếp sống của xã thôn. Đình làng của Việt Nam cũng vẫn còn có những nét độc đáo của nó. Thế nếu bây giờ đây quan niệm của đảng Đại Việt là, dĩ nhiên ở trong sự tạo dựng nếp sống của quần chúng, và xây dựng nền kinh tế của quốc gia được ngày một phồn thịnh hơn lên, thì hẳn nhiên chúng ta không thể thấy trong một tổ chức gọi là kinh tế chỉ huy được. Bởi vì kinh tế Cộng Sản là kinh tế chỉ huy. 

Đứng về phương diện văn hóa thì theo tôi cũng cảm thấy rằng là nó có một vài cái quá đà của những thời kỳ 1934, 1935, 1936 cho đến vào khoảng năm 1940, 1945. Những văn hóa do ảnh hưởng của những người Quốc Gia, trong đó dĩ nhiên có cả đảng Đại Việt lẫn các anh em của ông Nguyễn Tường Tam, nó đi, mà tôi gọi là đi không đến. Tức là các anh em đã làm công việc đi để mà chỉnh lại nếp sống xã hội, cũng chống lại các cái cường hào, chống lại những sự tham nhũng, chống lại hành động của các nhóm đi thân ngoại quốc. Để làm gì? Trong cái tinh thần chống đó nó kéo dài, và nó xây một con đường dài, chứ không phải anh cầm con dao, anh chặt cái bốp đi để nó thay một cái khác. 

Thế nhưng mà những người, kể cả trong nhóm của các anh em ở bên phía VNQDĐ, của Dân Chính, về sau này là VNQDĐ của nhóm Nguyễn Tường Tam, đang bị một vài tờ báo nói rằng là các anh em đó là những người đả phá, làm cỗ cho Cộng Sản ăn. Thì cái đó cũng hơi đau người ta. Bởi vì nếu giờ các anh còn sống, hoặc là các anh có phương tiện để đi tới, thì đồng ý là cũng phải hiểu rằng là giai đoạn đả phá, trong cái tinh thần đả phá đẹp đến như vậy, mà nó không thành được là vì cái hoàn cảnh, cái thời cơ nó đến cái chỗ đó, sức người nó làm có đến đó thôi. Mà đến khi bị sức mạnh mạnh hơn nuốt đi mất thì cũng đành chịu. Tức là cái giai đoạn sau đáng lẽ những người sau phải đi làm tiếp. Mà cái làm tiếp mà mình làm không được thì mình phải chuẩn bị trước. 

Tôi muốn nói cái chuyện là những anh em ở miền Nam, khi mà gom nhau, cùng sức với nhau để mà chống Pháp, và đồng thời nữa thì cũng vẫn còn có chiều hướng chống Cộng Sản. Nếu mà anh biết trong giai đoạn của những anh em miền Nam củng cố, hợp tác với nhau lại để mà chống, trong khi đó thì vẫn phải né Nguyễn Bình. Rồi cuối cùng đến thì nó cũng làm cho mình chết lên chết xuống. Rồi thì bị dư luận cho rằng những người ở trong miền Nam, trong tổ chức của kháng chiến Nam Bộ, cũng như là cái lối mà gọi là tiểu tư sản. Rồi thì không có thực tiễn, tôi nói thí dụ như vậy. Nếu mà cứ kết án như vậy, thì… Tôi gọi là nên học lại lịch sử để mà mình xét đoán và không làm đau lòng những người… Mặc dù người ta nếu có thất bại thì cũng là hết sức của họ rồi. Bây giờ giả dụ như cái nhóm của các anh em Bình Xuyên chẳng hạn. Thì cái thời đầu ấy, Tư Thiên với các anh em khác, họ cũng đã đem tất cả những khả năng, đem tất cả những hiểu biết của họ đi ra để mà cộng tác với đảng Đại Việt, cũng như là cộng tác với các anh em ở miền Nam để mà tổ chức kháng chiến.

NMH: Anh có thể cho biết thêm về liên hệ giữa đảng Đại Việt và Bình Xuyên giai đoạn đó không?

ĐNT: Cái hồi sau khi Cộng Sản cướp chính quyền, như tôi có nói với anh ban nãy, số người từ các chiến khu trở về để chờ lệnh rồi cuối cùng phải rút đi. Thì các anh em có một số được lệnh đi vào miền Nam, trong đó có anh Phạm Cao Hùng, về sau các anh ấy gọi là Phạm Thiết Hùng. Một mặt ở lại để mà cùng với các anh em xây dựng bộ đội. Và một mặt khác thì những anh khác có tính cách cao cấp hơn thì liên minh với những tổ chức, như là của Cao Đài, Hòa Hảo, và Bình Xuyên lúc bấy giờ. 

Trong số những anh em gọi là có cái máu nóng của Nam Bộ, có anh Tư Thiên. Anh ấy lái xe của anh ấy đi ra tới Hà Nội, đưa anh Hùng ra tới Hà Nội để mà gặp ông Trương Tử Anh bàn thảo những công chuyện làm đối với việc phát triển cơ sở kháng chiến Nam Bộ. Như vậy tức là họ cũng đã có các cố gắng. Chỉ rủi một cái là ở trong cái chỗ mình hiểu rằng bọn Cộng Sản có một lý luận là làm việc cho quê hương của nước Nga. Và nó được sự chỉ huy, hướng dẫn, và tiếp tế ở nước Nga. Còn những người của mình là những người mà, không phải là gò bó, không phải là bị trói buộc, nhưng mà tất cả phương tiện và khả năng của mình ở trong cái mức độ thiếu sót đó, thiếu kém đó. Cho nên dù là với bao nhiêu tinh thần, bao nhiêu cố gắng, mình thua nó là ở cái chỗ đó. 

NMH: Thế sao Cộng Sản thì nó được… chẳng hạn như là tình báo Mỹ, chẳng hạn, giúp huấn luyện. Mình không được giúp, cơ quan ngày xưa gọi là Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), nó có giúp huấn luyện, giúp một số võ khí. Mình thì một mặt khác, như anh em Quốc Dân Đảng, được võ khí giúp đỡ từ bên Quốc Dân Đảng Trung Hoa chẳng hạn. Thế thì chuyện đó đối với Đại Việt ra sao? Cái liên hệ của Đại Việt với nước ngoài?

ĐNT: Nếu tôi hiểu không lầm thì lúc bấy giờ cũng có một số các anh em đi sang bên Trung Hoa. Nhưng mà cái tương quan mà nói về cái quyền lợi, thì cái nước nọ với nước kia họ đặt trên cái tương quan quyền lợi. Nếu mình không đem lại cho họ một cái quyền lợi nào, thì chắc chắn là họ không có giúp cho mình trong cái chỗ đó. Ban nãy anh hỏi về vấn đề xây dựng dựa vào chủ nghĩa của Đại Việt, xây dựng cho đất nước về sau này khi mà độc lập được an bài, thanh bình đã trở lại, thì đảng Đại Việt sẽ làm cái gì. Chúng tôi nghĩ là việc xây dựng ở trong nước đứng ở phương diện nội bộ, nó đã có những quan niệm đó rồi. Còn đứng phương diện quốc tế thì dĩ nhiên là ở trong tinh thần tương quan giữa quốc gia với nhau, vì quyền vì lợi thôi. Mà cái đó là rõ ràng quá. Như năm 1975 thì các anh em đã thấy rằng là vì quyền lợi này, quyền lợi khác mà người ta có thể có hành động này, hành động kia. Trở lại với năm 1946 khi mà Pháp sửa goạn đổ bộ vào miền Bắc thì họ đã mặc cả với chính phủ Tưởng Giới Thạch để mà lấy con đường xe lửa từ Hải Phòng lên tới Vân Nam, cái đường xe lửa đó đó. Tưởng Giới Thạch đã cho ngay ở trong cái chỗ đó.

NMH: Tức là Đại Việt hoàn toàn không có nhận được một sự giúp đỡ gì từ bên ngoài?

ĐNT: Theo tôi thiển nghĩ thì có thể nói là 6 phần 10 đúng là Đại Việt không có nhận được những yểm trợ từ ở nước ngoài, có thể là đúng, 6 phần 10. Tôi không dám chắc 10 phần 10. Tôi cũng được biết nữa là có những cuộc điều đình, nhưng mà nó gần như là không thành, là vì quan niệm của Đại Việt có lẽ hơi cứng nhắc.

NMH: Điều đình với ai ạ?

ĐNT: Điều đình với lại…, cái hồi đó, một vài tòa đại sứ, hay là sứ quán của ngoại quốc ở Hà Nội. Tôi nghĩ là có một cái…, hai, ba cái mà tôi được biết, cái nhóm của Tàu là một, dĩ nhiên. Một cái sứ quán của Ăng-lê là hai. Với lại cũng có một cuộc điều đình với Pháp để thương thảo về vấn đề nếu mà Pháp đừng có xâm lăng, nếu Pháp chịu rút lui, nếu Pháp làm cái gì đó thì đổi ngược trở lại mình phải làm cái gì. Nhưng mà tất cả những đòi hỏi theo tôi nghĩ, đứng về phương diện Đại Việt có vẻ hơi cứng nhắc. Không phải là cứng nhắc, mà cái đòi hỏi hơi nhiều. Họ thì họ nghĩ là cái quyền của họ… 

Đào Nhật Tiến 2 –VP-NMH-A010

NMH: Dạ thưa anh, xin phép cho tôi trở lại một chút. Anh có nói về chủ nghĩa của đảng Đại Việt, nói là anh muốn xây dựng quốc gia cho phú cường, và chống lại vấn đề kinh tế chỉ huy. Nhưng mà về phương diện chính trị thì đảng Đại Việt chủ trương theo cái giải pháp nào?

ĐNT: Anh muốn nói là về vấn đề…

NMH: Vâng, tổ chức ở chính trị trong nước thì theo nguyên tắc nào?

ĐNT: Đầu tiên là tập hợp những thành phần ưu tú trong xã hội của mình, những cái phần tử ưu tú. Nếu mà quan niệm lý thuyết, và trên giấy tờ viết rõ, tập hợp những thành phần ưu tú lại để mà cùng hoạt động trong một giai đoạn gấp rút, để tổ chức lại đất nước mình sau bao nhiêu năm bị cai trị. Và rồi sau đó thì dĩ nhiên đi đến chỗ thể chế cởi mở hơn. Đó là quan điểm chúng tôi nghĩ là tinh thần của Đảng Đại Việt cũng đi trong cái chiều hướng đó. Đặc biệt là trong cái tìm hiểu về đất nước của mình, cái học hỏi về cơ cấu của xã hội của mình từ xưa, thì nó có những cái nào là cái ưu việt, và những cái nào là những cái không còn ưu việt nữa, cần phải đào thải. Thì trong cái tinh thần đó nó đi đến chỗ nó sửa đổi lại, chứ không phải là cắt bỏ nó đi, để mà bứt nó đi.

NMH: Chúng tôi về sau này nghiên cứu thì thắc mắc nhất là vấn đề tổ chức của các chính đảng Quốc Gia Việt Nam. Hồi đó như anh kể, khi vào đảng anh không hẳn vào đảng, anh ở ngoài đảng. Xin anh có thể cho biết sơ qua là đảng khi mà recruit cán bộ, thu dụng, thì theo kiểu nào? Anh vào đảng qua sự giới thiệu cá nhân hay là anh biết đến đảng qua cái nào, cái lối thu hút như thế nào? Ngoài cái việc đó, xin anh cho biết thêm hàng ngũ lãnh đạo đảng đầu tiên ra sao? Ai sáng lập? Những người đầu tiên là những ai? Họ ra sao?

ĐNT: Đi từ cái cơ sở hạ tầng. Như vậy chúng tôi mới nói là huấn luyện chi bộ, huấn luyện đảng viên ở trong một chi bộ. Trên nguyên tắc dĩ nhiên là phải tìm thăm dò cái anh ấy có phải là cái anh hai mang hay không, đừng có làm việc cho địch. Địch có nghĩa là cả Pháp lẫn tất cả những người nào mà không còn đi theo cùng một chiều hướng với mình. Thì cái người đó là người được thăm dò trước nhất. Thăm dò thôi, và giao công tác những cái mà không có liên quan gì đến cả, nó như là một cảm tình viên. Từ cảm tình viên đi đến chỗ giới thiệu cho những cấp có trách nhiệm để xem xét lại một lần chót, xem người đó có phải là người đáng tin cậy không, có thể tin cậy được hay không. Sau đó mới đưa vào tổ chức của Đảng. 

Khi được vào tổ chức xong rồi thì lúc bấy giờ mới đi đến chỗ được huấn luyện. Huấn luyện từng phần hành một. Cho nên chính tôi về sau này tôi cũng đi huấn luyện. Tôi muốn nói rằng là bây giờ thí dụ nó cũng chuyên môn hóa. Bây giờ thí dụ như một anh chuyên môn đi tổ chức thì được huấn luyện theo hình thức chuyên môn đi tổ chức. Một anh nữa là đánh máy về hành chánh thì cái anh đó làm cái gì. Một số nữa mà chúng tôi gọi là cán bộ đa dạng, như tôi về sau này, có thể nói rằng là cái gì cũng phải làm, cái gì cũng phải biết. Từ cái việc đi chợ nấu ăn, tới cái việc chẻ củi đi vào trong rừng, cho đến cái việc đánh máy, hay là in truyền đơn. Làm cách nào để mà in một cái tờ truyền đơn, mà mình không có cái gì cả, chỉ có cái bút với lại mấy tờ giấy thì làm sao, hoặc là cái ký bột nếp. Đấy là tất cả những cái kỹ thuật để có thể tự túc hoạt động. Trong cái tinh thần của cái việc tổ chức huấn luyện đó là thế này. Một người cán bộ sau này sẽ trở thành một cán bộ chỉ huy, và một chi bộ sẽ trở thành một chi bộ đầu não, nếu mà cái trung ương bị mất. Về sau này nó đẻ ra những cái đó nó cũng đưa đến cái tác hại, là nó nhiều chỉ huy đầu não quá. Nhưng mà trong cái cấp thời, và trong cái nguy nan như vậy, mà không có huấn luyện để theo hình thức đó, thì đến khi nó mất liên lạc lấy gì mà làm việc? Từ cấp chi, cho đến cấp khu hay là miền, nó cũng đứng trên cái cương vị đó.

Còn về thành phần của cơ cấu lãnh đạo trung ương lúc bấy giờ thì không ai… Không phải là không ai, nhưng có một số rất ít biết đến những người nào là những người trong vai trò chính, chỉ biết có một mình ông Trương Tử Anh là cái người mà nổi bật nhất. Còn những người khác, kể cả đến Nguyễn Tôn Hoàn, kể cả đến Đặng Văn Sung, chỉ là những anh em đứng ra để mà, lúc bấy giờ cũng chỉ là những người thừa hành thôi. Tôi nghĩ rằng là có khoảng độ 4, 5 vị nữa, nhưng mà một cái người mà tôi biết về sau này, gặp lại ở Hà Nội vào năm 1947. 

Thì khi mà chúng tôi trở về Hà Nội là lúc mà Cộng Sản đã lũng đoạn tất cả những cái cơ cấu Quốc gia, cơ sở của các đoàn thể, phá vỡ hết tất cả rồi. Thì phải trở về hàng ngũ nào đó hoặc cơ sở nào đó để mà hoạt động, thì tôi có gặp lại cái anh đó. Nhưng có một cái lạ là, sau khi gặp anh ấy vào khoảng độ tháng Bẩy hay tháng Tám năm 1947, anh ấy nhận được lệnh. Tôi không biết là anh ấy nhận trực tiếp hay là gián tiếp. Nhưng mà tôi chỉ biết rằng khi mà chúng tôi ở chiến khu về, thì trước cái ngày chiến tranh toàn quốc. Tôi về trước có mấy ngày thôi. Tôi được lệnh là sửa soạn để đi nữa. Thì chưa kịp nhận được lệnh đi đâu cả thì chiến tranh bùng nổ. Tôi đi phân tán, rồi sau đó tôi trở về. Anh đó cũng trở về. Và anh đó là anh Phạm Cảnh Hoàn, chứ không phải Nguyễn Tôn Hoàn. Anh ấy trở về thì lại có một cuộc vận động để đưa Bảo Đại trở về. Nó cũng là một cái giải pháp. Đành rằng cái ông Bảo Đại… Đấy, trở lại cái khó khăn là như vậy. Nếu bây giờ đây mình yểm trợ trực tiếp, hoặc là mình tham gia cái đó, thì chẳng hóa ra là mình tiếp tay với đối phương của mình là Pháp đấy sao. Mà nếu mà không có một cái cơ sở nào để mà bấu víu vào cái chỗ đó, để mà giữ cái vòng ảnh hưởng của Pháp đừng có đi quá xa, và có một cái chỗ để nương náu cho những người không thể nào nằm trong cái vùng của Cộng Sản để hoạt động được, thì phải có cái chỗ nào đó để mà sử dụng. Thì cái anh đó anh trở về tổ chức xong lại đi luôn. Từ ngày đó không thấy tăm tích nữa. 

Những cái hình thức tổ chức của Đại Việt là một cái hình thức hoàn toàn, trong cả cái hình thức tổ chức sơ đẳng nhất, thấp nhất, cũng là một cái hình thức bí mật. Vì thế tôi mới nói lại với anh là, khi mà nó mất đầu, thì những tổ chức dưới trở thành một cái i-lô (đảo nhỏ), nó đứng lên. Khi trở thành i-lô nó đứng lên, nó dễ sinh ra một cái như là… sứ quân.

NMH: Thưa anh, bây giờ tôi xin hỏi anh một câu hỏi. Như vậy trở lại cái đoạn 45, sau cái ngày không quyết định cướp chính quyền nữa, một số các anh em thì trở lại chiến khu chuẩn bị chống Pháp. Một số anh em nữa thì cử vào Nam, vào Trung có phải không ạ? Như anh nói vào Nam vào Trung, cũng lại chuẩn bị liên lạc ở trong đó, để chuẩn bị chống Pháp. Đến bao giờ thì cái liên minh giữa đảng Đại Việt với Quốc Dân Đảng chấm dứt? Có phải khi ông Trương Tử Anh chết rồi thì nó bắt đầu chấm dứt?

ĐNT: Vâng, cái đó thì thì… đến cái ngày đó là cái ngày mà không còn có thể nói cái gì được nữa rồi. Tức là năm 1946 đó, lúc mà nó đã đánh bật các khu chiến còn lại cuối cùng. Tôi nhớ lại vào khoảng tháng 12 năm 1946, là cái cơ sở cuối cùng nó đánh bật ra khỏi các khu chiến. Anh nhớ là ngày 4 ngày 5 nó đánh bật ra, thì ngày 19 là ngày mà chiến tranh toàn quốc. Bởi vì tất cả số người còn lại ở trong Hà Nội cũng như là ở các nơi đều nghĩ rằng, đây là cái theo tôi hiểu và cũng là, có lẽ một phần cũng là nằm trong chính sách nữa, là không thể để cho Pháp với Cộng Sản kéo dài mãi cái tình trạng mà nó cứ lấp lửng. Bởi vì nếu nó càng lấp lửng bao nhiêu thì chỉ càng chết dân bấy nhiêu thôi. Thành ra phong trào của những người còn lại là làm thế nào để nuôi tinh thần chống Pháp trước đã. Thế thì khi xảy ra cuộc chiến một cái là Cộng Sản tìm cách hủy diệt ngay tất cả, từ ông Trương Tử Anh, ông Lý Đông A, cho đến về sau này nó đánh lừa ông Huỳnh Phú Sổ nó đưa giết luôn.

NMH: Tức là năm 1945 thì về [Hà nội], sau đó không thành công, một số trở về khu chiến. Nhưng mà cuộc chiến tranh, hay là cuộc xung đột giữa đảng Đại Việt và đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục. Và đến tháng 12 năm 1946, cuối năm đó, trước khi chiến tranh bùng nổ thì các khu chiến của đảng Đại Việt đã bị đánh bật ra khỏi rồi, phải không ạ?

ĐNT: Ở miền Bắc.

NMH: Ở miền Bắc đã bị đánh bật ra rồi. Trong khi đó một số anh em vào miền Nam thì vào thoát thôi?

ĐNT: Vâng, thì nằm trong cơ sở của kháng chiến Nam Bộ, nằm chung với cơ sở của kháng chiến Nam Bộ.

NMH: Có thể nói rằng là sau khi cuộc chiến tranh Pháp–Việt bùng nổ, thì đảng Đại Việt không còn hoạt động như là một đảng nữa. Những đảng viên Đại Việt sẽ bị bung ra nhiều nơi. Cũng như trường hợp của anh cũng bị bung ra nhiều nơi, sau khi trở về lại, có phải không? Anh có nói là anh trở về trước ngày chiến tranh Pháp–Việt bùng nổ. Anh đã được lệnh đi nữa, nhưng rồi bung đi, rồi năm 1947 anh trở về và anh gặp ông Phạm Khải Hoàn. Sau đó thì lại tính đến cái giải pháp Bảo Đại. Như vậy từ đó trở đi, chính sách đảng Đại Việt là ra sao? Có còn đảng Đại Việt nữa không, có trung ương nữa không? Và chính sách đảng Đại Việt ra sao từ giai đoạn đó trở đi?

ĐNT: Lúc bấy giờ thì anh Đặng Văn Sung ở bên Hồng Kông về. Bởi vì anh đi qua ngả Lạng Sơn, Bắc Giang, anh đi sang Tàu. Anh Nguyễn Tôn Hoàn cũng đi cái ngả đó đi sang Tàu. Vì thế có cái thay đổi là khi anh Hoàn trở về, thì anh ấy về miền Nam. Anh Sung về miền Bắc. Anh Hoàn trở về có lẽ vào khoảng năm 1947, 1948 gì đó. Trước lúc anh Hoàn về, hay là sau khi anh Hoàn về thì có cái sự thay đổi người chỉ huy của đảng Đại Việt ở miền Nam. Tức là anh Mười Hướng thôi, và anh Nguyễn Tôn Hoàn thay. Lúc bấy giờ các anh em ở miền Nam mới xây dựng một tổ chức để làm cái bình phong hoạt động bên ngoài. Cái đó gọi là Thanh niên Bảo Quốc Đoàn. Anh Đỗ Văn Năng sáng lập và chỉ huy cái đó. Một mặt thì vẫn không cộng tác với Pháp.

NMH: Thanh niên Bảo quốc Đoàn tức là hội tư hay thuộc về chính phủ?

ĐNT: Nó là hội tư, mà huấn luyện cán bộ. Trong đó có những Huỳnh Văn Tồn với Đỗ Kiến Nhiễu này kia ở trong cái nhóm các anh em huấn luyện đó.

NMH: Huấn luyện như kiểu hướng đạo, hay là huấn luyện cả võ khí nữa?

ĐNT: Ờ, huấn luyện… tôi nghĩ là không có phần võ khí, đứng về phương diện cán bộ chính trị thì nhiều hơn. Cũng có những cái chuyện canh gác, nhưng các cái đó là thường thôi. Các anh em có lập một cái chiến khu, gọi là chiến khu An Thành ở Vĩnh Long. Đó cũng chỉ là một nơi để huấn luyện thôi. Đấy, nó từ trên đến dưới và từ trước đến sau, vẫn chỉ là huấn luyện cán bộ để đi làm cái gì đó, chứ không phải huấn luyện cán bộ để mà cướp lấy, hay là chiếm lấy một vùng lãnh thổ nào đó, để rồi bành trướng việc nắm chính quyền. 

Tôi có vào Nam năm 1949. Lúc bấy giờ là lúc ông Bảo Đại về Baie d’Halong (Vịnh Hạ Long) và anh Sung với lại các anh em, anh Hoàn với một số những người trong nước vẫn liên lạc với nhau, và có thành hình một cái tổ chức, gọi là tổ chức trung ương của Đại Việt. Và đầu tiên tạm thời khi mà chưa có một cơ cấu rõ ràng như vậy, do các phiên họp do các anh em ấy trở từ ở ngoài về. Thì ở trong nước là do ông Đặng Vũ Lạc, ông ấy đứng ra liên lạc với các anh em, cho các anh em ở bên trong nước. Kịp đến khi mà anh Sung, anh Hoàn với một số anh em khác trở về, thì lúc bấy giờ họp lại và thành lập một cái trung ương.

 Cái trung ương đó, ở trong miền Nam cử người ra để mà tăng cường cho hoạt động của trung ương, mà trung ương đặt ở miền Bắc. Nhưng mà có một cái không may, là trong tinh thần tự trị cao quá, nó quá lên, nó đi đến cái chỗ mà gây ra sự tranh chấp nội bộ. Từ tranh chấp nội bộ đi đến chỗ đố kỵ nhau. Tôi nhớ rõ lắm, anh Hiệp, tôi gọi là anh Hiệp già, cái người lý tưởng, không phải ở bên Hòa Hảo đâu, anh này là của Đại Việt. Năm 1951, anh ấy nói với tôi thế này. Anh bảo là sớm muộn gì các anh em ở miền Nam cũng đón tất cả các anh, cũng đón đồng bào ngoài Bắc vào miền Nam. Thế thì lúc bấy giờ tôi mới bảo là: “Bộ anh nghĩ, anh di tất cả miền Bắc này vào trong đó?” Anh bảo là: “Sớm muộn gì nó cũng bỏ à.” Là một anh lý thuyết, và cốt cán của số anh em miền Nam, đi ra ngoài Bắc hoạt động. Từ chỗ va chạm về quyền hành, chứ không phải là quyền lợi, giữa các anh em ở miền Bắc với lại miền Nam. Tôi muốn nói là có một số thôi, nó tạo ra cái khung cảnh để đến cái chỗ mà nó vỡ. 

Tôi có đọc một bức thư anh Sung đưa cho tôi xem. Bức thư của anh Hoàn viết ra, trách cứ và bực bội về tổ chức của trung ương. Kể từ đó trở đi nó đưa đến cái chỗ nó cứ ngày càng sâu đậm thêm. Và có một vài cá nhân có quyền, do trung ương của Hà Nội đề cử để mà tham dự chính quyền của ông Bảo Đại, nó đi đến quá khích. Tôi nhận rằng có một vài người ở miền Bắc đã đi đến chỗ quá khích. Từ cái quá khích đó nó đưa đến cái chỗ nặng nề hơn nữa là làm cho các anh em ở miền Nam không thể cộng tác được nữa, tách ra làm thành tổ chức khác. 

Và tôi cũng trở lại năm 1950. Trong khi mà cộng tác giữa hai miền cũng có những cố gắng để mà vá víu với nhau, thì chẳng may ở miền Nam tụi Pháp nó giết, bắn, hạ sát, ám sát mất anh Đỗ Văn Năng, là người chỉ huy Thanh niên Bảo quốc Đoàn. Rồi sau đó Nguyễn Văn Tâm lại nhốt cái anh thế cho anh Đỗ Văn Năng là Trần Văn Xuân, đưa đi trại an trí ở ngoài Bắc. Tôi là người phụ trách để mà theo dõi giúp cho anh Xuân trong cái thời kỳ mà suốt bao nhiêu tháng nằm giam ở đó. Cái sự va chạm nó có đôi khi, chúng tôi cũng thấy rằng là nó hơi thiệt thòi cho việc tranh đấu. Có lẽ thiệt thòi nhiều chứ không phải là đôi khi. Nhưng mà có lẽ cái đà lịch sử nó đi như vậy, mình cũng không thể nào làm cách nào khác hơn. Bởi vì nó tự tạo ra từ cái tinh thần sửa soạn để mà tránh đổ vỡ vì áp lực của đối phương. Nó lại đẻ ra cái về sau này, bởi vì nó đã mất cái đầu não của nó rồi, cái đầu não chính rồi. 

Nhưng mà chúng tôi hy vọng rằng, ngay đến bây giờ, thì số còn lại của thế hệ cán bộ năm 1945, tôi vẫn thấy rằng nó còn có thể gần nhau được, mặc dù là xa cách nhau 20, 30 năm rồi. Tôi nói thí dụ, tôi gặp anh Trần Kim Phượng. Hoặc là tôi nói chuyện với anh Nguyễn Ngọc Huy. Hoặc là tôi nói chuyện với chị Thỉnh, hay là anh Phạm Nam Sách. Ngay kể cả Phạm Văn Liễu. Đôi khi có những việc nào mà, chúng tôi nói rằng là anh nào có thể cảm thấy rằng mình làm được, cứ việc làm. Các anh em có thể đóng góp được đến đâu thì cứ đóng góp. Chúng tôi gọi cái đó là tinh thần Đại Việt. Nếu mà có sự trục trặc của một vài cơ sở, tôi nghĩ nó cũng chỉ là cái giai đoạn nào đó, rồi sớm muộn nó cũng phải chấm dứt. Trong sự chấm dứt đó, nó có thể tạo ra một cơ hội để cho các anh em thế hệ thứ nhì gắn bó lại với nhau và tiếp tục. Bởi vì cái lề lối và tinh thần của tổ chức, và chủ nghĩa của nó, tôi nghĩ chả có ai là người từ chối cả, kể cả anh Huy viết về tổ chức của đảng.

NMH: Giai đoạn mà anh cho là giai đoạn mà miền Nam dần dần bị tách rời ra, thì giai đoạn khoảng năm nào?

ĐNT: 1951.

NMH: Vâng. Thưa anh, chính sách của đảng Đại Việt, tự tiên khởi, là hỗ trợ chính quyền, thay vì là cướp chính quyền hay nắm chính quyền, điều đó có thể dùng để giải thích tại sao so với Quốc Dân Đảng thì các lãnh tụ của đảng Đại Việt, một đằng vì cái background của họ thì họ là trí thức, thường thường cộng tác với chính quyền. Vậy xin anh cho biết, từ năm 1949, 1950 là có Bảo Đại, cho đến năm 1954 thì chính sách của đảng Đại Việt đối với cuộc tranh đấu ở Việt Nam ra sao, đối với chính quyền ra sao, đối với Pháp ra sao? Và đối với Cộng Sản ra sao?

ĐNT: Đối với Pháp thì dĩ nhiên là rõ ràng quá, không thể nào cộng tác với Pháp. Cho nên dù trực tiếp hay gián tiếp, không bao giờ có cái chủ trương gọi là… Nếu mà có về sau này hai quốc gia đứng về phương diện hai quốc gia ra điều đình với nhau hay làm việc với nhau, nhưng mà còn đứng về phương diện của một đoàn thể thì cộng tác với Pháp không thể nào có được. 

Dĩ nhiên đối với Cộng Sản thì nó lại càng rõ rệt quá, không thể nào mà có thể nói là… Bởi vì chúng tôi đã quan niệm rằng Cộng Sản không phải là một cái thứ Cộng Sản. Bởi vì cái này là một cái satellite (chư hầu). Nó là một cái thứ chi bộ Cộng Sản cơ mà. Nó chỉ là một hình thức ngụy tạo, mà có lẽ cho đến bây giờ những người cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi chắc rằng họ cũng hiểu là họ đã đi sai rồi. Cho nên từ năm 1945, tàn sát, giết chóc, chặt đầu, hay là làm bất kể hình thức nào để họ củng cố. Cho đến bây giờ tôi nghĩ là họ cũng phải cảm thấy là nó càng ngày càng rách nát, không có cách nào cứu vãn được. Không có cách gì.

NMH: Thế còn đối với chính trị, giải pháp Bảo Đại, trong cái giai đoạn 1950 – 1955, mục đích của đảng Đại Việt thì vẫn là làm sao giành được độc lập cho xứ sở có phải không ạ? Đảng Đại Việt trong giai đoạn đó thì chính sách, hay là lối tranh đấu, đường lối tranh đấu của đảng Đại Việt là gì? Làm thế nào để đạt mục tiêu đó?

ĐNT: Tôi nhớ rất rõ vào năm 1949 khi mà tôi vào Nam, thì anh Sung cùng chúng tôi với một số anh em nữa có thảo luận với nhau để mà đưa ra một yêu sách đòi Bảo Đại. Bởi vì một mặt là yểm trợ cho cái chính phủ đó, nhưng mà mặt khác thì phải đòi nó làm cái gì thì mình mới yểm trợ. Lúc bấy giờ đưa ra một cái tạm thời để mà đòi hỏi người Pháp làm sao để trả lại càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt các quyền độc lập của quê hương mình. Và đội quân của Pháp khi mà họ rút đi rồi thì tương quan liên lạc giữa Pháp với Việt Nam sẽ đòi hỏi ở trong cái cương vị nào. 

Tôi nhớ rõ năm 1949 khi tôi vào trong Nam các anh em có làm một cuộc họp báo để in trong tờ Thanh Niên. Vì thế tôi mới nói với anh là tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Huy từ năm 1949 là vậy. Các anh em hỏi tôi rằng là cái đòi hỏi của ông Bảo Đại đặt ra đối với người Pháp khi về Baie d’Halong sẽ là cái gì, và nó có những cái gì? Các anh em cho tôi biết rằng quyết định yêu cầu ông Bảo Đại nếu đứng ra điều đình thì sẽ đòi hỏi những các cái gì ở trong buổi gặp gỡ đó. Rõ ràng sự yểm trợ cho chính phủ đó để họ làm cái gì cho cái mục đích của mình. Mà có thể vẫn là chuẩn bị võ trang, nhưng mà cũng vẫn chuẩn bị cho chiều hướng ôn hòa để mà đòi hỏi. Vì lẽ đó mà có các giúp đỡ cho chính quyền để họ làm sao khỏe lên được thì mới đòi được. Nếu nó không khỏe làm sao nó đòi được. Đó là cái cố mà làm. 

Nhưng mà mình đòi là một việc, mình có cái thế giá, mình đòi được hay không là chuyện khác. Cho nên nó có các chính quyền, thí dụ như là chính quyền Nguyễn Văn Tâm bắt luôn anh Trần Văn Xuân, là anh lãnh tụ của Thanh niên Bảo Quốc Đoàn. Mà Pháp thì bắn luôn anh chỉ huy của Thanh niên Bảo quốc Đoàn đó. Khi mà mình còn yếu thế thì mình không thể nào thành công được. 

NMH: Thưa anh, tôi xin anh cho phép được hỏi một câu hỏi chót là trên cái quan niệm của anh, anh đã tranh đấu nhiều năm rồi, có thể gọi là hiện thân của đảng Đại Việt rồi, thì anh có thể một cách khách quan bây giờ nghĩ lại, anh có thể nghĩ được những ưu, khuyết điểm của đảng Đại Việt trong cuộc tranh đấu trong suốt giai đoạn năm 1945 cho đến năm 1954 như thế nào không?

ĐNT: Về khuyết điểm thì dĩ nhiên là nó có quá nhiều rồi. bởi vì nếu không có khuyết điểm thì nó đã thành công từ lâu rồi. Ưu điểm của Đại Việt là nuôi được tinh thần của quần chúng, ít nhất là nuôi được tinh thần cán bộ để lấy đó làm ngọn đuốc mà theo mãi. Và cho ngay đến bây giờ tất cả những anh em gặp lại nhau cũng đều nghĩ rằng là mình vẫn còn cái tinh thần đó. Có nghĩa là vẫn còn cái tinh thần yêu nước. Và nếu có tạo ra được các liên hệ với các đoàn thể với các anh em cũng đều tạo lấy cái tinh thần độc lập và cái tinh thần yêu nước. Hai cái đó là cái mà ưu điểm nhất của tôi nghĩ. Bởi vì ít nhất Đảng Đại Việt có một Tuyên Ngôn, và trong cái Tuyên Ngôn đấy nó đề cao, đề quá cao cái dân tộc sinh tồn. Mà trong dân tộc sinh tồn, nó đề quá cao cái hãnh diện của người Việt Nam, được làm người Việt Nam. Đó là tất cả ưu thế, ưu điểm mà đảng Đại Việt giành lại cho những thế hệ về sau này. 

Còn một cái khuyết điểm thì có lẽ trách thì cũng đáng trách, nhưng mà cũng phải hiểu rằng thương cũng đáng thương. Là bởi vì không thể nói rằng về phương diện dân tộc mà tha thứ, nhưng mà mình phải hiểu rằng cái vốn liếng nó có bấy nhiêu. Bây giờ ví dụ như vốn liếng của quê hương mình chỉ đủ sức để xuất cảng trái dừa chẳng hạn, mà mình đòi hỏi phải xuất cảng máy bay thì đâu có được. Cho nên giai đoạn để tổ chức nó đã khó khăn rồi. Mình không có cái hậu cứ. Đảng Cộng Sản phải nhớ rằng nó có hậu cứ, nó huấn luyện cán bộ ở bên Tàu, huấn luyện cán bộ ở bên Nga, bởi vì nó làm gián điệp cho Mỹ, vân vân và vân vân, nó có cơ sở đó. Còn mình dưới thời Pháp, mình cũng phải trốn, dưới thời Nhật mình cũng phải chạy. Dưới thời Việt Minh, mình lại càng phải né nữa. Tất cả những cái khó khăn như vậy, làm sao mà mình đòi hỏi quá đáng được. 

Nếu mà đã nhìn thấy các hi sinh của họ, nếu đã nhìn thấy bao nhiêu cái chết chóc của họ, mà mình lại còn kết tội lên trên đầu họ là cái chỗ họ làm sai hay họ làm thiếu sót, thì tôi nghĩ là khắc nghiệt quá. Đó là lý do tôi bảo rằng đảng Đại Việt đã phải hi sinh cả tài sản của mình, tức là cả nguyên ông Đảng trưởng và chịu tất cả cái nghiệt ngã của dư luận, và bao nhiêu sinh mạng của đảng viên, kể cả chúng tôi. Tôi xin nói với anh là ít nhất tôi đã bốn lần bị bắt, ba lần Cộng Sản bắt, một lần Pháp bắt, và một lần sau cùng cũng là ông Diệm nhốt nữa. Mà tôi vẫn nghĩ rằng không có cái lý gì để tôi có thể bỏ đảng Đại Việt. Mà cũng không phải vì Đại Việt cho tôi cơm áo hay cho tôi danh phận, tôi không có là cái gì trong cái danh phận của cái xã hội này cả. Tôi không có làm ông tướng, tôi không có làm thủ tướng, không có làm chính quyền. Tại sao tôi vẫn ôm lấy cái hoài bão của tôi, tôi vẫn ôm lấy cái tư tưởng của tôi, tôi vẫn hãnh diện tôi là đảng viên của Đại Việt. Mà ông anh tôi cũng đã bị chết vì Đại Việt. Em tôi cũng ở trong cái chỗ đó. Và những cái người mà thân thiết quen biết trong hàng ngũ nhìn lại nhau chỉ muốn khóc. Là bởi vì trong quá trình tranh đấu nó biết bao nhiêu cái gian nan, bao nhiêu cái khốn khó, bao nhiêu cái nguy hiểm, bao nhiêu cái mất mát.

NMH: Mà cũng không thành công?

ĐNT: Mà cũng không thành công.

NMH: Không thành công là bởi vì lực lượng của mình…

ĐNT: Tôi nghĩ rằng cái giai đoạn nó chưa đủ. Khó khăn rất nhiều, mà cái giai đoạn của mình chưa đủ. Nó chưa trưởng thành.

NMH: Dạ vâng, cám ơn anh.

Đào Nhật Tiến 3 –VP-NMH-A027

ĐNT (tiếp): Chống Cộng và những hành động như của các anh em Bình Xuyên chống Cộng, thì cái cơ sở chắc chắn là miền Nam sẽ là cái mà dễ dàng cho việc nằm ở trong đó để hoạt động hơn là ở ngoài Bắc. 

 NMH: Nhưng tại sao ông Trương Tử Anh không tìm cách trốn sang ngoại quốc để khỏi bị giết?

 ĐNT: Cái trốn sang ngoại quốc, thì theo tôi cái cảm nghĩ của ông ấy –ông ấy không muốn, ông ấy không muốn nằm ở bên ngoài. Là vì nó có một cái tác hại nhất là đi sang đến bên ngoài không học được cái gì cả. Đi sang Tàu không trông được, mà cái kinh nghiệm đi sang Nhật thì ông đã thấy rồi, mặc cả với người ta bất quá cũng chỉ đến cái thứ ngửa tay ăn xin mà thôi. Ông có quan niệm đó. Thì như trông vào cái thực lực bên trong mà họ, có một vài lần khi nói chuyện với những người khác đó – cái hồi mà mà đôi khi tôi có cái dịp đó, thì ông bảo không có, không có người nào làm cách mạng mà lại bỏ nước mà ra đi.

 NMH: Ông nói như vậy?

 ĐNT: Nghĩa là ở trong nước để mà làm, chứ đi ra bên ngoài thì làm sao mà làm được. Tức là nếu có ngay cả trong cái Tuyên Ngôn –tôi không biết là anh có đọc cái quyển bản Tuyên Ngôn không.

 NMH: Có.

 ĐNT: Tôi có ở trong xe. Thì ở trong cái tinh thần của cái bản Tuyên Ngôn cũng là cái tinh thần tự lập, tự tồn, chứ không có cái chuyện mà đi. Nếu mà hai bên có giao tiếp với nhau, vì thế cho nên ông A thất bại, mà vì thế cho nên chị B thất bại. Là bởi vì cái quan niệm của ông là quan niệm của một quốc gia nói chuyện với quốc gia khác. Mà cái quan niệm của ông là Quốc Gia Việt Nam nói chuyện với lại Quốc Gia Tàu. Nếu mà bây giờ, bọn kia nó bảo anh chỉ là một cái đảng thôi, anh chưa có chính quyền, tôi đòi anh cái này, tôi đòi cái kia. Ông này không chịu thì tự nhiên cái nó …

 NMH: Thưa anh, lần trước tôi có nói chuyện với anh ở Washington D.C. anh nói rằng là đảng Đại Việt trong giai đoạn 45, 46; có cố gắng liên lạc với ba Tòa Đại sứ để điều đình: thứ nhất là Tòa Đại sứ Pháp, thứ hai là Toà Đại sứ Nhật, à không Tòa Đại sứ Pháp, Tòa Đại sứ Anh và Toà Đại sứ Trung Hoa. Thì anh cũng nói thêm là cuộc điều đình đó không thành công, vì quan niệm của đảng Đại Việt có tính cách cứng rắn quá. Anh có thể khai triển thêm về những cuộc điều đình nó ra làm sao, nội dung ra sao, và đòi hỏi cái gì mà anh cho là cứng rắn quá? 

 ĐNT: Tôi không có nói về cái việc liên lạc với lại Toà Đại sứ Anh, mà tôi chỉ biết được là cái vấn đề liên lạc với Pháp đó, thì Pháp không phải lúc bấy giờ nó có Đại sứ. Nhưng mà Tàu thì nó có cái – nó gọi lúc bấy giờ là Phương diện quân – Tư lệnh quan, tức là cái anh Tư lệnh đó, thì như cái người của mình liên lạc của bên cái phía đó anh đã thấy rồi, cái quan niệm của cái người Tàu nó có một cái ác ôn là, cho đến cái thời gian đó, mà Tưởng Giới Thạch vẫn chưa bỏ cái cái … Tôi không nói là cái thực dân tính.

 NMH: Cái tinh thần Đại Hán đó?

 ĐNT: Vâng, bây giờ tôi nói anh cũng biết rồi, là người Tàu với người Pháp lại ký lại để mà sử dụng cái thiết lộ Vân Nam–Hải Phòng. Trong khi đó chỉ còn mấy năm sau nữa là Mao Trạch Đông đã lấy mất nước Tàu, mà Tưởng Giới Thạch vẫn còn ôm vào cái việc ăn có ăn không vào trong cái cuộc chiến, nếu người Pháp trở lại. Anh thấy không, rõ ràng người Pháp đã muốn trở lại rồi, Tưởng Giới Thạch phải biết cái đó. Mà ông Tưởng Giới Thạch vẫn còn cho người liên lạc với tụi Pháp để mà ký cái đó. Thì tôi nghĩ là ông Tưởng Giới Thạch ông ấy ngu xuẩn. 

Như vậy tức là bao nhiêu cái cố gắng của cái đảng Đại Việt, đối với lại cái việc mà trông mong điều đình với người Tàu, là không thành cũng là có một cái nguyên nhân đó. Đối với người Pháp, thì cái nhóm đại diện của Pháp ở đó, thì anh đã thấy là ngay cái tư tưởng của De Gaulle là tư tưởng của một anh Tây thuộc địa. Trong khi đó thì tất cả cái tụi Ăng-lê đã, nó đã sửa soạn được cái chỗ, là bao nhiêu những các thuộc địa nó tìm cách nó trả lại, thì ông nội De Gaulle lại sửa soạn để tái chiếm. Và cái tái chiếm như vậy, thì tôi hỏi rằng nếu mà ông Trương Tử Anh ông ấy nghĩ rằng cần phải chống lại Pháp, thì có đúng hay không? Vậy thì trong cái việc điều đình trước hay sau gì đấy, thì trông thấy rõ ràng cái người Pháp chỉ có muốn trở lại thôi. Với cái cái sự trở lại, mà thứ nhất là những cái bọn thực dân, thực dân mà nó bị đảo chính, nó còn sống ở trong cái chỗ đó –nó làm áp lực đối với trở lại với chính quốc Pháp, cái đó là một thất bại, vậy thì chuyện dĩ nhiên là không thành được.

 NMH: Nhưng mà ông có điều đình, nhưng thất bại? 

 ĐNT: Có điều đình, có điều đình.

 NMH: Có điều đình, nhưng mà thất bại chứ gì?

 ĐNT: Nhưng thất bại.

 NMH: Bây giờ để –nếu mà tóm tắt được cái gọi là cái đặc tính lãnh đạo của ông Trương Tử Anh, thì anh tóm tắt như thế nào, nếu mà bây giờ phải hỏi anh, anh nghĩ gì về sự lãnh đạo của Trương Tử Anh?

 ĐNT: Chúng tôi chỉ còn biết nói là rất tiếc là mất ông ấy. Bởi vì ít nhất trong cái số người mà lãnh đạo của cái thời gian đó, ngoài Cộng Sản ra thì mình thấy rằng nếu không thiên vị, thì mình cũng có thể nói là ông ấy quả là cái người sáng giá hơn cả. Bởi vì ngay cái việc mà ông ấy chống lại cái giai đoạn của các anh em nằm ở trong cái Chính phủ Liên hiệp – ông không chịu, mới chống lại cái Chính phủ Liên hiệp. Ông Vũ Hồng Khanh nằm trong Chính phủ Liên hiệp, ông Nguyễn Tường Tam cũng vào trong Chính phủ Liên hiệp. Nhưng mà ông Tam ông có cái là ông tìm cách vào đấy để ông nhảy.

NMH: Tức là trốn đó?  

ĐNT: Trốn đi, để mà tìm cái đường đi để mà thoát. Thế còn ông Vũ Hồng Khanh, thật sự thì cái kinh nghiệm mà về sau này ông Vũ Hồng Khanh ở lại năm 1975 đó, thì cũng đau xót cho ông ấy thật, là vì ông ấy ra đi ở nước ngoài lâu quá rồi. Mà cái quan niệm sống đối với Cộng Sản giản dị quá… Thế thì.

NMH: Như vậy nhìn, dạ.

ĐNT: Đứng cả cái phương diện của các anh em khác, như là ở trong số người của miền Nam, hay là của các anh em ở Bình Xuyên, hay là của Hòa Hảo. Thì ngoại trừ cái việc mà ông Huỳnh Phú Sổ bị mất đi rồi, thì những số người hoạt động có tính cách gọi là chính trị cách mạng, thì tôi thấy rằng là ít nhất mình cũng có thể nói rằng rất là thiệt thòi, tiếc lắm, rằng cái việc mà mất đi ông Trương Tử Anh.

NMH: Nhưng mà mình nhìn lại đó, thì nhìn mấy cái kinh nghiệm đó. Ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, ông Trương Tử Anh, thì mình thấy: khôn cũng chết, mà dại cũng chết, mà ông Trương Tử Anh biết cũng chết. Tại sao vậy?

 ĐNT: Cái thời cơ, nó có một cái đau xót, mà tôi nói với anh là mình ở trong một cái quốc gia nhỏ, mà bị cái chiến lược toàn cầu của hai bên, mà những quốc gia lớn –anh đọc lại giùm tôi cái Potsdam với cái Yalta xem thử– nếu bây giờ đây tôi đứng về cái phe của anh, anh là cái vai chủ chốt, mà trong một cái chiến trường thế giới, tôi nói thí dụ anh là Mỹ, mà tôi ở trong cái phía của anh, thì dĩ nhiên anh cho tôi biết tất cả những dữ kiện gì để tôi chuẩn bị, anh dạy cho tôi tất cả các thứ để tôi chuẩn bị. Thế bây giờ, tôi không ở trong cái thế đó, mà tôi lại chống cả hai cái mà tôi bé quá, tôi bị nuốt cái đó. Dù tôi biết đi chăng nữa, tôi vẫn bị chết như thường. Thế nhưng mà ít nhất anh phải có như thế này, là đứng về phương diện –gọi nói theo cái lối triết, thì mình vẫn phải nói rằng là dù tôi có chết đi chăng nữa, nhưng mà nước tôi còn. Và cái tinh thần như anh nói hôm trước anh nói về cái vấn đề mà đảng Đại Việt đóng góp được cái gì đó. Thì tôi phải nói là cái tinh thần quốc gia nó nặng ghê lắm, và từ cái tinh thần đó, nếu nó còn, thì dĩ nhiên nó có cái cái ích lợi cho cái đất nước về sau.

NMH:  Dạ, cảm ơn anh!

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ