Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xã hội dân sự ở Việt Nam trong thời đại của những đại dịch toàn cầu

US Vietnam Review

Published on

Tiến sỹ Bùi Hải Thiêm trò chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon. Cuộc trò chuyện được thực hiện ngày 29 tháng 10 năm 2021.

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm là Trưởng phòng nghiên cứu tại Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam. Ông nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Queensland (UQ) Australia năm 2015, với luận án tiến sỹ “Civil Society and Governance in Vietnam’s One Party System” (Xã hội dân sự và quản trị trong hệ thống chính trị một đảng ở Việt Nam), nhận bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Quốc tế của SOAS, Đại học London và bằng Cử nhân Quan hệ Quốc tế của Học viện Ngoại giao Việt Nam. 

Ông là học giả Chevening năm 2004, Học giả chương trình Australian Award Leadership năm 2011, đã từng tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Đại học Oslo năm 2012, Quỹ Phát triển Quỹ Châu Á năm 2014, Hiệp hội Chuyên gia YSEALI vào năm 2015. Ông tham gia giảng dạy các nghiên cứu về vấn đề phát triển của Việt Nam (Đại học Oslo-Akershus), quan hệ quốc tế (UQ) và chính sách công (Trường ĐH Việt Nhật), Luật Hiến pháp so sánh (Trường ĐH Luật Hà Nội). Hiện nay ông là học giả Fulbright tại Đại học Duke ở North Carolina, Hoa Kỳ. 

Nghiên cứu của ông tập trung vào xã hội dân sự, chính trị hiến pháp, nhân quyền và quản trị bầu cử ở Việt Nam. 

Ngày 29/10/2021, TS Bùi Hải Thiêm trò chuyện với Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, ĐH Oregon về chủ đề Xã hội dân sự ở Việt Nam trong thời đại của những đại dịch toàn cầu. Dưới đây tóm tắt một số ý chính. 

1. Định nghĩa xã hội dân sự.

Định nghĩa theo mặt cấu trúc: Đó là những thực thể xã hội độc lập với nhà nước, tự sáng tạo ra mình, tự nguyện, tự hỗ trợ cho mình và mang tính chất tự trị. 

Từ góc độ cấu trúc, người ta thường đặt xã hội dân sự trong bộ ba “nhà nước”, “thị trường”, “xã hội dân sự”.  

Đi theo trường phái “cấu trúc”, người ta sẽ tranh luận ai, tổ chức nào thuộc về nhà nước và không thuộc về nhà nước. 

Định nghĩa theo mặt tiến trình: Là những thực thể xã hội tham gia vào các vấn đề xã hội. Nhìn xã hội dân sự về mặt tiến trình, người ta thấy nó có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, do đó, có nhiều tổ chức không được xem là thuộc “xã hội dân sự” theo cách định nghĩa về mặt cấu trúc, nhưng vẫn có thể xem là thuộc về xã hội dân sự nếu xét về mặt tiến trình.

Khái niệm này khi truyền vào Việt Nam, một xã hội có thể chế chính trị và truyền thống văn hóa khác biệt nên đã không được hoan nghênh. 

2. Tình hình xã hội dân sự ở Việt Nam 

Ở Việt Nam, xét về mặt cấu trúc, các tổ chức luôn luôn phải có cơ quan chủ quản là một cơ quan nhà nước nào đó. 

Trong địa hạt kinh tế, việc thành lập tổ chức (công ty tư nhân) đã trở nên dễ dàng, nhưng trong địa hạt xã hội, việc thành lập tổ chức (tổ chức phi chính phủ) vẫn phải gắn với một cơ quan chủ quản nào đó. Tức là xã hội đi sau kinh tế đã gần 40 năm. 

Tình hình các tổ chức dân sự (vẫn phải đăng ký dưới các cơ quản chủ quản nhà nước, nhưng không nhận ngân sách nhà nước và không chịu kiểm soát về mặt nhân sự của các cơ quan nhà nước):

  • Được hình thành nhiều nhất dưới hình thức “viện nghiên cứu”, “trung tâm”, trực thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, học thuật của nhà nước (ví dụ như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…) 
  • Không nhận kinh phí và chịu sự kiểm soát nhân sự của nhà nước. 

Như vậy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì nhận kinh phí và chịu quản lý nhân sự của nhà nước, nhưng dưới nó thì có hàng trăm trung tâm, viện… hoạt động độc lập về mặt tài chính và nhân sự với nhà nước. 

Các viện, trung tâm… này có chức năng nghiên cứu, thực hành… nhưng cách giải thích khái niệm khá rộng, giúp cho họ có không gian hoạt động rộng lớn, nếu muốn. 

Việc xây dựng các viện, trung tâm như vậy chịu sự chi phối của quan hệ thị trường khá mạnh giữa cơ quan chủ quản và các viện, trung tâm… theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Do đó, vấn đề đặt ra là các tổ chức hoạt động thiện nguyện (không mang lại lợi ích kinh tế cho cơ quan chủ quản) thì vấn đề trở nên khó khăn hơn. 

Năm 2016, Nghị quyết 04 khóa 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu Đảng viên không ủng hộ “xã hội dân sự” và “tam quyền phân lập”. Tuy văn bản này có tác dụng điều chỉnh hành vi và chế tài, nhưng lại chưa có giải thích ý nghĩa cho các khái niệm này. Do đó, người ta có thể tùy tiện giải thích khái niệm tùy từng trường hợp cụ thể khác nhau. Thực tế sau đó các tổ chức dân sự hoạt động khó khăn hơn. 

Ở Việt Nam, các nhóm phi chính thức, mang tính chất câu lạc bộ, không rõ ràng về thành viên tham gia thì khá đông đảo và không ai thống kê được. Còn các tổ chức có tư cách hội viên đều không được độc lập mà phải có sự kiểm soát của nhà nước. 

3. Xã hội dân sự ở Việt Nam trong đại dịch COVID-19 

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ đặt câu hỏi với TS. Bùi Hải Thiêm về vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam trong việc đối phó với những đại khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Theo TS. Bùi Hải Thiêm, xã hội dân sự có đặc tính của dòng nước, có thể tự mình xuyên thấm vào từng ngóc ngách nhỏ của xã hội để giải quyết những vấn đề mà bộ máy nhà nước không thể với tới. 

Trong mùa hè năm 2021, các tỉnh thành phía Nam của Việt Nam gặp đại dịch COVID-19. Các địa phương chống dịch bằng cách phong tỏa giao thông, khiến cho các vùng dân cư lớn (đại đô thị như Sài Gòn, các khu công nghiệp như ở Bình Dương) bị khóa nguồn cung cấp nhu yếu phẩm. Ngoài ra, khi số bệnh nhân tăng lên với tốc độ quá nhanh, vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống y tế, dẫn đến nhu cầu cần được cung cấp Oxy tại nhà để tự chăm sóc. 

Trong bối cảnh đó, nhiều nhóm xã hội tự phát đã xuất hiện với mức độ bùng nổ về mặt số lượng, trong đó có  nhiều nhóm thiện nguyện cung cấp Oxy tại nhà. 

Điều này cho thấy vai trò của xã hội dân sự khi xã hội gặp phải khủng hoảng lớn đến mức vượt ra ngoài khả năng giải quyết của nhà nước. 

Ngay cả những nhà nước mạnh như Hoa Kỳ hay Nhật Bản cũng cần có sự hỗ trợ của xã hội dân sự mới giải quyết được các đại khủng hoảng. 

Xã hội dân sự có bản chất của dòng nước, có thể len lỏi và chảy đến mọi ngõ ngách của xã hội, ở những nơi mà nhà nước không thể với tới, để giải quyết những vấn đề quy mô lớn mà nhà nước không giải quyết được. Xã hội dân sự rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch, không những không gây hại cho nhà nước mà còn giúp cho nhà nước hoàn thành trách nhiệm của mình. 

Ở Việt Nam, rõ ràng để khơi thông nguồn lực xã hội, cần thay đổi tư duy nhà nước, để nhà nước không còn e ngại các tổ chức xã hội. 

Xét từ quan điểm Marxist, thì nhà nước có 2 vai trò chính là “chức năng trấn áp” và “chức năng xã hội”. Các tổ chức xã hội dân sự đúng là không có khả năng cạnh tranh hay có thể làm xói mòn quyền lực nhà nước. 

Vấn đề tính chính danh: Tổ chức, cá nhân nào cũng cần có tính chính danh để hoạt động được. Tính chính danh thể hiện ở niềm tin của xã hội đối với nó. 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phần lớn các tổ chức xã hội do nhà nước bảo trợ bằng ngân sách đều thất bại và không được xã hội tin tưởng. 

Khi người dân gửi tiền cho các cá nhân (nghệ sỹ, nhóm từ thiện phi nhà nước…) để làm thiện nguyện thì rõ ràng người dân đã tin những cá nhân, tổ chức này hơn các tổ chức xã hội sống bằng ngân sách nhà nước, tức là cấp tính chính danh cho họ. 

Do đó, để tìm hiểu về tư duy kiểm soát của nhà nước đối với xã hội dân sự thì cần đặt trong bối cảnh đó: Các nhóm dân sự không thách thức nhà nước về mặt tổ chức được, nhưng là cái xuất hiện để thay thế cho tính chính danh của các tổ chức do nhà nước bảo trợ, khi các tổ chức do nhà nước bảo trợ ấy đã thất bại và không còn được người dân tin tưởng. 

4. Con đường tư duy nào: Marx hay Lenin?

Quan niệm về xã hội dân sự của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng từ quan niệm của Lenin, trong đó nhấn mạnh đến một trong những chức năng của nhà nước là “trấn áp”. 

Tuy nhiên, cùng là chủ nghĩa cộng sản, nếu so sánh quan niệm của Lenin với quan niệm của Marx và Engels trước đó, thì người ta lại thấy những quan niệm hoàn toàn đối lập về vai trò của xã hội dân sự. 

Theo Engels, những xã hội đã “dân sự hóa” là những xã hội đã đạt đến trình độ văn minh hóa. Điều này chỉ xảy ra dựa trên sự phát triển của đô thị và thị trường trong chủ nghĩa tư bản. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” năm 1848, Marx và Engels cho rằng các nhóm xã hội dân sự (các “associations”) của xã hội tư sản chính là tiền đề về mặt xã hội để xây dựng xã hội cộng sản trong tương lai. Xã hội cộng sản theo quan niệm của Marx và Engels không phải là một xã hội nơi nhà nước (Đảng Cộng sản) kiểm soát tất cả theo cách toàn trị mà là một xã hội: 

  • Được cấu thành bởi các nhóm xã hội dân sự đã trưởng thành. Các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng tự do cá nhân, sự phát triển của mỗi người là cơ sở cho sự phát triển của tất cả mọi người. 
  • Nhà nước không những không toàn trị mà còn tiêu vong, hoặc suy thoái thành một nhóm xã hội trong xã hội dân sự nói chung. 

Đây chỉ là những tưởng tượng về tương lai, nhưng những tưởng tượng này cho thấy Marx và Engels đề cao chứ không hạ thấp vai trò của xã hội dân sự. 

Đến thế kỷ 20, ở Liên Xô và Trung Quốc, khi Đảng Cộng sản cầm quyền thì vai trò của nhà nước để tuyệt đối hóa. Đây là quy luật chung của quyền lực, là cái bản chất con người: Khi chưa cầm quyền thì đề cao tự do của xã hội dân sự, nhưng khi đã cầm quyền thì kiểm soát và duy trì quyền lực. Đó là cái thuộc về bản năng của con người. 

Ở Việt Nam, lực lượng cầm quyền không có đối thủ cạnh tranh về mặt chính trị, nhưng họ luôn phải tìm ra mặt đối lập, dù chỉ là những nhân tố có tính chất tiềm năng để kiểm soát. Đó là một gánh nặng về mặt lịch sử và văn hóa. 

5. Con đường nào cho Việt Nam để đối phó với những đại khủng hoảng toàn cầu trong tương lai? 

Những đại khủng hoảng như COVID-19 không phải là lần cuối cùng. Trong tương lai, sẽ có nhiều cuộc đại khủng hoảng như vậy xảy ra. Các nước phát triển không chỉ cần nhà nước mạnh, y tế phát triển mà còn cần một xã hội dân sự trưởng thành để vượt qua khủng hoảng. 

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng chính sách kiểm soát và kiềm chế xã hội dân sự ở Việt Nam khiến nó thiếu một xã hội dân sự phát triển lành mạnh. Vậy làm cách nào để nó đối phó với những đại khủng hoảng trong tương lai tương tự như khủng hoảng COVID-19?

Vốn xã hội của Việt Nam vẫn chỉ nằm dưới dạng tiềm ẩn. Nếu Việt Nam tiếp tục tư duy pháo đài thì các nguồn lực xã hội không thể khơi thông được. 

Trong đại dịch COVID-19 năm 2021, Việt Nam chứng kiến sự bất lực của các tổ chức xã hội sống bằng ngân sách nhà nước. 

Các tổ chức xã hội nhà nước như Tổng liên đoàn lao động nhận một nguồn lực tài chính khổng lồ. Như Tổng liên đoàn lao động thu trong 5 năm qua gần 4 tỷ USD, có hơn 29 ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng. Với nguồn lực lớn như vậy, nhưng họ hoàn toàn bất lực và không có vai trò gì trong việc đối phó với đại khủng hoảng do đại dịch gây ra. Đúng hơn, họ không có động lực để làm việc. 

Như vậy, nghịch lý của Việt Nam là các tổ chức xã hội của nhà nước thì có nguồn lực tài chính lớn nhưng bất lực, còn các tổ chức xã hội dân sự thì hoạt động có hiệu quả nhưng manh mún, yếu ớt và không phát triển được. 

Việt Nam chỉ có thể tin rằng trong tương lai nếu xã hội có những đại khủng hoảng thì xã hội sẽ tự khơi thông được nguồn lực để giúp Việt Nam vượt qua. 

Có một trường hợp quốc gia đã sụp đổ khi đối diện với đại khủng hoảng: Haiiti. Haiiti chịu đựng 2 khủng hoảng cùng lúc: đại dịch COVID-19 và động đất lớn. Bộ máy chính quyền bị sụp đổ, không còn sức mạnh, xã hội đen nhảy ra kiểm soát xã hội. 

Như vậy, khi một xã hội thiếu vắng một xã hội dân sự trưởng thành thì rất dễ bị sụp đổ khi nhà nước bị đổ vỡ trước những khủng hoảng kép, dẫn đến hỗn loạn không thể giải quyết. 

“Vô chính phủ” là trạng thái không có chính quyền trung ương nhưng xã hội vững mạnh và ổn định, còn trường hợp xấu, ngược lại, là hỗn loạn chứ không phải “vô chính phủ”. Trong đại dịch COVID-19 năm 2021, ở Việt Nam cũng có hiện tượng “chống người thi hành công vụ gia tăng.” Đó là điều không ai mong muốn. 

Thực tế, ở Việt Nam, việc ứng phó với các đại khủng hoảng trong tương lai, cũng như việc xã hội dân sự có phát triển được hay không, vẫn thuộc về vai trò của nhà nước. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, có đủ khả năng ứng phó với các đại khủng hoảng trong tương lai, thì vai trò của xã hội dân sự vẫn là quan trọng, và nhà nước chỉ có thể đưa ra tầm nhìn và định hướng để xã hội có thể xây dựng được năng lực nội tại của mình. 

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ xin cảm ơn Tiến sỹ Bùi Hải Thiêm. 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ