Bản tin US Vietnam, tháng 2-2020
Bản tin US Vietnam, tháng 11-2019
Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ thử nghiệm thể loại bản tin thời sự về các vấn đề kinh tế, xã hội và giáo dục Việt Nam. Các bản tin được viết theo thể loại “commentary news”, bình luận ngắn về những sự kiện quan trọng ở Việt Nam.
Bản tin tháng 2-2020 này giới thiệu một số tin tức sau đây.
- Đại dịch Coronavirus lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng của nền sản xuất Việt Nam
- Việt Nam chống dịch Corona bằng cách in thêm tiền?
- Philippines hủy bỏ Hiệp ước quân sự với Mỹ, Việt Nam thiệt hại
- Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi đại dịch Corona – Đài Loan hay Việt Nam?
——————–
1. Đại dịch Coronavirus lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng của nền sản xuất Việt Nam
Kinh tế Việt Nam bắt đầu hứng chịu những thiệt hại thấy rõ do dịch Corona gây ra. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngành du lịch – khách sạn ảnh hưởng mạnh. Khách sạn ở Nha Trang giảm công suất phòng đến 50%.
Tuy nhiên, Corona không chỉ đánh vào những ngành dễ thấy như khách sạn, du lịch. Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã có Chỉ thị số 362/CT-CHK huỷ cấp phép các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngay lập tức, các doanh nghiệp sản xuất bị thiệt hại nặng. Chi hội doanh nghiệp khu công nghệ cao TPHCM (chi hội SBA) đã có văn bản kiến nghị mở lại các chuyến bay chở hàng hoá, chỉ đóng các chuyến bay chở khách. Ký tên vào văn bản kiến nghị có những công ty như Intel Việt Nam, Jabil Việt Nam, Schneider Electric Việt Nam, Datalogic Việt Nam…
Datalogic Việt Nam chuyên sản xuất mã vạch hàng hoá, phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Việc đóng các chuyến bay vận tải hàng hoá có thể khiến họ ngừng sản xuất.
Không chỉ các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TpHCM mà các doanh nghiệp trong khu chế xuất của thành phố này cũng gặp khó khăn tương tự. Báo Tuổi trẻ ngày 20/2/2020 có bài “Đứt nguồn cung từ Trung Quốc, doanh nghiệp ‘kêu cứu’”, dẫn lời ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết tình hình rất nghiêm trọng vì các biện pháp chống dịch Corona đã khiến cho đường vận chuyển nguyên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị… cho sản xuất bị ách tắc tại cửa khẩu Hữu Nghị, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2.000 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thành phố vốn đang cần nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để sản xuất. Nếu cửa khẩu và các chuyến bay vận tải nối Việt Nam và Trung Quốc không được mở lại, họ có thể ngừng sản xuất. Có những doanh nghiệp như Công ty TNHH May mặc Thành Đạt chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, chỉ dự trữ đủ nguyên liệu đến hết tháng 2/2020.
Thông tin này cho thấy doanh nghiệp gia công lắp ráp ở Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào linh kiện sản xuất và nguyên liệu ở Trung Quốc mà không chuẩn bị trước phương án thay thế khi có những biến động lớn như đại dịch. Ngoài những nguy cơ như dịch bệnh, khả năng Trung Quốc và Việt Nam đóng cửa giao thương vẫn có thể xảy ra nếu có biến cố chính trị, chẳng hạn xung đột quân sự trên biển Đông.
Chuỗi cung ứng của một nền kinh tế cũng quan trọng như việc cung cấp đạn dược và lương thực cho quân đội trong chiến tranh. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đặt các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ liệu tại Trung Quốc, do đó cũng bị thiệt hại nặng nề khi giao thương bị khóa khi dịch Corona bùng phát. Nhưng chuỗi cung ứng của họ không phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc nặng nề đến mức bị lâm vào tình thế “rất nghiêm trọng” như lời ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), xác nhận với báo Tuổi trẻ. Dịch Corona cho thấy việc quản trị chuỗi cung ứng cho sản xuất của nền kinh tế Việt Nam đã hỏng về mặt cơ cấu. Nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc thì nền sản xuất của Việt Nam cũng có thể bị khống chế về chuỗi cung ứng trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Việt Nam chống dịch Corona bằng cách in thêm tiền?
Ở Trung Quốc, dịch cúm Corona đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế. Thị trường chứng khoán giảm hơn 7% trong phiên giao dịch đầu tiên sau tết âm lịch, bốc hơi khoảng gần 400 tỷ USD. Để cứu nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lập tức bơm vào thị trường hơn 240 tỷ USD (1.700 tỉ nhân dân tệ), lớn nhất từ năm 2004 đến nay.
Hiện tại, chưa thấy chính quyền Việt Nam có chính sách gì để ứng phó những thiệt hại kinh tế của Việt Nam vì dịch Corona. Tuy nhiên, dường như tiền được bơm ra theo cách phi chính thức.
Báo “Doanh nhân Sài Gòn” ngày 8/2/2020 có bài “Tránh lây nhiễm Corona, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền mới vào lưu thông”, đưa tin Ngân hàng nhà nước tung thêm tiền mới vào thị trường, với mục đích “cao đẹp” là phòng chống dịch Corona lây lan qua tiền mặt cũ. Số tiền cũ sẽ được lưu trữ tại ngân hàng, đưa trở lại thị trường vào thời điểm “thích hợp”.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở đồng tiền mà là việc sử dụng chúng. Muốn ngăn chặn lây lan virus qua việc dùng tiền mặt thì cần thay đổi cách dùng tiền, vì nguyên nhân gây lây nhiễm không nằm ở đồng tiền mà ở cách sử dụng chúng. Trong khi chưa có chính sách mới nào để thúc đẩy các giao dịch phi tiền mặt, Việt Nam lại thay tiền cũ bằng tiền mới, một việc không có ý nghĩa gì, vì chỉ sau một lần sử dụng là tiền mới đã có thể lây nhiễm.
Liệu đây có phải là động thái bơm tiền vào nền kinh tế để chống đỡ thiệt hại do dịch cúm Corona gây ra? Giả sử việc này không nhằm mục đích bơm tiền vào nền kinh tế đi nữa, động thái của ngân hàng nhà nước rõ ràng dễ gây “hoang mang dư luận” hơn những người “đưa tin thất thiệt” về dịch Corona trên mạng facebook bị công an “xử lý” gần đây.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa đến lúc sử dụng các công cụ tài chính vĩ mô mà trước mắt cần điều tra nghiên cứu xem những ngành nào bị thiệt hại nặng nề nhất, sau đó có chính sách cụ thể hỗ trợ họ. Tuy nhiên, để nghiên cứu những vấn đề như vậy, cần tổ chức những nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp, vừa có năng lực nghiên cứu, vừa có thẩm quyền kết nối với doanh nghiệp và ra quyết định, trong khi các “nghiên cứu” của chính phủ Việt Nam vẫn thường có tính luận giải chung chung, được thực hiện bởi các quan chức hành chính kiêm nhiệm “công tác khoa học”.
3. Philippines hủy bỏ Hiệp ước quân sự với Mỹ, Việt Nam thiệt hại
Theo AFP, chính quyền Duterte vừa gửi thông báo đến chính phủ Mỹ, tuyên bố Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự (Visiting Forces Agreement – VFA) giữa hai nước sẽ chính thức hủy bỏ sau 180 ngày, kể từ 11/2/2020. Hiệp ước này ký năm 1998 cho phép Mỹ đưa quân đội vào Philippines để hỗ trợ chống khủng bố và tham gia tập trận chung.
Mỹ và Phillipines vốn có quan hệ an ninh lâu đời. Năm 1951, hai nước có Hiệp ước phòng thủ chung (“The Mutual Defense Treaty between the Republic of the Philippines and the United States of America”), theo đó nếu một trong hai bên bị tấn công thì bên kia bảo vệ. Năm 2014, để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, hai nước có “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng” (The Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA). Năm 2015, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) chấp nhận mở phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc, ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò trên biển Đông vào 12/7/2016. Nhưng, Duterte lên nắm quyền vào 30/6/2016, sau đó đã tách dần khỏi Mỹ, ngả hẳn về phía Trung Quốc, xóa sổ các nỗ lực bảo vệ chủ quyền của chính phủ tiền nhiệm chỉ trong một thời gian ngắn. Quan hệ hai nước đặc biệt xấu đi sau khi Mỹ cấm nhập cảnh lãnh đạo cảnh sát quốc gia Ronaldo Dela Rosa, người thực thi chính sách chống ma túy bằng cách giết nghi phạm không cần xét xử của Duterte.
Việc Mỹ bị loại khỏi Philippines có thể là cơ hội cho Việt Nam, nếu Việt Nam biết nhân lúc này tăng cường hợp tác với Mỹ để thay thế vị trí của Philippines. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra, vì Việt Nam sợ Trung Quốc và không tin tưởng Mỹ. Mặt khác, tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp bảo vệ biển đảo tốt hơn, nhưng sẽ khiến xã hội dân sự và phong trào dân chủ lớn mạnh hơn. Không khó để thấy chính phủ Hà Nội sẽ chọn cái nào.
Hiện Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên biển Đông. Các lực lượng của Hoa Kỳ ở châu Á chủ yếu bảo vệ đồng minh ở Đông Bắc Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, cách xa biển Đông.
Do đó, việc Mỹ bị đẩy lùi thêm một bước ra khỏi biển Đông chỉ có lợi cho Trung Quốc và có hại cho Việt Nam.
4. Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi đại dịch Corona – Đài Loan hay Việt Nam?
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vào sáng ngày 10 tháng 1, 2020, một tốp máy bay quân sự Trung Quốc tiến đến phía tây Thái Bình Dương, trong đó một máy bay hộ tống chiến hạm đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Đường trung tuyến eo biển Đài Loan là giới tuyến đình chiến trên thực địa giữa Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc bắt đầu vượt qua đường trung tuyến này từ tháng 3 năm 2019.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc chỉ xâm nhập trong một thời gian ngắn. Sau khi máy bay chiến đấu Đài Loan cất cánh và cảnh báo qua vô tuyến, máy bay quân sự Trung Quốc đã quay lại phía đại lục. Mô hình và đường bay chi tiết của máy bay xâm nhập không được tiết lộ.
Uỷ ban đặc trách đại lục, cơ quan hoạch định chính sách đối phó với Trung Quốc của Đài Loan, nói rằng chính quyền Trung Quốc nên tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus Corona thay vì “chuyển hướng sự chú ý của dư luận xã hội bằng cách kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa.”
Có thể nói dù căng thẳng đến đâu thì Trung Quốc khó có thể tấn công Đài Loan, dù chỉ là gây ra những va chạm cỡ nhỏ. Nhưng để đánh lạc hướng dư luận khỏi những bức xúc trong nước do những bưng bít thông tin liên quan đến dịch cúm Vũ Hán gây ra, Trung Quốc hoàn toàn có thể chọn biển Đông làm hướng chính, nơi các đối thủ Đông Nam Á như Việt Nam hay Philippines vốn yếu hơn hoặc bị vô hiệu quá bằng các quan hệ chính trị.
Theo một số chuyên gia phân tích ở Viện CSIS, Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện chiếm thế thượng phong về quân sự trên Biển Đông. Hoa Kỳ chủ yếu tập trung lực lượng bảo vệ đồng minh như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, không sẵn sàng cho một cuộc đụng độ nào ở phía Đông Nam Á. Rõ ràng, nếu Trung Quốc muốn đánh một trận nhỏ, kích động tinh thần dân tộc, gây lạc hướng chú ý với dịch Corona thì những hòn đảo Việt Nam đang đóng quân ở Trường Sa có thể đang nằm trong nguy cơ cao.