Giáo sư Cao Văn Thân vừa qua đời tại Montreal, Canada, hôm 14 tháng 4 năm 2020 vì bệnh thận. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây bản dịch bài viết của ông vừa được in trong tuyển tập “Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc” (Vũ Tường và Sean Fear biên tập, Nhà Xuất Bản Đại học Cornell cho Chương Trình Nghiên Cứu về Đông Nam Á), chương 4, trang 47-51. Bản dịch của Phan Lương Quang do Vũ Tường hiệu đính.
PHẦN 1: CHƯƠNG TRÌNH NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG
PHẦN 2: CUỘC CÁCH MẠNG XANH
PHẦN 3: TỰ DO HÓA VẬT GIÁ VÀ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Tôi tin rằng Tổng thống Thiệu trong thâm tâm là một nhà nông. Ngoài việc cải cách ruộng đất, ông ấy cũng ra lệnh cho tôi khởi động một chương trình phát triển nông nghiệp đầy tham vọng để đẩy nhanh nền kinh tế nông nghiệp và củng cố những thành quả của cải cách ruộng đất…
Tôi đã khởi xướng một kế hoạch phát triển nông nghiệp kéo dài 5 năm, bao gồm chín ngành nông nghiệp và hơn 30 chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp. Trong kế hoạch có cả ngành chăn nuôi, thuỷ sản và lâm sản. Tổng thống Thiệu đã chính thức tuyên bố kế hoạch này vào năm 1970 trong một diễn văn quan trọng truyền đi khắp quốc gia tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ông Thiệu cho biết chính quyền sẽ khởi động chương trình 5 năm để đạt đạt ba mục tiêu chính: đáp ứng như cầu quốc gia về các mặt hàng thiết yếu; tăng mức sống ở nông thôn; và khuếch trương xuất cảng trong khi giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập cảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương và gia tăng ngân khoản ngoại tệ.
Trong số hơn ba chục đề mục của kế hoạch 5 năm đầu tiên, tôi đã đưa Chương trình Sản xuất Lúa Thần Nông Cấp Tốc ( LTNCT) lên làm trục chuẩn. Sản xuất lúa gạo là một phần mật thiết của văn hoá Việt Nam. Không những là thức ăn chủ yếu của chúng ta, lúa gạo còn nằm ở trung điểm văn hoá và lối sống của chúng ta nữa. Trong niên giám về phát triển kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ có bất kỳ chương trình phát triển nông nghiệp nào có tầm vóc quy mô hơn, phức tạp hơn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đáng kể hơn, và thành công hơn so với chương trình LTNCT.
Một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử sản xuất lương thực là việc phát hiện các giống lúa mới có năng suất cao trong những năm 1960 của Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc tế (IRRI) đặt trụ sở tại Philippines. Phát minh này là trọng tâm của cuộc Cách mạng Xanh Toàn cầu, khiến cho nạn đói trở thành một vấn đề của quá khứ. Các nhà khoa học quốc tế của IRRI đã học cách lai tạo một số giống lúa có năng suất cao và chín mùa sớm hơn mấy giống lúa quen thuộc. Giống lúa mới có năng suất cao gấp đôi, ba, và thậm chí gấp bốn lần năng suất bình thường của các giống lúa địa phương đang dùng, khởi xướng một cuộc cách mạng thần tốc cho giống cây lương thực quan trọng nhất của loài người. Bằng cách rút ngắn thời gian chín của gạo từ 120-140 ngày xuống còn 90 đến 100 ngày, chúng cho gặt được nhiều lần trong hai mùa cấy theo truyền thống.
Các nhà khoa học ở IRRI cũng khai triển loại lúa có thân ngắn và cứng hơn nên ít bị ảnh hưởng của gió và mưa. Gạo mới cũng hấp thụ phân bón nhiều hơn, giúp tăng trưởng nhanh hơn và cho nhiều hạt hơn. Họ cũng đã phát minh ra các giống lúa thân dài, có thể sống được trong những thửa ruộng sâu ngập nước, thậm chí sản xuất các giống khả dĩ kháng cự lại bệnh lúa và sâu bọ, và những cây có khả năng chịu đựng muối hoặc phèn ở mức độ cao, là thích hợp với ruộng ở lưu vực cửa sông như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Miền Nam Việt Nam may mắn được cơ hội tham gia vào thực nghiệm trồng trọt các giống này trên đồng ruộng toàn quốc, vào đầu năm 1967. Trong một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và làm sụt giảm khả năng sản xuất lương thực, những thay đổi quy mô và nhanh chóng trong ngành canh nông đã trở thành cấp bách, đặc biệt là vào lúc nhập cảng lương thực với viện trợ của Mỹ bắt đầu bị cắt giảm.
Để nhấn mạnh quyết tâm của mình trong việc khởi động giai đoạn Cách mạng Xanh ở Việt Nam, và để cho quân dân cán chính thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng này, Tổng thống Thiệu muốn cho mọi người thấy ông bước xuống ruộng lúa ngập nước tới đầu gối, cấy Lúa Thần Nông và khoe những máy gặt cầm tay mới. Ông cũng đích thân phân phối các bằng khoán đất đai trên toàn quốc. Sản xuất lúa Thần Nông đã được thêm vào danh sách mục tiêu Bình định và Phát triển tổng thể của ông, và ông tự mình theo dõi và kiểm soát sát sao tiến trình của chương trình này. Trong những buổi họp hàng tháng ở các vùng chiến thuật, tập trung nhiều cơ quan quân sự và dân sự ở cấp cao nhất, Tổng thống coi số lượng hecta phân phối cho nông dân và gieo trồng lúa Thần Nông cũng quan trọng như số địch quân bị chết và số làng xã được hồi phục an ninh.
Không có gì hiệu quả hơn sự hỗ trợ trực tiếp của Tổng thống. Tôi tháp tùng ông ấy trong các chuyến đi kinh lý cao cấp hàng tháng và xin các cơ quan quân sự cấp tỉnh và địa phương giúp đỡ để xóa bỏ các nút nghẽn hành chính. An ninh quân sự thường là vấn đề nan giải nhất, đặc biệt là ở những vùng xa xôi của đất nước, và những mệnh lệnh trực tiếp của ông Thiệu đối với các cấp chỉ huy địa phương đã giúp giải quyết nhanh chóng những thử thách chúng tôi đã gặp phải.
Chương trình sản xuất lúa Thần Nông thực sự là nỗ lực lớn nhất và tham vọng nhất do chính phủ thực hiện, thậm chí hơn cả chương trình NCCR. Tất cả các tổ chức then chốt trong chính phủ đều tham gia, dưới sự lãnh đạo của Bộ Cải cách Ðất đai và Phát triển Nông nghiệp.Trên 9 ông Giám đốc Nông nghiệp đã có 8 ông tham gia, và vào thời điểm đó. Chương trình đã sử dụng 18.000 trong số 20.000 nhân viên của Cơ quan Nông nghiệp – đây là chi nhánh dân sự lớn nhất trong toàn bộ chính phủ.
Gạo, nhứt là các giống mới có năng suất cao, là một loài rất khó trồng và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều yếu tố liên quan đến quá trình. Những yếu tố này bao gồm việc chuẩn bị đất đai thích hợp; lựa chọn giống thích hợp cho từng loại ruộng đồng cụ thể; nuôi dưỡng cây mạ; canh đúng thời gian để cho thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ; quản lý mực nước; áp dụng phân bón phù hợp cho từng loại đất; tiên đoán thời tiết; quản lý lao động của trâu bò và con người; đầu tư máy móc; và, cuối cùng là gặt hái, vận chuyển, tồn trữ, chế biến và bán gạo, tất cả đều đòi hỏi tín dụng phải có sẵn sàng để dùng và tình trạng an ninh quân sự tốt.
Vào lúc đỉnh cao của chương trình này, hàng chục ngàn chuyên viên ở mọi cấp của Bộ Cải cách điền địa và Bộ Phát triển Nông nghiệp ở cấp trung ương, tỉnh và địa Phương — cùng với cán bộ Phát triển Nông thôn ở mỗi tỉnh, đã tham gia rất nhiều vào công việc hàng ngày. Chúng tôi lập kế hoạch; thực hiện các công việc; đào tạo cán bộ và nông dân; tiến hành nghiên cứu; giám thị nhân viên hỗ trợ; tiến hành kiểm tra; sửa lỗi; và soạn thảo và nộp phúc trình. Công việc của tôi là nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng, với mỗi bước của quá trình đòi hỏi ăn khớp cho nhu cầu của chu kỳ trồng lúa. Đó là một kỳ công hiếm thấy trong lịch sử nông nghiệp do tính chất không dự đoán được của thời tiết, nguồn lực tài chính eo hẹp, và sự khan hiếm về nguồn nhân lực của một nước kém phát triển đang trải qua chiến tranh.
Các bộ và cơ quan khác cung cấp hỗ trợ ở mức độ khác nhau. Bộ Kinh tế dành ưu tiên ngoại tệ khan hiếm để nhập cảng các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thiết bị nông nghiệp và máy móc. Bộ này cũng đảm trách về các chính sách tiếp thị gạo để khuyến khích nông dân tăng sản lượng. Chính sách trong những năm trước đó đã đưa đến tình trạng nông dân chỉ sản xuất cầm hơi, và hậu quả là tích trữ, lạm phát, đầu cơ, gây rối đời sống nông thôn và đô thị, và làm suy sụp tinh thần quân đội và dân sự.
Vào năm 1973, một cuộc cải tổ nội các đã dẫn đến một cách tiếp cận mới về tiếp thị lúa gạo tạo thuận lợi nhiều hơn cho các nhà sản xuất ở nông thôn so với người tiêu thụ ở thành thị. Để hiểu tại sao chính sách tiếp thị mới này lại quan trọng, chỉ cần nhìn vào Philippine nơi Lúa Thần Nông xuất phát và nơi mà Cách mạng Xanh bắt đầu nhưng chính sách tiếp thị gạo của họ đã tạo thuận lợi cho người tiêu dùng ở thành thị. Cho đến ngày nay, Philippine vẫn nhập cảng hàng năm một lượng lớn gạo để cung cấp cho dân cư đô thị. Chính sách tiếp thị lúa gạo mà chúng tôi thực hiện vào năm 1973 ở miền Nam Việt Nam đã mang lại sự bùng nổ trong sản xuất các giống lúa năng suất thương mại cao trên toàn quốc, và đưa chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu tự cung tự cấp. Loại gạo này của chúng ta hấp dẫn đến nỗi cán bộ cộng sản bắt đầu đem lậu hạt giống ra miền Bắc để tăng gia tỷ lệ sản xuất lương thực yếu kém của họ.
Trong khi đó, để giúp nông dân đầu tư, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính đă quán xuyến một chương trình để các ngân hàng nông thôn cho vay một số tiền nhỏ, trung bình khoảng 50 đô la Mỹ, để mua các hạt giống năng suất cao, trang thiết bị nông nghiệp, máy bơm, động cơ, phân bón, thuốc diệt cỏ, và thuốc trừ sâu. Việc mở rộng tín dụng nông thôn có ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, vì nhiều nông dân đã có thể chuyển từ trồng lúa chỉ để ăn sang qua trồng lúa để bán. Chúng tôi cảm thấy rất phấn khích khi nhìn thấy những chiếc thuyền gỗ nhỏ, gắn máy “đuôi tôm” nhập cảng, đi ngang qua các con kinh và vận chuyển hàng hoá đến thị trường.
Mọi chuyện bắt đầu khi Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam (NHPTNN) khởi xướng chương trình Ngân hàng Nông thôn vào năm 1969, đồng tài trợ cho bốn Ngân hàng Nông thôn cùng với các nhà đầu tư tư nhân. Mục đích là cung cấp các dịch vụ và tín dụng ngân hàng cho cấp ấp, ở các vùng nông thôn chưa có sự hiện diện của ngân hàng thương mại. Nguyễn Đăng Hải, Tổng giám đốc mới, từng là tổng giám đốc của dự án. Đến năm 1974, ông đă tăng số ngân hàng nông thôn lên 86.
Mỗi Ngân hàng Nông thôn là một thực thể riêng biệt, giống như bất kỳ ngân hàng thương mại nào khác, đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Hội đồng quản trị do cổ đông bầu ra và phải nộp đơn cho Ngân hàng Quốc gia để xin giấy phép. Là một nhà tài trợ đặc biệt và là đồng sở hữu chủ của Ngân hàng Nông thôn, NHPTNN đã tổ chức các khoá đào tạo cho nhân viên và Hội đồng Quản trị của từng chi nhánh nhằm đảm bảo rằng các Ngân hàng Nông thôn duy trì lợi ích của cổ đông và tuân theo luật pháp. NHPTNN cũng tiến hành kiểm toán đột xuất thông thường để để đảm bảo mọi luật lệ được tôn trọng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng và Nội vụ đóng một vài trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh cho nông thôn. Họ khởi động các cuộc hành quân để diễn ra trùng hợp với mùa gặt hái, và hoãn quân dịch cho chuyên viên nông học để giúp chúng tôi trong những thời điểm quan trọng nhất của mùa trồng trọt. Khoảng 50.000 cán bộ phát triển nông thôn cũng đã góp sức để giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực liên tục do quân dịch tạo nên.
Việt Nam Cộng Hoà là một trong số ít quốc gia đầu tiên thử nghiệm những giống lúa mới này, và vì có hơn một nửa chục loại giống, nên chúng tôi phải trồng mấy giống này theo phương thức thử nghiệm và sai sót để xác định giống nào thích hợp nhất cho từng vùng. Đó là một dự án tốn thời giờ, đầy khó khăn và thường xuyên gặp thất bại. Thêm nữa, hạt giống của chúng tôi đến từ Philippines, và nước này đã cấm vận xuất cảng các giống mới, ngăn cản trầm trọng nỗ lực của chúng ta. Tổng thống Lyndon Johnson đã can thiệp trực tiếp trước khi chúng tôi nhận được lô hạt giống đầu tiên, có nghĩa là chúng tôi phải làm thêm giờ nghiên cứu để gây giống mẫu đầu tiên này. Nhưng chúng tôi đã cương quyết tiến tới và may thay, thời tiết đã giúp chúng tôi trong suốt mấy mùa gặt đầu tiên của giống lúa nầy.
Trước khi có Lúa Thần Nông, Việt Nam đã có gần 900 loại lúa, trong đó có một số rất độc đáo và quí giá. Thuyết phục người nông dân bảo thủ để từ bỏ những giống gia truyền họ yêu thích và tin cậy để thử nghiệm lúa của chúng tôi là một cố gắng phi thường. Một trong những mưu mô (scheme) của chúng tôi là ra lệnh cho cán bộ Phát triển Nông thôn ngủ ngoài trời, bên cạnh những mảnh ruộng lúa thần kỳ. Tin rằng bất cứ những gì được canh gác chặt chẽ phải rất có giá trị, nông dân bắt đầu ăn cắp hạt giống lúa Thần Nông để tự kiểm nghiệm, và sau đó họ đã được thuyết phục một cách nhanh chóng. Sau đó họ sẽ ăn cắp một số hạt giống này để gây giống cho mùa lúa sau. Mưu mô này đã thành công vượt khỏi mong đợi của chúng tôi.
Một cách làm đàng hoàng (transparent) hơn là chứng minh cho người nông dân thấy bằng thí dụ. Khi nông dân thấy hàng xóm của họ đang trở thành giàu có một sớm một chiều, họ sẽ bớt chống đối. Một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long canh tác một diện tích 3 hecta đất sau 2 mùa gặt lúa Thần Nông sẽ sản xuất khoảng 24 tấn lúa một năm. Nếu bán với giá 10.000 đồng một tạ gạo, và giả định rằng 100 kg lúa sản xuất 75 kg gạo, người nông dân có thể đạt được lợi nhuận đáng kể bằng khoảng 30% tổng thu nhập. Nói cách khác, một nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long trung bình có thể kiếm được 2.000.000 đồng doanh thu hay là 600.000 đồng lợi nhuận ròng mỗi năm.
Sự phát triển nông nghiệp quy mô này có tác động sâu rộng. Gần như một sớm một chiều nó đã giúp đa số người nông dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, làm cho một tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi trong quá khứ trở thành một tầng lớp trung lưu mới ở nông thôn. Ước tính của chúng tôi cho thấy thu nhập ở nông thôn tăng lên gấp đôi, và trong một vài trường hợp tăng lên đến gấp bốn lần sau khi lúa Thần Nông xuất hiện.
Những sáng kiến này đã đưa đến diện tích trồng lúa Thần Nông tăng lên 900.000 héc-ta vào năm 1973, nhưng con số này chưa kể đến những nỗ lực thử nghiệm của người nông dân ngoài chương trình chính thức của chúng tôi. Việc mở rộng các hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo cũng góp phần làm tăng sản lượng thịt, gia cầm và cá. Nói gì đi nữa thì đây cũng là một thành tựu phi thường đạt được trong thời chiến. Chỉ vài năm sau khi hoàn thành chương trình NCCR một tầng lớp trung lưu phát đạt đã bắt đầu xuất hiện. Nó đã đưa Nam Việt Nam trở lại khả năng tự cung tự cấp lúa gạo vào đầu năm 1975 với khối lượng lên đến 600.000 tấn/năm, sau gần một thập niên lệ thuộc vào gạo nhập cảng.